Mấy chuyện vui nhân ngày 20 tháng 11

Hà Nhật

Truyền thống “tôn sư trọng đạo” có vẻ như đang ngày càng mờ nhạt. Nay nhân sắp đến ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi xin phép nhắc lại chút kỷ niệm để ấm lòng.

Bài này tôi viết từ năm trước.

Tháng 9 năm 1959, tôi rời Hà Nội, cầm tờ quyết định của Bộ Giáo dục vào Nghệ An để dạy cấp 2. Phải mấy ngày nằm chờ ở Ty Giáo dục. Rồi một buổi chiều, tôi được ông trưởng phòng tổ chức gọi lên, bởi có ông hiệu trưởng một trường cấp 2 đến xin giáo viên mới. (Ngày ấy, cả tỉnh Nghệ An chỉ có một trường cấp 3, mỗi huyện chỉ có một đến hai trường cấp 2 nên vẫn trực thuộc Ty Giáo dục).

Tôi vẫn nhớ mãi ông hiệu trưởng đầu tiên trong đời mình; một người khá gầy gò, ngăm ngăm đen, hình như một con mắt bị hỏng. Thấy tôi, ông nói nhỏ nhẹ:

– Trường tôi đang thiếu một giáo viên xã hội, nếu anh đồng ý thì để Ty ra quyết định, rồi mai anh về trường cũng được.

Đầu tiên, tôi cảm thấy hơi yên lòng: ông nào chẳng biết tốt nghiệp đại học mà phải đi dạy cấp 2, chắc chắn phải là hàng loại hai, có khi gây nguy hiểm, thế mà ông ấy vẫn nhận mình. Tuy nhiên, tôi vẫn cứ hỏi thêm:

– Trường mình cách đây bao xa anh? Có gần đường lớn không anh?

– Trường tôi là Trường cấp hai Diễn Châu 2, cách thị trấn Diễn Châu 12 cây, nghĩa là cách thị xã Vinh 62 km. Ngày mai, nếu anh về thì cứ tìm xe đi Nghĩa Đàn, rồi dặn lái xe cho xuống chỗ ga Yên Lý, trường ngay bên đường, tôi sẽ đón anh.

Thế thì còn gì bằng, tôi nhận lời ngay. Trường ở ngay cạnh đường, thế là ít ra ngày ngày tôi có thể hưởng được chút văn minh, ngày ngày có thể nhìn thấy đôi ba chiếc xe hàng ra bắc vào nam, có thể gửi chút hồn mình theo những chuyến xe, về quê hương bên bờ Nhật Lệ, hoặc về nơi Hà Nội mà sau năm năm, tôi đã biết từng góc phố, từng vỉa hè, từng ngôi tháp, từng hồ nước, những đêm đông, những chiều thu…

Chiều hôm sau, đúng là chuyến xe đã cho tôi xuống cái nơi gọi là ga Yên Lý. Thực ra đó chỉ là một cái nền gạch đã nham nhở qua nhiều năm. Không còn thấy bóng dáng có thể gợi nhớ những con tàu.

Tôi được đón tiếp ngay tai cái nơi dừng xe ấy, một quán cơm bên đường, một quán cơm “siêu bình dân”, là nơi ghé vào cho cánh lái xe, những người lao động lỡ đường. Tôi ăn bữa cơm đầu tiên, rồi tiếp cả một năm ở quán cơm này. Bởi mọi người trong trường cũng ăn như thế. Rồi tôi được xếp vào ở trong một ngôi nhà bên đường của một người nông dân. Tôi tha hồ mà nhìn những chuyến xe đi qua, tất nhiên có cả bụi đỏ mà chúng phả vào mặt. Sau này, tôi cũng có chút ngạc nhiên: sau một năm rửa mặt bằng nước ao, bơi đi bơi lại trong cái ao bèo sau nhà, thế mà tôi không hề bị đau mắt hột.

Ngay ngày hôm sau, tôi được phân về Tổ Xã hội, và được giao nhiệm vụ. Về sau, khi đã quen, các cô giáo trong tổ cho biết rằng, lần gặp tôi đầu tiên, các cô rất ngạc nhiên, tôi không giống như họ hình dung từ ngày hôm trước (chắc họ đã phải hình dung nếu không giống như một tướng cướp thì cũng phải na ná một gã lưu manh).

