Lang Văn, Lang Nghệ

Hoàng Hải Thủy

keoxeBài này viết về những ông Lang, nhưng những ông Lang trong bài này không phải là những ông Lang Thuốc, Lang Băm, mà là những ông văn sĩ có bút danh “Lang” trong giới văn nghệ, văn gừng của Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà.

Lang như Tam Lang, Trọng Lang, Hoài Điệp Thứ Lang, Ngọc Thứ Lang; đó là bút danh của các ông Lang Văn Sài Gòn Xưa. Xin kể các ông bút danh Lang theo trí nhớ của tôi:

1. Tam Lang, 2. Trọng Lang, 3. Nguyễn Minh Lang, 4. Hoài Điệp Thứ Lang, 5. Tử Vi Lang, 6. Ngọc Thứ Lang, 7. Cao Nguyên Lang, v.v. Không có Bà Lang nào trong giới Nhà Văn Nữ, Nhà Thơ Nữ của Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa.

Có thể trong giới văn nghệ Sài Gòn còn vài ông Lang nữa mà tôi không nhớ. Bài này không viết về những ông Lang không phải trong văn giới như Tam Lang Đá Banh, Diệp Lang Nghệ Sĩ Cải Lương, Nhị Lang nhà chính trị, Huỳnh Văn Lang tác giả hồi ký viết ở Hoa Kỳ sau năm 1975, v.v.

Nhà Văn Tam Lang, theo tôi, là ông nhà văn Việt Nam thứ nhất  lấy bút danh Lang. Ông tên thật là Vũ Đình Chí, ông nổi tiếng với tác phẩm phóng sự điều tra “Tôi Kéo Xe”; phóng sự này được  viết, đăng báo, xuất bản thành sách ở Hà Nội năm 1935. Chiến tranh Việt Pháp nổ ra cuối năm 1946, ông Tam Lang và gia đình tản cư ra khỏi Hà Nội. Năm 1950 ông trở về Hà Nội, năm 1954 ông vào Sài Gòn. Từ 1950 tôi thấy ông không viết tác phẩm nào mới, ông cũng không tham gia công việc văn nghệ, văn gừng nào ở Hà Nội. Ông sống với cái danh Nhà Văn tiền chiến của ông. Di cư vào Sài Gòn năm 1954 ông làm chủ nhiệm nhật báo Tự Do trong mấy năm đầu, rồi ông làm nhân viên Bộ Thông Tin. Ông qua đời ở Sài Gòn năm 1986. Tôi thấy từ năm 1954 ông Tam Lang sống như một ông công chức. Đã công chức mà còn là công chức về hưu.

Tam Lang trên Internet:

Tam Lang sinh tại Hà Nội, học trường Sư phạm rồi bỏ dở, chuyển sang viết báo viết văn. Ông dùng những bút danh: Tam Lang, Chàng Ba, Ba Phải, Linh Phượng… Ông viết cho hầu hết các báo xuất bản tại Hà Nội.

Năm 1954 ông vào Nam, sống tại Sài Gòn, làm chủ nhiệm báo Tự Do, thư ký tòa soạn tờ báo Cách mạng Quốc gia. Năm 1958, Tam Lang ngừng làm báo, chuyển sang soạn các kịch bản chèo. Sau năm 1975, ông sống ở Sài Gòn và mất ở đó năm 1986.

Thượng Sỹ, nhà phê bình nổi tiếng trước năm 1975, viết về Tam Lang: “Tam Lang đã dùng ngòi bút sắc bén diễn tả bằng một giọng văn châm biếm, tế nhị (để) đả kích mặt trái xã hội, lên án mọi bất công gây ra bởi lớp người này với người khác …”.

Trong Nhà Văn Việt Nam, Vũ Ngọc Phan viết về phóng sự “Tôi kéo xe” của Tam Lang: “…dù những nhân vật được mô tả trong thiên phóng sự “Tôi kéo xe” đã là những xác chết thối tha, người ta cũng cần thấy cần phải khai quật cả lên…”.

