LANG THANG QUA CHIẾN TRANH (1)

(trích)

Thanh Thảo

Trong chiến tranh vẫn có những khoảng rỗng dành cho kẻ lang thang. Khi đi xuống chiến trường Mỹ Tho, tôi đã phát hiện, ngoài mình ra, vẫn còn những gã lang thang khác nữa. Có lần, tình cờ tôi gặp một người lính lạc đơn vị tên là Dũng, dân Hà Nội. Tôi đưa Dũng vào một đám nhậu gồm hầu hết là những tay lang bạt, du kích có, dân chạy càn có, và cả những anh ham vui muốn đàn đúm với bạn bè bên chén rượu. Chúng tôi làm quen nhau rất nhanh, ăn nhậu rất nhiệt tình, khai tên nào là chú ba anh bốn thằng bảy cậu út…Tan cuộc nhậu, tôi đưa Dũng về nhà anh Sáu Như là nhà ruột của tôi để ngủ. Sáng sớm hôm sau, trước khi Dũng lên đường đi phượt những đâu đâu, tôi cởi chiếc áo sơ mi mới keng mà Tám Hùng vừa cho tôi, tặng Dũng. Do áo cậu ta rách quá. Nhìn Dũng vác khẩu AK, mặc áo mới tôi cho, lên đường và mất hút vào rặng trâm bầu mờ mịt sương mù, tôi chợt cảm khái, cứ như mình vừa tiễn Kinh Kha qua sông Dịch vậy. Dũng nói đi tìm đơn vị. Nhưng tôi biết, cậu ta không dễ gì tìm được đơn vị cũ của mình. Cậu ta sẽ đi lang thang như vậy, gặp “quân mình” đâu thì tấp vào đó, có khi được thu nhận như lính đi lạc, có khi tấp vào rồi lại phượt tiếp. Tôi sướng hơn Dũng vì dù sao còn có đơn vị, chỉ lang thang đâu đó rồi lại về với anh em, chứ Dũng thì đúng là lang thang mù mịt.

Sau giải phóng, tôi quen và chơi thân với một anh bạn nhà văn nguyên là lính sư đoàn 2-Khu Năm. Anh này cũng đã từng đi lang thang tự do như vậy từ vùng núi này tới vùng rừng khác, và đã bị nghi oan là muốn đào ngũ. Nhưng không phải. Anh ta chỉ lang thang vậy thôi, bây giờ gọi là đi phượt. Nhưng hình như, đi phượt trong chiến tranh khác với đi phượt trong hòa bình nhiều lắm. Không những nguy hiểm, mà còn rất dễ bị nghi ngờ. Nhưng vẫn có người đi. Lúc ở chiến trường Mỹ Tho, tôi đã gặp không chỉ Dũng, mà còn vài anh bạn khác cũng “lang thang cơ nhỡ” như vậy. Họ vẫn mang súng AK, đủ cơ số đạn, và…đi. Nếu gặp em Huyền Chíp như bây giờ, có lẽ họ sẽ phấn khởi và đi tới…châu Phi luôn. Con người thật thú vị, và luôn luôn là một bất ngờ.

Nếu ai đó cắc cớ hỏi tôi: anh đã lập được công tích gì trong chiến tranh ? Tôi sẽ trả lời ngay, không do dự: tôi đã “bắt sống” được một con lươn thật là to, bằng tay không, ngay giữa Đồng Tháp Mười. Con lươn ấy lập tức được tổ công tác của tôi nướng lên, và thành thức ăn tuyệt ngon cho bữa trưa của cả tổ. Đủ biết, con lươn ấy bự như thế nào! Làm sao tôi bắt được con lươn lớn như thế, chính tôi cũng không biết. Nhưng đúng là lúc đó, tôi đã thụ đắc cho mình kỹ năng bắt cá bằng tay không, và cũng đã bắt được khá nhiều cá rô, cá sặt. Nhưng lươn thì quả là lần đầu tiên.

Tôi đã đi qua Đồng Tháp Mười. Mất đúng một tháng rưỡi. Đi xuồng và lội nước. Đó là khoảng thời gian bây giờ người ta có thể đi mấy chục vòng Đồng Tháp để nghiên cứu hay du lịch. Còn tôi, chỉ đơn giản là phải đi qua Đồng Tháp để xuống được chiến trường Mỹ Tho. Thời gian hành trình dài như vậy vì nhiều đêm “Đi nửa đêm lại về chỗ cũ”, do tắc đường. Phải chờ đến đêm hôm sau, lại đi. Nếu đường bị tắc, lại quay về chỗ cũ. Cứ thế. Tôi nhớ những đồng sen bát ngát ở Tháp Mười, xuồng chúng tôi bơi suốt mấy giờ liền trong hương sen vấn vít. Bây giờ, bạn có là tỉ phú cũng không bao giờ được hưởng cái cảm giác kỳ lạ của chúng tôi hồi ấy, khi bơi xuồng gần như trắng đêm trong đồng sen ngát thơm mùa nước nổi. Nếu không tự nguyện làm kẻ lang thang, làm sao tôi hưởng được những cảm giác chỉ đến một lần trong đời ? Vì đơn giản, khi từ Mỹ Tho về căn cứ trên R qua Đồng Tháp Mười, thì lúc ấy đã mùa khô, Đồng Tháp cạn nước. Sen cũng đã tàn. Chỉ còn những đám lửa và khói đốt đồng.

