Long lanh quá khứ (kỳ 5)

Truyện

Đào Như

4- THĂM LẠI CHỐN XƯA

Bà Quốc Bảo hỏi Diễm Khánh:

– Vợ chồng Xuân Tường và Bác sĩ Trọng về thăm nước bao giờ?

Chị Xuân Tường liền đỡ lời:

– Thưa dì, vợ chồng con về cách đây 2 hôm. Các con xin lỗi dì, các con đến hầu thăm các dì hơi trễ.

Với nụ cười phớt nhẹ thoáng qua gương mặt trí thức của một người đàn bà gần 70, bà Quốc Bảo nhìn chị Xuân Tường, bà nói:

– Chị đang ngồi đúng vào chỗ mà chị Hai, má chị, ngồi cách đây hơn một tháng, khi bà đến thăm tụi này.

– Thưa dì, má con có cho con hay điều đó… và hôm nay vợ chồng con xin chuyển đến các dì lời hỏi thăm và lời cầu chúc sức khỏe của má con…

Bà Quốc Bảo là chị em bạn dì với mẹ của Diễm Khánh và mẹ của chị Xuân Tường. Bà Quốc Bảo là cô giáo dạy Trọng tại Văn khoa, 1958. Bà là giáo viên dạy cả ba phân khoa: khoa Luật, khoa Văn và trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Với trường Quốc gia Âm nhạc bà chuyên về dương cầm. Thuở đó, bà là gạch nối giữa hai thế hệ Sài Gòn: ‘Sài Gòn cổ xưa’và ‘Sài Gòn đợt sóng mới’ (Nouvelles Vagues). Bà ham thích đọc sách tiểu thuyết của Marcel Proust, Francois Mauriac… cũng như các sách của Francoise Sagan hay các sách của các tác giả existentialistes như Simone de Beauvoir, Jean Paul Sartre, Albert Camus… Có lần bà hợp tác với Michel Piclin, giáo sư thạc sĩ phân khoa Văn Saigon, thảo luận chuyên đề về “Aimez vous Brahms?” tiểu thuyết lãng mạn của Francoise Sagan! Với bản chất trí thức và tâm hồn nghệ sĩ, bà giao du rộng rãi và có đôi chút ảnh hưởng trong hàng ngũ trí thức Sài Gòn. Bà Quốc Bảo là con cả của một gia đình trí thức Sài Gòn. Bà có hai người em gái cũng hoạt động cách mạng và thoát ly gia đình vào bưng những năm 50. Một người sau này chuyên về âm nhạc và một người chuyên về tuyên truyền sau này chuyển ngành ngọai giao. Bản thân bà Quốc Bảo bị chính quyền Sài Gòn bắt bỏ tù nhiều lần. Nhất là dưới thời Đệ nhất Cộng hoà. Thật sự những người trí thức Sài Gòn, trí thức Nam bộ vào thời ấy cũng như bà Quốc Bảo, họ theo phong trào Việt Minh là vì họ mến mộ cụ Hồ. Họ nhầm lẫn cảm tình với quan điểm. Sau này có một số đã phải dinh tề hay đã phải trả một giá đắt hơn. Gia đình bà Quốc Bảo có cả thảy là năm chị em: bốn chị gái, và một cậu trai út. Tất cả học hành trỗi trót. Tất cả con cái chị em bà Quốc Bảo đều học trường Tây trường Đầm từ nhỏ đến lớn. Người con gái thứ tư trong gia đình, Quốc Ngọc, trước 75 là dược sĩ, lấy chồng là một bác sĩ, con cháu của một vọng tộc Nam Bộ. Người con trai út là Quán, tốt nghiệp y khoa sau bác sĩ Trọng vào khoảng 3 năm. Hai người con sau cùng này đều thoát đi Mỹ vào ngày 30/4//75, với sự hoan hỉ của ông cụ bà cụ. Trước 75, bà Quốc Hương và bà Quốc Thiêng đang ở trong bưng và Hà Nội, bà Quốc Bảo lúc ấy thường bị chính quyền Sài Gòn cô lập.

