Hãy ngước mặt và thả bay đi những cơn mưa

bùi vĩnh phúc

B_i V_nh Ph_c, California 1987Để ghi nhớ một khoảng cách 40 năm.

Và để đóng lại cái chu kỳ ấy.

(bvp / XII, 2015)

.1.

Bây giờ, ở đây, mùa thu đã về.

Sáng hôm nay, một cơn mưa phùn bay qua cái thành phố miền biển nơi tôi đang ở. Cơn mưa kéo theo nó cái hơi lạnh cùng với mùi ẩm mốc dịu dàng tha thiết của những cơn mưa cũ càng còn rớt lại trong ký ức tôi. Những cơn mưa bay giăng giăng trong buổi sớm mai này đã gõ thẳng xuống những phím đàn cũ. Những dây mưa trùng trùng đánh vạt chéo trên hồn người. Những dây mưa? Hay đó là những ngón tay mềm thơm của kỷ niệm?

Mùa thu. Trời mưa trời mưa.

Mưa đang giăng tơ, rồi bỗng mềm nhoè đi thành một dải sương trắng mỏng. Phấp phới. Mưa ở California đập vào cửa kính những tiếng lách cách rồi rơi vỡ thành những giọt nước chảy dài trên kính cửa. Và rồi cơn mưa gõ xuống rối rít như những bàn tay đập mạnh và liên hồi vào cánh cửa cũ mục của thời gian. Những giọt nước mưa nhoà đi trong khi tiếng mưa réo đập càng lúc càng thúc hối.

Và cánh cửa quá khứ mở ra.

.2.

Ngày xưa, mưa ở Sàigòn.

Những cơn mưa đã ôm choàng lấy tuổi thơ dại của mình. Rồi tuổi thơ ấy lớn lên, có lúc xanh như cây lá, có lúc héo úa tả tơi, cũng đã nhìn những cơn mưa chụp xuống. Có những cơn mưa chụp xuống như những chiếc dù, đẩy đời ta vào mộng. Có những cơn mưa chụp xuống như một mối đe doạ vô hình, bảo rằng ta sẽ phải đi dầm dãi mãi trong mưa. Mưa vỗ xuống giang đầu khi người ta bơ vơ mất lối. Chiếc bóng bên trời. Vầng trăng xẻ đôi. Và rừng chiều thì âm u, rét mướt.

Có những cơn mưa tuổi thơ. Những buổi chiều mưa bay ào ạt trong khu xóm nhỏ, nó cùng với lũ bạn chạy ùa ra đường tắm mưa. Trong trời mưa, những con ngõ trong khu xóm nhỏ bé thoắt chốc biến thành một thế giới khác. Mưa như dựng phông cho một vở kịch mà trẻ con trở thành những diễn viên hào hứng nhất. Mưa đổ xuống như thác. Những con ngõ nhỏ ngập nước. Trẻ con nhiều đứa nằm lăn ra trên những con ngõ nhỏ có lát xi-măng, ở đó, nước mưa chưa kịp chạy thoát dâng lên như một con sông mùa lũ.

Trẻ con một vài đứa… lịch sự mặc quần đùi, đa số mặc quần áo thiên nhiên lăn ra bơi lội. Nhiều đứa nằm ngửa mặt há miệng hớp nước mưa. Cái cảm giác thênh thang ấy nó nhớ hoài. Nó nằm há miệng hớp nước mưa như cá. Những tảng nước ào ào, rầm rập đổ xuống từ trời. Thơm và mát lạnh. Chung quanh thân thể là từng lớp nước xô đẩy bập bềnh. Cái khoái cảm tắm truồng trong mưa ấy chỉ đến với người ta vào một thuở trong đời. Nếu không hưởng, chẳng bao giờ người ta lại còn có lại được cái cơ hội sống tràn trề như thế.

Mưa cũng đổ xuống ào ào từ ống máng những nhà hàng xóm. Nó đứng ngay dưới ống máng; cơn mưa tụ lại đổ ào từ đầu xuống chân. Nó hai tay vuốt nước mưa trên mặt, hai chân cứ nhảy cẫng lên vì thích thú. Nhiều khi, có những cô bé bốn, năm tuổi, cũng trạc tuổi nó lúc ấy, chạy đến xin tắm nhờ dưới ống máng nó đã giành trước. Nhớ lại những nét mặt hớn hở, những đôi mắt trong sáng hơn nước mưa kia của các cô bé trong buổi thiếu thời tắm mưa, nó lại nhìn ra những kỷ niệm đẹp đẽ dắt tay nhau về.