Lão nhà văn Tô Hoài có lần nhận xét, thơ tôi giống như nhật ký được viết bằng thơ. Đúng như vậy. Tôi lang thang. Và thơ tôi ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc lang thang kéo dài ấy. Từ Trường Sơn tới Đồng Tháp. Từ “Gặp lá cơm nếp” tới “Một người lính nói về thế hệ mình”-bài thơ dài đã làm khổ tôi không ít, nhưng cũng khiến tôi hạnh phúc tới tận bây giờ, dù tôi chỉ dám “Thử nói về hạnh phúc” chứ không dám nói, hạnh phúc là thế nào. Trước tôi, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã có “Bài thơ về hạnh phúc” rất nổi tiếng. Nhưng thật ra, bài thơ ấy của anh Quốc viết về nỗi bất hạnh của vợ chồng anh, và của cả dân tộc này trong chiến tranh, chứ không phải niềm hạnh phúc bình thường như bây giờ chúng ta thỉnh thoảng có dịp trải nghiệm. Ở một đất nước mà niềm hạnh phúc nhỏ nhoi nhiều khi là vô giá như ở Việt Nam, thì “hạnh phúc là gì?” vẫn là “câu hỏi chưa bao giờ nguôi được”.

Tôi rất mê giọng hát của ca sĩ Kiều Hưng. Mỗi khi nghe Kiều Hưng hát “Vàm Cỏ Đông” hay “ Anh ở đầu sông em cuối sông” tôi lại cảm thấy cái mát rượi của dòng nước Vàm Cỏ Đông vỗ về mình. Đơn giản, vì có thời gian gần cả năm trời, từ 1974 tới 1975, gần như ngày nào tôi cũng bơi lội trên Vàm Cỏ Đông, đoạn sông giáp giới Cămpuchia ở bến Tháp-bên dưới Lò Gò khoảng 3 km. Bơi lội và bứt lục bình về cho cả nhóm ăn rau sống. Hồi ở Mỹ Tho, tôi đã biết món đọt lục bình chấm mắm quẹt ngon đến thế nào! Giờ về chiến khu tìm đâu ra mắm quẹt, nên chỉ ăn lục bình chấm nước cá kho. Cá ấy cũng được chúng tôi câu lên từ sông Vàm Cỏ, hầu hết là cá nhỏ. Người nhỏ chỉ nên câu cá nhỏ, và hãy bằng lòng về kết quả ấy. Dù sao, được bơi lội trên một dòng sông rất nổi tiếng trong thơ ca và âm nhạc như sông Vàm Cỏ cũng là một niềm tự hào của tôi. Nếu không lang thang vào chiến trường, đến bao giờ tôi mới biết sông Vàm Cỏ. Nhớ đoạn sông này, lại nhớ cuộc rượu tưng bừng bên bờ sông. Mà nhớ cuộc rượu, lại nhớ Tám Hùng. Còn nhớ Tám Hùng, thì lại nhớ khẩu súng K54 của mình. Tôi vốn không có ý thức gì về súng đạn. Khi đi chiến trường, Tổng cục chính trị cấp cho khẩu K54 thì đeo vậy thôi, chả bắn bao giờ. Trên đường xuống chiến trường Mỹ Tho, không biết ai đó cho tôi một quả lựu đạn Mỹ, loại tròn và nhỏ. Tôi đeo suốt bên mình, có vẻ hãnh diện lắm: “Trái lựu đạn giắt lưng, anh lội về dưới đó”. Cho tới khi đã ở vùng ven lộ 4 khá lâu, mấy cậu du kích địa phương mới nói với tôi là loại lựu đạn Mỹ này hay tự nổ bất tử lắm. Không an toàn. Vậy là tôi cất hẳn ‘quả ổi” vào thùng đại liên, và dấu dưới một con kênh, cùng quyển sổ ghi những bài thơ tôi viết từ hồi đi Trường Sơn. Nghĩa là với tôi, đó là thứ quí. Nhưng vì phải thay đổi chỗ ở liên tục, lại sợ lựu đạn nổ bất tử, nên đành dấu tạm. Không ngờ, sau này mất luôn. Để thay thế quả lựu đạn, có ai đó lại cho tôi một khẩu carbine M2 – loại bắn “la-phanh” – một loại carbine khá hiện đại so với hồi ấy. Kèm một bì đạn. Tôi sướng lắm, đi đâu cũng vác kè kè khẩu carbine trên vai, trong khi lưng vẫn đeo khẩu K54 làm…kiểng. Ở chiến trường Mỹ Tho lúc ấy, anh em du kích nhà mình là chúa thích súng ngắn, bất kể là K54 hay K59. Với K59, họ không dám đeo, vì súng này chỉ dành cho chỉ huy cấp ‘côi”. Còn với K54, họ có thể đeo thoải mái, do loại súng ngắn này khá “bình dân”, chỉ cần đại đội phó trở lên là được cấp. Nhiều bạn du kích sẵn sàng đãi tôi những bữa rượu hoành tráng, chỉ với nguyện vọng là được tôi cho khẩu K54. Ban đầu, tôi cũng hơi ngại, vì súng của mình được cấp trên phát, nhỡ cho rồi sau biết ăn nói với cấp trên thế nào ? Nhưng rồi một đêm, dự một cuộc rượu vui quá, lại có Tám Hùng nhóm trưởng ủng hộ: Mày cho thằng…X khẩu súng đi! Nó “được” lắm đó! “Được” đây vừa có nghĩa đánh giặc được, vừa có nghĩa tổ chức các cuộc nhậu “được”. Tôi hào hứng tháo ngay khẩu K54 tặng anh bạn “du kích đồng bằng sông Cửu Long” mà không một chút áy náy. Từ đó, tôi chỉ còn khẩu carbine M2. Tôi đã vác khẩu carbine về tận chiến khu, và lại Tám Hùng gạ tôi: Mày đưa tao khẩu carbine, tao đi bắn chim, anh em mình nhậu chơi! Gì chứ nhậu thì tôi rất khoái. Vậy là đưa luôn khẩu súng cho Tám Hùng. Lúc mới về chiến khu, hình như trong một cuộc nhậu, ông Ủy viên ban tổ chức( to lắm) của Binh Vận có nói tôi phải nộp lại khẩu carbine. Tôi không chịu. Ông nói, như thế là tôi vô nguyên tắc. Ông không ngờ tôi nổi khùng lên, chửi luôn ông một cách tương đối hỗn láo, khiến các anh em cùng cuộc nhậu rất…sợ, và lo cho tôi sẽ bị “úm”. Tôi chả bị gì cả. Và khẩu súng vẫn thuộc sở hữu của Tám Hùng, khi về chiến khu chỉ là anh bảo vệ, dù Tám Hùng đã từng là đại đội trưởng lính chiến, đánh dư trăm trận, một người mà tôi luôn ngưỡng mộ vì sự can đảm và tính chịu chơi. Với tôi, Tám Hùng còn hơn là một người bạn: anh là một người cách mạng mà tôi tin cậy. Một người cách mạng hồn nhiên, ngây thơ nhưng trung thành tuyệt đối với lý tưởng của mình. Sau giải phóng mấy năm, tình cờ một lần vào Sài Gòn tôi đã đọc được một bài báo trên tờ Sài Gòn Giải Phóng viết về…Tám Hùng, khi ấy là “sếp trưởng” bến xe miền Đông hay miền Tây gì đó. Bài báo kể về đức tính liêm khiết, thẳng thắn của Tám Hùng. Hơn một lần, người ta hối lộ cho anh để nhờ đỡ gì đó, nhưng Tám Hùng đã kiên quyết từ chối không nhận quà biếu, dù hoàn cảnh gia đình anh rất khó khăn. Tôi đã khóc khi đọc bài báo ấy: tôi đã tin không nhầm người.

