Ma chung cư (tiếp theo và hết)

Truyện Huỳnh Ngọc Chênh

III.

Đã một giờ sáng rồi mà tôi vẫn thao thức nghĩ về hai con ma trẻ. Mãi lâu thì vợ mới nằm yên và vang lên tiếng thở đều. Tôi rón rén bước ra khỏi giường rồi mở cửa ra hành lang chung cư.
Không thấy cậu trai đâu cả. Tôi đến tì vào lan can, nhìn xuống công viên bên dưới chờ đợi.
Chờ rất lâu vẫn không thấy cậu trai ma xuất hiện. Buồn quá, tôi bấm thang máy đi xuống dưới, định đi về hướng Hà Đông – Văn Điển để hy vọng gặp lại cô gái trẻ.
Vừa ra khỏi sảnh chung cư, ba “tô bánh canh” đang vật vờ đâu đó nhanh chóng xuất hiện. Một “tô” hỏi giọng trịch thượng rất đặc trưng công an:
– Khuya rồi không ngủ mà còn định đi đâu đó?
Tôi nổi cáu:
– Mày hỏi ai đấy thằng bố láo?
Thằng lớn tuổi hơn tỏ ra lễ phép:
– Chúng cháu muốn biết bác đi đâu khuya khoắc thế này?
– Tao đi đâu thì mặc tao, chúng mày hỏi làm gì?
– Tối nay bác vào ngủ đi, không đi đâu hết. Thằng mất dạy khi nãy lại lên tiếng.
– Tao cứ đi chúng mày làm chi tao, chúng mày định đánh tao hay sao?
– Dạ không dám, nhưng chắc chắn tối nay bác không được đi. Thằng lớn tuổi tỏ ra lễ độ nhưng rất kiên quyết.

