KÝ ỨC LÀNG CÙA

Tiểu thuyết

Đặng Văn Sinh

PHẦN THỨ HAI

Chương mười

(tiếp theo)

3

Khúc Kiệt vừa sang sông thăm Lái Lự về hôm trước thì hôm sau dân quân ập vào nhà trói lôi ra đình cùng với Ngô Quỳnh và Phó lý Kiền. Ông ta đã ngót sáu chục, người khô gầy, chòm râu mới nuôi lốm đốm bạc, bước lòng khòng vì mắc chứng đau lưng từ hồi ở rừng Hóp. Vừa nhìn thấy Xã đội trưởng Tầm , Khúc Kiệt trừng mắt hỏi :

– Ai ra lệnh cho các anh bắt tôi?

Bùi Quốc Tầm thản nhiên bảo :

– Đoàn ủy Cải cách.

– Lệnh đâu đưa xem?

Tay Xã đội giọng khinh khỉnh :

– Đối với bọn tay sai Quốc dân đảng phản dân hại nước như nhà ông, bất cứ bà con bần cố nông nào cũng có quyền đòi trả nợ máu mà không cần các loại giấy tờ, hiểu chưa?

Ông cựu đội trưởng du kích rừng Hóp nóng tiết chửi:

– Đúng là thời buổi nước ngập chó nhảy bàn độc.

Bùi Quốc Tầm cau mày, hất hàm:

– Đưa vào nhà giam!

Tuy nhiên dãy nhà giam đã chật nên bọn dân quân đẩy khoá Kiệt vào hậu cung. Sau trận đánh đồn Tuần thất bại, Khúc Kiệt được đồn Cáo tha, Việt Minh bắt đầu nghi ngờ lòng trung thành của ông ta. Tổ chức đảng và ngành công an từ trước đến nay vốn xem khóa Kiệt như một phần tử vô chính phủ, không chịu phục tùng mệnh lệnh cấp trên thì khẳng định ông ta là kẻ phản bội, thậm chí là người của Phòng Nhì được gài vào hàng ngũ Việt Minh để làm nội ứng cho địch. Khúc Kiệt không thể chứng minh sự trong sạch của mình một khi các bằng chứng cứ ngang nhiên chống lại ông ta. Đó là Khúc Văn, đóng lon sĩ quan từng kéo quân càn quét khắp vùng Ba Tổng truy bắt Việt Minh. Sợ rằng sẽ đến lúc Việt Minh cử người đến hỏi tội, Khúc Kiệt giải tán đội du kích, bỏ rừng Hóp về làng Cùa. Làng Cùa vào tề đã lâu, lại gần bốt Tuần và có đội hương dũng mạnh dù sao cũng tạm được yên ổn. Nhưng rồi tin hàn Kiểm bên Mạc Điền bị xử tử ngay tại nhà lan ra khắp huyện Nam Thành làm ông ta sợ. Sau mấy ngày cân nhắc, khoá Kiệt thấy không còn cách nào hơn là qua sông sang làng Bòng nương nhờ ông bạn Lái Lự. Ông này đã có thời làm Chủ tịch Liên Việt, ủng hộ kháng chiến được Việt Minh tín nhiệm. Lái Lự nhờ người cháu họ là nhân viên Sở lục lộ xin cho khóa Kiệt tấm giấy thông hành. Ông ta dùng nó như một thứ bùa hộ mệnh đi qua hầu hết các đồn bốt của quân Pháp vùng tả ngạn sông Lăng.

Vào Lục An, khóa Kiệt được dẫn đến vùng trại Cóc ở nhờ nhà ông Diệp Quẩy người Sán Dìu làm nghề thầy cúng. Ông cựu đội trưởng du kích theo dân tản cư lận rừng kiếm sống. Dân lận rừng phần lớn rất nghèo từ vùng tạm chiếm lên, chuyên hái các thứ quả cây như trám, bứa, dọc, tai chua, tước vỏ báng hoặc đào củ nâu mang ra chợ Bầu Be bán kiếm tiền đong gạo. Loại lâm sản này rừng trại Cóc, trại Chít, trại Giang vô thiên lủng, nếu đủ sức, tha hồ khuân ra bán buôn cho thương lái từ ngả Tào Khê, Mạn Dương ngược sông lên cũng kiếm được đồng ra đồng vào. Tuy nhiên với cái tuổi năm bảy, lại bị phong thấp, công việc của khoá Kiệt không phải lúc nào cũng thông đồng bén giọt. Hái dọc, hái trám thì phải trèo cây, mà toàn cây cao, tuy nhiều quả đấy nhưng trượt chân hoặc gẫy cành rơi xuống là cầm chắc cái chết. Đó là chưa kể bất chợt bị rắn khô mộc, một loài bò sát chuyên sống trên cây có nọc rất độc cắn, hoặc ông ba mươi đón lõng lúc chập tối ở chân dốc Cáy. Từ trại Cóc ra đến chợ Bầu Be mất nửa ngày đường. Các bác lận rừng gánh hàng oằn vai, vừa leo dốc vừa thở phì phò chốc chốc lại phải nghỉ lấy sức cho chặng tiếp theo. Rừng Lục An lắm lâm thổ sản nhưng cũng đầy lam sơn chướng khí. Khối anh về đến nhà sau nửa năm hành nghề bị ngã nước, đầu trụi sạch tóc, môi thâm sì, mắt trắng dã, thỉnh thoảng lại lên cơn giật đùng đùng như bị ma xó nhập vào.

Cũng may, ở rừng Lục An được hơn một năm thì quân ta thắng trận Điện Biên, khoá Kiệt lại khăn gói quả mướp tìm về quê trong tâm trạng vui buồn lẫn lộn . Vừa đi vừa nghỉ, sang ngày thứ tư, Khúc Kiệt về đến làng Cùa thì được tin Khúc Thị Nhân đã bỏ đi, Khúc Văn bị bắt sau khi bốt Tuần bị hạ.

