Nhớ thương cậu Tiến
(California, tháng 12, 2001)
Lê Văn Tiến
Đinh Quang Anh Thái và Lê Văn Tiến
Lần đầu tiên tôi được biết đến tên tuổi Như Phong Lê Văn Tiến là năm 1976. Chính anh chị Từ Công Phụng-Từ Dung, nói cho tôi biết về ông. Dạo ấy, Sài Gòn vừa bị “đổi tên,” tôi sống ngoài lề đường, bán sách cũ trước cửa rạp Rex, bán quần áo cũ ngay ga xe lửa đường Lê Lai, bán thuốc tây trên đường Pasteur, bán rau muống ở chợ Hãng Phân bên Vĩnh Hội, và bán cả… súng cho những người đi vượt biên. Nghĩa là kiếm sống bằng đủ mọi cách.
Nghe tiếng ngoài đời
Một buổi sáng tháng Tư, 1976, anh chị Từ Công Phụng ra chỗ tôi bán hàng và kể cho nghe về vụ công an bắt người cậu của chị Từ Dung vào đêm hôm trước. Anh Phụng say sưa nói về ông Tiến: ông Tiến làm báo từ thuở xa xưa, mãi những năm 1940; ông Tiến làm cách mạng, tham gia các hoạt động đấu tranh; ông Tiến quan hệ thân thiết với các đảng cách mạng Việt Nam; ông Tiến làm báo Tự Do; ông Tiến nhà bình luận chuyên về Cộng Sản miền Bắc; ông Tiến người từ chối tham chính nhưng dính dự vào nhiều quyết định liên quan đến việc bổ nhiệm nhân sự của nội các chính phủ Nguyễn Cao Kỳ; ông Tiến tác giả cuốn Khói Sóng để lại dấu ấn nơi nhiều người; ông Tiến nhà sưu tầm hoa lan… Tóm lại, ông Tiến là tất cả trước mắt anh chị Phụng. Càng nghe, tôi càng xuýt xoa với anh Phụng là tại sao tôi không có cơ duyên một lần được gặp con người lẫy lừng như vậy. Hỏi thế, anh Phụng mắng cho cũng phải. Anh bảo thời ông Tiến thành danh, đã bay bổng như một con rồng thiêng thì tôi đã chào đời đâu để mà nói chuyện gặp hay không gặp ông. Rồi khi ông lúc ẩn lúc hiện trong sinh hoạt của xã hội miền Nam thì tôi vẫn còn tắm mưa, đánh đáo…, thì làm sao gặp người cậu kiệt xuất của anh được.
Cứ thế, những ngày sau đó, mỗi khi anh chị Phụng ra chơi với tôi tại các ngã đường tôi kiếm sống, tôi cứ bám riết lấy anh chị để mong được nghe thêm về ông Như Phong. Một lần anh Phụng buột miệng: Em cứ lang thang thế này mà lại còn thập thò chuyện chống đối, thì thế nào cũng có ngày gặp ông Tiến… trong tù.
Gặp mặt trong tù
Tù thì tôi không mong, nhưng được gặp ông Tiến thì lúc nào tôi cũng ước. Mà trong hoàn cảnh ông Tiến đang bị giam, điều tôi mong chỉ thành, một khi tôi bị bắt vào tù thì mới có thể gặp được ông.
Tháng Ba năm 1978, tôi bị bắt vì tham gia Mặt Trận Dân Tộc Tiến Bộ với bác sĩ Nguyễn Đan Quế và bị giam tại trại T 20 Phan Đăng Lưu. Nổi trôi từ biệt giam qua phòng lớn, tháng 11 năm 1978, tôi bị chuyển vào phòng 8 khu C 2. Qua câu chuyện của các bạn tù cùng phòng, tôi được biết phòng 10 bên cạnh hiện đang giam một số nhân vật tên tuổi của miền Nam như bác sĩ Nguyễn Tiến Hỷ, nguyên Quốc Vụ Khanh kiêm Tổng Trưởng Giáo Dục; ông Lê Khải Trạch, nguyên Đổng Lý Văn Phòng Bộ Thông Tin thời Đệ Nhất Cộng Hòa; ông Đinh Xuân Cầu, tác giả cuốn Bên Kia Bến Hải, và nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến.
