Lề đời

Truyện Hà Thúc Sinh

Người con rể khẽ thở dài, nói:

“Đi lúc nào không đi, đi lúc này phiền thật”.

Anh con cả tinh tai, ngoảnh đầu hỏi:

“Mày nói gì vậy Luân?”.

Người tên Luân vội lắc đầu:

“Không!”.

Anh con thứ hai không muốn đề nghị của mình bị bỏ quên, anh nhắc lại:

“Đừng quên bố là một chánh án, quan trên trông xuống người ta trông vào, vì thế tôi đề nghị dù hoàn cảnh đang rối rắm. Mọi thứ đều phải tươm tất”.

Anh con cả gật đầu:

“Đồng ý với chú”.

Thằng út tính hay đùa, chen vào:

“Không cụ bật dậy gõ một búa có mà chết tươi cả đám”.

Anh con cả nói luôn:

“Vậy trước tiên ai lo cái thiệp báo tang đây?”.

Thằng út nói:

“Chị Luân quen cô Mùi nhà in, chị lo việc này được không?”.

Bà chị giãy lên:

“Nhà in đóng cửa cả hai tháng nay rồi. Chẳng còn thợ thuyền nào lo cho mình vụ này đâu”.

Sau cùng mọi người đồng ý dùng cái máy photocopy ở nhà để in ra mấy chục cái thiệp báo tang. Và chủ yếu báo tin qua e.mail, qua Internet.

Ông anh thứ hai bảo:

“Đừng quên quan trọng nhất là cái hòm. Ai lo chuyện này?”.

Anh con rể thấy mình thất nghiệp quá, chen vào:

“Phố mình nhờ ơn quỷ thần nào đó không mấy người chết từ đại dịch bùng phát, nhà hòm Tobia thấy mấy cái hòm trưng vẫn còn. Để em ghé hỏi và đặt tiền luôn”.

Thấy mẹ từ đầu chí cuối chỉ ngồi yên chẳng góp ý gì, anh thứ hai hỏi:

“Mẹ thấy sao?”.

“Thời buổi này còn quá loạn lạc. Các anh các chị tính thế cũng phải”.

Rồi bà đứng lên, đến trước ảnh ông vái một vái, thắp thêm cây nhang.

Đám ma ông chánh án tòa án nhân dân quận T. Đức bước đầu phân công thế là ổn. Chỉ có vấn đề pháp lý là hơi rắc rối. Lệnh chính phủ ban hành cả nước phải tuân thủ, đó là dẹp hết mọi tụ tập đám đông dù là quan hôn tang tế. Mấy tháng nay cả nước không là một cái nghĩa địa bao la đó sao? Nói dại, ông chủ tịch nước mà bỏ đi lúc này thì úi cha, cũng phiền lắm chứ chẳng chơi!

Nhưng cuộc đời biết bao luật trừ. Nhất là đám ma một ông chánh án đâu phải chuyện xoàng, chuyện thường nhật. Ông là người đẻ ra luật, ai dám nói chuyện luật với ông đây, để như thằng út của ông đã nói: “Không cụ bật dậy gõ một búa có mà chết tươi cả đám!”.

Dù sao, các con ông chạy vài cửa là xong tuốt. Hổ tử lưu bì nhân tử lưu danh là như thế. Chỉ có điều theo đề nghị của chính quyền địa phương, đám ma phải thu gọn, tránh phô trương, không rềnh ràng, tránh cảnh quan quân đầy đường, tiền hô hậu ủng, không tiệc tùng sáng trưa chiều tối…

Nói thì nói vậy, chứ đám ma ông chánh án vẫn là một hiện tượng trọng đại của thành phố. Không hiểu các con ông đào đâu ra một xe song mã để chở quan tài ông trong thời buổi đại dịch này! Trên đường phố hôm ấy im như tờ. Dân đứng hai bên đường câm như tượng đồng tượng đất nhìn theo xe ông mà chẳng ma nào đoán được họ vui hay buồn. Chỉ tiếng vó hai con ngựa gõ đều trên đường là nghe là lạ, vui tai.

Và trưa hôm đó, thật khiếp đảm, không hiểu rủ rê thế nào, ăn mày trong thành phố bu đến nhà ông dễ cả trăm người. Cái này thì ngoài dự liệu nên cả nhà ông chánh án không biết xử trí ra sao. Sau cùng họ phải vơ bèo vạt tép, thổi cơm với tất cả số gạo còn trong kho trong nhà để phát chẩn.

***

Ông Tịnh tuổi đã bảy mươi, nhưng vóc dáng nom còn khỏe. Ông cụt cả hai chân. Có người bảo ông từng bị một tai nạn xe hỏa thảm khốc làm cụt cả hai chân từ trước 1975; có người lại bảo hình như ông là một thương phế binh Việt Nam Cộng hòa. Vài năm trước đây ông còn lết trên những miếng carton đi bán vé số nhiều nơi trong vùng T. Đức. Nhưng sau một trận ốm nặng, nhất là ông lại đem Lài, cô gái cụt một tay một chân về nuôi, ông không còn bán vé số nữa mà tự cho phép mình trở thành một kẻ ăn mày… chuyên nghiệp và toàn thời!

Hai cha con có một túp lều phía sau một cái miếu gần chợ T. Đức, đường đi vào xã T. Hiệp đã có từ lâu đời. Tất cả những gì xin được trong ngày, chiều về kiểm điểm xong ông giao lại hết cho Lài. Và bàn tay còn lại của Lài vẫn đủ khéo léo cho ông một bữa cơm sốt dẻo vào mỗi buổi chiều.

