Long lanh quá khứ (kỳ 4)

Truyện

Đào Như

Trọng nghe bà dì Quới gọi tên anh, anh không dám trả lời. Anh chỉ biết nhìn bà Quới với cái nhìn thầm lặng chia sẻ. Anh giấu mặt sau ly rượu, vô tình anh nhìn mọi người qua ly rượu vang màu đỏ sậm. Anh nói:

– Tất cả lịch sử đau thương vừa qua, chính chúng ta đã tạo ra. Chúng ta kiêu hãnh chấp nhận đau thương đó, nhất là đau thương gây nên từ một cưộc chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chúng ta là kẻ làm nên lịch sử và cũng là nạn nhân của lịch sử…

Trọng thấy bóng dáng chị Xuân Tường lung linh đứng dậy, đến cạnh anh, tay chị ôm lấy vai anh và nói:

– Thưa dì, hôm nay vui, anh Trọng uống hơi nhiều. Xin phép dì, Ngọc Tới và Diễm Khánh cho phép con đưa anh anh về phòng nghỉ, con sẽ qua lại ngay thôi, để hầu chuyện với dì.

Hình như đưa anh về khuya hôm đó, có cả Tự và Bich Hằng. Anh nghe bà dì Quới gọi theo:

– Trời mưa lạnh nhớ đắp chăn kỹ cho nó. Xong rồi nhớ qua liền nghe con.

Trọng nghe chị Xuân Tường nói:

– Dạ, xong con qua liền!

Xuân Tường và có cả Bích Hằng đỡ Trọng nằm xuống giường, và chị Xuân Tường kéo chăn cao lên phủ kín ngực anh. Trọng nghe chị Xuân Tường và Bích Hằng bước xuống cầu thang. Tiếng khép cửa nhẹ. Mưa vẫn thả đều trên mái, âm vang khi trôi xa khi lại gần. Có tiếng guốc của ai kéo lê cuối phố trong mưa sũng ướt. Anh thấy hàng hàng lớp lớp cờ bay, và biểu ngữ, từ các khu Tham Tướng, Cầu Xéo, Phan Đình Phùng, An Cư, Cái Khế, Quang Trung, Tự Đức, Lộ 19, Lộ 20… kéo về trung tâm thành phố Cần Thơ, trên đại lộ Hòa Bình, trước Quân đoàn 4, Quân khu 4, Quân đội Việt Nam Cộng hòa! Cờ Mặt trận Giải phóng tung bay! Biểu ngữ tung bay! Tiếng hoan hô Cách mạng vào tiếp quảng Cần Thơ vào đêm 30/4/75, nghe long trời lở đất! Anh thấy thấp thoáng trong đám đông chạy ra, người đồng nghiệp của anh, bác sĩ Nguyễn Khoa Lai. Sao trông anh ấy khốn khổ thế! Anh liền chạy theo và cố gắng gọi thật to, báo cho anh ấy hay là người anh của anh ấy, tướng Nguyễn Khoa Nam vừa tự vẫn. Tướng Nguyễn Khoa Nam vừa tự vẫn!…

Chợt một cánh tay ôm chặt anh và lay mạnh:

– Anh ơi! Anh mơ ngủ thế nào vậy? Cái niền hàm của anh đâu, sao anh không mang vào? Anh nghiến răng nghe ghê quá. Anh gọi lớn tên tướng Nguyễn Khoa Nam… Tướng Nguyễn Khoa Nam!… Nghe kinh thật! May mà em bên nhà Diễm Khánh vô tình về kịp không thì nguy thật…

Trọng nhìn đồng hồ thấy đúng 3 giờ sáng. Ngoài trời nhiệt độ đang xuống, lạnh! Chị Xuân Tường đến tắt máy lạnh. Trọng đến bên cạnh cửa sổ nhìn ra, trời Sài Gòn tối đen như mực. Gió mưa vần vũ, không một vì sao dám ló rạng.

