Miền Hoang Tưởng (kỳ 3) – Tiểu thuyết của Đào Nguyễn

V

 

Ngày…….

          Em yêu quí!

          Đọc xong thư em, anh vội vàng chuẩn bị định về thăm em, Nhưng một người ở nông trường qua Hà Nội báo cho anh biết là mẹ đã qua khỏi. Lên Tây Bắc, vừ đi vừa về ở chơi ít nhất phải mất tháng rưỡi trời, như vậy rất khó khăn, vì thế anh lại hoãn chuyến đi, chắc em thông cảm.

Ngà ạ! Em phải cảm ơn anh Mai hộ anh. Anh ấy là người cứng rắn, nhưng cũng là người tốt bụng. Giúp ai điều gì thì hãy quên đi, song ai giúp ta điều gì thì phải nhớ suốt đời. Chắc đó là điều mà anh em mình phải làm.

Riêng anh, anh xin em hãy tha thứ cho anh về cái điều anh không có mặt bên em trong những lúc em gặp vận hạn. Đáng ra, anh phải cùng em gánh chịu chung những nỗi khó khăn. Anh rất muốn về với em ngay lúc này nhưng có nhiều lý do bắt buộc anh không về được. Những lý do ấy anh không thể nói ra hết với em lúc này.

Mẹ qua khỏi đận này, điều đó làm anh đỡ ân hận, băn khoăn.

“Về đi! Về với em đi!” Câu nói ấy của em làm lòng anh rung lên đau đớn. Anh biết là em rất thương anh. Để đáp lại tình yêu ấy, đáng lẽ anh phải tung hê tất cả mọi thứ trên đời này mà bay ngay về với Ngà, Nhưng anh vẫn chỉ có những lá thư xa vời này để nói với em thôi.

Tại sao thế? Anh có gì dối trá em hay sao? Không! Chắc chắn là không! Nhưng làm thế nào để anh có thể bộc bạch tấm lòng của anh ra nhỉ? Có lẽ anh chỉ cần xin em có lòng tin. Em hãy tin anh vì bây giờ anh là người rất nghèo, nhưng chắc chắn có một tấm lòng rất giầu.

Lắm lúc anh rất kiêu hãnh vì sự giầu có ấy. Nhưng chao ôi! Có thực là anh giầu có tấm lòng hay không? Tương lai sẽ ra sao? Liệu chúng ta rồi ra có hạnh phúc hay không? Đó là điều mà nhiều khi anh nghĩ tới. Chưa có gì làm rõ cái tương lai mà anh tìm kiếm, nhưng không hiểu sao anh vẫn tin là tương lai sẽ tốt. Anh tin thế vì trái tim bảo anh như thế. Trái tim anh lúc nào cũng phấp phỏng chờ đợi. Chờ cái gì khi cuộc sống anh còn đang là những bước chân dò dẫm…Anh từ bỏ cái ổn định chắc chắn để dấn thân vào những dặm đường chẳng có gì bảo đảm. Mặc dù em gọi, mặc dù những bứt rứt lo âu, mặc dù những khó khăn nhiều khi không tưởng tượng nổi, anh vẫn kiên trì hy vọng và chờ đợi.

Nhiều đêm anh ngồi chờ cho đến sáng. Chờ cái gì? Có lẽ là chờ ánh mặt trời cuối sáng dịu dàng, trẻ trung ấm áp; có lẽ là chờ tiếng con chích chòe ngọt ngào phấn hứng bao ngày vui khi mặt trời ngủ dậy; cũng có lẽ chờ những cơn mưa phiền muộn nhưng trong trẻo cuốn đi những bụi bặm, những cơn mưa làm trời sẫm xịt nhưng ít nhất mặt trời cũng còn gửi được những tia sáng nhạt qua làn mưa làm quà cho mọi người chờ đợi.

Ngà ơi!

Em không biết rằng, trong những cơn phấp phỏng như vậy, anh nhớ em, mong em ngồi cạnh bên anh đến chừng nào. Có bàn tay em, tay anh chắc ấm hơn; có hơi thở của em, trái tim anh chắc bớt cay đắng hơn; có con mắt trong trẻo của em, tâm hồn anh chắc sáng suốt và dịu dàng hơn.

