Long lanh quá khứ (kỳ 2)

Truyện

Đào Như

Trọng thấy Bích Hằng ăn nói thân tình trong gia đình không có gì là ngăn cách. Được nuôi dưỡng trong một hệ gia đình có truyền thống, mặc dầu lớn lên dưới những chế độ chính trị khác nhau, các con cháu của anh chị có những điểm giống nhau trong lề lối xử thế và tiếp cận với đời! Chị Xuân Tường vẫn ngồi im lặng nép mình bên cạnh cô cháu gái. Trọng biết Xuân Tường đang xao xuyến. Chị không thể nào nhận ra những con đường hay gốc phố của Sài Gòn thương yêu của chị hai mươi năm về trước. Biết bao vật đổi sao dời. Tất cả trật tự xây cất và tên đường đều thay đổi. Mỗi lần chị nhận ra con đường hay gốc phố mà nó đã bị đổi tên, mặt chị như đanh lại. Chị cảm thấy như vừa bị ai tước đoạt tài sản hay những giá trị tinh thần riêng tư của chị. Vừa nhìn ra được bảng tên đường HAI BÀ TRƯNG, chị Xuân Tường la lớn:

– Đường “HAI BÀ TRƯNG” đây hả? Chợ Tân Định đây hả? Nhà thờ Tân Định đây hả? Anh ơi! Nếu không còn cái bảng tên đường em không thể nào nhìn ra ngay từng con đường cũ của mình! Rồi chị quay lại nói với Bích Hằng:

– Từ con đường “HAI BÀ TRƯNG ” này chạy mãi… theo ngón tay chị chỉ chỉ… đụng Ngã Sáu, sau Trường Luật cũ của dì, trước Viện Đại học Sài Gòn, gần Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn cũ, tức là Công trường Duy Tân, rồi tiếp tục chạy tới đụng đường Thống Nhất tức là đường Norodom cũ, sau lưng nhà thờ Đức Bà, trước Dinh Độc Lập của mình, quẹo tay trái, chạy mãi đến gần Sở Thú, quẹo tay phải… Nếu lái xe Solex như dì thuở đó, trong ba phút con sẽ vào sân trường Trưng Vương. Trường Trưng Vưong là trương Nữ trung học của nguời Bắc di cư vào Nam năm 1954. Dì là học sinh hiếm có người Nam được học trường đó từ lớp Đệ thất đến Đệ nhất. Hồi ấy các cô giáo của dì có bà Vương Văn Bắc, vợ của ông Bộ Trưởng Ngọai giao Việt Nam Cộng hòa, Bà dạy Pháp văn. Bà ấy sang lắm!

Tội nghiệp cho Bích Hằng. Anh biết cô ấy chẳng hiểu gì về địa danh hay tên người mà chị Xuân Tường vừa nói đến,“ Dinh Độc Lập của mình” là của ai, cũng như cô không hiểu lái xe “Solex”là xe như thế nào, nhưng cô cũng ngước mắt nhìn theo ngón tay trỏ của Chị chỉ chỉ… Trọng thầm cám ơn Bích Hằng vì cô ấy biết kính trọng sự xao xuyến trong tâm hồn của vợ anh, cũng như cô ấy phải san sẻ và chịu đựng những nụ cười chua chát, những cái nhăn mặt của chị Xuân Tường.

Ngưòi tài xế cho xe chạy chậm, ngừng lại, rồi lại lui xe. Chị Xuân Tường hỏi Bích Hằng:

– Đến nhà rồi hả con?

– Dạ! Đến nhà rồi. Chắc mẹ con đang ở nhà chờ dì…

Hẻm thì sâu hun hút, hai bên lại có hai căn phố đập ra để lên lầu làm motel, hotel gì đó, cho nên lùi xe lại không phải là chuyện dễ. Ấy thế mà anh tài xế lách vào, lùi xe lại vô tận sân nhà không mấy khó khăn. Anh tài xế nhảy xuống đến mở cửa mời anh chị và Bích Hằng xuống xe, rồi mang tất cả bốn cái vali bỏ trong sân nhà. Trọng thấy Bích Hằng cố ý vội vã lấy ví trả tiền xe đúng theo bảng giá chỉ tiền của xe là 48.000 đồng. Vợ anh liền cho thêm anh tài xế mười đô la Mỹ và khen anh ấy lái giỏi. Bích Hằng thấy thế đành làm thinh vì biết có nói cũng chẳng được việc gì. Anh tài xế cám ơn chị Xuân Tường và lái xe ra khỏi hẻm rất nhanh.

