Một nơi cao và cô quạnh nhất (2)

Truyện Nguyễn Thanh Văn

Để tưởng tiếc văn tài và chí khí bất khuất của cố văn hào Nguyễn Huy Thiệp

(Tiếp theo và hết)

Cuộc hội ngộ tiền định nối theo cuộc gặp gỡ giữa hai cậu cháu với hai số phận bi tráng, lại xảy sớm hơn kịch bản của người thủ lĩnh còn nặng tình riêng. Cu Lặn bỗng bị cơn sốt lạ, sáng chiều đã tóp cả người, thầy lang địa phương lù mù không định được bệnh. Theo góp ý nhiều người, Mẹ Lành tức tốc đưa con ngược mấy ngọn đồi liền, tìm thầy. Chỗ khám bệnh nằm trong một ngôi chùa của một ông sư trẻ, người miền xuôi. Người mẹ trẻ khuỵu xuống đang còn cõng con trai trên lưng, quần áo thân thể lấm láp bụi đồi, khi nghe loáng thoáng tiếng xưng hô “Sư Tráng! Sư Tráng!” từ cửa miệng người trong chùa.

 

***

Từ trong góc phòng, sát mấy dãy kệ bày thuốc và dược thảo, Mẹ Lành kín đáo quan sát nhất nhất cử động của sư trụ trì, người đang tập trung cứu mạng cho con trai của bà. Hai ngày đêm đã qua và bà thấy những nét đăm chiêu trên bờ trán người thầy thuốc đã giãn ra. Mô Phật! Ngài đã nhận ra thân phận của họ tộc, động lòng với bước đường cùng của mẹ con chúng con. Ánh sáng ngọn đèn cầy chợt loé lên, loá cả mắt. Mẹ Lành chỉ kịp nhìn cái đầu trọc gật gù như hài lòng, bà vật mình xuống sàn.

***

Sân chùa rộng hơn các chùa miền xuôi hẳn. Không khí tĩnh lặng, số bệnh nhân và thân nhân theo để chăm sóc còn ngủ. Sương núi rừng sà xuống tận các vòm cây bông sứ.

– Vậy là ổn cả mẹ lẫn con!

Nụ cười của người sư trẻ sau mấy ngày liền nhọc nhằn có vẻ trang nhã và mãn nguyện.

– Bạch thầy, nhìn sự hy sinh, tận tuỵ của thầy mấy ngày qua, lòng con xót xa, lấy gì mà đền đáp.

Sư trụ trì nhíu mày, quyết định đi thẳng vào vấn đề.

– Chuyện này cần bàn ngay trước khi con trai bà và người trong chùa thức giấc – ông vén tay áo rộng, lộ ra vòng chuỗi đá đen thẫm – Tôi thấy bà có đeo vòng chuỗi tương tự, khi bắt mạch cho bà. Bà có quan hệ gì với ngài Đội Lâm, thủ lĩnh của chúng tôi!

– Bạch thầy, chính tôi cũng đang muốn thầy làm rõ một vấn đề. Ngài Đội Lâm là cậu ruột của tôi. Cậu của tôi đã căn dặn tôi chờ một người tên Tú Tráng đến liên lạc. Lòng dạ tôi rối như tơ vò vì đang kẹt ở đây. Vòng chuỗi thầy vừa nói đúng là do cậu tôi trao tận tay và…

– Vậy là đã rõ thưa bà. Tú Tráng hay sư Tráng chính là tôi. Tôi cũng đang nghe như lửa đốt trong lòng. Nếu không nhận ra vòng chuỗi và thấy một số chi tiết phù hợp thì có khi tôi đã phải từ chối chữa trị cho con trai bà để kịp thực hiện lời căn dặn của ngài Đội Lâm.

Mẹ Lành cúi thấp đầu, nước mắt ràn rụa:

– Xin thầy trả lời ngay cho đứa cháu gái tội nghiệp của ngài thủ lĩnh của thầy. Hiện giờ cậu tôi đang ở đâu và liệu có nguy hiểm gì không!