Khi lớn lên một chút, bố mẹ không còn cho tắm mưa, những buổi mưa lũ như thế, thằng bé hay ngồi xếp thuyền giấy thả đầy con ngõ nhỏ. Những chiếc thuyền băng băng trôi trên nước đã chở hộ ra đại dương của lòng nó những mơ ước trẻ con thơ ngây ngày cũ. Nước băng băng nước trôi về đâu? Những con thuyền bé nhỏ kia, chẳng biết chúng đã đi đến những bến bờ nào trong cuộc đời này? Chúng đã biến thành cái gì sau khi đã chia tay nó từ gần năm, sáu mươi năm về trước, trong khi nó vẫn còn ngồi đây?

Ta vẫn còn ngồi lại trong cõi sống này nhìn những cơn mưa rơi vỗ lộp bộp trên những ngày tuổi thơ tuổi nhỏ.

Khi lớn lên, trong đời, người ta lại có những cơn mưa khác.

Có những ngày người ta đi vào những cơn mưa bụi rơi trong sớm mai mà nhớ đến những giọt nước mắt long lanh của một người con gái. Sống, không nên mềm yếu, nhưng cũng không nên sợ hãi để nhìn vào những nỗi buồn mình. Sống, không nhất thiết là phải luôn luôn đứng thẳng, ngực ưỡn, và mắt nhìn cương quyết về phía trước. Cũng có những khi, để sống thực, người ta còn phải có những lúc nhìn thấy mình xót xa vì một giọt trong sáng đọng lại cuối một khoé mắt kia. Rồi giọt nước mắt nhoè đi thành một màn sương khi người ta cất bước. Mưa trong bình minh. Và tiếng còi tàu hú buồn se sắt giục giã người ta lên đường…

Dù sao, tôi cũng xin còn được nhớ lại Sàigòn những chiều mưa ướt trên sông. Mưa đằm đằm bay suốt một khoảng sông ngút mắt. Lúc ấy, chắc em khoảng mười bảy, mười tám tuổi, phải không? Quán chiều, cạnh bờ sông, chỉ có hai người khách là anh với em thôi. Cô chủ quán lui vào trong chiếc chòi tre. Chỉ còn quạnh vắng tiếng mưa. Những bè gỗ mục trôi lênh đênh trên dòng sông trắng. Cơn mưa đằm đằm đan chéo một nỗi nhớ nhung. Anh ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới. (1) Tiếng chuông nhà thờ vọng lại như ngân lên trong mưa thành một điệu nhạc trắng mênh mang. Những cơn gió thốc hắt hơi mưa vào chúng ta. Tóc em bay mưa, mềm. Em đặt hai bàn tay em, lạnh giá, trong hai tay anh. Em bảo nhỏ em không sợ mưa nữa. Anh thương em biết bao vì câu nói tội nghiệp ấy. Bây giờ, lầm lũi trong suốt những cơn mưa của đời sống mình, anh vẫn còn nhớ câu nói nhỏ nhẹ và tin tưởng của em chiều mưa giăng trên sông ấy. Ừ, tất cả những cơn mưa đều làm cho mình mạnh lên, anh vẫn nhủ mình như thế.

Có những cơn mưa đổ xuống trên thành phố Sàigòn những chiều đất trời đang lênh đênh vàng nắng. Người ta đang đi lục lọi sách trên đường Công Lý hay đang ngồi ăn đu-đủ-thịt-bò-khô hoặc bánh cuốn giò hay bánh cuốn tôm trên đường Pasteur. Bất chợt, một cơn mưa ập xuống.

Mưa đổ rào rào. Người ta căng những tấm bạt bằng vải dù hay bằng ny-lông ra để che mưa. Ôi, những cơn mưa bóng mây. Những cơn mưa bóng mây làm người ta đứng hoặc ngồi nép vào nhau. Tất cả những người xa kẻ lạ của cái góc phố Sàigòn kia nép hẳn vào nhau. Mưa rơi lục bục trên những mảnh vải dù chăng dây sũng nước. Những tấm vải bạt mỗi lúc lại chĩu nặng xuống. Dưới những tấm vải bạt, trên đầu là những cơn mưa từ trời đổ xuống, người ta tiếp tục ngồi ăn đu-đủ-thịt-bò-khô hay bánh cuốn giò chấm nước mắm ớt, và suýt soa nhìn ra ngoài kia bay chéo những cơn mưa. Những chiếc xe Honda hoặc PC50 chạy vội vã. Cây lá xanh lên cái mầu xanh căng đầy sức sống lúc trời đất gửi tình cho nhau. Ôi, những chiếc lá ướt mưa. Tôi quá thương những chiếc lá ướt mưa. Chúng run rẩy, hạnh phúc trong cơn mưa oà lấp, phủ kín. Khi trời mưa xong, chúng sẽ xanh mơn mởn và dịu dàng đùa vẫy trong gió… Cơn mưa lục bục trên đầu như thế là đủ đẹp. Chỉ chừng mươi, mười lăm, hai mươi phút thôi. Rồi trời trở lại tạnh ráo. Sàigòn lại trở lại cái nhịp sinh hoạt bình thường của nó.

