Lời tiễn biệt thầy Nhật Tiến

Phạm Công Luận

Tin buồn lại đến khi biết tin nhà văn Nhật Tiến giã biệt cõi đời, chỉ sau cô Đỗ Phương Khanh hơn hai tuần. Riêng tôi, cảm thấy mình như vừa mất đi người thân.

 

Thế hệ 6X ở miền Nam sẽ không quên bộ tuần báo Thiếu Nhi do thầy chủ biên, in ấn đẹp, bài vở thiết thực và tính giáo dục đậm đà. Cũng không quên cuốn sách “Thềm hoang” của thầy mà học trò trung học Đệ nhất cấp đã phải thuyết trình trước lớp. Tôi vẫn nhớ nhiều chi tiết cuốn sách đặc sắc “Thuở mơ làm văn sĩ”, gần như là hồi ký mà thầy kể về thời học trò tập tành làm báo ở Hà Nội. Cuốn sách này đã thúc giục tôi đi vào con đường làm báo sau này. Những cuốn sách đó, cùng cuốn “Những người áo trắng”, vở kịch “Người kéo màn”, khi gặp nhau, thầy đều tặng cho vợ chồng tôi, luôn ghi trang trọng: “Tặng cô chú….”, dù chúng tôi chỉ ở tuổi con của thầy.

Cách nay đúng một năm, tôi xin phép phỏng vấn thầy qua email. Bài trả lời khá dài, sau đó thầy còn viết bổ sung thêm phần cảm nghĩ về Hà Nội xưa, về Sài Gòn…

Có vài đoạn tôi muốn chia sẻ:

Thầy kể kỷ niệm đáng nhớ với nhà văn Nhất Linh: “Do quen biết với gia đình nhà văn Nguyễn Thị Vinh nên sau khi Văn Hóa Ngày Nay đình bản, tôi còn có vài cơ hội gặp gỡ Nhất Linh ở nhà in Trường Sơn, đường Nguyễn An Ninh Sài Gòn do bà Nguyễn Thị Vinh làm chủ. Có một buổi gặp gỡ mà mãi sau này trong ký ức của tôi vẫn thấy như là mới mẻ, đó là buổi tối của hôm trước khi xẩy ra cuộc đảo chính ngày 11-11-1960. Nhà tôi, Đỗ Phương Khanh thì đã lên lầu trò chuyện với anh chị Trương Bảo Sơn và Nguyễn Thị Vinh. Ở tầng dưới, nhà văn Nhất Linh thì ngồi trầm ngâm bên một cái bàn nhỏ, chung quanh đầy những cột ram giấy của nhà in chất cao nghệu.

Thấy tôi, ông mỉm cười và rủ tôi chơi bài domino. Thế là tôi sà vào bên ông, vui vẻ đổ cỗ bài lên mặt bàn và ngắm nhìn ông xếp những con bài nhựa bằng đôi bàn tay đã bắt đầu thấy hơi run run. Có lẽ đấy là lần đầu tiên tôi có cảm giác gần gũi với ông nhất. Bởi vì sự liên hệ giữa tôi và ông lúc này chỉ là hai con người trong một trò giải trí chứ chẳng phải là giữa một nhà văn vốn đã lừng lẫy trong suốt một chiều dài của lịch sử Văn học Việt Nam, với một thanh niên mới chỉ có 24 tuổi đời, vừa chập chững đi vào thế giới của văn chương. Tôi nhớ là mình đã “gí” ông tận tình và rất thích thú nhìn đôi lông mày rậm của ông nhíu lại, vầng trán cao ngất phảng phất nhiều nếp nhăn, và mỗi khi phản công lại thì ông mỉm cười, nụ cười nom rất hiền từ và bao dung khiến tôi thấy lòng mình như ấm áp hơn lên.

Trong những giây phút thân ái đó, tôi thật đâu có ngờ là đầu óc của ông lại còn đang suy tưởng về một cuộc đảo chính sắp sửa xẩy ra, chỉ trong vài giờ sau đó !”.

