Lão Chăn Vịt Làng Đại Nông

Truyện

Lê Hùng Vọng

Bây giờ là lúc có thể chia tay điện thoại để bàn, cạc vidit, nắm đấm micrô (NKĐ)

AVONG

Tai vạ đã đến với Lão Lụt từ khi một nguồn tin không rõ xuất xứ đồn rân khắp mấy xã ở huyện Đại Nam, nói rằng một trong số những con vịt ở trại chăn nuôi của Lão Lụt – người đã ba năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp huyện – nói được tiếng người.

Tin đồn có thể được xem như một thứ tai bay vạ gió đó gây cho Lão Lụt biết bao phiền toái.

Thoạt tiên khi nghe lần đầu, nguồn tin đó chỉ có thể nặn ra trên mặt Lão Lụt một cái cười quen thuộc. Đó là một cái cười không thành tiếng mang nhiều ẩn ý mà qua đó người ta có thể đọc được hàm ý miệt thị sự ngờ nghệch của người khác. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau đó cái cười ấy vụt tắt và một thoáng nghi ngờ cố hữu lướt qua trên mặt lão. “Lại một thằng chó chết nào muốn chơi xỏ mình đây”, lão nói thầm mình lão, với tư cách là một người quản lý trại chăn nuôi nhiều kinh nghiệm và cũng đã từng là nạn nhân của nhiều vụ “chơi xỏ”. Những người có dịp tiếp xúc với Lão Lụt thì cho rằng nguyên nhân của những vụ chới xỏ này là do chỗ người ta ganh ghét tài nghệ riêng đã làm cho lão thành công lớn trong nghề chăn vịt.

Nhưng sau cái cười không thành tiếng và thoáng nghi ngờ cố hữu lão dành cho tin đồn mà theo lão là “không đáng giá một xu” kia lại là một điều đại bực mình mà sau đó ít lâu lão phải chịu đựng. Suốt mấy ngày liền, chòi vịt của lão bị những người dân trong mấy xã quanh vùng viếng thăm. Ngày này qua ngày khác, những vị khách không mời cứ lượn lờ quanh cái chòi vịt của lão. Trong số khách không mời mà đến có kẻ giả vờ xun xoe với lão, nhưng mặt mày thì lấm la lấm lét nhìn quanh dò xét, ý chừng để xem thử lão đang giấu con vịt nói tiếng người ở đâu. Có gã trâng tráo nói thẳng với lão là họ muốn trả tiền, như kiểu người ta trả tiền để vào rạp hát xem phim, để được tận mắt xem điều kỳ diệu ấy.

Rồi một lần nửa đêm đi kiểm tra bầy vịt, lão thoáng thấy bóng hai người cúi rạp xuống chân con mương thủy lợi ngay sau lưng trại vịt của Lão. Lão Lụt theo phản xạ nghề nghiệp nép vào góc tối, thu mình lại xem hai kẻ lạ mặt giở trò gì. Thoạt đầu, Lão định quay về căn chòi “bộ chỉ huy” lấy cây chĩa. Trong bụng lão tính thầm khi bắt quả tang thằng nào trộm vịt, lão sẽ chẳng thèm đâm chĩa vào ngực hay vào mắt quân bất lương kia. Nó mà chết thì có khi lão mang vạ. Còn nếu nó không chết, chỉ có mù, thế thì chúng nó sẽ oán lão tới trời. Và rồi có ngày chúng sẽ tìm cách báo thù, đâm rách việc… Lão Lụt nghĩ là lão chỉ cần đâm vào cánh tay đang ẳm con vịt để cảnh cáo quân trộm đạo. Lần sau chỉ cần nhìn cánh tay, nó sẽ khiếp đến hết đời, chừa cái thói bất lương ấy đi.

Tính như thế nhưng lão lại sợ khi lão quay về chòi chỉ huy thì bọn trộm sẽ trốn mất. Vậy là lão nán ở lại, nghĩ bụng khi nhìn thấy mặt quân trộm kia lão sẽ có thể xác định ngay nó là con nhà ai trong cái làng Đại Nông này. Khi ấy Lão chỉ việc báo ban quản trị hợp tác, tìm cách nêu tên nó trong mục “Người Xấu Việc Xấu” được phát trong chương trình phát thanh buổi chiều của đài truyền thanh xã. Mà cho dẫu nó không phải là người trong xã đi nữa, lão cũng có cách. Chỉ cần biết nó ở xã nào trong huyện, Lão cũng trị nó được. Công an huyện đã bao lần nhận vịt từ trại của lão trong các dịp liên hoan tổng kết. Lão chỉ cần đạp xe lên huyện một nhoáng là xong. Nghĩ vậy, lão nán lại, tiếp tục ém quân. Lão cố thu mình cho nhỏ hơn nữa trong bóng tối, cố xem quân trộm kia giở trò như thế nào.