Có những buổi chiều hay buổi tối ở Sàigòn, tôi đang ngồi đọc sách trên sân thượng, mưa bỗng bất chợt đập lắc cắc trên những mái tôn, mái plastic trên đầu.

Cái phòng đọc sách trơ vơ trên chiếc sân thượng cao tít này, lúc mưa, đã đem đến cho tôi những cảm giác mênh mông và lênh đênh lạ lùng. Cái sân thượng là một khoảng trống chữ nhật khá lớn, có thành cao đến eo tôi. Một phần nhỏ của diện tích sân thượng này được dựng làm phòng đọc sách. Anh em tôi đóng gỗ bao nó lại như một cái chòi nhỏ. Bên cạnh đó là một bồn chứa nước lớn, cộng với một khoảng không gian bao quanh, có cửa gài lại, nếu muốn. Ai muốn tắm thì tắm. Muốn giặt giũ, ca hát gì trong đó cũng được. Có những lúc hứng chí, tôi vào đây thử giọng mình, thấy âm vang một cách kỳ lạ. Tất cả những phần còn lại của sân thượng đều trống tuênh. Những mảnh tôn và plastic được lợp trên những cột bê-tông để che mưa nắng. Từ phòng đọc sách, tôi có thể đưa mắt nhìn khắp ba phía không gian bên ngoài. Bà cụ và anh chị em tôi trồng rất nhiều loại hoa cỏ và cây cối trên sân thượng này. Buổi sáng, những con chim kéo đến luýt chuýt. Ấy là lúc tôi đã trèo lên sân thượng chờ nhìn những tia đỏ của mặt-trời-mới xé rách dần cái bức màn trắng như sữa ở phương Đông. Mùi hoa cỏ ban sớm thơm một cách trong lành, thanh thản. Buổi tối, tôi hay mắc võng nằm đây nghe những tiếng động lắng dần dưới đường phố. Và đêm yên lặng, như một tấm dạ nâu mềm, dũ ra.

Hãy trở lại với cơn mưa lắc cắc lúc nãy. Ngồi trong phòng đọc sách (hay có thể nghĩ nó là một cái nhà chòi, nếu muốn tưởng tượng ra mình là một Tô Vũ chăn dê hay một gã chăn vịt), tôi nhìn ra ba phía mưa bay. Những cơn gió lướt theo cùng với cơn mưa quật đập và làm rũ rượi những hàng cây lá xa xa mờ khuất trong mưa. Không phải mưa, đó là lớp lớp vó ngựa phi trong các nẻo mưa bay. Đó là trùng trùng những cánh chim đập gió trong một ngày bão dậy. Những cây cối, hoa cỏ trong vườn thượng nhà tôi cũng tơi tả, xác xơ và vương đầy những giọt nước của cơn mưa mù khắp. Ngồi trong chòi sách, giữa những âm thanh và cuồng nộ của đất trời ấy, giữa trùng trùng trắng xoá mưa bay ấy, tôi mở quyển A Tear and a Smile của Kahlil Gibran ra đọc một đoạn tả bước chân mưa. Hay mở The Rain on the Roof của Coates Kinney, hoặc The Voice of the Rain của Walt Whitman ra để nghe thử những tiếng mưa của thi sĩ. Và thấy là mình vô lý. Bèn gấp sách lại, cởi trần, ra đứng dang hai tay sát thành sân thượng, để những lớp mưa theo gió hắt mạnh vào người. Nhắm mắt lại, hét Aaaaaaaaaaaaa theo mưa. Và thấy mưa về ngập tràn thân thể. Mưa thấm sâu vào trong tận cội rễ mình.

