Tiểu thuyết
Đặng Văn Sinh
PHẦN BA
Chương 13 (tiếp theo)
Nghiên nhận được thư của Hảo qua một anh bạn ở làng Đậu Khê. Thư hẹn hai người sẽ gặp nhau ở quán Cây Đề đồng Quao, Nghiên đến sớm. Lúc ấy mới khoảng sáu rưỡi nhưng vì vào cuối thu nên trời đã nhập nhoạng. Đàn sẻ đã bắt đầu kéo về đậu trên mái quán tìm chỗ trú đêm. Chúng mổ nhau chí choé, thỉnh thoảng một vài con bay vút lên lượn vài vòng rồi sà xuống. Lũ chích choè vốn lắm điều bay vật vờ trên cao hoàn toàn im lặng, chỉ đến khi lần lượt đậu xuống cành cao nhất của cây đề chúng mới nhả những tiếng chíp chíp rời rạc như là quá mệt mỏi sau một ngày lang thang kiếm mồi. Hảo đến muộn một chút hỏi Nghiên:
– Anh đợi em lâu chưa?
Nghiên bảo:
– Tôi cũng mới ra
Hảo hỏi:
– Anh học thổi kèn đám ma ở đâu?
Nghiên lại bảo:
– Cánh mình chơi theo bản nhạc ấy mà.
Hảo tỏ vẻ ngạc nhiên:
– Các anh còn biết cả âm nhạc?
Nghiên cười:
– Cái gì cũng có thể học được nếu mình chịu khó.
Hảo:
– Anh nói thật đi, anh là ai?
Nghiên:
– Tôi là dân làng Cùa, nông dân cá thể, nhà ở đồng Chó Đá.
Hảo:
– Anh chỉ giỏi bịa, em thấy anh rất bí hiểm. Ở nông thôn ít có những người như thế.
Nghiên:
– Hảo nói đúng lắm, khắp vùng Ba Tổng kiếm đâu ra phường kèn đám ma như bọn này. Vì thời nay, thanh niên là phải phấn đấu vào Đoàn, hoạt động xã hội hoặc thoát ly làm người nhà nước mới đúng kiểu.
Hảo cười rất hồn nhiên:
– Anh viết điếu văn hay như thế chắc viết thư phải tình cảm lắm.
Nghiên lại bảo:
– Cũng thường thôi, với lại tôi cũng ít viết thư.
Hảo hỏi:
– Ngày mai anh sang nhà em có được không ?
Nghiên lắc đầu :
– Nhà đang có tang sang không tiện, tôi thấy ông Phó chủ tịch nghiêm lắm.
Hảo thở dài:
-Nhưng anh chàng Thạc đang học trung cấp nông lâm thì ngày nào cũng đến ám.
Nghiên nói khẽ:
– Thì đồng ý người ta đi, môn đăng hộ đối thế cơ mà.
Hảo bậm môi:
– Cái anh này nói thế Hảo còn hẹn anh ra đây làm gì .
Nghiên lại trêu:
– Trông anh ta cũng cao ráo đấy chứ, lại có văn hoá nữa, khác hẳn bọn tôi, chưa thoát nạn mù chữ.
Hảo bĩu môi cười nhạt:
– Văn hoá gì, cũng học lớp sáu rồi bỏ như em, may có ông bố là Bí thư huyện uỷ xin cho.
Nghiên cầm tay Hảo làm người cô run lên. Lúc sắp chia tay Hảo ngập ngừng hỏi:
– Tối mai lại ra đây được không anh?
Nghiên gật đầu:
– Anh sẽ ra nhưng … bố em không bằng lòng cho chúng ta gặp nhau đâu.
*
* *
Mấy hôm sau, lúc ở đám ông Vệ Tuân chết vì say rượu ngã xuống ao Quan về, Trịnh Doãng hỏi Lê Văn Nghiên :
– Cậu phải lòng cái Hảo bên kẻ Báng rồi phải không?
Nghiên chối phắt:
– Đâu có, anh chỉ đoán mò.
Doãng tủm tỉm cười:
– Tối hôm hai mốt anh chị nào hẹn nhau ra quán Cây Đề đồng Quao?
Nghiên giật mình:
– Hôm ấy anh đi thả ống lươn à?