Ba thằng hầm hầm đứng chặn tôi lại trong tư thế sẵn sàng kẹp hai bên nách tôi lôi vào nhà. Biết không thoát khỏi lũ này, tôi chỉ còn biết mắng:
– Chúng mày láo, tại sao khi hôm chúng mày cho tao đi, tối nay lại chặn tao.
Thằng lớn tuổi phân trần:
– Khi hôm bác đi lang thang khắp nơi làm bọn cháu đi theo mệt quá sức. Sau đó bác lại đi về phía Văn Điển rồi cắt đuôi, tụi cháu mất dấu nên sáng nay bị phê bình. Vì nhiệm vụ phải làm, bác thông cảm…
Nhớ lại tối hôm qua, khi tôi đi về phía Văn Điển thì gặp cô gái ma đứng bên vệ đường. Lúc đó ba thằng đi theo sau tôi bỗng dưng biến mất. Té ra các cu cậu sợ ma nên trốn về, rồi báo cáo láo với cấp trên là bị tôi cắt đuôi. Tôi chế nhạo:
– Ka ka, chúng mày sợ ma té đái trong quần rồi chạy mất dép. Tao thèm cắt đuôi chúng mày làm gì. Mai tao sẽ lên face viết thiệt chuyện này ra cho cả thế giới biết, cho lãnh đạo của chúng mày biết. Hì hì, bánh canh mà cũng sợ ma.
Ba thằng ngớ ra. Lợi dụng lúc chúng còn đang bối rối, tôi bất ngờ lách qua giữa hai đứa định phóng đi thì thằng thứ ba nhào tới, hung hăng chặn lại. Rồi ba thằng vừa lùa vừa đẩy tôi dần vào bên trong sảnh. Tôi chỉ còn biết la lên lấy lệ “Chúng mày chà đạp nhân quyền” rồi vùng vằng vào thang máy đi lên nhà. Ở riết dưới chế độ này chuyện phi lý bất công như thế rồi cũng thấy bình thường.
Vừa bước ra khỏi thang máy, nhìn về phía lan can đã thấy cậu trai ma đứng đó tự bao giờ. Tôi đứng nguyên tại chỗ nói:
– Chào cháu, bác đây, đừng sợ
Chàng trai giật mình hoảng hốt định nhảy lên thành lan can phóng đi. Tôi xua tay vội nói:
– Ấy ấy, đừng. Bác là người thật không phải là ma đâu, đừng có sợ!
Tôi giậm chân xuống sàn đá cẩm thạch thịch thịch để chứng minh cho cậu ấy thấy rằng tôi có sức nặng xương thịt của con người. Cậu trai dừng lại, nhìn tôi chằm chằm và dần lấy lại bình tĩnh:
– Bác thật không phải là ma đấy chứ?
– Ừ bác là người còn sống, người thiệt. Hôm qua bác giỡn chọc cháu đấy thôi, không ngờ cháu lại sợ ma đến thế.
Cậu trai le lưỡi:
– Ma mà ai không sợ. Sợ chết đi được.
Tôi bước lại gần bắt chuyện bằng cách giới thiệu tên tôi, chỉ chỗ căn hộ của tôi cho cậu trai ma biết. Cậu ấy xưng tên là Chí có “căn hộ” trong hành lang thoát hiểm. Tôi phì cười nói đùa:
– Vậy là cháu có căn hộ ngoằn nghèo, khúc khuỷu, kéo dài và cao nhất thế giới. Những ba lăm tầng.
– Bốn mươi tầng chứ, vì còn năm tầng hầm nữa bác quên tính. Cậu trai ma đính chính.
Là thợ xây ra ngôi nhà này nên cu cậu nắm khá rõ. Tôi nói qua chuyện khác:
– Có việc này nhờ cháu giúp được không. Sau đó bác sẽ giúp lại cháu một việc rất thú vị.
– Chuyện gì vậy bác?
– Dưới sảnh có ba thằng an ninh canh gác đêm ngày để theo dõi bác, hoặc thỉnh thoảng lại chặn không cho bác đi ra ngoài. Tối nay bác định đi chơi một tí, chúng lại chặn không cho bác đi.
Cậu trai rụt lại, mở to mắt nhìn tôi đầy băn khoăn. Tôi nói tiếp:
– Bác căm ba thằng ấy lắm, nhờ cháu xuống làm ma dọa chúng nó một phen cho bõ ghét.
Cậu trai giật thót người hoảng hốt:
– Ôi, ba ông đó là công an đấy, kinh lắm. Cháu sợ lắm!
– Nhưng cháu là ma rồi thì sợ chi chúng nó.
– Ủa, bác nói gì lạ thế? Cháu là người như bác mà. Cháu là ma bao giờ?
Tôi ngớ người ra một lát, nhưng kịp hiểu ra ngay, hèn chi cậu ấy sợ ma y như người. Tôi tảng lờ không nói ra sự thật cho cậy ấy biết, sợ khi biết ra cậu sốc nặng, phản ứng lung tung không biết thế nào mà lường. Tôi thuyết phục cách khác:
– Thì cháu xuống giả ma nhát chúng nó một phen.
Cậu xanh mặt lè lưỡi:
– Ba ông công an đó mà sợ cháu! Cháu sợ ba ông ấy phát khiếp thì có.
Tôi cười thầm nghĩ cậu trai này đã chết rồi mà cũng còn sợ công an là sao. Đúng là công an còn kinh hơn ma quỷ.
Cậu trai ma nói tiếp:
– Chính ba ông ấy cũng chặn không cho cháu đi ra bên ngoài. Cháu phải ở trong này suốt cũng vì các ổng.
– Ủa, chúng làm bánh canh chặn bác thôi chứ cháu là m… à… à… cháu mắc chi mà chúng chặn?
– Ôi sợ lắm. Mấy ổng không cho cháu ra khỏi chung cư đâu.
Tôi rủa thầm trong bụng, nhân quyền không có đã đành đến ma quyền cũng bị chà đạp nữa là sao hả trời.
– Bác biết ba thằng đó hùng hổ vậy thôi chứ sợ ma té đái trong quần. Cháu cứ xuống giả làm ma, trợn mắt, nhe răng thì chúng nó chạy mất dép cho xem.
Cu cậu rúm ró lại, nói không ra lời:
– Ba ông ấy đều là ma hết đó. Ma bánh canh đó.
Khi cậu trai ma tiết lộ thông tin “ba tô bánh canh” dưới nhà đều là ma, tôi giật mình đánh thót, trợn mắt lên đầy ngạc nhiên, nhưng chưa kịp nói gì thì lại thấy cậu ta rướn mắt nhìn về phía sau tôi đầy vẻ thích thú.
Tôi quay lại, thấy nàng trong váy ngủ đứng đó tự bao giờ. Tôi hoảng hốt lắp bắp chưa biết nói gì thì cậu trai nói:
– Con gái bác xinh đẹp quá.
Tôi thì thầm đính chính với hắn:
– Bác gái đấy.
Nàng nói:
– Anh điện thoại cho ai vào đêm hôm khuya khoắt thế này? Sao anh không vào nhà đàng hoàng mà nói.
Tôi hốt hoảng xoay người lại đưa hai tay trống không ra cho nàng thấy:
– Anh có gọi điện thoại cho ai đâu.
Cậu trai ma nói:
– Ôi bác già thế mà có bác gái trẻ đẹp thế.
Bác gái “trẻ đẹp thế” nói:
– Vậy anh có bị ma bắt hay không mà hai giờ sáng ra đứng tựa ban công nói chuyện một mình?
Tôi ngớ người, hiểu ra. Nàng không thấy thằng ma đứng cạnh tôi. Nhưng chừ giải thích với nàng sao đây, chẳng lẽ nói rằng tôi đang nói chuyện với ma, có khi làm nàng hoảng lên đưa tôi đi bệnh viện chứ không đùa. Tôi đành nói dối:
– À, anh tập phát biểu để chuẩn bị sắp đến tham gia đối thoại với cộng sản.
– Bác gái có đôi mắt đẹp quá. Thằng ma lại chen vào.
– Đối thoại với ma có khi lại hay hơn. Bác gái “có đôi mắt đẹp quá” nói.
Vô tình nàng nói đúng chóc thế, nhưng tôi không dám hé răng nửa lời, lặng lẽ bước vào nhà. Ngay cả quay lại chào tạm biệt thằng ma ranh tôi cũng không dám, trong khi đó hắn bước gần đến nhìn bác gái “trẻ đẹp thế” bằng ánh mắt lom lom làm tôi muốn nhảy đến đá hắn văng ra khỏi lan can.

