Ký của Đinh Quang Anh Thái (kỳ 1)

Văn Việt xin cảm ơn nhà báo Đinh Quang Anh Thái đã cho Văn Việt đăng một số chân dung nhân vật qua ký ức của ông, đã in trong sách “Ký, Đinh Quang Anh Thái” (Người Việt Books 2018) và xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc. Thành công của những chân dung này chính là ở “cái thần” mà ngòi bút tác giả đã truyền tải được, như nhận xét của nhà văn Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng: 

“Trong những cuộc rượu vừa kể lại với bạn, dẫu chỉ là kẻ chầu rìa, người đọc phải nắm bắt cái thần của nhân vật trong Ký. Cái thần đó là do người viết truyền tải bằng những con chữ. Công việc đó chẳng khác gì việc người họa sĩ vẽ chân dung, người tạc tượng chạm khắc tạo hình nhân vật. Chất liệu nghệ thuật có khác nhưng tinh thần vẫn chỉ một, là khám phá cái ẩn ở chiều sâu một con người. Vẽ truyền thần, không hơn một bức ảnh. Tạc một bức tượng nhìn như thật, nhưng đó chỉ là cái thật nhìn bằng mắt, và nó có thể vô hồn, trơ trơ tĩnh vật. Bắt được cái thần của nhân vật là tìm ra phần hồn, và tìm được hay không đến từ sự tương cảm, mối thân tình của người viết với nhân vật. Viết về nhân vật, người viết ký cũng đồng thời bày tỏ chính mình, nhưng với liều lượng vi tế, tránh lộ liễu kiểu tự đánh bóng chiếm chỗ nhân vật. Người đọc Ký tiếp cận cả hai, nhân vật và người viết.

Đinh Quang Anh Thái viết về 10 nhân vật. Anh chấm phá, nhưng rất thành công vẽ lại những con người trong tù đày tao loạn nhưng vẫn vượt lên để làm người một cách đích thực”.

VĂN VIỆT



Nguyễn Tất Nhiên, chiếc quần mới và bữa thịt chó cuối năm cũ

Đinh Quang Anh Thái

(California, cuối năm 2017)

Nguyễn Tất Nhiên 1_thumb[1]

Sài Gòn năm 1976, khu vực chung quanh bùng binh chợ Bến Thành là một trong những nơi tập trung đông đảo dân buôn bán chợ trời.

Người ta bán không thiếu thứ gì: thức ăn, thuốc Tây, quần áo cũ, cá thịt ướp sẵn từng nồi, sách báo “đồi trụy”, “nhạc vàng”… và cả súng.

Nguyễn Tất Nhiên thường leo xe lửa từ Biên Hòa và xuống ga Sài Gòn vào giờ trưa.  Chúng tôi gặp nhau ở đó, bữa đói bữa no ở đó và nhận ra nhau rõ hơn cũng ở đó.

***

Chúng tôi quen nhau năm 1973, trong đêm sinh hoạt do Phong Trào Du Ca tổ chức tại hội trường quân đội trên đường Trần Quốc Toản, Sài Gòn, để tưởng niệm Giang Châu, huynh trưởng của Phong Trào vừa qua đời vì bạo bệnh.

Buổi sinh hoạt sắp bắt đầu, tôi đang đứng xớ rớ thì Chủ Tịch Phong Trào, nhà báo Đỗ Ngọc Yến, giới thiệu tôi với một chàng cao lêu nghêu, “mặt vác lên trời”: Nguyễn Tất Nhiên.

“Nghe đại danh, hôm nay mới hân hạnh gặp mặt”, tôi nói thế. Nhiên nhếch mép, nụ cười “kẻ cả” lắm. Thấy cử chỉ đó của Nhiên, anh Yến chỉ nhỏ nhẹ, đêm nay Thái sẽ giới thiệu Nhiên lên đọc thơ nhé.

Hai đứa tôi quen nhau như thế đó.

***

Nhiên kiêu lắm. Nhiều khi đến ngông cuồng.

Nhiều đêm, Nhiên ngủ lại nhà tôi, chàng “ngôn” rằng, 20 tuổi sẽ đoạt giải Nobel Văn Chương.