Bỗng cửa sắt sau lưng rít lên và mở toang ra, Diễm Khánh từ trong nhà chạy ầm ra ôm chầm lấy chị Xuân Tường. Hai chị em nghẹn ngào không nói nên lời, đầm đìa nước mắt.

Để mặc cho hai chị em chới với vì cảm xúc của họ, một mình Trọng lần lượt bê cả bốn cái vali vào trong nhà.

Diễm Khánh bước lại gần anh, nắm lấy vai anh, ngã đầu trên vai anh, cô ấy bảo:

– Anh lúc nào trông cũng vậy thôi! Có điều tóc bạc nhiều hơn. Được một cái là da dẻ hồng hào. Diễm Khánh lấy tay xoa đầu tóc bạc của Trọng. Cô ấy trông chừng xúc động…

Trọng cám ơn Diễm Khánh và ôm vai Diễm Khánh gần hơn, nói nhỏ vào tai Diễm Khánh, nửa đùa nửa thật:

– Nhờ gần hai mươi năm ăn bơ thừa sữa cặn của Đế quốc Mỹ da dẻ mới được hồng hào như vậy. À, Diễm Khánh dạo này anh điếc nặng lắm. Cô thấy tôi mang máy điếc không? Cô thận trọng đấy. Tôi hay nói chuyện ‘trật đường rầy’. Người đời vẫn thường bảo điếc không sợ súng…

– Anh lúc nào cũng rắc rối, thời buổi này không ai cần nói chuyện với ai bằng súng đạn cả anh đừng có lo…

Chị Xuân tường vội vàng chống chế cho chồng:

– Diễm Khánh, anh Trọng dạo này già. Nhiều lúc anh ấy lẩm cẩm. Diễm Khánh hiểu cho…

– Chị Xuân Tường, sao chị lại nói như vậy? Nói xong Diễm Khánh cười lớn.

Bước vào nhà trong, Trọng giật mình, khi thấy bàn thờ họa sĩ Nguyễn Minh, ba của Diễm Khánh. Chí tình, anh chẳng hay biết gì về cái chết của họa sĩ Nguyễn Minh truớc đây. Bất ngờ quá. Anh thật sự xúc động. Anh lăng xăng định hỏi về cái chết của ông ta. Chị Xuân Tường nhìn anh có ý không muốn anh hỏi nhiều về chuyện buồn. Bên cạnh bàn thờ, anh thấy một bàn còn đầy nhang đèn. Diễm Khánh chỉ vào bàn ấy nói:

– Đó là đồ phúng điếu của các ông bạn của ba em gồm có các ông Hội Nhà văn, các ông họa sĩ, các ông nặn tượng, các ông nhạc sĩ, Bộ Ngoại giao, Sở Ngoại vụ, và các ông lãnh đạo trong Thành phố.

– Các ông ấy phần nhiều là đảng viên cả, họ cũng đến khấn vái và thắp nhang cho dượng nữa sao?

– Ai cũng vậy thôi anh. Ai cũng thờ ông bà, cũng cúng vái Ơn Trên trước.

Diễm Khánh vừa nói vừa cúi xuống mặt bàn đầy nhang đèn tìm tờ báo Văn nghệ và lật lật tờ báo tìm bài đưa Trọng xem và cô ấy nói:

– Khi ba em qua đời, ông Tô Hoài, bạn của ba em, có viết một bài để tưởng niệm ba em…

Lúc đó chị Xuân Tường cũng vừa đến, mặt chị ràn rụa nuóc mắt, chị bảo:

