Người Buôn Gió
Tự dưng hôm nay đi học về, lọ mọ giở cái đám tạp nham có tên Đi Tìm Thương Nhớ viết từ hồi mới ở ”bưng biền” về. Lúc này Berlin đang mưa thu, trời lạnh se sắt.
Tối Hồ Tây
Ngày anh ra đi, rặng liễu chưa xanh màu
Vầng trăng chia ly, lặng lẽ trôi giang đầu
Ngờ đâu anh đi, lạc bước đi qua cầu
Chiều nay qua sông, chợt xót thương đời nhau.
(Em chờ anh trở lại)
Hôm ấy mùa thu, trời cao xanh ngắt, vài đám mây trắng bồng bềnh giữa không trung. Càng gần về Hà Nội, hắn càng thấy nhức mắt, người xe tấp nập, chạy ngược xuôi ríu rít. Một căn nhà cao tầng khủng khiếp làm hắn ngửa cổ nhìn chóng cả mặt. Khói xe, tiếng còi ầm ĩ huyên náo. Hắn nhìn cái gì cũng bé, ngôi nhà, con đường cũng bé. Bước chân vào nhà, hắn nói:
– Sao nhà chật thế nhỉ?
Mẹ hắn cười nhìn hắn trìu mến.
Ơ, lạ nhỉ, thì nhà mình từ xưa đến giờ vẫn thế có rộng thêm gì đâu, từng nào mét thì ngần ấy.
Hắn ra cửa nhìn những hàng quán san sát nhau, những hàng bán bánh kẹo và mỹ phẩm đầy mầu sắc làm hắn hoa mắt ngỡ ngàng. Người ta ở chật vậy mà cũng ở được nhỉ. Suýt nữa thì hắn quên mình đã ở con phố này từ nhỏ cho đến năm 18 tuổi. Lấy cái xe máy ra cửa, mới đầu hơi ngượng tay lái, nhưng vài phút đã quen, hắn chạy từ phố Hàng Bạc lên Hàng Bồ, chốc lại giẫm phanh. Nhiều người thật, có khoảnh đường bằng cái chiếu mà hai ba cái xe đi, trên mỗi xe lại có hai người. Chả bù nơi hắn ở, cả cánh rừng mênh mông, bạt ngàn và những ngọn núi cao vút, cả ngày mới thấy thấp thoáng bóng người. Dừng lại trước cửa nhà người yêu cũ, hắn thấy bà mẹ cô ấy đang dắt cái xe Chaly ra cửa, bà ấy cũng không để ý gã. Chắc bà ấy nghĩ chẳng bao giờ gã quay về với phố phường. Ngắm một lát, rồi gã chạy xe ra Hồ Tây. Chọn cái ghế đá để ngồi. Vừa đặt mình xuống, một gã thanh niên khuôn mặt bụi bặm đến bảo.
– Nếu cậu không uống gì thì cho anh xin tiền ghế?
Hắn quá ngạc nhiên, tiền ghế nào nhỉ. Sao lại như vậy, hay người ta đùa. Hắn hỏi tiền gì. Gã kia bảo.
– Tiền ghế em ạ, cái ghế này anh dành để bán hàng rồi, nếu em uống nước gì thì gọi, để vợ anh nó pha. Còn không cho anh xin 5 nghìn tiền ghế.
Hắn sờ tay vào túi, lúc dắt xe ra cửa mẹ có dúi cho hắn hai chục. Uống nước thì cũng được thôi, nhưng kiểu này là trấn lột chắc. Nghĩ đến đấy hắn thấy sống mũi và khoé mắt giật giật. Hắn lắc đầu dứt khoát.
– Em không có tiền.
Gã kia hất hàm:
– Không có thì biến.
Hắn nhìn trên bả vai của gã kia, có xăm hình con phượng, đuôi dài, nét xăm mảnh và sắc nét rất đẹp, cười nhạt coi thường. Hình xăm mỗi thời kỳ một khác, sơ ri của thời trước 85 thường là Phật bà quan âm, Lâm Xung đi đày. sau 85 là bông hồng có ***g hình cô gái, hay con thuyền, lâu đài cổ Tình mẫu tử, thời 90 thì phượng hoàng ở bả vai, thời 95 thì Tứ đại mỹ nhân, Lã Bố hý Điêu Thuyền. Mỗi hình xăm đều nói lên thời kỳ, nơi ở và địa vị chất chác của kẻ mang nó trên mình. Hắn chạm vào chỗ đôi phượng kia hỏi nhẹ nhàng:
– Dân Z năm 94-95 phải không? Sao phải làm cái trò xin đểu này.
Hắn rời khỏi chiếc ghế đá Hồ Tây khi bóng tối đã phủ kín mặt hồ sau khi được gã đòi tiền mời một cốc trà đá và điếu Vina không lấy tiền. Xung quanh từng đôi trai gái gục đầu vào vai nhau tâm tình. Hắn bỗng nhớ đến cánh rừng mỗi khi trời sầm sập tối, tiếng côn trùng kêu rỉ rả,vài tiếng chim gọi bầy nháo nhác, inh ỏi. Bỗng thấy mình lạc lõng giữa phố phường đang lên đèn rực rỡ các màu, hắn leo lên dốc An Dưong đi ngược lên cầu Thăng Long, đến chân cầu hắn tìm lối đi ra vệ cỏ sát sông, nằm ngửa nhìn bầu trời lốm đốm sao, hắn châm thuốc lá hút, hắn cứ nằm vậy ngắm sao đến khi trời tang tảng sáng mới về nhà.