Anh muốn đánh đàn dạo cho em nghe đoạn mở đầu của khúc Trương Chi, khúc đàn mà anh ấp ủ. Em hãy lắng tai nghe, anh đang dạo cho em nghe đấy:

Một là đò đêm nhỏ nhoi, trơ trọi. Anh Trương Chi một mình trong đêm mênh mông- lạnh.

Con sông rộng… Con sông dài… sóng sông buồn sóng sông hung dữ…

Ngôi sao hôm lấp lánh ở cuối trời, thuyền trôi mà chưa tới.

Con cá bạc đớp sao, không gian lặng thảng thốt giật mình.

Những tòa lâu đài nguy nga, đèn ngũ sắc xếp hàng soi bóng bên sông. Một cái gì rất đẹp nhoi nhói trong lòng Và anh Trương Chi của anh cất tiếng…tiếng hát vút lên làm ngôi sao hôm xa vời kia cũng rùng mình ngạc nhiên… giận dữ…

Ngà ơi! Mị nương của ta ơi!

Ta yêu em. Máu ta, não ta đang chảy ra làm quà tặng em. Anh điên rồi; Những lời mê sảng những cũng là những lời yêu em nồng thắm đến chừng nào. Cánh hoa trắng đẹp của ta ơi! Em đừng rơi nước mắt! “Về đi! Về đi anh ơi” Anh sẽ về bên em.

 

          Lá thư không gửi

Có gì là lạ! Sở dĩ tôi không trở về với Ngà được trong lúc Ngà đang cần sự có mặt của tôi và trong lúc lòng tôi đang cháy bỏng lên vì nhớ nhung, Chẳng qua vì trong túi tôi chẳng có lấy một xu nhỏ.

  Dạo này chẳng có việc làm, thóc gạo lại tăng giá vùn vụt. Cả tháng trời, tôi đi rửa ảnh thuê cho người bạn chỉ được hơn hai chục, chưa đủ tiền đong mười cân gạo.

Hai mươi đồng ấy, nếu tôi đưa cho anh chị Trần thì anh chị cũng có thể nuôi tôi sống. Nhưng tôi đã không về nhà anh chị tôi nữa, vì thế tôi phải sống thất thường, bữa no, bữa đói.

Hôm tôi xin anh chị cho tôi đến ở nhà bạn, chị tôi rơm rớm nước mắt, còn anh Trần thì nói bằng cái giọng không biểu lộ xúc động vẫn có của anh:

– Anh khuyên cậu không nên đi. Sống ở Hà Nội, không tem phiếu, không hộ khẩu, cậu không sống nổi đâu.

Đó là một lời khuyên rất thực tế, nhưng cũng là một thách đố. Cũng là một tuyên bố xóa sổ những ước vọng của tôi, những nỗ lực của tôi. Anh không nói toẹt vào mặt, những chẳng khác gì anh đã nói: “Cậu bắt đầu thất bại. Cậu đã bắt đầu nhận quả đắng, kết quả của những hành động rồ dại. Phải biết nén cá nhân ta lại, thậm chí phải phủ định cả cá nhân ta đi. Ta là gì? Là con số không, con số không vô nghĩa.

“Tôi chẳng muốn là con số một, cũng chẳng muốn là con số không. Tôi chỉ muốn làm người.

“Muốn làm người ư? Xưa kia, lúc sinh tạo hóa, bà mụ lấy bột nặn nên người. Vậy ai sẽ nặn cậu thành người?

Tôi hét to trong tâm tưởng:

“Tôi sẽ tự nặn ra tôi.

“Ôi chao! Hùng hồn quá! Nhưng cũng ngây ngô quá! Vâng! Thì cậu hãy đi mà thực hiện những hoang tưởng của mình.