Một buổi chiều, Tám Hùng qua “cứ” B6 (Tuyên truyền) , rủ tôi: Tao với mày đi bắn cu xanh về nhậu chơi! Tôi OK liền, lót tót theo Tám Hùng đi dọc sông Vàm Cỏ, tới một cây da thiệt to, vòm lá xanh đẫm tỏa rộng. Tám Hùng bảo tôi nấp một chỗ kín đáo, còn anh chọn một vị trí thuận lợi và ngồi bất động. Đang mùa trái da chín, chim cu xanh về rất đông. Cái giống anh cu xanh này, coi vậy mà rất thật thà. Chúng cứ đậu trên vòm cây da, mê mải tìm ăn trái chín. Tám Hùng nổ súng. Một chú cu xanh rớt. Tôi chạy ra lượm. Rồi lại chạy về chỗ núp. Tám Hùng lại ngồi im. Bầy cu xanh bị tiếng súng bất ngờ, bay vụt lên, bay tỏa ra. Nhưng chỉ một loáng sau, chúng lại tụ về trên ngọn cây da, “như chưa hề có cuộc chia ly”. Tám Hùng lại bình tĩnh nổ súng. Lại một chú cu xanh rớt. Tôi lại chạy ra nhặt. Cứ thế. Suốt buổi chiều kiên trì mai phục và nổ súng, Tám Hùng có tôi trợ lực đã hạ hơn hai chục em cu xanh. Chúng tôi hớn hở xách xâu chim ra về, khi trời đã hoàng hôn. Tôi hô mấy tên bạn ruột chuẩn bị vầy cuộc nhậu bên sông Vàm Cỏ, và kính cẩn mời ba ông bạn thân: một ông là bí thư chi bộ( tôi sẽ kể sau), hai ông vốn là sĩ quan quân đội Sài Gòn nhưng là cơ sở cách mạng, lên chiến khu từ hồi Mậu Thân, lại là hai nhà báo và nhà văn mà tôi rất hâm mộ. Các ông vui vẻ nhận lời “dự tiệc cu xanh bên sông Vàm Cỏ”. Bữa tiệc thật vui, thật hào hứng, có khoảng ngót hai mươi người tham dự. Giữa chừng, đang bốc thì hết rượu. Tôi với tên Hùng Nam bèn xung phong đi xuống làng mua rượu. Chúng tôi chạy bộ khoảng 3 km tới quán bán rượu, cả đi lẫn về khoảng 6 km. Nhưng do bốc, nên chạy rất nhanh. Hùng Nam vốn là tên lính rất lười biếng. Hắn dân Bến Tre Đồng Khởi, nhưng lên chiến khu có vẻ không ưng cái bụng lắm, nên…ngủ suốt ngày. Thủ trưởng cũng phải chịu, không nói được, vì Hùng Nam khá công thần. Hắn chỉ tích cực khi vầy cuộc nhậu. Vì thế, tôi chơi thân với hắn, dù tôi không ngủ nướng, và làm việc khá chăm chỉ. Sở dĩ gọi hắn là Hùng “Nam” để phân biệt với Hùng “Bắc”, dân Bắc chánh hiệu, cũng là lính, thương binh, về cơ quan tôi làm lính bảo vệ như Hùng Nam. Tôi sẽ kể về hai ông bạn “Nam”, “Bắc” này trong một đoạn khác. Về Hùng Nam, tôi nhớ có lần, trong một đêm trăng sáng ở rừng, hắn lang thang đi chơi ở “cứ” bên cạnh, lúc về, tự nhiên thấy giữa lối mòn một…con trút( ngoài Bắc gọi là con tê tê). Một con trút không “lật ngửa” như con rùa, nhưng cũng khá chậm chạp và lười biếng như hắn. Hùng Nam bèn ra chân đá con trút một phát. Nó co rúm người lại, tròn một cục. Hùng Nam cứ thế ôm con trút về, và hò chúng tôi vầy cuộc nhậu thịt trút lúc nửa đêm. Rất ấn tượng.