Đầu tháng sáu, Khúc Kiệt sắm chiếc vó bè, cắm lều ở đoạn ngòi Mác đổ vào đầm Ma ngày ngày kiếm cá, không quan tâm đến những sự kiện đang xảy ra ở làng Cùa nữa. Nhưng Khúc Kiệt nhầm. Đội Lạc và nhất là Bùi Quốc Tầm lúc ấy mới được phân công làm Xã đội trưởng, và Lê Thị Chĩnh trong ban cốt cán, đã xem ông ta là phần tử cần phải thanh trừng ngay từ khi xã Đoàn Kết bắt đầu phát động Cải cách. Trong cuộc họp kín của ban chỉ đạo, Bùi Quốc Tầm đứng khuỳnh chân, một tay tựa vào bàn, tay kia chém lia lịa vào không khí, dõng dạc tuyên bố:

– Khúc Kiệt tự ý thành lập đội quân Áo đen, rước Nhật về làng Cùa tàn sát bảy tám chục người. Trong trận đánh bốt Tuần, hắn làm nội ứng cho đồn Cáo dẫn đến thất bại thảm hại, sau đó còn tự ý giải tán đội du kích gây tổn thất cho kháng chiến. Thằng Khúc Văn thì nghe nói đã trốn vào Nam theo giặc. Tất cả những tội ấy đã đủ điều kiện xử tử.

Lại Quang Nghinh ghét thói tiểu nhân, xu thời của Tầm, không đợi anh ta nói hết, chặn ngay:

– Ông khoá tuy có một số sai lầm nhưng là người có công với kháng chiến không thể đưa ra đấu tố như bọn địa chủ được.

Tầm liếc Nghinh hỏi:

– Thằng Khúc Văn theo Tây bắn lại đồng bào thì sao?

Nghinh khịt mũi:

– Ai làm người ấy chịu. Cả làng Cùa đều biết từ lâu, hai bố con ông khoá coi nhau như kẻ thù.

– Anh là Chủ tịch mà lại bao che cho bọn phản động à?

Lại Quang Nghinh bật lên như lò xo bị nén, chỉ mặt Xã đội trưởng:

– Này, anh có biết năm năm hai thằng nào đã xỏ nhầm giầy Tây xách súng đi càn ở Cao Đôi không?

Tầm tái mặt. Anh ta như quả bóng xì hơi ngồi im thít, lấm lét nhìn mấy ông Đội Cải cách. Nhưng rồi Lại Quang Nghinh cũng không cứu được Khúc Kiệt. Dưới con mắt của Đội, ông ta là một người phức tạp, một kẻ vô chính phủ bậc nhất ở vùng Ba Tổng. Từ lâu, đội Lạc vẫn giữ thái độ im lặng để cánh cán bộ xã cãi nhau chán rồi mới thong thả hỏi:

– Có phải từ những năm bốn mốt, bốn hai, Khúc Kiệt đã thành lập đảng Áo đen? – Dạ đúng. – Bùi Quốc Tầm trả lời như cái máy.

Lại quang Nghinh vội cải chính:

– Không phải đảng Áo đen mà là đội quân Áo đen.

– Cũng thế cả thôi. – Tầm đế thêm vào. – Quân Áo đen sau này bị cả Việt Minh và quân đội Pháp đánh bại nên đã theo đuôi Quốc dân đảng.

– Ra thế. Tôi đã bảo mà. – Cấn Viết Tham có vẻ đắc ý vớ điếu cày rít một hơi thuốc lào phả khói mù mịt làm Lê Thị Chĩnh bị sặc:

– Cái ông này mang ra ngoài sân mà hút!

-Vậy thì mọi việc đã rõ. – Đội Lạc kết luận- Khúc Kiệt là thành phần Quốc dân đảng nguy hiểm chống phá cách mạng, cần phải đưa ra đình làng cho bà con nông dân hỏi tội.

Vào lúc khoá Kiệt đang run cầm cập vì lạnh thì cánh cửa hậu cung mở. Mấy dân quân đẩy một người vào. Cú đẩy khá mạnh làm ông ta ngã sóng xoài, nhìn kĩ hoá ra là Lý Quỳnh. Khúc Kiệt tuy vừa đói vừa rét cũng phải bật cười khi nhìn thấy ông con rể bất đắc dĩ.

– Bây giờ ông mới vào đây là hơi muộn đấy.

Ngô Quỳnh chép miệng:

– Chuyến này chắc là tôi với ông toi rồi. Bọn chúng không thương xót ai đâu. Nhà nào có bát ăn bát để một chút là bị lên thành phần.

Khúc Kiệt cười như mếu:

– Ông nói thế chưa đúng. Như tôi đây này, tài sản chẳng có gì ngoài chiếc vó bè mà cũng bị thằng Tầm cho dân quân đến xích tay.

Ngô Quỳnh bảo:

– Tôi chưa nói hết. Lên thành phần vẫn còn là nhẹ. Nặng nhất là bị liệt vào hàng Quốc dân đảng sau đó mới đến tội làm tay sai cho Tây. Ông thuộc loại đối tượng nguy hiểm, cho nên bị tóm cổ trước cánh lý dịch chúng tôi.

Khúc Kiệt thở dài:

– Nhưng mà từ ngày đi hoạt động đến giờ tôi có biết mồm ngang mũi dọc cái thằng Quốc dân đảng nó thế nào đâu.

– Thế thì lạ nhỉ? – Lý Quỳnh liếc nhìn thân hình tiều tuỵ của ông bạn già hạ giọng thì thầm. – Nghe nói Đoàn ủy Cải cách được lệnh xử bắn theo tỷ lệ dân số. Làng ta ít ra cũng phải sáu, bẩy người.

– Chả lẽ nhà nước Dân chủ Cộng hoà lại không tôn trọng luật pháp?

– Ông nên nhớ, bây giờ Đội chính là luật pháp, số phận chúng ta chỉ còn trông chờ vào sự may rủi.

4

Đoàn ủy Cải cách mở phiên toà xét xử chánh tổng Lê Bang. Ngay từ sáng sớm đình Cả chật cứng người. Bà con bần cố nông háo hức lắm, ai cũng muốn tận mắt chứng kiến bọn địa chủ cường hào phải cúi đầu nhận tội. Các gia đình trung nông lớp trên, phú nông và mấy hộ làm nghề thủ công hoặc buôn hàng xén còn lừng chừng bị dân quân khoác súng vào tận nhà điệu đi. Những ông bà này lấm lét nhìn nhau không ai dám nói gì nhưng trong bụng đều nghĩ, chống lại Đội họ ngứa mắt quy cho là Quốc dân đảng thì coi như tàn đời.