Cũng nhận xét về “Tôi kéo xe”, Trương Tửu viết: “ … “Tôi kéo xe” là quyển tiểu thuyết tả chân giá trị nhất trong văn học Việt Nam hiện đại – bởi lẽ Tam Lang đã thu góp chất liệu sống cực khổ, nhọc nhằn của phu xe kéo, tác giả biết loại bỏ những đoạn kịch trá hình (détails mélodramiques) để làm gì? Để nhìn rõ: trong cặp mắt sâu hoắm như hai cái lỗ đáo ở chiếc đầu lâu, anh ta để rơi xuống đất mấy giọt nước mắt khô khan như pha lẫn máu. Những tình tiết ấy tạo thành cuốn tiểu thuyết ông có trí tưởng tượng của một thi sĩ, ông có (sự) bình tĩnh của một nhà báo – với ba đức tính này, ông có thể trở thành một nhà văn đại tài…”.

Sau năm 1945 Xe Kéo bị dẹp, thay Xe Kéo là Xe Xích Lô – Cyclo.

CTHĐ [Công tử Hà Đông, bút danh của Hoàng Hải Thủy – chú thích của Văn Việt]: Tôi không coi trọng ohóng sự “Tôi Kéo Xe. Tôi thấy ông Tam Lang giả làm phu xe kéo, ông đi mướn xe kéo, ông đi chân đất, chắc ông có kéo xe vài giờ ngoài phố nhưng ông không bị cái đói, cái mệt hành hạ thân xác, không bị cái lo chạy xe không đủ tiền trả tiền mướn xe cho chủ xe, làm sao ông viết về đời sống và tâm tư người phu xe kéo được. Trong lời Tưạ “Tôi Kéo Xe, ông Tam Lang viết ông đọc phóng sự “Tôi làm điếm” của bà Maryse Choisy, bà nhà văn Pháp, thấy bà này kể bà giả làm gái điếm đứng đường để viết phóng sự về gái điếm, ông làm theo bà: ông giả làm phu xe kéo để viết về giới phu xe kéo.

Nữ sĩ Maryse Choisy giả làm gái điếm để viết về cuộc sống của gái mãi dâm, ông Tam Lang giả làm phu xe kéo để viết về cuộc sống của những phu xe kéo thời ông. Bà Maryse Choisy còn vào sống một tháng trong một nhà mãi dâm. Nhưng theo tôi, bà Choisy không tả được tâm trạng của người phụ nữ mãi dâm, bà vào nhà điếm nhưng bà không “đi khách” như những cô gái trong nhà này; bà vào nhà điếm nhưng bà không phải là gái điếm; những người trong nhà, từ chủ điếm đến gái điếm, biết bà là nhà báo đến làm phóng sự. Bà không thể giấu được họ hay đánh lừa được họ. Họ đối xử đặc biệt với bà. Bà không thể viết về tâm trạng tự thấy nhục, thấy mình bị khinh và sự tuyệt vọng của gái điếm.

Năm 1960 tôi đọc trên một tạp chí Mỹ chuyện một ông nhà báo Mỹ vì muốn biết tâm trạng của người Mỹ da đen bị khinh thị, bị thua kém trong xã hội Mỹ nên tự làm cho da ông có màu đen, ông giả làm người Mỹ đen, ông đi đánh giày cho người Mỹ trắng trong những siêu thị, ông làm vậy để viết điều tra – phóng sự về người Mỹ đen. Năm 1960 tôi mớì 27 tuổi, kinh nghiệm đời tôi chưa có bao nhiêu, nhưng đọc chuyện ông nhà báo Mỹ tôi đã thấy việc ông làm không giúp ông viết được về tâm trạng của người Mỹ đen. Ông giả làm người Mỹ đen, ông không phải là người Mỹ đen, như ông Tam Lang giả làm người phu kéo xe tay, ông không thể viết về tâm trạng của người phu xe.

