Mùa lúa chín

Thu Phong

clip_image002

Gái miền sông Hương hẹn trai miền Cửu Long,

Hai ta ước thề xây thắm tình duyên quê.

(Tình thắm duyên quê, Trúc Phương)

1

Trời trở lạnh là lúc mùa gặt tới. Các cánh đồng lúa chín vàng rực, xào xạc trong gió, phảng phất hương.

Trai tráng nam nữ đầu đội nón lá, ống quần xắn cao, người gặt, kẻ đập nói cười xôn xao, hát ca rộn ràng. Các máy tuốt lúa tuôn lúa xuống thúng, thổi trấu tung lên thành luồng tựa như giòng nước chảy ngược.

Ruộng gặt xong, người ta thả các đàn vịt hàng ngàn con xuống để chúng ăn lúa rụng trong khi gặt.

Trên đường làng, những chiếc xe bò lọc cọc chở lúa về nhà.

Ở các khoảng sân rộng trước nhà, trên mặt quốc lộ, ngập đầy lúa vàng được phơi.

Khắp làng quê tưng bừng không khí vui tươi, rộn ràng.

Cầm lấy hai cái rổ, một cục đá mài dao do Phượng đưa, Lan nói:

“Chị Ba cho em rồi chị lấy gì xài?”

“Em đừng lo, nhà chị có dư chị mới cho em”

“Em cám ơn chị Ba”

“Mà này!”, Phượng hạ giọng, nói tiếp, “Em đã thuộc được nhiều bài hò chưa? Ruộng nhà Hiếu sắp gặt rồi đó! Sẽ có Sinh, Diệu, Lài, Phước, Trúc; có cả chú Tư nữa đó!”

Chú Tư Phượng vừa nói tới chính là Tư Lễ, em Ba Quý-chồng của Phượng. Ông Tám Đờn có bốn người con: Hai Phú, Ba Quý, Tư Lễ, Năm Nghĩa. Trong khi hai người anh và đứa em đã thành gia thất, ra riêng; Tư Lễ vẫn còn độc thân, sống cùng cha mẹ. Tư Lễ tính tình chất phác, ngay thẳng, siêng năng, hàng ngày giúp cha chăm sóc vườn cây ăn trái, giúp các anh việc đồng áng. Tư Lễ đã giúp đỡ gia đình Lan nhiều hơn cả Ba Quý: sửa nhà, đào giếng, bất cứ việc gì gia đình Lan cần. Anh cũng chăm sóc bé Huệ, con nàng. Đặc biệt, Tư Lễ hát vọng cổ rất mùi, khi rỗi rảnh, anh cùng cha đi hát nhiều nơi trong làng; cha đàn, con hát, hòa cùng vài người bạn trong ban Đờn ca tài tử, được dân làng quý mến. Lan đã nghe anh hát bản “Gánh nước đêm trăng”, “Tình anh bán chiếu”, say mê giọng hát anh từ đấy. Phượng kể khi cấy lúa, gặt lúa anh luôn tham gia hát hò cùng các thanh niên nam nữ. Tuy các cô gái trong làng sẵn sàng về làm vợ anh, anh chỉ để ý đến Lan. Về phần Lan, nàng cũng cảm mến Tư Lễ. Cả hai “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Đây là lần thứ hai Phượng nhắc đến việc có Tư Lễ tham gia gặt lúa nhà Hiếu.

“Em học được một ít”, Lan trả lời.

“Em đã xin bác Hai chưa?”, Phượng hỏi.

“Em xin rồi”

“Bác Hai đồng ý chứ?”

Lan gật đầu: “Vâng ạ”

“Chị biết thế nào bác Hai cũng đồng ý, người ta giúp mình gặt, tới phiên ruộng người ta mình giúp lại mới phải chứ! Mà này! Bác Hai có tham gia gặt không?”

Lan lắc đầu: “Không ạ, ông bảo ông mệt, dặn em gặt giúp nhà Hiếu”

“Tốt quá rồi! Thôi chị về nhé!”

Phượng ra về. Lan cầm hai cái rổ, cục đá mài, nhìn xa xăm. Nàng háo hức chờ đợi được tham gia vụ gặt ấy. Phượng đã nói trai gái trong làng hát hò đối đáp trong vụ gặt còn vui hơn lúc cấy.