Đôi mắt ướt, đẹp và đầy đau khổ nhìn thẳng vào mắt người đối diện làm con người không thiếu từng trải, phong trần bối rối.

– Sự thực là thế này đây, bà có chắc là mình muốn nghe hay không. Chưa rõ chính xác là ngài Đội Lâm đang đi đến đâu rồi, nhưng chắc chắn là có tin tức không lành. Một trong những người ngài định tiếp xúc trên đường đi đã phản bội. Có thể ngài đã kịp nhận tin. Và tôi dự đoán có khả năng ngài sẽ đi vòng trở lại. Việc không cần cận vệ, ít ra phải có sự phục vụ của tôi, để tránh sự chú ý là một quyết định sai lầm. Chao ơi, tại sao tôi lại thiếu cảnh giác, để cho ngài thuyết phục!

Người đàn bà giật nảy mình sau tiếng than bất ngờ của Tú Tráng, người như lả đi, lắp bắp gì đó không rõ.

– Ngay sáng nay sẽ có người đưa hai mẹ con bà đến chỗ ở mà chúng tôi thu xếp theo mệnh lệnh của ngài Đội Lâm. Những người coi sóc vườn nhà cho bà là chỗ bà có thể tin cậy. Đêm nay sẽ có người đem đồ đạc ở chỗ cũ tới, bà không phải bận tâm. Nhà mới không xa đây, an toàn hơn. Ngôi chùa này cũng thuộc về Cậu Lâm của bà, sư vãi quanh đây cũng là chỗ dựa của mẹ con bà. Còn lại xin tránh tiếp xúc, trao đổi bất cứ chuyện gì, không hé lộ cả quan hệ với ngài thủ lĩnh, sẽ nguy hiểm.

– Có cậu tôi và thầy là người cậu tôi tin cậy sao mẹ con tôi phải sợ!

Tú Tráng mím chặt môi, đáp lại cái nhìn trực diện của người cháu gái của thủ lĩnh bằng một câu thẳng thắn:

– Vì không rõ ngài Đội Lâm có trở về không… nhưng mọi chuyện cho mẹ con bà ngài đã sắp đặt xong.

Một giọng nói sắc lạnh cắt ngang đột ngột:

– Sao phải loanh quanh mãi… Cậu tôi đang ở đâu? Có phải chính thầy cũng đang chuẩn bị rời đây hay không?

– Đừng lớn tiếng… tôi sắp cho bà rõ – ngần ngừ một giây, sư trụ trì hạ giọng, dịu dàng hẳn – mọi chuyện có thay đổi. Thưa sư tỉ của tôi, ngài Đội Lâm có thể gặp nạn. Và tôi phải đi ngay đêm nay. Cha tôi đã đích thân giao tôi cho ngài. Tôi ở cùng ngài, người cha thứ hai và là thủ lĩnh, mười mấy năm ròng. Tôi cần có mặt bên ngài và sẽ không rời nhau nửa bước. Xin yên tâm ở lại đây… và – giọng người tráng sĩ chợt nghẹn lại, tợ như đang nói với một ai thân thiết tự lâu rồi – …Sư tỷ nhớ phải bảo trọng.

Tú Tráng ngưng nói khi đột ngột nghe một tiếng lạ y như tiếng rít của một loài rắn từ miệng người đàn bà. Ánh mắt bỏng cháy, gần như căm hờn – một ít lần phát ra từ sau làn mi rậm của viên thủ lĩnh kiêu hùng và độc đoán – xoáy thẳng vào mắt ông.

– Dẫn mẹ con tôi đi gặp thủ lĩnh của ngài. Ngài cần ở bên thủ lĩnh của ngài, nhưng thủ lĩnh của ngài cần ở bên tôi!

Khi các bệnh nhân và thân nhân được phát thuốc và được báo tin sư trụ trì sắp đi xa vài ngày, đã rời chùa, Tú Tráng lạnh lùng nói:

– Trong đoàn sư ni hành hương, không một ai để tóc!