Ngôi trường gồm ba dãy nhà lợp tranh (theo cách nói của người ở đó là: tranh, tre, nứa, mét). Học sinh có tám lớp, gồm bốn lớp năm, hai lớp sáu và hai lớp bảy. Theo quy định của Bộ Giáo dục lúc ấy, tiêu chuẩn giờ dạy tối đa của giáo viên cấp 2 là 18 tiết một tuần. Tôi được giao dạy văn hai lớp 7, sử hai lớp 6, cộng thêm hai tiết chủ nhiệm lớp 7A, tổng là 14 tiết, còn thiếu bốn tiết. Ông hiệu trưởng hỏi:

– Bốn lớp 5, theo chương trình thì có mỗi tuần một tiết nhạc, chưa có ai, anh nhận dạy được không?

Chuyện “nhỏ như con thỏ”. Gì chứ chuyện ấy thì tôi dư sức. Nào khóa Sol, dấu đen dấu trắng, móc kép móc đơn… quá đơn giản. Còn nếu muốn xướng âm cho đúng thì trên văn phòng đã sẵn một cây đàn ghi-ta.

Hóa ra việc dạy nhạc cho lớp Năm lại để lại nhiều kỷ niệm thế.

Vào thời đó, học sinh lớp Năm là vào độ tuổi 11-12. Một hôm, sau khi đã cho học trò tập xướng âm mỏi miệng, tôi cho lớp nghỉ tại chỗ một lúc. Tôi ngồi trước bàn, hỏi vọng xuống một cô bé ngồi ngay trước mặt, định chỉ đùa:

– Này, em có chồng chưa?

Cô bé cúi mặt bẽn lẽn. Ai ngờ cô bé bên cạnh nhanh mồm đáp ngay:

– Đám hỏi rồi thầy, tháng mười một này thì cưới.

Tôi hơi buồn cười nhưng không ngạc nhiên, bởi kiểu này thì tôi biết rồi.

Ngay khi vào dạy sử cho lớp Sáu, tôi đã biết rằng, ở hai lớp sáu, có một đôi, chồng lớp 6A, vợ lớp 6B. Thường mỗi buổi học, đứa chồng chở đứa vợ ra khỏi nhà bằng xe đạp, nhưng ra khỏi đường làng, đứa chồng đẩy vợ xuống đi bộ, để hắn phóng xe một mình!

Có một chuyện rất vui. Sau giờ dạy, tôi vừa bước ra sân thì cậu lớp trưởng chạy theo, đến bên, nói nhỏ:

– Thưa thầy, cha em nói kính mời thầy chiều nay ghé nhà để ăn với cha em bữa cơm muối.

Tôi thừa biết bữa cơm muối ấy là một bữa cỗ. Tôi hỏi lại:

– Nhà có gì không em?

Cậu học trò xoa hai tay:

– Chẳng giấu gì thầy. Nhà em mừng đầy tháng cho con trai đầu của em.

Trách gì mà hôm trước, trong lúc nghỉ giữa buổi lao động, một em học sinh kính cẩn hỏi tôi:

– Thưa thầy, thầy có bao nhiêu anh chị ạ?

– Nhà tôi có ba anh em, tôi là anh cả.

– Dạ em muốn hỏi thầy có bao nhiêu người con.

Tôi hơi bất ngờ:

– Thầy chưa lập gia đình.

Xem ra cậu học trò có vẻ thất vọng. Lớn tướng như tôi, học xong đại học rồi mà chưa vợ con thì quả là “xưa nay hiếm”.

Đó là một chuyện vui, nhưng đây là chuyện còn vui hơn. Hôm ấy, ông hiệu trưởng được gọi lên huyện nhận một số đồ dùng dạy học, nên rủ tôi đi theo. Trên quãng đường hơn mười cây số, chuyện trò cho vui, rồi ông ấy bỗng hỏi:

– Theo tôi biết thì chắc anh chưa có người yêu. Mà nếu có thì xa xôi thế này chắc cũng bị “phăng teo” rồi. Vậy thì thế này, trong trường mình, bọn con gái đều có chồng rồi. Nhưng theo tôi biết thì ở lớp 7B, con Khoa và con Nguyệt, nhà nó gần thị trấn, văn minh hơn, hai đứa đều chưa có chồng. Anh xem, đứa nào được thì trường sẽ giúp đỡ.

Chao ôi, suýt nữa thì tôi ngã lăn ra đường!

Kể ra thì hai cô học trò ấy, nhất là Khoa, cũng hơi xinh. Hình như em cũng có chút tình ý nào đó dành cho thầy mình. Hai đứa ngày ấy chắc khoảng 13, 14.