Có tiếng chân người từ trên lầu đi xuống. Đó là một phụ nữ cũng ngoài 60, dáng dấp giống bà Quốc Bảo. Bà chào Xuân Tường và Trọng và nhìn Diễm Khánh với nụ cười hờ hững. Bà Quốc Bảo giới thiệu với vợ chồng Trọng đó là người em thứ hai của bà, bà Quốc Hương. Còn người em kế của bà, Quốc Thiêng hôm nay không được khỏe không xuống tiếp vợ chồng Trọng được. Bà ấy nhờ bà Quốc Hương xin lỗi vợ chồng Trọng. Nghe nói bà Quốc Thiêng không được khỏe và cũng vì mến mộ bà, có thời bà là nhạc trưởng ban nhạc giao hưởng thủ đô Hà Nội, cho nên Xuân Tường xin phép lên phòng thăm bà. Hai chị em bà Quốc Bảo liền đứng dậy, với giọng nói có phần khác lạ, khuyên chị Xuân Tường đừng lên thăm, bà ấy đang mệt và sẽ không tiếp ai. Bác sĩ Trọng và chị Xuân Tường rất ngạc nhiên vì thái độ cương quyết của hai bà dì. Còn Diễm Khánh ngồi trong tư thế bị động hoàn toàn coi như không để ý những gì xảy ra chung quanh mình.

Bà Quốc Bảo nhìn Diễm Khánh và thân mật hỏi:

– Chị Ba Quới bấy lâu nay khỏe không? Lâu quá tụi này không có dịp ghé thăm má của chị.

– Thưa cám ơn dì, má cháu vẫn khoẻ.

Bà Quốc Hương nói với Xuân Tường:

– Chị Hai, má của chị, mấy tháng trước về thăm nước có ghé đây thăm tụi này. Má chị thật phúc hậu và có đời sống hài hòa. Tụi này lận đận. Chị Hai lúc nào cũng có chồng có con bên cạnh.

Chị Xuân Tường cám ơn bà Quốc Hương:

– Vâng, thưa Dì, má con lúc nào cũng an phận thủ thường, chỉ biết tìm hạnh phúc với chồng với con.

– Đó cũng là một triết lý sâu sắc. Tụi này hiểu đựơc thì đã quá muộn. Bà Quốc Hương nói câu ấy với giọng thiết tha.

Trọng nhớ lại cha bà Quốc Bảo là Kỹ sư, bản thân ông cụ là cán bộ cách mạng năm 1945-75. Ông chỉ hoạt động ở thành. Ông đã từng tham gia phong trào Thanh niên Nam Bộ do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch lãnh đạo. Năm 1976, sau ngày giải phóng, ông bị đau mắt glaucoma, đau nhức phải vào Binh viện Bình dân trải chiếu, giăng mùng, trên nền gạch nằm chờ cả tuần lễ mới được mổ. Thấy chế độ đối xử với cha mình như vậy các người con gái của ông vô cùng căm phẫn. Nhưng rồi cũng cắn răng nhịn nhục.

Trọng vụt hỏi:

– Thưa dì, Quán có liên lạc với gia đình?

– Có chứ! Có sao đâu! Vừa nói bà Quốc Bảo vừa nhìn Diễm Khánh có vẻ thăm dò. Quán bấy lâu nay cứ gửi tiền về nuôi ba má tụi này lúc ông bà còn sinh thời. Sau đó ba má qua đời, Quán vẫn gửi tiền về “support” tụi này. Bác sĩ Trọng, ở Mỹ có liên lạc với Quán thường xuyên phải không?

– Vâng, thưa dì vợ chồng cháu vẫn liên lạc với bác sĩ Quán thường xuyên.

Xuân Tường lại hỏi:

– Bấy lâu nay cậu Quán có về thăm nhà không dì?

– Có! Có một lần vào 1992 khi bà dì Sáu, mẹ của dì qua đời. Và chỉ một lần đó thôi. Dì Quốc Ngọc thì không. Dì ấy bận làm ăn và chăm sóc chồng con.