Ôi! Tôi vui sướng biết bao khi biết rằng cách tôi một tấm vách là con người tôi luôn ấp ủ hy vọng có ngày được gặp mặt. Thế rồi một buổi sáng, tù nhân phòng 10 được phép ra ngoài hiên phơi nắng. Bạn tù cùng phòng với tôi trỏ cho biết: “Ông già Lê Văn Tiến đứng kia kìa.”
Dong dỏng cao, gầy, nhưng da dẻ hồng hào, hai tai dài phúc hậu, mũi hơi quặp xuống một chút, mắt đen pha chút sắc nâu, ông Như Phong đang quơ tay làm vài động tác thể dục. Bất chấp lệnh cấm của trại giam, tôi đánh bạo gọi thật to: “Cậu Tiến.” Tiếng “cậu” bật ra khỏi miệng tôi thật tự nhiên, tựa như tôi đã là người thân của ông vậy. Ông Như Phong nhìn về hướng phòng 8, hỏi lại: “Ai gọi đấy?” Tôi trả lời: “Cháu là anh em kết nghĩa với anh chị Từ Dung, Từ Công Phụng đây.” Và cứ thế, vừa nháo nhác canh chừng công an gác trại, vừa nhát gừng câu được câu mất, hai cậu cháu trao đổi tin tức cho nhau về đời sống ngoài đời khi tôi chưa bị bắt, và đời sống trong tù những tháng qua của ông. Trước khi bị lùa vào phòng vì hết giờ tắm nắng, cậu Tiến bảo sẽ tìm cách gởi cho tôi ít thuốc lào và đường, vì lúc đó tôi chưa được thăm nuôi.
Cứ thế cho tới ngày tôi lại bị chuyển qua các phòng khác, các khu khác, hai cậu cháu vẫn tìm cách liên lạc với nhau. Trong một lần thăm nuôi, cậu Tiến gặp mặt chị Từ Dung. Chắc chị đã nói với cậu về tôi nên cậu tỏ ý tin tôi hơn trước.
Một đêm mưa tháng 12 năm 1978, khoảng 3 giờ sáng, công an vào phòng 10, điệu hai người là ông Lê Khải Trạch và Đinh Xuân Cầu ra khỏi phòng. Kể từ đó, không còn ai biết tin tức về hai ông nữa. Người ta kháo nhau rằng hai ông bị đưa đi thủ tiêu. Sáng ngày hôm sau, tôi bị chuyển qua phòng 5 khu C 1. Sau khi vào phòng này, tôi được biết trước đó ít phút, giáo sư Đoàn Viết Hoạt bị đưa từ phòng ấy qua biệt giam. Từ đó, tôi mất liên lạc với cậu Tiến cho tới mãi tháng Tám năm 1981.
Cùng một phòng giam
Trại giam Chí Hòa có tám cạnh. Người ta bảo Nhật xây theo hình bát giác, ngay giữa là một bồn nước được thiết kế theo hình một lưỡi gươm đâm ngược xuống đất để “yểm không cho tù trốn trại.” Tám cạnh của Chí Hòa chia tù thành từng khu: AH, FG, ED và BC. Tôi bị đưa vào phòng 10 BC, cùng đợt với các ông Hồ Hữu Tường, Nguyễn Tiến Hỷ, Vũ Hữu Bính, Tống Đình Bắc… Một thời gian ngắn sau đó, đợt chuyển tù từ trại T 20 Phan Đăng Lưu sang T 30 Chí Hòa mang theo các ông Như Phong Lê Văn Tiến, Thái Lăng Nghiêm, Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Đan Quế…
Ba ngày Tết năm 1981 vừa dứt, sau khi bị kỷ luật, chuyển từ phòng lớn lên biệt giam ở lầu 4, rồi từ biệt giam về lại phòng lớn, tôi được đưa vào phòng 14 khu BC. Tù nhân một số phòng khác cũng được chuyển vào, trong đó có các ông Lê Văn Tiến, Thái Lăng Nghiêm, Đoàn Viết Hoạt, Đào Văn. Bác sĩ Nguyễn Đan Quế thì vẫn nằm lại phòng 9 khu BC. Khó tả nổi tâm trạng của tôi lúc ấy. Buồn lo vì biết chuyển phòng giam chung với những nhân vật lẫy lừng như vậy là ngày về mịt mờ lắm. Còn vui mừng là vì được ở chung với những người xưa nay tôi chỉ nghe danh chứ chưa bao giờ dám mong có cơ may gặp mặt, huống hồ gì lại còn được ở chung, nhất là cậu Tiến.
