Tiểu thuyết
Đặng Văn Sinh
PHẦN HAI
Chương 10 (tiếp theo)
6
Lê Văn Vận không tin là mình có tội với cách mạng vì chuyện liên quan đến Quốc dân đảng chỉ là sự bịa đặt của một số người nhẹ dạ cả tin bị những phần tử cơ hội kích động. Anh ta hy vọng sớm muộn sẽ có người can thiệp giải oan cho mình. Nhưng ông Chủ tịch đã lầm. Những ngày này ở cơ quan huyện Nam Thành, các cán bộ chủ chốt còn lại lo thon thót, chỉ sợ một đêm nào đó dân quân ập đến, ấn súng vào lưng dẫn đi mà không biết mình phạm tội gì. Lê văn Vận bị bắt chưa đầy một tuần thì ông Bí thư cũng chung số phận. Tất cả những cuộc bắt bớ đều diễn ra ban đêm. Bà con hàng phố thấy những bóng đen khoác súng rảo bước trên đường, chẳng ai bảo ai đều đóng chặt cửa. Không khí xóm làng luôn trong tình trạng căng thẳng. Phương châm của những kẻ thức thời là im lặng vì lúc này ngay cả bố con, anh em trong nhà cũng nghi kỵ nhau, đề phòng nhau, sảy chân còn đỡ được chứ sảy miệng là rước vạ vào thân.
Chủ trương của Đội Cải cách là khuyến khích bần cố nông tố cáo các đối tượng của cách mạng càng nhiều càng tốt. Ông hương Tràng có hai mẫu ruộng đồng Quan và một con trâu, bị tay Mực tố lên bốn mẫu để quy thành phần phú nông. Ông này tính nóng như lửa chỉ mặt tay Xã đội chửi là đồ ăn cháo đá bát rồi đòi mang thước ra đồng khảo lại diện tích. Ngay tối hôm ấy ông ta bị hai dân quân tống vào buồng giam thay cho chánh tổng Lê Bang đã bị hành quyết. Buồng giam này giáp với buồng Lê Văn Vận. Ông Hương đánh tiếng hỏi:
– Cả anh cũng bị nhốt vào đây thì dân Ba Tổng còn biết tin ai?
Chàng cựu ngư phủ lúc này xem ra đã mất dần nhuệ khí nhưng đối với người trung nông này vẫn phải lên dây cót tinh thần cho ông ta:
– Phải tuyệt đối tin tưởng vào đảng. Đây chỉ là sai lầm nhất thời thôi.
Hương Tràng cười gằn:
-Làng Cùa rặt những người nếu không phải tay sai thực dân đế quốc thì cũng bị Quốc dân đảng giật dây, anh bảo chúng tôi tin vào đảng nào?
Thực ra trong lòng Vận lúc này không nghĩ đến thứ chủ thuyết xem ra khá mơ hồ mà từ trước đến nay người ta cứ bắt mình phải miễn cưỡng tin theo. Anh ta nghĩ đến cô vợ khoèo tay, nghĩ đến hai thằng con trai, đến Khúc Luận, Khúc Thị Huệ và nhất là Mạc Thị Lánh, người đàn bà khốn khổ đã bỏ xác trên rừng gần hai chục năm nay. Đó chính là quá khứ đè nặng trên vai, là vật cản vô hình ám ảnh mãi trong tâm trí không thể bỗng chốc thoát ra được. Sau chuyến xuống đồng bằng bị mật thám bắt đưa về phòng Nhì, Vận phải lĩnh án bảy năm. Tưởng đã bỏ xác trên Sơn La, may nhờ anh em tổ chức cho vượt ngục, ra ngoài mới bắt mối với cơ sơ ở vùng Cao Tân tiếp tục hoạt động. Thời kỳ đầu năm bốn nhăm Vận đã là huyện uỷ viên phụ trách công tác an ninh, sau khi cướp chính quyền được cử làm Chủ tịch huyện Nam Thành. Cuộc đời hoạt động của Vận cũng chẳng mấy suôn sẻ, nhất là cái quá khứ không bình thường từ hồi làm nghề sơn tràng. Có lần Vận bị bắt giam vì tự ý bắn chết một kẻ phản bội, nhưng cấp trên đánh giá anh ta là người trung thực, ghét thói xu nịnh và làm được việc. Vậy mà đùng một cái ông Chủ tịch huyện bị chính các đồng chí của mình tống ngục thế này đây.
Sáng ngày thứ ba, nghĩa là chỉ ba mươi nhăm giờ sau sau khi bị giải về làng Cùa, Đội Cải cách đã đưa Lê Văn Vận ra xử. Đây là phiên toà đặc biệt có cả phái viên của Đoàn ủy Cải cách huyện Nam Thành về chỉ đạo. Đội Lạc và Bùi Quốc Tầm đã chuẩn bị sẵn một số nhân chứng để đối chất nếu bị cáo không thừa nhận tội trạng.
