Âm dương như một

Trần Đĩnh

Trích từ Cẩm Nang Mật:

Nhất trí bằng sức mạnh phi nhân cách

thì áp đảo mọi nhân cách.

Người ta sửa soạn nghĩa trang Tử Tiết từ trước ngày lễ Âm Dương Như Một khá lâu. (Đến đây, trước khi vào truyện, xin được rào đầu: hồ sơ mật này rất cổ cho nên nhiều chữ phải có chú thích. Chẹn họng dòng kể sẽ làm cho người đọc khó chịu nhưng xin người đọc chiếu cố chứ không thì biết hiểu ra sao? Chẳng hạn tại sao lại tên là Tử Tiết? Nó có hai nghĩa: tiết tháo mà chết và chết đi nhưng máu vẫn còn đọng lại đầy đủ như tiết ở trong lòng con cháu, không suy suyển một giọt. Tôi xin nhắc khẽ: Nếu chư vị nào thấy không cần thì cứ việc nhảy bỏ.)

Vì nghĩa trang quá lớn rộng, phỏng theo vườn quốc gia, cho nên cây cối um tùm, thành thử chỉ thị đầu tiên là phải dọn sạch từ tổ kiến đến tổ ong kẻo của nợ này chúng thình lình cường tập khiến các vị đứng đầu Nhà nước phải chụp bao tải lên đầu hay co cẳng chạy thì mất hết tư thế.

Bây giờ tả qua đôi chút nghĩa trang.

Tại tâm nghĩa trang, nơi mười nhánh đường thênh thang phải đo đúng tám mét đổ vào quảng trường Mười Rồng, người ta thấy sừng sững tấm Bia Lê Báu. Đó là một khối cẩm thạch đồ sộ cao ba chục mét khảm bằng đá quý thành quốc huy, quốc kỳ và quốc hiệu. Đặc biệt quốc hiệu được viết tắt để mỗi khi tiến lên cần phải thay đổi thì nạy ra khảm lại cho đỡ tốn công hao của. Tấm bia hình một lưỡi lê nửa đỏ (ngụ ý mãi hoen máu quân thù, chúng chớ vội quên), nửa trắng (ngụ ý này, hãy liệu hồn chúng bay, còn bén lắm!). Bao trùm hơn cả ý nghĩa tượng trung cho cuộc xung sát triền miên này, còn có cái ý lưỡi lê là mũi nhọn mở đường cho mọi mũi phát triển khác của đất nước.

Nhìn từ chính diện thì như thế nhưng nhìn từ hông vào thì lưỡi lê lại là một lá chắn tạo nên bởi những bó đũa, tượng trưng sức kiên cố kết đoàn sau lưng quốc trưởng kính yêu.

Mười nhánh đường chia cắt nghĩa trang ra làm mười khu mộ của các vị tiên liệt yên nghỉ vĩnh viễn, những con người muốn vào được đây đăng ký tử tịch đã phải vượt qua thử thách còn dữ dằn hơn hòn tên mũi đạn nhiều – ấy là cuộc xét duyệt tung tích. Các vị phần đông là chiến hữu của quốc trưởng từ thời khố vải mình trụi, bốc bải chui rúc.

Các nấm mộ đều quay ra cổng nghĩa trang. Quốc trưởng kén phong thủy này. Ngài muốn nói ngài rất hiểu nguyện vọng chiến đấu dù cho phải xuống tới tận đất đen của các vị nên đã thiết kế ra điều kiện thuận lợi này cho chiến hữu cứ việc ở dưới mồ sâu mà đạp chân vào Bia Lê Báu sải tiếp bước chân dang dở.

Hôm nay lễ hội Âm Dương Như Một diễn ra tại nghĩa trang Tử Tiết đây. Năm nay khác mọi năm là quốc trưởng sẽ có bài nói quan trọng nghe đâu đúc kết tất cả các đức tính quý báu của chư vị anh hùng đã hy sinh để giúp sưu tập một bách khoa toàn thư định nghĩa các phương diện phong phú và đa dạng của người chiến sĩ xả thân.

Do đó năm nay dựng Lễ đài ở ngay chân Bia Lê Báu. Ở trung tâm Mười Rồng phát đi, tiếng của quốc trưởng sẽ tỏa đều trên mười con đường hành quân chưa chấm hết của các tiên liệt. Không chỉ tiếng nói, đó còn là ý chí, tình cảm của quốc trưởng đang cùng chư vị đi tới những mục tiêu rất cao xa nhưng thừa biết là muôn phần chói lói.