Cu Lặn và hai chú chó trung thành nhảy cỡn lên. Mẹ Lành không nói một tiếng, cúi thấp đầu, sẵn sàng.

Sau hơn một ngày vượt đồi rẫy, nhóm sư ni tá túc tại một am viện một đạo hữu của sư Tráng. Đã nhiều lần vân du hành đạo hái thuốc, bốc thuốc cho dân đồi rẫy, sư Tráng và cả nhóm được bà con bản làng dọc đường hoan nghênh, chăm sóc. Cu Lặn với hai đồng đội Tiền và Phong ăn no, nhảy nhót, không nghe phàn nàn chi. Ngày thứ ba qua chưa hết con đèo cheo leo khét tiếng một vùng, thì đoàn nhận tin dữ. Người từ núi xuống, truông rẫy về bản kể có một người cao lớn bị lính tuần truy đuổi, trúng đạn rơi luôn xuống vực. Khi nhận ra mảnh vải lất phất hoa văn quen thuộc móc trên mép đá, Tú Tráng khuỵu xuống. Mẹ Lành trong bộ áo bà vãi đi sát đàng sau hộc lên một tiếng, ngã quay trên mặt đá. Hai chú chó tinh nghịch, vô sự mấy ngày liền, chạy ùa ra chúi mõm xuống vực sâu thăm thẳm, tru lên từng hồi. Khi nhận ra lưỡi dao ngắn lấp loáng trong bụi im ngay trên mép đá với mảnh vải rách tươm lay bay giữa gió rừng, sư Tráng gào to:“Cha! Cha ơi! Tội của con!”. Có hai mẹ con từ bản gần đó ra nhận là cha, chồng đánh tổ ong trên núi về và đòi đám lính lấy xác lên. Chúng nhìn xuống vực, lắc đầu rồi bỏ đi. Thì ra chúng thấy bóng người thì đuổi càn, không rõ ai là ai. Người đời sau cho nhờ đó mà cuối cùng sư Tráng lần tìm được di thể bầm dập của người anh hùng.

***

Cuộc tìm kiếm gian nan, nhưng không một ai có một lời than vãn. Cu Lượm cũng dìu Mẹ Lành đi bước một với vẻ trang trọng hẳn. Tiền và Phong là phận chó không rõ biết gì không mà cụp đuôi, ngậm mõm, chỉ thỉnh thoảng rít lên, như ngửi được điều chi quá đỗi ngậm ngùi. Không có những ngày dọc ngang, khi đóng vai tu sĩ, thầy lang hái thuốc, là tráng sĩ ngậm nỗi hờn vong quốc đi tìm đồng chí bốn phương, phát quang, xẻ đá lập chiến khu chống giặc… thì làm sao biết lối đặt chân lên vực thẳm và tìm ra khoảng đất thiêng nơi bậc chí sĩ về trời! Tú Tráng già đi trông thấy, tóc xanh đột ngột thành tóc trắng, chân ở thế bán già, dựa vào một tai đá mới vần kê quanh mộ. Gió rừng càng xuống đáy vực càng réo tợn. Trong chiếc hang cách đó dăm mét có người cháu gái bất hạnh mà thủ lĩnh đã dặn dò ông phải đích thân chăm sóc. Người đàn bà dịu hiền mà cứng rắn, táo tợn ngoài tưởng tượng của ông. Tú Tráng cắn răng lại, cố nuốt bí mật mà ông lờ mờ nghi ngại. Sống để dạ, chết mang theo. Người anh hùng, người cha vĩ đại của ông thân không một vết đạn, quyết không để sa vào tay giặc hay còn lý do nào khác! Nhưng cũng mỉa mai thay, số phận có bất công hay không khi nỡ buộc ông, người mà thủ lĩnh toàn tâm tin cậy, nhận thêm một gánh nặng quá khốc liệt, hiểu con người cao cả, phi thường đến dường đó đã thực sự chết như một con người tuyệt vọng về mình, chết cả trước khi bất ngờ chọn lao người vào hố thẳm, từ chối thân phận mà người ra đi cho là gánh một phần trách nhiệm với lịch sử.

