Màu Persimon

(hư cấu bắt đầu từ một câu chuyện có thật)

Nguyễn Thị Hoàng Bắc

clip_image002

clip_image004

“Kính gởi Trung Tâm Stray Rescue,

Tôi viết thư này đến quý Trung Tâm vì tôi cần Trung Tâm chăm sóc lo lắng cho Shell, con chó của tôi. Má tôi đã nhận nuôi dưỡng Shell từ Trung Tâm Stray Rescue của quý vị vào thời gian khoảng từ năm 2009 đến 2010… Vào năm 2012 má tôi bị một cơn đột quỵ nặng, và nay thì bà đang sống với căn bệnh lãng trí Alzheimer’s. Vì vậy Shell đã đến ở với tôi. Vài tháng nay, tôi đang phải chữa trị bệnh ung thư. Và khi Trung Tâm đang đọc những dòng chữ này thì tôi đã kiệt sức. Tôi cần Trung Tâm tìm giúp một người sống một mình sẽ chăm sóc nuôi nấng cho bé Shell của tôi.

Shell là một bé gái rất dịu dàng. Bé đã được sang tay nhiều lần qua nhiều người chủ nuôi khác nhau nên bé thường tỏ vẻ khá mất niềm tin lúc ban đầu (với người chủ mới.) Bé thích được vuốt ve, nựng nịu nhưng không mấy thích được ẵm bồng. Bé rất thông minh.”

(mẩu thư do Trung Tâm Stray Rescue of St. Louis đã post lên FaceBook, theo Kelli Bender, People, ngày 8 tháng 10, 2018)

Hồn Ma Ung Thư

Hôm qua và những lần trước nữa anh về thăm Shell. Từ khi biết bé đã có được một gia đình mới yên ổn và chắc là hạnh phúc, anh thật sự hạnh phúc.

Hôm bác sĩ cho anh hay, ung thư tiền liệt tuyến của anh lần trước nay đã tái phát và lan đến phổi, cả hai lá, ban đầu chỉ là một vết đen, nhưng là những vết đen vô phương cứu chữa. Nhìn ảnh chụp hai lá phổi mình ngoằn ngoèo những đường đen vòng nguệch ngoạc giông giống như những đường gân trên chiếc lá vàng khô sắp rụng, nhìn nét mặt ông bác sĩ Xray, anh hiểu ra sự thể lần này, lần ung thư tái phát, chúng ta chắc là phải xa nhau. Khi dẫn em về nhà thăm mẹ, mẹ không còn phát âm được rõ ràng lắm vì lưỡi đã đơ cứng sau cơn đột quỵ hồi 3 tháng trước, mẹ phều phào, mẹ phải vào nhà dưỡng lão, con đem Shell về, hai anh em chung sống vui vẻ với nhau nhé.

Trước khi bị đột quỵ, mỗi lần tôi ghé thăm, tôi đã rất vui vì thấy mẹ và bé là một tiểu gia đình vui vẻ ấm cúng. Bố và mẹ ly dị nhau đã lâu rồi, chỉ có tôi là con trai độc nhất, bố đã dọn đi tiểu bang khác, và biền biệt sống với gia đình mới của mình, mà chúng tôi lâu nay không liên lạc, và cũng không biết được họ đang ở đâu.

Vậy thôi, gia đình chúng ta ba người là một gia đình hạnh phúc. Mẹ làm nghề nhận hàng và giao hàng trong một tiệm giặt khô, chỗ làm việc của mẹ ở front desk không liên quan gì đến các chất hóa học dùng khi giặt tẩy, thế mà có người bảo mẹ hít nhiều khí độc quá, lại có thời gian buồn tình vì bố nên đâm ra nghiện hút thuốc, nên mọi người bàn ra tán vào, mẹ phải ung thư phổi mới đúng, sao lại bị đột quỵ?

Hôm sắp phải từ biệt nhau, anh đưa bé đến Trung Tâm, trời lạnh, hai anh em mình đều mặc áo len đỏ, anh có hơn em một chiếc mũ len, vì không có mũ len bán riêng cho bé, và chả thấy chó nhà ai mà đội mũ… Anh xách theo một giỏ đồ khệ nệ, tấm nệm nằm hình tròn, cái chăn len, máng đựng thức ăn và nước uống, mấy hộp đồ ăn Blue Life và cục xương đồ chơi Kong bone mua ở PetSmart cho em.

