KÝ ỨC LÀNG CÙA

Tiểu thuyết

Đặng Văn Sinh

PHẦN BA

Vĩ thanh

1

Năm chín hai, làng Cùa xảy ra mấy sự kiện lớn làm cả vùng Ba Tổng xôn xao. Sự kiện thứ nhất là Trịnh Doãng được con trai bảo lãnh sang Pháp làm một chuyến du lịch mấy tháng. Chuyện bắt đầu từ việc thằng Dõng đi bộ đội được một thời gian thì có tin đồn là mất tích. Mất tích hay đầu hàng địch? Không ai bảo ai, từ cán bộ đến xã viên đều mặc nhiên nhìn vợ chồng hắn như là bố mẹ của kẻ phản bội.

Ban đêm, thỉnh thoảng thức giấc linh tính mách cho hắn biết, hình như có kẻ nào đó rình mò sau nhà.

– Mặc mẹ chúng mày! – Doãng chửi đổng – Có giỏi thì ngày nào cũng đến đây canh trộm cho ông.

Nói thế nhưng hắn cũng mài sẵn cây mác, rót thêm dầu vào chiếc đèn ló đề phòng bất trắc.

Giải phóng miền Nam được ba tháng, thanh niên Ba Tổng, trừ những trường hợp có giấy báo tử đều lần lượt kéo nhau về. Anh nào cũng mang theo chiếc khung xe đạp và con búp bê nhựa to đùng nhưng khá xấu. Riêng thằng Dõng, hết năm bảy lăm qua năm bảy sáu vẫn bặt vô âm tín, cứ vài tuần Doãng lại đạp xe lên huyện đội hỏi, lần nào cũng vậy người cán bộ chính sách trả lời Chưa xác minh được. Tuy không nói ra nhưng Doãng cho rằng nó đã hy sinh mà đồng đội không tìm thấy xác. Thật khổ cho nó. Con người ta chết được công nhận liệt sĩ còn con mình chết sao mà mờ ám thế?

Những ngày tháng chờ đợi càng dài niềm hy vọng của Doãng càng vơi. Gặp người làng nếu ai vô tình gợi đến chuyện ấy là hắn nổi cáu:

– Ông đừng có mà xỏ xiên, nay mai người ta cấp bằng liệt sĩ cho thằng Dõng rồi khối đứa trắng mắt ra.

Doãng già đi trông thấy. Chưa đến bốn lăm mà tóc đã lốm đốm hoa râm, khuôn mặt nhằng nhịt những vết tàn nhang, bình thường vốn đã khó coi giờ nhăn nhúm như chiếc bị rách trông càng hãm tài. Đã thế cặp môi cá ngão dày hơn mức bình thường càng ngày thêm càng giẩu ra đẩy lưỡi về phía sau làm hắn nói rất khó khăn. Thỉnh thoảng Doãng lại hỏi thằng Dung:

– Mày gặp các ông chỉ huy đơn vị thằng Dõng người ta bảo thế nào?

– Con đã nói rồi, thày cứ hỏi mãi. Họ bảo anh ấy có khả năng bị địch bắt rồi chúng thủ tiêu.

– Thế có khốn nạn không cơ chứ. – Doãng thở dài thườn thượt – Đợi ít lâu nữa tao với mày vào trong ấy xem sao. Chẳng nhẽ họ lại vô trách nhiệm với người lính đến như thế.

– Được rồi con đi. – Thằng Dung nhấm nhẳng – Nhưng thầy phải cưới cưới cái Nụ cho con.

– Mày ra điều kiện cho tao đấy hả?- Doãng nói lập bập – Con với cái.

Tiếp đó là hơn chục năm hợp tác xã nông nghiệp làm ăn thất bát. Làng Cùa xơ xác. Đói bụng đầu gối phải bò. Hơn bốn chục gia đình dắt díu nhau vào tận Đắk Lắc khai hoang trồng sắn để tự cứu mình trước khi trời cứu như ông Tổng Bí thư đã khuyến cáo. Lũ con Trịnh Doãng lấy vợ ra ở riêng chẳng thằng nào theo nghề của bố. Thằng Dung kiếm được ít vốn chạy tuyến biên giới buôn hàng Trung Quốc. Thằng Dị cùng với mấy anh bạn đấu thầu khu đồng trũng gần rừng Hóp thả cá và nuôi vịt đẻ. Riêng thằng Dọi không chịu cảnh đất chật người đông chỉ độc canh cây lúa dắt vợ lên Tây Bắc lập nghiệp. Doãng vẫn túc tắc thả ống lươn kiếm đồng ra đồng vào. Có điều bí mật công nghệ đã bị đánh cắp, làng Cùa hình thành đội ngũ đánh bắt loại bò sát da trơn khá đông đảo, chuyên cung cấp hàng cho con buôn mang lên cửa khẩu Móng Cái, thành ra lươn ít dần có nguy cơ tuyệt chủng. Một hôm ngồi nhắm rượu với lươn om bên cạnh bà vợ kém mắt, Doãng than thở:

– Nghề của tôi mạt vận đến nơi rồi bà ạ.