Ừ, những cơn mưa tràn trề bùng vỡ như thế cứ còn trở về hoài hoài trong trí nhớ mình sau này. Mình cứ nằm mơ thấy những cơn mưa. Thấy mình ở trên một ngôi nhà cao, quạnh quẽ gió thốc, bên một bờ biển. Buổi tối. Những tiếng sóng bươn bả đập vào ghềnh đá. Ngôi nhà mọc chênh vênh trên núi đá, thông thống từng lớp gió. Mình cũng lại ngồi trên sân thượng. Cái sân thượng không có vách che bốn bề kia. Một mình mình ngồi nghe gió thổi và mưa giăng bốn phương tám hướng. Mình không còn đứng dang hai tay ngẩng mặt hét vang Aaaaaaaaaaaaa như ngày xưa ở nhà. Mà mình đứng tựa vào lan can nhìn khắp nơi xem có ai ở gần đó không. Bốn bề chỉ có trắng xoá mưa bay. Những mũi tên trắng xoá của trời hình dung thấy cắm thẳng xuống đất. Những mũi tên cứ giăng đầy và cắm xuống mãi. Những hình ảnh không màu ấy trong giấc mơ là một loại phim đen trắng và không có âm thanh. Nhưng chính vì nó đen trắng mà lại vô thanh nên nó đã có hiệu ứng chấn động kinh khủng… Những cơn mưa, ám ảnh mình hoài, từ đó, trở thành một cái gì thân thiết mà tàn bạo. Tàn bạo và thân thiết như định mệnh con người.

Và rồi có những buổi tối mùa thu. Thánh Chín, tháng Mười ở Sàigòn. Thành phố ướt nước. Mưa. Sàigòn sương mù đèn đỏ đèn xanh. Mưa không lớn mà cũng không nhỏ, chỉ đủ làm ướt sũng đường phố và cây lá hai bên đường. Ta mặc cái áo mưa quân đội rộng thùng thình vào, kéo mũ áo mưa sùm sụp trên đầu, và leo lên chiếc Honda dame đầy bụi, bắt đầu thả vòng thành phố. Từ ngõ ra, ta đuổi theo mưa bắt đầu tử cổng xe lửa số Năm đường Phan Thanh Giản, đi qua nhà thương Saint Paul. Tới Duy Tân, quẹo phải, qua trường Luật, vòng một vòng công trường Chiến Sĩ, trở lại chạy thẳng lên nhà thờ Đức Bà. Ra Nguyễn Du. Quẹo phải Hai Bà Trưng. Rẽ trái Đồn Đất. Tới trường Saint Paul. Quẹo trái ở Cường Để, đi qua Dòng Kín, chủng viện Thánh Giuse. Qua Dược, qua Văn Khoa, qua Nông Lâm Súc, về Đinh Tiên Hoàng… Cứ thế, ta co hai chân lên thành xe, thọc một tay vào túi, mũ áo mưa sùm sụp trên đầu, và lái xe chạy vòng vòng thành phố.

Cái thành phố ấy trong mưa trông thật buồn và hiền lành. Không ồn ào, náo nhiệt, cuồng loạn như lúc bình thường. Trời mưa, đường phố trở nên im vắng. Mọi tiếng động chìm hẳn đi. Chỉ còn tiếng nước mưa đập xuống mặt đường lách tách. Qua đôi mắt kính, những ánh đèn xanh đỏ bỗng lung linh nhoà nhạt một cách kỳ ảo. Một mình lái xe chầm chậm qua những đường phố vắng vẻ. Mùi thơm ướt át của hoa lá thoáng nhẹ tự nhiên làm trái tim người ta mềm ra. Mùi thơm hình như vỗ lại một vài kỷ niệm nhỏ nhoi nào đó trong đời. Khi chạy qua nhà thờ Đức Bà, một cảm giác lạ lùng, huyền bí bao trùm lấy con người ta. Ta có cảm tưởng là chất nước tinh sạch nhỏ xuống từ trời, qua màn mưa giăng chéo kia, đã làm những viên gạch đỏ cũ kỹ hàng thế kỷ, dùng để xây và lót nền khu vực bao quanh nhà thờ, tỉnh dậy. Chúng bàng hoàng tỉnh dậy như vừa qua một giấc mơ. Mỗi một viên gạch lại có một sức sống mới. Một cái gì cựa động, thoát ra từ những viên gạch cũ đỏ. Một mầm cây, có lẽ đang bật ra đâu đó, từ một viên gạch nào đó, bỗng máy động trong tim ta. Những lớp rêu xanh mờ cũ kỹ kia đang mặc lấy cho chúng một đời sống mới. Tất cả mọi thứ đều máy động nhẹ nhàng trong tim người. Những nguyên tử cấu tạo nên những viên gạch cũ càng kia đang xao động. Ta nghe cả vũ trụ chợt xôn xao máy động trong con người mình.

