Truyện của Lưu Na
Chương 3
Xóa
Y tá ra dấu đến giờ dọn dẹp, mọi bịnh nhân phải ra ngoài, trừ những người còn yếu như Bố được nằm nguyên ở giường mình. Căn phòng dài có 2 dãy, mỗi dãy độ 15 giường, dành cho những người bịnh nhẹ. Bố và anh Huân nằm 2 giường sát nhau, riêng Ngà phải ngủ trên 2 ghế ghép lại vì không phải là bịnh nhân. Anh Huân bảo Ngà cứ để Bố nằm yên trên giường không cần phải trông – “Ngà ra ngoài đi vì họ dọn dẹp băng bông máu mủ dơ dáy hôi hám lắm.” Cho đến khi anh nói Ngà mới nhận ra cái mùi tanh tưởi ấy. Thấy Ngà dùng dằng, anh Huân rủ Ngà đi dạo ra mé sau nhà thương, băng qua khoảng vườn phi lao tới sát hàng rào kẽm gai nhìn ra biển.
Hai anh em bước chầm chậm như kẻ nhàn du, như thể anh Huân và Ngà đã hòa được vào sự thanh bình êm ả của cái tỉnh xa lạ này. Ngà ngoái đầu lại, thấy mình đi đã khá xa – hóa ra cái mà Ngà nghĩ là một khoảng vườn thực ra cũng rộng gần bằng vườn Bờ rô, và đất vườn không phải đất thịt mà là đất cát – tựa như đất vườn của những ngôi nhà ngoài Vũng Tàu. Vừa đi anh Huân vừa rủ rỉ kể những chuyện đi học, những ngày trước lúc lên đường, nghĩa là mới khoảng 10 ngày trước. Ngà cũng mách trước lúc lên đường Ngà bị người ta đụng xe ngã oách xuống đường, về nhà mới biết trầy một mảng thật lớn và vết trầy ấy vẫn còn chưa liền da, rất rát. Vết đau chưa lành mà cái kiếp ấy đã đoạn. Ở kiếp này đây, chỉ mới 3 ngày nơi nhà thương mà Ngà và anh Huân như đã thân từ lâu lắm.
Biển thật êm và trời thật trong, những tàn lá đong đưa nhẹ nhàng như một khúc hát mùa Xuân. Biển, khi đứng nhìn bao giờ cũng thấy lòng êm ả rộng mở, cho đến khi ở giữa trùng dương mới hay niềm vui đã nằm trong thiên tai. Bức tường nước đen cao tựa nhà lầu 2, 3 tầng như sẵn sàng phủ chụp xuống mình, xuống chiếc thuyền bé tí với đám người như kiến đen bám trên tấm lá khô chết. Lạ là bức tường nước ấy chỉ xô đẩy chứ không dập vùi cái lá khô đầy kiến, chỉ khi thành sóng thì dù chỉ là sóng cỡ 2 thước cũng đủ dập thuyền tơi tả. Những khi ấy Ngà ói tới chẳng còn gì để ói và không cất nổi mình lên khỏi cái đám lầy nhầy mới tuôn ra. Ở giây phút ấy có ai nghĩ gì không? Ngà đã nghĩ gì? Anh Huân ở đâu và Hùng ở đâu trên mảnh thuyền ấy? Ngà cũng không nhớ mình đã ngồi ở chỗ nào… Ngà quay nhìn anh Huân. Cho tới giờ Ngà mới thực sự nhìn và nói chuyện với anh, bởi lúc còn ở nhà, anh luôn lặng lẽ. Những lần Ngà đến nhà chơi chỉ thấy anh dắt xe đạp ra đi, hoặc cất xe đạp lúc trở về. Mái đầu bạc gần hết – một gien di truyền làm cho mấy anh em, anh Huân, Hùng, con Huyền, thằng Hòa, thằng Hưng… đều có tóc bạc khi chưa đến tuổi đôi mươi. Anh Huân trông như một ông cụ non, một ông cụ bẽn lẽn. Bây giờ đứng bên anh nhìn những cành cây ngả nghiêng theo gió, nghe anh nói cười những chuyện vu vơ, Ngà chợt nhận ra một sức sống tiềm ẩn trong cái mà Ngà tưởng là rụt rè, chậm chạp. Anh chỉ hơn Hùng và Ngà 3 tuổi, nhưng sự chững chạc dường vượt trội, không chỉ ở cử chỉ thong thả mà còn ở cái cách anh bảo Ngà một điều gì đó. Dường như anh cô đơn. Dường như anh cần một người bạn để tâm sự. Dường như anh thèm sống. Như nụ cây háo hức bật ra khỏi kẽ lá. Những gì anh nói tan chảy thành một sự ân cần một niềm êm ả, trôi tuột vào lòng Ngà; mái tóc bạc trên tuổi đôi mươi chợt thành một huy chương lấp lánh. Anh Huân lấp một chỗ trống bây giờ Ngà mới nhận ra: anh Đặng. Giờ này anh ở trại cải tạo nào? Bảy lăm ập tới, anh vẫn đang lênh đênh trên tuần duyên hạm. Thư anh Đặng báo đang ở trại Guam làm cả nhà mừng, chỉ riêng Má đánh hơi được sự rủi ro rình rập: anh Đặng nói buồn quá, nhớ má và các em. Má đã phán “lại gái, thằng này chết vì gái chứ xá gì Mẹ với em…” Tiên tri như thần, thư kế gửi từ trại giam Z30, rồi lằng nhằng ngày tháng thì má đi thăm nuôi ở Khánh Hòa. Anh Đặng, đã 5 năm cách xa, nhưng có lẽ từ đây không còn gặp được anh nữa. Ngà thấy như bụng bị rách một lỗ khi chợt nghĩ đến điều ấy.
Sóng vỗ rì rào. Đã đến lúc phải trở lại bịnh viện.
Bố đã ngồi dậy. Ông hỏi Ngà:
-Tụi nó có cho biết khi nào mình về Bidong?
-Dạ Cao Ủy nói hai ngày nữa – thứ Ba – tàu Black Gold mới có chuyến ra Bidong.
Từ nhà tạm cư ở Merang, Trăng-ga-nu, đúng chữ là Terrenganu, Cao Ủy đã đưa 38 người của tàu SS0682 nhập trại Bidong, chỉ riêng anh Huân bị đứt một lóng tay và Bố ói ra máu đòi vào nhà thương nên Cao ủy bảo ở lại đất liền. Chớp mắt Ngà thành thông dịch viên đi theo vì dường như đó là điều hợp lý (!) và làm cho người đi kẻ ở được an tâm.
Anh Huân không hề kêu ca gì về lóng tay bị mất dù máu vẫn không cầm, tay bắt đầu bị nhiễm trùng. Nhưng riêng Bố – bố cái đại vương – việc ói ra máu mang tiếng kêu rất to trong đám thuyền nhân thất lạc. Khi đám người cùng tàu thu vén đồ tế nhuyễn gồm dăm ba tấm áo quần giấy tờ lặt vặt để lên tàu Black Gold thì cũng đồng thời Cao Ủy đổ một nhóm thuyền nhân mới được vớt đến. Ngà chẳng có gì hơn là hai bộ quần áo nên thong thả la cà. Một cô trong nhóm mới đến hỏi Ngà:
-Tụi em có được đưa thẳng qua Mỹ không, vì đã bị hiếp trên tàu của mình?
-Hải tặc?
-Không phải, là bọn tài công đưa mình ra biển quốc tế đó. Tụi nó đã nhảy tàu về lại Việt Nam, còn bọn em thì loay hoay trôi dạt rồi được tàu vớt.
Cái chuyện bị chính tài công Việt Nam bức hiếp là chuyện khó ngờ, nhưng trên đại dương vô tận mọi chuyện dường như bị chìm theo tiếng sóng, mọi chuyện như chỉ còn là mảnh rác nổi trôi trên làn nước đen. Chỉ còn câu hỏi ngây ngô gieo vào lòng Ngà nỗi hoang mang khó tả, cái tiếng ngây ngô như đồng âm với tiếng phàn nàn bị ói ra máu phải được chữa trị…
Nơi nhà thương Ngà lại thêm một dịp ngỡ ngàng. Khi nghe Ngà lặp bặp năm ba câu tiếng Anh vớ vẩn, ông bác sĩ đứng hẳn lại. Cặp mắt xanh biếc long lanh như hai hòn bi nổi bật trên màu da hồng. Ông thong thả giải thích:
– Trên cơ thể chúng ta có những cái hạch – ở cổ, ở nách, ở háng, vân vân. Khi cơ thể bị nhiễm trùng thì những hạch đó sẽ sưng to…
Bài học “thân thể người ta có ba phần” đều đều phát ra bằng tiếng Việt, giọng Bắc đúng tiêu chuẩn làm Ngà đứng yên như cua bị ếch vồ. Sau khi được một bài giảng bằng tiếng Việt của ông bác sĩ Mỹ, Ngà còn được đón nhận một món quà. Đó là sơ của hội thiện nguyện đến thăm những thuyền nhân trong nhà thương. Sơ đã được thông báo có 3 thuyền nhân mới nên mang quà đến phát. Sơ đưa gói quần áo và ba chục đô Mã cùng những lời thăm hỏi. Ngà mừng lắm, tưởng chừng như đường tỵ nạn đang sáng hồng ở chân trời.
Ngà ôm gói quần áo vào phòng bịnh của Bố, nói lại việc sơ cho ba chục. Ông ngồi nhỏm dậy:
-Đâu, đưa đây cho Bố. Quần áo thì chờ mang về đảo cho mẹ mày và em Huyền.