Têm trầu cánh phượng
Mẹ đặt đĩa cốm lên bàn thờ thắp hương báo tổ tiên thằng út lấy vợ. Trước ngày dạm ngõ, mẹ ngồi trên gian thờ bổ cau, tỉa lá trầu. Lá trầu xanh mướt lá dày và bóng, quả cau mọng căng, gốc trầu đỏ hồng mập mạp được chọn kỹ càng trên chợ Bắc qua. Con dao nhỏ xinh xinh tỉa lá trầu làm đuôi phượng, gốc trầu làm cánh. Quả cau làm thân. Từng con phượng trầu, đuôi xanh cánh đỏ, thân mấy màu, màu ngoài xanh vỏ cau, màu trong trắng, màu cuối nâu nâu, đàn phượng xuất hiện dần dần hiện lên trên cơi trầu sơn son thếp vàng. Mẹ têm trầu cẩn thận và trang trọng, cử chỉ nhẹ nhàng, nâng niu mỗi con phượng vừa làm xong. Con dao nhỏ bén sắc uyển chuyển trong bàn tay tỉa lá trầu, đôi mắt qua gọng kính lão chăm chú ngắm từng đường gân lá.
Mẹ têm trầu khéo có tiếng, hàng xóm, bạn bè mỗi khi có việc đều năn nỉ mẹ têm hộ. Họ còn nhờ mẹ đi cùng. Mẹ mặc áo gấm dài, tết tóc vòng quanh, khăn lụa trùm đầu. Trời se lạnh mẹ khoác thêm cái áo bông hoa. Tất cả những trang phục đều được may ở Phố Lương Văn Can do những nhà may y phục cổ truyền có tên hiệu mà chữ cuối cùng thường là Trạch. Mẹ bưng cơi trầu cánh phượng bằng tay phải, tay trái đỡ nhẹ cơi trầu. Tất cả từng thứ từ quần áo, khăn, dép, dáng đi bưng trầu đều kỹ càng theo đúng phép tắc.
Bánh cốm Hàng Than bọc trong lần lá xanh, lạt hồng, chè mạn Thái Nguyên búp uốn xoăn đều đặn, mứt sen Hải Dương no tròn, tẩm đường kính trắng. Mọi thứ đều mua sẵn, riêng có trầu cánh phượng mẹ phải lên chợ từ sáng sớm chọn cau đẹp, trầu ngon về têm cho đám hỏi thằng út.
Xong cơi trầu, mẹ đặt năm con phượng lên đĩa nhỏ, phết một chút vôi trắng đặt lên bàn thờ. Mẹ thắp hương khấn rầm rì, chốc lại cúi người vái ngắn, lạy dài. Lễ xong, mẹ xếp lại đàn phượng trong cơi, từng con phượng trầu ngay ngắn, cân đối. Bàn tay tần ngần ở con cuối cùng. Mẹ rân rấn nước mắt. Chị vào định hỏi mẹ tráp đã mượn chưa. Thấy mẹ đang khóc, ngập ngừng chị ngồi bên cạnh. Mẹ bùi ngùi.
– Không biết thằng… thế nào…Ai nói cho nó có biết em nó cưới vợ không?
Chị nói.
– Mấy tháng rồi nhà ai cũng bận việc, chỉ gửi bưu điện cho nó thôi, không đi thăm được mẹ ạ.
Mẹ nhìn qua cửa sổ, cái nhìn rất xa, mông lung. Hai hàng lệ vẫn tuôn trên gò má nhăn nheo. Mẹ nhớ đến thằng con nữa đi đã lâu không về nhà. Nó ở xa lắm, nơi có những bức tường cao trên giăng dây thép. Mẹ cứ nghĩ bức tường như thế là quặn đau.
Chị cầm tay mẹ khẽ khàng.
– Thôi mẹ đừng nghĩ, ông bà, bố mẹ từ trước đến nay ăn ở với đời đều có nghĩa có tình. Nó sẽ được trời Phật che chở, hàng ngày mẹ vẫn khấn tổ tiên, trời Phật cầu nguyện cho nó. Mà nó cũng lớn rồi, nó đủ nghị lực và khôn ngoan. Nó không khổ đâu mẹ ạ.
Con phượng cuối cùng hứng giọt nước mắt của mẹ, nó rùng mình xoè cánh bay qua khung cửa sổ. Nó bay mải miết, qua bao làng mạc, núi non. Nó tìm đến bàn tay đứa con tha hương. Đậu trên bàn tay chai sạn, nó kể cho kẻ lưu đày, nỗi lòng của người mẹ têm trầu cánh phượng, trong một mùa thu đầy nắng vàng, có những chiếc xích lô đẹp chở những bà mẹ mang khay trầu đi đầu, những chiếc sau chở những thanh niên áo trắng tinh, quần âu bưng tráp.
Con phượng nhỏ xíu xinh xinh bằng cau, lá trầu, vỏ trầu bay mất từ lúc nào trên bàn tay chai sạn vì cầm cuốc, xẻng của kẻ lưu đầy khổ sai. Chả có con phượng nào như thế biết bay, nhưng trong lòng tên tù luôn khắc sâu con phượng đó là có thật.
Nguồn: http://nguoibuongio1972.blogspot.com/2014/09/mot-thoang-thu.html