Khi tôi và Hùng Nam chạy bộ ôm về hơn chục lít rượu đế nữa, cuộc nhậu càng hào hứng. Về khuya, sông Vàm Cỏ yên tĩnh. Còn ở cuộc nhậu thì như chợ vỡ. Đúng lúc cao trào tiệc cu xanh, chợt có tiếng xuồng máy trên sông Vàm Cỏ. Chúng tôi cũng không để ý, vì đoạn sông này thường có xuồng máy chạy qua. Nhưng hình như người trên xuồng nghe tiếng chúng tôi hò reo, họ biết ngay là trên bờ đang có cuộc nhậu, nên nhất loạt hò reo hưởng ứng. Rồi, như chưa thỏa mãn với lời chào của mình, họ hướng mũi súng AK lên trời và nổ một băng. Chúng tôi cũng sướng quá, bèn đáp lễ. Tám Hùng hay ai đó chơi một loạt tiểu liên, rồi sau đó cả súng carbine, cả súng ngắn K54 thi nhau nhả đạn…lên trời. Dưới xuồng máy cũng không hề chịu kém. Súng lại nổ như chào mừng, lại như thách thức. Trên bờ, anh em chúng tôi quá đã, đạn nổ càng dòn hơn. Đúng như một trận đánh trên cả mức tao ngộ chiến.

Toàn “cứ” Binh vận báo động!

Ai cũng nghĩ địch đang đột kích theo đường sông tấn công lên “cứ”. Khi lực lượng “bên mình” tiếp cận chúng tôi, họ mới biết không phải vậy!

Chết rồi!

Lúc ấy, cả đám chúng tôi vừa say vừa… sợ. Mình đã gây ra một cuộc náo loạn nguy hiểm thực sự. Nên nhớ, bấy giờ đang chiến tranh, và cuộc nổ súng rầm trời như vậy cả ở dưới sông và trên bờ không ai nghĩ là nổ súng… chơi cả. Vậy mà, đúng là bắn súng… chơi thật! Từ cả hai phía lính Việt Cộng.

Thôi, giải tán, đi ngủ, có gì mai tính.

Mai, cũng chẳng thấy ai tính gì. Hay họ tính, mà mình không biết ? Sau này, tôi mới nghe anh em kể lại, chuyện khá nghiêm trọng. Ban Binh vận phải báo cáo sang “các Cụ” bên R. Giải thích thế nào thì tôi không biết. Nhưng trong đám anh em tham gia “tiệc cu xanh” chưa thấy ai phải viết kiểm điểm hay bị kỷ luật gì. Phần tôi, không tham gia bắn súng (vì còn súng đâu mà bắn), nhưng có tội là “chủ xị” vầy tiệc cu xanh. Nếu Tám Hùng với tôi không đi bắn cu xanh thì làm sao có cái tiệc này? Đã thế, giữa tiệc còn chạy bộ mua thêm can rượu, khiến cả hội “oắc cần câu”, mới nên nỗi. Nhưng, có lẽ cấp trên ngại làm lớn vụ việc. Vì có “hai khách mời đặc biệt” của “tiệc cu xanh” là hai nhà văn, nhà báo Hai Hoàng và Tư Xuân-nguyên là đại úy hải quân và trung úy không quân Sài Gòn lên R. Hai ông này là dân “Mặt trận 2” hay “Liên minh” gì đó nên luôn được coi là “khách quí” của VC, dù họ có thật là khách quí không thì chính họ cũng không biết. Nhưng họ luôn được nể trọng ngay ở cơ quan của tôi. Vì thế, vụ hai ông này có tham gia bắn súng thì tôi không rõ, nhưng hai ông đều khẳng khái nhận là đã dự tiệc và có uống khá nhiều rượu cùng anh em. Thế cũng là “bảo chứng bằng vàng” rồi! Cấp trên không muốn làm gì mất lòng hai ông, tôi thì ăn theo vào đó, đám anh em bảo vệ thì ăn theo tụi tôi, thành ra đều thoát nạn. Cái này mà bình thường là khó à nghe, kỷ luật nặng là cái chắc à nghe!

