Lưỡi lê (Trắng Trên Đen 2)

Ruben David Gonzalez Gallego

Vũ Thư Hiên dịch

Lê là một vũ khí tuyệt hảo, một vũ khí chắc chắn. Một nhát thôi, là kẻ thù gục liền. Lê thọc xuyên thân xác nó. Lê không khi nào phản bội, nó mà đã đâm là chắc ăn. Đạn khác, đạn là thứ được chăng hay chớ, là đồ xuẩn ngốc. Đạn có thể chỉ sượt qua, nó có thể mắc ngẵng trong thân, làm cho con người sống dở chết dở. Lê không phải đạn. Lê là vũ khí bạch binh, mảnh vụn cuối cùng còn sót lại của thế kỷ thứ mười chín.
Trên bìa cuốn sách đầu tay của Nikolai Ostrovsky có rập nổi hình một lưỡi lê. Nhà văn mù và bại liệt không thể tự đọc lại cuốn sách của mình. Ông chỉ có thể đưa những ngón tay rờ rẫm lần này rồi lần khác men rìa cái lưỡi lê nọ. Lưỡi lê bền vững nhất thế giới là lưỡi lê bằng giấy.
Những chiến binh cừ nhất thế giới là những viking thời cổ đại. Những chiến binh vô uý, hào khí ngất trời. Một viking hy sinh trong chiến trận lập tức bị xoá sổ. Trên chiến trường, phút hấp hối anh chiến binh viking còn ráng sức tàn dùng răng mà giữ chặt chân kẻ thù. Chết ngắc ngư, chết mòn mỏi, vừa chết vừa nguyền rủa cuộc sống vô tích sự của mình, làm cho chính mình và thân thuộc của mình kiệt lực vì những lời than van không ngớt về một số phận hẩm hiu là nghiệp chướng của kẻ yếu hèn. Đối với người lính ngoài mặt trận câu hỏi vĩnh cửu của Hamlet là vô tích sự. Sống nơi trận tiền và chết nơi trận tiền chẳng qua cũng chỉ là một. Sống mòn và chết mòn, chết lãng nhách, mới đáng tởm. Hi vọng lớn nhất và duy nhất của một cá thể người là được chết trong chiến đấu. Nếu ngươi may mắn, nếu ngươi đặc biệt may mắn, ngươi có thể chết trong một chuyến bay. Như là chết khi trong tay còn nắm dây cương con chiến mã, còn nắm trong tay cần lái máy bay tiêm kích, còn nắm chặt thanh gươm hay khẩu tiểu liên, cây búa tạ thợ rèn hoặc quân vua trên bàn cờ. Nếu trong chiến đấu bạn bị mất một tay thì đã có gì trầm trọng. Bạn vẫn có thể dùng tay kia đoạt kiếm của kẻ thù cơ mà. Bạn ngã xuống cũng chưa phải đã hết. Vẫn còn lại một cơ may, một cơ may nhỏ bé, là được chết như một viking, há miệng cắn gót chân kẻ thù. Không phải ai cũng gặp may, may mắn không phải cái trời cho bất cứ người nào. Homer và Beethoven là những may mắn biệt lệ, chúng khẳng định tính chất nhỏ nhoi của những cơ may. Vì thế ta phải chiến đấu, không thế không chiến đấu được, mọi cách khác đều là không trung thực và ngớ ngẩn.