***
Khuya hôm sau, tôi chờ vợ ngủ xong liền lén ra hành lang chung cư tìm thằng ma ranh.
Hắn ngồi sát vào cửa nhà tôi hóng tự bao giờ. Tôi biết hắn chẳng hóng tôi. Đúng vậy, hắn nói:
– Tưởng bị bác gái trẻ đẹp giam không cho bác ra.
Mắt hắn cứ hóng vào bên trong nhà, dù tôi đã khép chặt cửa. Rồi khi nhận ra lộ quá, hắn ma lanh nói tránh:
– Hôm qua bác hứa giúp cháu môt việc thú vị là việc gì?
– Nhưng mày không giúp tao nhát ma ba thằng bánh canh dưới kia nên hủy hợp đồng.
Cu cậu tiu nghỉu. Trong bụng thù ghét hắn lắm, nhưng tôi cũng đành nói:
– Tao có biết một cô gái rất đẹp và đang cô đơn, muốn giới thiệu cho mày.
Cu cậu sáng mắt lên:
– Cô ấy ở tầng mấy vậy bác? Có phải cô ở dưới tầng chín giống hệt như bác gái không?
Thằng ranh thật, biết hết. Tôi sẵng giọng:
– Cô ấy không ở đây, mà ở tận Văn Điển.
Nó giật mình đánh thót, lè lưỡi tím ngắt nói:
– Đừng nói cô ấy là ma đấy nhé.
– Đương nhiên không phải, mày sợ ma nhát cáy ai lại đi giới thiệu ma cho mày.
– Thế bác đưa cô ấy về đây đi.
– Hì hì, cọc mà đi tìm trâu, ngược đời vậy mày. Chừ mày đi theo tao ra công viên tìm cô ấy.
Nó rụt cổ lè lưỡi dài ra y con ma. Tôi biết hắn sợ ba con ma bánh canh dưới kia. Tôi tô vẽ nhan sắc cô gái áo trắng cô đơn lên tận trời xanh để dụ hắn. Tôi rành tâm lý mấy thằng háo sắc này lắm. Quả nhiên, hắn dạn hẳn lên, cố gắng nép vào sau lưng tôi đi xuống sảnh. Tuy vậy xuống đến nơi hắn không dám bước ra. Tôi đành bảo nó nấp sau quầy tiếp tân chờ.

Tôi vừa bước ra khỏi sảnh chung cư, ba thằng bánh canh đang vật vờ đâu đó hùng hổ xuất hiện, dàn hàng ngang ngăn chặn.
Với tất cả sức mạnh và sự căm tức dồn nén bao lâu nay, tôi nhắm vào thằng hỗn láo nhỏ tuổi nhất, đá một phát. Hắn bay lên tận ngọn cây tùng trồng dọc lối đi, vất vưởng luôn trên đó. Rồi tôi xoay lại đạp luôn thằng thứ hai một phát bay vèo xuống đường dẫn vào hầm để xe. Thằng thứ ba hoảng quá cong đuôi biến mất tiêu trong không khí.
Lúc đó cậu trai ma mới mò ra khỏi chỗ nấp đến gần nhìn tôi bằng ánh mắt đầy ngưỡng mộ.