Những tháng ở cùng cậu Tiến thật khó quên. Biết bao kỷ niệm vui buồn, đói khát, hoang mang, nhưng quan trọng hơn cả, tôi học được ở cậu không biết bao nhiêu điều, từ kiến thức uyên bác cho đến nhân cách sáng ngời của cậu. Tôi quấn lấy cậu như thể cậu sẽ xa tôi ngày mai vậy. Cả ngày, trừ giấc ngủ trưa và giờ ngủ tối, tôi quanh quẩn bên cậu, nghe kể những chuyện cậu dính dự vào giai đoạn lịch sử từ thời 1945 đến khi bị bắt. Chao ôi, sao cậu hiểu biết đến thế, sao cậu lẫy lừng đến thế! Nào là làm báo, nào là dự phần quan trọng vào các quyết định của chính phủ miền Nam, nào là những mối quan hệ với các đảng phái quốc gia, tôn giáo, nào là các mưu tính tìm đường quật khởi sau khi Cộng Sản chiếm Sài Gòn. Trong các câu chuyện của cậu, không hề nghe cậu đả động gì tới bất cứ một bóng dáng phụ nữ nào trong đời cậu. Có lần tôi nêu thắc mắc, cậu bảo người ta cũng đồn đại rằng cậu có một mối tình lớn với một người đàn bà góa chồng, vợ của một nhân vật cách mạng Việt Nam, nhưng sự thật cậu rất quý trọng người đàn bà ấy và xem bà như người chị. Cậu cho biết tình cảm của cậu trong sáng lắm, không ai có quyền dị nghị.
Đời sống của cậu trong tù là mẫu mực của một người khí phách, tự tại. Không ai có thể bắt gặp nơi cậu một giây phút yếu lòng nào trước kẻ thù. Lúc nào bạn tù cũng thấy ở cậu tinh thần an nhiên, chấp nhận mọi nghịch cảnh và lạc quan, tin vào tương lai. Ngày thăm nuôi, giỏ quà của cậu do người nhà tiếp tế khiêm tốn lắm, nên cậu luôn chia thức ăn rải đều cho một tháng, nhất là món đậu phụng rang. Cậu ăn uống chừng mực, mỗi bữa cơm của trại cậu ăn kèm với trên một chục củ đậu phụng rang, không hơn, không kém. Trông cậu nhai rất kỹ từng và cơm, người ta thấy rõ cậu an bình và tận hưởng từng khoảnh khắc của đời sống, dù trong hoàn cảnh tù đầy, lúc nào cũng bị rình rập bởi nhiều thứ đê hèn, nghiệt ngã. Cậu còn khéo tay vô cùng. Chính cậu dạy anh em trong phòng cách chế tạo một ống vố hút thuốc làm từ vỏ kem đánh răng và bông băng nhúng thuốc đỏ. Cậu thường dành giờ trưa những khi không ngủ để làm vố hút thuốc. Cậu gò lưng xuống sàn phòng giam, say sưa mài ống vố cho đến khi màu đỏ nổi vân lên xen với màu đen của bao ni lông đã đốt thành than, làm cho ống vố đẹp không khác gì loại đắt tiền bán ngoài đời. Ống vố này còn giúp tù nhân dấu thư bên trong, chuyền qua từng phòng hoặc chuyền ra ngoài đời cho gia đình. Có lần tôi nói: Công an mà bắt được lối đưa tin này thì chúng lột da cậu. Cậu cười xòa, thân mật mày tao với tôi: Da tao khô đét như các phù thủy Ấn Độ. Da mày còn trẻ thì chúng lột mới thích chứ. Nói đến Ấn độ mới nhớ, gương mặt cậu Tiến trông khá giống nhà hiền triết Ấn Độ, Jiddu Krishnamurti.