Trọng nghe vợ bảo:

– Thôi rán ngủ lại đi anh… Vợ chồng mình về thăm quê hương, gặp ngày mưa bão. Buồn quá phải không anh? Thôi ngủ đi anh, em cũng buồn ngủ lắm rồi…

Trọng ôm vợ sát vào lòng, kéo chăn cao lên cho ấm. Chưa bao giờ anh chị thấy cần có nhau như bây giờ…

3- SÀI GÒN 300 NĂM LỊCH SỬ

Buổi chiều không còn một hạt mưa. Trời nắng rộ. Thời tiết bắt đầu oi bức. Trọng nghe da thịt mình thay đổi. Từng lỗ chân lông nghe như rạn nứt. Mồ hôi bắt đầu rỉ ra, thấm đượm. Anh cảm thấy vừa mát vừa nóng. vừa khoan khoái vừa khó chịu. Anh bắt gặp lại cái cảm giác mà anh gần như quên đi hai mươi năm xa Sài Gòn. Anh nhìn chị Xuân Tường, anh cười, vì bất chợt anh thấy những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán chị! Anh hỏi vợ:

– Em thấy khỏe không?

– Mặc dầu nóng, nhưng không khó chịu lắm và có ít khoan khoái và thích thú. Không hiểu tại sao?

– Vì em gặp lại cái cảm giác mà gần 20 năm em quên đi. Trán em đượm mồ hôi kìa…

Chi Xuân Tường lấy khăn tay, vừa thấm nhẹ mồ hôi trên trán vừa mắng yêu chồng:

– Anh này, tinh thật!

Và chị quay sang chia sẻ với Diễm Khánh:

– Ở Chicago, mỗi khi thời tiết nóng như thế này, thì trong người bứt rứt, khó chịu lắm. Người ta có cảm giác ngột ngạt, khó thở. Vì độ ẩm ở Chicago cao, nên khó thoát mồ hôi. Nhưng hệ thống an sinh xã hội của họ an toàn lắm, ăn ở, tất cả mọi hoạt động, di chuyển, làm việc dưới những điều kiện nhiệt độ mát về mùa nóng, và ấm về mùa lạnh. Năng suất lao động của họ không chịu ảnh hưởng bởi thời tiết và khí hậu.

Chị Xuân tường và Diễm Khánh nói chuyện say mê, quên cả xe cộ huyên náo xung quanh mình. Những chiếc xe gắn máy chạy phía sau, tưởng chừng họ đâm sầm vào chiếc taxi. Anh tài xế khó nhọc lắm mới ghé được vào lề và đổ gia đình Trọng. Bây giờ là 5:00 chiều. Nhìn xe cộ tấp nập, hối hả, quay cuồng xung quanh các đường phố. Đứng trên lề, ngay trước chợ Bến Thành, Trọng có cảm tưởng Sài Gòn giờ này là cái lòng chảo. Tất cả xe cộ con người bị cuốn hút xoáy vào lòng chảo, cái bùng binh cũ của Sài Gòn, trước chợ Bến Thành, với vận tốc kinh khủng, điên cuồng. Thật là khủng khiếp khi thấy các cô các cậu Sài Gòn trẻ bịt mồm bịt mũi, di chuyển trên những chiếc xe gắn máy, chạy ào ào, chạy bạt mạng. Trọng tự hỏi họ chạy đi dâu? Họ chạy về phía trước? Họ đang rượt theo một tương lai còn cách xa họ. Họ đang rút ngắn thời gian. Họ không muốn mình là kẻ tụt hậu. Hay họ chạy trốn quá khứ, một quá khứ của chiến tranh, đổ nát, nghèo đói, đố kỵ, lạc hậu và hận thù phi lý. Quá khứ thảm hại mà họ không hề tham dự.

Trọng đi vào giữa nắm tay Diễm Khánh và Xuân Tường, và anh than vãn:

– Sài Gòn bay giờ không còn giống như Sài Gòn trước 75! Đời sống vội vàng quá. Giờ tan sở Sài Gòn trước 75, cũng đông đảo, người qua kẻ lại, nhưng trong nhịp nhàng thư thái.

Diễm Khánh bảo

– Còn bây giờ anh thấy thế nào? Ồn ào lắm phải không? Xô bồ lắm phải không?

– Cũng gần như vậy! Có thể nói mọi người đang rơi ngoài trọng lực.