Làng Cùa những ngày này chia làm hai phe. Phe bần cố nông mặt tươi roi rói, suốt ngày nhảy múa ca hát mừng sự đổi đời. Lúc ấy ca khúc cách mạng còn ít, ngoài bài Giải phóng Điện Biên của Đỗ Nhuận và Qua miền Tây Bắc của Nguyễn Thành, đám thanh niên Ba Tổng rất say sưa hát Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa. Đây bao la hương sắc hoa êm đềm. Hoa lan sang mùa xuân đất Việt … không biết do ai sáng tác. Làng Cùa du nhập rất nhanh điệu múa sạp và bài dân ca Thái Múa hái rau được thay lời mới: Ngoài đồng lúa ngát hương. Tung tăng bướm bay về … Cứ chỗ nào có ba người trở lên là rủ nhau tìm sào múa sạp hoặc nhảy sol mi. Sol mi là một vũ khúc khá vui nhộn. Dân nhà quê vừa xướng âm vừa nhảy một cách tuỳ hứng chẳng cần đàn sáo lẫn biên đạo múa. Họ nhìn nhau co chân nhảy thách lên như con choi choi, chán thì thôi. Có cô cậu mải nhảy mắt hếch lên đập mũi vào cột nhà, toé máu ra. Khôi hài nhất là bài hát Múa hái rau, vừa được lưu hành trong xóm Cầu Đá vài hôm không biết có thằng phản động nào nhại lời rất xỏ xiên:

Này bà Lý toét ơi!

Con tôi lấy con bà

Hai đứa nó nằm đống rơm

Quyết tâm tôi gả cho bà

Bà về bà chặt buồng cau

Sớm mai lên đường đón dâu.

Múa sạp thì cô Tý Mỡ con gái bà Điều nhảy lỗi nhịp bị hai cây dóc kẹp vào chân ngã dập môi. Cô Lai, cặp mông như mông lợn ỷ, bàn chân to bè bè, mỗi khi dậm xuống đất nghe thình thịch chẳng khác nào chày giã gạo nện xuống cối đá đại.

Lũ trẻ con được phân công làm vệ sinh cổng làng, ngõ xóm, những đứa lớn hơn thì quét vôi để các anh thông tin kẻ khẩu hiệu. Thằng cháu họ gọi chánh tổng Lê Bang bằng bác kẻ một hàng chữ lớn bằng hắc ín ngay trước cổng nhà ông ta: Đả đảo tên cường hào Lê Bang. Một số thiếu niên còn được Bùi Quốc Tầm và Lê thị Chĩnh cử đi trinh sát, nghĩa là đến rình các gia đình thuộc diện nghi vấn xem động tĩnh ra sao. Nếu thấy có người lén lút ra vào hoặc kêu ca về chủ trương Cải cách ruộng đất thì các cậu này phải về báo ngay để Đội kịp thời xử lý. Phe thứ hai gồm tất cả những người, nếu không là địa chủ cường hào, nguỵ quân nguỵ quyền thì cũng ít nhiều dính dáng đến các tổ chức phản động, đã bị bắt giam hoặc đang quản thúc tại gia, chờ nhân dân xét xử. Họ như cá nằm trên thớt lúc nào cũng giật mình thon thót nếu thấy bóng dân quân trước cổng. Trong các cuộc ôn nghèo kể khổ, bình nghị thành phần, xác minh diện tích điền thổ, những đối tượng tạm thời còn tại ngoại phải đến nghe nhưng không được phát biểu. Đó thật sự là những tội phạm đã mất hết quyền công dân, gặp bần cố nông đều phải cúi đầu thật thấp chắp tay Con chào ông (bà) ạ! Người được tôn lên hàng ông bà lúc ấy hoặc “ừ” một tiếng thật hách dịch hoặc chẳng thèm nói gì, mặt vênh lên ra vẻ rất là bề trên.

Một tối, nông dân đang bình nghị ở nhà Chánh Đàm chợt có tiếng chân chạy rình rịch ngoài đường tiếp theo là súng nổ phía ao đình. Đám bần cố nông nhốn nháo xô nhau ra cổng xem có chuyện gì thì Bùi Quốc Tầm bước vào nói dõng dạc:

– Bọn phản động thừa lúc bà con đang họp lẻn vào đốt bếp nhà đồng chí Tham nhằm mục đích gây rối trật tự an ninh, phá hoại công cuộc Cải cách. Tôi đề nghị mọi ngưòi hãy nâng cao cảnh giác cách mạng, phát hiện hành vi mờ ám của kẻ xấu để chính quyền trừng trị.

Tất nhiên không ai biết đấy là thủ đoạn của Tầm. Anh ta cho bọn tay chân thân tín bí mật nhét bùi nhùi vào mái nhà, lửa bốc lên thì kêu làng chữa cháy rồi tung tin thất thiệt, hướng sự nghi ngờ vào con cái địa chủ cường hào làm tinh thần bọn này hoang mang, nhiều kẻ không có tội mà vẫn ra đầu thú, anh nọ khai ra anh kia, làng Cùa rối beng, lúc ấy Đội Cải cách mới ra đòn quyết định.

Toàn bộ cánh cửa bức bàn được tháo xuống để những người ngoài sân cũng có thể theo dõi phiên toà. Cấn Viết Tham ngồi ghế chánh án. Bùi Quốc Tầm và Lê Thị Chĩnh Con trong vai hội thẩm nhân dân. Đội Lạc giữ chân Thư ký. Sở dĩ đội Lạc phải lãnh trách nhiệm nghi chép vì cả hai vị cốt cán đều mù chữ. Xã đội Tầm thì mới thoát nạn i tờ, mỗi khi đọc văn bản phải ê a đánh vần từng chữ một, ngắc ngứ như hóc xương cá. Vành móng ngựa được làm bằng thân cây chuối hột xếp chồng lên nhau như cũi lợn, rồi đóng bốn cái cọc dài xuyên qua đặt trên sàn đình bên trái. Lê Bang bị trói hai tay, bốn dân quân công kênh ông ta lên quẳng vào trong cũi như quẳng con chó ghẻ. Viên chánh tổng vừa nhô đầu lên lập tức hàng trăm cái miệng ngoác ra đến tận mang tai gào lên :

– Đả đảo chánh tổng Lê Bang!

– Đả đảo địa chủ Lê Bang!

– Treo cổ hắn lên!

Ngoài sân, ngay trước dãy chuồng giam, Lê Văn Vận, Khúc Kiệt, Ngô Quỳnh, Bà cả Huê và các địa chủ cường hào bị trói hai tay, chân mang xích, lưng buộc đoạn dây thừng nối với một chiếc cối đá thủng trôn xếp theo hình vòng cung để họ tận mắt chứng kiến lòng căm thù và sức mạnh quần chúng đấu tranh giai cấp.