Vành móng ngựa lần này không phải là những cây chuối chồng lên nhau như hôm xử Lê Bang mà được ông Bảy Sụ đóng bằng gỗ lim hình bán nguyệt có những gióng to cỡ cổ tay bào nhẵn trông rất nổi. Ngồi ghế chánh án hôm nay là Ứng Thị Sót. Cô ta mặc chiếc áo cánh màu be bên ngoài khoác áo bông Tàu, cổ quấn khăn len đỏ, tóc chải xù lên trông chẳng khác gì hình nộm. Bùi Quốc Tầm, Cấn Viết Tham, Lê Thị Chĩnh và đội Lạc chia nhau ngồi hai hàng ghế sau để hỗ trợ bà cốt cán trong lúc thẩm vấn. Vị đại diện Đoàn ủy ngồi ghế trên cùng. Ông này trạc bốn nhăm, trán hói, một mắt có nhài quạt thỉnh thoảng lại nháy một cái.
Sân đình đông nghịt. Bọn trẻ con trèo cả lên cây đa nhòm vào. Mấy chục dân quân, kẻ xách súng, người mang mã tấu canh gác vòng ngoài đề phòng bọn phản động lợi dụng chỗ đông người ném lựu đạn khủng bố như ở phiên toà xử lý Biên bên Cao Xá vừa rồi. Lê Văn Vận bị trói hai tay. Xã đội Mực cầm dây thừng đi phía sau đẩy ông Chủ tịch vào vành móng ngựa. Vận bị tê chân đang sửa tư thế đứng thì bất ngờ dưới sân đình có tiếng hô lớn:
-Đả đảo tên Quốc dân đảng phản động Lê Văn Vận!
Lập tức hàng trăm cái miệng đồng thanh hoà theo:
-Đả đảo! Đả đảo!
-Đả đảo Lê Văn Vận!
-Đả đảo! Đả đảo!
Chánh án Ứng Thị Sót vốn là gái lộn chồng, đã từng mặt dạn mày dày với phường trăng gió, không biết liêm sỉ là gì sau sự kiện bị lột quần hôm chia quả thực đứng lên vẫy tay cho bà con trật tự rồi dõng dạc tuyên bố:
– Hôm nay Đội Cải cách và bà con làng Cùa mở phiên toà xét xử tên Quốc dân đảng đội lốt Việt Minh, chui vào hàng ngũ cách mạng chống phá chính quyền nhân dân. Tên phản động đó chính là Lê Văn Vận, nguyên Chủ tịch Uỷ ban hành chính huyện Nam Thành. Toà yêu cầu bần cố nông lên đấu tranh vạch rõ bộ mặt phản dân hại nước của hắn.
Sót vừa dứt lời đã có một người đàn ông tóc muối tiêu, mặt nhẵn bóng, một bên tai rách không biết do ngã hay bị chó cắn đứng phắt dậy :
-Tôi xin đấu tranh.
Anh ta ngồi cách vành móng ngựa không xa nên chỉ ba bước đã tới trước mặt Lê Văn Vận, hấp háy cặp mắt lác hỏi ông Chủ tịch:
-Vận mày còn nhớ tao không?
Lê Văn Vận lắc đầu:
-Không nhớ.
Chánh án nhắc:
-Bị cáo không được xách mé, phải nói thưa ông.
Vận đánh mắt về phía Ứng Thị Sót cười nhạt:
– Tôi chưa bao giờ gặp ngưòi đàn ông này và cũng không có lý do gì gọi hắn bằng ông.
Sót đứng dậy chỉ tay vào mặt Vận:
– Tất cả những kẻ phản cách mạng chống lại Cải cách ruộng đất đều phải gọi bà con bần cố nông bằng ông, bà, nghe rõ chưa?
– Rất tiếc tôi không phải là kẻ phản cách mạng.
– Để rồi xem, chẳng phải riêng mình tao mà đã có rất nhiều bà con được ông Đội … – Nói đến đây Sót vội bỏ lửng khi thoáng thấy ánh mắt giận dữ của đội Lạc.
Xuýt nữa thì lộ tẩy. Để gỡ thế bí, anh ta đứng dậy lên giọng cấp trên nhắc nhở:
– Đề nghị đồng chí chánh án bình tĩnh điều khiển phiên toà.
Ứng Thị Sót đã kịp thời lấy lại tư thế chủ toạ, bảo người đàn ông rách tai:
– Nói rõ tội trạng của hắn đi.
– Tôi là Trần Văn Sệ, nhân viên tiếp phẩm trong cơ quan huyện, tháng bảy năm năm hai, cơ quan tản cư sang Ngân Bình, chính mắt tôi đã nhìn thấy Lê Văn Vận cùng với Hoàng Thịnh và Thái Khắc Toả rủ nhau về Đông Thành khai hội Quốc dân đảng. Cơ sở Quốc dân đảng ở Đông Thành do lão huyện Hựu cầm đầu.
– Này anh kia! – Vận nhếch môi cười nhạt. – Tôi ở cơ quan huyện Nam Thành nhiều năm chưa hề thấy một người vừa rách tai vừa chột mắt như anh, đừng có vu oan giá hoạ cho người ta.
Gã cố nông lấm lét nhìn đội Lạc, được ông chủ khuyến khích, anh ta bỗng nhiên cất giọng khê nồng như kép tuồng ra bộ :
– Chính mắt tao đã nhìn thấy mày ngồi uống rượu với huyện Hựu ở nhà hàng Ngũ Lâm…
Lê Văn Vận bật cười bảo:
– Tôi không chấp anh nhưng hãy về bảo với những kẻ đã xui anh rằng, chúng rất ngu vì nói dối cũng không biết đường. Năm năm hai chỉ có ban tài chính và nông hội tản cư sang Ngân Bình còn cơ quan huyện uỷ và ủy ban hành chính kháng chiến vẫn ở lại Đông Thị bám địa bàn tổ chức đánh giặc. Đồng chí Phó chủ tịch, đồng chí Trưởng công an và cả ông Chủ tịch Liên Việtđều biết rất rõ việc này, đề nghị toà cho được mời đến làm chứng.