Những buổi tối Sàigòn rét mướt, ướt mềm như thế, ta cảm thấy yêu mến Sàigòn hơn. Ta hiểu Sàigòn hơn. Đó không phải là một nơi chốn xa hoa đèn đóm, và tiếng nhạc hư hỏng dập dình phát ra từ những góc phố Tự Do hay Hai Bà Trưng gần bến Chương Dương. Đó không phải chỉ là nơi phô bày những chiều quần nhung áo lụa dập dìu phố chợ. Sàigòn còn là, và chính yếu là, một nơi chốn để nhớ về. Ta nhớ Sàigòn ngay khi ta còn sống ở đấy, còn ngửi mùi thơm của cỏ hoa, mưa nắng ở đấy.

Sàigòn trời mưa. Hình ảnh ấy mềm dịu, hiền lành, tội nghiệp, và sống thật nhất trong cảm nhận của ta về cái thành phố xa cũ đó. Ồ! Mưa đã bay qua mấy chục năm rồi! Những dải mưa xưa.

Có những lần ta và vài người bạn cùng với đám học trò ngồi trong nhà nghỉ mát ở Club Nautique Thanh Đa, nhìn mưa đan chéo bốn bề. Mưa ào ạt trắng xoá giăng ra thành những sợi dây tơ mỏng và trong, nối liền trời với đất. Đất trời và không gian làm thành một rừng mưa phủ mộng. Phía xa xa kia là dòng sông. Dòng sông ngân lên thành một khúc nhạc trắng muốt. Dòng sông trắng ngân lên như một phím dương cầm. Sông mưa. Sông mưa. Những tiếng mưa vỗ đều trên sóng mềm và gió lá. Cô học trò ôm đàn ngồi hát: Gọi mùa thu lãng quên vào tiếng mưa rơi êm đềm. Trời còn mưa ướt thêm, cho dài ngày tháng không tên. Người bạn hát: Em đi về cầu mưa ướt áo. Đường phượng bay mù không lối vào. Hàng cây lá xanh gần với nhau. Ta hát: Sầu thôi xuống đầy. Làm sao em nhớ. Mưa ngoài sông bay… Và Tuấn búng guitar những bản classic hay quá. Bây giờ. Bây giờ, bạn bè của tôi mấy đứa đã chết? Mấy đứa còn lang thang khắc khoải giữa đời? Tất cả đều đã tan hoang trong mấy cơn mưa sắc nhọn đầy lửa máu của hận thù. Mấy cô học trò thì cũng có đứa chết. Có đứa lấy chồng và theo chồng về miền cát nắng, bỏ rơi trong ký ức mấy cơn mưa mù ngày cũ. Có đứa vượt biển thoát nạn. Có đứa vượt biển gặp hải tặc. Tội nghiệp cho bạn bè và các em tôi. Những lần mưa ấy, cả mình và mấy người bạn tóc còn đen quá. Và đám học trò thì mắt trong như chưa vương một sợi khói. Chỉ có đám mưa bay ngoài kia lạc vào mắt nhỏ nhìn các em hát đàn hồn nhiên xanh mướt. Bây giờ…

Chúng ta, mỗi người, ai cũng phải chia sẻ cái định mệnh của quê hương. Nếu tôi có nói về dòng sông, cơn mưa, thì đó là tôi nói về kỷ niệm hay định mệnh của bạn bè, của anh em tôi. Những dòng sông đã chia cắt, và những cơn mưa đã chém xuống định mệnh riêng và chung của mỗi một chúng ta.

.3.

Sau này, những cơn mưa đã còn tiếp tục theo tôi vượt biển lênh đênh giữa đại dương đen. Đây không phải là những cơn mưa bay nghiêng một bầu trời bích ngọc Sàigòn. Những cơn mưa cuốn bay những giọt lá me như những hạt cốm xanh thơm mùi kỷ niệm. Đây không còn là những cơn mưa bay mềm trong mấy bức tranh Monet hay Van Gogh mà tôi vẫn thích. Hay những cơn mưa đập vào cửa kính một nỗi niềm quạnh không nào đó trong văn chương Hemingway hoặc Nguyễn Đình Toàn. Hay những dáng thu mưa mơ hồ trong nhạc Cung Tiến… Đây cũng không phải là những cơn mưa lục bát của Trần Huyền Trân: Mưa bay trắng lá rau tần. Thuyền ai bốc khói xa dần bến mưa… Hay những bước chân mưa được Kahlil Gibran giới thiệu:

“… Tôi chạm nhẹ lên những khuôn kính cửa

Với những ngón tay dịu nhẹ của mình, và sự đến thăm của tôi

Là một khúc ca chào đón. Ai cũng có thể nghe thấy, nhưng chỉ

Những tâm hồn nhạy cảm mới có thể thấu hiểu.