Có lẽ vì thế mà, 47 năm sau, vào năm 2007, khi tôi quyết làm một cuộc “hành hương” về miền đất cũ, tôi đã nhờ anh bạn vốn cùng dạy với tôi năm đó, tìm về cái làng xưa, của “con Khoa, con Nguyệt”, nhưng than ôi, cá nước chim trời, biết đâu mà gặp! Dẫu sao thì cũng buồn, không gặp lại “chút nghĩa cũ càng”.

Cái thứ mà ta vẫn gọi là nạn tảo hôn ấy, mấy năm sau, nhất là từ khi có Luật hôn nhân, cũng dần mất đi.

Có một điều phải khẳng định như thế này: qua gần bốn chục năm trời dạy học, từ Nghệ An, Quảng Bình, Phan Rang, Phan Thiết, rồi thành phố mà tôi đang sống hôm nay, chưa nơi cho tôi cảm giác tự hào về vị trí người thầy như ở cái nơi mà tôi đã đến như một nơi bị đi đày ấy. 

Chỉ kể một chút kỷ niệm. Hồi ấy, các thầy cô giáo vẫn được khuyến khích dành thời gian về các đia phương để thăm gia đình học sinh, tìm hiểu hoàn cảnh học sinh (vẫn quen goi là đi thực tế). Về sau thì yêu cầu nay bị coi như một việc mang tính hình thức, vô bổ, nhưng với chúng tôi hồi ấy thì vui lắm.

Nhớ một lần, tôi theo một em lớp 7 về một xã có tên là xã Diễn Vạn. Ý định là trong một ngày phải đến cho hết nhà của các em trong xã. Tất nhiên ngôi nhà đầu tiên mà tôi sẽ đến là nhà của em học sinh đang dẫn đường cho tôi.

Vừa đến cổng, có ngay một người đàn ông bước ra, dáng vẻ rất trân trọng, gần như là khúm núm. Ông ta mặc quần áo dài kiểu như người nông dân vẫn mặc để ra đình làng (thử hình dung một ông ngư dân miền biển mà phải đóng bộ như thế giữa một ngày nóng nực thì khổ đến thế nào!). Ông cúi người xuống chào tôi, rồi nói ra một câu mà hơn nửa thế kỷ nay tôi không thể quên:

– Xin chào thầy. hôm nay thầy đến nhà, quý hóa quá. Thật là phượng hoàng đáo gia!

Bước vào nhà, tôi được mời ngồi lên bức phản gỗ có trải chiếu hoa ngay gian giữa. Ông chủ nhà ngồi phía đối diện. Còn cậu học trò thì đứng khoanh tay dựa cột nhà.

Ngồi một lúc, tôi xin phép đứng lên để còn theo đứa học trò đi loanh quanh mấy nhà. Ông chủ nhà theo chân ra sân, rồi dặn:

– Thầy đi đâu thì đi, chốc nữa xin mời thầy về đây dùng cơm.

Nghĩ bụng trước sau thì cũng phải ăn cơm trưa, tôi đáp:

– Vâng.

Ai ngờ khổ thế! Đến nhà ai thì cũng thấy ông chủ nhà đang nằm khoèo, ngủ khò bên cạnh một mâm cơm đầy thịt cá như một mâm cỗ!

Khi thấy trời đã xế chiều, nhiệm vụ “cơ bản” cũng đã xong, tôi quyết định trở về trường. Ai ngờ, sắp đến cổng làng thì gặp ngay một người đàn ông. Học trò cho biết đó là ông chủ tịch xã. Thế là “không cho chúng nó thoát”!

Năm học sau, tôi được chuyển vào Vinh, dạy một trường cấp ba lớn, ngay lớp 8 đã có đến lớp 8K. Thế nhưng tôi làm sao quên được cái trường làng con con chỉ có tám lớp nơi cái làng bên đường  quốc lộ ấy! Tưởng là một nơi để bị đi đày, ai ngờ là một nơi đã cho tôi những kỷ niệm đến thấm thía!

Năm nay, ngày hai mươi tháng mười một lại đến. Tôi đã về hưu đến ba chục năm rồi, nhưng cứ thấy học trò cũ, nhiều đứa đã trên thất thập, có đứa còn mấp mé bát thập, gọi điện đến thăm, tôi lại thấy bồi hồi.

Cứ như một sự tình cờ may mắn, cái năm đầu tiên tôi đi dạy ở cái trường làng ấy cũng là năm đầu tiên ở nước ta, mọi người mới biết đến tên một ngày đặc biệt: ngày 20 tháng 11.

Comments are closed.