Nhưng nó lại không chịu bắt trộm vịt của Lão. Lão hiểu ra điều ấy sau hơn một tiếng đồng hồ ém quân, chịu cho muỗi cắn. Hiểu ra, lão thấy buồn cười chết đi được! Suốt cả tiếng đồng hồ chúng chỉ nằm áp sát tai xuống mặt đất, cố nghe cho được một thứ âm thanh gì trong lòng đất. Lão hiểu ra là kẻ lạ đang cố lắng nghe cái tiếng người trong bầy vịt. “Một lũ ngốc nghếch”, Lão Lụt quả quyết. Hóa ra sau nhiều lần xin xỏ, năn nỉ để được xem vịt mà nguyện vọng không được thỏa mãn, bọn ngốc nghếch này đến đây rình mò để nghe cho được cái tiếng người phát ra từ một trong những con vịt của lão.

Lúc bấy giờ Lão Lụt cho rằng có thể một tên nào đó có ác ý, muốn chơi khăm lão, hoặc có một ai đó đã trông gà hóa cuốc. Hoặc giả một kẻ nào khác mà lỗ tai có vấn đề, nghễnh ngãng, đến nỗi nghe cái tiếng cạp cạp của loài gia cầm thành ra tiếng người. Cũng có khi đó là một sự bịa đặt mà một người nào chẳng hề có ác ý, tung tin ra cốt để chọc lão chơi, nhưng chuyện bịa đặt lại được người khác tin. Điều này đối với lão cũng chẳng lạ gì. Lão đã từng nghe nhiều chuyện “hữu thuyết vô bằng” còn ghê gớm hơn cái chuyện con vịt nói tiếng người nữa kia.

Nhưng nó làm lão bực vì chuyện nhảm nhí ấy hóa ra cũng có thể ảnh hưởng đến việc làm ăn của lão. Bây giờ thì tính đa nghi lại giúp lão quả quyết rằng một kẻ nào đó đầy ác ý đã tung cái tin ấy ra nhằm mục đích “quậy” lão, không để cho lão yên với bầy vịt. Lão Lụt còn nhận định rằng cú “chơi xỏ” lần này của bọn mất dạy thâm hiểm, cao tay hơn nhiều so với mấy lần trước. Cao tay đến nỗi một con người thâm thúy như lão mà bấy lâu nay cũng không lần ra được bọn xấu tung cái tin ấy ra nhằm mục đích gì.

Suy nghĩ đó đã làm tắt lịm nụ cười của lão, cái cười không thành tiếng cố hữu đã tạo nên chân dung của một Lão Lụt chăn vịt sâu sắc và thâm thúy. Chỉ ít lâu sau, mỗi lần ai nhắc đến việc ấy, lão chăn vịt nỗi cáu. Một ngày ba bốn vụ như thế thì còn thì giờ đâu để lão làm việc, cụ thể là chăn đàn vịt, cụ thể hơn nữa là lùa bầy vịt của lão đi kiếm ăn. Vậy cho nên đến ngày thứ mười bốn kể từ hôm có hai người đầu tiên đến xin xem vịt, thì Lão Lụt không còn có thể nặn ra thêm được một nụ cười xã giao nào nữa. Thay vào đó, lão đã phát khùng. Thoáng thấy bóng người là lão nổi khùng. Ban đầu Lão xua cả hai bàn tay để cho những vị khách biết là lão không tiếp họ. Thế nhưng những vị khách không mời cứ sấn đến, khiến Lão phải vung tay dọa nạt. “Rõ một lũ vô công rỗi nghề!”, cuối cùng không chịu được lão đã phán một câu như thế trước khi ra tay đuổi những vị khách tham quan nào có ý định chỉ xem con vịt nói tiếng người. Lão đuổi họ, đuổi họ thẳng cánh, không còn sợ mất lòng gì cả.

***

“Đã chọn cái nghề chăn vịt, cũng chẳng yên thân”. Biết bao lần lão đã lẩm bẩm cùng với những tiếng chửi thề mà lão chỉ nói vừa đủ cho mỗi mình lão nghe. Cùng vói câu nói đó, Lão Lụt quấn một điếu thuốc rê, phà khói lên mái nhà. Ấy là lúc Lão suy ngẫm sự đời.

Hẳn là chúng nó tưởng cái nghề chăn vịt này dễ ăn. Hẳn là chúng cho rằng năm nay lão đã lãnh khoán cánh đồng này với mức khoán cao như thế vì những năm trước Lão đã vớ bở. “Mẹ kiếp, thằng nào ngon cứ nhảy vô làm thử”, Lão Lụt lại chửi thề cho một mình lão nghe.

Thực ra mấy tay cán bộ xã trước tới nay vẫn chê cái trại vịt này. Trước khi Lão Lụt nhận công việc này, như một ngành nghề kinh doanh của Hợp tác xã Đại Nông, đã có mấy tay cán bộ cùng lứa, cùng thoát ly và cùng trở về quê một năm với Lão Lụt, từ chối công việc này. Phần lớn cho rằng cái hình ảnh gã chăn vịt chẳng đẹp đẽ gì cho một cán bộ tập kết trở về. Có người nói thẳng ra là làm anh chăn vịt cho dù có khá giả mấy đi nữa, có ăn mặc đẹp đẽ bao nhiêu, tắm gội tốn bao nhiêu xà phòng đi nữa, khi đi họp trên ủy ban, người ta vẫn ngửi thấy mùi vịt. Có người chê chăn vịt ở cái đất này không kinh tế, rút cục chỉ trông chờ vào cái hạt rơi hạt vãi của bà con.