Tuy tôi thoát vụ này, nhưng các thủ trưởng bỗng dưng muốn…mệt, vì cái thằng lang thang là tôi. Họ đều biết tôi làm việc chăm chỉ và có hiệu quả, nhưng tính tôi lại quá lang bang, thiếu hẳn ý thức kỷ luật, lại ham vui quá trớn, lại hay “truyền lửa” tự do và tình chiến hữu bình đẳng cho các em cháu liên lạc và công vụ, những em cháu vốn được dạy bảo phải tôn sùng các vị thủ trưởng như Thánh. Tôi còn nhớ, mỗi khi gặp các em cháu trong rừng, tôi đều đưa tay lên và chào: “ Chào chiến hữu!”. Các em cháu thích lắm. Và học theo rất nhanh. Cứ nghĩ mà xem, có cháu liên lạc mới 14 tuổi, vốn coi các đấng bậc thủ trưởng như ông nội mình, bỗng một ngày đưa tay lên và chào thủ trưởng một cách rất hào sảng: “Chào chiến hữu!”, thì còn ra cái…thể thống…phong gì nữa ?

Nhân nói về tài kể chuyện của Nguyễn Quang Sáng, lại nhớ, tôi cũng đã từng được đóng vai “Người kể chuyện”, dù chẳng tài cán gì. Hai lần. Lần thứ nhất là hồi tôi mới học lớp 2, lên 10 tuổi. Học ở Khu học xá Nam Ninh-Trung Quốc. Hồi đó, do thời gian tôi đi nằm bệnh viện ngoài Nam Ninh, nên có cơ hội được đọc một số bộ truyện nổi tiếng của Trung Quốc thời xưa. Trong đó tôi mê nhất là bộ Thủy Hử, kể chuyện khởi nghĩa của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, một bộ truyện đã tác động rất nhiều đến tính cách của tôi. Khi trở về Khu học xá, ngẫu nhiên tôi thành người kể chuyện Thủy Hử cho cả lớp nghe. Không phải tôi có năng khiếu kể chuyện hay đã từng đi thi kể chuyện như các cháu nhỏ bây giờ thi kể về đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng khi được yêu cầu, tôi đã hoàn thành khá tốt “nhiệm vụ”. Nhân nói về học tập đạo đức Hồ Chí Minh, lại nhớ, hồi ở Khu học xá Nam Ninh, lũ học trò nhỏ chúng tôi đã một lần được gặp Bác Hồ. Bác đến thăm Khu học xá, và nói chuyện với lũ nhóc chúng tôi. Bác nói : «  Các cháu…phá quá ! Bác nghe báo cáo, các cháu đập vỡ hơn 2000 tấm kính cửa của bạn (Trung Quốc). Như thế là quá nhiều. » Bọn trẻ nhỏ chúng tôi reo hò ầm ĩ, cứ tưởng là được Bác Hồ… khen. Trước khi nói chuyện với chúng tôi ở Đại lễ đường, nơi được Bác Hồ thăm trước nhất lại là… bếp ăn của học trò chúng tôi. Bác xem bữa ăn của chúng tôi thế nào, nấu nướng ra sao. Bây giờ, không còn thấy một người lãnh đạo nào khi tới thăm công nhân lại đi trước vào… bếp ăn tập thể xem công nhân công nghiệp ăn uống hàng ngày thế nào. Nếu đi vào bếp, sẽ thấy ngay! Còn ở Khu học xá Nam Ninh hồi đó, nhà bếp hay rang cơm nguội còn dư tối hôm trước để trưa hôm sau chúng tôi ăn chơi. Cơm rang tuyệt ngon đựng trong những thùng gỗ to. Bọn trẻ chúng tôi mê nhất món cơm rang này, tranh cướp nhau, nằm chồng lên nhau trên thùng cơm rang để… múc cơm, giống hệt cầu thủ bây giờ nằm chồng lên nhau mừng bàn thắng. Đến nỗi, có một anh chàng giỏi thơ nào trong chúng tôi làm hai câu lục bát độc đáo: « Chiến trường đâu phải cơm rang/Mà ta chiến đấu gian nan thế này ». Dĩ nhiên, tác giả hai câu thơ đó không phải là tôi, vì lúc bấy giờ tôi tuyệt đối không biết làm thơ là gì. Nhưng biết kể chuyện Thủy Hử.

