KÝ ỨC LÀNG CÙA

Tiểu thuyết

Đặng Văn Sinh

PHẦN BA

Chương 14

1

Sau khi tốt nghiệp, Lê Văn Khải được phân công về nông trường Phượng Sơn. Nông trường này ở một nơi heo hút suốt ngày chỉ nghe tiếng chim bắt cô trói cột. Rừng ở đây thoáng đãng hơn vùng Bắc Thoòng, gió cũng nhiều hơn và đặc biệt có những đồng cỏ rộng, khá bằng phẳng để chăn thả gia súc. Thanh niên nông thôn mới gia nhập đội ngũ công nhân vài năm, nhiều người chưa biết chữ nhưng rất hồn nhiên, yêu đời.

Giám đốc Trần Kim Thang là cán bộ miền Nam tập kết từ năm năm tư, xem xong giấy tờ hỏi Lê Văn Khải:

– Cậu học ngành thú y à?

– Thưa Giám đốc, trong quyết định có ghi rõ đấy ạ.

Ông Thang húng hắng họ nói giọng Quảng Ngãi vùng Ba Tơ rất nặng:

– Ban Giám đốc điều đồng chí về phòng kỹ thuật phụ trách khâu chăn nuôi.

Trần Kim Thang có cả một bộ máy giúp việc đa số là dân xứ Quảng, trình độ học vấn phần lớn mới thoát nạn mù chữ, nghề chuyên môn là nuôi lợn, trồng chè, rất đố kỵ với dân trí thức, nhất là loại tốt nghiệp đại học như Khải. Mai Ngộ, Trưởng phòng Tổ chức hành chính là một người đàn ông da mặt sát xương, tóc chớm bạc, mắt như mắt mèo hoang, xem hồ sơ của Khải do nhà trường gửi về theo đường bưu điện, thấy có những chỗ không khớp nhau liền gọi anh ta đến hỏi:

– Bố anh mất tháng giêng năm năm nhăm phải không?

– Phải, có chuyện gì thế ạ?

– Ông cụ chết bệnh hay là…?

Đến lúc này thì chẳng cần giấu nữa. Khải thầm nghĩ vậy rồi nhìn thẳng vào cặp mắt xoi mói của Trưởng phòng Tổ chức bảo:

– Bố tôi bị Đội Cải cách bắn oan.

– Sao không ghi vào lý lịch?

– Ủy ban xã đề nghị không đưa việc ấy vào hồ sơ.

– Tại sao xã lại làm việc tuỳ tiện như vậy?

Lê Văn Khải bực mình vì cái kiểu vặn vẹo vô lý của tay Trưởng phòng liền bảo:

– Ông về địa phương mà hỏi, tôi không biết.

Mai Ngộ về xã Đoàn Kết thật. Sau một tuần, ông ta đã có bộ hồ sơ đầy đủ về anh chàng bác sĩ thú y liền báo cáo với Trần Kim Thang trong buổi giao ban đầu tuần:

– Lý lịch của tay Khải này phức tạp lắm. Anh ta được đi học là do bà mẹ có mối quan hệ với ông Chủ tịch tỉnh. Tôi đề nghị nông trường không nên bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo mà chỉ để anh ta làm chuyên môn thuần tuý.

Trần Kim Thang gật đầu tán thành:

– Đồng chí Ngộ nói đúng. Đây không chỉ đơn giản là sự sắp xếp cán bộ mà nó còn liên quan đến vấn đề giai cấp. Ta mà chủ quan, hữu khuynh là kẻ thù giai cấp ngóc đầu dậy, nguy hiểm lắm.

Trưởng phòng kỹ thuật Hà Hữu Đư, người Bắc, học trung cấp nông nghiệp, tiếp Lê Văn Khải không được mặn mà lắm. Anh ta liếc mắt đánh giá đối phương rồi chỉ chiếc bàn ọp ẹp để cốc chén ở góc phòng nói:

– Đây là chỗ làm việc của đồng chí, có việc gì khó khăn cứ nói với tôi.

Lê Văn Khải nhìn thấy đám cán bộ đang giả vờ bận bịu với đống giấy tờ nhưng mắt người nào cũng gườm gườm có vẻ như chả ưa gì anh nhân viên mới. Anh ta ngẫm nghĩ: Tiếp đón nhau kiểu này khó sống lắm đây.

Khải về nông trường chưa đầy hai tháng, một buổi chiều có ông khách đến tìm tại khu nhà tập thể. Viên bác sĩ thú y chưa hề biết người này, nhưng ông khách, trạc ba tư ba nhăm, đội mũ phớt, mang kính râm lại nắm khá rõ hoàn cảnh của anh ta. Sau mấy câu mang tính xã giao, người đội mũ phớt bảo:

– Đại uý Lương Quang Tính giới thiệu về anh.

– Vậy ra, đồng chí là…

– Tôi được cấp trên giao nhiệm vụ phụ trách mạng lưới đặc tình vùng này. Từ nay hàng tháng anh phải báo cáo những sự việc xảy ra trong phạm vi nông trường vào ngày hai mươi tám. Địa điểm sẽ quy định sau. Nên nhớ việc này chỉ tôi với anh biết.

Đêm hôm ấy là thứ bảy, nằm một mình, Lê Văn Khải thầm nghĩ: Thế là họ vẫn không buông tha mình. Còn nhớ, hồi mới học năm thứ nhất, lúc Khải đang từ nhà ăn về, một người đứng tuổi mặc thường phục bất ngờ vỗ vai hỏi:

– Anh là Lê Văn Khải phải không?