– Hồ đồ! – Tú Tráng nghiến răng kèn kẹt – hay ngẫu nhiên, thưa cha? Tại sao cha đã chuẩn bị tất cả cho con, người đã làm trái lời thề không một phút giây nào được rời cha nửa bước. Tại sao cha quyết kết luận sự có mặt của thế hệ mình có thể cản trở hậu sinh! Không phải con đã thuyết phục được cha chúng ta quyết thành công và thành nhân ngay trong thế giới này, không cùng nhau thành nhân trong cõi chết! Lý tưởng hậu bối chúng con đang tranh đấu không phải do chính các bậc tiên hiền, tiền bối trao cho hay sao!

***

Mấy thanh củi cháy leo lét, hắt bóng người lay lắt trên vách đá. Người tựa vách, người cúi đầu. Chỉ có thằng bé trai con người cháu gái của ngươi thủ lĩnh quá cố đã ngủ khò cùng hai chú chó trung thành nằm hai bên. Lưng thẳng, trong tư thế bán già quen thuộc, Tú Tráng nhìn thẳng phía trước, ánh mắt sáng quắc hơn ngày thường.

– Các anh chị em đồng chí, tôi vừa thưa rõ những gì cần nói và là những tâm tư đã được thủ lĩnh chia sẻ, trước chuyến đi bất hạnh thử xoay thế cục.

Ông húng hắng ho mấy lần, đầu ngẩng cao hơn và giọng nói cũng bất thần cất cao:

– Thế lực của quân ta đang chiều suy tàn. Cục diện chiến trường ở Thạch Sơn hoàn toàn thất lợi. Ngôi sao phía Hoàng thành chập chờn, không rõ mà các nơi truyền về toàn tin dữ. Anh chị em quây quần đây là hạt nhân còn lại. Làm gì? Và về đâu?

Cả vách đá cũng im phăng phắc lặng nghe mỗi lời của phó tướng, linh hồn của nhóm Thạch Sơn sau cái chết của Đội Lâm.

– Thưa quý tráng sĩ, mười năm hơn cùng chết sống bên nhau, chưa ai từng muốn buông gươm hay gác kiếm. Chưa từng ai ngờ vực chí khí tráng sĩ Thạch Sơn. Nay trong lực lượng cùng ta liên kết đã có kẻ trà trộn, phản bội, nay mai sẽ còn nhiều rối rắm vô lường, bí mật nhân thân khó bảo toàn, an nguy khó định – giọng Tú Tráng run run, cay đắng – Tin cho thấy ngay tại kinh đô, triều đình bất nhất, vua quan không một lòng. Hành động thế nào để không thành manh động, bất phùng thời, trong tình huống đến một mạng sống của anh chị em ta đây cũng không đảm bảo nếu lộ bí mật. Vậy đối phó ra sao đây…

Cả động đá gió rừng lồng lộng mà vẫn ngộp thở, một phần vì sự có mặt của nhóm tráng sĩ thân tín vừa kịp tề tựu. Tất cả bỗng ồ lên:

– Chờ lệnh thủ lĩnh! Chúng tôi chờ lệnh thủ lĩnh!

Tú Tráng đứng bật dậy, bóng in tận nóc hang.

– Nay đã đến lúc quyết định. Máu của chư tráng sĩ là tài sản tương lai của quốc dân. Ta không muốn những cái chết, nếu vô ích, nếu không giúp cho đại nghiệp thành công. Đây cũng là trăn trở của cố thủ lĩnh của chúng ta. Phải nghe ngóng tình hình và đợi thời cơ mới. Vận nước chưa tường, không tìm cái chết chỉ để đạt lý tưởng thành nhân của chủ nghĩa cảm xúc, dù là cảm xúc đạo đức. Không tự hao tổn lực lượng trong tình huống chín thua một thắng. Tú Tráng nhìn quanh, đám nghĩa sĩ vẫn bất động. Không khí lắng sâu như chạm tận đáy.