Người lên vạch tội Lê Bang đầu tiên là một tá điền. Bố mẹ anh ta là dân ngụ cư, được ông chánh cưu mang. Năm Ngọ, cả nhà sắp chết đói, bà Chánh cho vay thóc mãi cuối năm sau mới trả hết. Đó là ơn chứ không phải oán. Chuyện ấy mà kể ra thì dân làng chửi cho. Nghĩ mãi tay cố nông này cũng tìm ra được một lý do. Cách đây mấy năm, một lần anh ta đi đánh giậm về, đang nghêu ngao hát trên đường thì bị con ngựa của ông chánh chạy nước kiệu va phải ngã bổ chửng, mồm vập phải mô đất gãy mất chiếc răng cửa. Phải rồi, đấy chính là tội tày đình của tên địa chủ cường hào hành hung tá điền. Nói đi thôi. Anh ta thầm nghĩ. Mặt đội Lạc đang hằm hằm thế kia hẳn có chuyện rồi.

-Chánh Bang! Mày có biết tao là ai không?

-Thưa… Ông là ông Đưa con cụ Đong ở xóm cầu Đá.

-Mày có biết mày có tội gì không?

-Dạ, tội… phản dân hại nước.

Đưa lắc đầu:

– Là nói tội với nhà tao kia.

Chánh Bang ngẩn người ra:

– Thưa… Chả lẽ lại là chuyện chúng con cho ông bà vay hai thùng thóc cứu đói sau này đòi lại?

– Không phải, chuyện ấy xem như chúng tôi mang ơn ông bà.

Đội Lạc đứng phắt dậy trừng mắt:

– Đồng chí Đưa không được gọi địa chủ là ông bà.

Đưa lấm lét nhìn các vị quan toà miệng lẩm bẩm:

– Người ta bằng tuổi bố mình mà lại xách mé nghe nó thế nào ấy.

Bùi Quốc Tầm hắng giọng bảo tay cố nông:

– Đề nghị anh Đưa nói to lên cho bà con cùng nghe.

– À, nhớ ra rồi… Một lần tao đi đánh giậm về bị con ngựa của mày đá ngã gãy răng.

– Dạ, quả có thế. – Chánh Bang khẽ gật đầu. – Hôm ấy tôi đã mời ông lang Phê đến khám vết thương và tạ gia đình hai đồng, chắc ông còn nhớ?

– Nhớ chứ. – Chẳng hiểu sao anh chàng cốt cán nổi hứng nói liền một mạch làm đội Lạc tức điên lên. – Bố tôi lúc ấy cám ơn ông chánh lắm. Hai đồng bạc đong được khối thóc.

– Đề nghị đồng chí Đưa đi xuống!- Đội Lạc quát – Toàn ăn nói mất lập trường.

Theo đúng như kịch bản, Đưa đấu xong đến lượt Ứng Thị Sót, con dâu chánh tổng Lê Bang. Sót là con gái thứ ba vợ chồng ông cả Tuất, cô này thuộc loại có chút nhan sắc, nhà tuy nghèo nhưng vẫn có những đám khá giả nhòm ngó. Con trai Lê Bang là Lê Bản say cô tá điền hơn cả thuốc phiện, mới phải lòng nhau chưa đầy hai tháng đã đòi cưới, ông chánh thấy cô gái có vẻ thiếu đoan chính, hơn nữa gia thế lại chẳng môn đăng hộ đối nên lắc đầu bảo :

– Đám này không được, cưới con bé ấy về là sau này bại hoại gia phong.

Lê Bản thản nhiên thông báo một tin làm cả nhà sửng sốt :

– Con đã ăn nằm với cô ấy rồi.

– Lại còn thế nữa, mày thật không coi tao ra gì.

– Con lấy vợ chứ có phải thầy lấy đâu mà lo.

– Mày đừng có hỗn!

Cuối cùng giời không chịu đất đất phải chịu giời, Lê Bang bấm bụng làm đám cưới cho ông quý tử. Về nhà chồng, Sót thích nghi với vai trò bà chủ rất nhanh. Cô ta dần dần thâu tóm quyền thu chi trong nhà đẩy mẹ chồng ra rìa làm bà này uất lên thành bệnh nằm liệt một chỗ. Hai năm sau, Lê Bản đi lính Bảo an, Sót ở nhà ngứa nghề tằng tịu với hết đám trương tuần. Điểm hẹn của họ lúc thì ở điếm Bài Vân, lúc trong miếu Si, có khi lại ở ngay nhà bố mẹ đẻ vì lúc ấy ông cả đã quy tiên, bà cả mắt loà chẳng nhìn thấy gì. Sau nhiều lần theo dõi, cuối cùng mấy cô em chồng cũng tóm được đôi gian phu dâm phụ khi chúng đang vui vẻ với nhau trong chiếc lều vịt của lão Nhạnh giữa đồng Chó Đá. Chuyến ấy hai đứa bị một trận nhừ tử, Trương Cói phải chịu phạt hai tạ thóc với bảy đồng Đông Dương mới được tha. Lê Bang đau lắm nhưng sợ mang tiếng với hàng tổng nên chỉ mời bà cả Tuất sang nói chuyện rồi bắt mang con gái về. Vậy là Sót được tự do, tha hồ lăng loàn chẳng có ai quản thúc.

Mới nhìn thấy đội Lạc, Sót đã đầu mày cuối mắt. Đội Lạc đã có vợ, chị ta thuộc loại khá gái nhưng tính tình riết róng, lại có máu ghen ngược nên bị ông chồng bỏ lửng từ lâu, giờ anh ta nhìn thấy cô nàng óng ả, mắt lúng liếng đưa tình, bất giác tâm trạng xao xuyến. Từ đó hai người ngày nào cũng tìm cớ gặp nhau, không gặp không chịu được. Cái trò trăng gió nó thế, bỏ thì thương vương thì tội. Một khi vướng phải lưới tình trời cũng bé. Tuy nhiên nhờ những cuộc họp cốt cán họ được gặp nhau thường xuyên hơn. Có lần, đêm đã khuya, hội ý xong Lạc còn kéo Sót vào hậu cung. Từ khi hậu cung trở thành nơi giam bọn cường hào thì chỗ hò hẹn của đôi tình nhân cũng thay đổi tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể.

Hôm ấy đội Lạc triệu tập khai hội ở nhà bà Tuất. Anh ta bảo nhà tuy chật nhưng kín đáo, tha hồ bàn bạc không sợ lộ bí mật.