Đến khi cả mấy chục anh cán bộ thoát ly trở về không ai chịu nhận cái chòi vịt, Lão Lụt mới xung phong.

Lão Lụt đã làm việc đó theo cái lý riêng mà Lão ít khi chịu nói với ai. “Không có ai làm vậy thôi tui nhận”. Tinh thần xung phong, “tiến công” của Lão Lụt đã làm cho hết thảy cán bộ ở ủy ban xã và ban chủ nhiệm hợp tác bái phục. Sự kính phục ấy có khi còn cao hơn nữa nếu họ biết rằng cũng chính cái Lão Lụt này trước đó vài tháng đã khẳng khái từ chối cái ghế trưởng phòng nông nghiệp huyện Đại Nam mà gã trưởng ban tổ chức huyện ủy mắt lé đã có lần đánh tiếng với Lão.

Thật ra Lão Lụt cảm thấy rất tự tin khi nhận trại vịt. Bề nào thì Lão cũng đã được học hành đôi chút với nghề nuôi vịt, nói chung là chăn nuôi, ở một lớp trung cấp, hồi đó người ta gọi là “cán sự”, trước khi lão thoát ly đi làm cách mạng. Điều này là thế mạnh chưa ai phát hiện của lão.

Lúc nhận cái công việc mà người khác coi như không mấy “vẻ vang” này, trong thâm tâm lão còn nghĩ đến những điều khác. Mấy năm đi kháng chiến làm cho lão ngấy đến tận cổ những chuyện họp hành vô bổ. Những buổi họp mà người ta tra tấn lão, tra tấn lẫn nhau về một cái lốp xe đạp, một cái phích nước hay một chiếc áo may ô. Những việc ấy đã ngốn không biết bao nhiêu thời gian của lão. Bây giờ lão muốn yên thân, có thì giờ suy nghĩ về những chuyện mà lão thích. Thế là cái trại vịt trở thành nơi trú ngụ lý tưởng của lão.

Lão Lụt hơn người ở chỗ chấp nhận những công việc mà những người bình thường khác không dễ dàng chấp nhận. Lão thường nói rằng công việc cách mạng giao cho, cái gì cũng quý. “Làm đếch gì chẳng được”. Lão chẳng đã lầm bầm bảo thế khi xách cái bị lác đạp xe về phía trại vịt sau lễ bàn giao ở trụ sở ủy ban. “Mẹ kiếp, rồi chúng mày sẽ thấy ông nuôi vịt như thế nào”.

***

Quả như lời lão nói, dù chẳng có ai nghe, danh tiếng nghề nuôi vịt của Lão Lụt đã bay khắp huyện chỉ một năm sau khi Lão về nhậm chức ở trại vịt. Lão Lụt trở thành kẻ có tiếng tăm từ hôm đại hội xã viên của hợp tác xã Đại Nông. Không biết vì cao hứng hay vì háo danh mà Lão lụt đã tuyên bố đóng góp, tức là ủng hộ vào việc liên hoan nhân đại hội xã viên mà không thu tiền, hai tạ vịt cọng với hai chục chai rượu quốc doanh mà Lão đã đổi bằng mấy trăm quả trứng trên cửa hàng huyện. Vâng, hai tạ thịt vịt cọng với hai chục chai rượu góp vào liên hoan đại hội xã viên. Tất nhiên khoản này không tính vào chỉ tiêu vịt và trứng hàng năm mà trại vịt Lão Lụt phải nộp lên trên theo kế hoạch mà “trên” giao cho Lão.

Có người nói Lão Lụt gặp may. Người ta nói như thế là tại vì Lão Lụt không những đã nộp lên trên đủ mà lại còn vượt chỉ tiêu, cả vịt lẫn trứng, sau năm năm liên tục dưới thời tiền nhiệm trại vịt này chỉ hoàn thành chưa tới một nửa kế hoạch được giao. Nói găp may cũng phải vì Lão Lụt nhận trại vịt vào cái năm được mùa hơn so với mấy năm trước. Nguyên do, theo như lời bàn tán của xã viên, là cơ chế khoán nông nghiệp đã thoáng hơn. Cơ chế thoáng làm cho xã viên chú tâm hơn vào mảnh ruộng mà họ nhận khoán, kết quả là năng suất của mảnh ruộng ấy tăng lên thấy rõ. Bàn tay chăm chút của xã viên trên mảnh ruộng riêng cũng làm cho hạt lúa mẩy hơn, kể cả hạt rơi hạt rụng. Và vì thế mà bầy vịt của Lão Lụt được nhờ, láng lông mượt cánh.