Cứ mỗi buổi tối, bạn cùng lớp tôi lại xúm xít quanh mấy chiếc giường tầng nghe tôi kể Thủy Hử. Hồi đó trí nhớ của tôi khá tốt, tôi lại quá mê bộ truyện này, nên kể một cách mạch lạc từ hồi này sang hồi khác. Bạn cùng lớp tôi thích nhất những đoạn các anh hùng thi triển võ công vì đại nghĩa, những pha đấm đá kiểu như “Võ Tòng đả hổ” được tôi kể lại rất chi tiết giống y chang trong truyện. Nhờ kể chuyện Thủy Hử, mà tôi được các bạn cùng lớp quí mến, nên dù gầy yếu lại lành hiền, tôi chẳng bao giờ bị ai bắt nạt cả, ngược lại còn hơi được nể trọng. Bẵng đi 15 năm sau, tôi không nghĩ mình còn dịp nào lại kể chuyện Thủy Hử nữa, thì lại có. Kể Thủy Hử trong… rừng (R), cho Hùng Bắc và Hùng Nam nghe. Hai anh chàng này đều là lính bảo vệ của cơ quan tôi. Hùng Nam thì đã được tôi nhắc tới ở đoạn trên, còn Hùng Bắc, anh chàng này là thương binh, rất khỏe mạnh, tính tình khá bậm trợn, và khác với Hùng Nam, anh ta làm việc chăm chỉ, nhưng sẵn sàng tỏ thái độ với thủ trưởng nào mà anh không phục. Hai chàng đều thích tôi, có lẽ do tính tôi hòa đồng, vui vẻ, lại hơi ngang ngang. Rủ tôi đến “nhà” chơi, Hùng Bắc kêu Hùng Nam, hai anh em làm món nhậu sơ sơ đãi tôi. Rượu “đồng bào phum sóc”, tức rượu bà con Khơ-me nấu, lạt nhách, được cái uống nhiều cũng say. Ban đầu chỉ là chuyện bao đồng, rồi không hiểu từ lúc nào các anh hùng Lương Sơn Bạc bỗng len vào. Mới nghe tôi phác qua mấy đường Thủy Hử, Hùng Bắc Hùng Nam thích quá yêu cầu tôi kể. Tôi cũng không ngờ, sau mười mấy năm “gác kiếm” mình vẫn còn nhớ bộ truyện này mạch lạc như vậy. Thế là kể rả rích. Hai chàng Hùng này đúng là đệ tử của anh hùng Lương Sơn Bạc, họ nghe tôi kể say sưa và đệm theo rất hào hứng. Với người kể chuyện, nghe như thế là cách khiến họ cảm hứng nhất. Từ đó, đêm nào Hùng Bắc Hùng Nam cũng vời tôi tới nhà Hùng Bắc để tôi kể Thủy Hử. Cứ rù rà rù rì, nhiều khi tới 1, 2 giờ sáng. Khiến có người sinh nghi.

Người nghi ngờ chúng tôi “rù rì” là ông bí thư chi bộ( không phải Năm Chiêu, anh Năm là bí thư đời sau, tôi sẽ kể sau) tên Đ. Ông này vốn cũng là người thật thà, khi tôi vào “cứ” Binh vận thì ông đi chiến trường đồng bằng mới về, chuyến đi mà tổ của ông ba người thì hy sinh mất một anh. Anh này lại là chồng mới cưới của chị Lan cùng cơ quan tôi. Khi nghe tin chồng hy sinh, chị Lan đã khóc ngất lên ngất xuống, rất tội. Ông bí thư này thật thà nhưng được cái, rất biết vâng lời thủ trưởng, và cũng hay “chứng tỏ lập trường”. Lẽ ra, lập trường lớn nhất là dám đi chiến trường đồng bằng một sống một chết, ông đã thể hiện rất tốt rồi. Cần gì những cú lên gân lập trường tào lao nữa. Nhưng con người, dù đơn giản thế nào, vẫn là phức tạp. Không biết có thủ trưởng nào xúi, hay tự mình cảm thấy có trách nhiệm, mà ông bí thư chi bộ để ý chúng tôi đêm nào cũng ngồi nhà Hùng Bắc rù rì tới tận khuya. Không biết chúng nói những gì, bàn bạc với nhau những gì, có “vấn đề” gì không ? Đã đặt ra câu hỏi, thì phải tìm câu trả lời. Thế là, một đêm đã sang canh, khi tôi đang hào hứng kể Thủy Hử, và hai chàng Hùng đang háo hức nghe, thì đột ngột, Hùng Bắc, vốn lính đặc công, ngừng bặt, chăm chú ngóng gì đó. Rồi bỗng dưng, anh ta bật dậy, nhào tới góc nhà lượm hai cục đá khá to, lao ra ngoài cửa. Chúng tôi chưa kịp phản ứng, thì Hùng Bắc đã ném mạnh hai hòn đá về một góc rừng, và hô to: « Đ.mẹ heo rừng! Chết mẹ mày đi! » Chỉ nghe tiếng chân chạy rèn rẹt, xành xạch trong rừng, chả biết heo rừng hay con gì. Hùng Bắc quay vào, mặt còn đỏ vì tức giận: « Thằng cha Đ. chứ ai! Tôi phải hô heo rừng để ném đá cho hắn bỏ mẹ, chừa tật đi rình nghe người khác. » Thì ra, là như vậy. Tôi hiểu ngay cơ sự. Chắc có ai đó nghĩ tôi mới từ Bắc vào, lại thuộc thành phần tự do chưa kiểm soát được, nên cần được theo dõi những cuộc « chuyện trò đêm khuya » như thế này. Chứ nếu họ biết, chúng tôi chỉ « sinh hoạt Thủy Hử » thì cũng không đến nỗi nào. Nhưng bắt ông bí thư chi bộ đêm hôm phải đứng trong rừng, bất kể rắn rết muỗi mòng để theo dõi một chuyện tào lao như vậy thì hơi quá.