 
Tôi đã khóc trên những trang sách. Những cuốn sách cũng như những con người, chúng không giống nhau. Ngẫm ra truyện tranh cũng là sách đấy. Chúng là những cuốn sách đẹp chứa những bức tranh đẹp. Chúng là món đồ chơi thú vị – những con bướm sớm sinh tối tử. Truyện tranh có ưu thế hơn các thứ sách khác nhiều; trẻ con không khóc khi đọc truyện tranh. Những đứa trẻ vui tươi chẳng có lý do gì để khóc khi đọc sách. Câu hỏi “tồn tại hay là không tồn tại ” đối với chúng là vô nghĩa. Chúng là trẻ con, là lũ nhóc, chúng chưa đến lúc phải suy nghĩ. Tôi đọc sách, tôi đọc và tôi khóc. Tôi khóc vì bất lực, và vì ghen tị. Tôi muốn đến đấy, tôi muốn xông trận, nhưng tôi không thể xông trận được. Tôi chẳng làm được trò gì sất. Nhưng khóc thì tôi vẫn khóc. Có những cuốn sách làm ta thay đổi cách nhìn thế giới, có những cuốn sách làm ta muốn chết bên cạnh chúng, hoặc sống theo cách khác.
Nếu bạn muốn hiểu một điều gì đó, bạn phải hỏi những con người hoặc những cuốn sách. Những cuốn sách cũng là những con người. Như những con người, những cuốn sách có thể giúp bạn. Như những con người, những cuốn sách có thể nói dối.
Tôi không chỉ đọc sách để đọc sách, qua sách tôi muốn biết cái thế giới này được sắp đặt như thế nào. Tôi muốn biết tôi phải sống như thế nào trong cái thế giới ấy. Tôi thường hỏi những con người – những con người không trả lời. Tôi tìm câu trả lời trong những cuốn sách – những cuốn sách đánh trống lảng. Những cuốn sách hướng dẫn ta rất tỉ mỉ rằng ta cần phải sống như thế nào, nếu như ta đã có tất cả. Những nhân vật trong sách vật vã đau khổ – còn tôi thì cứ ngẩn người ra mà ngạc nhiên. Tôi, một con người đang sống sờ sờ, một con người đích thực, tôi không sao hiểu nổi nỗi đau khổ bằng giấy của các nhân vật. Các thầy giáo khuyên tôi đọc sách thì tôi đọc. Tôi ngốn hết cuốn này đến cuốn khác, tôi đọc những đoạn tả chán ngấy về cuộc sống vô nghĩa của những con người yếu đuối và lười biếng. Các thầy bảo những con người đó là những anh hùng. Tôi không hiểu họ anh hùng ở chỗ nào.
D’Artagnan là anh hùng chăng? Anh hùng gì anh chàng ấy khi hắn có đủ cả hai tay lẫn hai chân? Cái gì hắn cũng có, hắn có tất – hắn trẻ, hắn khoẻ, hắn điển trai, hắn có cả thanh kiếm lẫn tài xử kiếm. Vậy thì tính chất anh hùng là ở chỗ nào? Kẻ hèn nhát và tên phản bội thường xuyên làm những chuyện xuẩn ngốc vì danh vọng và vì tiền là anh hùng chăng? Tôi đọc sách, nhưng tôi không hiểu được một nửa những gì tôi đọc. Mọi người, người lớn cũng như trẻ con, đều coi mấy chàng ngự lâm pháo thủ nọ là anh hùng. Tôi không tranh luận, tranh luận với họ cũng bằng thừa. Dù sao thì tôi cũng không thể noi gương những anh hùng nọ.
Tôi đọc cuốn sách dày cộp ấy mấy lần. Tôi còn đọc cả đoạn tiếp câu chuyện vinh quang của ba chàng ngự lâm dũng cảm. Đoạn tiếp không làm tôi thất vọng. Quái nhân bất hạnh, lão Cocnar, đã làm được cái việc mà một anh hùng chính cống phải làm, tức là lăn cổ ra chết. Chết đi, lão để lại cho Portos cả vợ lão lẫn tiền bạc. Tôi không hiểu nổi cái lão Cocnar ấy. Nếu lão già tham lam nọ có gan và có đủ nhanh nhẹn để trút thuốc độc vào rượu cho Portos thì khỏi phải nói. Khốn ở đời lại không có phép màu, mới khổ. Thành thử lão già tàn tật bất hạnh đành sống nốt cuộc sống thối tha của lão, dùng cái ghế kẻ liệt của lão mà tô điểm cho chiến công của những anh hùng chính cống. Tội nghiệp.