Mấy ông xã viên dự đại hội được chén rượu thơm miệng, bèn tâng bốc Lão Lụt tới trời. Một lão xã viên mặt đỏ ké ngoạc miệng chê miếng thịt vịt của mấy kỳ đại hội trước. Lão này nói rằng mấy kỳ đại hội trước nếu có được miếng thịt vịt, thì nó mỏng tanh như miếng giấy bìa, lại toàn xương là xương, chả bõ dính răng. Có người lại còn độc mồm độc miệng nói rằng cái cơ chế cũ làm cho con vịt hợp tác gầy trơ xương, chẳng còn lấy một tí chất lỏng để đánh đĩa tiết canh.

Mấy tay bên ủy ban thì kháo nhau rằng nếu kỳ này ra tranh cử, không chừng Lão Lụt có thể giành luôn cái ghế chủ nhiệm hợp tác xã.

Không hiểu ông Lão Lụt có khoái lỗ tai khi nghe những lời tâng bốc ấy. Chỉ thấy lão cười, cái cười khó hiểu. Thật ra lão chẳng màng chi cái chức chủ nhiệm hợp tác, mặc dù kinh nghiệm những năm tập kết ra bắc cho lão thấy rằng đó là một chỗ có thể giúp một anh xã viên quanh năm chân lấm tay bùn trở thành một gã ăn trắng mặc trơn. Lão còn nghe rằng chức vụ này còn giúp những chủ nhiệm có máu trai lơ không ít cơ hội để tò tí chút xíu với mấy chị em xã viên mà hoàn cảnh gia đình được coi là neo đơn.

Quả tình Lão Lụt không ham cái chức chủ nhiệm hợp tác. Đến cái ghế chủ tịch xã Lão cũng chẳng màng. Lão cho rằng làm những công việc đại loại như thế chỉ được cái miếng cơm trắng khỏi phải độn khoai sắn, nhưng lại phải khom mình trước không biết bao nhiêu thằng ngu. Nó nói như cứt nghe cũng phải dạ… Chi bằng ta ra ngoài trại vịt, một mình một cõi, ta ưa làm gì cứ làm. Lại có cái đánh chén. Nhiều thì không nói gì chứ vài ba bữa kiếm bát tiết canh ăn cho mát thì không phải là chuyện khó.

Thật ra, đó chỉ là cái lý do bên ngoài mà lão biện ra cho qua chuyện. Trong sâu xa, Lão Lụt nghĩ một chuyện khác. Lão muốn xem thử sức lực của lão tới đâu, và có thể làm được gì đối với những việc mà người khác cho là không thể được. Vậy cho nên lúc vác cái bị lác đạp xe ra trại vịt, Lão đã lầm bầm nói một mình. “Được, chống mắt lên mà xem”.

***

Việc đầu tiên là lão chấn chỉnh lại trại vịt. Ban lãnh đạo trại của lão gồm hai phó tướng chỉ huy hai chuồng tả hữu, một bên là chuồng nuôi vịt đẻ, bên kia là chuồng vịt thịt. Hai tay này bao giờ cũng huơ huơ chiếc sào dài có cắm miếng vải một đầu để xua đàn vịt dưới quyền, trông oai phong lẫm liệt. Lại có hai anh trợ lý một lo vấn đề khoa học kỹ thuật một lo hậu cần, chuồng trại. Trợ lý khoa học kỹ thuật tức là xem xét vấn đề tới mùa tháng năm vịt hay bị bệnh gì, với bệnh ấy thì cho uống thuốc gì. Rồi thì mùa đông chế độ ăn uống của vịt sao cho phù hợp, nghĩa là sinh lợi tối đa mà tốn kém tối thiểu. Anh trợ lý hậu cần chuyên chạy thức ăn cho vịt cùng với các thứ để ban lãnh đạo cải thiện sau giờ lao động, trong đó có cả cái thứ chất lỏng có tác dụng làm cho ban lãnh đạo hưng phấn hầu có những ý tưởng mới để đưa trại tiến lên không ngừng.

Điều chứng tỏ sự hơn hẳn của Lão Lụt không phải là ở cái ban lãnh đạo với nhiều sáng kiến, mà chính ở chỗ sản phẩm của trại, là vịt. Điều này hoàn toàn đúng với ý đồ chiến lược của Lão Lụt là xây dựng một trại chăn nuôi mà sản phẩm là những con siêu vịt, và những con vịt mẹ thì đẻ ra những cái siêu trứng.

Muốn đạt được điều này, tiên quyết phải là ý thức kỷ luật. Mà ý thức kỷ luật lại là thứ mà Lão Lụt có thừa. Thế thì tội gì mà lão lại không làm? Tội gì mà lão không chứng tỏ cho kẻ khác biết tay.

Ý thức kỷ luật không phải chỉ duy trì ở ban lãnh đạo trại, Lão Lụt mong muốn nó phải được thấm nhuần cả trong sản phẩm của trại. Lão cho rằng đó là điều kiện để đạt được cả hai yếu tố năng suất và chất lượng.