Miên man chuyện này sang chuyện nọ, có lần cậu nhận xét rằng tôi chỉ thích hợp với thời loạn, và nếu có cơ hội trở lại, cậu sẽ giao cho tôi việc vận động quần chúng. Khoảng đầu năm 1982, tin đồn sắp có chuyển trại lan trong các phòng giam. Sợ đến ngày phải chia tay, tôi hỏi cậu, “nếu cháu được thả và tìm cách vượt biên, cháu nên làm gì để góp phần cho việc chung, và xin cậu đặt cho cháu một bí danh.”
Sao cậu lại đặt bí danh Cao Hòa?
Câu này vần điệu nghe cứ như thơ, nhưng thực ra chỉ là câu tôi hỏi khi cậu Tiến đặt bí danh cho tôi. Cậu giải thích: Cao là Cao Đài, Hòa là Hòa Hảo. Vả lại “cao” còn chỉ tầm vóc của tôi, còn “hòa” là do cậu muốn tâm tôi dịu đi, đừng lúc nào cũng xấn xổ như “con gà chọi.” Cậu nói thêm: hai lực lượng quan trọng cần liên lạc chặt chẽ là Cao Đài và Hòa Hảo, và việc cần làm khi ra được nước ngoài là vận động tiền để lập một đài phát thanh, lấy tên Cao Hòa, phát về các tỉnh miền Nam. Tôi hỏi cậu: Thế còn miền Bắc thì sao? Cậu bảo địa bàn đó phải đợi cậu thoát ra ngoài thì mới tính được vì đó là đất sở trường của cậu. Về nhân sự, cậu còn dặn: qua Mỹ nhớ tìm bằng được ba người là cựu Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, cựu Đại Tá Phạm Văn Liễu và cựu Đề Đốc Hoàng Cơ Minh. Cậu nói ba người đó tâm huyết lắm, trong sáng lắm, họ sẽ không quên chuyện non nước đâu. Sau này cậu Tiến qua Mỹ, không bao giờ thấy cậu có ý định đi tìm gặp hai ông Nguyễn Chánh Thi và Phạm Văn Liễu (ông Hoàng Cơ Minh đã mất trước khi cậu tới Mỹ). Cả việc lập đài phát thanh Cao Hòa cũng không nghe cậu nhắc đến nữa. Tôi không hỏi, nhưng tin chắc cậu phải có lý do.
Chia tay bên hàng song sắt
Tôi không nhớ chắc, nhưng khoảng tháng Ba năm 1982, các phòng giam tù chính trị tại Chí Hòa ồn lên vì đợt “bắt gà” vĩ đại, phòng nào cũng có “gà” bị bắt. “Bắt gà” là từ ngữ chúng tôi dùng để mô tả những đợt tập trung tù đi lao động hoặc chuyển qua trại khác. Chúng tôi không biết từ này do ai đặt ra và có từ bao giờ, nhưng không có từ nào chính xác hơn để tả cảnh xớn xác, lo âu, hốt hoảng của tù nhân khi nghe đọc tên để rồi khăn gói ra khỏi phòng, không biết rồi tương lai sẽ về những đâu. Đợt “bắt gà” lần đó hốt mất tất cả những nhân vật bị chế độ xem là nguy hiểm. Từ một ông giám đốc cỡ trung cho đến người cầm đầu một bộ trong chính phủ; từ một sĩ quan tình báo cấp úy cho đến người phụ trách tình báo cấp quân khu; từ một đảng viên cấp thấp cho đến lãnh tụ một đảng …, nghĩa là tất tật, hầu như không sót một người nào.
Những người bị gọi tập trung trước cửa từng phòng, ngồi thành hàng một, rồi bị chuyển qua khu AH. Nhìn cậu Tiến khuất dần ở cuối hành lang, lòng tôi đau xót vô cùng, không biết đường trường sông núi liệu có ngày cậu cháu gặp lại nhau hay không.