Giữa năm, Doãng nhận được thư của thằng Dõng từ Pháp gửi về. Vậy là nó còn sống nhưng sao lại theo bọn thực dân đế quốc? Doãng giận lắm định xé thư đi nhưng thằng Dung ngăn lại:

– Thầy nóng tính quá, cứ đọc hết đi xem anh ấy nói gì đã.

Doãng lườm con:

– Nó bỉ mặt tao. Chuyện này mà lộ ra thì nhục với cả làng.

Dung càng đọc mặt ông bố càng tươi tỉnh. Hoá ra chuyện cũng đơn giản chứ không phức tạp như Doãng nghĩ.

Cuối năm bảy tư, trong trận đụng độ với một tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ ở căn cứ Phước Tân, đại đội mười hai bị đơn vị thiện chiến này gây tổn thất nặng. Trung đội của Dõng toàn lính mới, tuy chiến đấu dũng cảm nhưng chưa có kinh nghiệm đối phó với địch ở địa hình bán sơn địa phức tạp nên hy sinh khá nhiều, số còn lại, trong đó có Trịnh Dõng bị trực thăng hốt, đưa về trại giam Phước Lộc. Hàng ngày lính ta phải lên rừng chặt gỗ khai thác đá ở sườn núi Ông Tượng. Một lần đi làm, nhận thấy bọn quân cảnh giám sát có phần lỏng lẻo, nhóm sơn tràng của Dõng đánh bị thương một tên, trói hai tên khác, nhét giẻ vào mồm rồi rủ nhau trốn vào rừng. Bọn quân cảnh truy đuổi ráo riết, ngay đêm hôm ấy tất cả đều bị bắt lại. Thằng Dõng nhận hết về mình, như thế có nghĩa là chấp nhận hình phạt xử bắn. Viên Trung tá giám thị, người gốc Phát Diệm, thấy gã Việt Cộng trẻ măng, lanh lợi, lại có hành động nghĩa hiệp, trong lòng phục lắm, gợi ý:

– Tôi có thể miễn tội chết cho cậu nhưng với một điều kiện.

– Điều kiện gì? – Dõng nhìn viên giám thị đầy vẻ cảnh giác, hỏi cộc lốc.

– Đơn giản thôi, làm lính hầu cho tôi.

Dõng ngẫm nghĩ một thoáng rồi gật đầu:

– Tôi chấp nhận nhưng không được bắn những người kia.

– Cậu là thằng đầu têu mà tôi còn tha huống hồ anh em khác.

Cuối tháng chạp tay Trung tá có dự cảm cuộc chiến sắp tàn, chế độ Sài Gòn khó mà trụ vững được nếu không thoát ra mau tất sẽ phải chung cảnh đắm tàu, bèn xin giải ngũ đem cả gia đình sang Pháp. Ông ta bảo Trịnh Dõng :

– Cậu được tự do nhưng theo tôi nên xác lập cho mình một tương lai chắc chắn ngay từ bây giờ.

– Trung tá nói sao?

– Từ nay đến lúc kết thúc chiến tranh không ai biết được chuyện gì xảy ra với những tù binh như cậu, cho nên, tốt nhất hãy di tản cùng chúng tôi.

– Nhưng còn bố mẹ, anh em tôi ở miền Bắc?

– Nhà cậu vẫn còn ba gã con trai đúng không? – Viên giám thị kiên nhẫn thuyết phục – Vả lại, Bắc Việt đang đói và còn rất lâu mới thoát ra khỏi ảnh hưởng tai hại của cuộc chiến chó chết này. Khi đã có chút ít tài sản trong tay, về nước lúc nào chẳng được.

Nghe ông ta tán, thấy cũng có lý, Dõng gật đầu:

– Thì cứ thử một chuyến xem sao. Ông bố tôi suốt đời làm nghề thả ống lươn, có lẽ nằm mơ cũng không dám nghĩ đến chuyện sang Pháp.

Sau mười tám năm tha hương, Dõng biết quê nhà đã có nhiều thay đổi. Chính quyền không còn định kiến với những người vì hoàn cảnh bắt buộc phải rời Tổ quốc kiếm sống ở phương trời xa. Nó dự định về thăm làng Cùa.

Mấy tháng sau, Dõng đưa vợ con về thật. Vợ nó chính là con gái út viên Trung tá giám thị trại tù binh Phước Lộc năm xưa. Vợ chồng Dõng ở nhà một tháng. Nó biếu họ hàng, làng xóm quà cáp chu đáo, giúp vốn các em làm ăn và cho bố mẹ đủ số tiền xây một căn nhà hai tầng đẹp nhất vùng Ba Tổng. Trước khi về Pháp, Dõng ra uỷ ban xin góp năm ngàn đô la để xây trạm xá. Chủ tịch xã Đoàn Kết bấy giờ là Nguyễn Đình Quyết con trai ông Nguyễn Đình Phán chỉ xấp xỉ tuổi thằng Dõng. Anh này tốt nghiệp đại học Nông nghiệp khoa quản lý ruộng đất mới trúng cử hội đồng nhân dân khoá mười hai hồi đầu năm.