– Để đó đi anh, sau rồi hãy đọc…

Biết ý chị, Diễm Khánh đến lấy một nắm nhang đốt, rồi chia cho Trọng và chị Xuân Tường mỗi người một nửa. Chị Xuân Tường cầm nhang đưa cao lên khỏi đầu và khấn vái… Vai chị run. Hình như chị đang khóc. Diễm Khánh đứng sau ôm lấy vai chị, ngả đầu vào lưng chị, cùng khóc. Anh cũng đưa nhang lên khỏi đầu và khấn: “Dượng Minh muôn vàn kính mến, vợ chồng con về thăm quê lần này có ý muốn gặp lại dượng vì các con cần những lời chỉ giáo của dượng. Không ngờ dượng vĩnh biệt gia đình con cháu quá sớm. Vợ chồng con vô cùng tiếc thương dượng…”. Chợt một bàn tay đặt trên vai anh, khi đó Trọng mới biết là Bích Hằng đang đứng sau lưng anh.

Lễ bái xong, chị Xuân Tường đứng xem nhà Diễm Khánh, chị khen:

– Nhà Diễm Khánh đẹp thật. Diễm Khánh có cả bộ bàn ăn cổ kính, với tám cái ghế cẩm lai, đẹp tuyệt. Ở Mỹ giàu như Bill Gates chưa chắc có được bộ bàn ăn cổ kính quý như vậy.

Nghe nói, Diễm Khánh phá lên cười:

– Chắc rồi đấy chị. Làm sao một tên tỷ phú Mỹ như Bill Gates, lại có thể có được một bộ bàn ăn làm bằng gỗ quý cẩm lai của ta được?

Nói xong Diễm Khánh ngước lên nhìn Trọng và cười như thách đố. Lúc ấy vô tình Diễm Khánh để lộ cái cổ ra. Cổ Diễm Khánh trắng cao, không gợn một nếp nhăn, thanh tú như đóa hoa huệ. Trọng thầm khen Diễm Khánh vẫn xinh đẹp như thuở nào.

Gần bộ salon cổ kính bộc bằng da nâu sậm, Diễm Khánh đặt một hệ thống computer với cái máy Compact, máy in màu, một số điện thoại có dây, cầm tay, máy ghi chú v.v…và vài thứ lĩnh kỉnh khác tạo thành một khu vực khá độc đáo. Diễm Khánh cầm tay chi Xuân Tường và chỉ vào khu vực ấy nói:

– Đây là “headquarter” của em đó. Và cô ấy cười ngất. Nói thật với chị, “tụi này” cần thiết cho em lắm. Có nhiều lúc mang đồ ở sở về làm, một mình rị mọ cả đêm.

Nghe Diễm Khánh nói với giọng ngậm ngùi. Xúc động, Trọng hỏi:

– À!… Còn Quý dạo này ra sao? Đâu… rồi?

– Đâu rồi? Nghĩa là sao? Diễm Khánh hỏi vặn lại. Anh đã biết em và anh ấy ly dị từ hồi còn ở Hà Nội sau khi anh ấy ở Kiev về. Em nuôi con, như anh biết đấy. Bích Hằng vẫn ở với em.

Diễm Khánh quay lại vừa nhìn chị Xuân Tường vừa nói:

– Năm 1980, tụi em cũng có ý trở lại với nhau, nhưng anh Quý có nhiều va chạm, đấu tranh với má em, nên tụi em đành thôi, vĩnh viễn chia tay. Rất tiếc, lúc ấy anh chị vượt biên rồi, phải chi lúc ấy anh chị còn ở lại, hy vọng anh Trọng có thể hàn gắn lại cho tụi này. Em nghe anh Quý nói anh ấy thích Trọng lắm, vì hai người có những tư tưởng rất gần nhau.