Cái nóng của khí trời sinh ra tôi,

Nhưng, phần mình, tôi đã giết chết nó

Như người nữ vượt thắng người nam với

Sức mạnh mà nàng đã lấy được từ hắn.” (2)

Những cơn mưa vừa kể quá đẹp. Nó là một phần của kỷ niệm chúng ta. Nhưng trong cuộc đời, chắc chắn còn có những cơn mưa khác. Những cơn mưa đen. Những cơn mưa chém nát. Tôi muốn quay trở lại để nói rằng, những cơn mưa giữa biển kia đã như những tiếng gọi gần gũi của định mệnh. Giữa trời đất bao la, chiếc ghe vượt biển chỉ giống như một chiếc lá hết sức nhỏ bé, nhàu nhò và cũ kỹ. Lá đã khô, quá dòn mỏng, quá mong manh trước sóng gió đại dương. Và con người, nó trở nên không bằng một hạt cát giữa cái mênh mông trùng điệp kia.

Giữa đêm, trời tối đen như mực. Những con người vượt biển không biết đi đâu, về đâu, đến đâu. Trời và biển đen một mầu tối mắt. Hắn bập bềnh theo với chiếc ghe chết máy đã mấy ngày mà nghe như có tiếng réo gọi của vô vàn kỷ niệm. Những tiếng gọi từ khoảng tối đen thăm thẳm dưới đáy nước. Và mưa.

Lúc đầu mưa lất phất, hắn còn ngồi ngoài khoang há miệng hớp nước mưa. Trong cơn đói khát, những giọt nước mưa ngọt và mát như nước cam. Rồi bỗng chốc, những cột mưa, những khối mưa, và rồi cả một đại dương mưa đổ ụp xuống. Hắn chạy vội xuống hầm ghe. Trời đã tối đen. Mưa lại càng làm cho đất trời đen tối hơn nữa. Tiếng vặn mình răng rắc của con ghe già cỗi, gầy yếu, mang trong lòng nó số mạng của trên năm mươi người, là một thứ âm thanh kinh hoàng của địa ngục. Răng rắc. Răng rắc. Chiếc ghe với thân gỗ mục như có thể vỡ tan ra hàng ngàn mảnh bất cứ lúc nào. Mưa vẫn ào ào dội những thác nước xuống chiếc ghe còm cõi. Chiếc ghe lúc bị đánh về bên này, lúc bị hất qua bên kia. Những con người ngã dúm vào nhau. Kinh hoàng. Những người con gái, những người thiếu phụ, tóc xoã hai bên màng tang, da mét xanh, và những cặp mắt mở ra cho thấy đó là mắt của những con thú bị săn đuổi. Có những người nôn oẹ ra đầy ghe. Những người đàn ông ôm lấy thân nhân mình như cố che chở họ trước một tai nạn chắc chắn sẽ xảy ra. Tiếng răng rắc vặn theo những chuyển động bập bềnh của con ghe trong cơn bão tố. Chiếc đèn bão trong phòng điều khiển lắc lư, chập chờn rồi tắt ngấm. Gió mưa và sóng biển bấy giờ mặc tình gào thét và vò xé chiếc ghe mỏng manh. Tiếng trẻ con kêu khóc, gọi mẹ vang dậy… Hắn đã sống qua những cơn mưa bão như thế. Bão cấp năm. Thấy định mệnh đến gần. Thấy lại mặt mày tất cả anh em, bè bạn và những người thân yêu cũ.

Vậy mà không biết tại sao, trong cơn mưa lốc kinh hoàng giữa biển như thế, trong lúc không biết mạng sống mình và những con người cùng chia sẻ định mệnh với mình sẽ ra sao trên chiếc thuyền mỏng manh già cỗi giữa biển cả đang bị sóng nhồi bão cuốn như thế, hắn lại thấy thoáng qua trong đầu, rất nhanh, những câu thơ xuôi hắn đã đọc được ở đâu đó, mà tôi thử dịch dưới đây, của Federico García Lorca. Về New York. Và về mưa.

Không có gì thơ mộng và khủng khiếp hơn trận chiến của các tòa nhà chọc trời với những tầng trời bao phủ chúng. Tuyết, mưa và sương mù làm những toà tháp vĩ đại nổi bật lên, hoặc dầm chúng trong rét mướt, hoặc che giấu chúng đi, nhưng những ngọn tháp này, thù địch với sự bí ẩn vàloà trước bất kỳ cuộc chơi nào, cắt phăng mái tóc dầy mượt của mưa và vung lên ba ngàn thanh kiếm sáng của chúng, đâm xuyên qua lớp cánh thiên nga mềm dịu của sương mù.”