Đó, âm dương như thế thì có đúng là như một không? Quốc trưởng không chỉ trọng sự ủng hộ của người đang sống mà còn cả sự đồng thanh tương ứng, động mộng tương báo của người dưới âm nữa. Ngài dạy phải có âm có dương mà. Âm chẳng sẽ là tương lai của tất cả đó thôi! Ai? Ai nào sống mãi để thoát khỏi cõi âm? (Đây cũng là mẹo của ngài: anh nào ra hiến kế thì ngài sẽ học mót ngay phép tiên của hắn. Có đấy, vẫn có tiên đấy… Nhưng phải khéo khích, khéo gạ chứ hắn không tự nhiên ra đâu…).

Chuẩn bị đang rất trơn tru bỗng xảy chuyện quá ư kinh lạ. Xảy đêm và đúng là đất bằng dậy sóng thật. Đất bằng dậy sóng nhưng lại nhẹ như một chiếc lông rơi.

Đêm hôm qua, nhân viên nghĩa trang đang ôn tập nội quy buổi lễ lớn bỗng thấy đất dưới chân chòng chành như những đợt sóng. Nhìn ra ngoài thì hồn vía hết thảy đều lên mây: trong chớp mắt, tất cả các ngôi mộ cùng quan quách bên dưới thoắt đội đất đứng dựng lên, lắc lư đảo đồng như tìm phương định hướng rồi nhất tề đổ kềnh xuống, đều tăm tắp. Kỳ lạ vô cùng là im phăng phắc. Tựa như các vị đổi tư thế nằm cho khỏi mỏi hay như một đợt xung kích vừa mới vùng dậy đà bị đạn đối phương phạt đổ.

Họ chạy ra kỉểm tra. Thở phào vì nguyên vẹn các ngôi mộ, nguyên vẹn đến cả các mạch hồ và cỏ hoa quanh từng ngôi. Duy nhất khác một điều: tất cả mộ đã đổi đầu – 9.999 ngôi quay hết đầu về Bia Lê Báu.

Lành hay dữ? Điềm gì đây?

Xét thấy sự này quả có một không hai, quốc trưởng liền cho triệu Mưu Xám Viện tới. (Lại phải chú thích ngang, thật là quấy quả: danh hiệu này nguyên vẹn là Tham Mưu Chất Xám Viện và như thế lẽ tất nhiên không thể tắt là Tham Chất Viện được, nghe nó quá bẩn thỉu, tham lam!).

Mưu Xám Viện họp dưới sự chủ tọa của đích thân quốc trưởng, bàn bạc rất chi sôi sục. Từ ý nghĩa, mục đích đến động năng của hiện tượng. Vấn đề được thảo luận nhiều nhất là động năng nào đã gây nên cuộc đổi hướng kia. Sức mạnh địa chất hay sức mạnh vũ trụ (chẳng hạn lực hút của một thiên thể nào đó) hay sức mạnh sinh học phân rã (xương cốt trong một điều kiện địa nhiệt hay địa chấn nhất định có thể sinh ra lực lớn) hay tái cấu kết vật lý của vôi vữa, xi măng đã phát huy tác dụng?

Quốc trưởng nghe kỹ rồi bèn tổng kết như sau:

Tôi e đây là một lực tổng hoà mà tôi gọi là yếu tố tâm địa học. Không, (quốc trưởng ngăn người bảo vệ bên cạnh vừa vùng đứng lên), không phải là cái nghĩa bụng dạ, âm mưu xấu mà đã vội mời bên an ninh đến. Tôi giải thích tâm địa học để các vị nghe xem. Thứ nhất, tôi sắp có giao lưu tình nghĩa với các bậc tiên liệt ở tại chân Bia Lê Báu, đó cái địa điểm này chính là yếu tố địa. Còn tâm? Chính là cuộc vươn mình vĩ đại của các vị đêm hôm qua. Cuộc vươn mình long trời mà không lở một tí đất nào của các vị nói lên rằng các bậc tiên liệt với tôi vẫn một lòng, một chí, một ý, một tình. Một người nghĩ, tất cả thấm. Một người xướng, tất cả họa. Lời tôi trước sau được các bậc tiên liệt ứng đáp gắn bó, không tìm ra được một chút khập khiễng nào về mức độ đề xi ben cùng nội dung chuyển tải. Sức mạnh của tôi, như các vị ngồi đây hiểu rõ, sở dĩ vô địch chính là nhờ ở nhất trí ròn rã, oanh liệt, vang rền của các bậc tiên liệt. Hai yếu tố tâm và địa đã tác thành nên cuộc đổi đầu đêm qua. Các vị tỏ rằng tuy ở dưới đất, các vị vẫn muốn châu đầu đoàn kết bên tôi, chia sẻ ở cự li gần nhất từng hơi thở, tiếng nói của tôi. Tôi đã cạn nghĩ! Phải chi tôi cho dựng lễ đài tại cổng nghĩa trang thì các ngài đã khỏi phải nhọc nhằn xê dịch.