Doãng chỉ ậm ừ:
– Không đi nhưng tớ biết… Mà này, trông bộ dạng lão Trọng lúc nào cũng vênh váo, tớ chẳng ưa tí nào.
– Chưa chi anh đã có ác cảm với người ta.
– Thằng Doãng này nói không sai đâu. Tớ ngại là ngại cho cuộc tình duyên của các cậu. Cái Hảo là đứa con gái ngoan, nó yêu cậu thật đấy nhưng ông bố thì đếch chơi được. Hắn sẽ phá đám cho mà xem.
Doãng nói tào lao thế mà đúng. Lê Văn Nghiên cùng anh bạn đánh trống Nguyễn Đình Phán vừa bước vào cổng, ông Phó chủ tịch xã Thanh Bình đã chơi ngay một vố làm hai người chỉ còn cách độn thổ:
– Các anh là mấy tay thợ kèn làng Cùa phải không?
– Dạ, chúng cháu chào bác ạ.
Ông Trọng laị hỏi:
– Sang đây có việc gì?
Thấy hai gã trai thiên hạ đưa mắt nhìn nhau, ông chủ nhà ra tiếp đòn quyết định:
– Con Hảo nhà này sắp làm dâu ông Bí thư huyện uỷ. Tôi đề nghị các anh đừng quấy rầy nó nữa.
Thế là hai anh em quay gót, đi một mạch về làng chẳng biết Hảo có nhà hay không .Tối hôm ấy Nghiên viết mấy dòng thư gửi cô ta: Hoàn cảnh nhà tôi phức tạp lắm không tương xứng với Hảo. Từ nay chúng ta chấm dứt quan hệ và mong em được hạnh phúc với chàng trung cấp nông lâm. Nhận được thư, Hảo chẳng giữ ý nữa, sang ngay làng Cùa. Lúc ấy Nghiên đang gõ thuyền đánh lưới bén trên sông Lăng. Nhìn thấy dung mạo Hảo, bà Hài mừng lắm, trong lòng dự đoán, hai đứa chắc đã có tình ý với nhau, liền nhờ người đi gọi con trai rồi kể cho Hảo về gia cảnh. Nghe xong cô xúc động lắm nói với bà mẹ:
– Chuyện bác trai trước là Chủ tịch huyện, rồi anh Khải đi học đại học Nông lâm anh ấy chẳng nói gì với cháu. Hôm bà cháu mất, anh ấy viết điếu văn làm cả họ phải khóc cháu đã sinh nghi.
Bà Hài chép miệng:
– Hai anh em nó đứa nào cũng tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp ở tỉnh, nhưng vì thành phần gia đình, thằng Khải khó khăn lắm mới được đi học đại học. Thằng Nghiên vì anh mà phải giam gần nửa năm, may có ông Trần Quảng gỡ cho.
Bà Hài nói đến đây thì Nghiên về. Hảo làm mặt giận:
– Anh Nghiên coi thường em quá.
Nghiên tin Hảo yêu mình thật lòng nhưng biết là cô ta không thể nào vượt được quyền ông bố gia trưởng đang lập kế hoạch dùng con gái làm nhịp cầu tiến thân. Cuộc tình này hẳn là chẳng có kết thúc tốt đẹp liền giả tảng nói với mẹ nhưng thực chất là để cho Hảo biết rõ thái độ của mình:
– Đây là cô Hảo bên làng Báng, con ông Trọng, Phó chủ tịch xã Thanh Bình.
Bà Hài bảo:
– Tao biết rồi.
Hảo nguýt Nghiên có ý trách:
– Giới thiệu kiểu gì thế?
– Tôi nói chưa hết. Nghiên tiếp tục bằng thứ giọng mà chính mình cũng thấy khó chịu – Chắc cô Hảo sang đây mời đám cưới?
Hảo sa sầm nét mặt:
– Anh ác lắm. Đấy bác xem, anh ấy toàn nói châm chọc.
– Tôi không nói sai đâu. Mấy hôm trước chính ông Phó chủ tịch nói như thế khi tôi và anh Phán vừa vào đến cổng.
Hảo bổng giật mình:
– Các anh đến hôm nào, sao em không biết?
– Vừa đến cổng đã bị đuổi ra, Hảo biết thế nào được.