Nhắc anh Đồng “đen”, lại nhớ hồi tháng 6/1975, từ Đà Nẵng, tôi với Ngô Thế Oanh và Trần Vũ Mai quyết định lang thang ra Huế thăm anh Đồng. Lần đầu tiên tới Huế, chúng tôi đều ngẩn ngơ vì vẻ đẹp của thành phố Hoàng Cung này. Anh Đồng lúc ấy ở nhà số 65 đường An Cựu, sát sông An Cựu. Anh ở cùng với nhà văn Nguyễn Quang Hà, trong ngôi biệt thự của một ông, nghe đâu là thiếu tá trung tá Sài Gòn gì đó, bỏ lại. Cùng đi chiến trường nhưng khác địa bàn, anh Đồng đi Trị Thiên, tôi đi Nam Bộ, Oanh và Mai đi khu Năm, nên coi như chúng tôi xa nhau 5 năm. Trong 5 năm ấy, chúng tôi hoàn toàn không có tin tức gì về nhau. Cho tới hòa bình. Cũng tình cờ mà tôi gặp Ngô Thế Oanh ở Sài Gòn. Oanh đi theo đoàn văn nghệ khu Năm của nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Nguyễn Chí Trung, nhà thơ Thu Bồn, nhà thơ Ý Nhi… Còn Trần Vũ Mai, một bữa tôi gặp hắn trên phố Sài Gòn, trông dáng rất “bụi”, cứ như…con trai của Hemingway vậy! Thần tượng của Mai là Hemingway và Trần Mai Ninh, và Mai rất muốn sống, chiến đấu giống như họ, trong chiến tranh. Còn bây giờ đã hòa bình, thì hình ảnh rất ấn tượng khi E.Hemingway lái xe « Jeep lùn » vào một thành phố nào đó ở Tây Ban Nha hay sau này là Paris, uống whiskey “sec” ở một quầy bar bùi bụi, cứ ám ảnh Trần Vũ Mai. Sài Gòn lúc ấy cũng không thiếu những quầy bar như vậy. Chỉ tiếc không có Hemingway thôi.

Gặp anh Đồng ở An Cựu-Huế, việc đầu tiên mấy anh em tôi làm là… nhào xuống sông An Cựu để…bơi. Tôi vốn quen và thích bơi sông từ hồi ở Nam Bộ, còn Mai và Oanh cũng bơi được. Trong chiến tranh, không biết bơi là dễ… toi lắm! Nhớ hồi xuống chiến trường Mỹ Tho, qua Đồng Tháp mùa nước nổi, ông trưởng đoàn của tôi quê quán tận… miền Đông, nên không biết bơi, dù ông đã « hai mùa kháng chiến ». Một lần phải vượt con sông khá rộng, nước lại sâu, mỗi người bó hết quần áo vào tấm ni-lông để làm phao bơi. « Phao » này thực ra không an toàn lắm. Nên khi bơi giữa dòng, ông trưởng đoàn bật…khóc. Vì sợ chết đuối. Xem ra, biết bơi cũng có lợi.

Nước sông An Cựu hồi ấy khá trong, và chúng tôi mặc sức vùng vẫy. Trên bờ, anh Đồng có Quang Hà giúp sức, lặng lẽ chuẩn bị bữa nhậu mừng hội ngộ. Anh Đồng có tài làm các món nhậu, giản dị nhưng rất ngon, rất « bắt » rượu. Chúng tôi uống từ trưa tới tối. Còn Trần Phá Nhạc-nhà thơ nổi tiếng trong phong trào tranh đấu- thì chạy đi chạy lại như con thoi, cung cấp rượu thuốc « Thiên Tường » – một quán rượu nổi tiếng tại Huế. Trời tối thì có thêm Trịnh Công Sơn, Bửu Ý và vài ba anh em Huế nữa tới. Bữa rượu càng hào hứng. Tôi với Oanh vốn hâm mộ nhạc Trịnh Công Sơn từ trước, nên rất vui khi được hầu tiếp ông nhạc sĩ lừng danh này. Hôm sau, tôi với Oanh và Mai đi lang thang ra Đập Đá-Vĩ Dạ. Ở đó có một quán chè rất đẹp, trước cửa quán có bụi trúc thân vàng lá xanh. Chúng tôi tấp vào quán ăn chè. Chè Huế, có tới hơn mười loại, mà loại nào cũng lạ, cũng ngon. Tuy là dân nhậu không hảo ngọt, nhưng chè ngon quá, mấy anh em chúng tôi ăn một hơi mỗi thằng năm, sáu ly. Nhìn Trần Vũ Mai cắm cúi ăn chè bên bụi trúc, mặt lại vuông chữ điền, tôi chợt nhớ câu thơ Hàn Mặc Tử, bèn đọc tặng Mai :« Lá trúc che ngang mặt chữ điền ». Biết đâu, mấy mươi năm trước, Hàn Mặc Tử cũng từng ngồi ở…quán chè này, cũng ăn nhiều loại chè Huế, và viết bài thơ bất tử « Đây thôn Vĩ Dạ ». Chẳng biết Hàn thi sĩ có ngồi ăn chè với ông bạn nào mặt vuông chữ điền như Trần Vũ Mai không ? Cũng như khi Trịnh Công Sơn viết bản nhạc « Ướt mi » ở Ghềnh Ráng-Qui Nhơn, thì hình ảnh nào đã đi vào nhạc của anh ? Lúc đó, Hàn Mặc Tử cũng đã vĩnh viễn nằm ở Ghềnh Ráng rồi.