Đến đây, quốc trưởng không giấu được giọng nói nghẹn ngào.

Toàn thể Mưu Xám Viện nhất tề giơ tay thông qua bỉểu quyết ghi nhận quốc trưởng vừa đưa ra một mẫu mực ở tầm cỡ quốc tế về hai mang phân tích học Nhiệt Lâm Khoa Học Viện (tránh chữ hàn lâm vì nghe nó như nghèo hèn cả tinh thần lẫn vật chất, vả nhiệt thì lại ứng được với thời đại nhiệt hạch, gọi thế này ối anh nước ngoài kinh sợ) liền lập ra một khoa mới có tên Tâm địa cộng phát lực học. Đài phát thanh lập tức thông báo phát kiến khoa học này có cơ lật nhào nền móng kiến trúc đô thị truyền thống: từ nay các đô thị có thể đổi hướng như trở bàn tay. Đã nguyên vẹn lại không tốn một xu. Chỉ cần muôn nghìn như một cùng lúc nghĩ như nhau: đổi. Cái khó cần nghiên cứu thêm là ở chỗ làm sao liên lạc được với nhau để đến phút P giây D mọi người cả nước lại cùng suy tưởng ở cường độ tư duy cao nhất.

Đang ăn tối nghe đài phát tin, quốc trưởng chau mày và nhấc máy nói. Phán là hấp tấp! Khoa học đâu phải chỗ để ta khinh xuất? Hơn nữa khoa học này dính nhiều đến chính trị mà chính thì không được mập mờ gây hiểu lầm. Thí dụ phải chăng chỉ tác động đến kiến trúc và chỉ ở nước ta thôi?

Hôm sau, đài đính chính bằng tin nói không chỉ có giá trị kiến trúc mà còn có cả giá trị giao thông. Từ nay có thể sẽ giải quyết như bỡn nạn ách tắc trên đường, Khó gì? Chỉ cần tâm địa cộng phát là đô thị đổi hướng ngay – công nhân đang ở cách nhà máy vài chục cây số bỗng thấy mình kề bên nơi làm việc. Tiến tới công nhân, tầng lớp cống hiến lớn nhất trong xã hội sẽ được đền bù trước tiên: họ chẳng phải đi đâu. Miếng đất dưới chân mỗi công nhân sẽ tự động chuyển dịch, như những tảng băng trôi ở Nam Bắc cực. Đi đâu, nhanh hay chậm là do cái tư duy của mỗi công nhân sai khiến. Chỗ này cực kỳ duy vật. Bởi tư duy của người vừa là sóng lại vừa là hạt. Chớ nên không sờ mó thấy nó mà bảo thế là duy tâm!

Hôm sau, Bộ Tiêu Địch (tức Bộ Quốc phòng, tránh chữ phòng vì nghe bị động quá!) phát hiện thêm giá trị quân sự. Từ nay quân đội không cần xê dịch mà vận động chiến như thần. Cứ tâm địa cộng phát là toàn bộ trận địa địch quân lọt ngay vào giữa vòng vây của ta hay khi ta cần rút nhanh thì cũng trên nguyên lý như thế nhưng ngược lại.

Quốc trường hài lòng thấy cả nước hưởng ứng có hiệu quả lớn mấy chỉ đạo của mình. Ngài khen Đài phát thanh nói quốc trưởng chúng ta chính là cha đẻ của nền khoa học hai mang phân tích học chắc chắn được thế giới khâm phục.