Hiểu được.

Vì mới 16 tuổi, Nhiên đã lừng danh với những bài thơ do “phù thủy âm nhạc” Phạm Duy phổ thành ca khúc. Điều đáng tiếc là Nhiên chưa hề đọc một tác phẩm nào đoạt giải Nobel. Tôi mua tặng bạn hai cuốn: Câu Chuyện Dòng Sông của Hermann Hesse và Lời Dâng của Rabindranath Tagore.

Nhiên thông minh lắm. Chàng thấy ngay và buông một câu chen tiếng “Đan Mạch”: “Đ.M, họ viết hay thiệt”. Từ đó, không thấy Nhiên nhắc lại mộng Nobel Văn Chương nữa.

***

Nhiên hiền, ít nói, khi cười, mặt hếch cao, nhe hàm răng lởm chởm.

Không biết nói Nhiên mang “lời nguyền truyền kiếp” là mê say con gái Bắc có đúng không? Vì trong thơ và trong đời thường, con gái Bắc làm khổ Nhiên lắm: 

“Em nhớ giữ tánh tình con gái bắc
Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền
Nhớ khiêm nhường nhưng thâm ý khoe khoang
Nhớ duyên dáng ngây thơ mà xảo quyệt.”

Trong đám bạn chung thời sau 1975, H. tóc dài, giọng Bắc nhẹ “như thơ”. H. đã có bạn trai, Nhiên biết, nhưng vẫn công khai nói, “tớ chết đi được mỗi khi nghe H. buột miệng hai tiếng ‘Trời ơi’”. Và Nhiên cứ lặng lẽ với chính cái bóng của cuộc tình “con gái Bắc” này.

Lần đầu Nhiên gặp H., nụ cười “chết khiếp” của Nhiên đã đẩy H. ra xa. Hôm đó, cả bọn rủ nhau đi ăn cơm thịt kho hột vịt. Đang ăn, Nhiên ngẩng mặt rú lên cười, hai hàm răng bệt lòng đỏ trứng. “Trời ạ”, có Thánh mới chịu nổi. Nhưng đó là Nhiên, cho tới tận ngày bỏ lại mọi muộn phiền sau lưng ra đi vĩnh viễn, vẫn nụ cười đó, vẫn hàm răng đó.

Thân nhau, tôi có cảm tưởng Nhiên không sống ở cõi này. Nhiều lần, đang nói chuyện, Nhiên chợt trôi vào im lặng. Và nhiều lần, Nhiên nói, chắc có ngày tui tự tử quá ông ơi! Nghe lần đầu, còn lo lắng cho Nhiên, nhưng nghe mãi thì biết, bạn mình nói thế để xả một nỗi đau, mối sầu nào trong lòng mà thôi.

Nhiên nghèo, có sao sống vậy, quần ống thấp ống cao, đi chơi với nhau, bạn rủ gì ăn nấy, không đủ tiền thì nhịn.

Một buổi chiều đi ngang một quán cóc ở đường Lê Thánh Tôn, thấy Nhiên ngồi một mình, trước mặt là ly cà phê đã cạn đến giọt chót. Thấy tôi, Nhiên bảo, có tiền trả giùm ly cà phê; ngồi từ sáng đến giờ không đủ tiền trả, chủ quán nhắc khéo nhiều lần mà chịu, cứ phải ngồi lỳ thôi.

Thương Nhiên ở cái tính đó.

***

Tết 1976, cái đói hành hạ. Đói đến độ có lần đi ngang hàng phở, phải quay mặt đi, vậy mà nước bọt cứ tứa ra, đau quặn cả ruột. Đói, cả cái chuông cái mõ trên bàn thờ Phật trong nhà, tôi đem ra bán ở chợ trời để đổi lấy cái ăn.

Nhiên biết gia đình tôi đói; và Nhiên cũng đói.

Một hôm, đang đứng bán thuốc Tây ở sân ga Sài Gòn, thấy Nhiên dắt cái xe đạp cũ kỹ, tài sản duy nhất của chàng, lững thững đi tới. Yên ghế ngồi phía sau là một bọc ni lông. Nhiên bảo, ông già vừa mua cho cái quần, tui bán đi, bọn mình ăn bữa … thịt chó.