– Vâng, Trọng nói, tôi có gặp Quý một lần, đầu năm 1976, tám tháng sau ngày tiếp quản, tại bịnh viện Đa khoa Hậu Giang. Chúng tôi nói chuyện với nhau chỉ có mười lăm phút trong phòng giải lao của bác sĩ trực. Lúc ấy Quý có cho tôi biết Quý là chồng của Diễm Khánh, và ăn ở với nhau có được một cháu gái. Anh ấy không hề nhắc đến chuyện ly dị. Lúc đến thăm tôi, Quý xách theo một box la-ve, mời tôi uống. Tôi rất thích anh chàng ấy. Trông anh như một tay hảo hớn, cao lớn, nước da đen sậm, mắt sáng, quai hàm rộng, quắc thước. Quý cho tôi hay, năm 1954, vừa đậu xong Brevet Elementaire tại Sài Gòn anh thoát ly theo chú tập kết ra Bắc. Ra đến Hà Nội, Quý là con nuôi của Bác Tôn, vì quê anh cũng là Bến Tre. Anh được gửi sang Liên sô học bổ túc lái Mig, hồi giữa năm 71, lúc ấy Diễm Khánh đang có thai. Anh tốt nghiệp giữa năm 72. Lúc ấy cả nước từ Bắc chí Nam, là một chiến trường nóng bỏng. Mỹ oanh tạc đánh phá miền Bắc ác liệt. Vì nhu cầu chiến trường, sau khi tốt nghiệp anh có lệnh đòi về, nhưng anh nhất định không về. Không phải anh ấy sợ độ tàn khốc của chiến tranh, mà sợ nhà nước ta lúc ấy đang đánh “các ông xét lại” dữ dắn quá. Tư tưởng xét lại có gốc Liên Xô, từ thời Khrutchev. Với sự đồng tình của nhà nước Xô Viết, anh được lưu lại Liên Xô, nhưng anh phải đi ở ẩn các đại học xa thủ đô Mạc Tư Khoa, xa tòa Đại sứ Việt nam. Thành phố cuối cùng anh ở là Kiev, phía bắc Liên Xô, thuộc tiểu bang Urkraine. Quý có khen thành phố và đại học Kiev thật xinh đẹp, người Urkraine lịch sự hiếu khách và hòa nhã! Đầu năm 73, hòa ước Paris vừa ký kết, và phong trào đánh xét lại cũng ‘xẹp’ xuống nhiều, anh từ giã Kiev, bay về Hà Nội. Cuối tháng sáu, năm 75, vì nhớ Miền Nam, anh lái chiếc xe Molotova, chạy từ Hà Nội thẳng vô Nam, Sài Gòn. Chúng tôi nói chuyện với nhau rất là hợp, mặc dầu chúng tôi chỉ gặp nhau trong mười lăm phút! Khi chia tay, chúng tôi nắm chặt bàn tay nhau. Quý nhìn vào mắt tôi và nói: “Au Revoir”. Anh ta ôm tôi siết thật mạnh…

– Đúng vậy, Diễm Khánh nói, mặc dầu chúng tôi lúc ấy đã ly dị, nhưng tại có con nhỏ này, cô vừa nói vừa chỉ Bích Hằng, cho nên anh ấy vẫn năng lui tới. Anh Quý là một người đàn ông mà ai gặp một lần cũng mến mộ. Sau khi vô Nam anh ấy chuyển ngành, làm giám đốc của một công ty chế biến, và xuất khẩu hàng may mặc. Sau em, anh ấy có thêm hai đời vợ, bà vợ sau cùng, người Hà Nội, chị cũng là kỹ sư, họ quen nhau từ hồi bên Liên Xô. Chồng chị ấy đi B, chết ở Trường Sơn năm 1971. Bây giờ anh Quý già. Cách đây một năm anh bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người, anh vẫn ngồi trên xe lăn và sống bằng lương hưu.

Nói đến đây trông cô ấy có vẻ ngậm ngùi, cô nói tiếp:

– Xa anh ấy, em không còn quen với người nào khác.

Và xoay về phía chị Xuân Tường, Diễm Khánh nói:

– Thú thật với chị, trong suốt hơn mười năm qua em không biết đến một người đàn ông là gì. Em với anh Quý xa nhau, không phải lỗi tại ai cả. Tụi em, chỉ là nạn nhân của chiến tranh.

Hình như đến lúc này chị Xuân Tường thấy cần phải nói chuyện vui vẻ hơn. Chị nói với Diễm Khánh:

– Diễm Khánh có một hệ thống computer khá đầy đủ và rất tốt.

– Bên nhà Bích Hằng cũng có một hệ thống tương tự như vậy, em định mang hết “tụi đó” qua bên này, để trống chỗ cho anh chị và Tỏa nghỉ ngơi.