Tay rách tai bắt đầu lúng túng. Hắn gần như quên sạch những gì người ta dặn từ hôm trước bởi trình độ i tờ mới học được dăm bữa, và vốn từ vựng quá ít ỏi không đủ sắp xếp chúng lại với nhau theo trật tự ngữ pháp để tiếp tục vở diễn.
Trên ghế chánh án, Ứng Thị Sót lừ mắt giục:
– Nói tiếp đi!
Trần Văn Sệ ngập ngừng mãi rồi bỗng nhiên nói một câu ngoài kịch bản làm cả vị phái viên cấp trên, cả đội Lạc và Ứng Thị Sót đều choáng váng:
– Tôi… những lời ông Lạc dặn hôm qua… tôi… quên sạch rồi.
Vận lắc đầu tỏ vẻ thương hại:
– Thật khổ cho nhà anh, có tuổi rồi mà còn nghe ngưòi ta xui dại, chưa biết chừng nay mai chính anh cũng bị khép vào tội Quốc dân đảng cũng nên.
– Về chỗ! – Bùi Quốc Tầm đứng sau buộc phải đứng dậy quát khẽ. – Đã dặn thế
mà cũng không nói nên hồn.
Chánh án nhìn xuống giọt đình gọi:
– Toà mời chị Khúc Thị Hài.
Vận thoáng giật mình :” Bọn này nham hiểm thật. Chúng định dùng sự việc trong quá khứ để xử tử mình đây. Thôi được, đến đâu thì đến”. Khúc Thị Hài mặc áo bông chần vải xanh, váy sồi, mặt đã có những vết nhăn khá rõ trông già hơn cái tuổi ba tám, bước đi loạng choạng như người say. Bà vợ ông Chủ tịch khẽ ngẩng đầu nhìn lướt qua các vị quan toà rồi lại gần vành móng ngựa hỏi:
– Chắc anh Vận không quên người đàn bà khoèo tay này chứ?
– Không quên – Vận gật đầu.
– Bao nhiêu năm bỏ mẹ con tôi anh đi những đâu?
– Đi nhiều nơi. – Ông Chủ tịch trả lời nhấm nhẳng.
Chánh án nhắc:
– Không được gọi bị cáo bằng anh.
Khúc Thị Hài im lặng một thoáng rồi từ từ ngẩng lên bảo Ứng Thị Sót:
– Dù sao người ta cũng là chồng tôi, tôi không thể…
– Nhà chị phải chấp hành quy chế của Đoàn ủy Cải cách.- Sót răn đe – Số phận bà
Hai Thoả và hai đứa con trai hoàn toàn phụ thuộc vào việc chị vạch tội Lê Văn Vận.
– Dạ, Tôi biết…
Khúc Thị Hài cắn môi. Quá khứ tủi nhục bất giác hiện ra. Mẹ con chị ta bị bà cả Huê đuổi ra khỏi nhà sau cái chết của Chánh Đàm. Lê Văn Vận dắt bà ba đi biệt xứ, nếu không được ông Lái Lự cưu mang thì mấy mẹ con bà cháu đã chết mục xương từ lâu rồi. Tất cả những nỗi trầm luân ấy đều do một tay anh ta gây ra.
– Thưa quý toà, tôi tuy là con ông Chánh Đàm nhưng chẳng khác gì người ở. Chuyện nhân duyên cũng do ông chánh và bà cả sắp đặt. Nghĩ rằng anh Vận là người thật thà, khoẻ mạnh, chăm chỉ làm ăn, ai ngờ có với nhau hai mặt con tôi mới biết anh ta là kẻ bạc tình bạc nghĩa, chẳng những thông gian vơi bà ba Lánh mà còn giết chết bố vợ rồi đem nhau đi trốn. Từ đó Vận bỏ mặc vợ con sống vất vưởng trong sự hắt hủi của gia đình, họ hàng. Hành vi của Lê Văn Vận hoàn toàn không xứng đáng với tư cách của một cán bộ Việt Minh, một Chủ tịch huyện. Tôi đề nghị toà xử phạt nghiêm khăc để làm gương cho kẻ khác.
Khúc Thị Hài vừa đi xuống thì hội trường lại bị vỡ ra bởi những tiếng hô đến khản cả giọng :
– Đả đảo Lê Văn Vận!
– Tử hình! Tử hình!
