Một chuyện đàn ông

(Trích “Kết thúc của con người đỏ”)

Svetlana Alexievitch

Nguyên Ngọc dịch

clip_image002

– Suốt đời tôi đã đứng nghiêm. Không dám mở miệng. Bây giờ, tôi sẽ nói …

Tôi nhớ, hồi còn bé, tôi sợ mất cha tôi… Ban đêm người ta đến bắt những người cha đi, và họ biến mất trong hư vô… Người anh của mẹ tôi, cậu Félix, đã biến mất như thế. Cậu là nhạc sĩ. Người ta bắt cậu vì một chuyện vớ vẩn… Chuyện chẳng ra gì hết… Trong một cửa hàng, cậu đã nói to với vợ: “Hai mươi năm chế độ xô viết rồi đấy, mà chẳng mua được một cái quần ra quần!”. Ngày nay người ta nói rằng mọi người đều không đồng tình… Nhưng tôi, tôi nói với bà rằng nhân dân tán thành các vụ bắt người đó. Như mẹ tôi chẳng hạn… Anh trai bà ngồi tù, vậy mà bà nói: “Với Félix, đấy là nhầm lẫn. Rồi họ sẽ làm rõ chuyện đó. Nhưng phải bắt người vào tù chứ, nhìn những chuyện khủng khiếp quanh ta đấy mà xem!”. Nhân dân đồng tình… Chiến tranh… Một khi nó đã chấm dứt, tôi sợ nghĩ đến nó. Sợ nghĩ đến cuộc chiến tranh của tôi… Tôi muốn được vào Đảng, nhưng người ta không nhận. “Dám nói chuyện trở thành một người cộng sản à! Cậu đã từng sống trong một khu Do Thái!”. Tôi không nói gì nữa… Suốt nhiều năm tôi không nói gì hết… Trong đơn vị du kích của chúng tôi, có một cô gái Do Thái, Rosa, một cô gái đẹp, cô mang theo kè kè nhữhg cuốn sách. Mười sáu tuổi. Những người chỉ huy, hết người này đến người khác, đều ngủ với cô. Họ đùa cợt: “Mới có lông tơ, như trẻ con! Ha! Ha! Ha!”. Khi cô ấy có thai, họ mang cô vào trong rừng sâu và giết như một con chó… Với cả cái đám đàn ông cường tráng sống trong rừng như vậy, có những đưa trẻ được sinh ra. Và người ta giải quyết như thế này: khi có một đứa bé ra đời, người ta để nó ở lại trong một làng. Một nông trang. Nhưng ai muốn nhận một đứa bé Do Thái? Người Do Thái không được quyền có con. Sau một chuyến công tác trở về, tôi hỏi Rosa đâu rồi? “Thì có liên quan gì đến cậu? Mất một đứa, tìm lạị được chục đứa!”. Hàng trăm người Do Thái trốn khỏi các khu Do Thái lang thang trong rừng. Những người nông dân bắt họ, nộp cho bọn Đức đổi lấy một bao bột mì, một cân đường. Viết đi, bà có thể viết chuyện đó đi… Bao nhiêu năm, tôi đã không nói gì hết… Người Do Thái cứ suốt đời phải sợ. Xảy ra bất cứ chuyện gì, thì cũng là họ phải gánh tất.

Chúng tôi không rời Minsk kịp thời, là vì có bà ngoại tôi… Bà đã từng thấy người Đức hồi năm 1918, và bà đảm bảo với mọi người rằng đấy là những người có văn hóa, họ sẽ không động đến những công dân hiền hòa đâu. Đã có một sĩ quan Đức đóng ở nhà họ, tối nào ông ta cũng chơi đàn dương cầm. Và bà ngoại tôi đã do dự không muốn đi. Vì cái đàn dương cầm… Đến nỗi chúng tôi mất nhiều thời gian. Người Đức vào thành phố trên xe mô tô. Những người mặc trang phục thêu đón họ với bánh mì và muối. Họ bằng lòng. Nhiều người tự bảo: với người Đức, cuối cùng chúng ta sẽ có một đời sống bình thường. Những người ghét Stalin là số đông, và họ không che giấu điều đó. Những ngày chiến tranh đầu tiên, đã xảy ra bao nhiêu chuyện mới lạ và khó hiểu.