Trịnh Dõng đương nhiên thành Việt kiều yêu nước. Lão Doãng bao nhiêu năm vì cái nghi án mất tích của con trai, nay được nở mày nở mặt với hàng tổng, trong lòng vô cùng tự đắc. Sau tết nguyên đán Dõng gửi giấy bảo lãnh cho bố sang Pháp chơi mấy tháng. Lão đến Paris cứ như người từ hành tinh khác xuống vậy. Gặp cái gì lạ lão cũng ồ, à chẳng khác gì dân làng Cùa ra thành phố nhìn thấy bọn mannequin([1]) ăn mặc hở hang trong cửa hàng may đo. Thằng Dõng là chủ cửa hàng cơm bình dân với những món ăn thuần tuý Việt Nam, nổi tiếng nhất là lươn, ếch, ba ba. Lão không thể hiểu, ở cái xứ sở cách quê nhà cả chục ngàn cây số, quanh năm giá lạnh này mà chúng vẫn kiếm ra được những thùng lươn béo mẫm phục vụ khẩu vị của các thượng đế tha hương. Sang đây với con, Doãng đâm ra nghiện món bánh mỳ sốt vang thịt bò. Người lão đẫy ra. Những vết rỗ nhằng nhịt hình như đang lặn dần. Khuôn mặt nhăn nhúm vốn rất khó coi của lão giờ dãn ra bóng nhẫy, linh động đầy sinh khí. Hết đi thăm các danh lam thắng cảnh, lại ở nhà mở máy thu hình (Toàn chữ Tây người Tây) xem mãi cũng chán, Doãng đòi về. Vợ chồng Dõng giữ mãi không được đành phải chiều ông bố trái tính. Trước khi lên máy bay, Dõng đưa cho ông lão thả ống lươn ít tiền tiêu vặt, còn lại nó gửi theo lối phát nhanh để đảm bảo an toàn. Về đến nhà, như lời thằng Dõng dặn, Doãng trích ra năm ngàn đô la tặng xã để xây trụ sở theo gợi ý của chủ tịch Nguyễn Đình Quyết. Số tiền còn lại lão bàn với vợ đem gửi ngân hàng lấy lãi. Từ đấy Trịnh Doãng bỏ hẳn nghề thả ống lươn.

Trụ sở Uỷ ban xã xây hai tầng mặt tiền ốp cẩm thạch, mái chóp đẹp nhất huyện Nam Thành. Để ghi nhớ công lao của Trịnh Doãng có được người con trai làm vẻ vang cho quê hương, Chủ tịch Nguyễn Đình Quyết đề nghị dựng tượng lão ở phía sau khuôn viên. Công trình hoàn tất, rất nhiều người đến xem và bình phẩm. Đó là một hình người thô kệch bằng chất liệu bê tông cốt thép, đứng ưỡn ngực trên bệ cao chiềng ra trước thiên hạ bộ mặt vênh váo do nhà điêu khắc Quang Đệ nổi tiếng lãng tử của Hội văn nghệ tỉnh sáng tác.

Dạo này bụng Trịnh Doãng mỗi ngày một to vì sâm nhung và các món cao lương mỹ vị. Bởi thế, sáng nào lão thả ống lươn cũng cưỡi chiếc xe Peugeot([2]) cánh trả qua lối cổng chùa Vĩnh Hưng lên đường trục liên xã sang Phố Phủ làm vại bia cỏ, bát tiết canh và tô phở bò. Vừa ăn Doãng vừa thả lời ong buớm tán tỉnh bà chủ quán phốp pháp tuổi cỡ tứ tuần có cặp mắt đa tình. Trên đường về lão ghé vào quán chị Nhài mua cho vợ cặp bánh dày giò rồi đạp xe chậm rãi như người tập thể dục dưỡng sinh. Đến trụ sở uỷ ban thế nào lão cũng vòng ra phía sau vườn ngắm tượng của mình, có lần ngắm xong lão chép miệng bảo:

– Cái tay Quang Đệ rượu vào nói phét một tấc đến giời. Tượng chẳng giống mình tý nào. Thật phí tiền.

2

Sự kiện thứ hai là Thứ trưởng Lê Văn Nghiên về làm giỗ bố. Anh ta ngồi trên chiếc Toyota đời mới có cả thư ký riêng và vệ sĩ đi kèm. Hồi cuối năm ngoái, Nghiên đã cử người mang tiền về xây cho mẹ và anh ngôi nhà ba tầng ở đồng Chó Đá. Ngôi nhà thiết kế theo kiểu biệt thự Pháp thế kỷ mười chín, xung quanh có tường bao rất nổi nhưng lại khá lạc lõng ở một xóm nghèo người ở lẫn với ma trong những căn hộ lụp xụp, lợp rạ, tường trình bằng đất sét. Quan khách khá đông, phần lớn là ở Hà Nội về, toàn xe hơi xịn. Về phía địa phương, ông Thứ trưởng mời toàn bộ ban thường vụ tỉnh uỷ, ban thường vụ huyện uỷ và tất cả các chức sắc xã Đoàn Kết. Những ông này phần lớn là người làng Cùa. Mấy hôm trước mưa to, đường làng toàn đất thó, nhão nhoét như cháo bột, có chỗ ngập sâu đến bụng chân lổn nhổn những gạch vỡ, vỏ ốc với phân trâu bò tạo thành một thứ hỗn hợp đặc biệt bốc mùi khó chịu, mới ngửi thấy đã phát lộn mửa. Có thể nói, những trục giao thông chính của làng Cùa lúc này đã biến thành các con kênh bùn vì vậy, tất cả các phương tiện sang trọng đều phải để ở sân đình, quan khách nhất loại tháo giầy vén quần lội ra đồng Chó Đá.