– Tôi đây, nhưng anh là ai?

Người đàn ông chìa ra tấm thẻ rồi nói khẽ:

– Theo tôi!

Ông công an mặc thường phục dẫn Khải ra khỏi trường, đi lòng vòng một lúc thì đến bờ sông máng. Trong lòng Khải rất hoang mang, thậm chí còn sợ bị thủ tiêu. Hút gần hết điếu thuốc người công an mới vào vấn đề:

– Chúng tôi bên An ninh muốn mời anh cộng tác.

Khải thở phào nhưng giọng vẫn còn căng thẳng:

– Tôi thì giúp được các đồng chí việc gì?

– Có đấy.

Người cán bộ An ninh nhìn chàng sinh viên nông nghiệp, cái nhìn mang hàm ý răn đe:

– Trường đại học là nơi tập hợp nhiều trí thức có thành phần xuất thân thiếu cơ bản. Một số không ít còn là cán bộ lưu dung, tức là những viên chức cũ trong bộ máy cai trị của thực dân Pháp và tay sai để lại. Phần lớn các đối tượng này đều ngấm ngầm chống lại đường lối sáng suốt của đảng, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Anh là người được ngành An ninh tin tưởng chọn làm nhân viên đặc tình, hàng tháng phải có trách nhiệm báo cáo những việc xảy ra trong trường từ ông hiệu trưởng đến các anh nuôi, chị nuôi dưới nhà bếp.

– Có nghĩa tôi phải làm công việc do thám họ?

– Đại loại như thế nhưng cần tuyệt đối bí mật. Người ngoài không ai được biết.

Lê Văn Khải đã hiểu người ta muốn gì ở mình nhưng anh ta vẫn thả lời thăm dò:

– Nếu tôi từ chối thì sao?

Ông công an ném mẩu thuốc xuống máng nước cất giọng nặng trịch:

– Tôi nghĩ anh sẽ không từ chối, vì với một sinh viên có lý lịch phức tạp như anh sẽ buộc phải nghỉ học bất cứ lúc nào nếu bên An ninh thấy cần thiết.

Khải gật đầu một cách miễn cưỡng:

– Tôi hiểu…

Từ đấy anh ta bắt buộc phải làm cái việc mà mình không muốn, nghĩa là bí mật theo dõi hành vi của người khác viết thành báo cáo gửi công an dưới mật danh H3. Một lần trong trường xảy ra vụ ngộ độc thức ăn, hơn tám chục sinh viên phải nhập viện. Lê Văn Khải nghe ngóng tình hình, thu thập thông tin rồi viết: Người ta nghi ngờ ông Trần Đình Quỳ, nhân viên phòng Hành chính quản trị có mâu thuẫn với ông Phạm Tất, quản lý nhà ăn sinh viên, nên đã bỏ thuốc độc vào thùng nước uống. Trưa ngày… tháng … năm… Cũng xin lưu ý, ông Quỳ trước đây có đi lính Bảo an, thành phần gia đình hồi Cải cách là phú nông, bố làm Chánh hội….. Ông Quỳ bị tạm giam để lấy lời khai. Sau đó người ta tìm ra nguyên nhân ngộ độc là do nhà bếp mua phải thứ cá mè ươn, để tám tiếng đồng hồ mới đem nấu, cũng may không có trường hợp nào tử vong. Lần khác, một vị lãnh đạo cao cấp đến nói chuyện ở hội trường lớn. Ông ta đang thao thao bất tuyệt về tính ưu việt của hợp tác xã nông nghiệp và phong trào thi đua mỗi người làm việc bằng hai thì bên dưới chuyền tay nhau băng giấy pelure([1]) viết mấy câu lục bát :

Bốn người làm việc bằng hai

Ăn thì bằng tám, nói dai bằng mười…

Mấy ông cán bộ tổ chức vội chia nhau đi thu gom. Hoá ra ngăn bàn nào cũng có. Tất cả đều cùng một kích thước, chữ đánh máy, có cả dấu, rất dễ đọc. Xác định đây là thứ truyền đơn nói xấu chế độ, chống phá chủ trương chính sách của đảng, công an tiến hành điều tra trên quy mô lớn. Họ bắt một số đối tượng nghi ngờ, kiểm tra toàn bộ máy chữ nhưng không tìm ra được thủ phạm. Riêng thầy Nguyễn Thúc Cơ, tốt nghiệp kỹ sư Canh nông tại Pháp, hiện đang giảng dạy bộ môn chọn giống, thường hay chèn những câu châm biếm của mình vào bài giảng phê phán một số quan điểm giáo điều duy ý chí, làm thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, là đối tượng nghi can số một, thì lại không bị thẩm tra. Thế là Lê Văn Khải làm một bản báo cáo chi tiết gửi ông cán bộ An ninh. Ba hôm sau thầy Nguyễn Thúc Cơ bị bắt. Từ đó nhà khoa học này không bao giờ trở lại trường đại học Nông lâm nữa.

Cầm được tấm bằng tốt nghiệp trong tay, Lê Văn Khải những tưởng mình thoát khỏi trò chơi nguy hiểm, ai ngờ chợ chưa họp kẻ cắp đã đến. Thật là khốn nạn.

Hồi ấy nông trường Phượng Sơn được Bộ giao kế hoạch chăn nuôi cừu Mông Cổ. Thời gian đầu loại gia súc ngoại nhập này phát triển tương đối tốt, số lượng lên đến bảy ngàn con, nhưng hai năm sau, tự nhiên chúng mắc phải chứng bệnh kỳ lạ chết hàng loạt. Trần Kim Thang sợ đàn cừu bị xoá sổ, mất chức Giám đốc phải đánh xe lên Hà Nội trình báo. Người phụ trách chăn nuôi của bộ Nông trường bảo:

– Ở chỗ anh có một bác sĩ thú y cơ mà?