Lan nhớ lại lần đầu được tận mắt nhìn trai gái miền Nam vừa cấy vừa hò.

Sáng hôm ấy, nắng trải khắp thôn làng. Những cơn mưa đầu mùa nhiều ngày trước làm nước lấp xấp các mặt ruộng, phản chiếu bầu trời xanh lác đác mây trắng. Xe lôi của Năm Nghĩa dừng lại trên đường cái. Lan theo Phượng xuống xe. Hai người vừa đi chợ về. Đó là lần đầu tiên Lan được Phượng dẫn đi chợ làng.

Đầu đội nón lá, tay xách giỏ, họ đi bộ trên bờ đắp ngăn đôi hai thửa ruộng.

Lan nói đi chợ ở miền Nam có nhiều cái lạ. Phượng hỏi lạ thế nào. Lan trả lời rằng việc trả giá thường rất mau lẹ, không kỳ kèo thêm bớt, và sau khi cân xong, người ta thường cho thêm một ít. Rồi Lan hỏi:

“Tất cả các trái cây đều tính theo chục mười hai sao?”

Phuợng trả lời: “Có khi chục mười bốn lận!”

Lan nhận xét món phở họ đã ăn ở chợ:

“Phở ăn cũng ngon; nhưng có giá ăn lạ thế nào!”

“Em có thể bảo người ta đừng cho giá”

“Nói thế thôi, chứ em sẽ tập ăn cho quen”

Ở ruộng nhà Lài, họ thấy một đám trai gái đang cấy.

Có tiếng hò cất lên từ phía sau lưng họ.

“Hò ơ… Thấy em gò má hồng hồng, Phải chi em đừng mắc cỡ, anh bồng anh hun”

Lan kéo Phượng đứng lại, quay đầu nhìn.

Đó là tiếng một chàng trai đang vác bó mạ đi tới.

Hai người nép qua một bên, nhường đường cho chàng trai.

“Phước đấy!”, Phượng nói ngắn gọn.

Từ dưới ruộng có tiếng một cô gái đáp lại:

“Hò ơ… Hai tay em cắm xuống bùn, mình mẩy lấm hết, chớ anh hun chỗ nào?”

“Cô gái đáp lại là Trúc”, Phượng nói.

Khẻ cúi chào Phượng và Lan, Phước vừa đi qua, vừa trả lời Trúc:
“Hò ơ… Cầu trời đổ trận mưa rào, bùn sình trôi hết, chỗ nào anh cũng hun!”

“Trai gái miền Nam hát hò đối đáp mạnh dạn quá, hơn cả ngoài Bắc”, Lan nhận xét.

“Mấy câu ấy chưa thấm vào đâu, có những câu hơn thế nữa”, Phượng nói với vẻ hãnh diện.

Lan là gái Bắc, quê Hải Dương, sau khi Chiến – chồng nàng, theo Quốc Dân Đảng kháng Pháp, tử trận, nàng bồng con gái di cư vào Nam. Số phận đưa đẩy nàng gặp Phan, một công chức làm việc ở Bưu Điện Sài Gòn. Nàng dắt con theo về quê anh ở Sơn Mây, Quảng Nam; rồi sau đó thành hôn với Phan. Sau khi Phan chết trong trận lụt, Lan dắt con theo ông Khang – cha Phan, vào miền Nam, mua lại ngôi nhà của Hai Phú- anh Ba Quý, cách nhà Ba Quý hơn 200 mét.

Bữa đó, về nhà Lan nhớ lại ở một nơi nào đấy trên đường vào miền Nam, nàng đã nghe văng vẳng những câu hát hò mộc mạc, bình dị khiến nàng không thể không nghĩ đến người dân chân chất, thật thà, trọng đạo lý, nhân nghĩa:

“Mẹ mong gả thiếp về vườn, ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh”, “Mù u bông trắng, lá thắm, nhụy vàng, anh đi khắp xứ, tới đây mới gặp nàng thiệt dễ thương…”Và trong Lan vang lên giai điệu một bài hát: “…Ai vô Nam ngơ ngẩn vì muôn câu hò. Những tiếng đó khơi nguồn nơi sống ấm no.Trăng phương Nam sáng tỏa khắp bờ Cửu-Long, nước chảy con thuyền xuôi giòng, vọng tiếng khoan hò ấm lòng…”(1)

Nàng đã ngơ ngẩn vì những câu hò của dân miền Nam. Và đúng như nhạc sĩ đã viết, đất phương Nam “lúa rợp khắp bờ ruộng xanh”, dân phương Nam có “ tiếng cười vui hiền”,ở miền Nam “tình thương như sắn cà”.