*

* *

Ngày lễ đã tới. Ban tổ chức lo sốt vó việc mọi người có tuân thủ nghiêm các quy định của nghi lễ ngặt nghèo và đa dạng không đây. Bộ Toàn Dân Bảo Luật dành hẳn một chương quan trọng cho nghi lễ. (Chú ý chữ bảo ở đây. Nó giao thoa ba ý: quý báu là một, bảo mật là hai và bảo lẫn nhau là ba). Chỉ nói riêng mục quy định cờ xí, ánh sáng, sắc phục đã thấy vô cùng thấu đáo. Thí dụ các rua gấm ở kèn bú dích quân nhạc trong lễ mặc niệm nhất thiết phải buộc túm lại theo kiểu cờ rủ. Thân kèn phải bọc dạ đen. Lon ngù binh phục tướng tá bắt buộc phải một bên đen một bên đỏ. Chú thích kỹ cả bên trái thì đỏ – trái tim vẫn phải rừng rực lửa chiến đấu – bên phải thì đen.

Sắp sửa khai mạc hội lễ, quốc trưởng và đoàn đại biểu Chí Vọng Dân (tên gọi đủ là Đại hội ý chí nguyện vọng dân, tương đương quốc hội các nước. Chữ vọng nghe động hơn chữ nguyện nên lấy nó), Quốc Lầu (tức nội các nhưng chữ này dễ bị suy sang đài các cao xa nên gọi quốc lầu, dân vẫn chẳng hay gọi nhau đi cao lầu nhậu lai dzai dzui dzẻ đó sao?), Vạch Hướng Viện, Bày Mẹo Viện, Mưu Xám Viện… khoảng hơn một trăm người đến cách nghĩa trang chừng trăm mét thì xuống xe đi bộ vào. Từ đây, dọc hai bên đường, các cô gái kén theo tiêu chuẩn chim sa cá lặn, mặt hoa da phấn, cẳng sếu lưng ong được tập thể đạo diễn sân khấu và biên đạo múa bố trí cải trang làm núi rừng, suối khe cùng muông thú, ve vắt, đồi gò, mô đá để các vị quan khách được dịp tơ tưởng lại quá khứ gian nan nhưng không kém phần lãng mạn. Quốc trưởng và các vị tùy tùng vừa đi qua đâu thì ở đấy các mô đất, ve vắt, khỉ vượn… liền vươn vai lần lượt bật lên reo ca múa hát. Ý này hết sức sâu sắc: các vị đến đâu đấy khắc hóa tâm hồn.

Mà tâm hồn này lại cười đẹp mê hồn nữa!

Tại cổng nghĩa trang, bố trí khác hẳn. Chuyển từ tính hình tượng gợi cảm sang tính hình tượng khêu ý. Ý về sức mạnh vô song của đất nước: vũ trang! Có mặt đủ mọi binh chủng. Từ thô sơ đến hiện đại mà giữa chừng là nửa thô sơ kết hợp với hiện đại. chẳng hạn đặt một động cơ phản lực lên trên một xe bò người kéo. Xe đẩy đi dọc tiền duyên thì động cơ phản lực tự động phóng sang trận địa đối phương lớp lớp truyền đơn địch vận. Chúng không kịp đọc cũng chết ngập trong đống bươm bướm bắn đến với tốc độ tối mặt tối mày. Còn có sáng kiến truyền đơn để trống nhưng bôi của ô uế vào, gây nguồn ô nhiễm ngay tại mũi đối phương. Mỗi binh chủng có hai viên tướng đại diện đứng nghiêm trong tư thế điển hình của binh chủng. Thí dụ Âm Bộ Quân, tức lính đi bộ đánh lén thì cử hai viên tướng mặc quần áo mỏng như da người, thoạt trông ngỡ lõa thể, một nằm xẹp dưới đất trong dáng kẻ trộm thấy động, một leo ống máng trong dáng rồng uốn ẩn mây. Đứng sát lễ đài là Đặc Nhi Nhiễu Quấy Quân với một đại đội tròn, một chiếu cố khác với mọi binh chủng. Đại đội do một thiếu niên mười sáu tuổi chỉ huy mang lon thiếu tá nhưng hưởng lương đại tá. Quốc trưởng dặn chú ý điều này để quân đội nước ngoài người ta khỏi phải xấu hổ vì thua kém: ai đời mười sáu mà đã hàm đại tá. Vị chỉ huy này có thể chỉ truyền trên đỉnh các cây bàng cây sấu mà thoăn thoắt đi liên lu liền lù hàng mấy phố lận! Nhìn các cháu vị thành niên kia lăm lăm trong tay toàn gạch củ đậu, dao gậy, pháo đùng nhè động thủ, đến quốc trưởng cũng cảm thấy hùng khí lại bốc lên ngùn ngụt trong lòng. Như được tiêm cho một liều lớn adrenalin.