Một trong hai anh trợ lý đầu tiên của Lão Lụt không kham nổi cái thứ kỷ luật sít sao của trại, cáo ốm về nhà nằm ba hôm. Lão Lụt quyết định giảm biên chế anh này, cho hưởng ba tháng lương cùng với mười con vịt và năm chục trứng. Việc kiếm người thay vào chỗ trống Lão không phải lo gì cả, vì chỉ hai hôm sau, trại của lão nhận tám lá đơn xin vào cái chân trợ lý đó.

Tám tháng sau khi Lão Lụt nhậm chức, trại vịt đã nổi tiếng cả huyện về ý thức duy trì kỷ luật. Phòng nông nghiệp huyện đã có giấy giới thiệu khách đến tham quan. Và trong số khách đến thăm có người còn ghi trong sổ lưu niệm rằng thứ kỷ luật mà Lão Lụt duy trì ở trại vịt là một “tất yếu khách quan”, là một thứ không thể thiếu nếu muốn trại vịt phát triển theo quan điểm biện chứng. Bởi vì, theo vị khách đó, không có thứ kỷ luật ấy, trại sẽ chẳng ra cái thể thống gì. Cứ tưởng tượng tất cả vịt trong trại cùng chạy, cùng kêu “cạp… cạp…” loạn xạ cả lên. Nếu như cứ mạnh con nào con đó ăn, con lớn giành con bé, con mạnh hiếp con yếu, thì làm sao cả đàn đều được ăn, làm sao vịt lớn đều được, làm sao có được siêu trứng?

Xem cái cách hai anh phó tướng chỉ huy đàn vịt, khách đến tham quan có thể thấy ngay kỷ luật của trại. Hai anh phó đầu đội mũ mềm, áo quần ka ki dây nịt to bản thắt ngang lưng, dây dù buộc ống quần, tay cầm cây sào dài một đầu buộc miếng vải trông như ngọn cờ. Anh phó đưa cây sào thẳng đứng, cả đàn vịt đang nhốn nháo bỗng đâu vào đấy, hàng ngũ chỉnh tề, đứng im phăng phắc. Anh phó đưa ngọn sào nằm ngang song song mặt đất, cả đàn vịt ùa chạy theo cái hướng mà ngọn sào chỉ. Đang đứng yên hàng ngũ chỉnh tề vậy mà bỗng dưng anh phó thả ngọn sào xuống đất, lập tức cả đàn vịt nhón chân lên, vỗ cánh bốn lần, rồi đồng thanh kêu ba tiếng “cạp… cạp… cạp”. Tất cả những động tác này là kết quả của việc luyện tập công phu mà Lão Lụt bắt đầu tiến hành ở trại vịt từ năm thứ ba sau khi Lão về nhậm chức ở trại, sau khi lão đã ổn định vể mặt tổ chức nhân sự ở ban chỉ huy.

Trong mỗi bầy vịt mà thoạt trông giống nhau đó, hai phó tướng cũng đã chọn ra nhưng chú vịt sĩ quan. Đó là những con vịt to, màu lông cũng mướt hơn những con vịt khác trong đàn, Những vịt sĩ quan thường đi bốn góc và hai hàng hai bên trái bên phải của bầy vịt đang được lùa ra đồng để nhặt nhạnh những hạt rơi vãi. Vô phúc cho những con vịt binh sĩ vô tình hay cố ý xé rào, chạy ra khỏi hàng ngũ để ăn mảnh. Phát hiện được, những con vịt sĩ quan sẽ bay theo bén gót, mổ cho con vịt vô kỷ luật mấy cú đích đáng vào đầu. Thế là mấy chú vịt binh sĩ kia lại riu ríu đi vào hàng.

Những con vịt sĩ quan to mập, láng lông mượt cánh cũng là nhờ thỉnh thoảng chúng được hưởng chế độ chăm sóc đặc biệt do ban chỉ huy trại ban phát để tưởng thưởng cho việc chấp hành kỷ luật tốt. Chế độ thưởng cũng đơn giản, ấy là cho những con vịt có ý thức chấp hành kỷ luật này (tỉ lệ này được khống chế tối đa là một phần trăm tổng số đàn vịt) được ưu tiên đưa sang cánh đồng phía tây, là nơi có những thửa ruộng gặt muộn, hạt rơi hạt vãi còn nằm yên trên đồng, chưa bị con chim con chuột nó phỗng tay trên.