– Ngay đêm nay, từng người một, tuỳ nghi quyết định. Ai muốn quy cố hương mà liệu được an toàn, ai trở lại chỗ nương thân cũ, có người che chở và riêng tại các chùa cũ do Tú Tráng này từng trụ trì thì ai ở lại công quả, ai chọn lựa con đường tu hành, ai sống đời thế tục, phải quyết định. Tất cả sẽ được chu cấp vốn liếng xứng đáng trước khi lên đường. Ai bơ vơ, không chỗ đến, chỗ về, hãy theo ta. Giàu nghèo, sống chết nương tựa lẫn nhau cho tới hơi thở cuối cùng. Khi ta quyết xong vận mạng phần ta, sẽ có người liên hệ tất cả, hễ ai vất vả, cùng đường thì mái nhà của Tú Tráng này là chỗ an trú của anh chị em nghĩa sĩ Thạch Sơn ngày nào. Khi cơ trời mở ra cho dân tộc, có con đường sáng cho muôn thiên hạ, sẽ đào kiếm lên chiến đấu cùng nhau! Dù ở nơi đâu, tất cả những đồng bào có ý chí phục quốc bằng con đường hằng tâm hằng sản, bằng giáo hoá truyền thống quật cường của dân ta, bằng khuếch trương kỹ nghệ, thương mãi hay vào đường cùng mà nhân dân lấy máu rửa hờn, các nghĩa sĩ, hãy tuỳ nghi tham gia không được phân biệt gốc gác, vùng miền mà rơi vào bẫy của địch thù!

Người thủ lĩnh vẫn còn tràn đầy uy tín trong bước nguy khốn với đồng đội từ tốn bước tới gần một nữ nhân trong tấm cà sa màu nâu bạc, tiếng ông rành rọt:

– Đây là cháu gái ruột của thủ lĩnh của chúng ta, ngài Đội Lâm. Vị sư tỷ này cũng là một nghĩa sĩ. Sự hiện diện của người đồng máu huyết cao quý của cố thủ lĩnh trong giây phút khốn khó này là vinh hạnh cho các nghĩa sĩ Thạch Sơn – Tú Tráng bỗng cung tay, trịnh trọng – Kính sư tỷ, tất cả đang mong nghe vài lời tâm huyết của sư tỷ…

Tiếng vỗ tay làm át mấy tiếng cuối của người giới thiệu, bỗng nhanh chóng lặng đi. Người cháu gái của lãnh tụ – dù có bất ngờ – hướng thẳng về nhóm đồng chí của cậu mình với một lời đĩnh đạc, chí tình:

– Thưa ngài Tú Tráng, thưa các đồng chí nghĩa sĩ, những đồng đội trung thành của ngài Đội Lâm, người cậu tôn quý của Lành này. Thật đau xót khi lần ra mắt quý nghĩa sĩ lại là ngày giã biệt. Chưa có một đóng góp gì cho đại nghiệp của các bậc anh hào đây.

Vừa dứt lời, Mẹ Lành sụp lạy ba lần sát đất cho tới khi tiếng nấc của bà vỡ ra thành tiếng khóc oà của tất cả đám chí sĩ có mặt. Gió trời từ trên cao sục xuống và gió rừng lộng lên, xoáy thành cơn lốc. Những truyền thuyết đời sau còn kể, có người thấy rõ ngài thủ lĩnh năm xưa hiển hiện, cao lớn trong bộ võ phục, trên nấm mồ dằn bằng đá tảng, ngay giữa tâm cơn lốc.

***

Những người chọn đi cùng Tú Tráng đang gói ghém đồ đạc. Ngay trước cửa động, cu Lặn đang quát Tiền và Phong buông một chú sóc thiếu cảnh giác. Họ – Tú Tráng và Mẹ Lành – dừng chân, ngồi dưới một gốc thông. Mẹ Lành mở lời trước khi Tú Tráng kịp mở miệng. Cả hai giữ cách xưng hô kiểu cách.