Con mắt Trần đã đối thoại với tôi như thế. Song đến đoạn này, thì mắt anh dịu đi, những tia sáng ân cần lại hiện ra như dỗ dành:

“Cậu bướng bỉnh quá!.. Thôi, cậu đi… đi mà thể nghiệm những tưởng tượng của đời mình. Chắc chắn cậu sẽ gặp nhiều vấp váp. Khi cậu mệt mỏi, cần đến mái nhà anh làm nơi trú ngụ, anh thành thực mời cậu đến. Thậm chí, nếu khi nào thất bại hoàn toàn cậu muốn trở về, thì anh chị cũng sẵn sàng mời cậu đến…Chúc cậu đi thắng lợi!

Anh em tôi chia tay nhau hòa bình như vậy đó. Tôi vẫn gửi chiếc đàn dương cầm ở nhà anh chị và hẹn rằng mỗi tuần tôi sẽ trở về vài lần để dùng đến nó.

Tôi bùi ngùi đến bên chiếc đàn đánh lên một đoạn nhạc, một mẩu nhỏ trong khúc Trương Chi. Cái đoạn anh Trương Chi từ biệt khúc sông có tòa lâu đài nguy nga soi bóng. Khúc sông đã đem lại cho anh niềm vui, ước sao và những nỗi buồn ở đời:

Từ biệt khúc sông, nơi ta thuộc từng con xoáy nước, nơi ta từng ngắm những đêm hội hoa đăng.

Từ biệt những ngọn đèn lồng nhiều màu lộng lẫy, như bơi trên sông, thứ của cải chỉ riêng mắt ta được hưởng.

Những làn sóng biến những ngọn đèn hoa thành ngàn vạn chiếc.

Đèn vỡ ra…chuỗi ngọc lênh đênh…

Từ biệt bầy cá chép đớp trăng, bầu bạn của lá đò đêm và tiếng hát, trong những đêm bồng bềnh trôi sông.

Từ biệt cánh đồng quê mờ ảo màu xanh.

Từ biệt cô công chúa diễm kiều, người con gái đẹp nhất trần gian, người đã làm cho trái tim ta thầm thổn thức…

Xa Ngà, tôi đã chịu một lần đau lột xác, xa gia đình anh chị Trần, những người ruột thịt cuối cùng, tôi lại chịu một lần đau lột xác thứ hai. Không có sự tạo sinh nào ở đời mà không qua đau đớn quằn quại; có thể cái mầm sinh ấy sẽ thui chột, chết đi sau cơn đau dữ dội; cũng có thể nó sống sót và thông qua đau đớn nó càng dẻo dai và mãnh liệt.

Tôi vác ba lô gia tài, vẻn vẹn chỉ có mấy bộ quần áo sờn và dăm quyển sách nát lên vai. Tôi ra đi trần trụi, nhưng thể năng thì vô cùng lớn. Tôi ra đi trần trụi, những đầu óc thì sưng tấy, đầy ắp ước vọng. Chị Trần dúi vào tay tôi mấy chục bạc:

–         Cậu bướng bỉnh lắm… nhưng thôi, em cứ về luôn. Chị lúc nào cũng thương em.

Người chị, bà mẹ thứ hai của đời tôi, khóc nức lên rồi chạy vào nhà. Ô hay! Lạ chưa! Tôi ra đi những vẫn ở trong cùng một thành phố với chị, đâu có phải một xa cách không gian rộng lớn, nhưng hình như cuộc chia tay của tôi với gia đình chị lại quá nặng nề. Dù sao cũng phải nhận có lẽ như thế mới đúng tình chất của cuộc chia tay này. Đây không phải là cuộc chia tay vì cách biệt không gian, mà là cuộc chia tay về cách biệt tâm hồn.

Tôi đến ở nhà Hưng.

Tôi đến nhà Hưng đúng lúc gia đình anh đang có tin vui. Thằng con lớn của anh Hưng đi bộ đội vào B vừa gửi thư về. Chàng thanh niên này đi lính trước Hiệp định Paris chừng ba tháng. Cháu hiện ở vùng Tây Ninh. Chàng học sinh lớp mười này lãng mạn hệt ông bố. Anh ta gửi tặng bố một bài thơ. Anh cảm ơn ông bố, người đã di truyền cho anh cái máu lang thang. Chàng thanh niên mười chín tuổi đã cảm thấy sự kỳ thú trước những điều mới lạ trên những dặm đường mới. Anh đã uống rượu cần trong nhà rông cùng những cô gái Bana. Anh đã mầy mò tìm đến những tháp Chàm để chiêm ngưỡng, anh đã đến những ngôi chùa Lào, cưỡi trên lưng những chú voi khổng lồ. Anh đã biết những niềm vui cuồng nhiệt và những nỗi buồn day dứt của người lính sau trận đánh. Anh đã nhắc trong bức thư đến một câu chuyện cổ tích mà bố Hưng đã kể cho nghe từ thuở bé: “Câu chuyện đổi xác”.