Trần Kim thang gật đầu chẳng cần suy nghĩ:

– Có đấy, nhưng anh ta cứ đòi mổ thịt hết con này đến con khác để nghiên cứu trong khi ngày nào cũng có vài con chết. Cái mà chúng tôi cần là Bộ cấp ngay cho loại thuốc đặc trị nhằm duy trì số lượng chứ không phải kinh phí để tay bác sĩ non choẹt ấy thường xuyên mổ cừu lấy thịt tươi đánh chén.

Ông Thứ trưởng phụ trách chăn nuôi tuy chẳng có chút chuyên môn nào về cừu Mông Cổ thấy thái độ của Giám đốc nông trường Phượng Sơn cũng phải bất bình:

– Muốn cứu đàn cừu khỏi chết hàng loạt thì trước hết phải biết chúng mắc bệnh gì đã, mà tìm bệnh ở gia súc không có cách nào hơn là phải mổ ra xem lục phủ ngũ tạng nó ra sao sau đó mới lên phác đồ điều trị. Anh nghĩ thế là sai rồi.

– Chúng tôi đề nghị Bộ cử chuyên gia về nghiên cứu.

Vị Thứ trưởng chăn nuôi gật đầu:

– Được, nhưng tôi lưu ý, Lê Văn Khải vẫn là người chịu trách nhiệm chính trong đề tài khoa học này. Kinh phí nghiên cứu sẽ do Bộ cấp.

Chuyên gia được cử về nông trường là Nguyễn Cẩm Tú, học trước Lê Văn Khải một khoá. Hai người mổ đến con cừu thứ tư thì phát hiện ra, trong dạ dày của nó có loại giun xoắn là tác nhân gây ra cái chết hàng loạt. Giai đoạn tiếp là phải tiêm một số kháng sinh rồi tiến hành xét nghiệm gan, dạ dày và một số bộ phận nội tạng khác xem phản ứng với thuốc ra sao. Lại hàng chục chú cừu bị hạ sát. Trần Kim Thang tiếc đứt ruột. Một hôm ông ta gặp Khải gợi ý:

– Tớ bị yếu gan, nghe nói loại bệnh này ăn gan cừu có thể khỏi, muốn xin các cậu mỗi ngày một bộ.

Lê Văn Khải bảo:

– Bác thông cảm lấy thịt vậy, gan là bộ phận quan trọng nhất của thí nghiệm. Nó được cắt vụn ra, rửa qua dung dịch rồi đưa vào kính hiển vi soi để tìm trứng hoặc ấu trùng giun.

Trần Kim Thang nghe chưa hết câu đã cau mặt:

– Nghiên với chả cứu. Các cậu định chờ đến lúc đàn cừu vào nồi hết mới công bố kết quả thí nghiệm phải không?

Hôm sau Giám đốc cho các nhân viên bảo vệ canh trại cừu từ sáng sớm. Lê Văn Khải và Nguyễn Cẩm Tú đến bắt cừu như mọi ngày thì liền bị ngăn lại:

– Nông trường quy định, từ nay bất cứ ai muốn bắt cừu phải có lệnh của Giám đốc.

Lê Văn Khải bảo:

– Chúng tôi đang làm thí nghiệm khoa học chữa bệnh cho cừu. Những con bị mổ đã có kinh phí nghiên cứu do Bộ cấp cơ mà.

Tay bảo vệ rậm râu sâu mắt cũng là dân xứ Quảng, giọng trọ trẹ:

– Đây không biết, các người cứ về nông trường mà hỏi.

Hai người đạp xe về cơ quan thì thấy cửa phòng Giám đốc khoá, chẳng biết đi đâu. Cẩm Tú bảo:

– Thế này là họ cố tình phá chúng ta rồi.

Khải cười nhạt:

– Chị nói đúng. Có lẽ ta nên dừng công trình này lại nếu không, họ còn tiếp tục gây khó khăn.

Cẩm Tú về Hà Nội được một tuần thì Trần Kim Thang họp ban Giám đốc ra nghị quyết thanh lý đàn cừu với lý do không hợp thuỷ thổ, chết hàng loạt, gây thiệt hại cho nhà nước. Khách hàng phần lớn là các công ty thực phẩm và cửa hàng ăn uống, số còn lại phân phối cho anh chị em công nhân theo giá nội bộ.

Cuối năm ấy, nông trường Phượng Sơn lập kế hoạch chăn nuôi lợn. Một quan chức có trách nhiệm của Bộ tỏ ra dè dặt sau vụ Trần Kim Thang thanh lý cừu, đưa ra ý kiến:

– Tay này trình độ lớp ba, chẳng có chút kiến thức nào về quản lý kinh tế, liệu ông ta có quản nổi đàn lợn hay lại giống như hồi nuôi cừu.

Ông vụ trưởng Tổ chức nhận xét:

– Hồi còn ở nhà, Trần Kim Thang là tá điền chuyên nuôi lợn cho hội đồng Quýnh. Tôi nghĩ ông ta sẽ làm được vì nuôi lợn dễ hơn nuôi cừu, hơn nữa lợn vốn là giống bản địa thích hợp với thổ ngơi.