Hảo cười gằn:
– Vì thế mà anh viết thư cho tôi đòi chấm dứt quan hệ?
– Biết làm thế nào được, cái chính là tại hoàn cảnh gia đình tôi.
– Làm đấng nam nhi phải chịu nhường người mình yêu thương cho kẻ khác thì hèn lắm. Thôi chào anh. Con chào bác, con về.
Tất nhiên là bà Hài không cần đưa mắt ra hiệu thì Lê Văn Nghiên cũng phải chạy theo. Anh ta đưa Hảo ra tận quán Cây Đề. Tại đây Hảo khóc thút thít, còn Nghiên ra sức vỗ về. Anh ta vốn sợ nước mắt phụ nữ, hễ cứ thấy các cô sụt sịt là người bứt rứt như bị dị ứng khi thời tiết thay đổi. Được một lúc thì sự căng thẳng tạm thời giải toả. Lúc sắp về, Hảo dặn:
– Từ nay nếu có sang phải báo trước để em đón.
– Anh sợ ông Phó chủ tịch lắm, lúc nào cũng lừ lừ trông ghê cả người.
– Bây giờ làm thế nào hả anh? Cứ nhìn thấy thằng Thạc là em đã ghét.
– Em cứ viết thư nói thẳng với anh ta.
– Hắn bám dai như đỉa, trong nhà bố em là nội ứng, anh bảo làm sao thoát được. Em nghĩ chỉ còn một cách.
– Cách gì hả cô bé bướng bỉnh?
Hảo ngập ngừng:
– Chỉ có một cách là… có con trước với chàng thợ kèn.
Nghiên bật cười:
– Em không đùa đấy chứ?
Hảo gật đầu:
– Em nói hoàn toàn nghiêm túc. Có thế chúng ta mới được bên nhau mãi mãi.
Nghiên từ từ kéo Hảo vào ngực, hôn lên tóc cô, thì thầm:
– Chúng mình là những người đàng hoàng, không làm thế được. Ta phải chọn cách khác thôi em ạ.
Mấy lần Hảo đi chơi tối về muộn, ông Trọng sinh nghi liền cử cậu con trai út là thằng Tần bí mật theo dõi. Đến lúc ấy ông ta mới ngã ngửa người ra hai đứa vẫn hò hẹn nhau ở quán Cây Đề. Khác với mọi lần, hôm ấy ông Phó chủ tịch im như thóc trong bồ, lặng lẽ nghĩ cách xử lý. Thời gian chờ đợi khá căng thẳng nhưng rồi nó cũng đến khi ông bố thấy cô con gái vào buồng chải tóc mặc bộ quần áo mới. Hảo vừa ra khỏi làng lập tức có mấy bóng đen bám theo. Họ luôn giữ khoảng cách với Hảo chừng hơn trăm thước mà cô ta không hề biết. Từ kẻ Báng sang đồng Quao khá xa. Hảo vừa đi vừa chạy, đến lúc nhập nhoạng thì mất hút làm mấy bóng đen nháo nhác tìm. Lúc ấy khoảng hơn bảy giờ. Nghiên đã chờ khá lâu. Hảo vừa xuất hiện hai người đã ôm cứng lấy nhau. Cô gái khóc tức tưởi:
– Gay rồi anh ơi, rằm tháng này nhà trai đến ăn hỏi, làm thế nào bây giờ?
Nghiên vuốt tóc Hảo thở gấp như bị choáng:
– Sao nhanh thế?
– Hình như bố em đã biết chuyện chúng mình, mấy hôm nay em thấy thái độ khác lắm.
– Đứng im! Các người đã bị bắt.
Hảo và Nghiên vừa rời khỏi tay ra thì chiếc đèn pile đã rọi thẳng vào mặt.
– À, ra cô Hảo, mời cô về, ông Phó chủ tịch đang đợi ở nhà. Còn anh kia, theo chúng tôi về uỷ ban!
Hai gã lạ mặt chắc là dân quân làng Báng. Tay khoác súng trường lừ lừ nhìn Nghiên rồi bất ngờ quàng ngay dây thừng vào người anh ta. Hảo sấn lại, quát lên:
– Các người làm gì thế? Bỏ anh ấy ra.
– Xin lỗi cô Hảo nhé!