Pháo hiệu ngũ sắc bắn. Lễ Âm Dương Như Một bắt đầu.

Quốc trưởng lên lễ đài trong điệu nhạc tăng gô – đám nhạc sĩ đã kén điệu này vì theo họ, tăng gô vừa quấn quít lại vừa buông thả. Chỉ quấn quít e mệt quốc trưởng, mà chỉ buông thả như nhạc van xờ thì e lả lướt, trai lơ. Trong khi khói hương toả nghi ngút toàn nghĩa trang. Lập loè trên 9.999 ngôi mộ 9.999 ngọn đèn trắng vàng tắt bật nhịp nhàng: tín hiệu hai cõi âm dương đã được nối ghép.

Phải tuyên dương Mưu Xám Viện đã đặt ra bao nhiêu hình thức độc đáo vô song mang ý nghĩa cực kỳ thâm hậu. Những việc mà nhìn thẳng không ra, cứ phải vờ nhòm đây ngó kia, kiểu nhìn rau gắp thịt thì mới thấy. Nhiệt Lâm Khoa Học Viện nghiên cứu thủ pháp này đã nói đó chính là điển hình của phỏng sinh học – bắt chước cách nhìn nghi trang của người lác mắt.

Trời bỗng dập dềnh. Bóng bay tung lên không, hàng nghìn nghìn quả, toàn màu đen nhánh. Mỗi quả một dải băng nửa đỏ nửa đen phơ phất lượn lờ: đỏ chỉ tâm huyết chiến đấu còn đó, đen tỏ đau xót khôn cùng vẫn đây. Tự nhiên ai cũng ngỡ nhìn thấy muôn vàn bàn tay đang từ cõi nào thiết tha vời vẫy. Rồi từ trên các quả bóng đen nhánh đỏ lại rớt xuống những giọt nước mắt lâm tâm: nước mắt các vị tiên liệt. Quốc trưởng ngửa mặt lên hứng nhận rồi ngài ôm mặt khóc rống lên ba hồi đứt ruột. Phần mở màn với tên “Hai miền một nỗi (ý chí tâm tư), hai ngả một chiều (tiến lên theo gót quốc trưởng)” chấm dứt ở ba tiếng rống thảm thương kia.

Sang phần thân cuộc lễ.

Thoạt tiên quốc trưởng đáp lễ các vị tiên liệt đã rỏ lòng sót xa yêu mến xuống, lạy tạ các vị đã chiếu cố về dự lễ.

Ở bốn góc lễ đài đã dựng lên bốn cột trụ rất cao. Bốn cô gái đẹp tựa tiên non bồng đã được bồng lên mỗi cô một trụ. Đoạn các cô quỳ xuống, chắp tay trước ngực. Theo lệ thì chính quốc trưởng lạy tạ. Nhưng quốc trưởng đã thuyết phục mọi người tán thành để mỹ nhân thay thế với những lý lẽ tinh tế như sau: lý đầu tiên là nếu mình quốc trưởng lạy tạ thì sẽ vi phạm nguyên tắc bình đẳng: hoá ra có vị được trước, có vị bị sau ư? Lẽ nào đến việc lĩnh phần lạy như lĩnh huân chương, lương hưu trí mà các vị cũng còn phải xếp hàng lần lượt hay sao? Nhưng không tách quốc trưởng ra làm bốn được vậy nên để mỹ nhân ra thay. Lý thứ hai là nhân dịp này muợn dân ra thay quốc trưởng lễ tạ lại càng nêu cao ý nghĩa thông hòa dân và quốc trưởng. Lý thứ ba: các cô gái trẻ tượng trưng cho cái quý nhất của cuộc đời là tuổi xuân thì nay bốn cô đem dâng nó một cách tiêu biểu cho các vị từng đã hiến cái đẹp nhất của mình là mạng sống cho đời. Thực chất cách này rút ra từ phương thức hợp đồng hai chiều của hợp tác xã cung tiêu nhưng vận dụng có sáng tạo.

Bốn cô quỳ lạy bốn phương, mỗi phương ba nhịp xuống gối, cúi đầu, vòng tay trước ngực rồi ba nhịp lên gối, buông tay, ngửa đầu rất chi uyển chuyển. Nhiều vị không tránh khỏi nhòm trộm rồi đực ra mất một lúc lâu.