Vậy là chỉ trong vòng hai năm, đàn lợn lên đến ba ngàn bảy trăm con. Đây là cơ sở chăn nuôi tập thể lớn nhất miền Bắc. Phượng Sơn trở thành lá cờ đầu, là điển hình tiên tiến của ngành nông trường. Khách từ mọi nơi kéo đến tham quan học tập. Trần Kim Thang bỗng nhiên trở thành người hùng.

Nông trường chỉ có một mình Lê Văn Khải là bác sĩ thú y nên anh khá mất thời gian với đàn lợn. Nhưng chị em chăn nuôi còn vất vả hơn nhiều. Hàng ngày họ phải thái hàng trăm cây chuối, băm một khối lượng bèo bằng đống rạ, nấu hơn hai chục chảo cám mới đủ cung cấp cho mấy nghìn chú Trư Bát Giới lúc nào cũng thi nhau gào thét vì đói. Đề tài Thức ăn sống trong chăn nuôi lợn đại trà bất chợt nảy sinh khi khải nhìn thấy mấy chú lợn choai đang tranh nhau mớ rau muống. Đây là một dự án khoa học táo bạo, thậm chí mạo hiểm, vì đến lúc ấy các cơ sở chăn nuôi từ quy mô gia đình đến tập thể, đều cho lợn ăn chín theo phương thức truyền thống. Phát hiện của Lê Văn Khải mang tính đột phá làm giảm nhẹ sức lao động của chị em, hạ giá thành sản phẩm, gây chấn động toàn ngành chăn nuôi, đưa nông trường Phượng Sơn lên đỉnh cao vinh quang. Bộ yêu cầu nông trường viết đề tài khoa học. Khải phải mất nửa tháng mới hoàn thành công trình. Anh ta chắc mẩm, từ nay mình sẽ được sống dễ thở hơn, nhưng không ngờ Trần Kim Thang chơi tiếp vố thứ hai. Đó là cuộc hội thảo khoa học ở nông trường Cao Thắng. Bộ đã ra chỉ thị, ai là chủ đề tài sẽ đọc báo cáo nhưng Trần Kim Thang rỉ tai ông Thứ trưởng:

– Báo cáo anh, tay Khải không phải đảng viên mà tính kiêu ngạo không coi ai ra gì. Đề tài này của tập thể đảng uỷ và ban Giám đốc. Anh ta chỉ là người thừa hành.

Ông Thứ trưởng người Quảng Nam, trước đây cũng là một đại đội địa phương quân với Giám đốc nông trường Phượng Sơn, gật đầu:

– Thế thì cậu thay mặt ban Giám đốc lên đọc đi, đọc cho rõ ràng khúc chiết vào, vì đây là đề tài cấp bộ sẽ được nhân rộng ra toàn ngành.

Phải nói Trần Kim Thang có chất giọng tốt, đọc khá diễn cảm nên nhanh chóng thu hút được sự chú ý của các cử toạ. Bản báo cáo vừa dứt, tiếng vỗ tay rào rào, ai cũng phải thừa nhận, đó là một phát kiến vĩ đại mặc dù nó vô cùng đơn giản.

Vào phút cuối cùng khi được ban tổ chức thông báo thay đổi người trình bày đề tài khoa học, Lê Văn Khải sững người. Anh ta nghiến chặt hai hàm răng, bàn tay tự nhiên co lại thành nắm đấm, định tống vào cái mặt thiết bì của lão Giám đốc một quả cho bõ tức nhưng rồi lại buông thõng xuống, bỏ hội trường ra ngoài trước con mắt ngạc nhiên của hàng trăm quan khách. Anh ta nhảy qua một mương dẫn nước leo lên đồi. Những vành nón trắng nhấp nhô của những cô gái trẻ giữa một vùng mênh mông, trên là bầu trời màu lam nhạt, dưới là ngút ngát nương chè làm tâm hồn chàng bác sĩ thú y trở lại thư thái. Thiên nhiên hào phóng đầy mây ngàn và gió núi xua đi phần nào nỗi uất ức trong lòng, bất giác Khải buột miệng:

– Mặc xác các người với những báo cáo khoa học nhảm nhí ấy, ta lên trời đây.

Thảo nguyên mênh mông xa típ tắp vẫn là cỏ xanh. Phía sau những đồi chè là dòng suối ngoằn nghoèo uốn khúc, nhìn từ trên cao chẳng khác gì con rồng xanh với rất nhiều chân choãi ra. Cách bờ suối không xa, nơi có những đám mây bạc sà xuống tận sườn núi là một đàn bò đang thong dong gặm cỏ. Nhìn bộ dạng vô tư, thanh thản của chúng Khải bỗng ao ước: Giá mà mình được làm kiếp bò, ngày nào cũng gặm cỏ non, uống nước mát, mặc kệ sự đời, chẳng phải nghĩ ngợi gì.

Về đến nông trường Phượng Sơn, trong cuộc họp giao ban, Trần Kim Thang mặt lạnh như tiền tuyên bố:

– Đồng chí Lê Văn Khải có hành vi vô kỷ luật, bỏ hội thảo đi chơi không báo cáo. Tôi yêu cầu phải làm kiểm điểm.

Khải không nói gì chỉ cười gằn. Nửa tháng sau, một hôm tình cờ ghé vào phòng Giám đốc, Khải thấy tờ chuyên san khoa học kỹ thuật của ngành kẹp dưới mấy cuốn tạp chí Học tập liền rút ra xem. Đó là số chuyên san mới nhất có in đề tài Thức ăn sống trong chăn nuôi lợn đại trà của mình nhưng tên tác giả lại là Trần Kim Thang. Hoá ra lão ém đi là vì chuyện này. Anh ta nghĩ một lúc rồi quyết định cầm tờ chuyên san sang phòng họp đặt trước mặt ông Giám đốc:

– Thế này là thế nào?