Ngà chưa kịp gọi tên cảm nghĩ thì ông sửa lại,
-Con lựa mảnh nào mặc thì mặc, còn thì để dành về cho mợ với em Huyền.
Ngà đã bước ra ngoài hành lang trong cảm giác hụt hẫng. Một bước chân ra khỏi gia đình quả đường đời muôn vạn nẻo gập ghềnh, và chút tình thân tìm được với anh Huân trở thành một món quà êm đềm vô giá mà Ngà mang theo trong lòng cho tới mãi về sau.
***
Sau 3 giờ sóng gió tàu Black Gold cập vào cầu Ghét Ty. Ngà rời tàu xuống cầu người vẫn chơi vơi chao đảo như đang ở trên thuyền giữa sóng sâu, phải vịn vào thành cầu bước lần tới. Lố nhố người đứng ở bãi cát nơi đầu cầu mong nhận ra người thân quen những khi tàu đưa người mới vớt đến đảo. Vì chỉ có ba người mới đến, dân chúng đã tản mác nhanh chóng, Hùng đón Ngà rồi xin với trật tự cho theo vào phòng hành chánh làm thủ tục nhập trại.
Đảo, chỉ toàn đồi đất gập ghềnh. Lều của gia đình Hùng ở khu F, nơi ít người muốn ở vì một bên là ghềnh đá cheo leo xuống biển, một bên là đồi cao còn được gọi là đồi tôn giáo với nhà thờ ngự trên đỉnh và chùa ở dốc kế bên. Chỉ mới sáu tháng trước dân số trên đảo lên đến bốn mươi ngàn người, và năm trước có những căn lều được người đi định cư bán lại với giá vài chục cây vàng. Đó là những căn lều dù chỉ bằng cây đốn trên rừng và ván tàu ghép lại cùng với những tấm bạt nhưng đắt giá vì ở khu C nơi buôn bán, hay khu B hội trường, gần khu A là dãy nhà tôn cho nhân viên Cao Ủy và phái đoàn các nước cư ngụ – cả ba khu A, B, C đều trên đất bằng.
Ngà leo cái thang gỗ nhỏ chỉ độ 4 bực lên sàn lều, mợ Hùng đón Ngà bằng một cái vuốt má:
-Bố con mày về rồi, Mợ đỡ thắc mắc. Thằng Huân, coi bộ mày ốm quá con ạ…
-Con không sao, mợ.
Nếu Hùng là con trai yêu của ông thì anh Huân là con trai yêu của bà. Bà chỉ xuống cuối lều, bảo Ngà:
-Có cơm ở dưới bếp, con có ăn thì dọn cho Bố với Huân ăn luôn thể.
Cả ba người cùng đáp thôi. Nhưng Ngà vẫn xuống bếp nhìn ngó bởi tất cả mọi thứ trên đảo đều từ trên trời rơi xuống mà Ngà không bao giờ có thể tưởng nghĩ dẫu dùng hết hai mươi năm tuổi đời. Bếp thông ra một cái chái nhỏ bên hông, như cái đuôi của chữ L. Từ chái có lối đi lài lài theo dốc, độ phần tư vòng tròn thì đến thang vào cửa chính của lều. Ngà bắt gặp thằng Hòa đang theo lối dốc vào lều. Thấy Ngà nó cười toe. Hòa vui tính và Hưng rất láu cá phá phách, Huyền khó chịu lầm lì như Hùng, và anh Huân luôn âm thầm như một chiếc bóng. Trong tất cả những đứa con dường như chỉ có Huyền thỉnh thoảng nói chuyện qua lại cùng ông.
Hùng dắt Ngà lên gác, chỗ ngủ của tất cả anh em, trừ thằng Hòa – nó thường xuyên ngủ ở ban Trật tự dưới khu B. Để gói quần áo xuống, cái gói của sơ cho, Ngà không còn sức để đi tắm. Ngà lăn ra ngủ, mãi đến gần 7 giờ tối mới thức khi Mợ gọi xuống ăn cơm.
***
Buổi sáng ở đảo bắt đầu với tiếng loa. Ngà ngạc nhiên khi nhận ra nỗi quen thuộc ấy, tiếng loa như thể Ngà còn ở cái phường 24 quận 3 Trương minh Giảng. Ngà nằm trên gác, lắng nghe những tiếng động quanh mình. Bên dưới, ông đang nói chuyện rù rì với bà. Lác đác tiếng người đi bộ lạt sạt qua dốc, gọi chào thăm hỏi. Ngà đứng dậy xếp gọn chiếu gối, nhìn qua cửa sổ ngó chung quanh và xéo xuống bên dưới. Anh Huân ngồi hút thuốc ở chái, Hùng ngồi chơi bên cạnh, con Huyền đầu tóc ướt rượt tay cầm xô tay cắp quần áo trở về lều – có lẽ nó vừa tắm ở phòng tắm cuối dốc, chỉ cách lều độ mươi thước, sau một khúc quanh. Ngà lui lại ngắm cái cửa sổ. Gọi là cửa nhưng làm gì có cửa vì lều bằng những tấm bạt ny lông tựa vải bao cát nhưng là loại dày mưa không qua lọt. Cửa cái cửa sổ đều chỉ là khoảng vách cắt chữ nhật theo kích thước, luồn vào đáy một đòn gỗ nó trở thành tấm mành, khi mở thì quấn lên rồi móc vào dây đóng sẵn nơi nẹp bên trên.
Hùng dắt Ngà đi tắm, tới cái chỗ khi nãy con Huyền cắp xô trở về. Hóa ra nước ăn thì đi lãnh vào can, còn nước tắm thì các anh thanh niên kéo từ giếng đào, hứng từ vòi, vác về đổ vào những can chứa nước nơi lều. Can chứa nước tắm thực ra cũng chỉ là những bao vải cát loại làm lều, trong lót ny lông để giữ nước. Ngà đứng trong cái lều một thước vuông, xối những gáo nước lạnh lên đầu và cúi nhìn dòng nước biến qua các khe của cái nền bằng cây ghép lại, lòng nhác một mối sợ hãi: không biết có con gì chui lên không. Lóng ngóng, Ngà làm rơi ca nước và nhận ra mình chỉ còn nửa xô nước để tắm gội. Kiếp trước Ngà vẫn còn tắm trong phòng tắm bằng gạch ô vuông trắng, nước hứng vào bể con từ ống nước chuyền dọc góc tường nối rô bi nê. Kiếp này bắt đầu lại ở cái chỗ không biết gọi là gì, hay mình đang tiến dần về thời ăn lông ở lỗ?
Hùng bắt đầu dẫn Ngà đi vòng vòng nơi các khu chính để biết chỗ sinh hoạt. Dù bỡ ngỡ, Ngà thấy dường như mọi sự đều đương nhiên với người dân ở đảo. Không ai lộ vẻ gì ngạc nhiên hay phiền bực với cuộc sống như thổ dân ở nơi đây. Có lẽ câu hỏi duy nhất chiếm ngự đầu óc mọi người là khi nào có tên trên danh sách định cư.
Có tiếng loa báo tàu Blach Gold sắp đưa người mới đến đảo. Mỗi tháng tàu có một chuyến mang thực phẩm và nước uống ra đảo cho dân tị nạn, nhưng nếu có người mới vớt hay có Cao Ủy và phái đoàn các nước đến phỏng vấn làm hồ sơ thì không nhất thiết phải chờ đủ tháng.
Ngà và Hùng len vào đám đông lố nhố đợi chờ. Hai đứa gặp những người bạn của Hùng vừa tìm thấy: thằng Tuấn phát xít mắt một mí, thằng Thanh khùng còn được em gái gọi là thằng Kìn. Ba anh vỗ vai nhau cười tít mắt. Thằng Tuấn nhỏ nhẹ hỏi Ngà có ngủ được không, có đủ quần áo mặc. Câu hỏi của nó nhắc Ngà cái bịch quần áo mà sơ cho ở nhà thương Trăng-ga-nu. Ngà đã giao trọn gói quần áo cho Mợ, mợ đưa cho con Huyền, hôm sau nó đưa lại cho Ngà sau khi đã chọn những món mà nó thích. Ngà lấy một tấm áo khoác màu be và trả lại gói quần áo cho mợ. Nếu muốn, Ngà đã ỉm luôn số bạc 30 đồng sơ cho, và nếu muốn, Ngà đã có thể lựa tấm quần áo tốt nhất trong bọc đó trước khi báo với Bố… So với ân huệ mang Ngà đi, cho Ngà một tương lai một cuộc đời mới, thì những chuyện eo sèo ấy không xứng được như làn gió thoảng làm lay nhẹ nhánh cây – nhưng Ngà không gạt được cảm nghĩ mình đã là một công dân hạng nhì trong gia đình của Hùng. Ngà không biết mình quá tự ái, mình mặc cảm, hay chính bố cái đại vương đang lên ngôi trên những ân huệ đã ban, hay là tất cả mọi điều. Chỉ là một hình ảnh quá thật hiện ra một cách đột ngột khơi một nỗi buồn không tên len vào lòng Ngà.
***
“Danh sách thư tín: Nguyễn văn… tàu …, Vũ thị… tàu SS0682, …” Tiếng loa vang vang trên đảo như đánh thức như kêu réo mọi người. Ngà hấp tấp chạy xuống sàn đi nhận thư.
