Ký của Đinh Quang Anh Thái (kỳ 3)

Bác Năm Tường ‘Phi Lạc Náo Chí Hòa’

Hồ Hữu Tường 1

Hồ Hữu Tường 2

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

(Vũ Đình Liên)

Tháng Giêng, 1979, trại giam T 20 Phan Đăng Lưu ồn lên những lời đồn đãi, là Cộng Sản Tàu đang động binh ở vùng biên giới mạn Bắc để đánh Cộng Sản đàn em Việt Nam. Tù nhân trong trại xì xầm bàn tán. Người thì hy vọng tình hình sẽ sớm thay đổi để thoát cảnh tù đày; người thì lo ngại Tàu mà thắng thì đất nước sẽ còn bi đát hơn; người thì dửng dưng phản ảnh tâm trạng chẳng còn trông mong gì nữa.

Dù sao, những tin tức chẳng có gì là chính xác, do người mới bị bắt từ ngoài mang vào, cũng giúp đời tù bớt nhàm chán, phần nào quên đi đói khát, ghẻ lở, nóng bức của phòng giam nêm người như cá mòi sắp lớp trong hộp.

Trong bối cảnh đó, một số tù ở các phòng nhận lệnh chuyển trại.

Một buổi sáng, kẻng vừa điểm, báo hiệu giờ làm việc của trại, công an quản giáo trại giam tay cầm danh sách đến từng phòng đọc tên tù nhân phải chuyển trại. Không khí ồn lên như cái chợ. Tiếng “cục tác” vang từ phòng này sang phòng khác. Hầu như mọi người ai cũng ngoác miệng kêu lên thành tiếng như gà sắp bị đem đi cắt cổ. Tiếng kêu truyền khắp nơi nghe như âm thanh một lò sát sinh.

Chả là tù nhân gọi những lần chuyển trại là “bắt gà.” Hình ảnh người ta thò tay vào chuồng lùa bắt từng con gà đem đi giết lấy thịt gây ra sự hoảng loạn cho loài gia cầm này ra sao, thì cảnh của các phòng giam mỗi khi có lệnh chuyển phòng, hay chuyển trại, cũng y như thế. Người đi ưu tư lo lắng, không biết rồi về đâu; người ở lại buồn bã, không biết ở là tội nặng, hay đi là tội nhẹ.

Từ phòng 5 khu C 2, tôi và một số người nữa bị chuyển sang phòng 2 khu A, nhập cùng tù nhân từ các phòng giam khác. Chuyến chuyển phòng lần này giúp tôi rút ngắn được hình phạt bị còng tay 90 ngày vì tội… đánh ăng ten.

Bước chân vào phòng giam mới, tôi vui mừng vì gặp lại hai bạn tù cùng ở với nhau những tháng trước đó nơi phòng 5 khu C 1, là anh Hồ Chánh và anh Nguyễn Văn Lịch. Chưa kịp bỏ những vật dụng nhếch nhác của đời tù xuống đất, anh Lịch nắm tay tôi kéo về phía góc phòng và giới thiệu với tôi một ông già mà mới nhìn, tôi biết ngay là nhân vật tiếng tăm lừng lẫy: Hồ Hữu Tường. Anh Lịch nói, bác Năm, thằng Thái nè, nó chính là thằng “Giao” mà anh Linh định đưa đến gặp bác Năm lúc chưa bị bắt đó.

Lời giới thiệu của anh Lịch lôi tôi về cái đêm mưa gió tầm tã ở chân cầu Thị Nghè những ngày gần cuối năm 1975. Đêm đó, tôi đạp xe đến một điểm hẹn để cùng anh Linh đi gặp bác Hồ Hữu Tường. Anh Linh, tôi đã có dịp quen khi đi sinh hoạt với Đoàn Văn Công Chí Linh do Nhạc sĩ Viết Chung cầm đầu tại Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ Quốc Gia Vũng Tàu thời năm 1972. Cái hẹn đêm đó là để tôi tham gia hoạt động trong tổ chức của bác Hồ Hữu Tường. Gặp anh Linh, anh bảo, đêm tối gió mưa thế này mà lò mò đến nhà bác Năm thì không an tâm lắm, vì căn nhà trong ngõ hẻm gần rạp xi nê Đa Kao của bác Năm thường xuyên bị công an theo dõi. Thế là chúng tôi chia tay, anh Linh hẹn tôi một dịp khác.

