Lời nguyện cầu cho Salman Rushdie

Paul Auster

Đoàn Huyền dịch

image 

Khi tôi ngồi viết sáng nay, điều đầu tiên tôi làm là nghĩ về Salman Rushdie. Tôi làm điều này mỗi sáng trong gần bốn năm rưỡi, và giờ đây nó là một phần cốt yếu trong thói quen hàng ngày của tôi. Tôi cầm bút, và tôi bắt đầu viết, tôi nghĩ về tiểu thuyết gia đồng nghiệp bên kia đại dương. Tôi cầu nguyện ông sẽ tiếp tục sống thêm hai mươi tư giờ nữa. Tôi cầu nguyện những người bảo vệ của Anh quốc sẽ giấu ông khỏi những kẻ quyết ám sát ông – chính những kẻ ấy đã giết một trong những dịch giả của ông và làm bị thương một người khác. Hơn hết, tôi nguyện cầu sẽ tới lúc khi những nguyện cầu này không cần thiết nữa, khi Salman Rushdie sẽ tự do bước trên những đường phố của thế giới giống như tôi.

Tôi cầu nguyện cho người đàn ông ấy mỗi sáng, nhưng sâu trong lòng, tôi biết tôi cũng đang nguyện cầu cho chính mình. Cuộc sống của ông bị đe dọa vì ông viết một cuốn sách. Viết sách cũng là công việc của tôi, và tôi biết nếu không phải vì những trùng hợp của lịch sử và cơ hồ chỉ là may mắn thôi, tôi có thể đã rơi vào cảnh ngộ của ông. Nếu không phải hôm nay, thì có lẽ là ngày mai. Chúng tôi là những kẻ cùng hội cùng thuyền: một hội kín của những kẻ cô độc, hướng nội, và lập dị, đàn ông lẫn phụ nữ, những kẻ dành phần lớn thời gian nhốt mình trong những căn phòng con con nỗ lực để viết lách. Nó là một cách kỳ quái để sống cuộc đời của người ta, và chỉ kẻ nào không còn lựa chọn nào khác mới chọn nó như một nghề nghiệp. Quá gian khổ, thu nhập quá bèo bọt, toàn những chán chường để mà đo mình cho vừa với bất cứ kẻ nào khác. Những tài năng khác nhau, những tham vọng khác nhau, nhưng bất cứ một nhà văn cừ nào cũng sẽ nói với bạn điều tương tự: Viết một cuốn sách hư cấu, người ta phải được tự do nói điều người ta phải nói. Tôi sử dụng tự do đó với mỗi một con chữ tôi viết ra – và Salman Rushdie cũng thế. Đó là điều khiến chúng tôi trở thành anh em, và đó là lý do tại sao cảnh ngộ của ông cũng là cảnh ngộ của tôi.

Tôi không biết tôi sẽ hành động ra sao ở vị trí của ông, nhưng tôi có thể tưởng tượng ra – hay ít nhất tôi có thể cố mà mường tượng ra. Nói một cách thành thật, tôi không chắc tôi có thể có cái can đảm mà ông thể hiện. Cuộc sống của người đàn ông ấy bị hủy hoại, song ông vẫn tiếp tục thực hiện công việc ông sinh ra để làm. Chuyển từ nơi ẩn náu này tới nơi ẩn náu khác, cắt liên lạc với con trai mình, bị bao quanh bởi những nhân viên an ninh, ông vẫn tới bàn làm việc mỗi ngày và viết. Hiểu rằng khó khăn nhường nào để thực hiện công việc ấy ngay cả trong những hoàn cảnh dễ chịu nhất, tôi chỉ có thể kính phục điều ông hoàn thành. Một tiểu thuyết; một tiểu thuyết khác đang viết; một số những tiểu luận xuất sắc và những bài diễn thuyết bảo vệ quyền tự do ngôn luận cơ bản của con người. Tất cả những điều ấy đã đủ phi thường rồi, nhưng điều thực sự làm tôi kinh ngạc là ngoài những tác phẩm chủ chốt ấy, ông còn dành thời gian để phê bình sách của các tác giả khác – trong vài trường hợp thậm chí viết những lời giới thiệu để quảng bá cho những cuốn sách của các tác giả chưa nổi danh. Một người trong hoàn cảnh của ông có thể nghĩ về bất cứ ai khác ngoài bản thân mình không? Phải, hình như là có thể. Nhưng tôi băn khoăn liệu bao nhiêu người trong chúng ta có thể làm được điều ông đã làm trong lúc bị dồn vào chân tường.

Salman Rushdie đang đấu tranh cho cuộc sống của mình. Cuộc đấu tranh ấy dai dẳng trong gần một nửa thập kỷ, và chúng ta vẫn chưa giải quyết được vấn đề hơn khi lệnh fatwa lần đầu được tuyên bố. Như nhiều người khác, tôi mong mình có thể làm được điều gì đó để giúp đỡ. Nỗi thất vọng tăng lên, cơn tuyệt vọng bắt đầu, nhưng với việc tôi không có quyền lực lẫn ảnh hưởng để tác động đến những quyết định của những chính phủ ngoại quốc, cùng lắm tôi chỉ có thể cầu nguyện cho ông. Ông đang vác gánh nặng cho tất cả chúng ta, và tôi không thể nghĩ về công việc mình làm mà không nghĩ tới ông. Tình cảnh của ông hút lấy sự quan thiết của tôi, khiến tôi xét lại những xác tín của mình, dạy tôi đừng bao giờ coi nhẹ tự do mình đang hưởng thụ. Vì tất cả những điều đó, tôi vô cùng biết ơn ông. Tôi ủng hộ Salman Rushdie trong cuộc đấu tranh giành lại cuộc sống của ông, nhưng sự thật là ông cũng ủng hộ tôi. Tôi muốn cảm ơn ông vì điều đó. Mỗi khi cầm bút, tôi đều muốn cảm ơn ông.

1993

Dịch từ tiểu luận A Prayer for Salman Rushdie, in trong tập The Art of Hunger, Paul Auster, Penguin Books, 1997, (p.176-178).

Comments are closed.