Nhà Văn Trọng Lang, và Nhà Văn Tam Lang, là hai ông Lang Văn có danh từ trước năm 1945. Tác phẩm nổi nhất của ông Trọng Lang là phóng sự “Hà Nội Lầm Than. Dường như phóng sự này được đăng báo rồi xuất bản thành sách ở Hà Nội năm 1940. Những năm 1942, 1943 tôi không nhớ tôi có đọc “Hà Nội Lầm Than” của ông Trọng Lang hay không. Nếu năm xưa tôi có đọc “Hà Nội Lầm Than”, chắc chắn là tôi không thích. Năm nay – 2014 – ở Hoa Kỳ, tôi tìm đọc “Hà Nội Lầm Than. Tác phẩm “Hà Nội Lầm Than” của tác giả Trọng Lang nay được Nhà Xuân Thu ở Hoa Kỳ tái bản. Tinh thần tôi xuống vì những cảnh sống được kể trong “Hà Nội Lầm Than” quá đen tối, quá thê thảm. Quá bẩn. Tôi trích đăng duới đây chương “Gái Nhảy Hà Nội” trong phóng sự “Hà Nội Lầm Than” của ông Trọng Lang.

Gái Nhảy

Trong lúc anh em lao động làm việc có giờ, có tiền và ngày nghỉ, tôi muốn nói đến một hạng phụ nữ Việt Nam, mà các bà “tử tế” vẫn thường bĩu môi coi như một lũ “thù nghịch chung số một” của những người làm mẹ và làm vợ.

Tôi muốn nói đến một hạng phụ nữ nô lệ tạm thời trong những đêm mua vui của người có tiền.

Bắt đầu, tôi nói đến ngay các cô nhảy đầm lấy tiền, tức là nói đến một nghề mới của phụ nữ Việt Nam.

Lịch sự, đáng thèm, nhưng vất vả và đáng thương, nếu người ta chịu khó xét kỹ đến.

Nghề nhảy đầm – bằng cớ ở việc tôi đã mục kích – là bực thang đưa các cô gái quê từ chỗ trong trẻo đến chỗ cặn bã của xã hội. Nó lại là “cuộc tu” của các ả giang hồ lão luyện.

Đối đãi với gái nhảy bằng tình thương, thì cũng như đối với cô đầu, gái đĩ, người ta sẽ là một nhà đạo đức dớ dẩn và sẽ bị cho “đi tướt” (nghĩa là sẽ bị rẻ rúng).

Đối với gái nhảy bằng tình ái, người ta sẽ khổ sở vô cùng. Nhưng nếu người ta, chỉ có tiền và một lòng muốn phù du, thì người ta sẽ được hưởng những “đêm đèn điện” thật đầy đủ như những đêm thần tiên của Paris, Thượng Hải.

Nhưng mà…

Một đêm nặng nề sương lạnh và gió rét. Tôi dò xuống một tiệm nhảy ngoài châu thành.

Vì hai lẽ: một là ở đó các cô nhảy là cô đầu kiêm nhảy không lương, vừa xấu, vừa cục kịch, vừa ghẻ lở, hình ảnh của sự tiều tụy đối với cảnh rực rỡ của các tiệm khác.

Hai là: trong các ông đi nhảy, thì tiệm đó được tiếp hàng đêm một số ông kỷ lục, các ông mới biết nhảy, không biết nhảy và Khách lai.

Tôi đến đó để được xem mấy cô mặc quần áo nực, ục ịch vần “mấy cái xe bò” (những người nhảy nặng) giữa lúc trời rét cắt da.

Để hiểu rõ cái khổ của một bọn “nô lệ” không lương của môn nhảy đầm.

Nhạc nổi một bản tango: “Après toi, je n’aurais plus d’amour”. Dịp được, dịp không, một cậu bé mặc áo cánh, thì thầm với cái trống đã chùng mặt và kêu “phập phùng” như trống mọi ăn thịt người. Một ông như cái xác chết biết cử động, vừa ngọ nguậy đun một cô nung núc những thịt, vừa âu yếm và nũng nịu như một ông nhảy đầm ở bên Tây về.

Bỗng một tiếng kêu “ái”. Một cặp dừng lại. Thì ra một ông khách đang nhảy nhỡ giẫm vào chân một cô đi bên cạnh. Dám trúng giữa cái mụn lở của cô, nó đương nung mủ.