Trước đêm đó, tôi nhờ Hồng Anh, một người bạn là học trò tiếng Tây Ban Nha của bác Năm để ý dùm mọi động tịnh chung quanh nhà bác, mỗi khi anh đến nhà bác để học. Anh bảo tôi chắc anh cũng phải thôi, không dám đến học nữa, vì mỗi khi ra vào, công an nơi phường bác Năm ở để ý anh kỹ lắm. Hồng Anh bây giờ làm chủ báo một tờ tuần báo rất thành công ở Melbourn bên Úc. Năm 1994, khi tôi sang Úc chơi, gặp lại nhau, Hồng Anh bảo, hú hồn, may mà vượt biên sớm, chứ không thì đã oan mạng vì vụ bác Năm bị bắt.

Bác Năm vóc người hơi thấp, da xanh tái, hàm răng to, chắc và cáu vàng. Hai tai Bác Năm dài, dầy, trông như tai Phật. Bác Năm nhìn tôi xoi mói. Bác bảo, thằng Thái mày ăn cơm chung với bác Năm và hai anh Chánh và Lịch nghe, để bác Năm mày nói chuyện cho nghe.

Bác Năm mày,” cách nói thân mật, xuề xòa đặc thù của tác giả “Phi Lạc Sang Tàu.”

Bữa ăn chung đầu tiên, nhìn bác Năm đưa tô canh chung của cả bốn người lên húp, tôi thương ông già quá đỗi. Cái tô nứt nẻ, vá chằng vá chịt bằng mủ ny lông, chứa một thứ nước lõng bõng với vài lát bí đỏ nhạt thếch. Tôi nói đùa với bác mà muốn ứa nước mắt, “đời bác Năm te tua y như cái tô phải không bác.” Ông già cười bảo tôi, người ta gọi bác Năm mày là Hồ Hữu Tù mà, thời nào bác Năm mày cũng đi tù, tù Tây, tù Quốc Gia, tù Cộng Sản.

Ba ngày ở phòng 2 khu A trước khi chuyển sang trại giam T 30 Chí Hòa, bác Năm đem bàn cờ thế ra luận cho tôi nghe về thời cuộc và kể diễn tiến việc bác và đồng chí bị bắt. Bàn cờ thế là hai bên tướng đỏ đen đã lộ mặt. Bên đen, một con tốt đã qua sông chắn mặt tướng, hai xe đen kè ngang hông tướng đỏ, trong khi chân chiếu của mã đen ngay cung tướng đỏ, nên tướng đỏ hết đường lui. Bên đỏ, chỉ cần một nước chiếu xe nữa là tướng đen đi đời. Tới phiên bên đen tấn công, hai xe đen vỗ vào mặt tướng đỏ, tướng đỏ lần lượt ăn lên, nhưng lại bị chốt đen dí xuống. Tướng đỏ thua, không ăn lên chốt đen được vì lộ mặt tướng đen. Bác Năm giải thích, hai xe đen, một là Việt Nam Cộng Hòa, một là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Tướng đỏ là Cộng Sản miền Bắc, còn con tốt đen chính là bác Năm và tổ chức của bác Năm. Bác bảo tôi, Việt Nam Cộng Hòa đã thua ngày 30 Tháng Tư; Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã bị xóa sổ sau khi Cộng Sản miền Bắc vào Nam; những ngày sắp tới, Cộng Sản miền Bắc phải nhượng quyền lại cho tổ chức tên là Việt Nam Độc Lập – Thống Nhất – Trung Lập Đồng Minh Hội, do bác lãnh đạo.

Câu chuyện ly kỳ, hồi hộp như chuyện võ hiệp Kim Dung vậy, nhưng tôi vẫn nghe.

Về việc bác và tổ chức bị bắt, bác cho biết, ngay khi Cộng Sản chiếm miền Nam, bác đã in một tập tài liệu của Việt Nam Độc Lập – Thống Nhất – Trung Lập Đồng Minh Hội, gởi trực tiếp bằng đường bưu điện cho tất cả giới lãnh đạo Đảng Cộng Sản, từ Bộ Chính Trị cho đến các Trung Ương Ủy Viên và Tỉnh Ủy các tỉnh. Trong tài liệu, bác nói rõ về nhu cầu bắt buộc Việt Nam phải trung lập trong bối cảnh tình hình khu vực Á Châu. Ông già khẳng quyết, trung lập là giải pháp duy nhất cho Việt Nam, và bác là người đầu tiên của Việt Nam kiên trì đeo đuổi lập trường này. Nên, một mai khi tình thế bị o ép, Cộng Sản Hà Nội không còn con đường nào khác là chấp nhận trung lập; họ bắt buộc phải cậy nhờ đến bác. Bác còn lôi trong chiếc túi tù bộ quần áo veste cùng đôi giầy đen và nói, vì sợ tình thế biến chuyển mau quá, không kịp về nhà lấy quần áo mặc trong lễ tiếp nhận chính quyền từ tay Cộng Sản, nên bác đã nhờ công an chấp pháp về tận nhà bác mang quần áo giầy vớ cho mình. Chính vì câu chuyện này mà nhiều bạn tù của chúng tôi đã sống với mơ ước có ngày theo chân bác thoát đời tù, giành lấy chính quyền trong vinh quang.