Tôi hả dạ lắm khi nghĩ về ba thằng ma bánh canh kia. Lúc sống, chúng làm nghề bánh canh, rồi chết bất đắc kỳ tử không siêu thoát được, thành ma vẫn nhớ bài, nghiện nghề. Lúc còn sống, chúng nó được cả một hệ thống đông như quân Nguyên bảo kê nên quen thói hống hách, muốn làm chi ai thì làm. Chừ chết thành ma rồi đâu còn ai bao che cho nữa mà hung hăng. Chúng chỉ dọa được cậu ma hiền trên chung cư chứ có khi gặp ma khác đầu gấu hơn thì cũng cụp đuôi. Có lẽ vì thế mà hôm bám đuôi tôi đến gần nghĩa trang Văn Điển thì sợ quá bỏ “đối tượng” chạy về.
Cậu trai ma tin tưởng vào tôi nên dạn dĩ hẳn lên. Cậu nôn nóng thúc giục:
– Bây giờ đến công viên nào tìm cô gái ấy vậy bác.
Đúng là máu háo gái, tôi cười thầm rồi nghĩ đến vườn hoa dân oan. Đó là công viên gần khu dinh thự sản sinh ra dân oan toàn quốc, nên dân oan cả nước hay kéo về sống vất vưởng tại đây, để dễ khiếu kiện. Dân oan tập trung ở đây thì ma oan cũng thế – tôi thầm nghĩ – cô gái kia chết trẻ có khả năng là ma oan lắm.

Không chừng cô là một trong hàng ngàn nạn nhân “tự tử” trong đồn công an cũng nên.

IV.

Tưởng sẽ đông đúc ồn ào lắm, nào ngờ khi hai chúng tôi đến vườn hoa dân oan lại vắng tanh, không có một con ma nào. Cũng không có một bóng người.
Thằng háo gái luôn miệng hỏi cô gái đâu, cô gái đâu? Tôi bảo nó cứ vào ghế đá ngồi chờ, có thể cô ấy sẽ đến, đi tán gái rất cần đức tính kiên nhẫn. Hì hì, dzụ ni tui hơi bị có kinh nghiệm.
Một già một trẻ, một người một ma tưởng như người, cùng ngồi trên ghế đá công viên nhìn cảnh đêm. Ở đây, mấy năm trước rất huyên náo, do dân oan khắp nơi kéo về giăng lều bạt để ngủ qua đêm. Nay bị công an truy đuổi, phải dạt đi các nơi khác. Đêm vườn hoa, dưới ánh sáng hắt vào từ đèn đường nhờ nhờ, rất vắng vẻ và yên tĩnh. Người cũng không mà ma cũng không.
Bỗng dưng roạt một cái, từ trên cành cây cao phía trước mặt chúng tôi, rơi xuống môt thây người treo lủng lẳng trên một sợi dây. Cu cậu ma hét lên một tiếng, phóng vút qua ghế đá, bay ra sau đến hơn chục mét, nấp vào sau gốc cây. Tôi không có khả năng đó nên ngả ngửa ra lưng ghế, chết trân, người bất động, miệng há hốc, trợn mắt lên nhìn.
Không biết sau bao lâu thì tôi dần lấy lại sự bình tỉnh, quan sát kỹ thây ma. Dưới ánh sáng lờ nhờ, tôi thấy một khuôn mặt đàn ông xanh lè, mắt trợn trắng, lưỡi tím ngắt thè ra dài xuống đến ngực. Sợi dây căng cứng thòng trên cành cây xuống, quấn có vẻ lỏng lẻo qua cổ của nạn nhân. Hai tay nạn nhân như cố trì kéo sự sống nên còn vươn cao lên trên bám chặt vào sợi dây.
Một cơn gió thổi tới. Tôi lạnh hết xương sống. Cái lưỡi thè ra của nạn nhân bay phất phới. Tôi cứ ngồi chết cứng tại chỗ khá lâu, chưa biết phải làm gì. Bỗng dưng nghe tiếng nói âm u phát ra từ xác chết:
– Bố không sợ ma hay sao mà không bỏ chạy giùm. Làm mỏi hết hai tay.
Khi đó cái lưỡi tím ngắt của nó rời ra khỏi miệng bay là đà theo hướng gió. Té ra nó làm bằng giấy. Cùng lúc ấy, xác chết rớt thịch xuống đất rồi trụ vững trên hai chân. Tôi nói:
– Mày giả ma nhát người đấy sao?
– Tôi là ma chứ người bao giờ. Bố là người hay ma mà đéo sợ ma chút nào vậy. Xác chết cãi lại.