Gặp lại trên đất Mỹ
Ra khỏi tù cuối tháng Hai 1984, gần ba tháng sau tôi vượt biên, và sau đó định cư tại Mỹ. Năm 1994, lúc đang kiếm sống bằng nghề lái taxi bên Hawaii thì cậu Tiến tới California theo diện đoàn tụ gia đình do người em bảo lãnh. Tôi hộc tốc từ Hawaii về kiếm cậu. Mừng mừng tủi tủi. Trông cậu vẫn vậy, vẫn tinh anh, vẫn an nhiên, duy mái tóc bạc đi nhiều. Cậu vẫn lạc quan như độ nào, thậm chí đôi khi lạc quan thái quá. Với tôi, đây là đức tính biểu lộ tinh thần trẻ trung của cậu. Mới chân ướt chân ráo tới Mỹ, cậu đã say sưa viết một dự án làm báo mang tầm vóc toàn cầu. Cậu bảo: “Phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để đến thời hậu Cộng Sản không bị ngỡ ngàng.” Cậu còn nói, mai sau cậu sẽ trở thành một tài phiệt trong ngành truyền thông tại Việt Nam. Tài phiệt hiểu theo nghĩa nắm trong tay một hệ thống báo chí, truyền thanh, truyền hình rộng khắp lãnh thổ.
Những người bạn trạc lứa tuổi tôi do tôi đưa đến thăm, khi nghe cậu say sưa như thế chỉ cung kính chứ không tán thành, vì ước mơ của cậu to lớn quá, không dễ gì thực hiện nổi.
Có lần khi chỉ có hai cậu cháu, tôi nói với cậu Tiến về suy nghĩ của tôi. Cậu tặc lưỡi rồi nói: Thì “ba tốc” tí chơi ấy mà. Ba Tốc là biệt danh cậu tự đặt cho mình. Cậu giải thích: “Ba là lối gọi theo thứ tự người miền Nam, còn Tốc là cà tửng, cà giỡn, là xem nhẹ mọi thứ trên đời này, là đùa tí chơi với đời.”
Hôm gặp lại cậu, hai cậu cháu đi ăn cơm trưa, có cả ông V., một người thuộc thế hệ đàn em của cậu từ thời còn ở Việt Nam trước 1975. Tôi cũng biết ông V. vì ông rất hăng hái trong các sinh hoạt cộng đồng. Trên đường chở cậu về nhà người em của cậu, ông V. buột miệng hỏi: “Anh Tiến biết nhiều về các đảng phái quốc gia, theo anh thì ông Lý Đông A còn sống không?” Xe đang chạy, cậu bảo tôi dừng lại bên lề, rồi xoay ra băng sau, với cách nói tôi hay đùa là “vừa lạnh lùng vừa quyến rũ,” cậu nói với ông V.: “Ông Lý Đông A còn sống, và hiện sống ngay tại quận Cam trên đất Mỹ.” Nhìn mắt ông V., tôi biết ông phân vân lắm. Khi tôi chở ông V. đến chỗ đậu xe, ông ngập ngừng một lúc rồi hỏi: “Thái cận kề với anh Tiến lâu năm, vậy Thái nghĩ điều anh Tiến nói có đúng không?” Tôi đột nhiên nổi tính nghịch ngợm, bèn “ba tốc” giống cậu Tiến, trả lời: “Cậu Tiến nghiêm trang như thế thì chắc là đúng rồi.” Xin quý vị Duy Dân thứ lỗi cho, vì ai cũng biết ông Lý thất tung từ năm 1947. “Thất tung” là cách nói của các chiến sĩ Duy Dân, chứ thực ra phải nói rằng ông Lý không còn nữa, vì không ai thấy ông nữa từ đó đến nay.