Chính vào thời bắt đầu chiến tranh, lần đầu tiên tôi nghe từ “youpin”[1]. Có những người hàng xóm đến đấm vào cửa nhà chúng tôi hét lên: “Chúng mày toi đời rồi nhé, bọn youpin, người ta sẽ lột da chúng mày! Chúng mày sẽ trả giá cho Christ!”. Tôi, tôi là một người xô viết nhỏ tuổi. Tôi đi học, tôi mười hai tuổi. Tôi không hiểu họ nói gì. Vì sao họ nói thế. Cho tới ngày nay tôi cũng không hiểu được… Bố tôi là người Do Thái, mẹ tôi là người Nga. Chúng tôi làm lễ Thiên di, nhưng theo cách của chúng tôi: mẹ tôi bảo đấy là ngày sinh nhật của một người tốt. Bà chuẩn bị một cái bánh. Và chuẩn bị cho lễ Thiên di Do Thái, bố tôi mang đến bánh matza[2] do bà tôi làm. Nhưng vì thời thế bấy giờ, người ta không chưng những thứ ấy ra… Không nên nói tới chuyện đó.

Mẹ tôi khâu cho tất cả chúng tôi một ngôi sao vàng… Trong vài ngày, không ai ra khỏi nhà. Người ta cảm thấy xấu hổ… Tôi đã già, nhưng tôi nhớ cảm giác đó… nỗi xấu hổ chúng tôi đã cảm thấy hồi ấy. Có những truyền đơn rải khắp thành phố: “Tiêu diệt bọn chính ủy và bọn Do Thái”, “Hãy cứu nước Nga khỏi chính quyền của bọn Do Thái – bônsêvích!”. Người ta nhét một tờ truyền đơn đó dưới ngạch cửa nhà chúng tôi… Rồi rất nhanh lan truyền tin đồn… Người ta kể rằng người Do Thái Mỹ quyên góp vàng để chuộc tất cả người Do Thái và đưa họ sang Mỹ. Rằng người Đức thích trật tự, nhưng họ không thích người Do Thái, nên họ phải tiến hành chiến tranh ở các khu Do Thái. Người ta tìm cách hiểu ra ý nghĩa của những gì đang xảy ra, một đường dây nào đó… Ngay cả đến địa ngục, con người cũng muốn hiểu mà… Tôi nhớ rất rõ cuộc dọn nhà của chúng tôi trong khu Do Thái. Hàng ngàn người Do Thái đi qua thành phố… với trẻ con, và những chiếc gối… Thật buồn cười, nhưng tôi mang theo bộ sưu tập bướm của tôi. Bây giờ nghĩ lại, thật lố bịch… Người dân Minsk ra đứng ở ngưỡng cửa tò mò nhìn chúng tôi, một số vui mừng một cách xấu xa, nhưng cũng có người khóc khi thấy cảnh ấy. Tôi không ngửng đầu lên. Tôi xấu hổ… Tôi nhớ cảm giác xấu hổ thường trực ấy…