Nàng đã thấy ở đường làng quê: ông bà nằm võng đong đưa ở hiên, trẻ con chạy nhảy nô đùa trong sân, vợ chồng mặc đồ mới chở nhau trên những chiếc xe gắn máy, các bà nội trợ đi chợ mang về những giỏ đầy thực phẩm. Nàng đã thấy cây đầy trái, lúa thóc đầy sân. Những hình ảnh ấy cùng những điệu hò câu hát đã nói lên cuộc sống sung túc ấm no của dân miền Nam.

Và Lan đã nhờ Phượng dạy những câu hò miền Nam. Nghe Phượng nói đến khi gặt lúa, nam-nữ còn hát hò đối đáp nhiều hơn và vui hơn nữa nên Lan đã tập mỗi ngày, không chỉ trong lúc rảnh rỗi mà còn vừa làm việc nhà vừa hát.

2

Giữa cánh đồng bát ngát lúa vàng rực thỉnh thoảng uốn lượn như sóng, đám thợ gặt với nón lá màu trắng ngà, quần đen xắn khỏi đầu gối, cúi mình giơ mông, chăm chỉ gặt thoăn thoắt.

Lan gặt cạnh Phượng và Lài.

Nghe Phượng nói Lài hò đối đáp hay, Lan để ý cô. Lài có làn da mặn mà như nhiều trai gái trong làng, dáng người hơi lùn, mắt to, má bầu bĩnh. Và như nhiều người miền Nam, cô gái có giọng nói tự nhiên, nhẹ nhàng, êm tai.

“Bác Tám bán ruộng cho gia đình cháu để mua vườn cây ăn trái phải không?”, Lan làm quen.

“Đúng rồi đó cô. Sáu mẫu ruộng của gia đình con, ngày xưa là của ông Tám. Ba con trước là tá điền của ổng”

“Ruộng nhà cháu mùa này trúng to không?”

“Dạ, trúng. Xấp xỉ 10 giạ một công đó cô”

“Lài hò hay lắm phải không?”

“Dạ cũng bình thường thôi, cô. Nhiều anh chị hò hay hơn con nhiều đó cô!”

“Nhà Trúc gần nhà cháu không?”

“Gần, cô”, Lài xác nhận rồi nói thêm, “ kế đó là ruộng nhà anh Phuớc”

Đúng lúc ấy họ nghe giọng một cô gái cất lên:

Hò ơ… Con cá đối để trên cối đá, mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo, bớ anh ôi, anh mà đối đặng, dẫu nghèo cũng ưng”

Lài và Lan ngẩng lên nhìn. Người vừa cất giọng là Trúc.

Lài quay về phía Phước đang gặt gần đấy, nói:

“Chị Trúc đó, anh Phước đối đi!”

Phước đứng thẳng lưng, đưa tay áo quẹt mồ hôi, cất giọng:

Hò ơ… Con mỏ kiến đậu trong miếng cỏ, chim vàng lông đáp giữa vồng lang, bớ em ôi, đây anh đối đặng e nàng chẳng ưng”

Lài thăm dò:

Hò ơ… Thân em như giếng giữa đàng, người thanh rửa mặt người phàm rửa chơn”

Hiếu tán tỉnh:

Hò ơ… Trăng kia làm bạn vói mây, đó mà làm bạn với đây thiệt gì!”

Để ý thấy Tư Lễ thỉnh thỏang đưa mắt nhìn Lan, Phước đổi chỗ để Tư Lễ gần nàng hơn.

Trúc phát hiện điều ấy, báo Lan biết. Lan liếc sang Tư Lễ.

Phước khuyến khích Tư Lễ:

Hò ơ… Ban ngày dang nắng, tối lại dầm sương, công lao tôi khổ nàng thương không nàng?”

Thấy Tư Lễ thản nhiên tiếp tục cắt lúa, Phước nhìn sang Lan tiếp tục tán tỉnh thay Tư Lễ:

Hò ơ… Chim chuyền nhành ớt líu lo, sầu ai nên nỗi (anh Tư) ốm o gầy mòn”

Trúc quay sang Lan, nói:

“Cô Lan, ảnh ghẹo cô đó!”