Nhiều năm sau cuộc vượt biển này, ở Mỹ, tôi đã tình cờ tìm lại được đoạn văn trên của Lorca, bằng tiếng Anh, mà tôi đã có dịp đọc những ngày còn ở Sàigòn, trước 1975.(3) Tôi cũng chẳng biết vì sao, giữa cơn mưa đen phủ chụp, sắc lẻm như dao và cuồng nộ trên biển ấy, mà tôi lại có cái liên tưởng điên cuồng khi, như trong vô thức, giữa những giây phút lâm luỵ, trái tim (hay đầu óc) tôi lại có một sự dệt nối, rất thoáng qua, nhưng chính nó là một sự dệt nối, giữa những ngọn tháp ở New York trong tâm trí của Lorca, rồi sau đó là trong tâm trí của tôi, của hắn, với chiếc thuyền mong manh như một chiếc lá khô, dòn và mỏng, giữa trận mưa cuồng. Có lẽ đó là Thanatos chăng? Bản năng chết của vô thức. Để cân bằng với Eros, bản năng sống. Tình yêu. Khoái cảm. Sự sống. Hay, đúng hơn, đó là lúc hai bản năng sống và chết ấy ôm choàng lấy nhau trong cái tôi hạt bụi và mong manh trước miệng hố sâu. Hay có lẽ chính những cuộc đâm đầu vào văn chương thuở mới lớn đầy thơ mộng đã đẩy tôi (không, đẩy hắn) đến những hình ảnh kết nối bất khả suy niệm kia. Thật sự nếu có điều gì giống hơn, có thể so sánh được, trong một cách suy tưởng nào đó, thì hoàn cảnh lúc ấy giống như là một cuộc đấu bò, khi con bò mộng hậm hực phì khói ra mũi, dậm chân hăm hở phóng tới, mà tôi/chúng tôi (hay con thuyền chao đảo kia) đã là một kẻ mình đầy thương tích, sắp quỵ ngã trên đấu trường, và, khốn thay, trên tay lại không còn miếng vải đỏ thần thánh của kẻ ra trận.

Mưa bão ở biển những đêm vượt biên làm tôi nhớ những cơn mưa nơi chốn rừng núi heo hút của quê hương mà một người bạn đã may mắn được thả về kể lại. Nơi những vùng quê hương ấy, cha anh, bạn bè ta không đủ miếng cơm để dựng thẳng thân người; thế mà, trong những cơn mưa nước độc, nhiều người vẫn phải gò lưng vác cây, khuân củi. Mưa rừng, những ngọn lao tiếp tục phóng tới như định mệnh Việt Nam khốn cùng, nghiệt ngã. Bao nhiêu người rồi đã chết trong những cơn mưa của rừng thiêng nước độc như thế. Sinh mệnh Việt Nam, trên biển cả gào sóng và trong rừng sâu, trên chốn non cao núi thẳm, đã trở thành sinh mệnh của lương tâm, của trái tim nhân loại.

Và rồi, đêm đầu tiên, sau khi sóng gió, mưa bão và sự quyết chí của con người đã đẩy hắn và những kẻ khốn khổ lên hòn đảo Mã Lai kia, cơn mưa biển lại tiếp tục theo đuổi, rình rập suốt đêm. Có một ngôi nhà sàn đang cất dở ngay trên bờ biển. Bốn bề vách không gió trống. Sau khi leo mấy bực thang gỗ lên sàn nhà, mọi người lăn ra ngã vào nhau. Đàn ông đàn bà, thanh niên thiếu nữ, người già em bé, tất cả nằm lăn ra như chết. Đồ đạc tuỳ thân của mỗi người vất bừa bên cạnh. Người nào có áo mưa thì quấn đỡ quanh mình để tránh những đợt mưa hắt và gió rét cứ thốc tới. Ai không có thì đành nằm co chịu rét. Hắn nằm giữa đất trời hoang mang. Gió mưa, sấm sét, chớp giật suốt đêm. Chợt thấy rõ là mình đã ở ngoài tầm tay che đỡ của quê hương. Những cơn mưa của Sàigòn không còn tí tách đổ xuống. Đây là bãi biển Mã Lai. Và ngoài kia là cơn mưa ào ạt xô tới cùng gió sóng. Thỉnh thoảng, hiện lên trong lằn chớp là cả một rừng dừa trắng xoá trong mưa. Một rừng dừa quằn quại trong mưa và gió. Mưa vỗ trên lá dừa. Mưa đập trên sóng biển. Những âm thanh mênh mang làm dội lại trong lòng hắn những hình ảnh tan nát của quê hương. Rừng dừa vẫn vỗ đập cái tiếng vỗ chất ngất của nó trong mưa và gió biển ngoài kia. Mưa gió chảy trên mặt hắn tối hôm ấy làm ướt nhoè đi những hình ảnh của quá khứ.