Ba ngày cuối cùng ở trại giam T20, chúng tôi không được phát chiếu, muỗng, chén ăn cơm. Bác Năm bảo, nó hành mình trước khi thả đó. Rạng sáng ngày thứ tư, từng hai người một, chúng tôi bị còng tay đưa ra xe để chuyển trại. Căn cứ vào số lượng thực phẩm là một ổ bánh mì mà công an phát cho mỗi người, tôi đoán là chúng tôi sẽ bị chuyển qua một trại giam nào đó rất gần, chứ nếu chuyển xa thì khẩu phần sẽ từ 3 đến 5 ổ, và được phát cả nước uống nữa. Kinh nghiệm tù giúp tôi đoán thế.

Quả thật, chúng tôi đến trại giam T30 Chí Hòa vào khoảng 9 giờ. Tôi lại may mắn được ở chung với bác Năm cùng hai anh Chánh và Lịch. Tổ cơm chung của bác cháu chúng tôi vẫn thế, vẫn những lần húp canh chung trong một thau nhựa, thức ăn gia đình nuôi thì phải dè sẻn từng tí một, vì không biết lần nuôi kế tiếp sẽ là bao giờ.

Một tuần liền, trại giam không phát chiếu, tô, muỗng, không cho đi tắm. Cái nóng hầm hập làm mồ hôi tù nhễ nhại, phát điên lên vì thèm một gáo nước xối lên người. Bác Năm bảo, tụi nó thử mình trước khi thả đó, ráng chịu đựng, đừng chống đối. Bước sang tuần thứ nhì, đúng chu kỳ một năm vài lần trại giam cho tù ăn thịt heo, mỗi người chỉ được một miếng mỡ thịt bầy nhầy bằng đầu ngón tay cái với vài muỗng nước mỡ mặn chát muối, nhưng cũng đủ làm vui đời tù. Hạnh phúc hơn nữa là còn được phát chiếu, tô, muỗng nhựa, và “sướng cực kỳ” là được đi tắm. Đời sống trại giam bắt đầu vào nhịp bình thường, nghĩa là ngày cơm hai bữa, tuần tắm hai lần, và hầu như không ai còn bị gọi lên văn phòng thẩm vấn nữa, vì chuyển qua Chí Hòa là xem như hồ sơ đã xếp lại, án tù bao nhiêu thì chỉ có… Lê Đức Thọ biết.

Vậy mà bác Năm vẫn lạc quan như thường. Ông già Cái Răng – Cần Thơ này bảo tôi, tụi nó để mình dưỡng sức trước khi thả đó. Đúng là khẩu khí nghịch ngợm, vui tếu, coi trời bằng vung của nhân vật “Thằng mõ làng Cổ Nhuế” (tựa của một trong những tác phẩm của Hồ Hữu Tường.)

Những người tù ở phòng 10 khu BC Chí Hòa vào những tháng đầu của năm 1979 chắc hẳn không quên được hình ảnh bác Năm. Ông già có thói quen, mỗi lần đi tắm, lúc nào cũng lượm lặt đem lên phòng những sợi chỉ tìm thấy chung quanh bể tắm. Bác tỉ mỉ nối các sợi này với nhau và đan thành một cái găng tay với năm ngón lòi ra ngoài. Cái găng xù xì đó bác đeo vào tay phải và dùng để kì cọ thân thể mỗi khi tắm. Tối đến, bác giăng mùng rồi vắt hai bên lên như một cái lều của dân du mục ở sa mạc. Đó là giờ bắt đầu bác đem cờ thế ra chơi, rồi bảo hai đệ tử Chánh và Lịch đi gọi từng người mà bác đã nhắm trước đến “lều vải” để bác luận thời cuộc cho nghe. Khi bác say sưa nói, hai anh Chánh và Lịch kính cẩn lắng nghe, cho dù câu chuyện đêm nào gần như cũng cùng một nội dung: “Bác Năm mày sắp được thả để ra tiếp quản chính quyền.”