Ngọn đòn mà Khúc Thị Hài vừa giáng xuống làm Lê Văn Vận mất tinh thần. Anh ta cúi đầu, thỉnh thoảng khẽ thở dài. Chánh án Ứng Thị Sót chưa kịp gọi nhân chứng tiếp theo thì một ông già tóc bạc, khập khiễng lách lên. Đó là một bần nông người Mạc Điền, năm Bính Tuất có cô con gái bị bọn tay chân của Đỗ Kim bắt cóc. Ông ta chỉ mặt Lê Văn Vận bảo :
– Thời thực dân đế quốc phong kiến cai trị ở vùng Ba Tổng chưa bao giờ xẩy ra những chuyện tầy đình như thế. Vậy mà các ông Việt Minh vừa giành được chính quyền đã dung túng cho bọn lưu manh hãm hại dân lành. Thằng Đỗ Kim là dân cờ bạc cả tổng này ai chẳng biết, tại sao các ông cử nó làm Chủ tịch xã? Chính vì thế bọn đầu trộm đuôi cướp mới núp dưới bóng nó mở sòng bạc, bắt cóc đàn bà con gái hãm hiếp rồi quẳng xuống sông Lăng. Bà con gửi đơn kiện thì bị huyện dìm đi. Hôm nay tôi đến là để đòi sự công bằng. Ông Chủ tịch huyện, hãy trả con gái cho tôi, nếu không tôi phải liều…
Nói đến đây bất ngờ ông già rút trong cạp quần ra con dao nhọn nhảy bổ lên đâm Lê Văn Vận. Cũng may hai dân quân cảnh giác can thiệp kịp thời nếu không hẳn là đã có án mạng. Ngoài cửa đình Lương Văn Mực giơ tay hô to:
– Đả đảo tên Việt gian Lê Văn Vận!
– Đả đảo!
– Kiên quyết bắt tên Quốc dân đảng đền mạng!
– Kiên quyết! Kiên quyết!
Vận thoáng rùng mình khi nhìn thấy một rừng cánh tay giơ lên cùng với âm thanh rùng rùng như gió lốc tưởng có thể đẩy bật tung mái đình lợp ngói âm dương lên chín tầng trời.
– Thưa bà con, cho tôi nói…
– Câm ngay đi! Tội trạng đã rõ ràng còn nói gì nữa.
– Thưa đồng bào! Tôi bị oan, đề nghị Toà cử người về huyện lấy nhân chứng.
Đến lúc ấy, Ứng Thị Sót mới đứng dậy liếc nhìn đội Lạc, đội Yên rồi thong thả kết luận:
– Tội trạng của bị cáo Lê Văn Vận đã rõ không một ai có thể thanh minh cho hắn được, bà con bần cố nông thấy tôi nói có đúng không?
– Đúng lắm. Toà xét xử công minh lắm .
– Xin mời bà con tạm nghỉ để Toà hội ý.
Vì đình Cả là nơi bàn việc của chế độ cũ năm gian thông nhau không có phòng riêng nên các quan toà phải vào hậu cung nghị án. Thực ra bản án đã có sẵn, có thể tuyên ngay, nhưng vị đại diện của đoàn ủy Cải cách bảo phải làm thế mơí đúng trình tự xét xử, đồng thời cho nhân dân thấy được tính dân chủ, công bằng của nền tư pháp trong chế độ mới.
Bên ngoài một số thiếu niên quá khích, sau khi thì thầm với Xã đội Mực, lần lượt chen vào đình, mỗi đứa đều dấu một cái gì đó dưới áo. Đến gần vành móng ngựa, bất chợt một thằng choai choai hô to: Đả đảo tên Quốc dân đảng!, thế là bọn trẻ ranh, đứa thì quệt mực tàu vào mặt, đứa ném cà chua thối vào áo, đứa trát một nắm bùn vào đầu làm ông Chủ tịch phút chốc biến dạng chẳng khác gì thứ hình nộm cổ quái. Khúc Thị Hài thừa lúc trong đình còn ít người đến bên Lê Văn Vận sụt sịt khóc.
– Anh hiểu cho, tôi vẫn thương anh nhưng bị người ta ép buộc, không đấu anh thì thằng Nghiên, thằng Khải bị bắt.
Vận nhếch mép cười cay đắng :
– Cô mắc lừa chúng nó rồi. Tôi mà chết, hai thằng khó mà ngẩng đầu lên được.
– Làm thế nào bây giờ hở mình?
Vận gắt :
– Thôi về đi! Ngày mai không được cho chúng nó ra pháp trường.
Án đã nghị xong. Khi mọi người vào đình đông đủ, Ứng Thị Sót đứng lên dõng dạc đọc thuộc lòng mấy câu ngắn gọn do đội Lạc soạn thảo:
– Căn cứ vào tội trạng của bị cáo Lê Văn Vận, nhân danh Ủy ban Cải cách nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Toà tuyên bố hắn tội tử hình.
Cả hội trường lặng đi mấy giây rồi bất ngờ đồng thanh hô to:
– Đả đảo tên Quốc dân đảng Lê Văn Vận!
– Đả…đảo!
Phiên toà vừa kết thúc, đội Lạc gọi Bùi Quốc Tầm và Ứng Thị Sót rỉ tai bảo:
– Đồng chí phái viên cấp trên yêu cầu phải thi hành bản án ngay chiều hôm nay.
Lần này nơi thi hành án không phải đồng Xưa mà là đồng Đấu. Dân quân đã đào huyệt và chôn sẵn chiếc cọc bằng một đoạn tre trên miệng hố. Hầu hết bà con đều không về nhà mà rồng rắn kéo nhau xuống pháp trường. Đồng Đấu là khu ruộng bỏ hoang từ nhiều năm nay cách xa làng Cùa năm cây số. Đoàn người mỗi lúc một đông vì cứ qua mỗi làng lại có thêm bần cố nông nhập bọn.