Thưởng thì phải đi đôi với chế độ phạt. Lão Lụt vốn là người nghiêm khắc và ưa nguyên tắc. Thế cho nên một hôm phó tướng phụ trách chuồng vịt thịt đã hoảng hồn khi chứng kiến tận mắt việc Lão Lụt trừng trị hai chú vịt tơ trong đàn. Lần ấy gã phó tướng lùa bầy vịt ra cánh đồng xa hơn thường lệ vì mùa gặt đã qua, các thửa ruộng gần đã gặt xong từ lâu, đã cày ải chuẩn bị vào vụ mới. Cả bầy vịt phải di chuyển theo con mương thủy lợi để ra đến địa điểm. Cả bầy vịt không hề biết rằng hôm ấy Lão Lụt cao hứng kiểm tra đột xuất. Cả bầy vịt đang bơi thẳng hàng theo đội hình thì bỗng hai chú vịt tơ rẽ ngang. Nhanh như chớp, hai chú vịt tơ háu đá ấy leo lên bờ mương thủy lợi, men theo cái mùi mầm thóc, nhảy vào một đám ruộng mạ vừa mới gieo hạt, còn chưa xanh luống. “Vô kỷ luật!”, Lão Lụt đột ngột la lên làm gã phó tướng giật mình. Vừa kịp lấy lại bình tĩnh, phó tướng đã lội xuống, sục trong bùn ruộng ma. Chẳng mấy chốc phó tướng đã tóm cổ hai chú vịt tơ, rồi lúng túng đem đến trình trước mặt Lão Lụt. Chẳng nói chẳng rằng, trại chủ giang tay quật thẳng từng con xuống mặt đập con mương thủy lợi. Hai chú vịt tơ hộc máu mồm, hai chân chới với khua trong không khí, từ từ ngoẻo đầu sang một bên trước khi những đôi mắt tròn xoe từ từ khép lại.

Gã phó tướng lấm lét nhìn Lão Lụt trước khi tiếp tục lùa đàn vịt đi.

***

Lão Lụt ém mình đã vài tiếng đồng hổ, có khi còn hơn. Thời gian mà hai gã kia nép mình xuống sát bờ mương để rình mò cái trại vịt còn lâu hơn thế nữa. Bây giờ mà bỏ đi là thua cuộc, Lão Lụt nghĩ thế. Vì chưa bắt được quả tang kẻ gian khi nó vừa ra tay. Phải túm được nó khi nó đang ẵm mấy con vịt. Lão vụt nghĩ đến cách đối phó khi bọn nó thò tay bắt vịt. Phải làm gì nhỉ? Khóng lẽ quay vào lấy cái chĩa. Khi có chĩa trong tay, không lẽ đâm chĩa vào tay kẻ gian. Như thế mấy con vịt sẽ rơi ra, trong tay chúng chẳng có gì gọi là tang vật, và như thế chúng sẽ trở lại thành người lương thiện ngay. Còn nếu mà cái chĩa đâm trúng vào mấy con vịt thì bọn chúng sẽ thả con vịt bị đâm xuống mà chạy thoát. Chà khó nghĩ quá! Lão Lụt đã loay hoay trong vòng nửa tiếng đồng hồ mà không tìm ra cách xử lý. Trong lúc lão chịu khó chấp nhận muỗi cắn trong nửa tiếng đồng hồ nữa, thì hai kẻ gian vẫn chưa hành động, Chúng nó vẫn nằm áp tai xuống đất, bất động như hai xác chết, thỉnh thoảng mới khẽ ngẩng đầu lên nghe ngóng.

Cuối cùng Lão Lụt phải nghĩ rằng như thế đã rõ rằng hai gã kia không có ý định bắt trộm vịt hoặc lấy trộm trứng. Bởi nếu muốn vịt và trứng thì chúng đã có thì giờ hành động, và hành động càng nhanh càng tốt trước khi bị phát hiện. Nghĩ vậy, Lão đã toan quay về chòi chỉ huy, để mặc hai cái gã mắc dịch cho muỗi nó làm thịt.

Nhưng rồi lão lại nghĩ đến tin đồn vịt nói tiếng người. Thế là lão lại nảy sinh cái ý muốn có thể tận mắt mình chứng kiến sự thất vọng của hai thằng ngu vì không hề nghe được vịt nói tiếng ngưởi. Lão muốn nghe tiếng chúng chửi thề thất vọng…

“Kệ mẹ chúng nó! Cho muỗi mòng đốt chết, cho quỷ tha ma bắt chúng đi!”, Lão Lụt lẩm bẩm một mình như thế trước khi quyết định bỏ cuộc. Có nghĩa là Lão quyết định quay về chòi chỉ huy đánh một giấc, mặc cho hai thằng ngu thức đêm cùng với muỗi để mà chờ nghe vịt nói tiếng người. “Chúng mày rình một đêm chứ tới mười đêm cũng chẳng sao. Ông đây sẵn sàng mắc màn cho chúng mầy thức đêm rình cho đỡ muỗi”, lão trại chủ lại nói một mình. Ấy là lúc lão nghĩ rằng việc rình mò đó là trò vô hại.

Tối hôm sau Lão Lụt lại ra bờ mương. Hai thằng ngu vẫn còn ở đó, nằm sấp áp tai xuống đất. Lão Lụt không thèm nghĩ đến cái chĩa, lẳng lặng quay về chòi chỉ huy. Hôm sau nữa lão lại ra, lại thấy chúng ở đấy. Lúc ấy lão nghĩ rằng nếu không có chúng ở đó, chắc lão sẽ ngủ không ngon. Hôm sau và hôm sau nữa thì ở vị trí đó chỉ còn có một tên. Lão Lụt cho rằng như thế là bọn gian đã mỏi mệt, thay phiên nhau một đứa rình trại vịt, một đứa ở nhà ngủ lấy sức. Không mảy may bận tâm, Lão Lụt quay về lều chỉ huy đánh một giấc. Lão muốn để dành sức để tối hôm sau lão phải làm cái công việc thường kỳ ấy.