Hưng run run đọc cho tôi nghe lá thư ấy, anh lau kính mấy bận. Cuối cùng anh lặng đi, và rít liền hai điều thuốc lào. Anh lẩm bẩm:

–         Tư ạ, Minh đã kể cho con mình nghe biết bao nhiêu chuyện bịa đặt. Không ngờ đã ảnh hưởng đến con mình thế.

–         Câu chuyện đổi xác đại để thế nào?

–         Ngày xưa, có một anh chàng đi chu du thiên hạ. Anh đã gặp nhiều người, biết nhiều việc. Thế sự chìm nổi, đen bạc làm anh phiền muộn. Gia đình anh làm nghề chài lưới. Một đêm chèo thuyền trên sông, anh đã nằm mơ gặp một chàng trai cùng trạc tuổi, tự xưng là con vua Thủy Tề. Chàng hoàng tử này cũng thèm được lang thang đến một nơi xa lạ mà mình không hề biết. Hai chàng lang thang thèm đời gặp nhau. Họ bèn đổi xác cho nhau. Anh thuyền chài thì chui vào xác con cá chép. Con cá chép thì chui vào xác anh học trò thuyền chài. Bao nhiêu là chuyện rắc rối xảy ra với hai người. Anh học trò nghèo đã hiểu thế nào là thế giới cung đình và cái xã hội thần tiên dưới nước mà anh thường tưởng tượng. Hoàng tử cá cũng đã hiểu thế nào là xã hội nghèo khổ và cuộc đời trần thế đầy dục vọng đã làm bao nàng tiên cá trốn nhà lên ở với người trần. Cuối cùng hai chàng trai trở về với ngôi vị của chính mình, với nỗi buồn không gì chữa nổi, và niềm vui của con người đã thấu hiểu những bí ẩn của đời sống.

Tôi ngạc nhiên:

–         Anh bịa ra câu chuyện kỳ thú đấy. Thú thật tôi cũng thèm được đổi xác.

Buổi tối, chúng tôi đến nhà Minh. Vừa thấy tôi, Minh đã reo lên:

–         Trời ơi! Tôi mong ông quá. Vào đây cho xem cái này vui lắm… Nào! Thấy chưa? Thấy chưa? Chúa Giê-su của anh đấy.

Tôi nhìn bức tranh nền đỏ, trên đó Chúa mặc áo choàng đen, đầu rực ánh hào quang. Chúa đang quỳ gối ngửa mặt lên trời cầu nguyện, vẻ mặt hiền từ, kính cẩn. Sau lưng Chúa một con chim trắng đang bay, con chim bị gắn liền với Chúa bằng một sợi dây. Sợi dây. Sợi dây, một đầu buộc vào chân chim, một đầu buộc vào chân Chúa.

–         Cái gì thế này?

–         Chúa chơi chim – Minh trả lời – Chúa yêu thương muôn loài. Lẽ dĩ nhiên Chúa thích hơn, và nhất là loài Sơn Ca. Con chiên nuôi chim thì thả; còn Chúa vì không biết tâm lý loài chim (Chúa bận cầu kinh, không có thì giờ học nghề nuôi chim cho sành) nên cứ thả con chin nào là con ấy bay mất liền. Chúa tức giận bèn nghĩ ra sáng kiến buộc chim vào chân mình. Từ đó, hôm nào dù Chúa bận cầu kinh suốt ngày, chim bị bỏ đói cũng không bay đi được.

–         Đầu óc anh nhiều tưởng tượng quá.