Gã cầm đèn pile giữ chặt tay cô gái bảo:
– Đây là lệnh của ông nhà. Chúng tôi chỉ là người thừa hành.
Nghiên bị trói hai tay vào cột quán. Trước khi đưa Hảo về, tay dân quân khoác súng vỗ vai chàng thợ kèn bảo:
– Ở đời không nên chơi trèo anh bạn ạ. Cô Hảo là con dâu ông Bí thư, kẻ nào động vào là ngồi nhà đá.
Hảo vừa bước vào nhà ông bố đã túm tóc bạt tai liền mấy cái, giọng rít lên:
– Đồ mất dạy! thế này thì mày bôi tro trát trấu vào mặt tao còn gì.
Cô con gái lấy tay xoa má, lẳng lặng vào buồng làm ông bố càng tức:
– Mày không có mồm à?
Đến lúc này Hảo không chịu được thói gia trưởng quá quắt của ông Trọng nữa, oà lên khóc:
– Thầy sai dân quân rình mò con, trói người ta giữa đồng là phạm pháp. Ngày mai con sẽ ra xã báo với bác Kiểm.
Ông Phó chủ tịch như vừa bị cái tát điếng người, rít qua kẽ răng:
– Có giỏi thì mày cứ đi.
Hảo vênh mặt:
– Con đã bảo không lấy tay Thạc, thầy cứ ép sau này đừng trách.
Ông Trọng cười gằn:
– Mày… mày dám…
– Thật đấy.
Hảo thấy bố đờ mặt ra liền tấn công tiếp:
– Lần nào giảng nghị quyết cho thanh niên thầy cũng nói chế độ Xã hội chủ nghĩa tôn trọng tình yêu hôn nhân tự do rồi phê phán hệ ý thức phong kiến lạc hậu, vô nhân đạo chà đạp lên nhân phẩm người phụ nữ, thế mà về nhà lại ép duyên con gái, vậy chúng con phải tin vào ai?
Rõ ràng là đang bị dồn vào thế bí nhưng ông Phó chủ tịch vốn lắm mưu mẹo, biết rằng cứ đối đầu như vậy sẽ dẫn đến đổ vỡ, bèn thay đổi chiến thuật. Ông ta vốn có sở trường dùng ba tấc lưỡi chuyển bại thành thắng trong lúc nguy cấp. Có lẽ chỉ còn cách đánh vào tình cảm may ra con bé cứng đầu này mới chịu nghe.
– Hảo con có thương thầy mẹ không?
– Sao thầy lại hỏi như vậy?
– Là vì thầy mẹ thương mày lên muốn chọn cho mày tấm chồng tử tế, sau này có chỗ dựa suốt đời.
– Con biết ơn thầy mẹ nhưng như thế không có nghĩa là cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đấy.
– Nhà ông Bí thư có mỗi cậu Thạc là con trai, lại được học hành tử tế. Mày về bên ấy là bác Sự xếp ngay cho một chân văn phòng, thiên hạ khối kẻ nằm mơ cũng không được đâu con ạ.
– Con lạ gì tư cách anh Thạc, anh ta đã học dốt lại ỷ thế bố là Bí thư huyện uỷ khinh người.
Đã dùng mọi lý lẽ thuyế phục mà Hảo vẫn không chuyển biến, ông Trọng phải dùng đến chiêu cuối cùng :
– Được rồi, bây giờ tao hỏi đây, mày có biết gốc gác cái thằng thổi kèn đám ma ấy thế nào không mà định đâm đầu vào?
– Gia đình anh ấy tốt, chăm chỉ làm ăn.
– Mày ăn phải bùa mê thuốc lú rồi con ạ. – Ông Phó chủ tịch cười nham hiểm – Bố nó là Quốc dân đảng bị xử bắn hồi Cải cách. Mẹ nó là con gái lão Chánh Đàm, phản động khét tiếng vùng Ba Tổng. Anh em nó đều là lũ lưu manh đi tù về.
Hảo nhìn lên thấy vẻ mặt đắc thắng và ánh mắt thoáng chút độc địa của bố liền bảo:
– Trừ thầy ra, cả vùng này ai mà không biết bác Vận là Chủ tịch huyện bị Đội Cải cách xử oan. Con cũng xin nói rõ, mấy người thầy sai đi điều tra báo cáo không đúng sự thật. Trước Cải cách ruộng đất, hai người con trai bác Vận đã đỗ tú tài bán phần. Hiện nay anh Khải đang học khoa Thú y đại học Nông lâm sắp ra trường. Họ là những người có văn hoá và tư cách chứ không phải lũ lưu manh.
