Hà Nhật
Không nhớ ai từng nói: trên đời, yêu nhất là mỹ nhân và anh hùng. Tôi thì cảm thấy: đáng yêu nhất là người đẹp và nhà thơ. Nhưng phải đúng là người đẹp và nhà thơ. Bởi vậy, tôi ca ngợi những người đẹp dưới núi Yên Tử, tôi ca ngợi những nhà thơ đích thực như Lưu Trọng Lư.
Người đẹp mà đem nhan sắc của mình ra kiếm danh lợi, nhà thơ mà đem thơ mình ra để tiến thân, sao gọi được là người đẹp với nhà thơ.
Có một điều là xưa nay cái nước mà dân ta hàng trăm năm quen gọi là nước Tàu, là Khách, vẫn thường hống hách, tự coi mình là trung tâm (Trung Quốc), còn thiên hạ là Nam man (mọi Nam),Bắc di (rợ Bắc), dù có lúc bị các nước man và di ấy đánh cho không còn manh giáp!
Về mặt văn hoá, bọn họ cho những người xung quanh mình là không có gì đáng kể, chẳng có gì tốt đẹp hay đáng nêu gương.
Người nước Nam ta ngày xưa đôi lúc cũng chịu ảnh hưởng bởi cái thứ tư tưởng trên đầu người ta ấy.
Còn nhớ sau khi Công chúa Huyền Trân được gả về làm vợ vua Chămpa để vua cha nhận món sính lễ châu Ô châu Rí, trong dân gian đã xuất hiện câu hò:
Tiếc cho cây quế trên rừng
Để cho thằng mán thằng mường nó leo
Rồi đến khi nàng Công chúa được cứu thoát khỏi giàn hỏa thiêu trở về, thì lại bị mỉa mai:
Tiếc cho hạt gạo trắng ngần
Đã vo nước đục lại vần than rơm.
Bị kẻ khác coi là mọi rợ, chính mình lại coi khinh người khác.
Cái vòng luẩn quẩn thế đấy.
Mà cái nước Chămpa ở phía Nam có lịch sử lập quốc, có chính quyền trước ta đến hơn 500 năm kia đấy.
May thay có một sự kiện tuyệt đẹp, tuy là một chuyện bi thương xảy ra trước đó hai trăm năm.
Chuyện xảy ra vào năm 1044 , dưới triều vua Lý Thái Tông.
Thấy vua Chămpa là Sạ Đẩu (Jaya Sinhavarman II) cứ liên tục đưa quân vượt sông Gianh phá phách cõi bờ Đại Việt, nhà vua ta đã quyết tiến hành cuộc phản công tới cùng, đưa quân đến tận Kinh đô Phật Thệ của Chămpa (nay là Thuỷ Xuân thuộc Huế).
Vua tôi Chămpa bại trận, kinh thành thất thủ, một số người bị đưa về Thăng Long theo đường biển, để làm nô, làm tỳ.
Trong số ấy có một số nguyên là tì thiếp, cung nữ, vương phi của vua Sạ Đẩu.
Khi các chiến thuyền đã từ biển vào sông, sắp về đến Kinh thành, vua ta chợt cho truyền đưa mấy người đến cho ngài xem mặt.
Bỗng đến trước mặt nhà vua là một cô gái tuyệt đẹp, có lẽ là một vương phi của Sạ Đẩu. Vua ta rất ưng ý, truyền được đưa vào hầu ngài.
Thế là xảy ra chuyện bất ngờ.
Im lặng, không cần một lời thưa thốt hay một tiếng kêu than, người đàn bà ấy lấy xiêm y quấn chặt quanh người, rồi bước qua mạn thuyền, nhảy ngay xuống biển. Mọi người sững sờ.
Nàng ấy, theo sử Việt ghi, tên là Mỵ Ê.
Chung thủy với chồng, sẵn sàng chết để giữ danh tiết. Đây đâu phải là phẩm chất chỉ dành riêng cho gái Việt!
Qua phút thảng thốt, vua Lý không hề tỏ ra một chút giãn dữ nào. Cảm phục quá. Thương xót quá!
Sau khi đã cho người tìm vớt được thi thể Mỵ Ê để mai táng, nhà vua trở về Kinh thành và ban ngay sắc phong cho người phụ nữ Chămpa:
Hiệp Chính Hựu Thiện Trinh Liệt Chân Mãnh phu nhân
Chưa từng có người phụ nữ nào ở nước ta nhận được một danh hiệu cao quý như vậy.
Lại còn điều này nữa.
Ngày nay, phía con đê tả ngạn sông Hồng, thuộc phủ Lý Nhân cũ, bên trong đê là làng Phúc Mân, phía ngoài đê là ngôi mộ và nơi thờ một vị Vương phi từ hơn một nghìn năm nay: Nàng Mỵ Ê.
Một vị vua nhân hậu của nước Nam.
Một dân tộc nhân hậu của nước Nam.
Dân tộc ta, đất nước ta có lẽ từ đạo nghĩa ấy, nhờ đạo nghĩa ấy mà trường tồn!