Công việc thường kỳ của Lão Lụt không phải là việc mà những người đàn ông cùng tuổi với lão thường thực hiện theo một chu kỳ nhất định, dài hay ngắn tùy theo khả năng mỗi người. Lão Lụt không khoái chuyện ấy lắm, đành rằng lão vẫn thường xuyên về thăm vợ con lão trên thị trấn trung bình mỗi tuần một bận. Những lần về nhà của lão không phải là thường kỳ, có khi lão về vào chiều thứ bảy, có khi lại ghé ngang vào trưa thứ hai sau buổi tập huấn ở phòng nông nghiệp huyện. Hai phó tướng cùng hai trợ lý nhận định rằng lão trại chủ không mặn mà lắm với khoản ấy. Bằng chứng là lão sẵn sàng ở lại đêm tại trại vịt suốt tuần để cho những người khác trong ban chỉ huy trại có thể mò vào làng kiếm các cô các bà để “cải thiện”. Trợ lý kỹ thuật nói chắc như đinh đóng cột rằng, khi một người tập trung tất cả trí lực của mình vào một mục đích cao cả nào đó, như trường hợp của các nhà chính trị chẳng hạn, thì người đó có thể quên chuyện kia đi một cách dễ dàng. Anh ta phán chắc nịch rằng: “Khi ấy cái của quý của nhân vật đó đã bị thoái hóa, teo lại chỉ còn bằng đầu đũa. Chỉ còn dùng được vào cái việc tiểu tiện!”.

Trợ lý hậu cần cãi lại: “Thế sao các lãnh tụ thường có thê thiếp? Có người còn lập cả tam cung lục viện?”.

Trợ lý kỹ thuật lại lên mặt: “Chú mày biết một mà chẳng biết hai. Các lãnh tụ lắm thê thiếp ấy là các nhà chính trị gặp thời, các nhà chính trị đã thành đạt. Khi ấy chế độ dinh dưỡng đầy đủ hoặc thừa thãi, gồm cả yến sào và nhân sâm, sẽ giúp các vị ấy phục hồi chức năng mà tạo hóa ban cho các vị. Cái của quý của các vị ấy nhờ đó sẽ trở lại kích thước bình thường, thậm chí lớn hơn của các phó thường dân”.

Trợ lý hậu cần và hai phó tướng đều trợn tròn mắt thán phục. Trợ lý kỹ thuật thừa thắng xông lên: “Kích thước to lớn hơn bình thường của quí vị này có khi làm cung phi mỹ nữ kinh hoàng. Câu thơ ‘Ôi đau ba ngàn nàng cung phi’ là để nói về nỗi đau đó”…

Lão Lụt có nghe anh em lao xao luận bàn việc ấy, hiểu rằng họ muốn nói xa nói gần về khả năng ấy của mình. Nhưng lão không buồn. Vốn người độ lượng, lão cũng chẳng thèm bận tâm.

Điều mà Lão Lụt không muốn các thành viên khác trong ban chỉ huy quan tâm chính là cái công việc thường kỳ mà lão tiến hành mỗi tuần một lần vào đêm thứ bảy. Đó chính là nhân tố quyết định sự thành công của trại vịt, là yếu tố để tạo ra những thế hệ siêu vịt, siêu trứng.

Đó cũng chính là bí quyết riêng mà lão chưa muốn cho ai biết. Lý do khiến lão quyết định giữ bí mật bí quyết nghề nghiệp cũng rất dễ hiểu. Nếu sản phẩm của tất cả các trại vịt ở Huyện Đại Nam đều to, lớn như sản phẩm của trại vịt của hợp tác xã Đại Nông, thì rồi còn ai gọi vịt của lão là siêu vịt, trứng của lão cũng không còn là siêu trứng.

Công việc thường kỳ đó chẳng phải là một cái gì ghê gớm lắm. Chỉ là việc chế biến loại thức ăn đặc biệt, loại thực phẩm hỗn hợp với một chất phụ gia đặc biệt chỉ mỗi mình lão biết. Loại thực phẩm đặc biệt này cũng được chính tay Lão Lụt cung cấp cho đàn vịt mỗi tuần một lần. Việc pha trộn thực phẩm này do vậy phải chính tay lão làm. Chính lão nhào trộn những loại nguyên vật liệu được lão chứa trong gian nhà kho đặc biệt do lão giữ chìa khoá. Hai phó tướng và hai trợ lý đều chưa đủ tiêu chuẩn về sự tin cậy để lão phó thác công việc cực kỳ hệ trọng này.

Tối thứ sáu, Lão Lụt đã đi một vòng kiểm tra trại vịt, đã trông thấy một thằng ngu nằm áp tai xuống đất bên bờ mương trước khi lão yên chí về lều chỉ huy đánh một giấc.