Những ngày tàu Black Gold vào cả đảo chộn rộn hẳn lên. Bên cạnh việc đi xếp hàng lãnh thực phẩm và nước uống, cái mọi người mong chờ nhất là thư. Ngà cầm lá thư của Má mà thấy tay mình run một niềm xúc động – Má và gia đình đã nhận được tin của Ngà đến đảo bình an. Gia đình của Hùng cũng nhận được thư của các cô bên Mỹ. Những người có thư dù không nói gì cũng nghe như rộn rã ầm ĩ, và những người không thân nhân hay không có thư thì im lặng buồn rầu như những đứa học trò bị phạt cấm túc cuối tuần. Ngà bồi hồi mở lá thư. Mợ bảo Ngà đọc to cho cả nhà cùng nghe. “… Mẹ về đến đầu ngõ như linh tính một sự lỡ làng, mẹ ngơ ngác tìm quanh mà chẳng thấy bóng dáng con. Mẹ vào nhà và biết rằng con vừa mới ra khỏi nhà, nhưng đã không kịp – đầu hẻm Vạn Hạnh chỉ toàn bóng xe cộ nhạt nhòa…” Ngà không đọc hết được những hàng chữ đó dù đã cố ghìm tiếng khóc. Những giọt nước mắt làm hàng chữ trở nên loạng quạng trước mắt, và cổ họng Ngà không ngừng bóp thắt khiến âm thanh không phát trọn nên câu. Má, má, con không còn bao giờ gặp lại Má nữa sao?
Ngà lên gác ngồi một mình. Có lẽ đây là lần đầu tiên Ngà không kìm giữ được cảm xúc trước người lạ. Người lạ, đây là những người đón Ngà vào chung chịu hiểm nguy đi tìm tương lai. Đây là những người Ngà mới cùng qua sống chết. Đây là thế giới mới mà Ngà đã bước vào thay đổi một cuộc đời. Vậy mà giây phút cố kìm nước mắt cố giữ tiếng nói thăng bằng Ngà không nghĩ gì hơn là không thể biểu lộ bởi đó là người lạ. Bắt gặp ý nghĩ của mình vào lúc không ngờ nhất làm Ngà ngồi chôn chân thật lâu mà không biết giải thích ra sao cái cảm giác ấy.
Đã đến giờ làm cơm chiều, Ngà nghe mợ lục đục nhóm bếp nên vội xuống phụ vo gạo nấu cơm. Gạo ở đảo ê hề, từng gói cỡ vài ký trong bọc ny lông có nhiều khi chẳng buồn mở ra, lấy vải bao lại làm gối đầu!!! Mợ là người đàn bà dễ mến và tháo vát. Đằng sau bộ vó và cách nói chuyện nhà quê là một sự khôn ngoan và một óc hài hước. Mỗi ngày bà đi xuống chợ hoặc qua lại thăm những “nhà.” Nhà Chung có 4 thằng con trai phá như quỷ mà mụ ấy thì cứ sáng ra đi lòng vòng hết cả buổi vẫn chưa xong thức ăn sáng. Nhà Thảo ở khu G có lò xay bột, mợ đem gạo đi đổi bột về tráng bánh cuốn cho cả nhà đây. Hôm nay mợ ra bãi mua cá gặp nhà Đài đi câu về có đưa mấy con, nấu canh chua bằng bột cam ăn cũng được… Cứ như vậy, đời sống của cả gia đình nhờ cái nhà quê lằng nhằng ấy lại được no đủ.
Ngà đứng nấu canh trong bếp, mợ ngồi xuống sàn gỗ cây cách vài bước.
-Hôm nay con Hà thằng Hoan lên kiện cáo.
-Chị Hà nói sao ạ?
-Nó mách thằng Hòa lấy của nó tấm tăng nó để dành phòng khi mưa thì che.
-Thằng Hòa nhà mình có nói gì không mợ?
-Nó bảo là mưa chưa tới, bả cất không trong khi con cần để che lều của con.
-Rồi mợ nói sao?
-Tao chả biết nói sao.
Ngà cũng không biết nói sao. Đâu thể vì mình cần thì lấy của người ta, cái thằng Hòa thiệt là ngang, không biết có phải nó cậy gia đình cho chị Hà đi “chùa” thì nó được quyền làm ẩu. Nhưng chị Hà thằng Hoan cũng hay. Chị nhờ chơi thân với con Huyền mà bố cái đại vương cho đi theo vì sợ con Huyền không có bạn. Chị xin cho cả thằng Hoan thằng Huân đi chung. Ông bà cũng ừ, nhưng rồi bỏ lại thằng Huân chỉ bốc chị Hà với thằng Hoan. Lên tới đảo là nói liền, trách cứ ông bà không giữ lời, trong khi anh Phú ngậm bồ hòn làm ngọt vì xin cho chị Thư được đi chung mà ông bà không cho, và anh Giang thì có vẻ vênh váo vì đã mang được chị Thúy theo – “đi hôi.” Lúc bốc bãi có mau mà tẩu thoát chứ cãi vả gì, còn bây giờ có nói gì thì cũng đã xong rồi nên ông bà chẳng buồn nói. Ngà nhìn bấy nhiêu chuyện của tàu mình và tưởng nghĩ đến muôn vạn chuyện nghe được từ ngày lên đảo. Lên tới đảo, một sống trăm chết nên gặp lại người quen như bắt được vàng – tha hương ngộ cố tri, bao oán thù cũ theo cái tang thương mà trôi tuột ra biển. Thù có thể trở nên thân nhưng cũng đồng lúc, những dây dưa của chuyện vượt biên biến người thân thành kẻ lừa gạt, anh hùng ra tiểu nhân, và kẻ tiểu nhân thì hãnh diện đã đem được mình vượt thoát, vân vân…
Nắng chiều hắt lên những tấm lều gập ghềnh lô nhô, rớt trên những lối đất lỗ chỗ mốc thếch, lên những con người quắt queo tàn tạ sau khi đã qua một cuộc hồng thủy. Cả đảo chỉ là một túm mốc thếch như đất, chờ đợi thế giới bên ngoài đoái thương, và những thứ tự ưu tiên để được nhận định cư bỗng chốc như trò gạt trẻ, những phân loại cợt đùa dành cho những người ăn xin khốn khổ. Ngà mơ hồ nghĩ, hốt rác, diện hốt rác, thực ra tất cả cư dân trên đảo chỉ đều thuộc diện hốt rác trước mắt cao ủy. Ý nghĩ lan man làm Ngà thấy buồn thảm, và nước mắt chợt dâng khi Ngà nhớ tới lá thư của Má lúc sáng, nhớ tới tình cảnh bơ vơ của mình trên bước mất quê hương.
***
Lớp Anh văn của thầy Tấn thật sôi nổi. Thầy dậy những câu Anh văn đối thoại chứ không dậy theo bài bản ngữ vựng văn phạm. Thầy kể những câu chuyện thông dịch, những cuộc họp hành báo chí ở phủ Tổng thống, đính kèm những câu Anh văn dùng trong công việc. Thầy chấm dứt bài giảng bằng câu nói “tiến sĩ Anh văn cũng chưa chắc giỏi bằng những thông dịch viên báo chí…” với nét mặt hơi có nhâng nháo làm sao ấy. Đâu đó trong tuần còn có lớp Anh văn của giáo sư Nguyễn đình Hòa, nghe đâu có bằng tiến sĩ, dậy và soạn sách học tiếng Anh. Cho dù không thích câu nói đó của thầy Tấn, sự thật thì cái vốn liếng tiếng Anh học đối mặt với thầy Hòa năm trước vẫn biến Ngà thành kẻ hữu dụng trước những ông anh trung úy không quân hay các anh chị sinh viên đại học của tàu mình. Ngà chợt nhớ tới anh Quý, hình như cũng là Không quân. Hình ảnh một người đàn ông gầy gò ít lời như đậm thêm với chút nét buồn man mác khi anh gọi 6 đứa con gái nhỏ tụi Ngà – chẳng thấy các bà các chị– đến và bảo:
-Trưởng đồn muốn khám xét mọi người. Các em hãy coi anh như anh mà đừng mắc cỡ gì.
Ngà chưa kịp hiểu tại sao anh bảo đừng mắc cỡ, thì cả bọn đã bước vào ba rắc dài và trống, chỉ có một người lính Mã lai trong quân phục đang ngồi trên một cái ghế dựa tay vịn khẩu súng dài chống xuống đất. Anh Quý dắt bọn Ngà đến cuối phòng bảo cả lũ cởi hết quần áo. Lần lượt bọn Ngà phải đứng trình diện gã trưởng đồn Mã Lai. Ngà không dám nhìn vào mắt hắn, nhưng rõ ràng là hắn chỉ ngắm nghía săm soi chứ không đụng đến một chân tơ kẽ tóc của ai. Từ lúc anh Quý gom bọn Ngà lại đến lúc đó, Ngà chỉ lẳng lặng làm theo mọi điều khiển của anh Quý và thoáng trong đầu ý nghĩ “trước sau gì cũng tới,” nhưng chả biết phản ứng gì tựa lúc hải tặc nhảy lên tàu.