Sau ba mươi bảy năm dịp này anh em họ Lê mới cải táng cho bố. Việc sang cát đáng lẽ được làm từ năm sáu tư. Lần ấy bà Hài đi chợ Cháy nhờ một thầy phong thuỷ xem hộ thế đất. Ông này mới đi tù về vì tội hành nghề mê tín dị đoan, xua tay chối bai bải:

– Bà về đi. Tôi giải nghệ rồi. Công an họ nhìn thấy thì chết.

Bà Hài phải đặt lễ hai đồng bạc, nói bã bọt mép ông ta mới chấp thuận.

– Bà chỉ cần nói ngày tháng năm sinh, năm mất và quê quán của ông nhà để tôi đoán xem sao đã.

– Dạ thưa thầy, nhà tôi tuổi Ất Mão, sinh tháng tư, ngày mười bẩy, giờ Dần, mất ngày mùng bẩy, tháng giêng năm Ất Mùi.

Ông thầy bấm đốt ngón tay tính toán một lúc rồi phán:

– Tôi đoán không nhầm thì người này bị hàm oan, bất đắc kỳ tử, cải táng lúc này không có lợi vì uất khí tích tụ lâu ngày chưa giải được, động vào sẽ bị thương tổn.

Đêm hôm ấy vào khoảng canh ba bà Hài đang thiu thiu chợt thấy một người mặc bộ bà ba nâu ngang lưng đeo khẩu pạc hoọc đi đôi giầy da cao cổ, đẩy cửa mạch lẻn vào. Bà ta sợ quá định kêu lên thì người ấy bảo:

– Vận đây mà, mình không nhận ra tôi sao?

– Ông đi đâu chừng ấy năm bây giờ mới về?

– Vẫn quanh quẩn ở đồng Đấu thôi. – Bóng ma thong thả nói – Tôi về báo để mình biết, chỗ ở hiện nay đang yên ổn, chưa nên rời đi nơi khác, đến năm Nhâm Thân hãy thay áo cho tôi.

Nằm dưới đất gần bốn mươi năm nhưng hài cốt của Lê Văn Vận vẫn còn nguyên vẹn, đen bóng như sừng trừ chiếc xương quai hàm bị vỡ vì trúng đạn. Công việc hoàn tất trước bốn giờ sáng do Trịnh Doãng chủ trì. Lão làm việc này không phải vì lợi mà vì nghĩa bởi thuở còn hàn vi Doãng và Nghiên đã có mấy năm cùng thổi kèn đám ma, cay đắng ngọt bùi đã từng nếm trải. Doãng phục Nghiên vì anh ta có học, soạn điếu văn nổi tiếng, sống với anh em rất có tình còn Nghiên quý tay thả ống lươn là người bộc trực có gì nói nấy, trọng nghĩa khí, khinh tiền của, không chịu khuất phục cường quyền.

Ngôi mộ Lê Văn Vận nằm bên cạnh ngôi mộ bà Hai Thoả đã được chuyển về từ đồng Mả Dứa làng Tảo An năm Kỷ Hợi, nằm ở góc nghĩa địa đồng Chó Đá, xét về quy mô, thì nhỏ hơn nhiều so với những công trình đồ sộ của cha mẹ các trọc phú làng Cùa mới nổi lên mấy năm gần đây, nhưng lại được xây dựng rất có khiếu thẩm mỹ, vừa thanh thoát vừa thể hiện được lối kiến trúc Á Đông truyền thống. Trên phiến cẩm thạch ốp mặt trên, giữa nền hoa văn, khắc chìm dòng chữ rất đậm:

Ông Lê Văn Vận

Sinh ngày 30 tháng 5 năm 1915 ( Tức 14 tháng tư năm Ất Mão ), đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Ủỷ ban hành chính huyện Nam Thành, bị toà án Đoàn ủy Cải cách ruộng đất xử bắn ngày 30 tháng giêng năm 1955 (Tức mồng bẩy tháng giêng năm Ất Mùi), được minh oan và phục hồi danh dự tháng 7 năm 1958.

Trịnh Doãng vừa bưng mâm cỗ đặt lên cái bệ cao giữa hai ngôi mộ chợt nhớ ra điều gì vội chạy về phía sau dẫn đến một ông già để râu dài, mặc bộ quần áo gụ nhưng lại đội chiếc mũ phớt Thượng Hải, vai quàng bị cói đến trước Lê Văn Nghiên hỏi:

– Ông Thứ trưởng có còn nhớ ai không?

Nghiên nheo mắt cười:

– Bác lại còn phải thử tôi. Đây là Nguyễn Đình Phán, một cây trống nổi tiếng làng Cùa, cựu thành viên đội kèn hiếu của chúng ta chứ còn ai nữa.