Chung một mái nhà
Năm 1996, cậu Tiến và tôi mướn chung một căn mobile home trên đường Bolsa. Hai năm sống với cậu thật êm đềm. Căn nhà trở thành nơi lui tới của bạn bè cậu, bạn bè tôi. Những người bạn tôi thuộc thế hệ con cháu cậu Tiến, ai cũng yêu kính cậu. Họ tìm thấy nơi cậu tâm hồn trẻ trung, sống động, bao dung, hài hòa, một con người uyên bác sẵn sàng trao truyền không hề dấu diếm kiến thức và kinh nghiệm. Quý nhất là tinh thần dân chủ nơi cậu; không bảo thủ, không hẹp hòi, không hợm mình, lúc nào cũng mở lòng với tuổi trẻ. Nhiều người bạn tôi quen cậu sau này gắn bó với cậu có phần hơn cả tôi. Với tôi, cậu vẫn thường mắng yêu rằng tôi hung hăng, xấn xổ quá, lúc nào cũng chực ăn tươi nuốt sống người khác. Cậu bảo tôi là “ngựa non háu đá”, cần phải sửa đổi nhiều thì mới khá được. Tôi trân quý những lời cậu dạy, dù đôi lúc cũng gân cổ cãi lại.
Cuối năm 1997, tôi qua Washington, D.C. làm việc cho đài Á Châu Tự Do. Tôi mời cậu cùng qua ở với tôi. Thế là tôi lại có thêm một thời gian gần gũi cậu. Không có dịp sống với gia đình ruột thịt từ 20 năm, tôi xem cậu như bố ruột. Tôi biết nhiều lần làm cậu buồn vì tính ngang ngạnh, cục súc của tôi. Nhưng tôi tin cậu biết là tôi yêu kính cậu đến mực nào.
Sống với cậu như thế cho đến khi tôi lấy vợ vào tháng Tám 1998. Lấy vợ rồi tôi không còn dịp ở chung với cậu nữa. Hai vợ chồng rất thiết tha mời nhưng cậu bảo để chúng tôi tự do. Những năm tháng sau đó tôi ít gặp cậu. Vả lại, tôi cũng có một số lỗi lầm khiến cậu buồn.
Vĩnh biệt cậu Tiến
Cậu Tiến mất tại Virginia lúc 9 giờ 40 phút chiều thứ Ba, ngày 18 tháng 12, 2001. Tin buồn đến khi tôi vừa rời sở làm. Trên đường về nhà, tôi nức nở như một đứa con nít. Hai lần tôi khóc nhiều như vậy. Một lần là lúc mẹ tôi mất cách đây trên 10 năm, và lần này. Điện thoại cho Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đang sống tại Virginia. Đầu giây bên kia, ông Hùng cũng buồn lắm. Ông cho biết suốt mấy ngày nay ông không làm được gì cả, vì cứ nghĩ đến cậu Tiến đang hấp hối trong bệnh viện.
Những ngày cuối của cậu Tiến, tôi không về được để gặp mặt cậu, chỉ biết tin về cậu qua hai anh bạn là Đặng Đình Khiết và Lâm Ngọc Chiêu. Cả hai anh mới quen cậu sau này, nhưng đã túc trực bên giường bệnh trong suốt thời gian cậu đau ốm ở nhà thương. Anh Khiết sống tại Virginia, còn anh Chiêu thì bỏ cả vợ con và việc làm ở California để qua săn sóc cậu Tiến. Điều này cho thấy hai anh yêu thương cậu mức nào. Mà không chỉ riêng hai anh Khiết và Chiêu, biết bao nhiêu anh em khác cũng yêu thương cậu như vậy. Cháu Tâm, con gái một người bạn tôi hiện đang sống bên Úc, khi nghe tin cậu Tiến mất, khóc nhiều lắm và ngẩn ngơ cả tuần. Cháu chỉ được gặp cậu Tiến một lần, và rất ngắn ngủi, thế mà cháu thương yêu cậu đến thế!
Bây giờ thì cậu không còn nữa, nhưng đó chỉ là phần xác thôi, chứ tinh anh của cậu, TIẾN như GIÓ, TRỤ như NÚI, vẫn còn và sẽ còn mãi trong lòng nhiều người, nhiều thế hệ.
Và trong lòng cháu, cậu Tiến ạ./.