Chỉ một tiếng hô “hải tặc,” anh Nghé nhảy ùm xuống biển lặn mất. Lũ con gái rú lên hốt hoảng chưa hết một hơi thì những bóng người nâu nâu mập mạp nhễ nhại đã tràn vào khoang, xuống hầm lục xoát. Ngà sợ đến nỗi không nghĩ được gì cả. Ai bảo niệm Phật gọi Chúa, ai bảo cầu kinh lần hạt, Ngà chỉ biết nỗi sợ làm đầu óc Ngà tê liệt, chỉ biết cúi gầm mặt vào hai đầu gối. Nhưng ơ hơ, chưa đầy 5 phút mà bọn họ đã biến mất, sàn tàu cũng chỉ 5 phút đã như rác rưởi bụi bờ. Anh Nghé loi ngoi nhảy lên. Cả tàu nhìn nhau ánh mắt hoang mang như những cái giếng sâu bị gàu ném xuống làm vẩn đục. “Hải tặc!!!” Lại một tiếng kêu, lại một toán nâu mập nhảy lên tàu. Ngà thoáng thấy một ánh mã tấu đen phạt ngang, một bóng người rớt xuống biển, và một tiếng kêu thất thanh. Nhưng xao xác cũng chỉ năm ba phút rồi lũ người nhà trời kia biến mất. Cả tàu chẳng còn ai nhìn ai tìm ai – dường như chẳng ai nhớ tới họ hàng thân thuộc cha mẹ vợ chồng con cái anh em…. Anh Huân ngoi lên, một bàn tay ướt máu. Hình như hải tặc huơ mã tấu phạt trúng bàn tay anh Huân, nhưng anh ngã ngửa kịp thời lộn xuống biển nên chỉ đứt mất một lóng. Bố không biết từ xó nào chợt lên tiếng: “mẹ mày đâu, con Huyền con Ngà đâu?”
Độ nửa tiếng sau thì thấy đất liền. Ôm can bơi vào, bị xua ra, vất vả ngược nước mãi rồi anh Nghé mới lên được ghe. Lại đi xuôi theo bờ. Lần thứ hai tài công Nghé và Đức ôm can bơi vào xin xóm làng cho cặp bờ thì được chấp thuận – đó là đồn lính Mã lai. Họ quây người trên tàu lại, bắt ngồi xuống đất và họ đứng bao quanh súng ống lên đạn lách cách như mưa rào. Trưởng đồn quát tháo nạt nộ cái gì chả ai hiểu được, và ai đã ra nói gì với trưởng đồn Ngà cũng không hay. Ngà vẫn chỉ úp mặt xuống hai đầu gối. Nhưng Ngà nhận ra trong đám quân nhân có một anh lính trẻ người da đen, và thầm ngạc nhiên mà không hiểu vì sao mình lại ngạc nhiên. Nối với ngạc nhiên, chiều hôm sau có tin là đã liên lạc được với Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp quốc. Tất cả những việc ấy chập chồng lên trước khi có thể nghĩ suy. Ngà chưa kịp biết anh Quý là ai có vai trò gì những giây phút đầu tiên ấy thì anh đã biến mất vào đám đông tị nạn khi lên đảo. Ngà tới Bi Đông không hề nhớ đến cái tên ấy, khuôn mặt ấy, cho đến bây giờ, khi ngồi nơi lớp học thầy Tấn. Nhớ ra anh Quý, Ngà biết ra mình không phải là thông dịch viên đầu tiên của tàu mình, và anh Quý với sự im lặng nhạt mờ mệt mỏi đã thật sự mất dạng như một ánh sao không tên.
Ngà theo mọi người ra khỏi lớp rồi ghé bịnh viện Sick Bay ghi tên xin được khám bệnh.
Hôm nay bác sĩ Sơn, trưởng trại, ngồi nhận bệnh. Y tá gọi tên Ngà rồi trở vào ngồi bàn kế bên bác sĩ. Phòng khám không có cửa, chỉ có vách ngăn với bên ngoài, bác sĩ nghiêm nghị khắc khổ nhưng Ngà thấy dễ chịu với cách hỏi bệnh thong thả và chừng mực của ông. Ông viết giấy cho Ngà một ít trụ sinh, và dặn dò Ngà cách uống. Từ phòng khám bệnh, Ngà đi qua phòng phát thuốc nộp giấy rồi lại ngồi chờ đến phiên mình.
Sinh hoạt ở đây dường như rập khuôn với sinh hoạt của kiếp trước, cái kiếp bị giải phóng, nhưng Ngà không thấy khó chịu, chẳng phải vì đã quen. Đây là một đảo trống, khi làm trại tỵ nạn thì đời sống khởi từ đồi khô đá sỏi dựng nên, và dù ăn lông ở lỗ thế nào chăng nữa mọi người đều sẽ rời đảo đến nước thứ ba để định cư, nghĩa là có tương lai, có hy vọng, chả như cái chuyện người ta kéo cuộc sống của mình từ chỗ có văn hóa quay về sống đời man dã không tương lai chỉ vì cái mục đích tiến lên xã hội chủ nghĩa vớ vẩn gì đó, tiến tới – hay đúng hơn là quay về– cái chuyện phân chia giai cấp dưới một hình thức khác, và ai cũng phải nói dối.
Không biết trưởng trại và ban điều hành đã được bầu ra theo thể thức nào, nhưng có thể đoán rằng khi thành lập trại thì Cao Ủy cần người giúp tổ chức đời sống cũng như việc hành chánh, và đương nhiên những người có học, có kinh nghiệm hành chánh quản trị, những quân nhân đã từng điều quân trận mạc phải là những ứng viên được mau chóng chấp nhận. Dân tị nạn trên đảo, các thanh niên đều phải ghi tên vào một ban nào đó mà làm công tác chung, phần nhiều ở ban vệ sinh rồi mới đến ban trật tự, ban y tế, ban thông tin văn hóa, ban thông dịch, và ban giáo dục. Hùng đã xin dậy Anh văn cho lũ trẻ nhỏ, anh Huân chỉ làm công tác vệ sinh mỗi khi đến phiên, còn Thằng Hòa vào ban trật tự đi từ sáng đến tối. Một bước lên bờ hoang mà ai nấy đều thành thuộc với trật tự xã hội, dù là một xã hội chưa hề có thể tưởng tượng ra. Ngà cảm phục những người đã có công thiết lập trật tự nơi đây, lòng thầm tri ơn những người đã góp công để một cuộc sống dù tạm bợ cũng được ngăn nắp và chu đáo. Tự thân Ngà cũng hãnh diện.
Có tiếng con Huyền đọc “Bài tiễn đưa lần thứ…” Nó làm Ngà ngạc nhiên nhất, và thầm trong lòng, Ngà ghen với cái bạo dạn của nó. Giọng nó thật tốt nên sau khi lập bập đọc tin thử giọng rồi được nhận nó đã mau chóng trở thành người đọc bài tiễn đưa mỗi khi có chuyến rời đảo đi định cư, cũng như đọc lời dẫn trong những chương trình nhạc chủ đề buổi tối do trưởng ban văn hóa soạn. Nhạc điệu quen thuộc trỗi lên, Khánh Ly với bài Biển Nhớ, rồi những lời thiết tha từ giã rất văn hoa cảm động, luôn kết thúc với câu “hỡi đồng bào.. yêu dấu…của…tôi ơi.” Ngà ngó ra biển, ngó ra cầu Jét ty với hàng người chầm chậm nối đuôi lên tàu và đám đông bu quanh đưa tiễn. Trong nắng lóa của đảo, bặt âm thanh vì đứng khá xa, Ngà thấy hàng người tay xách nách mang lóa trắng như những bóng ma. Coi như đã xong chén cháo lú, họ đang qua cầu Nại Hà để đầu thai kiếp khác.
Ngà rảo bước ngang hội trường. Phải tuần sau mới bắt đầu danh sách phỏng vấn và tái phỏng vấn, Ngà đi ngang chỉ để tiếc nuối một cơ hội, thấy đời mình bắt đầu bị ràng buộc, và đây chỉ mới là bước lỡ làng đầu tiên dù đó là do Ngà tự nguyện: Hùng không muốn Ngà làm thông dịch viên dù Ngà đã thi đậu Anh văn i tờ và được nhận vào làm cho phái đoàn Mỹ. Ha, phái đoàn Mỹ, cái gì dính tới Mỹ đều xịn cả. Người ta đi định cư cũng muốn được đi Mỹ, có nhiều người không có ưu tiên được Mỹ nhận cũng ráng chờ cho dù phái đoàn các nước khác bằng lòng nhận họ. Những nước như Canada, Hòa Lan, Bỉ, Na Uy, nhận tị nạn rất dễ dàng, nhưng dân tị nạn sợ xứ lạnh thì đành, những nước như Pháp Đức cũng chỉ là hạng thứ 3, sau Úc. Tiếng đồn Úc đất rộng rất muốn thêm dân, nhưng nếu được đi Mỹ vẫn hơn – vậy cứ ở diện hốt rác cỡ 18 tháng là nhiều (!), rồi Mỹ cũng nhận thôi. Trong cái điều như đương nhiên ấy, Ngà tự hỏi phận mình sẽ ra sao. Không biết nắng nung người hay Ngà đang sốt, muốn đi tiếp qua khu C mà Ngà đành trở về lều.
***
Trời tối thật nhanh, mới ghé vào lều của thằng Kìn, vừa nhen xong được bếp lửa nấu nồi chè thì đã không còn nhìn rõ mặt nhau. Ánh lửa bập bùng reo trong mắt – bè bạn trôi giạt mà gặp được nhau nơi chỗ không còn ai thì quí, quí hơn nữa là có tiền tiếp tế để lên nồi chè, nướng ổ bánh. Trứng dầu đường đậu, dễ, chỉ không được ăn thịt tươi, nhất là Mã lai cấm ăn thịt heo. Cả đảo cứ hễ pạc ty là chè cháo bánh bông lang. Thằng Tuấn phát xít ngập ngừng đến bên Ngà.
-Tuấn có mang cái áo len cho Ngà, Ngà cứ xem Tuấn như bạn đừng ngại.