Mẹ tôi tháo chiếc nhẫn cưới của bà, gói trong một chiếc mù soa và giải thích cho tôi phải đi đâu. Trong đêm, tôi chui qua dây thép gai… Một người phụ nữ chờ tôi ở chỗ đã hẹn, tôi trao nhẫn cho bà và bà rót bột mì vào một cái bao. Đến sáng, chúng tôi nhận ra là thay vì bột mì, tôi mang về toàn phấn viết bảng. Thạch cao. Chúng tôi đã mất chiếc nhẫn cưới của mẹ như thế đó. Chẳng còn vật gì có giá trị… Chúng tôi bắt đầu phù thũng vì đói… Những người nông dân vác nhưng chiếc túi to lảng vảng quanh các khu Do Thái. Ngày lẫn đêm. Họ chờ cuộc tàn sát người Do Thái. Khi người ta mang người Do Thái đi để giết, người ta để cho họ vào cướp các nhà bỏ không. Đám politzei[3] tìm các vật quý, còn những người nông dân thì nhét tất mọi thứ tìm thấy vào các bao tải. Họ nói với chúng tôi: “Các người sẽ không còn cần thứ gì nữa đâu”.

Một hôm, khu Do Thái trở nên im lặng, như trước một cuộc tàn sát Do Thái. Tuy nhiên tuyệt không có tiếng súng. Ngày hôm đó, người ta không giết ai cả… Có những chiếc xe tải đến, nhiều xe tải… Người ta đổ xuống những đứa trẻ con ăn mặc sang trọng, đi giày đẹp, những người phụ nữ đeo tạp dề trắng, những người đàn ông với những chiếc va li đắt tiền. Những chiếc va li rất sang. Họ nói toàn tiếng Đức. Những người lính áp giải và những người canh gác lúng túng, nhất là đám politzei, họ không hò hét, không dùng dùi cui mà phang, không thả chó vào đám nguời này. Cứ tưởng như ở nhà hát, giống như một vở kịch vậy… Ngay trong ngày hôm đó, chúng tôi được biết đấy là những người Do Thái được đưa đến từ châu Âu. Người ta gọi họ là “những người Do Thái Hambourg”, vì phần đông họ đến từ thành phố này. Họ kỷ luật, dễ bảo. Họ không tìm cách trốn, không lừa đám canh gác, không nấp vào đâu đó… Họ cam chịu… Họ nhìn chúng tôi cao ngạo. Chúng tôi nghèo, ăn mặc tồi. Chúng tôi khác… Chúng tôi không nói tiếng Đức.

Tất cả họ đều bị hành hình. Hàng chục ngàn Do thái Hambourg…

Ngày hôm ấy… Cứ như là trong sương mù… Người ta đã bắt chúng tôi ra khỏi nhà chúng tôi như thế nào? Người ta đã chở chúng tôi đi như thế nào? Tôi nhớ một cánh đồng lớn cạnh một khu rừng. Chúng chọn những người vạm vỡ và ra lệnh cho họ đào hai cái hố. Sâu. Chúng tôi, đứng đấy, chờ. Chúng bắt đầu bằng cách ném trẻ con xuống một trong hai hố… Và lấp đất lên. Những người bố mẹ không khóc, không cầu xin. Họ im lặng. Bà hỏi vì sao? Tôi có nghĩ đến điều ấy… Khi một người bị một con chó sói hay một con lợn rừng tấn công, người đó không van xin, không cầu khẩn nó tha sống… Bọn Đức nhìn xuống đáy hố vừa cười hố hố, chúng ném kẹo xuống đó. Bọn politzei thì đầy nghẹt túi… Túi chúng đầy đồng hồ… Chúng đã chôn đám trẻ con. Và chúng ra lệnh cho mọi người nhảy xuống hố kia. Chúng tôi ở đó, mẹ, bố và em gái tôi. Khi đến lượt chúng tôi, tên Đức chỉ huy nhận ra mẹ tôi là người Nga, và nó ra hiệu cho mẹ tôi: “Mày, cút đi!”. Bố tôi hét lên: “Chạy đi!”. Nhưng bà níu lấy ông, lấy tôi. “Tôi ở lại với bố con!”. Tất cả chúng tôi đẩy bà ra, chúng tôi van xin bà chạy đi… Bà là người đầu tiên nhảy xuống hố.