Ông Trọng cười mát:
– Mày hiểu rõ lý lịch nhà người ta quá nhỉ, nhưng quyết định của thầy mẹ vẫn không thay đổi. Rằm này ông bà Bí thư sẽ mang lễ sang ăn hỏi, đầu tháng tám tổ chức.
– Thầy… thầy nhẫn tâm lắm.
Ông Phó chủ tịch hạ giọng nặng chịch:
– Nước có phép nước, nhà có lệ nhà, cứ thế mà chấp hành, không bàn cãi lôi thôi nữa.
Dịp ấy Thạc cũng học xong trung cấp Nông lâm mang tấm bằng xếp loại trung bình sang khoe với Hảo:
– Anh đã có quyết định về làm việc ở phòng Nông nghiệp huyện. Cưới nhau xong bố sẽ xếp việc cho con dâu làm văn thư, thế là chúng mình mãi mãi bên nhau.
Hảo nhìn bộ dạng anh cán bộ kỹ thuật mới ra lò, giọng lạnh lùng:
– Nhưng anh chưa hỏi xem tôi có đồng ý hay không?
– Em sao thế?
– Chẳng sao cả. Đơn giản là tôi không yêu anh.
Thạc nhăn nhó:
– Nhưng mà tôi yêu em. Hơn nữa hai gia đình đã chuẩn bị, em phá đám còn ra thể thống gì nữa.
Hảo lắc đầu:
– Anh về nói với ông bà Bí thư hủy đám ăn hỏi đi. Tôi đã có mang với người ta.
Thạc bị choáng, lặng người một hồi lâu mới ngập ngừng bảo:
-Không… sao, vì anh rất yêu em. Chuyện này chỉ hai ta biết với nhau miễn là em đồng ý làm vợ anh.
Hảo ôm mặt khóc. Thật là phường vô liêm sỉ. Cô đã mạo hiểm đem cả danh tiết của mình đặt lên bàn đàm phán mà hắn ta vẫn trơ lỳ, bám dai hơn đỉa đói. Biết làm thế nào đây?
Những ngày này Hảo bị giam lỏng, nhất cử nhất động đều bị giám sát chặt chẽ, không thoát ra ngoài được. Tối nào Nghiên cũng ra quán Cây Đề để rồi nửa đêm lại về túp lều ở đồng Chó Đá trong tâm trạng bần thần thảng thốt.
Sau lễ ăn hỏi mười tám ngày thì hai bên tiến hành đám cưới. Đó là một đám cưới nửa nạc nửa mỡ. Bà con dân làng đến dự được mời ăn trầu, uống nước, hút thuốc ngoài sân kho hợp tác xã. Họ hàng thân quen và quan khách hàng huyện thì ăn cỗ trong nhà. Việc tổ chức đời sống mới do chi đoàn thanh niên đảm nhiệm. Riêng khoản văn nghệ, bây giờ người ta không nắm tay nhau nhảy sol mi như hồi Cải cách nữa mà chuyển sang hát Câu hò trên bến Hiền Lương hoặc Tình trong lá thiếp nghe rất mùi mẫn.
Đến lúc sắp đón dâu, Ông Trọng mới ra lệnh mở cửa buồng. Hảo như người mất hồn, quần áo lôi thôi, tóc rối bù chẳng thèm chải. Mấy cô bạn xúm vào trang điểm gần nửa giờ mới tàm tạm giống cô dâu.
Đêm tân hôn. Lúc ấy đã muộn lắm. Thạc say khướt vì phải chạm cốc với cánh đồng môn lớp trung cấp Nông lâm, đẩy cửa buồng bước vào thở ra toàn mùi rưọu quốc doanh. Anh ta cài chốt rồi nhảy lên gường choàng tay ôm ngang người Hảo. Cô lùi vào trong khẽ bảo:
– Không được động vào người tôi!
Thạc cất giọng lè nhè:
– Cô đã là vợ tôi, tôi có quyền.
