LÂM BỒN

Truyện Ngô Quốc Phương

Ngày cuối tháng mùa mưa gió ấy, chúng tôi tìm một chiếc tàu cũ, vừa đủ cho nhóm của mình, lên đường tìm một hòn đảo mới, hay một vùng đất hứa, nơi có cuộc sống khá hơn.

Phía trước là nước, chung quanh là nước, trên trời là mây gió vần vũ.

Bao ước vọng về chân trời mới khiến chúng tôi háo hức, dù vẫn còn đôi lúc chạnh nhớ quê hương xứ sở cũ, nơi bao nhiêu năm chúng tôi, ông bà, cha mẹ, tổ tiên của chúng tôi đã sinh sống, lập nghiệp, nơi bao người đã gửi xương, vùi cốt và là nơi những đứa con, những đứa cháu của chúng tôi đã sinh ra…

Nhưng phải đi thôi, nếu chúng tôi không muốn chết hết, chết ngay khi đang sống, chết trong niềm hoang tưởng rằng sự sống ở nơi ấy là thuận duyên, là tùy duyên và vợ con lau nước mắt hàng đêm…

Nhưng đi mà để lại sau lưng bao nhiêu người còn khốn khổ, bao nhiêu cảnh cơ hàn kẹt lại, chúng tôi đi sao đành.

Vậy nhưng khi gió đã thổi, buồm đã căng, tài công bẻ lái, chúng tôi hướng về phía chân trời và làm bạn với mặt biển trong xanh.

Chỉ có lũ trẻ là mừng vui, chúng tung tăng nhảy nhót, còn người lớn, người lớn nhìn trời, ngắm hướng mây, hướng gió, rồi hướng sao, và nhìn vào những thùng chứa nhiên liệu và đồ ăn, thức uống…

Nhà tu hành không tụng kinh, ông đưa đôi mắt từ bi chia sẻ và thăm hỏi mọi người, như một dấu hiệu ban sự lành.

Luật sư đang toan tính trong đầu ông sẽ thiết lập một hệ thống luật pháp mới ra sao, nếu nơi chúng tôi đến, chưa hề có người sinh sống… hoặc là ông sẽ giúp tất cả thích nghi thế nào ở nơi mà chúng tôi có thể ở lại và nuôi nấng lũ trẻ…

Trong mồm ông lẩm nhẩm, như làm thay việc cầu kinh của nhà tu hành: tam quyền này, tam quyền này và nữa kìa, quyền thứ tư, quyền thứ năm, rồi những quyền ấy, quyền ấy nữa…

Người tài công ngẩng cao đầu, anh tiếp tục bẻ lái và cùng tổ lái nhỏ của mình vận hành con tàu.

Anh nói đoạn sắp tới rất nhiều cá mập, nhiều loài thủy quái và chúng tụ tập ngay ở nơi có xoáy nước hay đá ngầm… để chờ mồi.

Nhưng anh cũng nói với chúng tôi anh hy vọng chúng ta vượt qua và thoát khỏi, như đang thoát khỏi bàn tay của lũ quỷ ác chuyên dọa dẫm, và không chỉ dọa, chúng thực sự lột da, bóc thịt, róc xương dân lành ở nơi xứ sở ác mộng ấy…

Một xứ sở thật khủng khiếp, những người hiền, lành, những dân đen… trở nên cô độc, sợ sệt, và bọn cường bạo, bọn bạo chúa tha hồ lộng hành.

Miệng cười cười, cười cười, nhưng cả ngày, lẫn đêm, bất cứ lúc nào chúng cũng có thể đập chết tươi và ăn thịt bạn.

Hoặc bạn chết ngay, hoặc chết dần dần trong đau đớn, tù đầy, khủng bố, hay sự bao vây… và hình phạt khủng khiếp nhất là chứng kiến sự ghẻ lạnh, bàng quan đến nhẫn tâm của một số đồng loại, đồng bào, không chỉ với những tội nhân, nạn nhân đâu, mà cả với số phận của dân tộc và giang sơn…

Nhà tu hành nói, các con hãy tha thứ, tha thứ giúp con thuyền nhẹ lướt và hải trình tốt hơn…

Và chúng tôi lau nước mắt nghe ngài.

Nhà xã hội học và họa sỹ cùng các bè bạn ngồi một góc, họ đang vẽ ra viễn cảnh cho một mảnh đất mà họ gọi là hậu toàn trị, hậu độc tài.

Nhà triết học say sưa nói về lâu đài của các giá trị, người cũng không quên nói về những chiều kích chuyển động, những tiền, hậu và mô hình với bao nhiêu từ ngữ lấp lánh và như được chắp cánh di động, bay lượn trên không trung.

Họa sỹ vẽ ra bức tranh chỉ có một màu: ánh sáng, ánh sáng và ánh sáng, và bức tranh của chị không có khung, mà cũng có thể là n chiều.

Nhà thơ chêm vào đôi chữ trong bức tranh ấy, anh chua vào đấy dòng chữ tự do, thánh thiện và hy vọng…

Chúng tôi vừa ăn xong bữa ăn chính thức cuối cùng còn tương đối kha khá, trước khi bước vào một đợt khẩu phần ăn uống cắt giảm nghiêm ngặt như đã được tiên lượng và lên kế hoạch.

Và trong lúc mọi người còn đang nhấm nháp chút dư vị thèm thuồng còn lại của đồ ăn vật chất cùng tinh thần kia, thì có lệnh của tài công, trời sắp có bão, tất cả hãy chuẩn bị, nào xô nào chậu, nào các miếng vật liệu che chắn và các thứ khác được lấy ra từ những nơi được chuẩn bị.

Mặt biển im lặng như chết, từ xa một phần ba bầu trời vần vũ, chúng tôi bắt đầu ngửi thấy từ xa mùi vị khô khốc, căng thẳng của một cơn cuồng phong, của sóng biển sắp dựng thành những bức tường thép…

Và trong lúc nhiều người trong số chúng tôi còn đang thấy mình ngập chìm trong một cơn lo âu sợ hãi nào đó, thì có tiếng gào thét của sản phụ thật lớn từ một góc tàu…

Ngay sau đó là tiếng của các bà, các cô hô lớn để tất cả chúng tôi mở lối cho một cuộc lâm bồn, cuộc lâm bồn ngay giữa biển trời, thanh thiên bạch nhật, ngay trước cơn giông bão, trong mọi nỗi niềm từ lo âu, buồn khổ, tiếc nuối, tới hy vọng và cầu nguyện…

Cuộc lâm bồn trên con đường đi tới xứ sở tự do…

Kent, Anh Quốc, 12/8/2013

Comments are closed.