Tối thứ bảy Lão lụt cũng đi một vòng kiễm tra, đã thấy một thằng ngu nằm sấp bên bờ mương. Lão yên chí đi thẳng về gian nhà kho. Lão còn cẩn thận đi quanh nơi ấy một vòng trước khi tra chiếc chìa khóa lão đeo nơi thắt lưng vào ổ khóa gian nhà kho, nơi lão phải làm cái công việc thường kỳ.

Công việc thường kỳ tiến hành suôn sẻ. Lão về lều chỉ huy đánh một giấc đẫy, chuẩn bị sáng mai cho vịt ăn sớm. Hôm sau, sau khi cho vịt ăn, lão lại đi một vòng kiểm tra. Lần này thì lão tìm thấy những vết chân lạ quanh tường gian nhà kho nơi lão thực hiện công việc thường kỳ. “Chắc thằng nào rình mò xem bí quyết của mình đây”, lão Lụt đoán thầm. Nhưng lão không cảm thấy lo lắng về việc ấy, vì lão cho rằng nếu chúng nó có trông thấy lão nhào trộn thứ hỗn hợp ấy thì rồi chúng cũng chẳng biết đó là những thứ gì, chẳng biết đâu mà lần.

Chuyện rắc rối bắt đầu vào buổi chiều khi cả hai gã phó tướng kẻ trước người sau chạy từ ngoài đồng về lều chỉ huy, phi báo rằng hàng trăm con vịt của trại đã lăn quay ra chết. Phó tướng vịt thịt vừa thở vừa báo cáo rằng từng con, từng con một ngã vật ra, hai chân khua khua vào không khí một hồi rối ngoẻo đầu, nhắm mắt. Đến ba giờ chiều thì cả khu ruộng nơi đàn vịt chuyên sản xuất siêu trứng đã trắng đầy xác vịt chết. Những con còn lại chạy tán loạn. Phó tướng vịt đẻ hộc tốc gom tàn binh lại. Cả đàn hai nghìn con vịt đẻ láng lông mượt cánh giờ đây chỉ còn ngót nghét sáu trăm. Phó tướng bấm đốt tay tính nhẩm, rồi rú lên: “Mười phần chết bảy còn ba!”.

Tổn thất của trại vịt làm đã làm cho Lão Lụt ngã bệnh. Một tuần sau vụ vịt chết hàng loạt, Lão Lụt từ bệnh viện gởi đơn từ chức. Lão tức muốn hộc máu vì biết rằng bọn xấu đã chơi xỏ lão một vố cay cú. Lão biết chắc rằng phen này lão cầm chắc… thân bại danh liệt.

Nhưng lão cũng không muốn người ta làm lớn chuyện, điều tra sâu vào nguyên nhân vụ việc, tức là tìm xem làm sao bọn xấu đã trộn chất gì vào thức ăn của vịt. Lão chỉ gọi viên phó tướng thân cận nhất đến bệnh viện, trao cho nó chiếc chìa khóa kho, dặn chở tất cả những loại nguyên liệu để chế tạo loại thức ăn đặc biệt về nhà lão. Lão còn dặn phó tướng làm việc cẩn thận, sau khi đã hứa trao quyền chủ trại cho gã.

Hai tháng sau vụ vịt chết, Lão Lụt xin thôi việc ở trại vịt, thôi luôn tất cả mọi công việc nhà nước. Lão quyết định lui về với vợ và hai con gái ở căn nhà nơi ngã tư phố huyện, căn nhà mà lão đã được nhà nước cấp trước khi lão về nhận công tác tại trại vịt.

Tuy nhiên, bọn xấu vẫn không để lão yên. Chúng rêu rao rằng Lão Lụt xin hưu một năm trước kỳ hạn là tại lão đã quá giàu có. Từ đó mỗi lần có việc lên huyện, dân làng Đại Nông đều cố gắng đi ngang chỗ ngã tư nơi nhà Lão Lụt, nhìn vào nhà lão, như để xác minh lại xem thử lời đồn đại về sự giàu có của lão đúng được bao nhiêu phần trăm. Cũng từ đó mà dân làng Đại Nông quả quyết rằng công lao Lão Lụt đóng góp cho huyện Đại Nam quá nhỏ so với sự đãi ngộ mà cách mạng nói chung, huyện Đại Nam nói riêng, đã giành cho lão, là căn nhà mặt tiền ngã tư phố huyện mà thời giá lên đến cả mấy trăm cây vàng.

Trại vịt đã được giao lại cho phó tướng như lời Lão Lụt đã hứa khi lão nằm bệnh viện. Nhưng sau thời Lão Lụt, việc làm ăn ở đó ngày càng tồi tệ, mọi thứ rối um cả lên.

Cũng từ dạo Lão Lụt thôi nghề, ở huyện Đại Nam không còn ai nghe đến những thứ như siêu vịt, siêu trứng nữa…

Sài Gòn 4/1998

Đã in trong tập truyện Người xứ Đoài, nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2005.

Comments are closed.