–         Không! Chính anh mới là người giầu tưởng tượng đã gợi cho tôi vẽ. Từ hôm anh kể cho tôi nghe về những giấc mơ gặp Chúa, đầu óc tôi cứ nghĩ miên man về Chúa. Và… tôi sẽ vẽ một loại tranh tôn giáo, một sê-ri tranh về Chúa.

  Đêm hôm ấy, tôi ngủ ở nhà Minh.

  Tôi đang ngủ say thì Chúa lại hiện về trong giấc ngủ của tôi. Lần này ông từ bức tranh màu đỏ bước ra. Chúa nghiêm trang hơn mọi khi. Con chim trắng lúc này đậu trên bàn tay Chúa. Chúa hỏi tôi:

–         Các con đinh đào ngũ khỏi xứ Thiên đàng?

–         Chính Chúa đinh đuổi tôi ra khỏi xứ Thiên đàng thì đúng hơn.

–         Con ạ! Con là người thông minh, chắc con hiểu lòng ra nhân từ rộng rãi. Cửa Thiên đàng bao giờ cũng rộng mở, miễn là con hiểu được ý của cha các con, Người bao dung nhưng Người cũng nghiêm khắc, vì con đã hiểu: Ở khắp nơi chỗ nào chẳng là luật lệ. Các con biết chuyện đổi xác của các con rồi đấy. Anh học trò tìm xuống thủy cung, nhưng ở đấy luật lệ cũng ngự trị.

 Chúa lấy tay ve vuốt con chim trắng rồi hiền từ hỏi nó:

–         Ta cũng ban cho con một sợi dây: đó là luật lệ. Nhưng thử hỏi, từ khi con đến với ta con thấy lòng mình sáng ra không?

–         Thưa Chúa! Lòng con rạng sáng – Chim trắng rầu rĩ trả lời.

–         Nếu con muốn bỏ sợi dây ta cũng bỏ. Nhưng con hiểu đấy, con bay đi đâu cũng là bầu trời của Chúa. Vả lại nếu xa ta, con sẽ gặp những vị mục sư ngốc nghếch và con sẽ khổ sở hơn. Có khi, nếu gặp điều không may người ta sẽ bắt con vặt lông và rán chả. Con khôn ngoan con nên ở bên ta.

–         Lạy chúa! Con xin đời đời ở bên mình Chúa – Chim nói giọng run run rầu rĩ – Giêsuma! Lạy Chúa tôi! Và chim xòe cánh làm dấu.

  Tôi sợ hãi đến lặng đi vì cái giọng mơn trớn ngọt ngào của Chúa. Nhân lúc Chúa mải nói với chim, tôi lủi đi mất. Đầu tôi va phải bức tường và tôi choàng tỉnh giấc.

  Sáng hôm sau, tôi về nhà anh chị Trần để đánh đàn. Tôi chọn đúng vào giờ anh chị đi làm mới đến, vì muốn tránh mặt hai người. Anh chị tôi có hai người con: Cháu Lý đang học ở Liên Xô, cháu Lê sắp học xong lớp mười. Cháu Lê kém tôi hơn chục tuổi rất mến tôi. Gặp tôi, cháu thông báo ngay tình hình:

–         Cậu đi khỏi nhà…mẹ cháu khóc sưng cả mắt.

–         Rồi mẹ cháu sẽ bình thường trở lại. Còn bố cháu thì sao?

–         Bố cháu chỉ ngồi hút thuốc lá suốt buổi tối, Cháu cũng không hợp với bố cháu.

–         Sao lại thế? Bố cháu rất tốt.

–         Rất tốt nhưng rất cổ. Cháu đã lớn đến thế này rồi mà bố cháu lúc nào cũng giảng giải – Cháu ngập ngừng rồi tiếp – Bố cháu chỉ lo lớp trẻ chúng cháu sẽ làm hỏng mất cách mạng Việt Nam sau này… Vì vậy ông luôn luôn hồi tưởng, kể lại cho cháu nghe những chuyện đánh nhau hồi chống Pháp: chuyện vào lòng địch trinh sát, chuyện bố trí giết một tên ác ôn, chuyện đánh trận độn thổ…Nói chung những sự tích anh hùng mà cháu đã nghe đến thuộc lòng.