Anh chắc bây giờ em cũng phải đổi khẩu vị theo người mẹ mới, nhưng nếu Trung Tâm đủ quan tâm, họ sẽ lưu ý mẹ mới của em về mấy món ăn và đồ chơi quen thuộc của em. Hôm chia tay, anh dặn em hãy tạm nằm chờ ở đây một lát, anh đã viết thư cho họ, và họ sẽ đón nhận em, và em sẽ tìm được một gia đình êm ấm khác.

Anh không hề quên những lần anh vật vã với hậu chấn của những lần chữa trị xạ trị rồi hóa trị, lần một rồi lần hai, em đều quấn quít không rời bên anh. Mở mắt dậy từ những lần ngất đi vì đau đớn, nôn mửa, anh đã luôn luôn thấy cặp mắt ướt long lanh như rướm lệ bé ngước nhìn anh. Khi anh gượng lấy tay xoa lên đầu em, bé đã run rẩy kêu lên khe khẽ và mừng vui ngoắc đuôi. Bộ lông hai màu đen trắng dài mượt của em, và đôi mắt ngả màu vàng mơ mở to của Shell, anh vẫn nhớ mãi. Hôm sắp chia tay, hình như em có linh cảm là ta sẽ xa nhau mãi mãi, em sợ anh bỏ lại em ở Trung Tâm, và không cho em về theo anh, em đã vùng vằng phản đối, anh đã phải nói dối, ở đây nhé, nằm chơi một lát, anh lại đằng kia rồi sẽ về ngay. Anh xin lỗi…

Giờ thì mọi việc đã tốt đẹp hơn nhiều. Ba liều morphine giảm đau đã đưa anh nhanh chóng vào giấc ngủ thiên thu, và sau đó cái gọi là thế giới bên kia. Chết, đôi khi cũng là một giải pháp tìm ra hạnh phúc. Từ giã những cơn đau điên đảo thắt người đứt ruột, như có ngàn triệu con sâu răng nhọn như gai đang lúc nhúc chậm chạp bò và ngâm nga gậm nhắm xương tủy mình, những trận ói mửa liên tục không gì ngăn lại được, hết lần này sang lần khác anh đã ngất đi trong phòng ngủ, nhà tắm, và tỉnh dậy lần nào cũng thấy có Shell bên cạnh. May mà anh đã đổ đấy thức ăn, nước uống trước cho em trong bát, anh sợ có khi mấy ngày không tỉnh dậy được, Shell sẽ đói chết mất…

Giờ thì đã hết, thể xác không còn lấy chi để bị hành hạ, anh giờ là cái bóng nắng lướt qua, là cơn gió chiều bay thoáng, là một chút âm thanh, hương hoa nhè nhẹ rung lên, vô hình vô ảnh nên nhẹ tênh. Và giờ mới thực sự hiểu sự giải thoát khỏi hình hài cái hình hài làm thiệt cái thân chi *!

Anh cũng ghé về thăm mẹ, bệnh Alzeimer’s của mẹ không giảm cũng không tăng, nhưng chắc vì quên đời như mẹ, chắc vì chế độ nuôi dưỡng của nhà già không đến nỗi tê, hôm anh ghé thấy mẹ tuy đi đứng chập chững, nhưng đã dùng được một tay chưa liệt còn lại, mẹ đang soi gương, và chải đầu, và ngắm mình trong gương, và hình như hơi mỉm cười. Anh tiếc là anh đã không còn cũng một ngôn ngữ người sống với mẹ để nói cho mẹ biết là anh đã nhẹ nhàng đi xa, và vô lo, và thế là hạnh phúc, phải không Shelll?

Anh đang về đứng ở cửa sổ, và nhìn em giây lát. Loài người bảo loài chó có linh tính bén nhạy với hồn ma, không biết có phải vậy không, lần nào hồn ma anh đứng ở cửa sổ, em cũng ngước mắt ngoảnh mặt về phía anh mà chăm chú nhìn. Có lần anh đến gần, nhè nhẹ vuốt lưng em, Shell đã nằm im và rên ư ử, như những lần khi anh còn sống, anh em mình đã xiết bao âu yếm lẫn nhau. Có điều làm em hơi ngạc nhiên chút, bàn tay anh vuốt ve lần này sao không ấm mà lại buốt.