Nhìn thằng bạn mặc chiếc quần cũ mèm ống bên trái “chửi bố” ống bên phải, thương bạn, xúc động vì tấm lòng của bạn, tôi không biết nên cười hay nên khóc.

Bữa thịt chó hôm đó, ăn xong vẫn còn thòm thèm. Cái quần mới của Nhiên quy thành tiền, nếu gọi thêm một xị đế và món rựa mận khoái khẩu thì không đủ trả.

Sau bữa thịt chó cuối năm đó, tôi bị bắt, không biết Nhiên ra sao.

***

Ra khỏi tù năm 84, nghe bạn bè nói Nhiên đi Pháp rồi.

Nhiên đi là phải. Chế độ đang cai trị đất nước này coi dân như kẻ thù, ai đi được cũng phải đi thôi. Nhớ có đêm lang thang với Nhiên trên đường Duy Tân, phố vắng dần, chỉ có từng toán công an võ trang đi tuần tra, Nhiên đọc cho nghe hai câu thơ:

“Chúa Phật còn lui chân trước gông cùm chế độ

Huống hồ chút thanh danh Nguyễn Tất Nhiên thống khổ.”

Đây không phải lần đầu Nhiên làm thơ với khẩu khí như thế. Trong bài “Hai Năm Tình Lận Đận”, Nhiên viết:

“Em bây giờ có lẽ
toan tính chuyện lọc lừa
anh bây giờ có lẽ
xin làm người tình thua
chuông nhà thờ đổ vội
tượng Chúa gầy hơn xưa
Chúa bây giờ có lẽ
xuống trần gian trong mưa
(dù sao thì Chúa cũng
một thời làm trai tơ
dù sao thì Chúa cũng
là đàn ông… dại khờ)”

Nhiên bảo tôi, đúng ra Nhiên muốn viết “Chúa có gầy hơn ta chăng mà đòi khoe xương sườn trên Thánh Giá” nhưng lại thôi, vì ngại làm phật lòng người theo đạo.

***

Gặp lại nhau tại California năm 1985. Nhiên từ Pháp đã qua Mỹ vài năm trước đó, còn tôi vừa từ trại tỵ nạn chân ướt chân ráo đến sau.

Thăm Nhiên tại căn nhà trọ ở Quận Cam, bạn mình gầy hơn, nói chuyện có lúc như đang trôi vào cơn mê sảng. Nhiên nói đi nói lại nhiều lần, ông đuổi bà bán hàng rong giùm tôi, mới sáng bảnh mắt mà bả rao hàng ồn quá.

Tôi hoảng! Nhiên “hỏng” rồi.

Nhưng rồi Nhiên trở lại Nhiên của khổ đau dai dẳng. Nhiên đọc tôi nghe đoạn thơ:

đời chia muôn nhánh khổ
anh tận gốc gian nan
cửa chùa tuy rộng mở
tà đạo khó nương thân
anh đành xưng quỉ sứ
lãnh đủ ngọn dao trần!
qua giáo đường kiếm Chúa
xin được làm chiên ngoan
Chúa cười run thánh giá
bảo: đầu ngươi có sừng !

***

Nhiên hiền, nhưng lúc sửng cồ, cũng ác miệng lắm.

Một hôm trong buổi họp mặt tại nhà Nhà văn Nhật Tiến ở đường King, thành phố Santa Ana, Nhiên kể tôi nghe vụ lời qua tiếng lại giữa Nhiên và Nhà văn Mai Thảo liên quan đến thơ văn. Nhiên hỏi anh Mai Thảo, “nếu anh viết về thảm kịch của các cô gái vượt biên bị hải tặc hiếp, anh có đặt tựa bài là ‘Mười Đêm Ngà Ngọc Không?’”

Nhiên không nói, nhưng tôi đoán, anh Mai Thảo chắc không giận Nhiên. Vì anh chủ trương chữ nghĩa không thể dùng để cãi cọ chửi mắng nhau.