– Thầy gọi tôi là nghĩa sĩ làm tâm can tôi xúc động. Linh hồn cậu tôi hẳn hài lòng. Nhưng khi phân công, thầy không thèm nhắc tôi. Vậy tôi phải tự quyết. Phần tôi, tôi chọn ở lại. Phận sự của tôi là bảo vệ mồ mả người cha đã mất. Việc này không đúng tâm nguyện của các nghĩa sĩ Thạch Sơn chăng!

Người đàn bà nhíu cặp mi cong, mím chặt môi, đứng bật dậy, rồi bỗng loạng choạng, chôn chân tại chỗ. Tú Tráng, trong một phản ứng hoàn toàn bất ngờ và bất thường, chắp tay thụp người xuống đất.

– Sư tỷ, chớ manh động mà hỏng chuyện. Ngài Đội Lâm và người thừa mệnh là Trường này đã tính toán hết. Đưa đươc mẹ con sư tỷ đến chỗ an toàn, an lạc mới xong, nếu sự có mặt của Trường này không còn cần thiết, mạn phép sư tỷ để tôi ra đi.

Đến lượt Mẹ Lành thụp xuống đất, hai tay đưa ra phía trước, không chạm vào ngươi đối diện.

– Tôi là ai mà dám buộc ngài phải bảo vệ khi chính ngài đang gặp nguy hiểm. Ngài thử trả lời tôi đi, ngài nghĩ người đàn bà tầm thường, bất hạnh, bất lực này là ai? Ngài nhầm tôi là ngài Đội Lâm nên xin phép việc đi ở, xuất nhập… hay ngài muốn giễu cợt tôi chăng. Ngài quên mình là bậc đại tráng sĩ, ngang hàng với ngài Đội Lâm cao quý mà sống chết có liên quan tới an nguy của muôn dân bá tánh.

Giọng nói có sắc thái nửa hùng hồn, nửa lạnh lẽo chợt run run khi nhận ra trên bộ mặt bỗng gìà cỗi hẳn của bậc thủ lĩnh ròng ròng từng hàng nước mắt.

– Hoặc theo kế hoạch đã định, sau khi cơ ngơi an trú tạm xong Trường này lấy thân mạng này hứa chắc với sư tỷ sẽ tự mình quay trở lại đưa xương cốt người quá cố về thờ phượng. Nếu sư tỷ không muốn cha ông, tiên tổ nằm chung nghĩa trang với đám phản phúc, tầm thường, tôi hứa sẽ…

Giọng Tú Tráng bỗng nhỏ hẳn lại, xa vắng:

– Nơi đó rất tĩnh lặng… Ta cùng đưa cố thủ lĩnh và những đại diện một dòng tộc vĩ đại đã sinh ra Người tới đó, một nơi rất cao, cô quạnh và thanh khiết nhất. Ta cũng mạn phép có một lời thưa trước cùng sư tỷ: khi lỡ có mệnh hệ gì, xin sư sư tỷ xoay xở cho ta một chỗ an nghỉ cạnh những tâm hồn cao khiết đó. Ta không còn ai là người thân thích. Quê hương xưa trong thời loạn lạc, liệu còn ai có ý nhận ta về…

– Tôi đồng ý nghe lời thầy – người đàn bà ngẩng mặt lên, ánh mắt có chút thất thần bất ngờ – Xin thầy đừng nói những lời bất trắc, bi quan. Tôi không đợi nghe bậc quân sư của ngài Đội Lâm nói những lời như thế. Thầy quên rằng tôi đã được thầy gọi là nghĩa sĩ Thạch Sơn. Nhất nhất những việc chúng tôi sẽ làm là mệnh lệnh của thủ lĩnh Tú Tráng. sao lại có chuyện mạn phép, xin phép ở đây. Nợ nước phải trả, nhưng riêng cái chết của ngài Đội Lâm, liệu nỗi đau của thầy có bằng trái tim tan nát của Lành này hay không!