Diễm Khánh ngồi theo dõi câu chuyện như khách bàng quan. Diễm Khánh cố tìm một câu hỏi để đánh tan cảm giác khó chịu, Diễm Khánh vụt hỏi dì Quốc Bảo:

– Thưa dì, nghe nói Đặng Thái Sơn sắp về trình diễn dương cầm tại Sài Gòn?

– Tôi nghe nói như vậy.

Nghe đến đây, chị Xuân Tường rất ngạc nhiên, chị hỏi bà Quốc Bảo:

– Thưa dì, Đặng Thái Sơn về Sài Gòn?

– Anh ấy về nhiều lần!

– Thưa dì như vậy có nghĩa là chỉ về thăm, chớ không phải ở luôn?

– Không, anh ấy chỉ về thăm, và lần này nhân dịp Giáng sinh, anh ấy trình diễn dương cầm để lấy tiền gây quỹ từ thiện cúu giúp các nạn nhân chiến tranh, nhất là nạn nhân của thuốc khai hoang màu vàng cam, dioxine. Bác sĩ Trọng có vẻ cũng biết anh ấy nữa sao?

Chị Xuân Tường liền đỡ lời:

– Thưa dì tụi này có đi nghe Đặng Thái Sơn trình diễn dương cầm tại trung tâm trình diễn nhạc thính phòng ngoài trời, Rivera, tại Chicago, vào năm 1996 và chỉ có 1 lần đó thôi!

– Chắc bác sĩ Trọng còn nhớ nhà nhà thơ và nhạc sĩ Đặng Đình Hưng? Đặng Thái Sơn là con trai của ông ấy.

Câu hỏi của bà Quốc Bảo thật bất ngờ. Trọng chập choạng trả lời:

– À, ra thế…

– Bác sĩ Trọng quên rồi sao? Ông Đặng Đình Hưng qua đời năm 1990. Ngoài những nghiên cứu và trước tác về văn học nghệ thuật và âm nhạc, ông có để lại hai tập thơ ‘Bến Lạ’‘Ô Mai’. Ông ấy viết hai tập thơ này với nội tâm cô đơn. Bác sĩ Trọng đọc chưa? Bà vừa nói bà vừa vói tay lên kệ sách, bà lấy tâp thơ ‘Bến Lạ’ đưa cho Trọng xem. Sau đó bà tiếp tục nói về những thăng trầm trong cuộc đời của thiên tài Đặng Đình Hưng. Bà nói về những thống khổ những ngược đãi mà Đặng Đình Hưng đã chịu đựng với giọng thiết tha, như bà đang nói về bản thân bà, chị em bà, đang bị lãng quên, đang bị chuyên chính vô sản ruồng bỏ.

Trọng đưa hai tay trịnh trọng nhận lấy tập thơ ‘Bến Lạ’, Trọng hỏi:

– Thưa dì, như vậy, hy vọng dì Quốc Thiêng sẽ tham gia buổi trình diễn dương cầm của Đặng Thái Sơn?

– Không! Dì về hưu, không còn làm nhạc trưởng nữa. Tối hôm đó, theo lời yêu cầu của Đặng Thái Sơn, dì Quốc Thiêng nhận lời mời làm M.C.

Bà Quốc Hương với giọng nói vô cùng dịu dàng và với cái nhìn vô cùng trìu mến hướng về chị Xuân Tường, bà nói:

– Bây giờ các dì già quá rồi. Lỗi thời rồi. Lạc hậu! Thật sự các dì được cho về hưu non lâu rồi. Các dì mỏi mệt và cũng mòn mỏi quá rồi.

– Có lẽ vì những năm chiến tranh các dì sống khổ quá… con nghĩ như vậy, Xuân Tường vừa nói vừa nhìn Diễm Khánh.

– Những năm chiến tranh, ở trong bưng, các dì sống khổ thì đã đành. Nhưng sau 30/4/75 khi trở về thành lại càng khổ hơn nữa. Kinh tế, không đủ ăn, không đủ mặc, chánh sách, mạnh ai nấy sống, không có một chế độ nào rõ ràng cho những người như các dì và những người hoạt động ở thành. Theo cách mạng gần 30 năm, tù tội lao lung mà không có đảng tịch! Bà Quốc Bảo vừa nói bà vừa nhìn Diễm Khánh.