Bà mẹ mới

Bà mẹ sống một mình. Không phải độc thân. Lúc còn con gái tôi đã lập gia đình một lần với John Aloia. Nhưng John đã sớm qua đời khi tôi mới hơn bôn mươi và con trai mới 5 tuổi. Năm con trai William Aloia 35 tuổi, cháu là phi công hãng hàng không dân dụng quốc tế, mặc dù theo thống kê chính xác thì cứ 16 triệu chuyến bay mới có 1 vụ tai nạn chết người hoặc mất tích, nhưng con trai duy nhất của chúng tôi kém may mắn rơi vào trường hợp hiếm hoi đó.

Hai người đàn ông của gia đình đã đi một chuyến vào vô tận và không bao giờ trở về nhà nữa, tôi cũng không bao giờ muốn lập lại một gia đình mới nào khác. Trước khi có Shell, tôi sống một mình cũng quen, năm Bill mất thì tôi cũng đã hơn 60, quỹ thời gian còn lại không bao nhiêu, tôi yên tâm sống với những ngày về chiều, không mong đợi, không vẽ vời tưởng tượng gì nữa về cái gọi là tương lai.

Với người già, chúng tôi chỉ có hiện tại, và với kinh nghiệm ở đời, họ biết chắc là chúng ta thường vẽ vời lẫm cẩm về cái tương lai gọi là vô định kia, hoặc là ông trời hay chơi ngẵng, bạn mơ ước và chuẩn bị và sắp xếp cho tương lai theo một nẻo này, ông trời thường dắt nó về một nẻo khác.

Người thông minh tỉnh táo thì vui lòng chấp nhận và bổ sung nó phần nào theo ước muốn của mình, người bi quan thì đầu hàng tuyệt vọng, và không ngớt chéo véo than van oán trách ông trời trên cao sao tôi ở hiền mà chẳng gặp lành, người nhút nhát mê tín thì cố gắng chăm chỉ đi chùa, đi nhà thờ nhiều hơn lệ thường một tí (mong sao Trời thương Phật độ…).

John đã chia sẻ cuộc sống vợ chồng với tôi gần 20 năm, Bill cũng đã chia sẻ với tôi lúc này lúc khác, bay đi bay về, có khi sống với mẹ vài tháng vài năm, và có khi theo đuổi vui sống với bạn bè, những người tình quốc tế của nó ở những đất nước xa xôi nào khác, nó tự hào, đời phi công thích thú là ở chỗ đó. Trước khi cháu rớt máy bay và mất tích.

Cũng đã muộn để hối lộ Trời Đất, nhưng những buổi tĩnh tâm ở nhà thờ cũng đem lại cho tôi đôi chút những giây phút sống hiền lành tử tế, không phải chia sẻ được gì, quên lãng được gì, vì thật khó, rất khó để tìm được một người bạn nghe được mình nói gì, hiểu được,đón ý được, và với từ tâm tha thứ cho những lúc nói nhiều, những lúc lên cơn lắm lời, và lầm lỗi của mình. Tôi cũng không muốn làm phiền Chúa Trời và Các Thánh trên cao lắm.

Bây giờ tôi đã có Shell. Cám ơn Trung Tâm đã chấp nhận cho Shell về ở với tôi. Có đến 4 ứng viên trẻ hơn tôi vào phỏng vấn, và vì thương cảm hoàn cảnh Shell họ đã tình nguyện xin nhận nuôi Shell, nhưng với kinh nghiệm khá già dặn của nhân viên Trung Tâm, tôi kể như trúng tuyển, và theo họ, có lẽ tôi hợp ý nhất với di chúc nguyện vọng để lại của Richard, người đã tự sát vì bệnh nan y của anh.

Tôi bây giờ ráng sống rất lành mạnh, mỗi ngày chúng tôi chia sẻ những giờ đi bộ với nhau ngày hai lần đều đặn, lạnh cũng như ấm, nắng cũng như mưa, những buổi chiều xế ngồi coi tivi chung, buổỉ tối chia nhau cùng phòng ngủ, tôi không muốn đau ốm hay chết, phải bỏ Shell lại một mình, và phải trối trăng như Dick.

Shell hay đa nghi vì đã bị sang tay quá nhiều lần. Tôi phải làm cho Shell tin cậy ở tôi. Nếu John, Bill và Dick ở trên trời hay đâu đó, họ sẽ hiểu là tôi vẫn thương nhớ họ, và đang đạt được hạnh phúc cuối đời với Shell.