-Cám ơn Tuấn nhen.
Ngà cầm tấm áo len, dâng trong lòng nỗi ấm áp dù không thích cái màu vàng đất ấy. Món quà chủ ý dành cho mình dù không đáng gì vẫn quí hơn tấm áo khoác lựa lại ngày mới cập bờ. Tuấn phát xít đã qua ngồi kế bên Thanh. Tuấn không những hiền mà còn hay bẽn lẽn chứ không bạo dạn như Thanh. Có tiếng con Loan gọi Thanh:
-Kìn, mày phụ tao bưng nồi chè qua bếp lớn để lấy cái bếp này nướng bánh.
Tức cười, nó mày tao với anh nó – thằng Thanh– nhưng vẫn lễ độ anh em chị em với bọn Ngà, Hùng, Tuấn phát xít, và thằng Hạnh, bạn mới quen. Hạnh bắt đầu dạo đàn hát những bài của Lê Uyên Phương. Nó mặn mà cặp này lắm, lúc nào cũng mở đầu bằng cái câu “giờ này còn cầm tay …” cứ y như là Biển Nhớ mỗi lần có chuyến rời đảo đi định cư. Mùi bánh bông lang đã thơm lừng, Thanh đặt ấm nước để lát pha trà. Cả bọn ngồi quanh đống lửa ăn bánh, háo hức chờ nghe buổi gặp mặt riêng giữa Thanh với cao ủy Alias. Ông này người Ấn (hễ mày rậm mi cong mắt to mũi cao da ngăm đen thì là Ấn !), là ủy viên của Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp quốc, thường theo tàu Black Gold ra đảo phụ trách việc hành chánh, chuyển thư và lo liệu đời sống cho dân tị nạn, rất được tiếng đàng hoàng và được lòng dân trên đảo. Thanh nói ông làm cao ủy đã 2 năm nay, các cao ủy khác trước ông đều chỉ làm 1 năm hay 6 tháng là rút.
-Tao nghe loa gọi lên văn phòng cao ủy là biết có thư của ông già. Tao vô, ổng kêu ngồi xuống, đưa lá thư biểu tao đọc ngay tại chỗ. Ông già tao nói có gửi kèm một lá thư cho Alias, và có nhờ Alias chuyển cho tao 300 đô kẹp giữa 2 tấm post card dán đâu lưng.
-Mà có tiền hông? Cả bọn nhao nhao hỏi.
-Ổng chờ tao đọc thư xong, đưa cái post card ra, biểu tao gỡ xem. Tao gỡ ra, có 300, ổng gật đầu.
-Ông này hay thiệt.
-Ừa, ba tao đã nhờ ổng chuyển tiền mấy lần rồi. Ba tao nói trong thư với ổng là gửi tiền trong thư vô đảo dễ bị mất.
Cả bọn lại tiếp tục ăn chè, đàn hát đã đời. Hình như đứa nào cũng thèm thuồng được tiếp tế như Thanh và đứa nào cũng ngán không muốn lâm vào cảnh của Thanh và Loan. Tuy gửi tiền và thư cho 2 con đều đặn, việc ông bảo lãnh Thanh và Loan đã gặp trở ngại vì ông đã chính thức lấy bà khác ở Mỹ nhưng hôn thú với bà mẹ của Thanh vẫn còn nguyên. Nào ai nghĩ đến được cái chuyện rắc rối này, Thanh và Loan thuộc ưu tiên một – có thân nhân ruột thịt bên Mỹ– nay trở thành phó hốt rác, vì hồ sơ bị giam cho đến khi Ba của Thanh điều chỉnh (nghĩa là ly dị bớt một bà vợ dù chỉ là tạm bợ). Thằng Thanh ai oán lắm, nó đã ở đảo 2 năm, những người lên đảo cùng thời gian không thân nhân chỉ chờ được nhận theo tiêu chuẩn nhân đạo cũng đều đã đi định cư; cả lũ vui vầy với nó chứ không đứa nào dám hỏi han cái chuyện hồ sơ. Khi lửa bắt đầu tàn thì cả bọn cùng đứng lên cáo từ. Thằng Hạnh hân hoan hò hẹn buổi gặp mặt kế tiếp dù chỉ mới quen Hùng và Ngà, riêng thằng Tuấn chỉ nhẹ nhàng từ giã nhưng Ngà cảm thấy nét mặt nó có chút gì quyến luyến 2 đứa, không muốn đứng lên. Cảm thì cảm vậy, Ngà không nói ý nghĩ đó với Hùng, và mơ hồ thấy như mình và Hùng – 2 mảnh bèo– đang từ từ giạt khỏi nhau, độ một mi li mét mỗi ngày nên chả ai nhận biết cho đến khi một cái gì đó không rõ ràng ngáng trong tâm tư… Không chỉ riêng Ngà với Hùng mà còn bao nhiêu người vượt biên, tất cả đều như những mảnh ván ghép lại nên thuyền, rồi khi nước sông con đổ thuyền ra biển cả thì keo hồ tan rã chỉ còn là những tấm ván xác xơ dập dềnh trên sóng, biết mảnh nào níu kéo được mảnh nào.
Ngà và Hùng về đến lều của mình thì buồn ngủ rũ mắt, nhưng nằm xuống giường là Ngà bắt đầu hồi hộp và chỉ nằm yên được trong đêm vắng khi Hùng đã ngủ say. Dưới ghềnh, tiếng sóng bủa vào nghe rào rạt như bất tận rồi khi im sóng thì tiếng nước vỗ nhè nhẹ, lạch bạch vào những khối đá to nghe như tiếng vốc nước rửa chân từ nơi một con suối xa xăm. Đêm im quá, Ngà tưởng mình nghe được cả tiếng bong bóng nước vỡ lộp bộp lao xao. Đêm trên đảo thật thanh bình. Bóng đêm nơi đây thật trong trắng. Nếu có ai bảo đêm đen chứa đầy tội lỗi có lẽ Ngà sẽ bảo rằng chính lũ người vượt biên như Ngà đã mang theo những tai ương đổ xuống vai mình đến đảo, để chốn hoang sơ phải chứa đựng những thảm sầu. Biển, biển cũng bị vấy thảm sầu. Mấy ngày trước tàu Black Gold mang ra đảo một thuyền nhân, người duy nhất sống sót trên chuyến vượt biên gồm 150 mạng. Ngà cầu sao người cuối cùng ấy qua được từng đêm kinh hoàng mà sống, mỗi người tị nạn tới đảo đều phải sống, để với thời gian họ và Ngà sẽ như những con chim mang hạt dưa lịch sử tới vườn cho An Tiêm gieo lại cây đời. Sự sống, mỗi sự sống đều bao gồm tai ương khổ đau hạnh phúc lúc biến lúc hiện, mà thuyền nhân là mặt hiển lộ của cái mình quen gọi là bất hạnh.
Tiếng loa bất chợt cào đêm vắng. “Có một ca sinh khó cần được tiếp máu, đồng bào muốn hiến máu xin đến bịnh viện Sick Bay.” Ngà ngồi nhổm dậy, ngó chung quanh. Thằng Hưng đã hăm hở nói “mợ, con đi Sich Bay.” Thấy Ngà nhìn, nó rủ rê Ngà cho có đồng minh, Ngà cũng gật. Hai đứa lò dò xuống tới Sick Bay thì đã thấy lố nhố một đám đông xếp hàng, đèn tuýp của bịnh viện sáng trưng. Ngà ngạc nhiên trước sự sốt sắng của mọi người. Dẫu hiểu thế nào là làm việc thiện nguyện, dẫu Ngà tin mình cũng có lòng nhân, dường như Ngà chưa bao giờ được dạy dỗ cụ thể cách để đến với người. Bài học bác ái nơi trường chỉ là sách vở, lời Ba Má nói ở nhà chỉ là những khuyên dạy đạo đức lý thuyết. Cái răn đe “ăn cơm nhà vác ngà voi” lại như một bức trường thành bao bọc cuộc sống của Ngà. Đó có phải là một điều thiếu sót? Nhân viên nhà thương báo đã tìm được người có loại máu thích hợp, mọi người vẫn nán lại trò chuyện đợi chờ vẩn vơ. Ngà đứng đó mà lòng bâng khuâng, một bước xa nhà là một bước ngỡ ngàng – không chỉ với người mà với cả chính bản thân mình. Niềm sợ hãi hoang mang càng loang rộng.
***
Ngà thức giấc thì Hùng sắp sửa rời lều đi dạy kèm Anh văn. Hùng đã để râu mép thật rậm cho thêm uy nghi với những cô học trò đồng trang lứa với Ngà. Hùng thường mang về những món bánh trái do cha mẹ quí cô làm tặng, họ là những người khéo léo bán buôn có chút tiền mướn thầy dạy kèm con mình để đi định cư có chút vốn liếng chữ nghĩa. Ngà thấy một điều gì đó mâu thuẫn khi Hùng ra ngoài hoạt động với đời nhưng lại không muốn Ngà làm thông dịch, ước muốn của Hùng có lẽ là điều tự nhiên, mà nhượng bộ của Ngà cũng là một đương nhiên. Đảo tị nạn là cục gôm xóa quá khứ nhưng không xóa được thói quen đã ăn vào con người. Một lần nữa Ngà thấy mình trở thành công dân hạng nhì trong gia đình Hùng.