Đấy là tất cả những gì tôi nhớ… Tôi tỉnh dậy vì cảm thấy có ai đó đâm một vật nhọn vào chân. Tôi kêu lên một tiếng vì đau. Và tôi nghe ai đó thì thầm: “Có một người còn sống, ở đây!”. Những người nông dân cầm xẻng đang sục hố, họ gỡ bốt, giày của các xác chết… tìm mọi thứ họ có thể lấy. Họ giúp tôi ra khỏi hố. Tôi ngồi trên miệng hố, và tôi chờ, chờ… Trời mưa. Đất rất ấm. Người ta cho tôi một mẩu bánh mì. “Này, cầm lấy, thằng youpin nhỏ! Có thể mày sẽ thoát được.”

Làng trống không… Chẳng một bóng người, nhưng nhà cửa thì còn nguyên. Tôi đói, và không biếi có ai mà xin ăn. Tôi bèn bỏ đi một mình. Nhiều đồ vật vương vãi trên đường, một chiếc bốt cao su, giày đế gỗ, một cái khăn quàng… Đằng sau nhà thờ, tôi thấy những người bị thiêu cháy. Những xác chết đen thui. Bốc lên mùi xăng và thịt cháy… tôi bỏ chạy, tôi quay lại trong rừng. Tôi sống bằng nấm và quả mọng. Một lần tôi gặp một cụ già đang nhặt củi. Cụ cho tôi hai quả trứng, và dặn tôi: “Đừng đi vào các làng, những người nông dân sẽ bắt cậu và nộp cho bọn Đức. Mới đây họ đã bắt được hai đứa bé Do Thái”.

Một hôm, tôi ngủ quên, và tôi bị dựng dậy vì một tiếng súng ngay trên đầu tôi. Tôi bật dậy. Bọn Đức? Đấy là hai người Ukraine cưỡi ngựa. Những người du kích! Họ cười và họ bàn với nhau. “Cậu muốn ta làm gì với một thằng youpin bé con? – Hãy để cho chỉ huy quyết định”. Họ dắt tôi về đơn vị của họ, và nhốt tôi trong một cái hầm có một người gác phía trước… Rồi họ tra hỏi tôi: “Làm sao mà cậu lại ở trong địa bàn của đơn vị chúng tôi? Ai phái cậu đến đây?”. – “Không có ai cả. Tôi thoát khỏi một hố chôn những người bị bắn”. – “Có thể cậu là một tên gián điệp?”. Họ nện tôi hai phát vào mặt, và lại nhốt tôi vào hầm. Buổi tối, họ tống vào cùng tôi hai người trẻ, cũng là người Do Thái, mặc áo da rất đẹp. Hai người ấy bảo tôi là những người du kích không nhận những người không có vũ khí. Và nếu không có vũ khí, thì phải đưa cho họ vàng, một đồ vật bằng vàng. Hai người có đồng hồ và một hộp đựng thuốc lá bằng vàng. Và họ xin gặp người chỉ huy. Có người đến tìm họ ngay. Tôi không còn bao giờ gặp lại họ nữa… Nhưng tôi đã nhìn thấy lại cái hộp đựng thuốc lá trên tay người chỉ huy… cả một cái áo da nữa. Tôi được một người bạn của cha tôi, là Yacha, cứu. Ông làm thợ đóng giày, và ở chỗ những người du kích những người thợ giày cũng được coi trọng như các thầy thuốc.