Trong bài, ông nhắc về Hà Nội, nơi sinh ra: “… đối với tôi có quá nhiều kỷ niệm. Hồi tôi còn bé (thập niên 40s thế kỷ trước) nhà tôi ở ngõ Thanh Miến mà đầu ngõ bên này tiếp xúc với trường tiểu học Sinh Từ, tên khi đó là trường Pierre Pasquier, còn đầu ngõ bên kia thì trông ra cổng sau của Văn Miếu hay Quốc Tử Giám hồi đó quen gọi tắt là Giám. Lũ bạn bè còn trẻ nhỏ chúng tôi rất thường theo cổng sau vào Giám để cưỡi lên cổ những con Rùa mà trên lưng của chúng có những bia đá ghi khắc sự nghiệp của những vị Tiến Sĩ thời xưa”. Một đọan khác sau khi hồi cư: “Nhưng chỉ hơn một năm sau, mọi sự được phục hồi nhanh chóng. Tiếng xe điện leng keng đã bắt đầu rộn rã. Người hồi cư trở về buôn bán tấp nập. Và nhiều trường học đã mở cửa lại. Chỉ trong vòng 5 năm sau đó, cho đến 1952, 1953 thì mọi sinh hoạt đã trở lại bình thường. Hà Nội đã xuất hiện nhiều tiệm sách với khung cửa kính sáng choang, bên trong bầy đầy ắp sách báo mới ra chen giữa những văn phòng phẩm đủ các loại như tập vở học sinh in hình nữ tài tử điện ảnh tuổi nhỏ xíu Shirley Temple, bút máy Kaolo vỏ ngoài là bút máy nhưng bên trong thì chỉ cắm ngòi bút phải chấm mực. Loại bút máy thứ thiệt như Wearever, Pilot, Chatodo thì phải mãi sau này, khoảng năm 1952, 1953 mới thấy có”.

Trả lời câu hỏi về những suy nghĩ gì về cuộc sống, cùng những triết lý nhân sinh mà ông đúc kết lại trong đời: “Với tôi, tôi cứ sống hết lòng với những gì mình theo đuổi. Mỗi khi thất bại, tôi không cho là trò may rủi mà chỉ tại mình chưa vận dụng hết khả năng đó thôi. Và sau cùng, nếu có đạt được thành quả nào đó thì cũng chẳng nên coi là quan trọng. Vì theo kinh Phật thì đời người như mộng, như huyễn, bèo nổi, ảnh hiện, như sương mai, chớp nhoáng… mà thôi”.

Tôi đọc câu cuối mà thương cho hai nhà giáo dục của một thời Sài Gòn ngày xưa, hai nhà văn Nhật Tiến và Đỗ Phương Khanh, mà chúng tôi đã may mắn thụ hưởng những thành quả văn chương báo chí của ông bà, và từ những vị có tâm huyết khác thời đó, ông Nguyễn Hiến Lê, ông Nguyễn Hùng Trương, nhà văn Minh Quân, v.v.

Lần cuối ông bà Nhật Tiến – Đỗ Phương Khanh về chơi năm 2016, chúng tôi đưa ông bà ra Đường Sách. Sau khi ghé nhiều cửa hàng, tôi thấy ông bước ra gần đầu đường, móc bóp lấy tiền lẻ ra để mua gói đậu phộng luộc của chị bán dạo, vừa đợi múc đậu vào bao vừa tươi cười hỏi chuyện. Hình ảnh đó sao mà thương! Chào lần cuối để ra về, cô Đỗ Phương Khanh đọc hai câu thơ của Lý Thương Ẩn thời vãn Đường: “Tương kiến thời nan biệt diệc nan,/ Đông phong vô lực bách hoa tàn”. Câu dịch là “Gặp gỡ nhau đã khó, chia lìa nhau lại càng khó/ Gió xuân không đủ sức, để trăm hoa tàn úa”. Sau, về đọc tiếp hai câu của bài thơ này, càng khiến tôi nhớ thầy cô nhiều hơn: “Xuân tàm đáo tử ty phương tận,/ Lạp cự thành hôi lệ thuỷ can” (Tằm xuân đến chết mới nhả hết tơ/ Ngọn nến thành tro mới khô nước mắt”.

 

Nguồn: FB Phạm Công Luận

Comments are closed.