Họ không nhảy. Họ đang tàn phá cái mỹ thuật nhảy đầm, họ đang làm khổ một đám người đã coi món nhảy đầm, thức đêm, đánh phấn như là món ăn thường ngày của họ, nghĩa là cần phải có, nhưng vô vị.

xichlo2*

Tôi chọn và nghiêm nghị mời một cô mềm dẻo nhất đám nhảy. Tôi bắt đầu quen cô ta rồi quen mãi cho đến ngày nay, vì cô ta đã làm cho tôi phì cười. Cười rồi thẹn hộ cho cô ta, và… thương hại.

Giữa hai “bước” khó, cô bỗng hát theo đĩa kèn. Cô hát bằng một giọng khàn khàn quê đặc: “A pờ ne toa, dơ nô le pờ lúy da mua.” (Après toi, je n’aurais plus d’amour).

Tôi hỏi cô một câu, cho cô đừng hát nữa:

“Em hát, đành rằng hay, nhưng hơi sai một chút”.

Cô nhìn tôi, không mếch lòng, bằng đôi mắt ngạo nghễ:

“Ít sự sai lắm nhé”.

Nói xong, cô không hát nưã, nhưng bước đi của cô mỗi lúc một nặng ra, và mặt của cô mỗi lúc một vác lên.

Tôi nhìn cái mặt vác ấy: cô đánh phấn nhiều, vụng như một gái nhà chưá, vì – không như các cô gái nhảy nhà cô Đốc – cô giấu không kín hết một vài chỗ da nho nhỏ hoen vàng xám, dấu hiệu của đói rét, thức đêm và nhục dục.

Trên môi, tuy đỏ loét, vẫn hở cái vành đen như thịt trâu ôi.

Với bộ răng trắng còn mờ đen, đôi mắt lờ đờ đục vẩn, thỉnh thoảng loáng một tia “thèm muốn”, cô hoàn toàn là gái của mọi người.

Tôi mời cô gọi nước uống. Và tôi bắt đầu đi thêm vào con đường hẻm hóc của đời cô đầu kiêm gái nhảy.

Cô ngồi phịch xuống ghế, giơ thẳng hai chân như lấy đà để ngáp, giữa lúc nhạc nổi một bài “Rumba”.

Cô gọi một cốc nước chanh quả. Ở đây, tiền các món giải khát mời các cô – trừ tiền vốn đi – nhà chủ thi ơn thưởng cả cho các cô. Cô gọi nước chanh quả, vì món nước đó ít vốn lắm.

Cô bỗng lẩm bẩm:

“Rumba mớ đời gì mà rumba mãi”.

Cô nói xong, liền bị một ông lại mời cô nhảy. Ông khách đó là một mẫu người tủn hoẳn, vừa gầy vừa xanh, quần áo xốc xếch, ngực bó cao, ống quần hẹp.

Một con khỉ đẹp trong lũ khỉ, ông chưa biết nhảy Rumba nhưng ông cũng cứ nhảy, ông lôi cô – to lớn hơn ông – ra một góc sàn, rúc đầu xuống mà ngoáy, cả đầu, cả lưng, cả chân lẫn tay.

Y như một con khỉ con đứng giữa khỉ mẹ vừa nghịch vừa rũ chấy rận.

Kèn hết, cô trở về chỗ, lầu nhầu chửi:

“Sư nó! Nhảy với nhót. Có cái quần mới, dẫm tiên sư nó cả vào gấu. Mất một cốc cà phê mà ngồi cho đến lúc đèn xanh, đèn đỏ, chẳng tuần chay nào là không có nước mắt”.

Hết chương Gái Nhảy trong Hà Nội Lầm Than.

Trên Internet: TRỌNG LANG (1905-1986) – nhà văn, nhà báo

Ông tên thật là Trần Tán Cửu, sinh năm 1905 ở Hà Nội, con Tuần phủ Trần Tán Bình. Ông viết cho báo Phong Hóa, Ngày Nay của Tự Lực văn đoàn, chuyên về phóng sự. Tác phẩm đầu tay của ông tên là Lọ Cổ, đăng trên báo Đông Dương, năm 1930 của chủ nhiệm Mai Duy Lâm.