Trịnh Doãng cười ha hả rất không hợp với không khí trang nghiêm của đám cải táng, cái cổ cò rướn ra quá mức trông rất hài hước:

– Thế thì còn đợi gì nữa. Đồ nghề đã có sẵn trong chiếc bị kia, anh em ta hôm nay phải hoà tấu một tang khúc thật trọng thể để chiêu hồn cho ông Chủ tịch và cụ nhà.

Lê Văn Nghiên tủm tỉm cười:

– Bác vẫn nhớ nghề hay là mấy tháng nay sang bên Tây chén sốt vang thịt bò quên sạch rồi?

– Quên là thế nào. Ta bắt đầu chứ?

Trịnh Doãng thổi kèn, Lê Văn Nghiên kéo nhị, Nguyễn Đình Phán ngồi bệt xuống cỏ, hai tay, hai dùi lúc cắc, lúc tùng như làm xiếc với mấy chiếc trống cơm. Bản Lâm khốc được tấu lên ở âm vực luôn thay đổi, lúc bổng lúc trầm, lúc khoan lúc nhặt với đủ các cung bậc tình cảm, nghe vô cùng thống thiết làm cho các vị khách ai cũng phải mủi lòng.

Vào đúng lúc phường kèn chuyển sang khúc “Lưu thuỷ”, Trịnh Doãng dạo đoạn mở đầu bằng những âm trầm tò tí te… thì người thư ký đến bên Lê Văn Nghiên khẽ nói:

– Có hai bà cụ muốn gặp thủ trưởng.

Phường kèn tạm ngừng. Hai bà gìa tóc đều bạc trắng như cước. Một bà xách làn mây, bên trong có mấy thẻ hương. Anh em họ Lê nhận ra ngay. Bà Cả Huê và bà Ba Lánh. Bà Cả tuổi quá chín mươi bị phong thấp, phải chống gậy nhưng mắt còn tinh, thong thả thắp hương, chắp tay vái ba vái trước mộ bà Hai Thoả và mộ Lê Văn Vận. Bà Ba Lánh năm nay bước sang tuổi tám mươi mốt đi cùng với con trai là uỷ viên thường vụ, Giám đốc sở công an tỉnh. Từ khi rời làng Cùa, phải năm mươi tám năm bà mới có dịp trở lại. Bà Ba lấy trong túi ra chiếc khăn xô, thong thả thắt lên đầu, bỏ thõng hai múi ngang lưng rồi bảo Lê Văn Nghiên:

– Các anh tế kèn đi để tôi thắp cho ông ấy tuần hương.

Nhìn thấy bà Ba, bà Hài chống gậy bước đến nắm tay thì thầm:

– Cảm ơn dì, không có dì giúp đỡ thì anh em thằng Nghiên chẳng bao giờ có ngày hôm nay.

Buổi tối, sau khi quan khách về, Trịnh Doãng sang nhà bà Hài rủ Lê Văn Nghiên:

– Chú sang bên tôi chén lươn om củ chuối.

Ông Thứ trưởng gật đầu:

– Nhắm với rượu Tây chứ?

Doãng nháy mắt :

– Dân nhà quê chỉ khoái món cuốc lủi, rượu Tây thằng Dõng có đem về mấy chai đấy nhưng uống chua như cứt mèo, phí cả món nhắm.

Bữa rượu toàn nhắm với những món nhà quê nhưng rất rôm rả vì có cả Nguyễn Đình Phán râu dài. Rất tiếc thiếu mất lão Mộc. Lão mất từ năm tám hai, năm làng Cùa bị đói đến mức nhiều nhà phải ăn cháo sắn. Thằng Thụt con ông xếp Đáy là gã cùng đinh, ban đêm rủ lũ bợm rượu ra đồng Quan moi con trâu của hợp tác xã chết vì bệnh nhiệt thán chôn từ tối hôm trước lên, xả thịt chia nhau. Lão Mộc vừa ở nhà Nguyễn Đình Phán về, thấy tay Ba Cò xách xâu thịt vừa đi vừa nhìn lấm lét như kẻ ăn trộm liền chặn lại hỏi:

– Thịt ở đâu đấy?

Ba Cò lấy tay ra hiệu:

– Bọn thằng Thụt đang mổ trâu ở đồng Quan, nhanh chân lên may ra còn.

Lão đánh gộc mò đến nơi được thằng Toan quẳng cho một miếng phải đến hơn hai cân, toàn thịt nục. Thịt trâu chết toi nhưng xào tỏi cũng dậy mùi. Đã mấy ngày liền lão mộc toàn nhai sắn khô luộc, người nhão ra, có miếng thịt tươi ăn vào đến đâu mát ruột đến đấy. Trưa hôm ấy tất cả bọn chén thịt trâu đều mắc chứng bệnh quái lạ. Toàn thân toát mồ hôi, bụng căng như quả bóng, không đi đại tiểu tiện được mà thỉnh thoảng đánh rắm phì ra một thứ mùi thối khẳn còn kinh khủng hơn cả cóc chết ba nắng. Y sĩ Phát, phụ trách trạm xá xã Đoàn Kết chịu không chẩn đoán ra liền gửi tất cả lên bệnh viện huyện. Hơn ba chục chiếc võng, kẻ thì khênh, người đèo lẵng nhẵng bằng xe đạp nối nhau trên đường 228 là hiện tượng chưa từng thấy ở vùng Ba Tổng xưa nay. Sau ba giờ hội chẩn các thầy thuốc mới tìm được nguyên nhân căn bệnh tập thể tai hại này là do bà con ta ăn phải thứ thịt trâu đã nhiễm khuẩn nên bị ngộ độc ở thể cấp. Mười ba nạn nhân tử vong, trong đó phần lớn là đàn bà và trẻ con. Số còn sống chủ yếu là bọn sâu rượu. Các bác sỹ chịu không thể giải thích được hiện tượng kỳ lạ trên, Còn dân làng Cùa thì cho rằng rượu cuốc lủi giết chết vi trùng.