Bà cả Tuất mắc chứng đau mắt đỏ hễ có ánh mặt trời là quáng gà chẳng nhìn thấy gì. Trên trán lúc nào cũng phải che mảnh vải thâm. Cuộc họp có nhiều nội dung, đến gần trưa mới xong. Khi mọi người ra về Lạc còn nấn ná ở lại một lúc rồi kéo ngay Sót vào thùng trấu. Đã hơn một tuần không gặp nhau, hai anh chị còn đang say sưa tận hưởng phút lên tiên thì bất chợt Bùi Quốc Tầm xuất hiện. Anh ta làm như vô tình nhòm vào bếp bằng cặp mắt rất gian giảo. Khi thấy đội Lạc vẫn còn nằm trên bụng cô cốt cán, hắn tảng lờ như không biết, vòng ra sân vờ vịt hỏi bà cả Tuất :

– Cô Sót đi đâu hả bà?

Bà cụ không những mù dở mà còn nghễnh ngãng, nghe tay Xã đội mãi mới thủng liền bảo :

– Em nó vừa xuống bếp hay sao ấy, bác chờ một tí.

– Nếu cô ấy về, nhờ bà nhắn hộ chiều nay xuống xóm Trại họp với chị em phụ nữ.

Tầm cố tình nói to đánh tiếng cho đôi tình nhân biết rồi xách súng ra cổng. Hai người lúc đó mới hoàn hồn mặc quần áo bước ra khỏi thùng trấu. Đội Lạc nhìn trước nhìn sau không có ai liền lách qua bờ rào sau nhà. Sáng hôm sau đội Lạc sang Đậu Khê gặp Bùi Quốc Tầm. Lựa lúc chỉ có hai người, Lạc bảo:

-Tôi đề nghị bổ sung đồng chí vào cấp uỷ và đảm nhận chức Chủ tịch xã Đoàn Kết.

Tầm như mở cờ trong bụng nhưng vẫn làm ra vẻ không hiểu:

-Thế còn ông Nghinh? Chẳng lẽ Đội Cải cách…

-Anh Nghinh sẽ làm Bí thư thay ông Quang. Tôi vừa nhận được tin từ bà con bần cố nông, La Văn Quang năm 1949 có quan hệ với tổ chức Việt cách của Phan Trường Thái.

Vậy là cơ hội trả thù cha con Lê Bang đã đến. Phen này thì chúng mày mảnh bát vỡ cũng không có mà ăn. Bằng động tác dứt khoát, Sót ấn mạnh hai ngón tay vào trán Lê Bang bắt ông ta ngẩng lên rồi dõng dạc hỏi:

-Tên địa chủ phản động họ Lê, chắc mày không quên đứa con dâu này chứ?

Ông chánh tổng trả lời như cái máy:

-Thưa bà… không quên,

-Mày có nhớ khi tao bị ép buộc lấy thằng Bản, bố con mày đã hành hạ tao như thế nào không?

Lê Bang từ tốn trả lời :

-Thề trên có trời, dưới có đất, nhà họ Lê chưa bao giờ ngược đãi con dâu. Việc chúng tôi trả bà về bên mẹ đẻ hoàn toàn do bà gây ra.

-Địa chủ Lê Bang câm ngay! – Sót nấc lên, giọng nghẹn ngào – Đến nước này mà mồm mày còn xoen xoét chối tội.

-Thưa bà, tôi chỉ nói đúng sự thật.

Sót túm tóc ông chánh giật mạnh một cái rồi quay xuống phía bà con oà lên khóc :

-Bà con ơi! Tôi thù bố con nhà nó lắm. Chồng tôi đi lính, ở nhà đêm nào lão chánh cũng vào gạ gẫm đòi ngủ với tôi. Tôi không cho nó liền trói vào giường, lột quần áo ra hành hạ suốt đêm. Có những lúc tủi nhục quá tôi đã định đâm đầu xuống giếng tự tử nhưng lại nghĩ đến bà mẹ mù loà đành phải nuốt hận mà sống cho qua ngày. Chẳng những thế, thằng em chồng là Lê Biên làm thư kí sở Dây thép về nhà lại cưỡng hiếp tôi. Nó cầm lăm lăm con dao nhọn trong tay đẩy cửa vào buồng thở ra toàn mùi rượu. Tôi sợ quá định kêu thì nó đấm vào mặt tôi đến giờ vẫn còn sẹo. Đêm hôm ấy bố con nó nhốt tôi vào căn buồng dãy nhà ngang suốt hai ngày không cho ăn uống gì.

Bên dưới, đám thanh niên bần cố nông quá khích nghe Sót kể tội phẫn nộ quá, đồng thanh hô :

– Đả đảo chánh tổng Lê Bang!

– Đả đảo tên Việt gian bán nước Lê Bang!

Các bà các cô đều sụt sịt, trước còn khẽ sau to dần, cuối cùng cả mấy gian đình đều biến thành một cuộc khóc tập thể rất là thống thiết. Chừng năm bảy phút sau, khi những tiếng nức nở đã vơi đi, Sót kết thúc bản cáo trạng bằng những lời vô cùng đanh thép:

– Tôi đề nghị Toà án nhân dân xử tử hình chánh tổng Lê Bang.

– Tử hình! Tử hình!

– Bắn chết hết lũ địa chủ đi bà con ơi!

Bản án được thi hành ngay buổi sáng hôm sau tại một khu đất hoang mãi cánh đồng Xưa. Từ chiều hôm trước, người ta dựng pháp trường bằng hai cây cột lớn, sau đó buộc một cây tre vắt ngang giống như bộ khung căng màn ảnh chiếu bóng. Lê Bang bị bịt mắt bằng vải đen, cổ tay cổ chân đều buộc dây thừng dài. Bốn dân quân, hai người một bên kéo ông ta lên cao cho tay chân giang ra như là con ếch trong phòng thí nghiệm sinh vật học để thử phản xạ khi cho dòng điện chạy qua. Trên kỳ đài, chánh án Cấn Văn Tham ngồi cùng với Chủ tịch Bùi Quốc Tầm, đội Yên và cốt cán Lê Thị Chĩnh. Bảy dân quân vác những khẩu súng trường cà khổ đứng cách xa chừng mười hai, mười ba mét hồi hộp chờ lệnh. Xã đội trưởng mới được đề bạt Lương Văn Mực chỉ huy hành quyết. Người đi xem rất đông, không phải chỉ làng Cùa mà gần như cả tổng Kim Đôi mang cơm nắm muối vừng đến chầu chực từ lúc còn tối đất để được xem xử bắn lão Chánh Bang nổi tiếng hách dịnh mà nhiều người mới chỉ biết tên chứ chưa từng giáp mặt. Ứng Thị Sót, mặt tươi rói ngồi bên đội Lạc. Anh ta không trực tiếp tham gia vào việc thi hành bản án nhưng lại là nhân vật quyết định số phận của Lê Bang.