Thấy Lan bối rối, Phượng liền cất tiếng đáp hộ nàng:

Hò ơ… Ai làm con cá bóng đi tu, con cá thu nó khóc, con cá lóc nó rầu, phải chi ngoài biển có cầu, em ra em vớt cái đọan sầu cho anh (Tư)”

Tiếng “Tư” Trúc nhấn mạnh để đáp lại tiếng “Tư” của Phước.

Tư Lễ lúc này mới cất tiếng:

Hò ơ… Đêm nằm anh bỏ tay qua, giường không chiếu lạnh thương đà quá thương”

Mọi người nhìn sang Lan. Nhưng nàng vẫn giả vờ không biết, cặm cụi cắt lúa.

Hiếu làm bộ tán tỉnh Lan nhằm khiêu khích Tư Lễ:

“Hò ơ… sao Vua chín cái nằm chồng, anh thương em từ thuở mẹ bồng trên tay”
Phước giã vờ tranh đua với Hiếu:

“Hò ơ…sao Vua chín cái nằm ngang, anh thương em từ thưở mẹ mang trong lòng”
Như sợ mất người thương,Tư Lễ lúc này mới cất tiếng:

“Hò ơ… sao Vua chín cái nằm kề, anh thương em từ thưở mẹ về với cha”

Vậy là Tư Lễ đã thắng.
Trúc lên tiếng thay Lan:

“Lan huệ sầu ai cho nên Lan huệ héo, Lan huệ sầu “chồng” trong héo ngoài tươi”

Trúc dùng chữ “chồng” để hợp với hoàn cảnh của Lan.

Phượng ghé tai Lan, mớm lời: “Bấy lâu nhơn nghĩa...”

Lài nhìn Lan, giục: “ Cô Lan!”

Lan mạnh dạn cất tiếng:

Hò ơ… Bấy lâu nhơn nghĩa còn thờ, em đây lỡ vận, đợi chờ duyên anh”

Nhiều tiếng vỗ tay vang lên khuyến khích Lan. Biết mọi người đang nhìn mình, Lan e thẹn, mặt đỏ bừng. Nàng đưa tay kéo chiếc nón lá che mặt.

Phản ứng của Lan làm Tư Lễ bất ngờ. Anh không nghĩ nàng biết các câu hát hò miền Nam, cũng không nghĩ nàng bạo dạn đến thế. Anh cất giọng:

Hò ơ… Nguyệt lão ôi sao ông đành dạ đành lòng, đôi lứa tôi như sợi chỉ lộn vòng, ông không se lại kẻo lòng nhớ thương”

Nhiều người vỗ tay, khen ngợi câu đối đáp hay, khớp với hoàn cảnh của Lan và Tư Lễ.

Lan ngẩng lên, đưa tay quẹt mồ hôi trên trán, trở nên mạnh dạn:

Hò ơ… Đến đây em quyết có một chàng, thấy anh có nghĩa, đá vàng em thương”

Tư Lễ vốn là một tay có máu văn nghệ, thuộc nhiều câu hát hò, đã trở nên bạo dạn, nhanh chóng chọn được câu đối thích hợp:

Hò ơ… Trời vần vũ mây giăng bốn phía, nước biển đông sóng gợn tứ bề, biết làm sao cho nên nghĩa phu thê, đó chồng đây vợ, đi về có đôi”

Sự tình tứ của Tư Lễ mang đến cho Lan nhiều cảm hứng. Khiếu ăn nói văn vẻ, khả năng ngôn ngữ của nàng bộc lộ:

“Một vũng nước trong năm bảy vòng nước đục, một trăm người tục, một chục người thanh, biết đâu nhơn nghĩa hiền lành, trao thân gởi phận mới đành dạ em”

Trúc thấy hứng thú, tiếp lời Lan:

Hò ơ… Biển Đông sóng giựt ba đào, ngãi nhân khác thể sóng nhào biển Đông”

Tư Lễ không bỏ qua cơ hội bày tỏ sự chân thành của mình, lên tiếng thề thốt:

“Chơn xiềng cổ lại mang gông, chết tôi tôi chịu tôi không bỏ nàng”

Lan tìm thấy ngay câu thích hợp để đáp lại lòng Tư Lễ:

Hò ơ… Ngó lên nguyệt lặn sao dời, bớ bạn ôi, sống thời gởi nạc, thác thời gởi xương”

Chàng đã bày tỏ tình cảm, nàng đã đáp lại. Đôi nam nữ đã thề thốt chung thủy. Cuộc tình vậy là kết thúc có hậu.