Thằng Nhặt lúc ấy mới xuất ngũ, chưa vợ, đang đóng gạch thuê ở Mao Điền, có người báo, vội bỏ công việc đạp xe sang bệnh viện. Cậu ta vào đến nơi thì lão Mộc chỉ còn thoi thóp thở. Những cơn co giật làm lão kiệt sức rất nhanh. Mọi người đang định đưa lão về làng thì từ bên ngoài, một người đàn bà trùm khăn mỏ quạ lặng lẽ lách vào. Bà ta tuột vành khăn, quỳ trước người đánh gộc ghé tai nói gì đó trong tiếng nấc. Vốn nặng tai lại sắp về với tổ tiên, hẳn là lão chẳng nghe được tiếng thì thầm của Chĩnh Con, nhưng khi nhìn thấy những giọt nước mắt chảy dài trên gò má nhăn nheo, lão biết đó là những giọt nước mắt sám hối. Bằng một cố gắng cuối cùng, lão đánh gộc nhìn bà mẹ rồi đưa mắt về phía người con nuôi. Lúc ấy cậu ta đang ngồi cuối giường, bàn tay phải xoa nhẹ trên bụng lão…

Sang đến chén thứ ba, Trịnh Doãng đã ngà ngà hỏi Lê Văn Nghiên:

– Cậu phấn đấu thế nào mà lên đến cấp Thứ trưởng, lũ thảo dân chúng tôi phục sát đất đấy.

Lê Văn Nghiên cười bảo:

– Gặp may thôi, chuyện của tôi chẳng khác gì chuyện Trạng Lợn.

Rượu vào lời ra, ông Thứ trưởng thường trực Bộ X… hứng lên kể rất rành rọt đoạn đời thanh niên xung phong của mình. Năm bảy mốt, một số đơn vị thanh niên xung phong giải thể, phần lớn anh chị em về địa phương, nhưng cũng có những người được bổ sung vào các công trường cầu đường bên Cục công trình II. Lê Văn Nghiên về mỏ đá Trại Sen. Tại đây anh ta làm tổ trưởng tổ mìn, ba năm liền lao động tiên tiến, năm bẩy tư là chiến sĩ thi đua được bình chọn là đối tượng kết nạp đảng, nhưng lần nào cán bộ tổ chức về thẩm tra lý lịch Bùi Quốc Tầm cũng phê Thành phần gia đình phức tạp. Bố đẻ bị tử hình năm 1955. Đề nghị không kết nạp. Phép vua thua lệ làng. Đảng uỷ xã Đoàn Kết đã nhận xét bằng giấy trắng mực đen như thế, dù lãnh đạo mỏ đá có nhiệt tình giúp đỡ đến mấy cũng đành chào thua.

Cuối năm bẩy lăm, Lúc ấy Lê Văn Nghiên đã sang tuổi bốn mươi mới cưới vợ. Vợ anh ta không phải ai khác mà chính là Thuỳ Dung. Lúc bị thương ở trạm Z35, Thuỳ Dung mê man bất tỉnh, bị bọn biệt kích kéo lên máy bay trực thăng mang về bệnh viện quân đội Việt Nam cộng hoà chữa chạy. Sau khi xuất viện, cô ta bị đày ra Phú quốc hai năm rồi được trao trả tù binh ngay đợt đầu. Tình cờ một lần qua Hà Nội, Lê Văn Nghiên gặp Thuỳ Dung ở ga Hàng Cỏ. Hai người mừng mừng tủi tủi ôn lại những kỷ niệm đầy máu và nước mắt.

Giải phóng miền Nam được hơn một năm. Hôm ấy rét lắm. Cả tổ đang đục lỗ mìn trên sườn núi đá chợt có chiếc Volga đen rẽ vào công trường. Một lúc sau, ông Quá, nhân viên hành chính ra gọi Lê Văn Nghiên bảo:

– Cậu tạm nghỉ xuống có người gặp.

Nghiên về đến lán thấy một người đàn ông còn khá trẻ, tay xách cặp da cùng với Giám đốc đang ngồi chờ trong phòng làm việc. Anh ta hỏi bằng thứ giọng miền Trung khá nặng:

– Thưa… đồng chí là Lê Văn Nghiên, người làng Cùa?

– Vâng, tôi đây… ông là… – Anh thợ khoan thoáng giật mình cảnh giác dò xét vị khách lạ.

– Xin hỏi, đồng chí trước đây đã ở đơn vị thanh niên xung phong C9 và trạm Z35?