Người trẻ trong phòng thì có người vì tin bác tuyệt đối nên chìm đắm trong hy vọng sẽ có ngày “có danh gì với núi sông;” có người thì phân vân lắm, không biết thực hư ra sao. Những người tù thuộc thế hệ ít nhiều đã biết bác Năm thì dửng dưng, thậm chí có người còn nói xa gần rằng bác Năm hoang tưởng, tếu, ngây thơ.

Một kỷ niệm tôi cứ nhớ hoài về bác.

Một buổi trưa, như mọi ngày, sau khi cho tù nhân đã có án làm lao động trong trại lên các phòng lấy thùng đựng cơm, chuẩn bị cho bữa ăn chiều, công an trông coi trại giam khóa các cửa sắt nơi ngăn chia các khu. Hôm đó, không biết lý do gì, hơn một giờ trưa rồi mà trại giam không đánh kẻng báo dứt giờ nghỉ. Trại giam thì không khí vắng lặng như tờ. Bác Năm là người phá tan cái im ắng đó. Bác tỉnh queo phán, tụi nó rút chạy rồi, anh em chuẩn bị phá cửa để về. Rồi bác Năm “triệu tập một buổi họp khẩn” với đám trẻ, bắt đầu phân công thằng này làm việc này, thằng kia làm việc kia để chuẩn bị tiếp quản chính quyền. Bác Năm giao cho tôi nhiệm vụ khi ra tới ngoài phải huy động xe đò chở anh em tù nhân của trại giam đến tập trung ở sân vận động Cộng Hòa, chờ nghe lệnh bác. Tôi còn nhớ, tôi đùa với bác rằng, trong khi chưa phá được cửa phòng giam, anh em cần phải bảo vệ bác vì sợ còn thằng công an nào căm thù, xả súng vào phòng thì chết cả đám. Tôi cùng vài anh em khác đến ngay chỗ chứa các thùng nước của toàn phòng, nơi có bức tường xi măng cao tới đầu gối, rồi cả đám chuyển các thùng nước để có chỗ làm “nơi ẩn trú” cho bác Năm. Tôi vừa làm vừa cười vì biết là mình đùa, còn những anh em khác, tâm trạng ra sao quả tình tôi không rõ. Ba giờ chiều, sinh hoạt toàn trại trở lại bình thường, công an lên mở cửa từng phòng để cho lãnh cơm. Không biết lúc đó ông già Năm của tôi nghĩ gì.

Bác Năm nhiều khi đùa giỡn tếu táo y như nhân vật Phi Lạc trong các bộ chuyện Phi Lạc của bác mà bản chất là “bợm,” “phiêu lưu,” “trào phúng.”

Có lần, bác hỏi: “Thằng Thái, mày có thấy ai có 9 dương vật chưa?” Tôi đã bắt đầu quen với cách bông đùa của ông già Phi Lạc, bèn nói, chắc bác có hả? Ông già cười khoái chí, nhe hàm răng bự tổ chảng và nói, “tối tao cho mày coi.”

Sau bữa cơm tối, Bác Năm gọi tôi tới “lều cỏ” của bác và trật quần xuống cho tôi coi. Mèng ơi, có gì đâu, chỉ là 9 nốt ruồi đỏ, mọc lủng lẳng hơi khác thường ngay tại “bộ phận” của bác. Ông già ghé tai nói, “số tao làm vua đó nghe mày. Mày phải tuyệt đối giữ bí mật, tụi nó biết nó giết tao đó.”

Ra khỏi tù năm 1984, hơn hai tháng sau tôi vượt biên. Ðến Mỹ, tôi có dịp gặp nhiều người cùng thế hệ hoặc là bạn bác Năm. Nghe tôi kể những kỷ niệm trong tù với bác, họ cười và bảo, “Hồ Hữu Tường ‘giả mù sa mưa’ để Cộng Sản nghĩ rằng ông không còn minh mẫn nữa và đánh giá thấp ông; chứ phải nói cho đúng, Hồ Hữu Tường là một trong những trí tuệ lẫy lừng của Việt Nam và từng ngang dọc trong suốt chiều dài lịch sử tranh đấu cận đại của đất nước mình.”