Chị Xuân Tường liền bảo:

– Đừng dọn qua, dọn lại làm gì cho mất công. Chị cũng cần hệ thống bên ấy để e email cho Xuân Hảo, Xuân Hợp hay cho Dì Hai, tức là mẹ chị. Chị nói:

– Đi đây chớ Dì Hai bên ấy lo lắm.

Nghe nói tên hai đứa cháu gái của cô, Diễm Khánh liền bảo:

– Nghe nói Xuân Hảo không còn làm về Investment Banking ở Lehman Brothers-New York, cháu tự xin chuyển về San Francisco phải không chị?

Chị Xuân Tường chưa kịp trả lời, Diễm Khánh nói tiếp:

– Nghe nói Xuân Hợp tháo vát lắm phải không? Cô ấy vừa về làm việc ở Rochester, New york, gần bịnh viện mà fiancé của cô ấy đi thực tâp. Chắc cô ấy thích lắm chị nhỉ.

Chị Xuân Tường vội đỡ lời:

– Vì con nhà nghèo, ở xứ người, nói chung các cháu đều tháo vát cả! Mà sao Diễm Khánh biết hết mọi chuyện cả vậy?

– Dì Hai, má chị, tháng trước về thăm nước ở với tụi này, bà nói cho tụi này biết hết! Dì hai thương đám con của chị quá chừng chừng. Lúc Dì hai ở đây với tụi này, thỉnh thoảng Tỏa có gọi điện thoại từ Hà Nội, nói chuyện với bà ngoại. “Anh” ấy nói tiếng Việt ngọng mà nói giọng Bắc kỳ nữa. Nói xong Diễm Khánh cười ngất.

Hai chị em nắm lấy tay nhau tung tăng đi xem nhà. Diễm Khánh nói:

– Cái nhà này như chị thấy có hình chữ L. Cánh lớn chữ L là em ở. Cánh nhỏ chữ L là của Bích Hằng. Con gái lớn rồi, cho cô ấy ra riêng để có tự do thù tiếp bạn bè. Nhưng anh chị và Tỏa về đây, thì cô ấy về ở ẩn với mẹ. Nói xong hai chị em cùng cười một cách hồn nhiên.

Diễm khánh ghé nói nhỏ vào tai chị Xuân Tường nhưng cũng vừa đủ cho ông anh rể mình cùng nghe:

– Cái nhà này, em mua hồi năm 1987, tám chục cây đó chị, má em chi tất cả!

Chị Xuân Tường khen nhà đẹp, trang trí đẹp. Và chị cũng khen Diễm Khánh có óc thẩm mỹ khi chọn mua nhà này. Nhà ở thuộc khu sang trọng. Láng giềng toàn là trí thức.

Diễm Khánh cười sung sướng và cám ơn chị Xuân Tường. Chợt Diễm Khánh nói:

– Mới đây mà đã năm giờ chiều rồi. Tụi mình hè nhau mang tất cả 4 cái vali này qua bên anh chị. Bên anh chị có hai phòng ngủ, bên tụi này cũng có hai phòng ngủ. Nhưng bên anh chị có máy lạnh, có bồn tắm, có douche nuớc nóng và nước lạnh. Bên anh chị được tân trang nhiều! Còn bên em chưa được tân trang, mặc dầu nó rộng hơn, hệ thống nhà tiêu nhà tắm vẫn giử nguyên như cũ, vẫn cái siège de Turque, cỗ lỗ sĩ, không phù hợp với anh chị đâu. Ông bà qua bên đó nghĩ ngơi cho khoẻ. Đúng 7 giờ mời ông bà qua bên này dùng bữa cơm dưa muối với nhà nghèo…

Câu mời mọc khiêm tốn và khôi hài của Diễm Khánh làm cho vợ chồng Trọng và cả Diễm Khánh cùng cười…

Nhìn đồng hồ chỉ đúng 7 giờ, thấy vợ còn đang hong tóc, Trọng bảo:

– Nhanh lên em, đừng để ‘họ’ đợi…

– Anh còn dám gọi Cách mạng là ‘họ’ đấy à?

Chị Xuân Tường vừa nói vừa cười, nửa đùa nửa thật.