Nghiên xuýt bị choáng khi chợt nhớ đến cái chết của Chu Quang Sầm, nhưng rồi anh ta vẫn giữ được dáng vẻ tự nhiên bảo:

– Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ được Tổng đội cấp giấy cho chuyển sang mỏ đá, nếu cần xác minh thêm xin mời các đồng chí về uỷ ban xã Đoàn Kết.

– Việc là thế này. – Người khách lấy trong cặp ra bức thư có dấu Quốc huy đưa cho Nghiên – Tôi được lệnh của chú Năm mời đồng chí về Hà Nội.

Lê Văn Nghiên thở nhẹ:

– Ông Năm Khương ở bộ chỉ huy mặt trận R…?

– Dạ đúng. Mời đồng chí lên xe, ta đi ngay kẻo chú Năm chờ.

Chuyến ấy, Lê Văn Nghiên đi làm cả mỏ đá xôn xao còn Thuỳ Dung thì phấp phỏng. Mãi đến tháng chạp năm sau anh ta mới về chuyển cho vợ vào Nam. Lúc ấy mọi người mới hay, Nghiên đã được kết nạp đảng và bổ nhiệm chức vụ Phó tổng Giám đốc tổng công ty Hatico. Thời kỳ xoá bỏ bao cấp, chuyển đổi cơ chế , anh thợ đá đảm nhiệm chức Tổng Giám đốc Tổng công ty xây dựng cầu đường sau khi đã tốt nghiệp hệ chuyên tu khoa Thiết kế công trình cầu hầm. Năm tám chín, ở tuổi năm ba, tức là vào cái tuổi đáng ngại nhất trong đời, ông tổng Giám đốc được điều về bộ giữ ghế Thứ trưởng.

Nghe xong, Trịnh Doãng bảo;

– Đúng là người ta có số thật, mà cậu ăn về hậu vận, chứ cứ như những năm anh em mình thổi kèn đám ma thì thật sầu đời. Mà này, có còn nhớ cô Hảo làng Báng?

Nghiên đang vui chợt thở dài:

– Quên sao được, tính đến nay Hảo đã mất hai mươi nhăm năm. Ngày mai bác đi với tôi sang thắp hương cho cô ấy được không?

– Đi thì đi nhưng còn chuyện này chắc cậu chưa biết. Tay Thạc bây giờ là Bí thư huyện uỷ Nam Thành.

– Thật à? Sao hôm nay không thấy anh ta đến?

– Chắc hắn còn ngượng với cậu về cái chết của cô Hảo.

*

* *

Ở nhà được một tuần thì vợ chồng Lê Văn Nghiên và cậu con trai đang học lớp mười từ biệt mẹ và anh chị ra Hà Nội. Bà Hài cảm động lắm, cả cuộc đời chìm nổi, khổ ải mới có ngày hôm nay. Bà bảo Thuỳ Dung:

– Bố nó bận việc chính phủ thì không nói, còn mẹ con chị thỉnh thoảng phải về thăm nhà để bà cháu tôi còn được gặp nhau.

Thuỳ Dung ý tứ liếc nhìn chồng rồi gợi ý:

– Hay là mẹ lên Hà Nội ở với chúng con?

Lúc ấy Lê Văn Khải đang ngồi với Trịnh Doãng và Nguyễn Đình Phán vội bảo:

– Mẹ là mẹ chung, chú thím có thể đón bà lên chơi một thời gian, còn nếu ở hẳn thì không nên.

Thuỳ Dung tỏ vẻ thông cảm:

– Em hiểu rồi, bác yên tâm, hè này nhà em lại đưa bà về.

Lê Văn Khải lấy vợ năm bảy mươi mốt, vợ Khải là một cô trung cấp chăn nuôi, người vùng biển, xinh xẻo nhưng chua ngoa, coi mẹ chồng chẳng ra gì. Khải biết thân phận mình, phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Trong có tám năm, chị ta đẻ liền ba đưa con gái, đứa nào cũng giống mẹ, vừa đanh đá vừa thích đua đòi ăn chơi. Cuối năm, Lê Văn Khải xin nghỉ hưu trước tuổi vì mắc chứng hen phế quản. Dạo này anh ta bắt đầu để râu. Chỉ sau mấy tháng, bộ râu quai nón đâm ra tua tủa cùngvới mái tóc nghệ sỹ vừa dài vừa rậm chờm kín mang tai đã biến gã chăn bò có thâm niên hai mươi năm thành lão già tám mươi, mặc dù tính cả tuổi mụ anh mới tròn năm bẩy. Về vườn rồi viên bác sỹ thú y lại có thu nhập cao hơn nhiều so với hồi còn là công chức. Ấy là nghề chữa trâu, bò, chó, lợn, thậm chí cả mèo nếu có người thỉnh. Hàng ngày anh ta rong ruổi khắp vùng Ba Tổng trên chiếc xe máy Bố già có série từ đời tám hoánh nào chẳng ai biết, với hộp đồ nghề đựng trong túi bạt, phục vụ các ‘thượng đế” tại nhà rất tận tình.