Năm 1932, hài kịch năm màn “Đại Giang tiên sinh” của ông được đưa lên trình diễn dưới quyền điều khiển của đạo diễn Tú Mỡ. Khi Thế Lữ chủ trương Ngày Nay, Trọng Lang viết “Trong làng chạy”, “Đàn Bà”, “Nghiện”, “Gà chọi”, “Đời bí mật sư vãi”, “Hà Nội lầm than” (1936-37), “Làm dân”, “Làm tiền”. Khi Vũ Ngọc Phan chủ trương báo Hà Nội Tân Văn, Trọng Lang viết “Thầy lang” (tái bản sau ngày Nhật đảo chính Pháp), lúc này ông làm tổng thư ký báo và viết “Đói”, “Sống sót”.

Năm 1944, ông làm chủ nhiệm nhật báo Thông Tin và viết “Những đứa trẻ”, “Vợ lẽ”, “Nàng hầu”, “Những cái đẹp trên mồ hôi nước mắt”. Năm 1947 ông về Hà Nội, viết cho Ngày Mới, Dân Chủ. Ông dùng bút hiệu Ba Phải, viết Tuồng Tàu An Nam do Tây đạo diễn châm biếm bọn làm chính trị tay sai cho ngoại bang. Năm 1949 ông làm chủ nhiệm nhật báo Thời Đại, Vì Nước, sau hai tờ này bị đình bản. Năm 1950 ông vào Huế làm báo Tổ Quốc, viết phóng sự “Đây Huế”, vì lý do chính trị ông phải bỏ dở phóng sự này. Ông viết ở Huế “Quê hương giữa Thần Kinh”, phóng sự châm biếm, mai mỉa tác phong, lề lối sống vua chúa, phong kiến.

Năm 1951 ông vào Sài Gòn, viết cho báo Dân Chủ dưới bút hiệu Ông Tưởng Tốc và mục Chiếu Trên Chiếu Dưới qua bút hiệu Đinh Bù Loong. Sau đó ông bắt đầu viết kịch ngắn “Lòng mẹ”, được quay thành phim tuyên truyền. Viết các truyện ngắn như “Người đàn bà trong đêm ấy”, “Bà Cai đi Tây ăn Tết”. Tác phẩm xuất bản “Tiếu Lâm tân thời” (Lạc Việt 1957) đăng tải trên tuần báo Việt Chính của Hồ Hán Sơn.

Thời kỳ tiền chiến, phóng sự của Trọng Lang, cuốn “Làm dân” đặc sắc hơn cả. “So với nhà phóng sự Tam Lang Vũ Bằng, Trọng Lang là nhà phóng sự đanh thép và sắc cạnh” (Vũ Ngọc Phan). Đặc tính trong văn chương phóng sự Trọng Lang là diễn tả thực tại xã hội, phong tục, lề lối sống nông thôn cổ hủ, thành thị mại bản thời Tây thuộc lần thứ nhất ở xã hội chúng ta. Nhưng ông cũng không quên đưa cả lề lối, tục quán thô thiển vào văn chương.

CTHĐ: Sao Y Bản Chính.

Mời quí vị đọc một bài Thơ viết về Vũ Nữ. Trong phóng sự Hà Nội Lầm Than, hình ảnh người gái nhảy thê thảm quá cỡ, trong Thơ Vũ Hoàng Chương, gái nhảy được tả với hình ảnh của tiên nữ.

Mời Say

Vũ Hoàng Chương

Khúc nhạc hồng êm ái
Điệu kèn biếc quay cuồng
Một trời phấn hương
Đôi người gió sương
Đầu xanh lận đận cùng xót thương
Càng nhớ thương …
Hoa xưa tươi trăng xưa ngọt
Gối xưa kề tình nay sao héo?
Hồn ngả lâu rồi nhưng chân còn dẻo
Lòng trót nghiêng mà bước vẫn du dương…
Lòng nghiêng tràn hết yêu đương
Bước chân còn nhịp nghê thường lẳng lơ.