Hảo bịt mũi xua tay:
– Tôi sợ mùi rượu.
Thạc quài tay vặn to ngọn đèn, mặt hằm hằm, khác hẳn thái độ khúm núm mấy hôm trước ở nhà ông Trọng.
– Cởi quần áo ra!
Hảo lắc đầu:
– Anh mà động vào người tôi là tôi cắn lưỡi tự tử.
– Mày đã nằm ngửa ra cho thằng thợ kèn nó chơi… còn ngượng cái nỗi gì?
– Anh im đi!
Thạc nổi khùng chửi:
– Không ngờ nhà tao tốn bao nhiêu tiền lại rước về một con đĩ.
Hảo tái mặt cố nén cho giọng bớt gay gắt:
– Hãy nghe cho rõ đây. Trinh tiết một đời con gái của tôi không phải là dành cho hạng người như anh.
– Cứ thử xem…
Thạc dường như đã tỉnh rượu, vồ lấy Hảo xé rách toạc chiếc áo cánh bằng phin nõn. Anh ta vừa thò tay kéo chun quần thì cô lật sấp người đẩy mạnh ra rồi cắm con dao lá lúa vào yết hầu. Con dao nhỏ sắc được Hảo chuẩn bị từ trước, động tác lại quá nhanh làm Thạc trong lúc đang bị kích động không kịp đề phòng, chỉ đến khi máu từ cổ vợ thấm ướt áo gối trắng tinh thêu đôi chim hoà bình anh cán bộ kỹ thuật mới hô hoán lên. Mọi người hoảng hốt chạy vào thì Hảo đã tắt thở.
Vụ án đêm tân hôn làm nhà Bí thư huyện uỷ mất mặt với thiên hạ. Người ta nghi Đoàn Công Thạc giết vợ nên điện cho công an tỉnh về điều tra. Con dao vấy máu còn đó. Thạc không thể thanh minh khi mà chính anh ta rút dao khỏi cổ vợ, dấu vân tay còn để lại sau khi bộ phận hình sự làm xét nghiệm. Trong khi khai với cảnh sát điều tra, anh cán bộ kỹ thuật cung cấp một chi tiết quan trọng, đó là Hảo đang có mang với một người làng Cùa là Lê Văn Nghiên. Tuy nhiên các bác sĩ pháp y lại có kết luận ngược lại. Hảo vẫn là con gái trinh. Vì thế, họ càng có thêm chứng cứ, bởi ghen tuông Thạc đã giết vợ ngay đêm động phòng.
Vụ án ngày càng phức tạp vì công an không tìm thêm được những chứng cứ ngoại phạm nhằm gỡ tội cho con trai ông Bí thư. Hơn nữa, ông Tăng Văn Trọng sau khi biết chắc chức chánh văn phòng đã tuột khỏi tầm tay liền phát đơn đề nghị công an tỉnh làm rõ cái chết oan uổng của con gái. Đoàn Công Thạc bị tạm giam tại trại Kim Chân đến tháng ba vẫn chưa xử được. Lê Văn Nghiên nhớ thương Hảo, người lúc nào cũng như bị ma ám, ăn ngủ thất thường. Bà Hài khuyên con trai:
– Vợ chồng là cái duyên cái số, trời không cho đành chịu con ạ. Có trách là trách cái ông Phó chủ tịch xã Thanh Bình hám địa vị, danh vọng ép duyên con gái đến nỗi cái Hảo thiệt thân. Tao mong toà án sớm đem cái thằng bất nhân ấy ra bắn trước bàn dân thiên hạ.
Nghiên nhìn mẹ nét mặt rầu rầu:
– Con nghĩ tay Thạc chưa chắc đã giết vợ mà có khi Hảo uất ức quá rồi tự sát.
– Mày chỉ nói càn.- Bà hài trách. – Con gái hơ hớ ra như thế thì việc gì nó phải chết.
Nghiên bảo:
– Trước hôm cưới ít lâu con có nhận lá thư. Cô ấy nói, nếu không còn cách nào khác thì ngày cưới cũng là ngày từ giã cõi đời.
– Nó viết thế thật à?
– Con vẫn giữ thư của Hảo đây.