Một hồi trống khua rền, ngụ ý trời chuyển: mở chỗ cho quốc trưởng xuất hiện.

Từ đỉnh hai cột son cao hai bên lễ đài thình lình thả xuống hai tấm vải dài: bài nói của quốc trưởng viết sẵn ở trên đó. Đây là áp dụng cách thức nghe-nhìn vừa hiện đại vừa phát huy truyền thống câu đối.

Loa hô: “Toàn thể đắm! Đắm!” (Không “nghiêm” vì đắm mới phản ánh được sự thấm nhuần sâu xa ý quốc trưởng).

Quốc trưởng cất lời.

“Kính thưa các chiến hữu còn hơn cả anh em ruột thịt, còn hơn cả bản thân, những người đã không còn ở bên tôi để dắt dìu, khuyên bảo, ngăn tay, giữ lời.

Kính thưa các chiến sĩ vẫn tiếp tục chiến đấu ở tư thế đặc biệt, không phút giây nào ngừng nghiến răng quắc mắt bảo vệ thành quả huy hoàng…”

Sau mỗi kính thưa, nóc các ngôi mộ lại nổ bụp, loè sáng và bốc khói màu da cam, vẩn lên như ráng chiều một góc trời tây thu nhỏ quá đẹp: các tiên liệt đáp lại rằng nghe rõ và đủ. Loè sáng là rõ, bụp nổ là đủ.

Trước cảnh hồn âm dương tương ứng đẹp thế này, nhiều vị trên lễ đài mơ tưởng tới ngày mình cũng sẽ được xì bụp tương tự mà sướng.

Nhưng các vị đứng cạnh quốc trưởng thì rất đỗi ngạc nhiên. Vâng, quốc trưởng mở miệng nhưng không ra lời, Trong khi loa vẫn phát tiếng! Hệt phim câm, lồng tiếng ngoài vậy.

Rồi các vị tỏ ngọn nguồn. Nguồn nói ở chân lễ đài, trong hàng gia nhân bác sĩ, bảo vệ và thú y – vì quốc trưởng đi đâu cũng mang theo con chó cưng cần chăm sóc thường trực – mồm thư ký quốc trưởng lại mấp máy ra trò, bất chấp “đắm”. Viên thư ký này đặc trách thảo diễn văn cho quốc trưởng, được tin cậy đến độ quốc trưởng chẳng cần duyệt.

Nhưng hôm nay quốc trưởng có sửa vài chỗ. Chẳng hạn câu “nghiến răng quắc mắt” là đầy hình tượng hiện thực chủ nghĩa, ngài phán, vì người chết nào cũng đều nhe răng và lộ hai hố mắt ra cả. Hay ngài chữa chữ “vong linh” thành “tồn linh” vì đã vong là mất sạch thì còn tưởng nhớ làm quái gì, sáo mép! Viên thư ký đã gửi mẫu mực văn phong này sang bên Viện Xảo Ngôn để cho vào sưu tập danh ngôn.

Sau quốc trưởng đến chủ tịch Chí Vọng Dân. Hai cô gái dìu cụ già tám mươi sáu ra. Cụ cầm bài nói và lên tiếng. Lần này mồm chủ tịch mấp máy nhưng tiếng lại ra từ mồm quốc trưởng.

“Kính thưa quốc trưởng vô cùng sáng suốt và oai linh”, “Kính thưa các vị tiên liệt mà tồn linh ngày đêm sống động trong tâm trí chúng tôi…”

Quốc trưởng rất tâm đắc chữ oai linh cho nên ngài mới để cho vị chủ tịch già nghễnh ngãng tai và mắt đục thủy tinh thể nói nó ra. Oai là dành cho hiện tại, linh là dành cho sau này.

Chẳng mấy chốc đã đến phần bế mạc. Quốc trưởng cùng hàng tùy tùng đi tượng trưng qua một vài hàng mộ rồi ra cửa nghĩa trang lên xe về.

Vừa leo lên xe, giơ tay ôm vuốt chòm râu chổi xể của con chó cưng thì quốc trưởng bỗng vồ vào con chó. Xe hơi chúi mạnh. Mặt đất gợn sóng. Trước con mắt kinh hoàng của mọi người, các ngôi mộ với đủ các mộ chí, thiết bị nổ bụp, huân chương… cùng lúc phăm phắp dựng lên, ngật ngưỡng đảo đồng rồi đổ kềnh. Trời vẫn quang tạnh, gió vẫn êm ả như thường.