Lúc rộ tin ông chánh án qua đời, ông Tịnh hơi bối rối. Và tối hôm đó ông nói chuyện với Lài khá lâu, sau cùng có dặn dò vài điều, rồi ông đi ngủ sớm.

Hôm sau ông cũng dậy thật sớm ghé qua mấy ông bạn “đồng nghiệp” hỏi han về đám ma ông chánh án và biết hôm nay các cái bang sẽ kéo về tư thất ông chánh án để ăn tiệc cúng. Đời mấy thuở có một dịp như vậy. Và thế là ông trực chỉ nhà ông chánh án không chờ ai cả.

Mùa xuân miền Nam nóng chẳng khác mùa hè. Lết một lát kiến đã cắn khắp người. Đã mấy lần ông Tịnh tấp vào lề đường nghỉ và cũng để xin nước uống. Thực thì hôm nay ông không chủ trương ăn mày, nhưng lòng trắc ẩn của con người cũng là bệnh hay lây. Đầu tiên là một bà cụ thấy mặc nâu sòng, đeo tràng hạt, chẳng biết có tu hay không, ghé đến cúi bỏ trước mặt ông một tờ tiền. Rồi nhiều người khác nối nhau làm cùng động tác ấy. Những ngày qua, con người như bị bệnh dịch chặn tay không cho tiêu tiền, và hôm nay tự nhiên họ đâm rộng rãi và không hẹn thốt nhiên ông được hưởng sự hào phóng ấy. Ông Tịnh lết tiếp với một bụng áo chứa đầy tiền. Và ông lết thẳng đến nhà ông chánh án.

Như chó mèo ngửi ra đồng loại, mới tới lề đường ông đã biết ngay quanh quất đã lảng vảng đầy đồng nghiệp, đồng chí. Và ông nhanh chóng nhập bọn với họ.

Phải xế trưa đám mới xong. Thợ thuyền nhà hòm đã trở về. Nhưng trên chiếc bàn nhỏ để quyển sổ phân ưu vẫn còn nguyên đó, và thùng tiền phúng điếu vẫn gắn chặt dưới chân bàn.

Như một khách tang đến muộn từ phương xa, ông Tịnh lết đến chiếc bàn, chồm lên cầm lấy cây bút trước sự ngạc nhiên pha bực dọc của nhiều người.

Một người bảo:

“Thằng ăn mày láo, có ai đuổi nó đi không?”.

“Đi đi! Đi đi!”.

Người ăn mày chẳng nói chẳng rằng, chỉ giơ cao khỏi đầu có mái tóc trắng phau một cọc tiền to tướng, và nhìn quanh nói lớn:

“Tôi là hạ sĩ Lê Văn Tịnh, lính cũ của quan chánh án lúc ông còn là đại úy làm quân pháp sư 9 ở Đồng Dù từ năm 1970 trong chiến khu Đ nửa thế kỷ trước”.

Nghe như thế, và nhất là lại thấy đống tiền trên tay ông to quá, không ai muốn can thiệp nữa, mà chờ xem, kể cả vợ con ông chánh án.

Và ông Tịnh thản nhiên viết vào cuốn sổ tang, như sau:

Thưa ông chánh án, tôi là Tịnh đây. Ông sống khôn thác thiêng vẫn có thể quên nhiều điều nhưng chắc không thể quên thằng Tịnh này. Thưa vâng, trên chiếc xuồng ba lá năm ấy trên sông Đốc, lọt vào ổ phục của biệt kích Mỹ, nếu tôi chỉ chậm hất ông xuống sông một tích tắc thôi thì chẳng biết được sự thể sẽ ra sao sau đó. Nhưng tôi biết chắc tôi đã ở lại cùng chiếc ghe với một khúc thân thể. Và tôi cũng chẳng biết vì đâu lính Mỹ họ lại ra tay cứu sống tôi… cho đến ngày hôm nay.

Khi ông về làm chánh án ở vùng này, thật thì cũng vài lần tôi lết qua phủ đường cứ cầu là được nhìn thấy ông một lần nhưng lính gác dữ quá, chẳng bao giờ lời cầu của tôi được trời đất nghe cho. Nhưng một lần trời đất có nghe, ấy là ngày 30 tháng Tư cách đây mười năm. Ngày Giải Phóng, ngày quy đất nước về một mối, ngày đại lễ của dân tộc. Tôi đã mặc lại áo bộ đội, và len lỏi mãi mới tới gần được ông chánh án, hãnh diện giơ tay chào ông. Nhưng thật bẽ bàng, tôi thấy ông ngoái lại mắng mấy người lính cận vệ: Sao chúng mày dám để cho lũ ăn mày què cụt mò vào tới đây?

Hôm nay tôi đến đây để xin nghiêng mình chào ông chánh án lần cuối.

Hạ sĩ Lê Văn Tịnh,

E5 F9”

Ông Tịnh trả cây bút vào chỗ cũ, ông lấy ra một tờ bạc có mệnh giá lớn nhất, vuốt lại ngay ngắn, đặt trên cuốn sổ, rồi quay lưng lết ra ngoài. Ngọn gió cuối đường thổi tới, mái tóc trắng của ông bay rũ rượi.

Những “đồng nghiệp” của ông bước ra nhìn theo nhưng chỉ thấy một chút bụi ở ngã ba đường và sau đó không còn ai trông thấy ông đâu nữa.

20-4-2020

Comments are closed.