Nhắc tới những người nổi danh, không phải là để ăn theo cái danh của họ. Danh chỉ là một chuyện. Thực mới là cái đáng kể. Hồi vừa giải phóng, có lần tôi gặp Trịnh Công Sơn ở Sài Gòn, trong một cuộc biểu diễn âm nhạc cách mạng. Tôi thấy anh Sơn khá trầm lặng, và hơi rụt rè. Lúc bấy giờ, nghe nói một số anh em có hoạt động phong trào và nhất là một số “nhà cách mạng 30/4” vốn là sinh viên Sài Gòn, đăng đàn công kích nhạc Trịnh Công Sơn ghê lắm. Mặc họ, tôi với Ngô Thế Oanh, được ông bạn Minh “Vồ”( nhà văn Thái Thành Đức Phổ – biên tập viên nhà xuất bản « Giải Phóng ») cấp cho một cái cassette tuy cũ nhưng nghe còn tốt, chúng tôi kiếm được vài băng nhạc Trịnh, thế là mở nghe suốt ngày. Đi đâu cũng mang cái cassette theo, và chỉ mở độc băng nhạc Trịnh, hình như là “Da vàng ca khúc” hay gì đó, nhạc phản chiến. Nói như bây giờ thì chúng tôi là “fan” của nhạc Trịnh hồi ấy. Mà không chỉ chúng tôi, những người trực tiếp tham gia kháng chiến mê nhạc Trịnh. Nhiều anh chị em trí thức, văn nghệ sĩ từ Hà Nội vào Sài Gòn lúc ấy đều mê nhạc Trịnh. Nhờ thế, cái cassette chuyên mở nhạc Trịnh của tôi với Oanh rất đắt hàng, được khối người nghe. Gặp Trịnh Công Sơn ở bữa rượu nhà anh Đồng, đã vui rồi. Nhưng hôm ấy say quá, nên mọi thứ chỉ nhớ lờ mờ. Có điều tôi biết, anh Sơn hôm ấy rất vui. Khi chơi với nhau, anh hay kể lại bữa rượu hôm đó, một bữa rượu đậm chất « Thủy Hử ». Sau này, từ 1976 tới 1978, nhóm tôi, Oanh và Thu Bồn, chơi khá thân thiết với Trịnh Công Sơn. Cứ lâu lâu chúng tôi lại tổ chức ra Huế…nhậu với anh Sơn. Lâu lâu Trịnh Công Sơn lại bắt xe đò vào Đà Nẵng nhậu với chúng tôi. Cũng chỉ biết lấy vậy làm vui. Hồi ấy Trịnh Công Sơn tuy sống ở quê nhà Huế Đô của mình, nhưng cũng khổ. Không phải khổ vì thiếu đói như chúng tôi, nhưng vẫn khổ. Vì các bậc lãnh đạo văn hóa Huế vẫn « hơi bị » thành kiến với anh. Tôi quá biết chuyện này, có lẽ chỉ anh Sơn là chưa biết tường tận. Nhưng cũng phải nói thật, anh Trịnh Công Sơn vẫn được Huế rất kính trọng, dù là người dân hay anh em văn nghệ kính trọng. Trong hoàn cảnh ấy, theo tôi, cũng là tốt rồi. Người làm văn nghệ, người nghệ sĩ, tuyệt đối không cần sự ưu ái của nhà cầm quyền, bất kể là nhà cầm quyền nào. Có một thiên chức dành riêng cho nhà thơ, nhà văn, người nghệ sĩ, và đó là thiên chức mà người nghệ sĩ phải biết, trước khi nhà cầm quyền biết. Và khi nhà cầm quyền đã biết đến thiên chức này, thì là hài hòa, hiểu nhau, thông cảm nhau. Đừng bao giờ nghĩ, đó là sự ưu ái nhà cầm quyền dành cho văn nghệ sĩ. Mọi người sống trên đời này đều phải đối xử tốt với nhau, ưu ái với nhau. Kể cả với những bạn GATO (ghen-ăn-tức-ở), những bạn coi chuyện hại được người lương thiện là chiến công của mình. Nhưng họ cũng phải biết cách học để sống được trong một cộng đồng. Một cộng đồng không chỉ đa dân tộc, mà còn là nhân loại. Khi nghĩ tới nhân loại, thì tôi tin âm nhạc Trịnh Công Sơn đã và sẽ được nhân loại đón nhận. Nhân loại vẫn thích nghe những dòng nhạc như thế, bất chấp bao thay đổi. Không phải vì đề cập tới chiến tranh hay thân phận con người, nhạc Trịnh Công Sơn mới vào được lòng người. Những bài hát như « Nối vòng tay lớn » hay « Huyền thoại mẹ » là những bài hát yêu nước, nhưng chất riêng tư của con người trong đó rất cao, vẫn được đón nhận bởi người Việt và không phải người Việt. Năm 1979 anh Trịnh Công Sơn dời vào Sài Gòn, trên đường đi có ghé Đà Nẵng chơi với nhóm chúng tôi. Lại làm mấy xị rượu thuốc, mồi nhậu là mấy cục chân giò bò gân, đạm bạc nhưng rất vui. Nghe nói, ở Sài Gòn, anh Sơn được ông Võ Văn Kiệt quí trọng và động viên rất nhiều. Chúng tôi rất mừng. Vậy thôi, còn sau này tôi cũng không có cơ hội được gặp gỡ hay uống rượu với Trịnh Công Sơn.

(còn tiếp)

Comments are closed.