Trời lạnh, những hạt mưa bụi bay lất phất vì gió bắc đã tràn về. Rất nhiều người không có quần áo ấm, mặc phong phanh run lên vì rét. Bọn trẻ chạy nhảy chán, giờ đói bụng, ngồi vạ vật dọc đường, có đứa ngồi chồm chỗm trên lưng mẹ ngủ gà gật. Mấy lá cờ thấm nước ủ rũ ngả màu đỏ sẫm. Những người cầm cờ cố giữ cán cho thật thẳng, ưỡn ngực hiên ngang bước như trong cuộc diễu binh.
Lê Văn Vận bị trói hai tay vào cột tre, mắt bịt băng đen. Anh ta im lặng, khuôn mặt lạnh như đá không hề biểu hiện thái độ gì. Bẩy dân quân được chỉ định hành hình xách súng đứng về một bên. Xã đội trưởng Mực bố trí chỗ đứng cho từng người rồi lại gần ông Chủ tịch bảo:
– Cho phạm nhân nói lời cuối cùng.
Vận lắc đầu:
– Không cần.
– Các đồng chí dân quân chuẩn bị lên đạn!
Tiếng khoá nòng lách cách nghe khô khốc đập vào cân não rợn cả người.
– Bắn!
Một loạt tiếng nổ, Mùi thuốc súng vừa khét vừa hăng hắc làm một số người đang bị lạnh hắt hơi. Vận bị trúng ba viên, một vào cằm vỡ quai hàm, máu từ động mạch chủ phụt ra như chiếc vòi bơm áp lực. Một nửa hàm răng bên trái nhoe nhoét máu bật khỏi mồm nhưng vì vẫn còn dính dây chằng nên cứ lủng lẳng trước ngực chưa chịu rơi xuống. Khuôn mặt Lê Văn Vận lúc này biến dạng một cách khủng khiếp chẳng giống người cũng chẳng giống ma quỷ. Nó là một quái nhân khiến cho bất cứ ai nhìn vào cũng phải rùng mình.
Lần này Chủ tịch Bùi Quốc Tầm không bị mất mặt trước vị phái viên cấp trên vì phạm nhân chết ngay từ loạt đạn đầu. Người ta nhanh chóng khám nghiệm tử thi rồi cởi dây trói hất cái xác xuống hố. Lúc ấy đã xế chiều. Pháp trường vừa mới đây có cả ngàn người khí thế hừng hực xông lên tận trời, giờ vắng tanh vắng ngắt, trả lại cái tĩnh mịch muôn thuở của cánh đồng hoang. Đây đó những gò đất lô xô mọc đầy lau lách chẳng biết được đắp từ bao giờ trông chẳng khác gì những con lạc đà với hàng loạt bướu to nhỏ khác nhau, nằm phục hai chân trước chờ ông chủ trèo lên lưng. Hoa bìm bìm vắt trên những cành dâu dại nở tím cả chiều đông. Hoa dành dành xoè cánh trắng điểm chút Nhụy vàng nhô lên giữa những bụi mẫu đơn đỏ, đứng xa trông như đám hoa mò thường mọc trên bờ đầm Ma. Cánh đồng lạnh lẽo thoang thoảng mùi tử khí nhập nhòa trong buổi hoàng hôn, thỉnh thoảng nghe thấy tiếng gió chạy lao xao, tiếng loài chim lợn bay thấp và tiếng cú rúc đâu đó trong những bụi núc nác. Khúc Thị Hài ngồi một mình bên mộ Lê Văn Vận. Người đàn bà này ngay cả lúc chồng bị tử hình cũng không nhỏ một giọt nước mắt. Chị ta đã hoá đá sau khi biết mình bị lừa. Cái sự bị Đội Cải cách lừa còn đau hơn nhiều so với việc mất người thân, bởi sự lừa đảo những thân phận đã gửi hết niềm tin vào mình nó đê tiện hèn hạ làm người ta kinh tởm, hơn thế nữa đây lại là chuyện lừa đảo có tổ chức. Chị còn nhớ, chiều hôm trước mấy dân quân lạ hoắc khoác súng vào nhà ông lái. Một người tự xưng là Xã đội cho biết, họ phải vượt sông Lăng, đi hàng chục cây số sang đây là để yêu cầu chị làm một việc cho sự nghiệp cách mạng. Toán dân quân dẫn Khúc Thị Hài ra cồn Láng, chỉ đến khi sang sông chị mới hiểu mình bị áp giải về làng Cùa. Trước khi ra khỏi kẻ Bòng, Lương Văn Mực còn dặn ông cựu Chủ tịch Liên Việt xã:
– Không được cho thằng Nghiên, thằng Khải biết là mẹ nó đã sang sông, nếu để lộ chuyện ông hoàn toàn phải chịu trách nhiệm trước Đội Cải cách.
Bị giải về đình Cả, Khúc Thị Hài được đưa vào gặp Bùi Quốc Tầm và mấy bà cốt cán. Không cần rào trước đón sau, đội Lạc, người chỉ huy cao nhất Đội Cải cách xã Đoàn Kết nói ngay:
– Chúng tôi phải cho người sang làng Bòng đón chị về đây vì chị là nhân chứng quan trọng trong vụ án Lê Văn Vận. Anh ấy hiện đang bị tạm giam, ngày trước có mắc một số sai lầm cần phải được làm rõ.