Ngà xếp quần áo đi tắm. Anh Huân và bố đã ghép cây giăng bạt nối hông nhà rộng ra làm phòng tắm và chỗ chứa nước để “mợ mày với con Huyền khỏi phải xách nước đi tắm, cả con Ngà nữa.” Ông thường phun ra những câu rất thiệt thà rồi lại lật đật sửa chữa ngay lập tức, Ngà thú vị nhận thấy điều đó. Tắm xong, Ngà chờ Hùng về để cùng qua Tuấn phát xít. Nó đã có tên trong danh sách đi định cư, Ngà và Hùng qua để nhờ nó gửi thư dùm khi tới Mỹ. Cái trò đó cũng vui, là một ước lệ mà mọi người tị nạn dù thân hay sơ đều chấp nhận: khi mình rời đảo nếu có ai nhờ chuyển thư mình đều nhận cả. Người rời đảo ngoài hành lý cá nhân còn mang theo cả mấy bó thư để chuyển giúp. Chả có ai thắc mắc chuyện tiền tem, bởi tới Mỹ là có tất cả, cũng một niềm tin rất trong sáng!
Nhìn Hùng và Tuấn nói chuyện với nhau Ngà thấy lạ lùng. Người ở lại là Hùng sao vẫn hân hoan vui vẻ, mà người rời đảo là Tuấn lại dường mang vẻ buồn man mác. Ngà cứ thấy một điều gì đó lạ lẫm nơi Tuấn, tựa như những điều tìm thấy nơi con người anh Huân. Họ dường chứa một điều gì đó sâu xa trong tâm hồn, và sự tự tin quả quyết của Hùng chợt trở nên hời hợt nông cạn. Ngà buồn rầu thấy hình ảnh của Hùng bớt sáng, mối tình đầu bớt đi giá trị cao quí của nó, và mình đang dần xa Hùng. Trời, xa Hùng Ngà còn ai nơi hoang đảo???
Hai đứa bước thấp bước cao ra về, vừa tới dốc vào nhà thì Ngà nhận ra tiếng nói của mấy ông thủy thủ tàu Black Gold đang nói chuyện với bố và Huyền trên sàn. Ngà lật đật kéo tay Hùng, “thôi, đi nữa đi, Ngà không muốn vô nhà liền.” Bà chủ lều sát vát người Hoa chợt thò đầu ra mời Ngà và Hùng vào chơi. Hùng ngần ngại, Ngà hân hoan leo thang lên sàn. Thăm hỏi xã giao vớ vẩn, Ngà không biết sao bà lại nhiệt tình với mình là kẻ lạ thì bà đã nói thẳng:
-Tôi vừa nghe cô muốn tránh mặt mấy người khách.
Ngà ngượng ngùng không trả lời. Bà nói tiếp,
-Tôi chịu cô vậy đó, cô còn nhỏ mà biết suy nghĩ lắm. Để tôi dạy cô thêu hoa hướng dương.
Không chờ phản ứng của Ngà, bà bắt đầu chỉ cách đếm sợi rút chỉ trên vải, cách luồn chỉ giăng mạng để thêu.
-Không phải dễ đâu, cái này phải đi học lớp thêu mới biết, mà cũng không phải ai cũng muốn dạy cho cô đâu á.
-Dạ, cháu cám ơn dì.
Bà hàng xóm rất nhiệt tình chỉ dẫn, tưởng trò đùa mà sự khó khăn của mũi thêu lại làm Ngà thích, nhất là việc bà bằng lòng dạy một món nghề riêng chỉ vì “chịu” phản ứng của Ngà. Ngà chăm chỉ học thêu mãi đến chiều, Hùng đã về lại bên lều của nhà.
***
Trăng thiệt sáng. Hôm nay rằm, trên chùa rộn ràng nhang khói cả ngày cho đến bây giờ vẫn còn tiếng trò chuyện thăm hỏi của các tín nữ với thầy. Ngà ngó lên sườn đồi, chỉ thấy bóng người hắt lên vách lều. Ông Ô van tin chợt xuất hiện nơi cửa cùng con Ngọc. Ngà chán chường mà vẫn phải mời ông vào cái giang sơn khiêm tốn của Ngà và Hùng: cái chái chỗ anh Huân ngồi hút thuốc khi trước.
-Chị Hùng (!!), anh đâu rồi?
– “Anh” đi dạy học rồi.
-Chị thật may mắn… Ngà buồn cười nghĩ may vì anh đi vắng mình đỡ phiền, nhưng Ô van tin đã tiếp… anh ấy khá sinh ngữ đi định cư không phải lo.
Nhắc chuyện sinh ngữ, ông xoay qua đòi con Ngọc dạy tiếng Pháp tại vì nó dân trường Tây!
Ô van tin tóc quăn da ngăm người thấp và bắp thịt rắn chắc, tròn như cái cối xay bột của nhà Thảo trên sườn đồi khu G. Ông phải bằng tuổi Bố Mợ Hùng rồi chứ không ít, mà con Ngọc còn thua Ngà vài tuổi. Chẳng ai thắc mắc họ gặp nhau ra sao, nhưng cái sự ông cứ tò tò theo sát và Ngọc thì cứ tà tà lãng mạn vớ vẩn dù đứng giữa đám đông thường làm mọi người chú ý, như chờ xem một vở kịch mới bên cạnh kịch bản ai cũng đã biết, vở kịch mà mấy đứa cháu đi chung chuyến ở chung lều với ông thường kể: mỗi sáng ông mở khóa tủ lấy hộp ô van tin ra pha một ly cho mình, lấy trứng ra làm bánh mì ốp la rồi ung dung ngồi ăn sáng chớ có hề mời bọn cháu ruột một tiếng mời lơi. Ngà thấy cái chuyện ở trại tỵ nạn mà có tủ để khóa mới là chuyện đáng chú ý. Cái mối tình này không biết thơ mộng đến cỡ nào, lâu lâu ông lại nói với “chị Hùng” là con Ngọc nó cứ lo có bầu. Ngà thấy ông vô duyên tệ, mấy cái chuyện riêng tư của con Ngọc cũng đi nói ra, nhưng không biết cách từ chối khách đành phải chịu đựng cặp này mỗi khi họ ghé vào lều.
Con Ngọc đã ra sau lều bước ra hè dẫn xuống ghềnh đá ngồi như mộng mơ, và Ô van tin đã le te ra tìm chỗ ngồi kế. Hai người điềm nhiên như cái chái của Ngà là quán trọ, Ngà cũng vờ họ đi, lên võng nằm chờ nghe Ngọc Minh hát Người Di Tản Buồn qua loa thông tin văn hóa của đảo. Nghe đâu bài này của Nam Lộc, từ ngày được hát hầu như tuần nào chương trình nhạc nào cũng được yêu cầu, riêng Ngà đã ứa nước mắt khi mới nghe lần đầu – ông Nam Lộc ở đảo nào sao rành rõ đáy tim người tị nạn. Ở đảo thèm đủ thứ, không chỉ thèm chè, thèm trái cây, người ta còn thèm cà phê cà pháo quán nhạc… Chè 1 đồng Mã 1 ly, táo 1 đồng 1 trái, vào quán thì cà phê hay chè đều 3 đồng. Tối tối, các quán cà phê gần sát bờ biển luôn đầy người, các anh có hồ sơ bảo lãnh nên thong thả xài chút tiền người nhà gửi cho thì đành, các anh không thân nhân diện hốt rác kiếm được vài đồng cũng ra ngồi nhâm nhi cà phê nghe sóng biển, và nhất là để nghe những nhạc khúc xưa, những tiếng hát một thuở Sài Gòn. Hầu như mọi người nhớ tiếng hát Khánh Ly và nhạc Trịnh, tới nỗi nghe đồn dân đảo đã yêu cầu Ngọc Minh hát những bài của Trịnh Công Sơn mà Khánh Ly đã hát.
Ngọc Minh đã cất tiếng…
Chiều nay có một người đôi mắt buồn
Nhìn xa xăm về quê hương rất xa
Chợt nghe tên Việt Nam ôi thiết tha
Và rưng rưng lệ vương mắt nhạt nhòa…
Bạn ơi đó là người di tản buồn
Ngày ra đi lặng câm trong đớn đau
Rồi đêm khuya về trong đôi mắt sâu
Đời như chôn vào con phố u sầu…
Cho tôi xin lại một ngày, ở nơi nơi thành phố cũ
Cho tôi xin lại một đời, một đời sống với quê hương
Cho tôi đi lại đoạn đường, hàng cây vương dài bóng mát
Cho tôi an phận ngàn đời, bên bờ đê vắng làng tôi.
Ngà nín thở lắng nghe, trong vài phút tưởng chừng cả đảo bặt tiếng để bài hát thấm tận vào những mảnh hồn tan nát. Nhạc đã trỗi qua bài khác, bài khác nữa, Ngà vẫn nằm yên trên võng, cơ thể dần nhẹ như bông, như mình sắp tan vào bóng đêm, sắp trở thành bóng đêm. Ngà chả còn bao giờ thấy lại Má, chả còn bao giờ ngồi lại góc bếp chật hẹp mà vò đống quần áo dưới vòi nước. Chỉ một phút giây mà đời sống đang run rẩy của Ngà bỗng trở thành tiền kiếp, ánh đèn vàng với hàng cây u tối mỗi khi đạp xe từ trường Đại Học Kinh Tế về đã xa mờ, mặt đường nhựa lồi lõm, đất khô rạn dưới vòng bánh xe đã biến mất, trang nhật ký còn kẹp tấm thiệp Xuân Bích Thủy tặng năm nào chỉ còn là một ám ảnh, để Ngà thấy mình như lơ lửng giữa không gian thấy mình đang lang thang trong một cõi khói mây nhàn nhạt. Đêm hằng đêm Ngà thèm mơ thấy Má, thấy lại mái nhà xưa, thấy lại cả những con người mình hằng ghét bỏ, mà họ bặt tăm, mà đời sống bặt tăm. Tại sao Ngà lại ở chốn này, sao Ngà vẫn sống khi gốc rễ của mình đã tan biến? Sông khi đổ ra biển thì con nước tan vào biển cả nhưng ngọn nguồn lòng bãi vẫn còn dạng hình dấu vết, mà những thân phận con người ra đi lại trở thành con nước bơ vơ không nhập được với đại dương nào trong khi cái nôi hứng đỡ đã một khắc một giờ bị xóa. Nước đi là nước không về. Nước chi là nước giữa trời.