Ánh trăng rừng chầm chậm chảy theo vách đá, lênh láng trên ngàn cỏ lá, hắt một mãng trăng ngàn lên chỗ Tú Tráng và Mẹ Lành đang ngồi. Lâu, rất lâu là khoảng yên lặng sau khi bất chợt họ đã dò được lòng nhau. Hai trái tim gan dạ, trung nghĩa và đang cùng cực cô đơn như bất động, ngần ngại không muốn làm thương tổn chi nhau. Và không rõ có phải do chờ khi trăng chợt tỏ mà người đàn bà mạnh dạn hỏi:

– Nhưng thầy còn một việc phải làm kia mà: còn một chuyến về miền xuôi kiếm vợ. Cũng là chuyện không nhỏ mà Cậu Lâm của tôi từng hứa với thầy!

Tú Tráng rùng mình khi cơn gió lạnh thổi qua. Ông cởi cái áo lạnh, lặng lẽ khoác lên vai người đàn bà. Cũng như cỏ lá chung quanh, giọng ông run rẩy:

– Ngài Đội Lâm trước khi đi xa đã lo tất cả. Một đời Tú Tráng này chịu ơn người Cha và Thủ lĩnh của mình. Cháu gái của ngài đã đặt chân lên tận chốn đồi cao, núi cả không màng an nguy cho tấm thân cao quý, vàng ngọc, tại sao Tú Tráng lại còn dám nghĩ tới chuyến đi về xuôi làm gì kia chứ!

Lâu rất lâu, có tiếng đàn ông đầy âu yếm:

– Ta đang chờ bản ý của nàng đây… Ý nàng là ý trời!

Cũng lâu, rất lâu, mới có tiếng trả lời:

– Xin chàng đừng nói lời bỡn cợt. Từ nay, lời và ý chàng là mệnh lệnh!

***

Dù còn rất nhiều chuyện cần kể, nhưng đây không phải là một cuốn tiểu thuyết. Những chi tiết, truyền thuyết liên quan những nhân vật mà tôi từng nghe ngay từ thời còn trẻ thơ quanh bếp lửa, cho tới thời trai trẻ làm một thầy giáo lẻ loi như người bị lưu đày biệt xứ qua nhiều bản làng còn nguyên mùi vị, tập quán của thời kỳ sau thời hồng hoang không xa lắm, còn sống động trong tôi. Giữa những cuộc phiêu du băng qua những mùa tâm thức gần như mông muội, ơ hờ đó, tôi tìm về được những dấu tích nơi mà tôi gọi là cao và cô quạnh nhất. Tôi cũng nối kết được những mảng dĩ vãng liên quan những con người có thực trong lịch sử – vốn bị đám học sĩ thư lại quen lề thói quan phương bỏ qua –,đặc biệt sự xuất hiện của hàng loạt khu dân cư, làng nghề đan nhau rê dài theo một hệ thống làng bản, kéo dọc từ núi xuống đèo, qua thung lũng và lưu vực bên các dòng sông, là tiền thân hàng chục xã tổng, thị trấn ngày nay. Kết quả những chuyến đi điền dã tài tử của tôi, bao gồm việc nghiên cứu gia phả của các họ tộc, thu thập các truyền kỳ, mò mẫm đọc các bia mộ và ghi chép trong dân gian cho thấy có sự liên quan giữa các dòng máu miền xuôi và miền ngược với các thế hệ xa hơn ta vẫn tưởng. Chữ nghĩa và văn minh kinh thành cùng các vùng văn hoá lân cận vẫn là một dòng chảy lặng lẽ trong máu huyết nhiều thế hệ dân cư ngỡ như quê kệch, thô phác. Ngược lại dòng máu khoẻ khoắn, ương ngạnh của thiên nhiên và núi đồi đã lọc bớt chất ươn hèn, réo rắt, bạc nhược của bọn thị tứ bị Hán hoá sâu sắc. Hai mươi năm lê la, lang bạt chốn nương đồi, nửa như kẻ bất đắc chí, nửa như người tầm đạo cho tôi thấy phần lớn các giai thoại, huyền thoại trong ký ức dân gian là có thực hoặc diễn dịch gián tiếp một sự thực. Những cổ tích, đồng thoại nơi thú và người giao lưu, còn hiểu được ngôn ngữ của nhau, các bài vè và diễn ngôn đầy âm sắc tạo phản có khi lại đúng đắn hơn những công trình thế kỷ được vua chúa ban thưởng. Và tôi hứng thú “đọc” ra những dấu vết cho thấy câu chuyện thời cận đại liên quan các nhân vật mà tôi có lòng kính trọng đã được nhân dân lưu giữ thế nào.