Điều đầu tiên Yacha khuyên tôi là phải đổi tên. Tôi tên là Friedman, và tôi đã trở thành Lomeïko. Lời khuyên thứ hai của ông là: “Không được mở miệng. Nếu không cậu sẽ nhận được một viên đạn vào lưng. Một người Do Thái, thì chẳng giá trị gì sất.” Và đúng như vậy… Chiến tranh là một vũng lầy, dễ bị thụt xuống đấy và khó mà thoát ra. Một ngạn ngữ Do Thái nói rằng khi gió thổi rất mạnh, thì rác rưởi bay lên cao nhất. Tuyên truyền quốc xã đã nhiễm vào mọi người và những người du kích là những người chống Do Thái. Chúng tôi có mười một người Do Thái trong đơn vị… rồi năm… Họ cố tình lên án chúng tôi: “Các người mà nói chuyện chiến đấu! Các người để cho chúng dắt vào lò sát sinh như một lũ súc vật…”, “Tất cả bọn Do thái đều hèn…”. Tôi không nói gì cả. Nhưng tôi có một cậu bạn không biết sợ, một kẻ mạo hiểm, David Grinberg… Cậu ta ấy à, cậu đáp lại họ, cậu tranh luận. Cậu bị giết bằng một viên đạn vào lưng. Tôi biết kẻ nào giết cậu ấy. Bây giờ hắn là một người anh hùng, ngực đầy huân chương. Vênh vang! Hai người Do Thái bị giết vì cái gọi là ngủ gật trong phiên gác. Một người khác, vì một khẩu parabellum mới cong… cậu ta đã khiến lắm kẻ thèm. Nhưng tôi biết trốn đi đâu? Vào khu Do Thái? Tôi muốn bảo vệ Tổ quốc của tôi. Trả thù cho gia đình tôi… Nhưng tổ quốc tôi, nó… Những người chỉ huy các đơn vị du kích đã nhận được lệnh mật của Moskva: dè chừng bọn Do Thái, không lấy chúng vào các đơn vị du kích, trừ khử chúng đi. Chúng tôi bị coi như những kẻ phản bội. Bây giờ thì ta biết chuyện đó rồi, nhờ có cải tổ.

Người ta tiếc thương cho con người… Nhưng còn ngựa… Bà có biết nó chết như thế nào không, một con ngựa ấy? Nó không giấu mình như các con vật khác. Chó, mèo, ngay cả bò nữa vùng chạy khi người ta muốn giết chúng. Ngựa thì, chúng cứ đứng đó, chờ người ta hạ sát chúng. Nhìn thật rợn người… Trong phim, những người kỵ sĩ lao tới vừa la hét và vung gươm lên trên đầu. Toàn chuyện tầm phào! Dối trá! Có một lúc, trong đơn vị chúng tôi có những người kỵ sĩ. Nhưng rồi họ bị loại đi sớm. Ngựa không thể đi trong tuyết, phi càng không, chúng bị lún ở đấy, trong khi bọn Đức, chúng có xe mô tô hay xe ba bánh, và mùa đông chúng gắn thanh gỗ trượt tuyết vào bánh xe. Chúng lao lên, chúng cười hô hố vừa bắn vào ngựa và các kỵ sĩ của chúng ta. Nhiều lần, rõ ràng là chúng tha cho ngựa, trong hàng ngũ của chúng có những người nông dân…

Chúng tôi được lệnh đốt nhà một tên politzei, cùng tất cả gia đình hắn… Một gia đình đông: một người vợ, ba đứa con, ông bà nội ngoại. Đêm người ta vây ngôi nhà lại. Người ta đóng những tấm ván lên cửa… Người ta tưới xăng, và châm lửa. Bên trong họ kêu thét, họ rên rỉ. Một đứa bé trèo qua cửa sổ… một người du kích muốn bắn, nhưng một người khác không cho. Họ hất nó vào lửa. Tôi mười bốn tuổi… Tôi không hiểu gì hết… Tất cả những gì tôi có thể làm, là ghi khắc cái đó vào ký ức của mình. Và vậy đó, bây giờ, tôi kể cho bà… Tôi không thích từ “anh hùng”. Không có anh hùng trong chiến tranh. Khi con người đã cầm một khẩu súng, hắn ta không thể là một con người tốt. Hắn ta không thể đạt tới đó được nữa.