Những nhân vật khác cũng chẳng hơn gì. Một lũ ngợm lùn tịt, thảm hại. Những con bọ na ná người. Những bao tải phân vô dụng cho cả trên thiên đường lẫn địa ngục. Những chiến binh sống không biết đàng sống, chết không biết đàng chết. Chỉ vài người trong đám ấy đáng để tôi kính trọng ít nhiều. Chẳng hạn như Portos. Tôi khoái Portos hơn Cocnar nhiều lắm. Ít nhất thì Portos cũng biết chết như một con người.
Guneplain là một thằng ngốc, mới sầy vẩy một tí đã rên xiết. Một cái mặt biến dạng thì đã làm sao? Cirano xử sự có thông minh hơn đôi chút. Nếu ngươi có hai cánh tay mạnh và một thanh gươm bén, thì cũng có thể tranh luận về sắc đẹp với ngươi được đấy. Thanh gươm là một lý do không đến nỗi tồi. Nói cho đúng, cả Cirano cũng làm tôi thất vọng nốt. Một người hùng trong giao tiếp với đàn ông, vậy mà đối diện với tình yêu thì hắn ta ỉu xìu, nhão nhoét.
Tôi ghen với Quasimodo. Thiên hạ nhìn hắn ghê tởm và thương hại. Thiên hạ nhìn tôi cũng có khác gì. Mà Quasimodo còn đủ cả hai chân, hai tay. Hắn còn có cả một Nhà thờ Đức Bà.
Đám anh hùng trong sách cóc phải anh hùng, hoặc anh hùng vớ va vớ vẩn. Trong bọn họ, chỉ những tay khá hơn cả thỉnh thoảng mới biết cách xử sự như những con người, mà xử sự như thể miễn cưỡng. Đám này chỉ vài phút trước khi chết mới tự cho phép mình được sống. Tôi chỉ khoái chúng khi chúng sắp từ giã cõi đời. Và cũng chỉ có cái chết xứng đáng mới ban cho chúng một chỗ đứng trong cuộc sống vô nghĩa.
Tôi ít khi khóc khi đọc sách. Tôi không thiếu cớ để mà khóc, chẳng cần tới cái đau khổ sách vở nọ. Cuốn này mới thực là sách. Nó không nói dối.
Pavel Korchagin phi ngựa và xử kiếm chẳng thua gì mấy anh ngự lâm pháo thủ. Pavel Korchagin là một chàng trai dũng mãnh. Pavel chiến đấu vì lý tưởng, anh không màng tiền bạc, công danh. Mũ nỉ Budenny sánh sao được với mũ sắt hiệp sĩ. Nó chẳng bảo vệ được chủ nhân nó trước viên đạn hèn hạ. Thanh kiếm sắc bất lực trước khẩu Mauser. Pavel biết thừa là thế, nhưng anh vẫn xốc tới. Xốc tới và xốc tới. Pavel xông vào giữa trận tiền, cứ thế anh xốc tới. Pavel chiến đấu và chiến thắng, bao giờ anh cũng chiến thắng. Chiến thắng bằng thanh gươm, chiến thắng bằng lời. Khi thân thể không còn xài được nữa, khi đôi tay không cầm nổi thanh kiếm nữa, thì Pavel đổi vũ khí, thay vào lê, anh dùng chữ. Pavel làm được điều đó. Pavel là hiệp sĩ bạch binh cuối cùng. Là chiến binh viking cuối cùng của thế kỷ hai mươi.
Con người còn lại gì một khi hắn hầu như đã mất sạch? Lấy gì bào chữa cho sự tồn tại vất vưởng của cái xác dở sống dở chết kia? Sống để làm gì cơ chứ? Hồi ấy tôi không biết, cả bây giờ tôi cũng không biết. Nhưng, cũng như Pavel Korchagin, tôi không muốn chết sớm hơn cái chết của mình. Tôi phải sống đến tận cùng cuộc sống. Tôi sẽ chiến đấu. Tôi chậm chạp bấm phím máy tính, tôi đánh từng chữ cái này đến cái chữ kia. Tôi chăm chú rèn thanh lê của tôi – cuốn sách của tôi. Tôi biết, tôi chỉ có quyền đâm một nhát thôi, cơ may thứ hai không có. Tôi gắng sức, tôi rất gắng sức. Chắc ăn là có một thanh lê, tôi biết thế. Nó là một vũ khí tuyệt vời, tin cậy được.

Comments are closed.