Bà Hài gạt đi:
-Chớ có đưa ra rồi làm ơn nên oán. Bây giờ mẹ mới nhớ ra, ông Bí thư Đoàn Công Sự, hồi giữa năm năm nhăm chả làm Đội Cải cách bên xã Nhân Ái là gì. Chính ông ta đã xúi Hoàng Đình Tằng đuổi nhà mình ra khỏi làng Bòng.
Nghiên lại bảo:
– Thời ấy qua rồi, mẹ không nên cố chấp. Con nghĩ ta cứ gửi bức thư này cho nhà chức trách để họ xem xét, cho dù tay Thạc có tội thật con cũng được thanh thản lương tâm.
-Vậy thì tuỳ con.
Hôm sau Nghiên cuốc bộ năm cây số ra bưu điện gửi bức thư của Hảo. Vừa nhận được, công an tỉnh vội đánh chiếc xe ba bánh về làng Cùa. Bà con đồng Chó Đá không biết chuyện gì xảy ra đã lo cho bà Hài. Hai cảnh sát hỏi Nghiên về mối quan hệ giữa anh ta và Hảo trước đây, thời gian nhận bức thư và một vài chi tiết khác. Nghiên kể xong họ ghi chép rồi bắt tay anh ta:
– Cảm ơn anh đã giúp chúng tôi làm sáng tỏ vụ án. Chúng tôi sẽ đề nghị chính quyền biểu dương tinh thần trách nhiệm.
Nghiên lắc đầu:
– Tôi chả cần biểu dương mà chỉ cần các cấp có thẩm quyền xem xét tư cách của ông Phó chủ tịch Tăng Văn Trọng. Vì ông ta mà Hảo phải chết oan. Có điều trong hệ thống pháp luật của nhà nước ta, cho đến giờ, hình như chưa có điều khoản nào xử phạt những ông bố ép duyên con gái.
Người công an đứng tuổi đeo quân hàm thượng uý gật đầu:
– Anh nói đúng.
Hảo mất được hơn một năm thì đã xảy ra Sự kiện vịnh Bắc Bộ. Khắp vùng Ba Tổng thanh niên nô nức lên đường nhập ngũ. Nghiên cũng viết đơn xin tòng quân. Xã đội trưởng Cung Văn Luỹ xem đơn xong bảo:
– Đối tượng nhập ngũ đợt này phải là đoàn viên. Anh thuộc hộ cá thể lại quá tuổi không đủ tiêu chuẩn.
Đầu năm sáu sáu lại có đợt tuyển thanh niên xung phong Trường Sơn. Nghiên nghĩ, thanh niên xung phong chọn tiêu chuẩn thấp hơn bộ đội chắc họ để mình đi. Ai ngờ Bùi Quốc Tầm lúc ấy là Bí thư đảng uỷ, nhìn thấy lá đơn, gõ gõ cán bút xuống bàn nói:
– Sự nghiệp chống mỹ cứu nước ở hậu phương cũng quan trọng không kém gì tiền tuyến. Anh cứ về nhà yên tâm lao động sản xuất, khi nào cần chúng tôi gọi.
Mấy lần bị hạ nhục, Nghiên cảm thấy không còn đủ kiên nhẫn chịu đựng, định viết lên đơn lên huyện tố cáo thói lộng hành và tham ô tài sản hợp tác xã của bọn Bùi Quốc Tầm và Hỗ Chột. Bà Hài khuyên:
– Thân phận mình như con sâu cái kiến, họ có cả một bè, bàn tay không che nổi mặt trời đâu con ạ.
– Nhưng mà họ chèn ép mình quá.
– Thôi được, ngày mai sang mượn bác Doãng cái xe đạp đưa mẹ lên tỉnh, lần này lại phải nhờ bà Ba mới xong.
Cũng như Lê Văn Khải đi đại học Nông lâm, lần này Bùi Quốc Tầm và Trương Đình Tái nhìn thấy lá thư tay cùng chữ ký của ông Trần Quảng thì không còn lý do trì hoãn nữa, phải hạ bút phê ngay vào đơn và chuẩn bị hồ sơ cho Lê Văn Nghiên gia nhập thanh niên xung phong.
Chuyến ấy vùng Ba Tổng có hơn bảy chục thanh niên nam nữ vào Trường Sơn, riêng làng Cùa có tám người.
(Xem tiếp kỳ sau)