Ô van tin và con Ngọc ra về lúc nào Ngà chả nhớ. Hùng đã về. Ngà và Hùng gần như đã là hai người xa lạ ngoài cái tên trên hồ sơ bảo lãnh, một thỏa thuận giữa Ngà và Bố. Ông đã dương mắt nhìn Ngà sững sờ khi Ngà nhân lúc mọi người không có mặt chung quanh để nói với ông ý định xin tách hồ sơ.
-Tại sao? Câu hỏi bung ra theo ánh mắt sững sờ ấy.
-Dạ, thì.. con có dì ruột ở bên Mỹ thì để dì bảo lãnh.
-Nhưng tao đã hứa với mẹ mày là sẽ mang mày theo thì không thể để mày bơ vơ. Bố đâu thể để con tách riêng sống một mình nơi xứ lạ. Cả gia đình này đều xem con như dâu con chính thức, mày có điều gì buồn mà đòi tách hồ sơ.
-Dạ không, con chỉ muốn…
Ông vẫn dương mắt chờ, sắc mặt giận dữ, nhưng Ngà không thể nói rõ không vì sợ ông. Một đứa trẻ 20 tuổi đầu chưa khôn để biết sợ. Ngà chỉ không biết nói sao. Lao đã phóng, Ngà tiếp câu nói dở dang,
-Con muốn tự lo liệu cuộc sống của mình nếu được.
-Con còn nhỏ dại, không thể sống một mình nơi xứ lạ quê người.
-Nhưng con không muốn làm gánh nặng cho ai cả.
-Cái gì mà gánh nặng, chúng mày không muốn sống với nhau?
-…
-Thôi, cứ giữ nguyên hồ sơ bảo lãnh rồi khi đến Mỹ mày muốn quyết định sao thì bố cũng đã tròn trách nhiệm.
Thái độ dứt khoát và tinh thần trách nhiệm của ông một lần nữa dội vào lòng Ngà niềm cảm kích. Dẫu hành động lời nói của ông có lúc như cạn cợt, nghĩa cử người lớn của ông thường làm Ngà thấy cảm mến ông là người thật thà rộng lượng.
***
Huyền bị kiết lỵ phải nằm ở Sich Bay đã hai ngày nay, nhưng hôm nay Ngà mới vào thăm. Thấy Ngà, bố cái đại vương trách:
-Em nó bịnh cả đảo đến thăm mà bây giờ mới thấy mặt tụi mày.
Hm, Ngà muốn hỏi “bộ nó là công chúa nên thần dân phải cấp tốc triều kiến,” nhưng Ngà chỉ im lặng. Ngà đã bỏ gia đình liều mạng sống ra đi chỉ vì không muốn ai ban phát cho mình cái quyền được sống thì không có lý do gì để chấp nhận làm công dân hạng nhì trong gia đình Hùng. Ý nghĩ đó có phải là một sự háo thắng? Ơn huệ ông ban ra lớn quá nên ông có lời bảo hoàng hơn vua, và Ngà trót mang ơn nên không thể nói lời sòng phẳng.
Nhưng điều đó chưa đủ để Ngà muốn tách riêng. Chính là lòng yêu quí con của ông đã đưa Ngà đến chỗ phải đối diện với sự thật: không chỉ thái độ vô ý của ông, sự ghét bỏ của con Huyền, mà chính Hùng, Hùng cũng nghĩ rằng Hùng có quyền trên Ngà, cái quyền trên cả ước định vợ chồng mà văn hóa ngàn xưa đã sẵn. Ngày ông Ninh xếp dọn cái chái cho Ngà và Hùng ở riêng, ông rất hãnh diện về sự biết điều và khôn ngoan của mình:
-Hai đứa mày dọn qua đây mà ở cho rộng rãi.
Mặt ông hân hoan nỗi vui sướng thiệt tình vì đã làm một điều tốt và Ngà trong sự cảm kích lòng tốt chân thành của ông cũng nghĩ rồi mình sẽ qua được cái lấn cấn nếu không chung đụng. Nhưng Hùng đã nghiễm nhiên là một vị vua con có quyền sống theo ý thích mặc ai sống ra sao. Khi lẳng lặng dọn mớ quần áo qua chái sát bên, mặt Hùng có chút kiêu hãnh vênh váo. Bắt gặp nét mặt ấy, lòng Ngà dâng lên một nỗi chán chường. Cái âm thầm nhỏ nhẹ của Tuấn phát xít, cái điềm đạm nhưng đầy sự sống cá biệt của anh Huân lấp lóe trong một góc xa xôi của trí óc như nhắc với Ngà rằng có những điều mình mang cái sống chết ra để trả nhưng thực ra nó chẳng nghĩa lý gì.
Tối hôm ấy Ngà đi ngủ sớm. Hùng về tới, cất tiếng hỏi Ngà còn thức hay không nhưng Ngà chưa kịp lên tiếng thì Hùng đã bước đến bên giường lật mạnh tấm chăn trên người Ngà lên. Ngà co rúm người như bị ai lột quần áo. Hành động bất chợt của Hùng và phản ứng vô ý thức của Ngà như gáo nước bị tạt giữa không trung rồi đông lại. Hai đứa nhìn nhau ngỡ ngàng. Từ lúc nào Hùng cho mình cái quyền trên thân thể Ngà? Ngà vùng dậy, muốn hỏi Hùng “đây có phải là cái giá của chuyến đi,” nhưng nỗi tủi lạnh ê chề thấm lan cả người. Ngà cố thản nhiên nói “mình đi với nhau không có nghĩa…” rồi chẳng hết được câu, Ngà bước ra sau lều. Trăng đổ trên ghềnh đá lấp loáng như nước, dưới kia sóng biển rạt rào thản nhiên. Khi Ngà trở vào, Hùng đã ngủ. Dẫu có ra sao Ngà vẫn phải đi một mình cuộc đời trước mặt.
Sáng dậy, Hùng đã thắng bộ, chân bước chỉ nói vói lại:
– “Me” đi dạy.
Ừ, thì you cứ đi như đã đi. Tiền dạy học thì cũng mua được ít rau trứng dầu ăn và thuốc lá. Cái khổ cực của cuộc sống trên đảo thực ra chả là gì cả so với cái hy vọng quá sáng tươi ở đất liền, nhưng cuộc sống mở cánh cửa này ra đóng cánh cửa khác lại dường chả liên quan gì đến cố gắng hay ước muốn của con người. Hình ảnh anh Huân, Hùng, Tuấn, bố cái đại vương… đã biến chuyển, hay tâm tư Ngà đã biến chuyển, chỉ ra sự bất lực của Ngà trước một vòng xoay mới của cuộc sống. Cuộc đời chỉ là những may rủi hết sức tình cờ?
Ngà lên đồi khu G mua bánh cuốn. Bị ném vào chỗ đất trống như nhau, nhưng rồi người Hoa cũng tập trung ở nơi buôn bán, và người Việt cũng tìm cách trồng trọt thủ công. Đồi khu G là căn cứ địa của người Việt! Lò bún nơi đây có cối xay bột và nồi ép bún, nồi tráng bánh cuốn, lò bánh mì… khá đầy đủ. Nếu không có tiền thì đem gạo đến đổi – nhưng riết rồi chả ai đổi mà chỉ mua thôi vì đổi không được bao nhiêu.
Cầm gói bánh cuốn, Ngà đi vòng qua miếng vườn của anh Đức. Ngà rống miệng gọi tên, anh Đức bước ra.
-Cô đi đâu lên đây.
-Em đi mua bánh cuốn sẵn ghé cho biết chỗ ở của anh.
-Chú ấy đâu?
-Ảnh đi dạy học. Gật đầu.
-Vô.
-Anh Đức đang làm vườn?
-Ừ, thì gieo mấy hột giống của thằng …-phái-đoàn-Mỹ cho
-???
-Thì cái bữa gặp cô dưới hội trường đó, phái đoàn Mỹ từ chối tôi thêm lần nữa, không biết là bao lần rồi.
-Sao kỳ dậy, bộ anh khai bậy gì hả?
-Nó ngâm tôi vì bị tôi chỉnh.
-Anh chỉnh nó cái gì?
-Thì cái vụ sinh hoạt hướng đạo ở đây. Nó cũng là huynh trưởng hướng đạo như tôi, nhưng nó ỷ là người của phái đoàn Mỹ nên xấc xược. Họp hướng đạo mà khi tôi đến nó ở trần trùng trục, ngồi ỳ một chỗ rồi hỏi tôi sao không chào nó.
-Vậy anh nói sao?
-Tôi bảo luật hướng đạo mày phải chào tao trước vì tao ở cấp trên của mày, mà mày ăn mặc vầy không tề chỉnh khi họp và chào cờ hiệu. Nó quê, đứng lên mặc áo nhưng rồi thù tôi. Nó phê gì vào hồ sơ chả biết, nhưng Mỹ đã chê thì không nước nào muốn nhận.