Ông cố nội thằng ma này chắc dân Quảng Nam, tôi đoán thế.
Cự cãi qua lại với nhau một lúc thì tôi nhận ra thằng này là người, và biết một số thông tin cơ bản về hắn. Hắn là thằng du côn vô học, được tuyển làm dân phòng tăng cường, bảo vệ trật tự khu vườn hoa vào cái thời dân oan tập trung đông đúc ở đây. Hắn sung sướng làm nhiệm vụ, phát huy hết thú tính, hung hăng đánh đập, hành hung những người khốn khổ bằng tuổi mẹ, tuổi ông bà của hắn không chút thương xót.

Khi dân oan bị đuổi đi hết, không còn việc gì để làm, hắn cũng bị cho nghỉ việc, nhưng nhớ nghề nên tình nguyện vào ở đây đêm ngày để canh gác không công. Ban đêm công viên chỉ có ma, có lẽ sống riết với ma nên hắn bị hoang tưởng. Cũng có khi làm ma nhiều người sợ, thấy oai hơn làm người nên hắn tự kỷ ám thị mình là ma.

Tôi gọi cu cậu ma chung cư ra khỏi chỗ nấp:
– Lại đây, thằng khùng này là người chứ không phải ma, đừng sợ.
Thằng ma háo gái rời chỗ nấp, e dè bước tới, trong khi thằng khùng dân phòng nổi giận gân cổ lên, hùng hổ vặc lại tôi:
– Đ mẹ, không được vu khống xúc phạm tôi. Tôi đéo phải là người. Tôi là ma chính hiệu đây. Tôi là ma trùm khu này. Đéo con nào thằng nào dám vào đây nếu tôi không cho phép.
Thằng ma chung cư của tôi rụt rè hỏi:
– Anh canh ở đây, vậy có thấy cô gái mặc đồ trắng trẻ đẹp nào hay vào đây không?
– Cái con mặc áo dài trắng kiểu nữ sinh Sài Gòn chứ gì? Nó là con ma dân oan, tao đéo cho vào đây – hắn tự hào. Ma oan tràn ngập khắp nơi, nhưng mày có nhìn thấy con ma nào dám bén mảng đến đây không?
Ngay lúc ấy, tôi thấy ở lối đi bên kia bồn hoa, xuất hiện môt ông lão gầy nhom, hai tay cuốn vào mép áo măng tô trùm kín lại trước ngực, lọm khọm bước đi, mặt cúi gằm xuống đất. Tôi nói:
– Kìa, vẫn có người đi vào kìa!
Thằng hâm huênh hoang tự đắc:
– Riêng lão già rỗng ấy, tôi cấp phép cho lão thường trú ở đây.
Tôi tỏ ra ngạc nhiên chưa kịp hỏi gì, hắn huênh hoang nói tiếp:
– Lão rỗng ấy tứ cố vô thân, đi tới đâu cũng bị vùi dập xua đuổi, không chốn dung thân, khóc lóc van lạy tôi mãi tôi mới cấp phép tạm trú. Lão được cái ngoan, rất ngoan, bị tôi chửi mắng đánh đập thế nào cũng cam chịu. Tôi mới xét cho chuyển sang thường trú mấy tháng nay.
Tôi để hai thằng ma ở lại đó, tò mò đi nhanh về phía ông lão. Đến gần, tôi hắng giọng chào mấy lần, nhưng ông lão không để ý, cứ cúi gằm xuống bước đi. Mắt ông láo liên như tìm cái gì đó bị đánh rơi trên mặt đất.
Ông đi mãi đi mãi, hết lối này qua lối khác trong công viên để tìm kiếm. Tôi đi cạnh bên ông nhưng không gợi chuyện được. Hai cu cậu kia dường như bắt đầu thích nhau nên đã cùng ngồi xuống ghế đá chuyện trò qua lại khá hăng.
Đi một lúc, ông lão chợt thấy cái gì trên mặt đất, vội dừng lại cúi xuống, nhặt lên. Tôi bước lên phía trước, quay lại tò mò nhìn. Ông lão thả hai tay ra khỏi mép áo, mân mê vật dài dài mới nhặt lên. Đó là cái lưỡi bằng giấy của thằng hâm gắn vào miệng lúc nãy bị gió đẩy bay đến đây.