Tôi nhớ khu đóng quân của chúng tôi… Bọn Đức quyết định dọn sạch hậu phương của chúng và đã tung nhiều trung đoàn SS chống du kích. Chúng buộc đèn vào những chiếc dù và ném bom suốt ngày đêm. Sau các trận bom, là súng cối. Đơn vị rút đi thành từng tốp nhỏ, mang theo thương binh nhưng nhét giẻ vào miệng họ, và ngựa thì thì có những cái bịt mõm đặc biệt. Họ bỏ lại tất, cả súc vật, và các con vật cứ thế chạy theo sau họ… Bò, cừu… Phải bắn vào chúng … Bọn Đức rất gần, gần đến nổi nghe cả tiếng chúng “O Mutter, o Mutter…”, nghe mùi thuốc lá của chúng… Mỗi người chúng tôi giữ lấy một viên đạn cuối cùng dự phòng. Nhưng bao giờ người ta cũng có đủ thì giờ để chết. Một đêm, chúng tôi ở lại để bảo vệ cuộc rút lui. Chúng tôi có ba người… Chúng tôi mổ bụng ba con ngựa đã chết, moi hết các thứ bên trong ra, và trốn vào trong đó. Chúng tôi ở lại đó hai ngày, chúng tôi nghe bọn Đức đi lại. Bắn. Rồi cuối cùng, là im lặng. Chúng tôi chui ra, dính đầy máu, ruột, cứt. Sắp điên. Đang đêm, trăng sáng…

Bà biết không, chim cũng giúp chúng tôi. Chim ác là kêu lên một tiếng khi nghe có ai đó mà chúng không biết đến gần. Chúng báo động. Chúng đã quen chúng tôi, nhưng bọn Đức có mùi khác: chúng có nước hoa, xà phòng thơm, thuốc lá, áo khoác dạ sang, bốt đánh xi tử tế. Trong khi chúng tôi, chúng tôi thuốc lá thô, bắp chân quấn xà cạp và, ở bàn chân những mảnh da bò làm dải buộc. Chúng có áo lót bằng len… Chúng tôi lột quần áo của những người chết để lấy đến chiếc quần đùi của họ. Chó ngoạm mặt họ, bàn tay họ. Ngay cả súc vật, người ta cũng bắt chúng tham gia chiến tranh…

Bao nhiêu năm đã qua… Một nửa thế kỷ… Nhưng tôi không quên người đàn bà ấy… Bà có hai đứa con rất nhỏ. Bà giấu một người du kích trong hầm của bà. Có ai đó đã tố giác bà… Chúng treo cổ cả gia đình bà giữa làng, bắt đầu từ những đứa trẻ. Cái cách bà đã thét lên! Con người không thể thét lên như thế… Chỉ có những con vật… Một con người có cần phải hy sinh như thế không? Tôi không biết (ông im tiếng). Bây giờ, những người viết về chiến tranh là những người đã không ở trong đó. Tôi không đọc họ… Đừng giận tôi, nhưng tôi không đọc họ…

Khi Minsk được giải phóng, đối với tôi, là chấm dứt chiến tranh, tôi còn quá trẻ để sung vào quân đội. Ngày ấy tôi mười lăm tuổi. Nhưng sống ở đâu? Những người lạ đã đến ở nhà chúng tôi. Họ đuổi tôi, gọi tôi là tên Do Thái bẩn thỉu… Họ không muốn trả lại cho tôi thứ gì hết, nhà không, không đồ đạc. Họ đã yên trí người Do Thái không bao giờ trở về…

(Họ lại hát một bài đồng ca lạc điệu)

Trong lò sưởi bập bùng ngọn lửa

Nhựa chảy như nước mắt

Và cây đàn xếp lầm rầm cho ta

Một bài hát về nụ cười của em…

– Sau chiến tranh, người ta không còn như trước nữa. Cả tôi, tôi trở về nhà trái tim cuồng dại.