– Bây giờ là kinh tế thị trường, cuộc sống tăng tốc với cơ chế thị trường. Ai cũng hối hả làm ăn và cướp đoạt lại những cái gì họ đã mất trong những năm qua. Sau giờ làm việc tại công sở hay tư sở, mỗi người đều làm thêm việc riêng ở nhà của mình, hay ở một nơi nào đó, để kiếm thêm đắp đổi đời sống gia đình. Như chị lao công trong sở của em, sau mỗi chiều về, hai mẹ con chị làm chả giò, và đem bỏ mối ở tại các phòng trà, hay các trung tâm karaoke. Ấy thế mà chị kiếm được gần bằng 2 số lương chị làm trong sở em. Có thế họ mới sống được chớ anh.

Ngừng một chập, nắm cánh tay chị Xuân Tường, Diễm Khánh vừa nói, vừa cừơi:

– Anh Trọng còn lý tưởng quá. Anh muốn nhìn thấy cuộc sống Sài Gòn hôm nay giống cuộc sống Sài Gòn trước 75. Anh muốn thấy mọi trái táo rơi, đều rơi trong thế giới của Newton, thế giới của trọng lực. Sài Gòn có những dấn thân mới, nhịp sống mới, bản sắc mới. Nó phải tiến bộ chớ anh. Nó đâu có thể đơn điệu như trước 75 được. Và Diễm Khánh bỏ tay choàng lên vai Trọng, kéo anh sát vào người của cô, nói nhỏ vào tai anh, vừa nhìn chị Xuân Tường:

– Anh! Con người đã thoát khỏi trọng lực của nó từ lâu rồi! Họ đã thoát khỏi sức hút của trái đất. Có thế, nhân loại mới đi sâu vào không gian. Có nhiều thay đổi lắm… Diễm Khánh nhìn sâu vào mắt Trọng một cách trìu mến. Nói xong Diễm Khánh chạy sang phía chị Xuân Tường hai chị em nắm tay nhau vừa đi vừa cười khúc khích…

Xuân Tường đi sát vào người Diễm Khánh, và chị ấy khen:

– Sài Gòn bây giờ có nhiều cao ốc, buildings, đẹp và sang trọng.

– Phần nhiều là headquarters, trung tâm đầu não, của các thương nghiệp, kinh doanh ngoại quốc. Phần nhiều cũng là những ngân hàng, những hotels 5 sao, nghĩa là hotels sang trọng, đạt tiêu chuẩn cao quốc tế. Và Diễm Khánh quay về bác sĩ Trọng, nói tiếp:

– Anh Trọng, bây giờ cán bộ đi tham quan, hay đi công tác, hội họp, không còn cái tệ trạng ăn quán ngủ đình, hay ăn ở tại nhà khách của các cơ quan, hay ở nhờ nhà bà con bạn bè. Giống như anh, năm 1978, anh đại diện y tế Hậu Giang, Khu 9, về dự ngày y tế quốc tế tại Sài gòn, anh phải ở nhà dì Hai hay nhà má em cả tuần. Tục lệ ấy hết rồi. Bây giờ các cán bộ, đi công tác đâu đâu, cũng ăn ở trong các hotels. Có nhiều vị lớn tuổi, chưa thích ứng kịp.

– Dĩ nhiên, hai mươi tám năm rồi, hơn một phần tư thế kỷ, phải nhích lên một chút chứ, không lẽ cứ ở lì trong tình trạng du kích?

– À! Anh hay thật! Anh không khen, mà anh còn chê bai nữa. Anh cấm vận, phong tỏa kinh tế người ta mãi đến năm 1993!

Nói xong Diễm Khánh dùng dằng đi đến nắm tay chị Xuân Tường. Hai chị em đi trước. Trọng lẽo đẽo theo sau. Cả ba người vừa bước vào đường Catinat (Tự Do), bây giờ đổi tên là Đồng Khởi. Giờ này, gần 19 giờ chiều, hình như cyclos bị cấm lưu hành trên đường này cho nên xe gắn máy di chuyển trên đường này tương tối có kỷ luật hơn. Nhưng thỉnh thoảng cũng có cảnh kẹt xe. Đường Đồng Khởi cũng có nhiều ngã tư cho xe thóat ra khi có nạn kẹt xe. Nhưng vào giờ này thì chính những ngã tư trên Đồng Khởi bị kẹt xe nhiều nhất, chỉ vì người đi bộ và người lái xe gắn máy không nhường nhau, và cả hai đều không chịu tuân thủ theo luật đi đường. Mỗi lần kẹt xe, con đường có vẻ căng cứng ra, như khúc đại tràng của thành phố bị phì đại. Trông thật là ngộp thở.