Những con người cô quạnh, nhỏ bé đứng về phía những Roland có số phận bi tráng của họ, người thất bại, sa cơ vì đại nghĩa bay lên chứ không hồi kinh, sung vào đám hàng thần lơ láo. Những tráng sĩ bị kẻ xâm lược và triều đình bất lực truy đuổi sống và hiện hữu an toàn và vinh quang trong tâm thức và ký ức nhân dân. Ký ức và hồi ức tôi được lắng nghe bên ánh lửa bập bùng ở các vùng đồi xa lẫn các khu dân cư ven các dòng sông xuất phát từ đại ngàn, không chỉ lung linh hình ảnh trăn trở, bất khuất của những Đội Lâm, Tú Tráng mà bất ngờ lộ ra một cuộc đời đẹp lạ, đẹp lùng mang tên Mẹ Lành. Chính người đàn bà nhỏ nhắn là phu nhân của Tú Tráng, lại là người trợ thủ thực hiện đắc lực bộ óc của người chồng lỗi lạc. Chính bà đứng ra ứng vốn, thu mua đặc sản khắp một vùng rộng lớn và trên đường buôn chuyến, tiếp cận, quan hệ với cả giới quan binh, mua chuộc bọn chức dịch để xây dựng, nối kết mạng lưới đồng đội của Tú Tráng. Có thể xem người cháu gái của người hùng chiến khu Thạch Sơn năm xưa giờ đã là một lãnh tụ, nhân vật của một thời. Hai người con trai của vợ chồng Tú Tráng là bậc nhân sĩ – chí sĩ trong phong trào Duy Tân về sau. Những tìm tòi, phỏng vấn chắp vá lại của tôi cho thấy người con trai riêng của Mẹ Lành với tên Cu Lặn mà tôi nhắc đầu truyện, một chàng trai hiếu động từ bé, đã có ý nguyện riêng xin theo phò vị vua anh hùng Hàm Nghi, là một trong số nghĩa sĩ Cần Vương đã hy sinh khi cản đường tên phản bội Trương Quang Ngọc, ngay trước cái chết lẫm liệt của Tôn Thất Thiệp lấy thân che chắn cho đức vua.

Các cụ già vùng cao và cả các sư vãi trong các am tự chốn núi đồi chì cho tôi thấy những pho tượng thác là Phật Mẫu, kỳ thực là thờ Mẹ Lành, người đã dạy nghề, mua hàng, cứu đói cho cha ông xưa. Lòng tri ân đầy kính cẩn và bền bỉ qua tháng năm dài làm tôi chợt hiểu vì sao dân tộc này lại căm ghét bọn người vong ân bạc nghĩa đến thế.

Sự son sắt lắng sâu trong tâm thức chan chứa nghĩa tình của con người đối với Cái Đẹp ấm cúng làm sao giữa kýc hoang sơ và đúng vào cái tiết lạnh kinh khủng khoảng thời gian tôi đặt chân tới đó trong một mùa thơ dại khó phai. Vâng, hiến dâng phần đẹp đẽ nhất của mình cho nhân loại và lòng tưởng tiếc không nguôi ngoai tới Cái Đẹp mà đồng loại gửi lại cho mình là cảm hứng chính cho việc sáng tác câu chuyện các bạn vừa đọc qua với lời đề tặng người mà tôi thật sự quý trọng và tri ân với tư cách văn hữu lẫn bạn đọc.

Tháng 3. 2021

Comments are closed.