– Stalin không thích thế hệ chúng tôi. Ông ghét nó. Bởi vì chúng tôi đã cảm nhận được hơi thở của tự do. Đối với chúng tôi, chiến tranh, ấy đã là tự do! Chúng tôi đã đi sang châu Âu, chúng tôi đã thấy bên ấy người ta sống như thế nào. Khi bước qua trước tượng Stalin lúc đi làm việc, tôi nghe mồ hôi lạnh: nếu mà ông ta biết tôi nghĩ gì?

– Người ta bảo chúng tôi: “Mọi người hãy trở về chuồng!”. Và chúng tôi đã trở về…

– Bọn cai trị cứt đái bẩn thỉu ấy! Chúng đã phá hủy tất cả… Người ta sống trong cứt, đến cổ…

– Tôi quên tất cả… Ngay cả tình yêu… Nhưng chiến tranh, cái đó, thì tôi nhớ…

– Tôi đã sống hai năm trong rừng, ở chỗ những người du kích… Sau chiến tranh, suốt bảy hay tám năm, tôi không thể nhìn con người. Tôi đã thấy quá nhiều. Tôi sống trong một thứ chứng ngủ lịm. Tôi đã sống một thời gian trong một nhà nghỉ dưỡng cùng em gái tôi. Nó, người ta ve vãn nó, nó đi nhảy, nhưng tôi, tôi muốn yên tĩnh. Tôi lấy chồng muộn. Chồng tôi kém tôi năm tuổi. Đúng một cậu bé thật sự!

– Tôi, tôi ra trận bởi vì tôi tin mọi thứ báo Sự thật nói. Tôi đã bắn vào những con người. Tôi có một mong muốn điên dại được giết…! Trước đây, tôi muốn quên đi tất cả, nhưng không được, và bây giờ các kỷ niệm cứ tự chúng xóa đi. Chỉ có một thứ tôi còn nhớ… Ấy là, cái chết trong chiến tranh không có mùi giống nhau… Cái chết hung dữ có một mùi riêng. Khi không có nhiều người chết, chỉ đúng một người, ta tự hỏi người ấy là ai, người ấy ở đâu đến. Hẳn phải có một ai đó chờ người ấy ở đâu đó…

– Gần Varsovie, một bà già Ba Lan mang đến cho tôi những quần áo đàn ông. “Cởi những thứ anh mặc đi, ta sẽ giặt cho. Sao anh lại bẩn thế, gầy đến thế? Anh dã làm thế nào mà chiến thắng được?”. Chúng ta đã làm thế nào, nhỉ?

– Nào, đem đàn vĩ cầm của các người ra đây!

– Chúng ta đã chiến thắng, đúng rồi. Nhưng chiến thắng lớn này không làm cho đất nước chúng ta thành một nước lớn.

– Tôi sẽ chết với tư cách người cộng sản… Nhưng cải tổ, ấy là một vố của CIA nhằm tiêu diệt Liên Xô.

– Những kỷ niệm nào còn lại trong chúng ta? Khó chịu nhất là sự khinh bỉ của bọn Đức đối với chúng ta. Đối với cái cách chúng ta sống… Đối với kiểu sống của chúng ta… Hitler coi người Slave là bọn thỏ…

– Người Đức đến làng chúng tôi vào mùa xuân. Ngay ngày hôm sau, họ đã trồng hoa và xây các nhà vệ sinh. Những người già vẫn còn nhớ, những bồn hoa ấy.

– Ở bên Đức… Khi chúng tôi vào các nhà, chúng tôi thấy những chiếc tủ đầy quần áo loại tốt. Những đồ mỹ nghệ. Hàng núi bát đĩa. Trong khi hồi trước chiến tranh, người ta nói với chúng tôi ở các nước tư bản người ta rất khổ. Chúng tôi, chúng tôi nhìn tất cả những thứ đó, chúng tôi không nói gì cả. Tốt hơn cả là đừng có mà mê li trước một cái bật lửa hay một chiếc xe đạp Đức! Người ta sẽ gán cho anh cái nghị định 58 – chống xô viết… Đến một lúc, người ta cho phép chúng tôi gửi bưu kiện về nhà. Các vị tướng được gửi mười lăm ký, các sĩ quan mười ký, và lính năm ký. Bưu điện cứ là chìm dưới đống bưu kiện. Mẹ tôi viết thư cho tôi: “Đừng gửi bưu kiện về nữa. Người ta giết nhau vì cái thứ ấy đấy”. Tôi đã gửi cho họ những chiếc bật lửa, đồng hồ, một tấm vải… những thỏi sôcôla to tướng. Họ tưởng là xà phòng.