Diễm Khánh nói:

– Anh xem nào! Chẳng ai chịu nhường ai cả. Tại nạn kẹt xe làm cho thành phố có bộ mặt trông thật là thảm hại trong những giờ cao điểm.

– Chỉ có cái chuyện người đi bộ với người lái xe gắn máy, dân ta cũng không biết nhường nhau. Ai cũng ở trong khí thế đấu tranh cả. Chừng nào mà hóa giải được lúc ấy Sài Gòn hết nạn kẹt xe…

– Ngay cả những bộ hành, dường như cũng như vậy, anh nhỉ, Diễm Khánh hỏi..

Chị Xuân Tường đột nhiên nói:

– Hai người đang nói chuyện gì vậy? Nào chúng ta vào xem tranh! Cả ba người nhìn nhau cười và bước vào phòng triển lãm tranh. Nói là phòng triển lãm tranh có lẽ không đúng lắm. Phải nói là phòng trưng tranh để bán thì đúng hơn. Đó là một dải phố vào khoảng 30 mét, dài dọc theo đường Đồng Khởi nằm bên phía nhà hàng Continental. Phòng tranh vắng. Cách năm ba thước mới có một vài du khách nhìn một vài bức tranh một cách thờ ơ. Bước vào phòng tranh, Trọng có cảm cảm tưởng đây là một dãy phố bị dân chúng và du khách Sài Gòn bỏ quên nếu không có tiếng vọng ồn ào xe cộ từ ngoài đường. Đứng ở giữa Diễm Khánh và Xuân Tường, Trọng nghiêng người, vừa ôm vai vợ vừa nói:

– Em thất vọng? Có lẽ phải có một nơi nào đó triển lãm tranh tốt hơn.

Trọng chợt giật mình, khì anh nhìn thấy nụ cười trên môi Diễm Khánh. Một nụ cười nhắc cho anh nhớ ra rằng Diễm Khánh là ái nữ của hoạ sĩ Nguyễn Minh, ông cũng giáo sư dạy trường Mỹ thuật hội hoạ tại Hà Nội, trước 75! Chính bản thân của Diễm Khánh là kỹ sư thủ-khoa Điện khóa 1, tại Hà Nội, một nhà thơ nghiệp dư, và nàng cũng biết vẽ tranh.

Diễm Khánh quay sang nói Chị Xuân Tường:

– Chị vỡ mộng phải không? Các ông bà này, vừa nói Diễm Khánh vừa chỉ các bức tranh, họ chỉ là những nghệ công, họ vẽ để kiếm tiền sống qua ngày.

Vừa nói chuyện, Xuân Tường và Diễm Khánh nắm tay nhau đi ra khỏi phòng triển lãm, họ đi rất nhanh như chạy trốn, bác sĩ Trọng rảo bước theo sau.

Cả ba cùng trở lại đọan đường cũ và đi vuợt về phía nhà hàng Caravelle. Đi ngang qua trước quán ăn Imperial, không ai nhắc ai, chị Xuân Tường và bác sĩ Trọng mời Diễm Khánh vào quán ngồi giải lao. Quen tánh xưa, chị Xuân Tường mời Diễm Khánh uống cà phê, ăn một tí gâteau hay kem tùy ý. Thoáng thấy sự ngạc nhiên trên nét mặt Diễm Khánh, bác sĩ Trọng, trong một giọng nói cố lấy hết bình tĩnh, anh nhắc lại lịch quán “Imperial” với đời sống tình cảm của các sinh viên Sài Gòn, vào những năm trước 75… Quán Imperial còn là nơi gìn giữ kỷ niệm của hai vợ chồng anh, trong những năm 68-69, những năm họ bắt đầu yêu nhau. Bây giờ quán Imperial thay đổi nhiều. Hiện nay người ta có thể mua đủ thứ trong quán ăn này. Vâng nó đã là một quán ăn. Nó không còn là quán cà phê nữa. Thực khách hôm nay có thể mua đủ thứ trong quán ăn này từ Cheeseburger, Hamburger, Sandwish hot dog, Cocacola, Pepsicola, chả giò, bánh cuốn, bánh mì thịt, orange Juice, ice cream… đến cà phê đen, cà phê filtre chảy chậm… Dĩ nhiên lợi tức thu thập khá hơn trước 75 nhiều. Bác sĩ Trọng quay lại giải thích với Diễm Khánh:

– Trước 75, quán Imperial là quán của sinh viên Sài Gòn. Nơi họ tìm đến để thưởng thức những phút giây thỏai mái. Họ và bạn bè có thể uống một hai chai la ve, một ly cà phê hay ăn một đĩa kem! Họ có thể mừng sinh nhật cho nhau tại đây, họ chia sẻ cho bạn bè những miếng bánh sinh nhật tại dây. Họ thưởng thức nhạc êm dịu, Music of Candle Light, nhất là những năm cuối 60, ở đây có nhiều cuộn băng ghi âm Tình khúc hay Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Mặc dầu hôm nay đã thay đổi nhiều, không hiểu vô tình hay cố ý người chủ vẫn giử lại những bàn ghế của thuở xa xưa, màu gỗ đánh varnish nâu sậm, vẫn ở vào vị trí cũ. Thật là gợi nhớ! Trưóc 75 quán Imperial rất đơn sơ, nhưng thanh lịch, cửa kính mở thẳng đường phố Catinat, nhưng ấm cúng và kín đáo. Không đông khách như Pagoda, Givral hay Continental… khách của Imperial thật chọn lọc. Quán này sinh họat mạnh vào những buổi trưa, và buổi xế chiều, và buổi tối. Thường các anh chị viên Sài Gòn, nhất là các sinh viên Văn khoa, các cậu Y, các cô Dược, từng cặp đi vào quán này. Hệ thống máy lạnh rất tốt. Những năm cuối sáu mươi, cũng có những sĩ quan quân đội Mỹ họ cũng vào quán này. Họ trao đổi thân mật với các anh chị em sinh viên Sài gòn. Cuối cùng, họ cũng tự nhận ra rằng quán Imperial không phải quán dành cho họ. Họ lui trở về Lido, Maxim, Queen Bee, Côte D’Ivoir, Moulin Rouge…Họ nghĩ nơi đó thích hợp với màu áo trận của họ hơn!

Thay vì mời Diễm Khánh ngồi cùng bên với chị Xuân Tường như thường lệ, lần này Trọng, mời vợ ngồi cùng bên với mình. Cả chị Xuân Tường và Diễm Khánh đều ngạc nhiên. Trọng nhìn sâu vào mắt vợ thật lâu, như muốn tìm sâu trong kí ức chị Xuân Tường một điều gì. Trọng hỏi chị Xuân Tường:

– Cà phê hôm nay, ở đây còn đọng lại mùi vị năm xưa không em?

– Anh muốn nói gì? Sao nghe tình thế! Trong lúc Diễm Khánh mở to đôi mắt nhìn Trọng.

– Liệu tối nay, em cũng sẽ mất ngủ như ba mươi năm về trước, khi chúng mình mới bắt đầu yêu nhau? Sau khi uống cà phê với anh trong quán này, về khuya em thường mất ngủ, như em thường nói, không hiểu tại thiếu anh, hay tại caféine!..

Nghe đến đây chị Xuân Tường cười lớn lên và chị nói đùa:

– Hum!… Hình như cả hai!