– Anh còn nhớ, anh có nói với em, năm 75, anh bị phê bình vì anh sơ ý, trong buổi giao ban anh gọi Cách mạng là ‘họ’. Lúc ấy anh không bị kiểm điểm, kiểm thảo gì cả, là nhờ lúc ấy có bác sĩ Út Ngôn, anh ấy cũng người Nam, anh ấy cũng quý anh nữa. Nhưng bây giờ anh vẫn thấy đó: chế độ vẫn chế độ công an, tai vách mạch dừng.

– Câu chuyện ấy lâu rồi gần một phần tư thế kỷ. Mà anh chỉ gọi mẹ con Diễm Khánh là “họ”, anh có gọi ai khác đâu…

– Nói cho anh nghe vậy, anh đừng có buồn. Một phần tư thế kỷ rồi mà họ có xê dịch gì không? Không hiểu trong bữa cơm chiều nay, ngoài vợ chồng mình còn có vị ‘quan khách bất ngờ’ nào không? Anh ráng giữ ý, giữ tứ, thận trọng cho anh, cho vợ, cho hai mẹ con Diễm Khánh… nghe anh…

Qua nhà Diễm Khánh, anh chị chưa kịp gõ cửa, cửa đã mở! Ngọc Tới đứng nép người sang một bên chào vợ chồng anh chị. Chợt nhìn thấy Ngọc Tới, vợ chồng anh ngẫn ngơ. Khí sắc của Ngọc Tới sụp đổ đến độ dị thường: tóc rụng xác xơ, răng cái có cái không, ngưởi cô ấy mập và phì ra như phù thũng, da nhợt nhạt, trông như một bịnh nhân trong thời kỳ chịu ảnh hưởng ung-thư-trị-liệu! Chị Xuân Tường tiến đến nắm hai tay của Ngọc Tới, người em bạn dì của chị, chị ruột của Diễm Khánh. Hai chị em cùng ôm nhau khóc. Mặc dầu mẹ vợ anh, về thăm nước cách đây một tháng, khi trở về Mỹ, bà có nói trưóc cho vợ chồng anh chị hay về sự thay đổi khí sắc của Ngọc Tới. Nhưng anh nghĩ đâu thể nào có sự thay đổi đến mức độ tiều tụy như vậy. Anh tin chắc rằng, không có một nguyên nhân ngoại lai nào có thể làm cho Ngọc Tới xuống dốc đến độ như vậy, ngoại trừ sự xâu xé chính nội tâm của Ngọc Tới.

Trọng biết Ngọc Tới và chồng của Ngọc Tới là dược cao Năm Hoàng hai tuần sau ngày tiếp quản Cần Thơ 1975, tại bịnh viện Thủ Khoa Nghĩa. Lúc ấy Ngọc Tới là người phụ nữ trí thức, đẹp sang trọng trong hàng ngũ Cách mạng, tại khu 9, Hậu giang. Sau này, Trọng thường nói với Họa sĩ Nguyễn Minh, thân phụ của Ngọc Tới và Diễm Khánh lúc ông còn sinh thời: “Diễm Khánh là Liz Taylor của Mỹ, Ngọc Tới là Trà Giang của Việt nam”. Nhưng Ngọc Tới có suy tư sâu sắc; có cái nhìn thấu suốt lịch sử mười năm, hay hai mươi năm sau. Sau khi tiếp xúc vời vợ chồng Ngọc Tới trong vài tuần lể, anh thấy ở Ngọc Tới có một nội tâm dữ dội, chuyển hóa không ngừng. Những gì anh thấy ở đất nước hôm nay, chứng tỏ rằng những điều Ngọc Tới suy nghĩ cách đây gần hai mươi năm là đúng.

Bước vào nhà trong, Ngọc Tới đến ôm vai anh và nói sát vào tai anh:

– Em về hưu non lâu rồi anh.

– Dì Hai về Mỹ, có nói cho tôi biết điều đó.

– Em cũng tự ý xin ra khỏi Đảng rồi anh.

– Ngọc Tới nói sao?