  Cháu Lê ngừng nói như để suy nghĩ, sau đó nghiêm trang và mơ màng:

–         Cậu ạ, cháu đâu dám xem thường những sự tích anh hùng. Nhưng có lẽ, hình như cháu còn thấy cần nhiều điều khác nữa mà bố cháu không nói tới. Có lẽ… bố cháu….cũng không biết mà cháu cũng không biết những cái đó là những cái gì…

–         Ôi!Cháu tôi lớn thật rồi.

  Cháu tôi vẫn nghiêm trang:

–         Lũ bạn lớn hơn cháu vài tuổi có đứa hoạt động Sài Gòn, có đứa sang Lào, Campuchia. Nhiều đứa đã chết, nhiều đứa trở về đỏ ngực, nhiều đứa trở về suốt ngày lê la ở quán bia…Cậu ạ, có lẽ cháu cũng đi bộ đội.

–         Sao? Bố cháu chuẩn bị cho cháu sang Đức cơ mà?

–         Đó là ý của bố cháu.

–         Cháu thích đời lính?

–         Cháu chưa thích một cái gì. Kỹ sư ư? Người thợ ư? Anh lính ư? Thì làm cái gì chẳng được.

–         Cháu định thể nghiệm một cái gì chăng? Song trước hết, cậu nghĩ đời người cần có một niềm say mê…

  Cháu tôi cười mỉm:

–         Cậu lại giảng giải cho cháu rồi. Bố cháu cũng hay giảng giải. Chỉ có cái khác là.. . hình như bố cháu đã hết niềm say mê…Còn cậu thì vẫn say mê thực sự. Cậu lớn tuổi rồi mà còn say mê điên rồ. Có lẽ vì thế mà cháu lắm lúc trông cậu rất trẻ…

  Tôi cười ngạc nhiên nhìn cháu. Tôi vẫn tự hào mình thuộc về tuổi trẻ, mình hiểu tuổi trẻ. Nhưng thực sự tôi có hiểu gì về cháu tôi lắm đâu. Chỉ hơn cháu chừng chục tuổi mà cậu cháu tôi hình như đã có một xa cách rất lớn. Lê tiếp tục tâm sự:

–         Có một thằng bạn hỏi cháu: “Giữa nhà tù và đời lính, nên chọn bên nào?”

–         Quái gở! Tôi thét lên. – Các cậu thật quái gở! Tuổi còn bé tí mà các cháu đã suy nghĩ điên rồ thế sao?

  Lòng tôi chợt nhói – tôi nhìn điếu thuốc là trễ tràng khoái trá trên đôi môi đứa cháu. Tôi giật mình phát hiện ra điều trên. Khuôn mặt anh thanh niên còn non choẹt, hầu như còn là đứa trẻ con kia; cháu tôi đang đứng mấp mé bên bờ vực sông. Cái lớp người non choẹt ấy hình như đang trốn chạy hoặc đi tìm hiểu một cái gì đó nhưng không thấy, hoặc cái chưa thấy…Và ý nghĩ đó chỉ xuất hiện thoáng mờ trong vô thức, nên chúng được biểu hiện ra bằng những hành vi cuồng dại.

–         Biết nói thế nào nhỉ? Tôi không nói nổi một điều gì với cháu – Tôi thừ ra im lặng, hồi lâu tôi ngẩng lên thì thấy Lê đã đi khỏi. Tôi buồn rầu lại bên chiếc đàn dương cầm, âu yếm đánh chậm rãi vào nốt nhạc ưu phiền.

  Tôi chợt thấy một bức thư kẹp trên giá nhạc. Bức thư gửi cho tôi. Không phải chữ Ngà. Có gì xẩy ra đến với tôi đây? Một lá thư ngắn, vẻn vẹn chỉ có mấy dòng chữ hẹn gặp lại tôi vào ngày 30 tháng này. Đó là thư của đội trưởng Mai, một lá thư lạnh nhạt và bình tĩnh. Còn mười ngày nữa mới đến hẹn.

Comments are closed.