Trọng tiếp tục:

– Xuân Tường, em còn nhớ trong những ngày này, gần cuối tháng chạp của mỗi năm, khi ngọn gió mang khí lạnh từ lục điạ thổi qua thủ đô Sài Gòn, lúc ấy trời Sài Gòn se lạnh. Cái lạnh tuyệt vời, vừa đủ để cho các cô Sài Gòn khoác lên người chiếc áo len xinh đẹp với đôi má đỏ hây hây. Ngày 20 tháng 12 năm 1969, cũng trong quán này, cũng tại bàn này, trước sự chứng kiến của chị Mai Thương…

Nói đến đây Trọng trịnh trọng nâng nhẹ bàn tay trái của vợ. Anh quì xuống anh nhìn thật sâu vào mắt chị Xuân Tường. Tay anh nâng bàn tay chị Xuân Tường. Anh hôn bàn tay thật âu yếm, Anh nói:

– Xin Xuân Tường nhận lời cầu hôn của tôi, một bạch diện thư sinh, nhưng nguyện với mình luôn luôn gắn bó và chia sẻ trọn đời với Xuân Tường…

Và Trọng nắm lấy bàn tay chị Xuân Tường, anh đẩy chiếc vòng cầu hôn sâu vào trong ngón tay của chị.

Chị Xuân Tường xúc động mạnh. Chị đứng dậy, hai tay choàng lên cổ, gục đầu vào ngực chồng. Chị thổn thức:

– Chuyện đã 29 năm rồi, sao em vẫn xúc động khi nghe anh nhắc lại!

Chị Xuân Tường, nước mắt còn đọng trên mi, đưa tay nắm lấy bàn tay của Diễm Khánh:

– Diễm Khánh, tôi chấp nhận mất tất cả của cải vật chất, nhưng xin ai đừng bao giờ tước đoạt những cái riêng tư của chúng tôi, của con người, của trái tim chúng ta. Nếu có một kẻ nào, hay một chế độ nào cố tâm thủ tiêu tất cả cuộc sống riêng tư của chúng ta, những kỷ niệm, những tinh cảm, yêu thương, những kẻ đó thật là vô luân. Vì cái cõi riêng tư ấy mới thật là người.

Rồi chị ngả đầu vào vai Trọng, chị nói:

– Trở lại Sài Gòn, mình tự nhiên gặp lại những cảm giác xưa, những kỷ niệm xưa. Thật thú vị phải không anh. Và chị nói tiếp trong tiếng thở dài:

– Thật không ngờ, mất Sài Gòn, chúng ta mất tất cả!…

Cả ba người đều bước ra khỏi quán Imperial. Họ quên để ý đến đám đông trong quán đang nhìn theo họ. Trọng nắm tay Xuân Tường đi bên cạnh Diễm Khánh đi bộ thăm khắp đường phố Sài Gòn…

Về đến nhà đã 12 giờ đêm, Trọng nhìn Diễm Khánh, anh nói:

– Cám ơn Diễm Khánh. Nhờ cô mà chúng tôi sống gần như rất trọn vẹn cho một ngày trở lại Sài Gòn.

– Thật sao? Anh khéo khách sáo.

– À, Diễm Khánh, tuần lễ này xem như tuần lễ dành cho “Sài Gòn 300 năm lịch sử”, nhưng tôi không thấy có một cuộc triển lãm tranh ảnh hay hoạt động văn nghệ nào mang ý nghĩa tô điểm cho ngày đó cả?

– Có chớ anh. Em có mang về cho anh chị quyển sách của nhà văn Sơn Nam mới xuất bản, nhân ngày dịp này đây. Cô vừa nói, cô vừa đưa cho chị Xuân Tường quyển: “Người Sài Gòn” của Sơn Nam. Và ngày mai em sẽ biếu anh chị cuốn Video “Dòng thời gian”, dài 45 phút nói về lịch sử hình thành Sài Gòn và Nam Bộ do Sở Ngoại vụ TPHCM thực hiện với sự trợ lực về kỹ thuật của Trung tâm văn hóa Pháp tại Sài Gòn… Với lại anh chị cũng biết, Chính phủ cũng đang bận rộn đăng cai cho cuộc họp thượng đỉnh của ASEAN tại Hà Nội. Có lẽ cuối tuần hội nghị ấy chấm dứt, chính phủ sẽ mời những người tham dự hội nghị ASEAN tại Hà Nội, ghé thăm Sài Gòn để mừng Sài Gòn 300 tuổi. Lúc ấy có những họat động văn học nghệ thuật tích cực hơn, để chào mừng họ. Hy vọng anh chị vẫn còn ở đây với em.