Khúc Thị Hài tái mặt. từ trước đến giờ chị ta chưa được tiếp xúc với các cán bộ chính quyền kiểu này nên run lắm.
– Thưa… tôi phải làm gì?
Đội Lạc nhỏ nhẹ bảo:
– Chị là con gái ông Chánh Đàm. Ông ta tuy chết rồi nhưng tội phản dân hại nước cả tổng đều biết, nếu còn sống cũng không thoát khỏi án tử hình. Trong gia đình họ Khúc chỉ có chị là không thuộc thành phần bóc lột lại bị mẹ con bà cả hắt hủi đuổi ra khỏi nhà, Đội Cải cách yêu cầu chị khai báo thành khẩn những hành vi sai trái của anh Vận. Chị càng nói thật, càng thể hiện lòng căm thù thì càng chứng tỏ mình trong sạch, không liên quan đến bọn Quốc dân đảng chống phá công cuộc Cải cách cuả chính phủ.
Khúc Thị Hài là người thật thà, cả tin nghe ông đội nói bùi tai, ngập ngừng hỏi:
– Nhưng mà nói thế sợ rằng nhà tôi bị tội…
– Chị yên tâm. – Bùi Quốc Tầm kéo xong điếu thuốc lào, phà khói mù mịt nói chêm vào. – Anh Vận là Chủ tịch huyện được cấp trên bảo vệ không thể bị đối xử như bọn địa chủ cường hào. Chị dám dũng cảm đứng lên tố cáo sai lầm của anh ấy trong quá khứ cũng chính là cứu tính mạng và danh dự hai cậu con trai. Sau này, chính quyền sẽ cấp cho gia đình giấy xác nhận thành phần bần cố nông, không liên quan đến địa chủ phản động.
Đội Lạc nói ngọt như mía lùi làm Khúc Thị Hài không thể không tin vào sự nghiệp Cải cách. Sau một đêm suy nghĩ, chị quyết định tố cáo Lê Văn Vận với tất cả những tội trạng mà anh ta đã gây ra hồi còn ở làng Cùa mà không biết rằng tự tay mình ký vào bản án tử hình của chồng.
Đêm xuống từ lúc nào Khúc Thị Hài không biết. Màn sương đục lơ lửng giăng ngang trời. Trăng thượng tuần bị nhoè đi bởi phải lặn ngụp giữa những cồn mây. Giữa đồng hoang lờ mờ có vài bóng đen đang chuyển động dần về phía mấy gò đất. Có lẽ là ma. Chị ta quỳ sụp xuống vái lấy vái để:
– Trăm lạy anh Vận sống khôn chết thiêng, tôi bị người ta ép buộc chứ thực tâm không muốn vu oan giá hoạ cho anh…
– Kìa mẹ, sao mẹ lại làm thế? Dù sao ông ấy cũng là bố chúng con.
Thì ra là hai anh em Lê Văn Khải. Khúc Thị Hài như thấy có cái gì vỡ ra trong lòng, bất giác oà khóc, giọng tức tưởi:
– Các con ơi mẹ bị người ta lừa…
Lê Văn Nghiên trách:
– Mẹ sang đây mà không cho chúng con biết. Nếu biết không bao giờ chúng con để mẹ đấu bố.
– Chiều hôm qua, lúc hai đứa đánh lưới trên sông, dân quân làng Cùa sang bắt mẹ về. Họ dặn ông lái không được nói với các con.
– Quân khốn nạn! – Lê Văn Khải nghiến răng chửi.
Lê Văn Nghiên nói:
– Mãi đến tối không thấy mẹ về, bà đoán có chuyện chẳng lành mới bảo chúng con sang.
Lê Văn Khải lấy trong bọc ra một nắm hương, bật diêm châm lửa, cắm lên vầng cỏ trên mộ bố rồi lầm rầm khấn:
– Bố tha lỗi cho mẹ và phù hộ cho chúng con. Cuộc đời này còn lắm bất công nên bố phải chết oan, nếu có khôn thiêng hãy về vật chết những kẻ giáng hoạ cho nhà ta.
Bó hương gần tàn. Ba mẹ con đang định quay về thì từ phía sau có hai người đàn ông khiêng cỗ quan tài mộc và một người đàn bà áo xô khăn trắng tay cầm bát cơm quả trứng lặng lẽ đến bên như những cô hồn. Cỗ quan tài vừa hạ xuống ngưòi đàn bà liền đến bên mộ Lê Văn Vận lầm rầm khấn. Một trong hai người đàn ông bật lửa thắp hương. Khúc Thị Hài cho rằng họ là thân nhân của những địa chủ bị bắn ngày hôm qua nên lại gần bảo:
– Các người nhầm mộ rồi.
Người đàn bà mặc đồ tang lắc đầu:
– Tôi không nhầm. Đây là mộ ông Chủ tịch Lê Văn Vận mới bị bắn chiều nay.
– Các người là ai? – Lê Văn Khải hỏi.
– Hai cậu là Khải và Nghiên phải không?
– Sao bà lại biết chúng tôi?
– Việc ấy sẽ nói sau, điều cần thiết lúc này là phải mai táng tử tế cho ông Chủ tịch. Ông ấy tuy có lúc vấp ngã nhưng là người tốt, không thể để nằm lạnh lẽo như thế dưới ba thước đất. Tôi đã mua sẵn cỗ ao quan và nhờ hai bác đây chôn cất giúp. Nào, bây giờ hai bác đào huyệt ở sát gò đất kia.