Trần Kim Thang giả bộ không biết gì, hỏi lửng lơ:

– Chuyện gì thế đồng chí Khải?

– Ông đừng đóng kịch nữa.

– Tôi cấm anh không được xúc phạm…

– Vậy tôi hỏi, tội chiếm đoạt công trình khoa học của người khác thì pháp luật xử lý như thế nào?

Phòng họp có toàn thể các thành viên ban chấp hành đảng uỷ, Trần Kim Thang rất sợ mất mặt. Đang bối rối ông ta chợt nảy ra một diệu kế liền nghiêm giọng bảo:

– Đề nghị đồng chí nói năng thận trọng. Tôi hỏi đồng chí ai lãnh đạo nông trường?

– Ông làm tôi như là trẻ con ấy.

– Tôi hỏi nghiêm túc đấy.

– Tất nhiên là ban Giám đốc.

– Đồng chí mới chỉ nói đúng một nửa. – Trần Kim Thang lúc này đã lấy lại được bình tĩnh thong thả phân tích theo phương pháp tam đoạn luận. – Đảng uỷ nông trưòng lãnh đạo toàn diện. Ban Giám đốc chỉ là những người thừa hành. Mà đảng lãnh đạo toàn diện thì mọi thành tích đều thuộc về đảng. Công trình khoa học đồng chí viết là do đảng chỉ đạo, gợi ý và phân công. Tôi trên cương vị Bí thư và Giám đốc doanh nghiệp ghi tên vào công trình khoa học càng làm vinh dự cho tập thể chúng ta, trong đó có đồng chí và tập thể anh chị em công nhân. Đồng chí thắc mắc chuyện này là chưa dứt được cái đuôi tiểu tư sản vốn là căn bệnh làm con người chỉ thấy cá nhân mà không thấy sự nghiệp lớn của tập thể.

Trước những lời lẽ hết sức thuyết phục của Trần Kim Thang, Lê Văn Khải không thể bắt bẻ được nữa. Anh ta đưa mắt nhìn hết lượt các vị lãnh đạo rồi bất ngờ tuyên bố:

– Phải bây giờ tôi mới hiểu được chân lý đảng lãnh đạo toàn diện.

2

Người yêu của Lê Văn Khải là Mai Thị Xuân. Cô ta mới lên nông trường hơn một năm, người dong dỏng, dáng xinh xẻo thích ăn diện. Xuân là người chủ động tấn công anh bác sĩ thú y trước. Lúc đầu Khải có phần lạnh nhạt nhưng về sau thấy cô gái chăn nuôi thể hiện tình cảm rất nồng nàn nên cũng xiêu lòng, chỉ có điều trình độ học vấn thấp, hình như mới học hết lớp bốn. Nghĩ đi nghĩ lại Khải tự bảo: Đời mình rồi sẽ gắn bó mãi với đàn lợn ở vùng rừng xanh núi đỏ này thôi, vậy thì hãy nghĩ đến một gia đình, vì tuổi cũng không còn ít nữa.

Mai Thị Xuân tuy là cô gái nông thôn nhưng tỏ ra là có kinh nghiệm trong trường tình. Để chài bằng được anh bác sỹ thú y đẹp trai, cô ta không từ bất cứ thủ đoạn nào. Khải được bố trí ở gian ngoài cùng của dãy nhà tập thể đội chăn nuôi. Tối nào các cô cũng đến chơi và cô nào cũng hy vọng vào một điều gì đó rất mơ hồ.

Hôm ấy trời rét mà đêm đã khuya, Mai Thị Xuân về phòng chừng nửa tiếng lại sang. Cô ta nấn ná một lúc rồi khẽ nói:

– Hôm nay em ở đây với anh…

Mặt Khải biến sắc. Anh ta lắc đầu bảo:

– Em về đi. Bọn bảo vệ được lệnh của ông Thang và ông Ngộ luôn để mắt đến chúng ta đấy, chỉ cần tắt đèn là họ ập vào lập biên bản ngay.

Xuân làm mặt giận:

– Anh không yêu em?

Khải rối rít xua tay:

– Khổ quá. Anh giữ là giữ cho hạnh phúc của chúng mình. Em làm thế này bạn bè nó coi ra gì.

Cô gái chăn nuôi nũng nịu:

– Nhưng em không muốn mất anh. Lúc tối, thấy cái Lý nó nhìn anh như muốn ăn sống nuốt tươi mà em gai hết cả người.

– Thôi nào – Khải nhẹ nhàng bảo – Người ta có mắt người ta nhìn, cấm sao được.

– Nhưng em cấm anh.

– Được rồi anh xin nghe.

Tình yêu của hai người đang độ chín. Khải sắp đưa Xuân về làng Cùa giới thiệu với bà Hài thì cô ta tạm thời được điều về phòng Hành chính nông trường. Là đơn vị có phong trào chăn nuôi điển hình, nông trường Phượng Sơn thường xuyên có khách. Khách huyện, khách tỉnh, khách trung ương đủ loại. Có đoàn về tham quan học hỏi kinh nghiệm thực sự, có đoàn ghé qua chỉ để kiếm tạ gạo nếp hoặc vài con lợn giống, chục ký chè, lại có vị chức sắc đầu tỉnh đã chán mứ các món cao lương mỹ vị, bảo lái xe đưa về Phượng Sơn thưởng thức chim quay và ngắm cảnh núi rừng để thư giãn sau những ngày đấu đá căng thẳng.