Trọng sực nhớ hình như hội nghị thượng đỉnh ASEAN đang họp tại Hà Nội, nhưng tại sao dân chúng Sài Gòn có vẻ không hay biết gì hết. Hay là họ biết mà họ thờ ơ. Anh định hỏi Diễm Khánh, nhưng vì sự tế nhị anh khựng lại. Nhưng Diễm Khánh rất tinh ý, lúc tiển vợ chồng Trọng qua bên nhà riêng, Diễm Khánh bảo:

– ‘Chánh trị’ bây giờ không còn là “món hấp dẫn” của quần chúng nữa. Họ mỏi mệt rồi. Món hấp dẫn nhất của thời đại là làm sao làm ra nhiều tiền, nhiều của cải vật chất. Họ cũng quý tự do dân chủ đấy. Nhưng họ cũng không muốn vì tự do dân chủ mà sống nghèo được. Và họ cũng dư hiểu, tự do dân chủ không có trong túi áo của người nghèo. Và khi có tiền, mua tiên cũng được. Bản chất lịch lãm của thế hệ trẻ hôm nay là thế đấy… Khuya rồi, chúc anh chị ngủ ngon….

Sau một ngày dạo phố mỏi mệt, Chị Xuân Tường đang say giấc. Đồng hồ đã hơn 1 giờ khuya, Trọng vẫn không sao ngủ được. Nghe tiếng vợ thở thật đều, Trọng thương vợ vô hạn. Anh có một tí ăn năn. Anh hối tiếc là không đưa vợ về thăm nhà sớm hơn. Một thoáng cảm động khi nhớ lại Xuân Tường và Diễm Khánh hai chị em, xinh đẹp và sang trọng như hai bà hoàng, nắm tay nhau đi trên đường phố Catinat khi chiều nay, ngay cả những du khách ngoại quốc cũng phải trố mắt nhìn. Họ sẽ ngạc nhiên hơn nữa nếu họ biết rằng Xuân Tưòng và Diễm Khánh, hai chị em, sống xa nhau trong hai thế giới khác nhau hơn 40 năm… Trọng chiêm nghiệm thấy rằng, dù cho có một chế độ chính trị hay một chế độ xã hội nào có cay nghiệt đến đâu đi nữa, chỉ có thể biến đổi những bề ngoài, những thói quen, nhưng không bao giờ có thể thay đổi được bản thể, gene trong máu của mỗi con người. Ngả lưng, nằm bên cạnh vợ, bác sĩ Trọng nắm lấy bàn tay vợ đặt trên ngực mình. Trọng nhớ lại câu nói chiều hôm trước của Diễm Khánh nói với Xuân Tường ngay trước mặt mình: “Trong hơn mười năm qua em không hề biết đến người đàn ông là gì”. Lúc nói câu nói đó Diễm Khánh xoay lưng lại Trọng, những sợi tóc tơ măng đen mượt trải dài trên trên gáy nõn nà của Diễm Khánh. Trọng cũng cảm thấy thích thú và niềm kiêu hãnh thầm kín trong anh. Anh nhủ thầm “trong gần 20 năm em vẫn chờ đợi anh sao em”? Một niềm cảm xúc dâng tràn. Trọng yêu Diễm Khánh vô hạn. Trọng ôm Diễm Khánh vào lòng. Nàng ngước cổ lên. Trọng say đắm hôn cổ của Diễm Khánh đẹp như đóa hoa huệ tinh khôi. Diễm Khánh không nói được một lời cúi đầu vào ngực chàng thổn thức. Trọng say đắm cúi xuống ôm hôn gáy và ót nõn nà của nàng với những sợi tóc tơ đen mượt. Trọng cảm động nắm tay Diễm Khánh siết mạnh. Chợt chị Xuân Tường la lớn:

– Anh làm đau em!

Trọng tỉnh giấc, xuýt xoa xin lỗi vợ

– Anh mơ ngủ, thấy chúng mình nắm tay nhau đi trên phố Tư Do chiều nay…

Chị Xuân Tường xoay người lại, choàng tay lên ôm cổ chồng hôn tha thiết.

– Ngủ đi anh! Mai vợ chồng mình và Diễm Khánh, chúng mình sẽ đi thăm lại chốn xưa…

Comments are closed.