Ta quá say rồi sắc ngả màu trôi
Gian phòng không đứng vững
Có ai kề âm hưởng sát gần môi …
Riết đôi tay ngả đôi thân
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió?
Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ?
Hãy thèm say còn đó, rượu chờ ta
Cổ chưa khô đầu chưa nặng mắt chưa hoa
Tay mềm mại bước còn chưa chếnh choáng
Chưa cuối xứ mê ly, chưa cùng trời phóng đãng,
Hãy thèm say hồn khát vẫn thèm men …

Say đi em! Say đi em!
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bực ngả nghiêng cho điên rồ xác thịt!
Rượu rượu nữa! Và quên, quên hết!

*

Nguyễn Minh Lang là tên thật của một nhà văn trẻ. Những năm 1951, 1952 ở Hà Nội Nguyễn Minh Lang là người viết tiểu thuyết cùng thời với Thanh Nam. Tiểu thuyết nổi tiếng được đăng báo và xuất bản thành sách ở Hà Nội những năm 1951, 1952 của Nguyễn Minh Lang là “Gái Hà Nội.” Và hai, ba tác phẩm tiểu thuyết nữa tôi không nhớ tên. Năm ấy, những năm 1952, 1953, nhà văn trẻ mới nổi lên có tiểu thuyết xuất bản là rất hách. Năm 1953 Nguyễn Minh Lang và Thanh Nam, cùng Trọng Khương, nhạc sĩ tác giả bản nhạc “Bánh Xe Lãng Tử”:

Bánh xe quay nhanh nhanh 
Chiếc thân xe rung rinh 
Chìm trong làn cát trắng
Xe nhịp nhàng quay bánh lướt
Hồn ta mờ khuất trong mênh mông

Và nhạc sĩ Hoàng Giác, tác giả bản nhạc “Ngày về”:

Tung cánh chim tìm về tổ ấm
Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm…

Bốn ông trên được tuyển vào làm việc ở Phòng Năm Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Ba ông được nhập ngũ với cấp bậc Trung Sĩ đồng hoá. Cả ba ông cùng vào làm việc ở Phòng Năm Sài Gòn. Năm 1954 đất nước chia đôi, Nguyễn Minh Lang, Hoàng Giác từ Sài trở ra Hà Nội. Năm 1981, hay năm 1982, tôi gặp Nguyễn Minh Lang khi anh vào thăm lại Sài Gòn. Anh được Phan Nghị đưa đi gặp những người quen cũ. Hai mươi năm qua tôi thấy Nguyễn Minh Lang vẫn giữ nguyên nét vẻ thanh niên Hà Nội những năm 1950. Đẹp trai, phong nhã, da trắng, thanh tú, từ tốn. Nguyễn Minh Lang và Hoàng Giác không bị tai họa gì ở Hà Nội Đỏ. Nghe nói những năm 1990 Nguyễn Minh Lang bị liệt. Tôi không biết anh qua đời năm nào. Tôi cũng không biết năm nay – 2014 – nhạc sĩ Hoàng Giác có còn ở Hà Nội không.

Năm 1956 Thi sĩ Đinh Hùng viết tiểu thuyết đăng nhật báo với bút hiệu Hoài Điệp Thứ Lang. Ông Thứ Lang Đinh Hùng là ông Thứ Lang nổi tiếng nhất, có giá nhất, trong những ông Thứ Lang ở Sài Gòn. Hai tiểu thuyết Phơi-ơ-tông Hoài Điệp Thứ Lang viết là “Người đao phủ Thành Đại La” và “Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu.”