Ngay lúc ấy, một cơn gió lạnh thổi đến, hai vạt áo măng tô rách bươm của ông lão không còn nút, lại không được hai tay nắm giữ, mở phạch ra. Thân hình gầy nhom, trần trụi của ông lão bày ra kinh hoàng trước mắt tôi.

Bên trong áo măng tô, ông lão không mặc gì. Một đường rạch chạy từ trên lồng ngực kéo xuống tận bẹn mở toang ra. Tôi nhìn vào trong cái bụng và lồng ngực mở toang hoác ấy, chẳng thấy có gì. Tim, phổi, gan, lòng, ruột… không còn bên trong. Hèn chi thằng hâm gọi ông là lão rỗng. Lúc ấy tôi tưởng đó là tên ông.
Tôi kinh hoàng bước lùi lại. Ông lão nhìn kỹ cái lưỡi giấy một lát rồi thất vọng vất đi. Tôi nghe có tiếng thở dài sườn sượt rồi tiếng rên than ai oán như tiếng vọng từ cõi xa xăm bay về. Ông lão đưa tay kéo hai vạt áo choàng lại che kín phần cơ thể rỗng toác của mình. Có tiếng nấc, rồi nghe ông lão khóc.
– Ông đi tìm nội tạng cuả mình, có đúng không? Tôi nhẹ nhàng hỏi.
Ông lão gật đầu.
– Khi còn sống ông bị bọn xấu bắt cóc mổ lấy nội tạng bán sang Tàu phải không? Tôi hỏi.
Ông lắc đầu. Một lúc sau ông mới nói trong nghẹn ngào:
– Chúng nó mổ bụng, chúng nó móc hết ra rồi chúng nó vất đi đâu hết rồi.
Rồi ông chỉ vào đầu nói tiếp:
– Cái trong này chúng cũng mổ rút, hết ra vất đi.
– Ai mổ lấy nội tạng và não ông? Bọn cướp à?
Ông rên rỉ đầy căm phẫn:
– Lũ học trò mất dạy. Chúng móc hết mang đi vất, còn cái xác rỗng chúng giam lại trong nhà mồ không chôn hoặc thiêu đi. Làm gần nửa thế kỷ trôi qua rồi mà không siêu thoát được. Hơn nữa, không có tim não phèo phổi thì làm sao siêu thoát được. Mấy chục năm nay ta đi tìm tim não nhưng tìm mãi chẳng ra. Người có thấy bộ đồ lòng của ta ở đâu không? Chỉ giùm ta, ta mang ơn.
Tôi hiểu ngay ra ông là ai. Không kiềm được lòng trắc ẩn, tôi khuyên ông:
– Không tìm ra được đâu. Gần năm mươi năm rồi còn gì. Ông về nhà nằm nghỉ ngơi cho khỏe.
Ông lão khóc thét lên thành tiếng:
– Nhà đâu mà về.
– Chứ cái nhà mồ thật to đầu kia thì sao? Không phải của ông à?
– Nếu về được chỗ đó thì không mắc chi phải đến đây van lạy, chịu đựng thằng mất dạy đầu kia.
Tôi cay đắng nghĩ thầm trong bụng, có khi thằng dân phòng đó từng là cháu ngoan bác Hồ đấy.

Ông lão lại tiếp tục đi, mặt cúi gằm xuống tìm kiếm.
Tôi quay lại chỗ ghế đá. Hai thằng đang tranh cãi rất hăng. Một thằng cố chứng minh mình là người, còn thằng kia ngược lại.
Tôi lôi thằng ma tưởng người ra về.
Đi ngang qua khu dinh thự là trung tâm sản sinh ra dân oan và ma oan của cả nước, tưởng về đêm yên tĩnh lắm, nào ngờ lại náo nhiệt đến mức độ khủng khiếp. Hồn ma dày đặc vất vưởng khắp nơi. Nhất là ở ngôi mộ to nhất nước, oan hồn kéo vào ùn ùn như kiến sôi, tiếng khóc lóc, kêu gào, la hét vang cả góc trời.
Thằng ma chung cư sợ mất hồn, bỏ chạy mất.
Trên đường về một mình, tôi hiểu ra vì sao ông lão rỗng không còn chốn dung thân.

Hà Nội, 25/5/2017

Comments are closed.