Tư Lễ và Lan không bày tỏ gì nữa, chỉ lén nhìn nhau tình tứ. Ráng chiều nhạt dần trên đồng ruộng, nhuộm hồng da thịt họ.

Phượng kết luận cuộc tình đẹp của hai người:

“Từ đây một thiếp một chàng, những điều cay đắng hai đàng chia nhau”

Trúc thêm vào:

“Bông xứng bông bình lại xứng bình, mực tàu xứng viết, hai đứa mình xứng đôi”

Nhiều người đang gặt dừng tay, ngẩng nhìn Tư Lễ và Lan. Những người ngồi nghỉ mệt trên bờ đắp- đang dùng nón lá quạt mát hoặc uống nước, đều đội nón lên đầu, đặt chén xuống đất để vổ tay. Nhiều tiếng nói cất lên:

“Hay quá!”

“Hoan hô chú Tư, hoan hô cô Lan!

Họ quên rằng họ đã dị nghị khi biết mối tình của Tư Lễ với Lan.

Chỉ mới đây thôi, nhiều người còn phê phán Tư Lễ là trai tân mà đi thương gái đã có chồng có con, lại có số sát phu. Họ thắc mắc không biết Tư Lễ và Lan làm thế nào để có được sự ưng thuận của ông Khang và ông Tám Đờn; nhưng qua cuộc đối đáp hôm nay, họ nhận ra hai người thương nhau thực lòng, và rất xứng đôi.

Ánh hoàng hôn đã tắt từ bao giờ, trời nhá nhem lúc nào không hay, những người thợ gặt lên bờ, rửa sơ tay chân, bàn tán chuyện tình Tư Lễ và Lan.

Lan và Tư Lễ vẫn không dám lại gần nhau. Cách xa dăm ba mét, thỉnh thoảng hai người liếc nhìn nhau. Nhưng ánh mắt họ không chạm được nhau vì không cùng lúc. Tuy vậy, lòng cả hai dạt dào niềm vui sướng. Họ đã làm được điều tưởng như không thể: tỏ tình.

Ra về, Tư Lễ và Lan đi cùng một ngả nhưng kẻ trước người sau, khá xa nhau.

Lan đi giữa Phượng và Huệ, con nàng.

Phượng nắm tay Lan:

“Em hò hay quá! Sao em làm được vậy? Chị không ngờ đó!”

Lan bối rối:

“Em cũng không biết nữa”

Huệ ngước nhìn Lan:

“Mẹ! Me! Mẹ dạy con hò với nhé, mẹ!”

“Vâng, con ngoan mẹ sẽ dạy cho”

“Mẹ! Mẹ! Mẹ thương chú Tư hở mẹ?”

“Mẹ không biết”

Trúc đi ngả khác, nói với qua: “Cô Lan ơi! Lễ cúng Kỳ Yên tới cô nhớ đến dự nghe!”

Lài tiếp lời Trúc: “Cô Lan đến xem hát bội”

“Và nghe chú Tư hát vọng cổ!”, Trúc thêm vào.

Huệ lại ngước nhìn Lan:

“Mẹ! Me! Mẹ cho con theo xem hát bội , nghe chú Tư hát vọng cổ nhé, mẹ!”

Lan dừng bước, khom người chỉnh lại chiếc áo len trên người Huệ:

“Vâng! Miễn là con không kể chuyện hôm nay với ông nội”

Huệ hí hửng: “Vâng ạ”

Vụ gặt mang lại mùa bội thu cho gia đình Hiếu, đồng thời mang đến niềm vui ngập tràn lòng Lan, tạm xua tan nỗi buồn lo vì cuộc tình trắc trở. Mai này, dù mối lương duyên với chàng trai miền Nam có thế nào, nàng sẽ không bao giờ quên được vụ gặt hôm nay.

——————————————

(1) Trăng phương Nam, nhạc Anh Hoa.

Comments are closed.