Mặt trời lên tầm nửa con sào, Bùi Quốc Tầm vẫy tay ra hiệu cho Cấn Viết Tham

Vị chánh án mù chữ hơi tái mặt đứng lên đọc bản án đã thuộc lòng từ hôm trước:

-Chánh tổng Lê Bang phản dân hại nước tội ác tày trời, tại phiên xử công khai ngày hai mươi mốt tháng mười, Toà án nhân dân đã tuyên án tử hình, yêu cầu các đồng chí dân quân thi hành nhiệm vụ!

Tiếng đùng đoàng rất không đều. Loạt đạn đầu chỉ có hai viên trúng người ông chánh còn hầu hết đều đuổi vịt giời chẳng biết do các xạ thủ bắn kém hay họ run tay khi buộc phải chĩa súng vào đồng loại. Máu từ người nạn nhân chảy dọc hai ống quần từ độ cao hai mét sáu nhểu xuống thành giọt đỏ tươi, khi thấm vào lớp đất cát pha sét phía dưới lập tức ngả mầu nâu sẫm như nước quết trầu. Bụng Lê Bang có tiếng réo lục bục như sấm rền. Một luồng uế khí phì ra phía hậu môn khuếch tán khắp bốn phương tám hướng làm tất cả những người trên kỳ đài đều phải đưa tay bịt mũi. Bùi Quốc Tầm lầm rầm chửi bọn dân quân ăn hại rồi nhảy xuống giằng khẩu súng từ tay Xã đội trưởng Lương Văn Mực quát to:

– Tất cả lên đạn!

Loạt súng thứ hai có khá hơn. Phát đạn của Tầm trúng ngực viên Chánh tổng phá ra phía sau bằng miệng chén tống làm rách toang chiếc áo cánh nâu. Một mảnh thịt lầy nhầy dính máu bay vèo xuống bãi cỏ chẳng khác gì thứ thịt chuột đồng bị mèo gặm dở. Đầu Chánh Bang ngoẹo sang một bên vai. Ông ta chết trong nỗi kinh hoàng tột đỉnh nên khi dải băng được cởi ra, cặp mắt vẫn mở trừng trừng, một dân quân thương tình vuốt mãi vẫn không khép lại được.

Huyệt đã đào sẵn. Theo lệnh Xã đội trưởng, người ta kéo xác Lê Bang quăng xuống rồi lấp đất một cách vội vàng sau đó đặt lên nấm mộ một vầng cỏ.

5

Bà cả Huê được ra khỏi buồng giam bị dân quân áp giải về nhà trình báo tài sản trước khi đem ra xét xử. Những người thực hiện cuộc khảo của này là Xã đội Mực, Lê thị Chĩnh Con và Ứng Thị Sót. Bà Chánh mặc bộ váy áo mốc thếch chẳng khác gì con mẹ ăn mày, quỳ ở chân đống rơm có hai dân quân kèm hai bên. Cố nông Sót nâng cằm bà ta lên bảo :

-Thị Huê nghe đây! Vàng dấu ở đâu phải thành khẩn khai ra, toà sẽ khoan hồng.

Vợ Chánh Đàm lắc đầu:

– Thưa bà cốt cán, nhà này có bao nhiêu tài sản Đội Cải cách đã tịch thu hết, chúng tôi bây giờ cái bát mẻ cũng không có mà ăn lấy đâu ra vàng.

– Cà cuống chết đến đít vẫn còn cay! – Sót túm tóc bà cả Huê giật mạnh mấy cái rồi lèm bèm chửi hệt như mụ hàng thịt. – Quân mặt sứa gan lim , đồ l… sành ghe đá hút máu mủ của bần cố nông giàu nứt đố đổ vách mà bảo không có vàng, nói chó nó cũng không nghe được .

Xã đội Mực hùng hổ chạy lại giáng liền hai bạt tai làm người đàn bà ngót sáu chục tuổi loạng choạng, đổ vật vào đống rơm. Hắn kéo bà ta dậy bắt quỳ như cũ, giọng rít lên :

– Biết điều thì khai ra vàng ở đâu, nếu không đừng trách.

– Đã bảo là không có vàng. Các ông các bà đánh chết cũng chẳng đào đâu ra.

– A! Con khọm này lỳ gớm nhỉ. Cô Sót đâu, lấy chày giò ra đây.

– Hình như mấy chiếc chày đã được chuẩn bị từ trước. Lê Thị Chĩnh và Ứng Thị Sót, mỗi cô một bên, tốc váy bà Chánh lên ngang đùi thi nhau dần vào hai đầu gối. Bà ta đau quá kêu ồ ồ như bò rống, được một lúc thì đái ra váy khai nồng nặc làm hai cốt cán phải tạm thời bỏ cuộc.

Chừng nửa giờ, sau khi đã thì thầm hội ý với Lương Văn Mực và Lê Thị Chĩnh, Ứng Thị Sót thay đổi chiến thuật, đưa bà cả Huê vào nhà, rót cho chén nước rồi nhẹ nhàng trách :

– Bà cứ ngoan cố chỉ thiệt vào thân. Chúng tôi thay mặt Đội Cải cách kiểm kê tài sản, yêu cầu gia đình thành khẩn khai báo, nhất là những đồ vàng bạc, nhà nước chỉ trưng thu một phần còn đâu sẽ trả lại.

Bà cả Huê vẫn im lặng. Sót lại tỉ tê hỏi:

– Thế cái xuyến vàng nạm ngọc bích trước đây cô Huệ vẫn đeo bây giờ để đâu?

– Nó đã mang theo chồng sang Pháp rồi.

– Còn cái vòng cẩm thạch có khắc chữ Phúc?

– Tôi bán lấy tiền tậu trâu hồi đầu năm Tỵ.

– Bán cho ai?

– Trên cửa hàng nữ trang Đông Thị ấy, bà lên mà hỏi.

– Sợi dây chuyền vàng bảy đồng cân có mặt đá hình quả tim chắc cũng bán rồi phải không? – Sót dằn giọng.

– Cái dây ấy hồi qua đò Vạn tôi lỡ đánh rơi xuống sông mất.

