Một trăm ngàn tỷ

Tạ Duy Anh

Một anh bạn nhà quê của tôi chuyên nghề nuôi vịt lấy trứng, chả hiểu nghe tin từ đâu, bảo tôi rằng có vị quan lớn sở hữu số tài sản lên tới một trăm ngàn tỷ đồng. Và anh cất công lặn lội mấy chục cây số, chỉ để hỏi tôi một trăm ngàn tỷ là ngần nào.

Tôi bảo anh tin đồn thì nghe làm gì, đều từ bọn phản động mà ra. Quan thì tôi không biết, chứ cán bộ mình toàn người trong sạch, đạo đức cách mạng sáng ngời, thề bồi suốt ngày, cống hiến suốt đời, lấy thời gian đâu nghĩ đến bản thân. Nghe tôi nói thế, anh có vẻ nguôi ngoai, nhưng cứ nhất định hỏi tôi cái câu hỏi lúc mới gặp nhau. Nể bạn, tôi đành ngồi tiếp chuyện anh, về chủ đề mà tôi chán ngấy. Sau đây là đoạn đối thoại giữa chúng tôi:

-Này bạn, đừng trách mình nhà quê nói dai, nhưng mà một trăm ngàn tỉ là bao nhiêu? Nói thật với bạn, mình cũng chẳng thể hình dung ra nó nhiều ngần nào.

Tôi muốn cho yên chuyện, tặc lưỡi bảo:

-Vậy thì để mình giúp. Bạn chỉ cần thuộc phép tính đơn giản sau. Nhớ mà thuộc nhé, vì nó rất đơn giản.

-Ông nói thì chắc mình sẽ nhớ. Nhưng mà phải thật đơn giản đấy.

-Đơn giản hết cỡ. Đây. Cứ cho là bạn đang có một trăm triệu đồng, vậy một tỉ là gấp mười lần số bạn có.

-Gấp mười lần, nhớ rồi. Cứ mình có ngần nào, thì một tỉ bằng mười lần số đó.

-Chính xác.

-Thế mười tỉ?

-Nhân tiếp mười lần lên thôi. Mười tỉ là gấp một trăm lần số tiền bạn đang có.

-Gấp một trăm lần, ghê gớm nhỉ, mình làm bạc mặt cả chục năm, mỗi quả trứng lãi độ vài trăm đồng, có ngần ấy cũng đã thấy nhiều, đây lại còn gấp một trăm.

-Nhân tiếp với mười, tức là một trăm tỉ là gấp một ngàn lần.

-Đến đây thì mình bắt đầu rối rồi, một ngàn lần, tức là một ngàn của một trăm triệu. Khiếp, thế thì chứa vào đâu.

-Đấy mới là một trăm tỉ, trong khi bạn đang nghe người ta nói đến một trăm ngàn tỉ kia mà.

-Thôi, thôi, ông có tìm cách nào khác, chứ cứ nhân nhân chia chia, gấp lên gấp xuống, trăm ngàn vạn lần, có cụ tổ tôi sống lại tôi cũng không hình dung ra nó là ngần nào.

-Vậy tôi có cách này. Đơn giản hơn.

-Đúng rồi, nên đơn giản hơn, chứ cứ như bạn đang nói thì vẫn lằng nhằng lắm.

-Thế này nhé. Hãy giả định mỗi ngày bạn chỉ việc đến nhà ông X. hay ông Z. nào đó mà bạn nghe đồn… bậy, rồi chuyển về nhà số tiền đúng bằng số tiền bạn đang có trong két…

-Gớm, thế thì còn hơn là đi ăn cướp à?

-Đã nói giả định thôi mà. Cứ tưởng tượng là do ông ăn ở phúc đức, không dối trên lừa dưới, không tham ô tham nhũng, không chạy chức chạy quyền, không nói một đằng, làm một nẻo, không xà xẻo của dân nghèo, không bán đất, bán rừng bán biển của công, không chống lưng cho bọn đánh bạc, bọn bảo kê chợ, bọn kit test…. nên trời thưởng cho ông mỗi ngày một trăm triệu đồng, lấy từ nhà một kẻ ăn cắp. Là đang giả dụ thôi, sao ông phải căng thẳng thế.

-Nhưng mà mình nghe nó kinh quá. Thôi được, đồng ý là chỉ giả dụ…À, nhưng mà trước hết ông hãy viết cái con số một trăm ngàn tỷ để mình xem có còn nhớ cách đọc không?

-Vậy để tôi viết giúp bạn. May là hồi bé tôi khá giỏi toán, bạn nhớ chứ. Đây, nó là con số sau: 100.000.000.000.000. Để dễ hình dung, sau con số 1, ông cứ phóng tay viết tiếp 14 con số không, là ok.

-Khiếp, dài dằng dặc như đất nước mình ấy nhỉ. Giả sử ăn may mà viết đúng thì quả là mình cũng không thể nào đọc đúng được. Thôi, bạn nói tiếp đi.

-Giả dụ số tiền đó là của ông, đều đặn mỗi ngày một trăm triệu đồng đem về tống vào két, thì để chuyển hết một trăm ngàn tỉ, ông phải mất chẵn một triệu ngày, tức là tròn ba ngàn năm.

-Ba ngàn năm… Ba ngàn năm là ngần nào nhỉ?

-Là gần bằng toàn bộ lịch sử nước mình. Từ thời vua Hùng đến nay, như lịch sử ghi lại, khoảng bốn ngàn năm. Ông trừ đi một ngàn năm là ra thôi mà.

-Ba ngàn năm, ví dụ chia cho thời gian từ khi lập nước đến nay sẽ là bao nhiêu?

-Ông tự tính được mà. Nhưng thôi, tôi sẽ có cách khác để rút ngắn thời gian. Chẳng hạn ông huy động cả vợ và con đẻ của ông, gồm bốn người cùng chuyển, thì cũng phải sau 750 năm mới xong số tiền đó. Bằng thời gian từ khi có triều Trần đến giờ. Tức là nếu Trần Khánh Dư không đánh Trương Văn Hổ ở Vân Đồn, mà dùng bốn chiến thuyền, mỗi chiến thuyền vận chuyển mỗi ngày một trăm triệu, thì phải đến bây giờ mới lấy xong số tiền đó.

Còn nếu ông huy động toàn bộ con cháu ông, khoảng mười người đúng không, thì cũng phải mất khoảng 300 năm, gần bằng thời gian từ khi Chúa Nguyễn vượt đèo Ngang theo lời khuyên của cụ Trạng Trình.

Trong trường hợp ông đưa cả xã mình rồng rắn nhau đến gồng gánh khuân số tiền ấy về, cứ cho là ba vạn người, mỗi người một gánh đẫy, thì cũng phải từ nay đến ngày này tháng sau có dư mới khuân hết.

Bạn tôi nghe chăm chú nhưng có vẻ như anh đang để ý nghĩ đến một nơi nào khác, đến việc gì đó. Tôi hỏi:

-Phép tính thế đã đủ đơn giản để bạn hình dung chưa?

Bạn tôi cười như mếu:

-Ừ, ông làm mình hình dung ra được một phần rồi. Đúng là một phép tính đơn giản và dễ hiểu.

(Trích từ truyện ngắn Ngộ sát, viết mua vui)

——–

imageBiếm họa của Ngô Xuân Khôi, mò được trên vũ trụ

Comments are closed.