– Không có một phụ nữ Đức nào từ mười đến tám mươi tuổi mà không bị gay go với quân ta… Đến mức tất cả trẻ sinh ra bên ấy vào năm 1946 đều là người Nga!

– Chiến tranh xóa đi tất cả. Nó đã xóa tất…

– Bà bảo một chiến thắng ư! Suốt chiến tranh, người ta mơ ước một cuộc sống tốt đẹp khi chiến tranh sẽ kết thúc. Người ta vui chơi hai hay ba ngày, rồi người ta muốn ăn, người ta muốn có thứ gì đó trên lưng. Muốn sống. Nhưng chẳng có gì sất. Mọi người đều mặc đồng phục Đức, người lớn cũng như trẻ con. Người ta tháo chúng ra, người ta may lại. Bánh mì phải mua bằng phiếu cung cấp, và sắp hàng cả cây số. Mọi người đều sắp nổi khùng. Người ta có thể bị giết chính xác như thế đấy, vì cái chẳng ra gì hết.

– Tôi nhớ lại… Suốt ngày nghe thứ tiếng ầm ì… Nhưng người cụt cả hai chân di chuyển trên những tấm ván lăn có gắn bi. Và mặt đường thì lát đá. Họ sống trong những phòng dưới mặt đất, trong những căn hầm. Họ uống như hũ chìm. Họ lê lết trong các rãnh. Họ ăn xin. Họ đem huân chương đổi lấy vodka. Họ đến gần những người sắp hàng, nói: “Cho tôi xin chút gì để mua bánh mì!”. Và trong các hàng ấy, chỉ có những người đàn bà đã đuối sức. “Ông, ông còn sống. Chồng tôi, ông ấy đã ở trong mồ!”. Các bà đuổi họ đi. Lúc cuộc sống khá lên đôi chút, những người bị thương trở thành chuyện phiền. Không ai muốn nghĩ đến chiến tranh. Người ta quá bận sống. Một ngày đẹp trời, người ta làm cho họ biến mất khỏi thành phố. Cảnh sát tóm lấy họ và tống họ lên xe tải, như lợn… Cái đám ấy chửi ầm lên, hét lên, rít lên…

– Chúng tôi thì, trong thành phố của chúng tôi có một Nhà Thương phế binh. Những người trai trẻ không có tay, không có chân. Huân chương đầy người. Người ta cho phép mọi người có thể đón họ về nhà… Có lệnh cho phép chính thức. Phụ nữ, họ thiếu đàn ông, nên họ liền đổ xô đến, họ đến tìm nhận đàn ông bằng xe cút kít, xe đẩy trẻ có mui. Họ muốn có một sự hiện diện nam giới trong nhà, muốn được phơi một chiếc áo sơ mi đàn ông trên dây phơi của mình… Muốn được thử yêu đôi chút một mẩu đàn ông! Anh ấy thì đầy gây gổ và giận dữ, anh biết mình bị phản bội…

– Ôi, cái ngày Chiến thắng ấy…


[1] Youpin: Do Thái, dùng với tính chất chửi rủa và phân biệt chủng tộc.

[2] Bánh mì không có bột nở, người Do Thái làm trong dịp lễ Thiên di.

[3] Politzei: Cảnh sát người bản địa, làm tay sai cho quân Đức chiếm đóng.

Comments are closed.