– Em tự ý rút ra khỏi Đảng. Cách đây sáu tháng, người ta có yêu cầu em trở lại Đảng, và bằng giấy trắng mực đen người ta có cho em biết rõ, nếu những ai về hưu mà còn giữ Đảng tịch thì được miễn đi họp sinh hoạt Đảng. Nhưng em không. Dứt khoát, không trở lại Đảng.

Câu chuyện giữa Ngọc Tới và Trọng làm không khí có vẻ căng, Trọng bèn chỉ vào bàn ăn và nói lớn:

– Mấy con cua lột sao mà to thế. Không hiểu quý vị nấu nướng chúng với kỹ thuật tân kỳ như thế nào mà trông chúng đẹp lạ thường, như chúng đang mặc áo giáp vàng. Anh châm bẩm nhìn vào đĩa tôm luộc đặt ở giữa bàn bốc hơi. Những con tôm to mập no tròn căng cứng màu hồng trông thật là mọng. Bên cạnh là những đĩa muối tiêu, những đĩa tương ớt màu nâu, vàng, đỏ, những miếng chanh xanh cắt sẳn chờ đợi và những tép tỏi Phan Rang thơm nồng. Tất cả hương sắc và bụng đói tạo cho anh háo hức thèm ăn lạ thường!

Hiểu được anh, chị Xuân Tường bảo:

– Nhìn kìa, tên Việt kiều ở Mỹ về đói ăn trông mà thảm hại!

Cả nhà cùng cười. Ngọc Tới bảo:

– Ở nước ngoài về ai cũng đói ăn cả, nhưng họ chỉ đói ăn những món đặc sản của quê hương. Anh Trọng, anh nhìn vào đầu bàn bên kia mà anh sẽ ngồi vào, bên gốc tay phải của anh có tô “cá rô kho tộ”. Món cua lột, tôm luộc là của mẹ con Diễm Khánh làm, còn món “cá rô kho tộ” là chính tay em làm.

– Thật đấy anh Trọng, Diễm Khánh bảo. Món “cá rô kho tộ” là món do chị Ngọc Tới làm từ trưa đến giờ đặc biệt dành cho anh đó!

Trọng đến sờ vào siêu “cá rô kho tộ” còn ấm nóng, anh đưa siêu “cá rô kho tộ” lên tận mũi để thưởng thức hương vị quê hương miền Nam. Anh nhớ ơn Ngọc Tới vô hạn. Chợt anh thấy trên đĩa dưới đáy siêu một mảnh giấy nhỏ. Anh cầm lên đọc. Đó là bài thơ đưọc chép tay lại, nét chữ của Ngọc Tới. Đọc bài thơ, hốt nhiên anh nhận ra đó là bài thơ của anh, viết cách đây gần hai mươi năm…

Hôm ấy, ngày 2 tháng Tư, năm 79, vợ chồng Trọng có mời vợ chồng Ngọc Tới đi ăn ở cái quán ăn “xập xệ” ở bến Ninh Kiều, chợ Cần Thơ. Tuy nhìn là “xập xệ” như vậy, vì Cách mạng vào ai cũng muốn tỏ ra mình là biết giác ngộ bằng cách “xập xệ”; thật sự quán này là quán ăn nổi danh, có nhiều món đặc biệt của Hậu Giang. Trước bảy mươi lăm, anh và bạn bè của anh, các bác sĩ ở Cần Thơ, gọi quán này là “Danh trấn giang hồ miền Tây”. Khi vào quán, anh chị có nói với vợ chồng Ngọc Tới ở đây có nhiều món ngon và lạ, quý vị cứ gọi cho bằng thích! Vợ chồng Ngọc Tới, và chị Xuân Tường gọi đủ thứ có cả cháo rắn hổ, cà ri rùa-cua-đinh… Riêng anh, chí thú có một món: “cá rô kho tộ”.

Hôm ấy, Ngọc Tới phê bình anh:

– Anh này! Ngay cả ăn uống cũng cục bộ. Anh chí thú có một món cơm trắng và “cá rô kho tộ”. Khi nào xa chắc có nhớ về Cần Thơ, anh chỉ nhớ món này thôi. Rồi cô ngâm nga câu ca dao: “Cần Thơ gạo trắng nước trong”…

Comments are closed.