Nhìn ra ngoài sân rộng nắng đầu tháng Chạp mát lạnh, Trọng nhìn thấy chiếc ‘Peugeot 404’ đang đậu trong garage, chiếc xe tương đối còn mới. Trọng vỗ vai Xuân Tường:

– Xem nào! Chiếc Peugeot 404 năm nào lũ tụi mình và Quán đi vacance ở Cap Saint Jacque bây giờ vẫn còn mới! Còn tốt! Anh quay lại nói với bà Quốc Bảo:

– Thưa dì, chiếc Peugeot của dì còn mới. Dì bảo trì tốt quá…

– Chiếc xe ấy vẫn còn tốt, vẫn còn xài được… Bà Quốc Bảo nói tiếp:
– ‘Nó’ mới đi Hà Nội về đấy.

– Còn chiếc Taunus của dì đâu? Xuân Tường hỏi

– Ông Sáu (Cha bà Quốc Bảo) cho cách mạng hồi năm 77. Và bà nói tiếp:

– Thời buổi đó mà để trong nhà có hai chiếc xe mới tinh. Không tốt. Sợ vạ lây. Thà cho còn hơn bị tước đoạt…

Khi ra về, Diễm Khánh có than phiền:

– Ba chị em dì Quốc Bảo bất mãn với chính quyền cách mạng. Nghĩ ra các dì cũng có lý. Nhung các dì tự cô lập. Các dì chỉ mang lại thiệt thòi cho mình. Các dì giống ba em, cùng thế hệ với ba em, được chữ ‘kính’ nhưng mà nghèo, sống khổ đâm bất mãn. Anh thấy đó, vừa nói Diễm Khánh vừa nhìn Trọng, các dì đâu có nghèo. Anh thấy nhà cửa xe cộ của ông bà Sáu để lại vẫn còn nguyên. Chiếc xe Taunus là các dì tự ý cho, chớ ai mà dám tước đoạt của cải của các dì. “Không cho thì bị tước đoạt” dì nói hơi quá. Chế độ không có ưu đãi các dì, không chiếu cố đến các dì thì có, chứ không ai dám tước doạt của cải của các dì cả. Trước 75, dì Quốc Hương là trợ lý ngoại giao của Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Bà chuyên về chuyển ngữ tiếng Pháp. Ở trong nước các dì nhiều lần đại diện chính phủ tiếp xúc thường xuyên với các nhà báo, nhà văn quốc tế, các nhạc sĩ phản chiến của Mỹ v.v… Em làm Sở Ngoại vụ em biết rành những chuyện đó!… Thế mà, bây giờ các dì vẫn còn sống kỳ dị, bất mãn. Anh có biết tại sao các dì có vẻ cương quyết không cho chị Xuân Tường lên lầu thăm dì Quốc Thiêng không? Anh chị có biết tại sao không? Thời đại này mà các dì còn bất mãn. Cái villa lầu của ông bà Sáu để lại, cả một đại đội ở cũng còn rộng! Hồi 84 các dì đi mua “nốp” về mướn thợ ngăn trên lầu ra 3 phòng ngủ, như 3 căn hộ. Mỗi căn vào khoảng 16 mét vuông. Mỗi bà hùng cứ một căn. Thời buổi này mà ăn ngủ trong “nốp” trên lầu của một villa sang trọng giữa Sài Gòn, y như những tổ kháng chiến trong rừng U Minh ở thời 45-50 người ta ngủ trong nốp cho khỏi bị muỗi đốt. Thật là hết ý kiến! Bạn bè có ai lại thăm, các dì dẫn họ lên khoe y như khoe sự bất mãn của các dì. Tháng trước dì Hai vể thăm nhà. Má em đưa dì Hai, má chị, lại thăm các dì. Các dì cũng dẫn má em và dì Hai lên xem các dì sống trong căn hộ tường ngăn bằng nốp. Vì thương các dì, má em nóng ruột hỏi: “Tại sao các em phải làm ra vẻ sống khổ cực chi vậy? Bây giờ chứ đâu phải thời kháng chiến của những năm 40 đâu mà ngủ trong nốp! Hay các em bất mãn điều gì, thì nói thẳng vào mặt họ chớ. Hơn 30 năm theo họ, lao lung, tù tội, khổ sở bây giờ họ quên sao? Đâu có được!” Các dì nín thinh, không trả lời.