– Bà Bà coi cán bộ Đội Cải cách là trẻ con đấy à?.

– Nếu không tin Đội Cải cách cứ cho người đào bới khắp nhà lên mà tìm.

Xã đội Mực giật nảy người chỉ tay vào mụ địa chủ giọng rít lên:

– Trói con mẹ thần đanh đỏ mỏ này đem vào chuồng trâu vụt chết cha nó đi.

Đến lúc này thì bà Chánh không thể chịu được nữa. Thôi thì lành làm gáo vỡ làm muôi, tao sẽ liều với chúng mày một phen rồi muốn ra sao thì ra. Nghĩ vậy, bà đứng dậy tụt váy ra vứt vào mặt tay Mực :

-Bà cho mày vàng đấy, mang về bán đi mà ăn dần.

Tấm váy nhuộm thâm lâu ngày không giặt bốc mùi khăn khẳn trùm lên đầu ông Xã đội. Anh ta không dự liệu được tình huống này nên hoàn toàn bị động, lúng túng mãi mới thoát ra khỏi tình huống bi hài, miệng vừa khạc nhổ vừa chửi lèm bèm :

-Đ. mẹ con mụ già chết tiệt.

Hai nữ cốt cán nhìn bà Chánh cởi truồng tô hô vừa tức vừa buồn cuời, mắng:

– Rõ là không biết dơ!

-Có mà dơ cái l… bà đây này.-Bà ta vỗ bành bạch vào bẹn rồi hất hàm bảo đám cốt cán:

– L… tao có bao nhiêu sợi lông thì nhà tao có chừng lạng vàng. Chúng mày có giỏi vào đây mà đếm.

Xã đội Mực vồ lấy súng giương lê, mặt hằm hằm chĩa vào người đàn bà cởi truồng. Vào đúng lúc ấy, nếu đội Lạc không xuất hiện kịp thời thì chắc là mũi lê sáng loáng của ông Xã đội đã xuyên thấu âm hộ bà Chánh. Anh ta liếc qua đã hiểu ngay sự việc liền bảo đám tay chân:

– Các đồng chí về đình ngay để Đội Cải cách phổ biến nhiệm vụ mới.

Ứng Thị Sót đưa mắt cho nhân tình:

-Nhưng thưa… anh, con mụ này dám có hành động lăng nhục cốt cán.

-Tôi biết. – Lạc gật đầu chỉ tay vào chiếc váy bảo bà Chánh. – Bà mặc vào rồi đi theo chúng tôi.

Cuộc khảo của xem như thất bại. Bà cả Huê lại bị giam vào căn buồng cũ. Người mệt rã rời do bị quỳ quá lâu trong một tư thế, bà ta ngồi lên tấm phản mộc, lưng đựa vào tường thiu thiu ngủ, nhưng vừa chợp mắt được một lúc, quang cảnh náo loạn của cuộc chia quả thực mấy hôm trước lại hiện ra.

Ngôi biệt thự hai tầng với kiểu kiến trúc lai căng cùng dãy nhà ngang do Khúc Đàm vẽ kiểu được gỡ niêm phong. Bùi Quốc Tầm, Trưởng ban điều hành trưng thu tài sản địa chủ cường hào xã Đoàn Kết ra lệnh cho dân quân dẫn bà cả Huê trói vào cột chuồng trâu. Đội Cải cách muốn chơi đòn cân não để khổ chủ tận mắt nhìn thấy bần cố nông thực hiện lẽ công bằng, vì sự công bằng vốn là ước vọng ngàn đời của người lao động chân chính. Tất cả bàn thờ, giường phản, sập gụ, tủ chè, hòm rương, thóc lúa được khuân ra thành mấy đống giữa sân. Các bần cố nông đứng vòng trong vòng ngoài, phần lớn mặt nhăn nhúm , vàng vọt vì đói ăn, mắt hau háu nhìn những thứ đồ sơn son thiếp vàng, miệng nuốt nước bọt ừng ực. Bà Cò Toét mặc chiếc váy đụp hàng trăm mảnh lấy bàn tay mân mê chiếc sập gụ đen bóng mát như lụa nõn chép miệng:

– Tôi mà được nằm lên cái sập này một đêm chết cũng sướng.

Lão Khính, cựu mõ làng, già lụ khụ chống gậy lọc cọc vào sân bảo đội Lạc:

– Cả đời tôi chỉ mong được cái ngai thờ để rước các cụ về.

Cánh tá điền xem ra thực tế hơn. Bọn này đều vào ở độ tuổi trên dưới ba mươi, chẳng để ý gì đến sập gụ tủ chè mà đứng túm tụm với nhau bàn tán về ba bốn con trâu đang buộc quanh đống rơm và đám cày bừa, mai cuốc cùng hơn chục chiếc gầu tát nước vứt lổng chổng trước cửa nhà bếp. Ba Khích, một tay nổi tiếng làng Cùa về tài vực nghé vuốt ve con trâu đực sừng cánh ná, lông đen, da bóng như sừng. Hắn hết đứng lại ngồi không dám rời đi chỗ khác, tay khư khư giữ sợi dây thừng vì sợ có người phỗng tay trên. Gã trương Chạm mắt trắng dã như mắt lợn luộc, tay chân lòng khòng, vai so làm cái cổ cò như kéo dài ra, ngay từ sáng sớm đã muốn gìành con trâu mộng về phần mình, thấy Ba Khích giữ rịt sợi dây thừng hắn nóng mắt bảo:

– Bỏ dây thừng ra! Con này tao nhận từ hôm qua rồi.

– Đừng hòng. Anh Lạc đã hứa cho tao.

Làm gì có chuyện ấy. Phân chia quả thực phải công bằng chứ.

– Này, hôm trước ở nhà Chánh Bang mày đã nhận con nghé tơ sao hôm nay lại còn đòi trâu?

– Con ấy khi cày nó cứ phá ách tao đổi cho nhà Bồng rồi.

– Thế thì mặc xác mày.