Điển hình là nhận xét của Nhà văn Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng: “Thế hệ tôi biết ông Hồ Hữu Tường qua bộ sách ‘Một Thửa Ngàn Năm’ gồm ‘Phi Lạc Sang Tầu’, ‘Phi Lạc Náo Hoa Kỳ’. Nghe tiếng ông là “Đệ Tứ” từng tốt nghiệp Cao Đẳng Toán (tương đương Thạc Sĩ ngày nay) ở Pháp, hoạt động chung với những vị Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm… Ông từ bỏ Chủ Nghĩa Cộng Sản vào đầu những năm 40, viết thuyết luận về Kinh Tế – Chính Trị, đề xuất một chủ nghĩa dân tộc Việt Nam và chủ trương trung lập như một giải pháp chính trị cho toàn đất nước.

“Phải nói, qua tiểu sử ông, tôi chẳng thể hình dung được con người Hồ Hữu Tường. Cho đến khi đọc được bút ký của Đinh Quang Anh Thái thì Bác Năm mới thành con người có da có thịt, đầy trí tuệ và nhất là có một tấm lòng son sắt với nước non. Từ đó, Bác Năm đối với tôi không chỉ là một Phi Lạc thông minh tếu táo nữa.

“Bác Năm mãi mãi là một tấm gương sáng cho những người còn biết yêu quê cha đất tổ và tin vào một tương lai tươi đẹp.”

***

Ðêm cuối cùng trước khi bác Năm và hai anh Chánh và Lịch bị chuyển trại, bác bày trò cầu cơ xem mọi việc sẽ ra sao. Từ bé, đây là lần đầu tiên tôi dự cầu cơ. Bác Năm dùng một mảnh gỗ nhỏ lượm được lúc đi tắm vào buổi sáng để làm vật cầu cơ. Tôi thề là không thấy gì lạ hết, nhưng bác bảo cơ linh lắm, cơ đang chạy và cơ nói là sắp có biến chuyển đến nơi rồi. Không khí ban đêm ở trại giam như rờn rợn khi bác nói cơ là vong người chết ngay chỗ bồn chứa nước ở trung tâm trại giam.

Cơ linh thật! Sáng hôm sau, một buổi sáng tháng Sáu 1979, bác Năm và hai đệ tử cật ruột bị bắt cùng vụ là Hồ Chánh và Nguyễn Văn Lịch bị gọi tên chuyển trại cùng một số tù nhân của các phòng giam khác. Giờ phút chia tay, bác Năm nói với tôi, “chắc chắn là tao được thả để tiếp quản chính quyền, kỳ nuôi sắp tới, mày sẽ nhận được quà của bác Năm gái mày, mày nhớ coi kỹ hũ mắm ruốc, sẽ có tin tao gởi vô.”

Ðó là lần cuối tôi nhìn thấy bác Năm Tường. Bác bị chuyển đi lao động ở trại giam Hàm Tân. Sau này, khi được thả ra khỏi trại giam Chí Hòa năm 1984, tôi được tin bác đã mất hai năm trước. Anh em bạn ở trại giam Hàm Tân được thả về nói với tôi là bác Năm bị đau nặng, công an đưa bác về nhà, xe bị lật trên đường, bác được đưa vào nhà thương chữa trị, rồi đưa về nhà. Bác Năm vĩnh viễn ra đi với sự chứng kiến của bác Năm gái. Còn anh Chánh và anh Lịch thì đã hơn 30 năm rồi, không có tin gì nữa.

Bác Năm không còn nữa. Nhiều người cùng tù với bác cũng không còn nữa: Bác Nguyễn Tiến Hỷ, chú Vũ Hữu Bính, bác Thái Lăng Nghiêm, cậu Như Phong Lê Văn Tiến, ông Phạm Thái Nguyễn Ngọc Tân… Anh Nguyễn Ðan Quế thì bị tù nhiều lần nữa vì cương quyết chống lại cường quyền, hiện đang sống ở Sài Gòn nhưng bị quản chế tại gia rất gay gắt. Anh Ðoàn Viết Hoạt thì tị nạn trên đất Mỹ và vẫn nhiệt huyết như ngày nào. Những người nói trên và nhiều người nữa cũng như bác Năm Tường, cả một đời tận tụy mà vẫn chưa nhìn thấy một Việt Nam tươi sáng.

Viết lại những kỷ niệm với Bác Năm, thương bác những ngày nghiệt ngã trong trại giam, bưng chén canh chung lên môi, nuốt cùng bao nỗi cay đắng khổ cực của một phận người suốt đời mưu cầu cái chung cho dân tộc?

Comments are closed.