Tháng chín vừa rồi, Lê Văn Khải được nhà nước tặng huy chương Vì sự nghiệp an ninh Tổ Quốc sau một thời gian khá dài mang đống giấy tờ có bút tích của các ông công an mật, giao nhiệm vụ đặc tình, gõ cửa các cơ quan hữu trách. Cùng với số tiền kèm theo hai trăm ngàn, anh ta làm mâm cơm mời bạn bè đến chia vui. Giấy chứng nhận và huy chương được lồng trong khung kính treo trang trọng bên cạnh chân dung ông bố do một thợ truyền thần vẽ lại theo trí nhớ của bà Hài.

Trước tết Quý Dậu, Khúc Luận về làng. Cùng đi có Diễm Phương và cô con gái Mai Lan hai mươi mốt tuổi. Cô ta học luật nhưng bỏ nửa chừng nhảy sang lĩnh vực kinh doanh vũ trường. Khúc Luận ra Bắc chuyến này là để ký một hợp đồng với tỉnh về dự án nhà máy chế biến hoa quả xuất khẩu. Cả Bí thư và Chủ tịch đều tiếp đãi nhà Việt kiều yêu nước vô cùng nồng hậu. Trong dự án có những điều khoản rất ưu đãi mà tỉnh dành cho doanh nghiệp nhằm giải quyết đầu ra cho hàng ngàn hécta vải thiều đang có nguy cơ chặt bỏ vì mấy năm liền rớt giá. Nhà máy bắt đầu khởi công thì Khúc Luận cũng thương lượng được với ông Tam chuộc lại ngôi nhà cũ và rước bà Cả Huê về ở. Sau bốn mươi tám năm ngôi nhà đã lần lượt sang nhượng qua tay nhiều chủ nhưng vẫn vững chãi đứng sừng sững bất chấp sự tàn phá của thời gian, chỉ cần quét vôi, trang trí lại nội thất là có thể ở được cả thế kỷ nữa.

Nhưng còn một việc rất đáng trách là anh ta không chịu đến thăm bà Ba Lánh mặc dù lúc ấy cả hai mẹ con cùng ở một thành phố.

Ký ức làng Cùa

Vào một đêm mùa hè năm Mậu Ngọ có ngôi sao băng từ dải Ngân Hà rơi xuống phía đông nam làng Cùa kéo thành một vệt sáng chói như lưỡi kiếm kèm theo tiếng nổ rùng rùng như sấm động. Sáng ra, dân làng vô cùng kinh ngạc khi thấy dải đất trồng dâu đồng Bìm Bịp bị khối thiên thạch khoét thành một cái đầm lớn, nước đục ngầu vẫn còn sôi sùng sục… Cái đầm ấy giờ gọi là đầm Ma. Tất nhiên các nhà khoa học không tin truyền thuyết này. Đầu những năm sáu mươi, một đoàn chuyên gia của Học viện Thuỷ lợi về khảo sát địa hình vùng Ba Tổng đã đưa ra kết luận, đầm Ma chỉ là một đoạn của sông Lăng. Nó được hình thành cách đây khoảng hai trăm nghìn năm khi dòng chảy quặt về hướng nam bởi một trận động đất kéo dài mười bẩy phút trên tám độ Richter. Một thời gian dài người ta vẫn cho rằng đấy là kết luận có sức thuyết phục. Thế nhưng, đến tháng tám năm chín hai, một nhóm các nhà địa vật lý và cổ sinh học của Viện khoa học Việt Nam, nhân chuyến điền dã qua làng Cùa đã phát hiện ra đầm Ma có chỗ sâu hơn trăm mét nước. Tin này được đăng trên trang nhất của những tờ báo và tạp chí lớn của cả nước làm giới khoa học xôn xao. Ngay sau đó, người ta tiến hành khảo sát rừng Hóp là khu rừng tự nhiên cách đầm Ma chưa đầy tám chục thước. Trong lúc tìm kiếm mẫu hoá thạch, một vị tiến sỹ địa vật địa lý ngẫu nhiên nhặt được hòn đá bằng già nửa lon sữa bò nhưng rất nặng. Ông ta nghi là quặng uranium liền gửi về phòng thí nghiệm phân tích. Kết quả cho thấy mẫu quặng trên không có nguồn gốc từ trái đất mà là một mảnh thiên thạch.

Hoá ra ký ức làng Cùa không sai, chỉ có điều khối thiên thạch rơi xuống không phải năm Mậu Ngọ mà đã viếng thăm hành tinh của chúng ta sáu mươi tư triệu năm trước, đúng vào thời kỳ những con khủng long cuối cùng tuyệt diệt. Khối thiên thạch khá lớn, sau khi bị cháy gần hết trong quá trình rơi do ma sát với tầng khí quyển dày đặc, nó vẫn còn đủ năng lượng khoét được một cái đầm rộng hơn trăm hécta, sâu một trăm hai mươi tám mét, đất đá tung toé khắp nơi tạo thành khá nhiều gò đống mà cái gò lớn nhất là rừng Hóp.

Chú thích:

(1): Hình nộm người bằng gỗ hoặc nhựa quảng cáo quần áo ở các cửa hiệu

(2): Một loại xe đạp nổi tiếng của Pháp

Khởi thảo tháng 12 năm 2001, viết xong tháng 4 năm 2002.

Sửa lại lần cuối tháng 10 năm 2003.

Đ.V.S.


Comments are closed.