Lê Văn Khải hỏi:
– Sao lại phải đào huyệt khác?
Người đàn bà vừa lấy trong quan tài ra chiếc mai, chiếc cuốc và chiếc xẻng đưa cho từng người rồi hạ giọng thì thầm:
– Để phòng xa. Thời buổi này việc gì người ta cũng có thể làm.
Lê Văn Vận nằm úp sấp, chân tay co quắp, một bên quai hàm bạnh ra, mặt sưng phồng hiện ra dưới ánh nến rất khủng khiếp. Người đàn bà cởi bộ quần áo bẩn thỉu của ông Chủ tịch rồi mặc vào bộ bà ba mới màu gụ. Cái xác đã cứng, khó khăn lắm mới nắn được tay chân về đúng vị trí với sự trợ giúp của chai rượu ngang. Vải liệm được chuẩn bị sẵn cùng với quan tài. Đó là một miếng diềm bâu khá dài. Anh em Khải Nghiên tự tay quấn cho bố, đến khi nắp quan tài vừa đóng thì vành trăng non cũng lặn. Càng về khuya trời càng tối. Nến dưới huyệt cũng đã tàn. Mọi người chỉ nhìn thấy nhau như những cái bóng. Lê Văn Nghiên có mang theo chiếc đèn chai nhưng không dám thắp. ánh sáng bất chợt giữa khu đồng hoang chắc sẽ làm đám dân quân làng Báng, làng Quao và Đậu Khê nghi ngờ. Khốn khổ thay cho chàng ngư phủ sông Lăng, sống trên cõi dương gian đã gặp không ít đoạn trường đến lúc chết xuống âm phủ cũng phải chôn cất vụng trộm. Mọi người chụm nhau lại che ánh sáng để Lê Văn Khải bật diêm đốt nhang. Trong đêm đen, tàn hương phát tán nhảy nhót giống hệt lũ ma trơi, thỉnh thoảng một ngon gió lướt qua lại bùng cháy thành quầng lửa nhỏ toả ra đồng hoang thứ mùi lãng đãng của thế giới những hồn ma bóng quỷ.Thắp hương xong, người đàn bà mặc đồ tang bảo hai phu đòn và anh em Lê Văn Khải lấp ngôi mộ cũ đắp vầng cỏ trả lại nguyên dạng ban đầu. Trong làng, gà đã gáy dồn. Có lẽ đã quá canh ba. Bà ta quỳ xuống trước nấm mộ vái ba vái thì thầm điều gì đó rồi cùng hai người đàn ông vác mai cuốc quay đi. Bóng họ lẫn vào đêm tối rất nhanh. Trong khi ấy, Khúc Thị Hài vẫn ngồi lặng lẽ như pho tượng. Từ lúc quan tài hạ huyệt chị ta chẳng hỏi han gì người đàn bà lạ kia nữa. Hai mươi năm chờ đợi bây giờ mất hẳn anh ta, chị hận chồng nhưng lại trách mình nhẹ dạ cả tin, trách ông trời ăn ở bất công. Khi ba mẹ con bắt đầu rời khỏi khu đồng Đấu, Lê Văn Khải hỏi:
– Bà ấy là ai thế hả mẹ?
Khúc Thị Hài ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo:
– Có lẽ đấy là dì ba Lánh, người mà các con phải gọi bằng bà trẻ, nhưng việc này phải giữ kín.
– Thế còn ông lái?
– Tạm thời đừng nói gì với ông.
Thanh toán được Lê Văn Vận, vị phái viên lập tức viết báo cáo gửi cấp trên. Ông ta vốn là chính trị viên tiểu đoàn, được quân đội cử sang làm Cải cách ruộng đất từ đầu tháng bảy. Tối mồng tám tháng mười một, nghĩa là một ngày một đêm sau khi Chủ tịch huyện bị hành quyết, đội Lạc họp với ban cốt cán để sơ kết giai đoạn đầu công tác Cải cách ruộng đất ở làng Cùa. Đây là một trong sáu làng điển hình của xã Đoàn Kết được chọn làm thí điểm, nếu thành công sẽ nhân ra cả huyện Nam Thành và tỉnh Hải Đông. Dự họp, ngoài vị phái viên còn có đội Lạc, Bùi Quốc Tầm, Xã đội Mực, Cấn Viết Tham, Bí thư Lại Quang Nghinh, ỨngThị Sót, Lê Thị Chĩnh và một vài cán bộ Nông hội. Đây là cuộc họp quan trọng nên không thể để nhiều người biết. Bùi Quốc Tầm đề nghị họp trong đình Cả nhưng đội Lạc quyết định chọn ngôi nhà cũ của Ứng Thị Sót để bảo đảm bí mật. Từ khi Sót cùng bà mẹ nghễnh ngãng chuyển sang nhà Chánh Bang, chỗ này tạm để cho lão Thốn vốn là dân ngụ cư chuyên nghề đóng cối ở nhờ. Mấy hôm nay lão sang làng Báng làm cho ông Trưởng công an xã, ăn nghỉ luôn ở đấy nên căn hộ vẫn bỏ không, cổng dấp mấy cành rào. Hai dân quân được phân công gác khoác súng đi lại trước sân thỉnh thoảng lại đảo một vòng ra phía sau bụi tre nhòm ngó. Lúc ấy khoảng hơn mười giờ. Trong nhà mọi người đang bàn cãi khá căng thẳng về trường hợp của Khúc Kiệt và Ngô Quỳnh thì bỗng nhiên có vật gì rơi đến bịch một cái từ trái nhà xuống.