Lần ấy, nông trường phải đón đoàn cán bộ của uỷ ban kế hoạch. Chủ nhiệm Vũ Kiểm là nhân vật đầy quyền lực, thường xuyên thay mặt uỷ ban hành chính tỉnh duyệt kế hoạch sản xuất hàng năm của các doanh nghiệp. Anh nào muốn nhanh chóng được phân bổ chỉ tiêu kinh phí thì phải tìm cách yết kiến ông ta. Vũ Kiểm có tật ưa của nếp và thích hát chèo. Gái nông trường phần đông nhan sắc giống như Thị Nở, học hành lôm nhôm, những cô mỏng mày hay hạt lại biết tí chút văn nghệ chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Đinh Công Ngõa, Trưởng phòng Hành chính đồng thời là tay chân thân tín của Giám đốc xuống các đội chọn mãi mới được vài cô sạch nước cản. Hắn kéo tuốt cả về nông trường làm một cuộc sát hạch cả thanh lẫn sắc. Cuộc kiểm tra khá nghiêm túc do đích thân Trần Kim Thang làm chánh chủ khảo. Các thí sinh lọt vào vòng chung kết phải cởi bỏ quần áo ngoài chỉ mặc đồ lót để xem có bệnh ngoài da không vì rất nhiều cô trông mặt thì bóng bẩy nhưng toàn thân lại mắc chứng ghẻ ruồi hoặc bị phá nước, ngồi đâu cũng gãi xoành xoạch, rất mất lịch sự.

Chủ nhiệm Vũ Kiểm dẫn đoàn tuỳ tùng gồm sáu cán bộ kế hoạch về nông trường Phượng Sơn được đón tiếp như thượng khách. Buổi tối, trước khi bảo Mai Thị Xuân vào phòng riêng hát làn điệu chèo Quân tử vu dịchĐường trường phải chiều cho ông chủ nhiệm nghe, Đinh Công Ngõa ghé tai thì thầm:

– Giám đốc dặn, hát xong, chủ nhiệm bảo làm gì em cũng phải chiều ông ấy, sau sẽ có thưởng.

Xuân đánh mắt liếc Ngoã nguýt dài:

– Em ngượng lắm.

Ngoã cười toe toét trấn an cô nhân viên mới:

– Này, xem ra ông ấy thích em lắm đấy.

Vũ Kiểm mới trạc tứ tuần, thân hình ngũ đoản, khoẻ như vâm. Sau khi nghe vài bài, ông ta cài chốt cửa, tắt đèn rồi bế Mai Thị Xuân lên giường vần cô ta suốt đêm, đến gần sáng thì mệt phờ, ngủ thiếp đi. Mai Thị Xuân lách ra khỏi chăn, mặc quần áo, he hé cửa nhìn trời vẫn còn tối, liền lẳng lặng về phòng mình ở dãy nhà phía sau.

Chuyến ấy, nông trường Phượng Sơn được duyệt kế hoạch bổ sung sớm nhất so với các đơn vị khác trong tỉnh. Trần Kim Thang phấn khởi lắm, xếp lương cho Mai Thị Xuân vào nghạch cán sự hai, năm mươi sáu đồng và cho đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư ngắn hạn. Hai tháng sau, Xuân về nông trường, mặt mày ủ dột làm Đinh Công Ngoã sinh nghi hỏi:

– Sao em buồn thế?

Mai Thị Xuân trả lời nhát ngừng:

– Hình như em có chửa rồi…

Ngoã giật mình:

– Chết cha ! Có… với đứa nào?

Xuân giẩu mỏ rất đanh đá:

– Lại còn phải hỏi, lão Vũ Kiểm chứ còn ai nữa.

Trưởng phòng Hành chính ngập ngừng:

– Anh cứ tưởng…

Cô nhân viên khẽ gắt:

– Tưởng cái gì? Lão ấy làm hùng hục như trâu húc bờ ấy, ai mà chịu được.

Ngoã cắn môi ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi:

– Quan hệ của em với tay Khải bây giờ thế nào?

Xuân lắc đầu:

– Hết rồi.

– Được để tôi trao đổi với ông Thang, nhưng việc này em phải giữ kín.

– Anh không phải dặn.

Buổi chiều Giám đốc nông trường đánh commandcar đít vuông xuống đội chăn nuôi, vào gian nhà Lê Văn Khải bắt tay anh ta:

– Vẫn khoẻ chứ đồng chí Khải?

– Cám ơn bác, tôi khoẻ.

– Này tớ hỏi thật. – Trần Kim Thang bỗng nhiên tỏ ra thân mật rất đáng ngờ. – Quan hệ của cậu với cô Xuân đến đâu rồi?

Lê Văn Khải chưa hiểu mục đích của cuộc viếng thăm bất chợt này nên trả lời lấp lửng:

– Người ta cứ đồn thế chứ thực ra không có gì.

– Chuyện này là chuyện vui đừng giấu Ban Giám đốc.- Trần Kim Thang cười rất tươi nói bằng giọng cha chú. -Nếu các cháu đồng ý ta sẽ đứng ra làm ông mối rồi tổ chức một đám cưới đời sống mới thật rôm rả ở cơ quan nông trường.

Anh bác sĩ thú y không biết được âm mưu của Trần Kim Thang, nhưng qua thái độ quá lộ liễu của ông ta tự nhiên cảm thấy sự vun vén hạnh phúc này có cái gì đó không bình thường bèn lựa lời từ chối:

– Cảm ơn Giám đốc nhưng cũng xin nói thực, tôi và cô Xuân trước đây có tìm hiểu nhau, tuy nhiên qua một thời gian thấy tính tình không hợp nên đã chấm dứt mối quan hệ.