Quốc trưởng chờ xe phóng một quãng xa mới quay đầu lại. Ngài thở phào. Lúc nãy ngài lại ngỡ bọn chúng bỏ mồ về đòi quây quần trong dinh cùng với ngài thì có phần khó xử thật. Chia chác vị trí lúc ấy mới rắc rối!

Mọi sự vẫn yên ổn, quốc trưởng bèn lấy khăn tay ra lau mắt. Viên thư ký ghi số tay dòng chữ: quốc trưởng chia xa chiến hữu mà nước mắt ròng ròng…

*

* *

Đến đây hết biên niên sử chính thống mà sang truyền khẩu dân gian.

Rằng sau khi đất lại bằng, mộ lại yên, đám nhân viên đi kiểm tra lại thảy đều hồn vía lên mây: các ngôi mộ đều quay đầu ra cổng nghĩa trang như cũ. Không, có một khác thường! Trên bia mỗi vị đều thấy cài thêm một huân chương mới. Điều này không thể nhầm vì tài sản tinh thần của các tiên liệt được nhân viên bảo quản còn ngặt hơn con ngươi của mắt họ.

Họ bàn và họ chỉ có thể giải thích là trong các tiên liệt nằm đây có một vị xưa vốn trông coi ngành quan lại, chuyên ban phát chức tước, bằng sắc, nhà cửa, tiền tài. Chắc đánh giá cao hai lần mộ đổi đầu, ngài đã tức thời tặng huân chương như trong các dịp lễ lớn ngài sinh thời vẫn quen lệ làm.

Thế nhưng kiểm tra kỹ một phen, họ lại thấy một ngôi mộ chẳng những không thêm huân chương mà còn bị mất sạch huân chương sẵn có nữa. Ảnh vị này còn bị một vệt đen gạch chéo ngang mặt… Thế là thế nào?

Dân lại gian rằng:

Mộ này của Cam Văn Đau, bố của Cam Tôi Tớ. Cam Tôi Tớ là người duy nhất nằm gai nếm mật cùng quốc trưởng những ngày chui lủi còn tồn tại toàn vẹn đến bây giờ. Quốc trưởng lúc ấy đã đề một kỷ luật: phàm ai lạ mặt mà gặp quốc trưởng lần thứ hai là Cam Tôi Tớ cứ việc thẳng tay thanh toán, đỡ mối hậu họa khai báo về sau.

Đến đây hãy ngược lại thời quốc trưởng còn tay trắng mình trần. Hôm đó, giặc đuổi dữ. Cam Tôi Tớ dắt ngài chạy tới vùng này, tức khu nghĩa trang ngày nay. Hắn đưa ngài vào một vó bè trên một con sông con. Chủ vó bè ra đón rồi nhường ngài qua đêm trong vó bè. Sáng sau, trước khi lên đường, ngài hỏi chủ vó bè đâu rồi ra mật hiệu. Cam Tôi Tớ nhợt nhạt mặt mày nhưng vẫn tuân lệnh đi ra. Lát sau ngài thấy hắn kéo xác chủ vó bè xuống khúc sông bên dưới vất lại…

Cái xác ấy là Cam Văn Đau, bố Cam Tôi Tớ. Sau này thành trụ cột quốc gia, Cam Tôi Tớ khai man lý lịch bố, đưa được Cam Văn Đau vào nằm trong nghĩa trang Tử Tiết. Hắn nghĩ như thế hắn đã bù lại được cho nỗi oan mất mạng của bố. Dẫu sao máu của bố hắn vẫn được thành tiết đông nguyên vẹn và tiết tháo, đâu có kém chi ai?

Nhưng tại sao Cam Văn Tôi lại bị tước hết huân chương và xoá mặt?

Dân gian bàn:

Hoặc vị đại thần quản ngành lý lịch đã phát hiện ra man trá? Hoặc là không cam phận vẻ vang giả nữa, Cam Văn Đau hai lần không chịu đổi đầu và ông liền bị trừng phạt? Họ thanh lọc hàng ngũ trung thần đến dưới tận âm ti thì kinh thật. Có người nói đêm đêm dưới đó các vị vẫn tra tấn nhau uỳnh uỵch để làm rõ hơn lý lịch! Các vị cần sự sáng trong mà.

1991

Comments are closed.