– Lựu đạn! Tất cả nằm xuống! – Bùi Quốc Tầm vừa kịp thét lên thì quả lựu đạn mỏ vịt đang xì khói đã phát nổ. Một quầng lửa nhoáng lên như ánh chớp. Không khí bị co giật mạnh đến mức chiếc lọ sành vẫn dùng đựng nước của lão Thốn để trên đầu kệ gỗ bay vèo xuống gầm chõng vỡ làm mấy mảnh. Hai dân quân lúc ấy đang chụm đầu kéo thuốc lào, nghe tiếng nổ vội xách súng chạy vào, mặt cắt không còn hạt máu. Cảnh tượng sau vụ nổ bày ra thật khủng khiếp. Ông Điến Chủ tịch Nông hội ngồi ngay dưới chái nhà, hai mắt bị sức ép mạnh lồi ra khỏi tròng lầy nhầy những máu là máu. Vị phái viên của Đoàn ủy Cải cách đang đứng nói, tay khua khua vào không khí hứng trọn một trận mưa mảnh gang theo hình nón ngược cắm chi chít từ mông đến bả vai giống như con nhím xù lông chuẩn bị bắn kẻ thù. Xã đội Mực chưa chết ngay. Anh ta ngã chúi đầu xuống đất chân vẫn còn gác lên chiếc chõng tre ngâm cứ run bắn như con ếch lúc bị chặt đầu. Một mảnh gang chém dưới màng tai, máu xối ra làm Mực rống lên ồ ồ như tiêng con bê lạc mẹ. Bùi Quốc Tầm nằm dán bụng xuống đất, vòng hai tay che gáy bị bóc mất mảng lưng, lúc đầu trắng toát sau chuyển sang đỏ sẫm. Anh ta hốt quá, vừa thở phì phì như trâu kéo gỗ vượt dốc vừa rên rỉ:
– Phen này thì tôi chết rồi, ới Đội Cải cách ơi!
Chỉ ít phút sau dân làng Cùa đã kịp thời có mặt. Bà con vốn rất nhanh nhạy với các sự kiện kiểu này. Họ chen chúc vòng trong vòng ngoài làm cản trở những người có nhiệm vụ cấp cứu nạn nhân. Trong xóm, ngoài ông lang Toạ chữa thuốc bắc không một ai hiểu gì việc xử lý người bị thương. Họ khiêng mấy xác chết để sang một bên sau đó chuyển các nạn nhân ra đình.
Vụ nổ bất ngờ làm cả xã Đoàn Kết choáng váng. Ở một vài ngõ xóm có tiếng mẹ khóc con, vợ hờ chồng. Đêm như bị xé nát ra bởi tiếng bước chân rầm rập truy bắt hung thủ của lực lượng dân quân dưới sự chỉ huy của Xã đội phó Cung Văn Luỹ. Đèn đuốc sáng như sao sa rồng rắn chảy vào các ngõ ngách. Tiếng hô hoán lúc gần lúc xa nghe như thiên hạ sắp đại loạn đến nơi. Phía điếm Bài Vân thỉnh thoảng rộ lên tiếng súng. Lũ chim đêm tá túc trên những cụm lồng ngộc hoặc tre gai giật mình bay nháo nhác. Chúng đã quen tiếng súng nhưng lại sợ lửa. Những cây đuốc nứa dài thườn thượt cháy rần rật được đám thanh thiếu niên vác chạy khắp làng, ra cả ao Quan, ao Lịnh, đồng Gà tìm lũ phản động, nhưng đến sáng bạch vẫn không thấy tăm hơi. Nhờ có ông Điến làm vật chắn, đội Lạc chỉ bị mảnh gang nhỏ xẻo mất một miếng da bắp chân, anh ta lập tức cử người về huyện trình báo đồng thời cho bắt ngay những kẻ tình nghi có liên quan đến vụ án. Ngoài Khúc Kiệt, Ngô Quỳnh, Đặng Thị Huê, Phó lý Kiền đang bị giam từ trước, lần này Bùi Quốc Tầm ra lệnh xích tay một loạt phú nông, lính dõng, lính Bảo an và cả mấy tay trương tuần có máu mặt. Nhà giam ngoài đình chật cứng, Cung Văn Luỹ nghĩ ra cách tống bọn này vào tầng hầm nhà Chánh Đàm tuy rằng ba hôm trước nó đã được chia cho mấy hộ bần cố nông. Hai dân quân canh gác cũng bị thẩm vấn. Đội Lạc nghi, rất có thể họ thông lưng với Quốc dân đảng gây ra vụ khủng bố đẫm máu này. Mãi đến chiều hôm sau, Bùi Quốc Tầm mới nhớ đến anh em họ Lê. Đội Lạc lập tức ký lệnh cử Cung Văn Luỹ cùng bốn dân quân sang làng Bòng bắt khẩn cấp Khải và Nghiên.
(còn tiếp)