Giám đốc thấy kịch bản có nguy cơ đổ bể, ông ta quyết định chơi bài ngửa:

– Nếu Ban Giám đốc đề nghị đồng chí cưới cô Xuân rồi sẽ bổ nhiệm làm phó phòng kỹ thuật đồng chí có chấp hành không?

Khải thấy cái đuôi chuột đã lòi ra liền cười nhạt:

– Bây giờ đảng uỷ lại có nghị quyết về hôn nhân và gia đình của công nhân viên chức nông trường nữa cơ đấy.

Trần Kim Thang cười gằn:

– Chúng tôi quan tâm đến anh mới gợi ý như vậy, không đồng ý thì thôi nhưng cấm có thái độ châm chọc.

Nói rồi ông Giám đốc hằm hằm bước ra xe, về đến nông trường lập tức gọi Đinh Công Ngõa lên phòng, đóng cửa lại bảo:

-Việc không xong rồi. Ngày mai tôi cấp giấy, cậu đưa cô Xuân sang bệnh viện tỉnh giải quyết cái thai. Tuần sau tôi sẽ làm quyết định điều thằng Khải xuống đội sáu chăn bò.

Lê Văn Khải không ngờ Trần Kim Thang lại dồn mình đến đường cùng nhưng anh ta vẫn phải chấp hành. Trong quyết định ghi: Tăng cường cán bộ kỹ thuật cho cơ sở sản xuất nhưng thực chất là đi đày đến một nơi khỉ ho cò gáy cách cơ quan nông trường hai chục cây số có tên là Trại Bông. Chăm sóc đàn bò cày hai mươi tám con là một tổ ba người. Chị Thìn ba tư tuổi, người đẫy đà, mông to, ngực nở thuộc loại quá lứa nhỡ thì làm tổ trưởng, Lê Văn Khải bác sĩ thú y mới được bổ nhiệm chức tổ phó, ngoài ra còn có cô Sánh, người được một mẩu lại thọt chân làm tổ viên. Hàng ngày, chị Thìn và cô Sánh cắt cỏ, Khải lùa bò đi chăn, đội sản xuất nào cần cày thì đếm đầu con giao cho họ, xong vụ, lại nhận về nhốt vào chuồng.

Gần Trại Bông có hồ Thanh Thuỷ rộng hơn trăm mẫu. Chiều chiều sau khi thả bò, Lê Văn Khải lại ra ngồi dưới gốc bạch đàn ngắm mặt nước sóng sánh. Có những hôm đàn bò về chuồng đã lâu, trời nhập nhoạng anh ta vẫn còn lững thững trong rừng dẻ, chị Thìn phải lên gọi mới về ăn cơm. Chị Thìn đối xử với Khải như em trai làm anh bác sĩ thú y cảm động lắm.

Thấm thoắt, Lê Văn Khải đã ở Trại Bông một năm ba tháng. Dịp ấy cuối tháng chạp, sắp đến tết Nguyên đán. Lúc này việc cày bừa đã xong, đàn bò được thả rông, cô Sánh xin nghỉ phép về ăn tết. Trại bò chỉ còn lại chị Thìn và Lê Văn Khải. Giữa tiết Tiểu hàn, trời lạnh lắm. Lũ bò bị nhốt trong chuồng nhai cỏ khô. Dãy nhà tập thể trống tuềnh toàng, gió lùa rét như cắt da. Tối nào hai chị em cũng đốt lửa sưởi đến quá nửa đêm mới ngủ. Một hôm chị Thìn ốm, Khải nấu cháo đậu xanh mang sang đặt trên chiếc bàn nhỏ đầu giường bảo:

– Chị ăn cháo cho nóng.

Chị Thìn ngồi dậy lắc đầu:

– Tôi có ốm đâu mà nấu cháo.

Khải cầm tay chị Thìn bắt mạch, bàn tay người phụ nữ nóng hầm hập, run bắn liền kêu lên:

– Chị không ốm sao tay nóng thế? Để tôi tìm xem còn viên thuốc nào không.

Chị Thìn tóc tai bơ phờ nhìn Khải ngập ngừng:

– Tối mò thế này biết thuốc ở đâu mà tìm, thôi ngồi xuống đây tôi bảo.

Thấy thái độ chị Thìn có cái gì đó khác thường, anh ta định mở cửa bước ra, nhưng nghe giọng thảng thốt của người đàn bà, liền ngồi xuống bên cạnh. Toàn thân Khải lúc này tự nhiên nóng ran. Chị Thìn lại thì thầm:

– Tôi lạnh lắm Khải ngồi vào đây…

Bàn tay anh Bác sĩ thú y run run đặt lên đùi chị Thìn. Một cái đùi to đùng chắc nịch và ấm áp hơn bất cứ thứ chăn đệm nào làm anh ta vừa thích vừa sợ. Chị Thìn cầm tay Khải áp lên bộ ngực nóng hổi đã được tháo bỏ hết cái thứ dây rợ. Khải nhắm mắt gục đầu vào tóc chị Thìn, tay mân mê cặp vú, lắng nghe nhịp đập gấp gáp của con tim người đàn bà luống tuổi. Đôi vú thật là mẩy và đàn hồi hơn cả các loại bóng cao su. Nó vừa nóng ấm vừa mát lạnh. Nó có sức mạnh tự thân điều hoà trạng thái tâm lý. Nó gợi lên tứ thơ bất chợt hoặc phác thảo một khuôn hình lập thể đầy chất cổ điển, khác hẳn vú bò, vú lợn, thậm chí cả cặp vú công đoàn của Mai Thị Xuân mà không chỉ một lần cô ta đã cầm tay Khải đặt vào. Chị Thìn thở hổn hển nhưng không phải vì sốt cao. Chị nằm ngửa ra tuột quần xuống chân đỡ Lê Văn Khải nằm lên bụng rồi thì thầm:

– Cậu đã biết mùi đàn bà chưa?