Tôi đã không còn tôi cũ.

Và quê hương giờ đã mù khuất trong mưa.

.4.

Bây giờ ở đây là mùa thu.

Hay là trời đã sang đông?

Cơn mưa phùn đã bay qua thành phố và rơi về biển.

Sáng nay, với cơn mưa, tôi đã bất chợt ngửi thấy trở lại những mùi hạnh phúc ẩm mốc cũ. Một chút hạnh phúc ẩm mốc dịu dàng. Hạnh phúc không phải chỉ là những niềm vui. Nó còn là những nỗi buồn. Hạnh phúc không chỉ là những nụ cười. Nó còn là những giọt nước mắt. Nó là niềm sung sướng nhưng đồng thời cũng là nỗi đớn đau. Hạnh phúc là tất cả những điều ấy khi chúng đan dệt với nhau để làm thành tấm áo của kỷ niệm ta.

Kỷ niệm, nhiều khi, là những ngón tay mưa.

Đối với tôi, những cơn mưa của đời sống này đã mang trong chúng những hạnh phúc trong sáng và mờ tối. Hạnh phúc trong sáng trông như những giọt nước lấp lánh bảy sắc cầu vồng còn dính long lanh nơi đầu ngọn lá. Hạnh phúc mờ tối giống như một ngọn nến nhỏ nhoi mình thắp giữa cõi lòng hoang vắng để nhìn lại nỗi quạnh không của cuộc đời này.

Có những hạnh phúc chúng ta hát ca với nhau ngày quê hương mở hội. Có những hạnh phúc chúng ta ấp ủ cho nhau lúc đất nước điêu tàn hay trong những ngày lữ thứ. Hạnh phúc là khi người ta nhìn thấy những nét đẹp trong bất kỳ một hoàn cảnh, một giây phút hạnh ngộ nào đó của đời sống. Hạnh phúc là một loài hoa nhiều khi gửi đi những hương thơm của nát tan, đau khổ. Nó là tiếng réo gọi trùng trùng từ những nơi chốn thẳm sâu nhất của hồn người.

Mưa xưa, những lời chúc hạnh phúc bùng vỡ và nát tan nở giữa trời không kia, bao giờ ta lại còn nghe được tiếng ngươi giữa những đường phố tối tăm giăng mắc cuộc đời?

B. V. P.

Tustin Ranch, Calif.

tháng XII, 2015

(viết cùng quá khứ ở H. Beach, 1985)

Just Before the Rain Falls_sơn dầu của Karla  Nolan

                                                                 Just Before the Rain Falls – sơn dầu của Karla Nolan                                                           ___________________________________________

Chú thích:

(1) Thơ Thanh Tâm Tuyền, trong bài “Dạ Khúc”. Nguyên văn: “Anh là thằng điên khùng / Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới”. Phạm Đình Chương, về sau, đã phổ nhạc bài thơ với tựa đề “Dạ Tâm Khúc”. Từ “Tâm” trong tựa đề này lấy từ tên thật của TTT, Dzư Văn Tâm, và được để chen vào giữa tựa đề nguyên thuỷ của bài thơ. Dù sao, nếu muốn hiểu một cách văn chương, người ta cũng có thể nghĩ tên của bài hát là “khúc ca của trái tim đêm”, trong đó, theo từ pháp Hán Việt, “Dạ” bổ nghĩa cho “Tâm”, và ” Dạ Tâm” bổ nghĩa cho ” Khúc”.

(2) Trích trong “Song of the Rain” của K.G.:

I touch gently at the windows with my
Soft fingers, and my announcement is a
Welcome song. All can hear, but only
The sensitive can understand.
The heat in the air gives birth to me,
But in turn I kill it,
As woman overcomes man with
The strength she takes from him.

(3) Trích từ một đoạn trong bài phỏng vấn Federico García Lorca của Luis Méndez Domínguez vào năm 1933 về tập thơ Poet in New York của Lorca. Phần trả lời phỏng vấn được kết hợp bởi nhiều đoạn thơ xuôi của Lorca do chính ông nhớ và đọc lại. Nguyên văn đoạn trích trong bài: “There is nothing more poetic and terrible than the skyscrapers’ battle with the heavens that cover them. Snow, rain, and mist highlight, drench, or conceal the vast towers, but those towers, hostile to mystery and blind to any sort of play, shear off the rain’s tresses and shine their three thousand swords through the soft swan of the fog.”

Comments are closed.