-Chờ tới chết?
-Chắc tới khi dẹp đảo. Nó về nước rồi mà gặp người quen trên đảo còn gửi tặng tôi một gói hột giống. Đã vậy, tôi trồng thử xem ra được cái gì.
Ngà theo anh bước xế qua bên hông lều. Đất đồi cằn khô phải đi lấy nước rất cực nên anh chỉ có thể trồng qua quít mấy loại rau bù đắp cho cuộc sống, nhưng xem anh có vẻ thản nhiên chấp nhận cái không may của mình. Ngà theo anh vào nhà, ngự lên cái võng. Ngà quen anh hôm đầu tiên lên gặp phái đoàn phỏng vấn. Hồ sơ xong, Ngà ra về thấy anh đứng xớ rớ ở cửa tay cầm cuộn giấy lại tưởng anh không biết tiếng Mỹ cần thông dịch nên ghé lại hỏi anh có cần Ngà giúp gì không. Anh ngước mắt nhìn Ngà, cặp mắt hấp háy sau lớp kính dày như đít chai, chầm chậm mở cuộn giấy đưa Ngà xem. Chớt quớt, Ngà nhìn tờ giấy chả hiểu gì cả. Nhìn Ngà lúng túng, anh thủng thỉnh nói giấy phái đoàn từ chối đó, tôi vừa mới ra trước cô một lúc. Ngà bật cười cho sự lanh chanh vô duyên của mình. Từ giã, anh Đức cho biết chỗ ở nói rảnh thì Ngà và Hùng ghé chơi, nhưng từ bấy đến nay mới có dịp.
Ngà ngồi võng đu đưa, xem mớ hình anh đưa lòng thầm nghĩ cái ông lù đù này sao làm được luật sư. Không biết có đọc được ý nghĩ của Ngà không mà anh chỉ một bức hình, nói “khi ấy tôi mới được làm thẩm phán, còn chưa tới 30.” Ngà nghĩ anh nói thật. Tới đảo, thoát khỏi cuộc sống phải nói dối ít ai muốn tái bản cái chuyện ấy, mà dối phái đoàn các nước thì tối kỵ, nên dân trên đảo dễ dàng tin nhau lắm. Thấy Ngà có vẻ chú ý, anh Đức kể thêm dăm ba chuyện về cuộc đời cũ – những chuyện nho nhỏ ấy vừa thú vị vừa mang cho Ngà một niềm tiếc nuối. Trời xanh quá, đất nước xanh quá, sao Ngà chả biết gì cả ngoài những vòng bánh xe đạp mỏng manh. Bây giờ chặt đứt xóa trắng, còn có bao giờ biết được nữa… Má, má vẫn đạp xe ra chợ bán hàng? Chỗ con ngủ có ai nằm vào không, rồi sách vở đồ dùng của con Má làm gì? Má có nhớ con không? Chợt dưng Ngà muốn khóc, Ngà vờ săm soi những tấm hình thêm một lúc nữa rồi từ giã anh Đức.
***
Những đêm ngủ bên Hùng mỗi lúc thêm dài, dường như một ám ảnh. Ngà thường lần chần vào giường sau, rồi quấn chặt tấm chăn như bó giò, nại cớ lạnh. Những khi Hùng trở mình hay quơ tay, Ngà đều tìm cớ đứng lên uống nước, đi tiểu, vân vân… Tới nỗi Hùng biết ý, mỗi khi lên giường đều xoay lưng về phía Ngà ngủ thẳng. Ngà không còn hỏi Hùng đi đâu nữa. Hùng không còn nói “ ‘me’ đi dạy.” Từ lúc nào chả nhớ, Ngà và Hùng không còn xưng gọi với nhau bằng tên. Ngà nói làm biếng những khi Thanh rủ qua chơi. Ngà nói mắc học bài không thể đi kia đi nọ. Ngà không biết điều gì ám mình nhiều hơn: cái giở chăn của Hùng, hay con Phượng.
Ngày đầu vào Sick Bay học khóa điều dưỡng cấp tốc, Ngà gặp Phượng. Đúng hơn Ngà và con Uyên bị lâm trận. Uyên đã tốt nghiệp khóa đỡ đẻ, thường vào Sick Bay trực đêm. Đêm ấy, có 5 ca sinh con và Uyên làm liều một mình đỡ hết không gọi thêm cô đỡ hay bác sĩ đến giúp. Buổi sáng vào, bác sĩ trực đã khiển trách Uyên, vì nếu xảy ra chuyện sinh khó thì không kịp trở tay. Mặt Uyên buồn rười rượi, nhưng nó có lỗi không cãi vào đâu được. Khi lớp học bắt đầu thì Uyên đổi ca ra về. Nhưng ngang qua một phòng thì có tiếng la ú ớ thảm thiết vang lên, Uyên chạy vào, vừa lúc Ngà đi ngang. Đó là một phòng bịnh, con Phượng đang trên giường trong tư thế nửa ngồi nửa nằm, hai tay xòe hết gang gân vồng lên đẩy hết sức vào quãng không, chân cũng bung ra chòi đạp tới tấp. Sơ trực đứng bên ráng kìm cánh tay nó lại không xong, Uyên chạy vào phụ giúp. Nhưng con Phượng không nhìn ai không thấy ai, những tiếng rú không rõ âm tiếng mỗi phút giây càng thảm thiết, có bao nhiêu sức lực Phượng đạp tung vào quãng không mạnh tới nỗi Uyên không thể chụp tay nó lại. Mắt nó xám và sâu thẳm. Bất chợt nó quay mặt sang thấy Ngà, như có một phép lạ, nó nhìn Ngà rồi bật khóc. Ngà bắt ngay cơ hội, tới gần ôm vai nó vỗ về. Sơ trực kéo Uyên rời phòng cho Ngà ngồi yên cùng Phượng. Nó dần thoát cơn mộng mị, nhìn Ngà.
-Chị giống chị của Phượng.
-Giống lắm không? Gật đầu
-Chị Như hơn Phượng một tuổi, tụi nó ném xuống biển rồi.
-…
Sơ trực trở vào, tay cầm ly nước và một hộp nhôm doãng cong như hạt đậu. Thuốc, cỡ 10 viên. Ngà nói sơ cứ để Ngà giúp Phượng uống thuốc, sơ có vẻ không muốn giao việc ấy cho một người lạ nhưng sau cùng cũng chỉ qua cho Ngà vì Phượng dường chỉ nhìn thấy Ngà. Sơ vừa đi ra thì Phượng cũng trở lại vẻ bình thản.
-Mỗi tối người nhà đều đưa em vào đây để uống thuốc và ngủ lại cho sơ và y tá canh chừng, sáng dậy uống thuốc xong mới được về. Em nhiễm trùng quá nặng, lại mê sảng mỗi đêm. Phượng nói như nói bịnh của người nào khác. Em và chị Như bị hiếp ba bốn chục lần, chúng đã ném chị Như xuống biển, vừa định bắt em theo thì có tàu hàng hải tiến gần nên tụi nó bỏ đi. Lên đảo em xin đi Na Uy chứ không đi Mỹ với anh Tuấn fiancé của em nữa.
Tiếng Phượng đều đều êm ả như nói chuyện nắng mưa, chỉ đôi mắt nói với Ngà một tâm hồn chết, xám và sâu không đáy. Trong giây phút, Ngà thấy mình tội lỗi. Ngà lo Phượng hỏi đến mình thì không biết phải nói sao, nhưng Phượng như cảm được điều ấy, như gói mình trong cái kén của riêng mình để không gieo phong ba cho người, để không nhận thêm chút phong ba nào nữa. Hai đứa ngồi yên lặng thật lâu, rồi chính Phượng bước ra khỏi vũng lầy mê muội ấy, đứng xuống giường. Ngà biết mình không nên gặp lại Phượng.
Những đêm nằm thao thức, Ngà thường tự hỏi sao từ bấy đến nay Ngà chưa một lần thấy lại cảnh mình đứng trần truồng trước mặt tên đồn trưởng Mã Lai lúc mới lên bờ, chẳng một lần thấy lại phút giây hải tặc nhảy lên thuyền, mà đôi mắt Phượng cứ lởn vởn hoài trong óc, trong từng giấc mơ. Nhưng từ buổi dọn qua chái bên, từ lúc Hùng giật mở tấm mền trên người Ngà thì Ngà hiểu tại sao Phượng từ chối anh Tuấn. Ngà biết từ đây cho đến chết Ngà sẽ không bao giờ trả lời câu hỏi mà tất cả những ai đi vượt biên đều hoặc hỏi thầm hoặc thốt thành câu: có “bị” hải tặc. Nói có là dối mà nói không có tội, tội với Phượng, tội với tất cả những người phụ nữ không may. Tự bao giờ cái may mắn của một vài cá nhân trở nên tội với những người thọ nạn? Người con gái Việt Nam da vàng, tất cả những người phụ nữ vượt biên – vết chàm đã khắc, màu chàm đã nhuộm, và anh Tuấn, tất cả những Tuấn chàng trai nước Việt, có còn cách nào khác hơn là chúng ta phải xa nhau, để ở mỗi phương trời cách biệt may ra còn có thể sống tiếp. Đêm vẫn trong, chỉ hồn mình đục. Đảo tị nạn không chỉ xóa lối về mà tẩy trắng luôn những tờ hồn trắng, để lại những vết gôm nham nhở xám buồn.
L.N.