Khải gật đầu:

– Biết…

Chị Thìn lại hỏi:

– Ngủ với bao nhiêu cô rồi?

Khải hôn lên má chị, thật thà bảo:

– Ngủ thì chưa.

Chị Thìn vòng tay ôm ngang lưng chàng bác sĩ thú y, giọng khiêu khích:

– Đàn ông đã hơn ba chục tuổi mà kém thế.

– Tại tôi không thích thế thôi.

– Thế tôi cậu có thích không?

– Thích.- Lê văn Khải ghì chặt người đàn bà đến mức chị ta phải rên khe khẽ.

– Tôi già rồi, cậu thích chẳng qua là ở xứ khỉ ho cò gáy này chẳng có đứa con gái nào ra hồn.

Khải dụi mớ tóc bù xù vào ngực chị Thìn:

– Tôi thích chị thật mà…

Sáng ra, hai người dậy muộn. Khải ra suối xách nước người vẫn còn lâng lâng. Chị Thìn tươi tỉnh khác hẳn bộ mặt ủ rũ chiều hôm trước. Chị ta hỏi:

– Cậu có ân hận vì chuyện hôm qua không?

Khải thản nhiên bảo:

– Có gì mà phải ân hận, đã bảo tôi thích chị kia mà.

– Liệu thích được mấy hôm, hay lại cả thèm chóng chán?

– Chị đừng nghĩ thế.

Chị Thìn sụt sịt khóc:

– Chị thuộc loại xấu gái, quá lứa nhỡ thì, chỉ cầu xin cậu một đứa con, sau này có chỗ dựa chứ không có ý ràng buộc trách nhiệm.

Khải nhìn vẻ mặt đau khổ của người đàn bà, giọng nhoè đi:

– Không tôi yêu chị thật lòng.

– Đừng nói dại. – Chị Thìn bỗng oà khóc, người rung lên trong tiếng nấc – Tôi không hứa hẹn gì với cậu, nhưng lúc nào muốn ngủ với tôi thì cứ sang, cửa phòng không cài chốt đâu.

Cuối tháng hai, chị Thìn thèm của chua, biết là có chuyện liền xin nghỉ phép. Lê Văn Khải mượn được chiếc xe đạp đèo chị về nông trường bộ. Lúc sắp đi, hai người ra rừng dẻ trên bờ hồ Thanh thuỷ tìm dâu da đất. Thấy chị Thìn ăn thứ quả dại này một cách ngon lành, Khải sinh nghi hỏi:

– Chị làm sao thế? Ăn nhiều dâu da đất không tốt đâu.

Chị Thìn cười (khi cười trông chị đẹp hẳn lên):

– Tôi có mang rồi, cảm ơn cậu.

– Thế thì khoan hãy đi phép, ta bàn việc tổ chức đã.

Chị Thìn rút trong túi ra mấy tờ giấy đưa cho Khải:

– Đây là đơn xin ra đảng và đơn xin thôi việc. Sau khi tôi về quê hai tháng, nếu không thấy lên thì cậu mang ra nông trường nộp cho ông Trần Kim Thang hoặc ông Mai ngộ.

Khải sững sờ trước quyết định của người tổ trưởng chăn bò. Anh ta cầm tay chị khẽ bảo:

– Chị không nên nghĩ quẩn. Tôi hứa danh dự là sẽ cưới chị đàng hoàng.

Chị Thìn ghì đầu Khải vào ngực giọng ngậm ngùi:

– Chị biết tấm lòng của cậu nhưng chúng ta không có duyên phận. Cậu đã cho chị đứa con, thế là quý lắm. Chị không muốn làm hỏng sự nghiệp của một trí thức tài hoa.

Khải ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo:

– Vậy để tôi đưa chị về quê.

Người đàn bà lại lắc đầu:

– Còn đàn bò ai trông? Cậu mà cứ gây căng thẳng với bọn Trần Kim Thang là bọn chúng đuổi việc đấy. Chị khuyên nên nín nhịn một thời gian. Người tốt như cậu sau này tất sẽ được đền bù. Còn điều này phải nhớ, hãy quên chị đi, không những bây giờ mà cả sau này nữa.

Hai người nấn ná ở lại trong rừng đến nửa buổi mới ra đường. Trời vẫn còn rét đậm. Khải gò lưng đạp xe lên sườn dốc. Chị Thìn ngồi sau ôm chặt lấy eo chàng bác sỹ thú y. Suốt chặng đường hai người chẳng nói với nhau câu nào. Chị trùm khăn len kín mặt, thỉnh thoảng bật lên tiếng nấc. Thì ra chị vẫn khóc.

Lấy giấy phép xong Khải lại đèo chị Thìn ra bến ô tô Thị trấn. Quê chị mãi tận Thanh Hoá. Từ đây về đấy hơn ba trăm cây số. Khải chen vào mua vé. Thật may hôm ấy thưa khách. Chiếc xe chuồng gà long sòng sọc từ từ lăn bánh trên con đường cấp phối đầy bụi đỏ.

(Xem tiếp kỳ sau)

Chú thích:

(1): Đọc là “pơluya” là loại giấy mỏng dùng để viết thư


Comments are closed.