Sau Hoài Điệp Thứ Lang là ông Ngọc Thứ Lang. Nhưng trước ông Ngọc Thứ Lang là ông Tử Vi Lang. Ông Lang Tử Vi này không viết về Tử Vi mà viết nhật báo. Ông không được nhiều người biết danh. Ông tên thật là Đính, từng làm báo ở Hà Nội trước năm 1954. Năm 1955 ông là nhân viên tòa soạn nhật báo Ngôn Luận. Trên Ngôn Luận, ông giữ mục “Tiếng dân kêu” với bút danh Thầy Gòn. Năm 1960 ông dịch truyện Tam Quốc Chí đăng từng ngày nơi trang trong Ngôn Luận. Khi dịch Tam Quốc Chí từ chữ Hán, ông lấy bút danh là Tử Vi Lang. Tam Quốc Chí bản dịch của Tử Vi Lang được xuất bản ngay năm 1960 ở Sài Gòn. Rồi tái bản nhiều lần. Hiện Tam Quốc Chí Tử Vi Lang trọn bộ được tái bản ở Hoa Kỳ, và tái bản ở trong nước. Bản in rất đẹp. Những bài Thơ vịnh nhân vật Tam Quốc trong bản dịch Tử Vi Lang rất hay. Tôi vẫn théc méc về chuyện có thể có người dịch những bài Thơ ấy cho dịch giả Tử Vi Lang, vì tôi thấy cuộc sống và con người của ông không có gì chứng tỏ ông là thi sĩ.

Bài Thơ mở đầu Tam Quốc Chí, và cũng là bài Thơ kết thúc Tam Quốc Chí, bản dịch Tử Vi Lang.

Cuồn cuộn sông dài tuôn bể Đông

Sóng xô, cát dập anh hùng.

Tàn mơ, thành bại cũng là không.

Non xanh trơ vẫn đó,

Lần lữa bóng chiều hong.

Đôi bạn ngư tiều phơi tóc bạc

Gặp nhau, gió núi, trăng sông.

Mở vò rượu đục chuyện thêm nồng.

Ngàn xưa đem kể lại

Vang mấy tiếng cười ngông!

Theo tôi, có nhiều bản dịch Tam Quốc Chí, bản Tam Quốc Chí Tử Vi Lang hay nhất, dịch nhuyễn nhất, đầy đủ nhất. Tử Vi Lang cùng gia đình anh chạy sang Mỹ trước ngày 30 tháng Tư 1975. Anh đã qua đời từ trước năm 1990.

Tôi kể vài bài Thơ dịch trong Tam Quốc Diễn Nghĩa bản dịch Tử Vi Lang. Lời Thơ dịch rất hay.

Thông minh Dương Đức Tổ

Trải mấy đời trâm anh

Dưới bút phượng rồng muá

Trong lòng hoa gấm sinh

Nói bàn hơn cử toạ

Ứng đối át quần anh

Chết uổng vì khoe giỏi

Bày chi chuyện rút binh.

Dương Đức Tổ, tên thật là Dương Tu, bị Tào Tháo giết.

Chiến thuyền Vương Tuấn xuống Đông Ngô

Vượng khí Kim Lăng phủ mịt mờ

Chông sắt nghìn tầm băng đáy nước

Cờ hàng một lá rủ thành cô

Chuyện xưa mỗi nhắc buồn man mác

Núi cũ còn in bóng nhấp nhô

Bốn bể một nhà qua giấc mộng

Rì rào bên lũy rặng lau thu

Ngọc Thứ Lang tên thật là Nguyễn Ngọc Tú, dịch giả “Bố Già – The Godfather của Mario Puzo – nhiều người đọc ca tụng bản Việt Văn “Bố Già” Ngọc Thứ Lang đọc hấp dẫn hơn nguyên tác. Ngọc Thứ Lang từ Hà Nội vào Sài Gòn khoảng năm 1950. Anh không vợ, không con, qua đời khoảng năm 1988 ở một trại cải tạo gọi là Phục Hồi Nhân Phẩm ở miền Trung.

Cao Nguyên Lang là bút danh một ký giả. Tôi không biết tên thật của ông. Ông qua đời khoảng năm 2000 trong nhà riêng của ông ở Làng Ký Giả.

 

o O o

 

Hôm nay – ngày 20 tháng 7, 2014 – khi tôi viết những dòng chữ này tất cả những ông Lang trong bài này đều đã ra người thiên cổ.

Với nỗi buồn man mác tôi kết thúc bài này.

 

Nguồn: http://hoanghaithuy.wordpress.com/2014/07/31/lang-van-lang-nghe/

Comments are closed.