Một lần khác, khi Nhiên nói sẽ viết nhạc, Nhạc sĩ Du Ca Nguyễn Đức Quang nói đùa, coi chừng cậu đi lộn giầy đó nhé. Nhiên sững cồ với anh Quang. Nhiên nói, size giầy của anh Quang nhỏ lắm, không đủ cho Nhiên xỏ chân vào.

***

Thơ Nhiên lúc nào cũng lấp ló đâu đó nỗi đau về một hình bóng, một cuộc tình tan vỡ.

Thân nhau, nhưng Nhiên không hề nói đã thương bao nhiêu người con gái và có bao nhiêu người đã làm Nhiên khổ đau. Chỉ thấy trong thơ Nhiên tràn ngập những nhớ thương dai dẳng:

“…Em hết thương ta rồi phải không?
Thôi thế cho ta bớt não nùng
Thôi thế cho đời ta ngậm đắng
Còn nghe vị ngọt của tình nhân!…
….Giữ cho nhau một chút tình
Giữ cho nhau một ánh nhìn thiên thu
Giữ long lanh, giữ sa mù
Giữ phai nhạt, giữ đền bù nhạt phai…”

Phải chăng, buồn, cô quạnh, là định mệnh của Nguyễn Tất Nhiên?

Còn nhớ, những năm Nhiên sống ở Quận Cam, một số bạn thân của Nhiên đêm đêm vẫn thường nghe tiếng gọi cửa xin ngủ nhờ. Và bạn bè hẳn vẫn còn nhớ hai câu Nhiên viết thời điểm đó:

“Buồn ơi hãy để ta buồn nữa

Trong tiếng làm thinh của ghế bàn”

Có lần Nhiên đến nửa đêm, phòng tôi trọ chỉ có tấm nệm trải dưới đất, Nhiên nhất định nằm trên miếng khăn trải giường. Tôi đọc Nhiên nghe hai câu thơ tương truyền của Phó Đức Chính:

“Cửu tuyền vô khách điếm

Kim dạ túc thùy gia”

(Suối vàng không lữ quán

Đêm nay trọ nhà ai)

Nhiên cười, bảo không biết dưới đó có… Motel 6 không?

***

Một chiều chớm Thu năm 1992, hai đứa ngồi bên lề đường trước trụ sở báo Người Việt trên đường Moran. Tôi rủ Nhiên vào tòa soạn kiếm chút gì ăn, Nhiên bảo “thằng sắp chết không ăn.” Biết Nhiên hay nói như thế từ thủa còn ở quê nhà, tôi không ngạc nhiên, chỉ bảo, “ừ, không ăn thì hút điếu thuốc.” Nhiên bảo, “thằng sắp chết không hút thuốc.”

Một tuần sau, Nhiên tự chọn cho mình cái chết. Năm ấy, Nhiên tròn 40 tuổi.

Anh Mai Văn Hiền báo cho tôi biết tin. Lúc đó, tôi đang chạy chiếc máy in Imperial của nhà in ABC vừa mua chưa được một tuần với giá hơn 20 ngàn. Nghe anh Hiền nói Nhiên chết trong một chiếc xe cũ, đậu ở sân một ngôi chùa, để không làm phiền đến ai. Tôi lên cơn điên bất ngờ, cầm cây búa đập thủng một lỗ lớn ngay trục quay chiếc máy.

Chắc lúc đó tôi khóc!

***

Hôm đi bên quan tài Nhiên ra huyệt mộ, nghe tiếng kèn trumpet của một người bạn chung thổi bài “Thà Như Giọt Mưa”, tôi ý thức rõ rằng, Nhiên “BIẾN” rồi. Biến như trong một bài thơ Nhiên đọc cho tôi nghe vào một lúc tôi đoán Nhiên sầu hận nhất (tôi đã cố tìm mà không còn ai nhớ nguyên văn cả bài):

“Tôi hô BIẾN cái tôi buồn,

Tôi hô BIẾN nỗi thuồng luồng đời tôi

Tôi hô BIẾN VỢ

Tôi hô BIẾN CON

Tôi HÔ BIẾN CÁI NÀO NÓ HIỆN RA CÁI NẤY”

Với hoàn cảnh của Nhiên, ít nhất trên một lần, tôi nghĩ, BIẾN như thế hóa ra hay cho Nhiên!

Comments are closed.