– Thôi! Tôi biết tại sao rồi. Trọng nói một cách bâng quơ…

– Anh nói sao? Anh biết tại sao hả? Chị Xuân Tường hỏi.

– Đó là “Hội chứng Hậu chiến” còn gọi là “Hội chứng Tâm thần sau chấn thương và Stress” mà chúng tôi bên Mỹ thường gọi là Post Traumatic Stress Disorder Syndromes…

– Anh chỉ được nói cuội, chị Xuân Tường bảo.

Diễm Khánh dịu dàng nói:

– Anh Trọng có thể nói đúng lắm đó chị. Trước hết là thuộc chuyên môn của anh và thứ nữa là em thấy nhiều nhiều cựu chiến binh, nhiều ông cách mạng cũng có những tư tưởng và hành động như các dì vậy, nhiều lắm.

– Vậy thì tôi tin Diễm Khánh, anh Trọng có thể nói đúng. À, quá trưa rồi. Chắc ai cũng đói bụng, vậy chúng ta ghé quán “cơm phở” này ăn xem sao?

Trọng hỏi:

– “Quán cơm” hay là “quán phở”, tại sao lại là quán “cơm phở”?

Diễm Khánh bảo:

– Nghĩa là quán có bán cơm và có bán phở. Có thế mà anh cũng thắc mắc.

– À, vậy tôi hiểu rồi. Chớ không phải quán có bán món “cơm độn phở” hay món “phở độn cơm”.

Chị Xuân Tường liền bảo:

– Ồ! Ông ấy lại bị “Hội chứng Hậu chiến” nữa rồi! Nghiêm trọng đấy!

Cả ba người cùng cười và họ cũng vừa bước vào quán ăn.

Ngồi vào bàn ăn, trưa hôm ấy Trọng đói thật, nhưng anh ăn không thấy ngon. Trọng suy nghĩ mãi về ba người dì của vợ, sự phản kháng tiêu cực của các bà với chế độ không phải hoàn toàn không có lý. Trọng vô tình nắm cánh tay chị Xuân Tường vừa nhìn ra ngoài đường, anh nói:

– Em, ngoài kia nắng cuối năm trông êm dịu lạ thường…

– Anh thấy thế à? Em xin lỗi. Em đang vật lộn với đĩa cơm sườn, tuyệt vời!

Diễm Khánh nhìn Trọng thầm lặng, và hỏi:

– Anh ăn thấy ngon không anh? Rất tiếc ở đây không có “cơm trắng và cá rô kho tộ” của đất Cần Thơ của anh…

– Cám ơn Diễm Khánh, tôi đang nhớ Cần Thơ lắm đây. Nhớ chốn xưa của chúng ta.

– Vâng, chúng tôi có nhiều kỷ niệm với Cần Thơ. Tuyệt vời, phảỉ không anh? Vừa nói chị Xuân Tường vừa nhìn chồng âu yếm…

– Không tuyệt vời sao được, Xuân Tường đã hạ sanh ba đứa con chúng ta ở đó…

Nói xong câu ấy anh nhìn ra nắng vàng trên đường phố Lê Thánh Tông. Trọng không hiểu tại sao khi nhìn sâu vào đôi mắt của Xuân Tường và Diễm Khánh anh lại nhớ về Cần Thơ vô hạn. Hai chị em có màu mắt giống nhau. Màu mắt người con gái Sài Gòn và vùng đất phù sa Sông Hậu. Hai màu mắt đều có màu vàng thau của nắng. Hai chị em đều nhìn Trọng với cái nhìn cuồn cuộn tình yêu và ánh sáng./.

November-2000

Oak park, Illinois, USA

Đ.N.

Comments are closed.