Trương Chạm vốn hay gây gổ, trái ý là xông vào thượng cẳng chân hạ cẳng tay, thấy Ba Khích có ý giữ bằng được con trâu liền quai cho hắn một quả. Cú đấm không đau lắm nhưng vì tức thằng đầu bò nên Ba Khích kêu toáng lên rồi nhảy bổ tới đấm đá đối phương túi bụi. Hoá ra trong sân không chỉ có cặp trương Chạm, Ba Khích đấm nhau. Trước đống của giời ơi không phải mồ hôi nước mắt của mình làm ra, lòng tham nổi lên, ai cũng muốn chiếm làm của riêng, thành thử Đội chưa kịp lên danh sách phân phát họ đã xông vào tranh cướp. Sân nhà Chánh Đàm bỗng chốc trở thành một cuộc ẩu đả ác liệt. Chiếc bàn thờ sơn son được chạm trổ rất tinh xảo bị hàng chục bàn tay lôi đi kéo lại một lúc thì đổ kềnh, ba chân gãy rời, mặt gỗ long ra, sơn tróc loang lổ. Mấy bà cố nông nạ dòng lao vào nhau quyết đấu để gìành cho được bộ cánh tủ chè. Lúc này tủ đã bị vỡ toác làm bốn mảnh nhưng hai cánh gỗ gụ vẫn còn nguyên. Bà Đũn yếu hơn nhưng biết dùng mưu bằng cách bất ngờ cắn vào tay một bà mặt choắt răng vẩu làm bà này kêu thét lên và vác chiến lợi phẩm chạy ra cổng. Trong lúc nhốn nháo, lão Tý Thọt gọi hai thằng con lẻn vào khênh sập gụ. Thị Sót đã nhắm bộ này từ lâu liền ngáng chân làm lão chăn vịt vấp ngã. Cánh sập rơi xuống nền gạch Bát Tràng làm dập bàn chân anh con cả. Hắn đau quá, ngồi xệp xuống ôm chân rên rỉ. Cùng lúc có bốn năm bàn tay đặt vào bộ sập. Đó là cánh ngụ cư xóm Trại Cá. Bọn này từ trước vẫn bị chèn ép giờ có dịp bình quyền chẳng ngại ngần gì kéo nhau vào hôi của. Sót gan lì, ngồi chồm chỗm trên sập. Bọn ngụ cư chẳng nể nang gì bà cốt cán trong Ban Cải cách, bốn gã bốn góc khênh cô ta đi như một đám rước. Ứng thị Sót thấy mình ở thế bất lợi liền nhảy bổ vào gã Tám Cá túm tóc tát liền mấy cái. Bọn này đều vướng tay, nén chịu đau để lôi cho được chiếc sập gụ ra cổng. Nhưng không may một gã hẫng chân, mất đà, sập lại rơi xuống. Cuộc giằng co đã đến lúc vô cùng quyết liệt. Chị em xóm Chùa từ xưa đến nay vẫn ghét Thị Sót là gái lăng loàn, mồm loa mép giải, liền nháy nhau xúm lại giúp cánh ngụ cư bằng cách đè cô ta xuống, kéo tuột chiếc quần láng đang mặc quăng xuống ao làm đồng chí uỷ viên Cải cách mất mặt với bàn dân thiên hạ phải chạy vội vào bếp. Phía trước, một đám chừng hơn chục người trước đây vẫn lĩnh canh ruộng bà cả Huê, đang xúm quanh mấy cũi bát đĩa, vài chiếc nồi đồng và một số lọ hũ bằng gốm sứ hoặc da lươn. Những thứ này giá trị tuy có thấp hơn nhưng sự tranh chấp cũng không kém phần quyết liệt. Đã có mấy bà đập những chiếc nậm rượu men ngọc rồi lấy mảnh vỡ cào vào mặt nhau, máu chảy nhoe nhoét. Bà Tư Bổng, mắt lông quặm, trông gà hoá quốc, thấy hai chiếc âu gốm miệng loe tráng men xanh liền xách về nhà, mấy hôm sau mới hay, đó chính là nhưng cái bô đi tiểu vẫn để duới gầm giường hồi Khúc Đàm còn sống.

Cuộc tranh cướp quả thực đã lên đến đỉnh điểm có nguy cơ đổ máu thì Lê Thị Chĩnh lẻn về đình Cả báo cho Bùi Quốc Tầm. Anh ta lập tức cử một đám dân quân khoác súng về nhà Chánh Đàm. Tiếng quát của Tầm bị chìm đi trong mớ âm thanh hỗn tạp, nhưng khi ba phát súng trường bắn cấp tập thì tất cả trở lại yên ắng như trước đây chưa từng có chuyện gì xảy ra. Chủ tịch xã nhảy lên chiếc án thư chưa kịp bị đập gãy, dõng dạc ra lệnh:

-Yêu cầu tất cả bà con để đồ đạc xuống!

Bà con nông dân từ xưa đến nay vốn có thái độ kính nể đối với các loại súng đạn. Tiếng nổ lập tức có hiệu quả ngay. Mọi thứ đồ đạc phải vất vả lắm họ mới giành được trong trận hỗn chiến tạm thời rời khỏi tay. Người nọ nhìn người kia thở dài đầy vẻ thất vọng. Hơn chục dân quân dồn đám ngụ cư cùng dân xóm Chùa vào một góc sân rồi thu gom tài sản xếp thành một đống. Sau nửa giờ bàn bạc, Bùi Quốc Tầm gọi Bùi Sĩ Vĩnh đọc danh sách phân chia quả thực. Vĩnh là cháu họ xa Bùi Quốc Tầm đang học tiểu học ở Đông Thị thì bỏ đi theo một người bà con làm ăn ở mãi Tiên Yên, hoà bình được nửa tháng mới về. Được giao nhiệm vụ Vĩnh phấn khởi lắm. Anh ta đứng hẳn lên tầng hai, thò đầu ra ban công dõng dạc đọc:

– Bà cố nông Ứng Thị Sót một cái sập gụ.

– Chị Bùi Thị Dong một chiếc nồi ba mươi.

Nhà Dong vắn váy quai cồng, ì ạch bê chiếc nồi đồng, giọng như mếu:

– Chúng em đội ơn ông Cải cách.

– Ông TrươngChạm một con trâu và bộ răng bừa.

Trương Chạm nhảy cẫng lên:

– Đã bảo mà, thế là từ nay ta có trâu rồi.

– Ông Tí Thọt một chum sành, chục bát chiết yêu và ổ gà mái đang ấp.

– Sao lại chia cho tôi mấy thứ lặt vặt thế này?

– Bà đĩ Nhụt hai gầu tát nước và một cái nạng gẩy rơm.

-Đếch thèm lấy, để ông Chủ tịch Tầm mang về cho đủ bộ.

Mọi người lần lượt nhận đồ của mình, đến xế chiều thì nhà Chánh Đàm chỉ còn cái xác và sáng hôm sau nó được chia thành bốn phần cho bốn ông bà cố nông.

(còn tiếp)

Comments are closed.