Cả ba người đàn ông đó có lẽ sẽ cũng hạnh phúc lây với tôi.

Hôm nay trời hơi lạnh và không nắng, tôi và Shell đi dạo một lát đã phải quay về. Cây persimon do Bill trồng đã ra trái nhưng chỉ mới vàng hoe chứ chưa chín lắm, tôi cũng hái vào mấy quả, sợ để mấy chú squirrals phá phách như quỷ, nhai nhai nhổ nhổ đầy vườn. Để trên bàn thờ, tôi nói mời John và Bill, và cả Richard nữa, nếu không Shell nó sẽ trách, sẽ nhắc.

Màu ửng vàng của quả, xanh đậm của lá trang điểm bàn thờ của họ, và tỏa hương cho gian nhà ấm cúng của chúng tôi.

Người mẹ Alzeimer’s

Richard nó đi đâu rồi nhỉ. Cả Shell cũng không thấy tới. Chắc chúng lu bu bận việc gì nên chưa đến, và tôi thỉnh thoảng cũng chờ nhưng không phiền trách gì. Cuộc sống ở Viện Dưỡng Lão khá yên ổn, tôi đã có nhiều bạn già và không cô quạnh như mấy khi ở một mình lúc trước. Mấy cô cậu y tá nhân từ chăm sóc thường là ngọt ngào với chúng tôi. Chỉ các cô trực đêm làm việc bán thời gian, và ban đêm thường làm họ mệt hơn chăng nên có hơi cáu gắt. Nên tôi rất ngại phải kêu réo họ lúc ban đêm.

Kể từ khi bị liệt một tay và một phần nửa mặt, nói năng và cử động khá khó khăn nhưng tôi vẫn có những dụng cụ hữu dưng giúp tôi, cây khoèo để lấy đồ ở xa, trên cao, nạng gỗ chống bên mạnh đỡ bên liệt, cái chuông bấm, và dây điện thoại ngay đầu giường ngủ, và bát và ly và muỗng đặc biệt không vỡ cho người dùng một tay…

Tôi không nhớ vì sao tôi phải vào đây, ai đã đưa tôi vào, và vào từ hồi nào…

Thỉnh thoảng Dick tới thăm, và nó dẫn theo cả Shell nữa. Tôi nhớ được tên cả hai anh em nó, và biết nó là con tôi, thỉnh thoảng đến thăm, và mua cái gì đến ăn cơm, và giúp tôi ăn chung với chúng. Tôi và Dickie chỉ dài dòng nói chuyện không ngớt về Shell thôi.

Tôi nhớ nhiều chuyện về Shell lúc nó mới về nhà cũng như chuyện Rich lúc bé đã khóc lóc không chịu xa mẹ để đi học. Shell thì lông hai màu đen trắng, Rich thì tóc nâu vàng mắt xanh, không hiểu sao hai tụi nó là hai anh em. Cả Richie và Shelly đều thích trò chuyện với tôi, còn Richard thì hay hỏi, má ở đây được chớ, bạn bè tử tế chớ, bạn bè tôi ai cũng mừng tôi có hai đứa con ngoan. Thỉnh thoảng tôi đọc kinh cầu Bình An cho hai đứa nó, và cho tôi. Chỉ cần hai đứa nó bình an thì tôi bình an, tôi không biết được việc gì nhiều ở đời sống này, có nhớ chỉ nhớ nhiều chuyện cũ, vui cũng có, buồn thì ít hơn, nên cảm thấy mình cũng hạnh phúc bình an.

Bác sĩ bào tôi yên tâm, bệnh tôi không tăng cũng không giảm, mấy cái vảy trắng mọc lên bám vào bán não làm tôi khó tiếp thu chuyện mới, chỉ nhớ được chuyện cũ, bác sĩ an ủi tôi, đó cũng là chuyện bình thường của người lớn tuổi. Có bao nhiêu phần trăm người già vướng phải bệnh này, bà vừa nói ban sáng giờ tôi đã quên, đôi khi tôi ráng nhớ tôi đã ăn cơm chưa cũng chịu, kể cũng hay, cứ thấy đói là xin ăn, khát thì kiếm nước uống, chả phải lo âu ghi nhớ thêm làm gì cho mệt. Và cũng chẳng biết mình sẽ sống chết ra sao. Có ký ức thì dùng được vào việc gì chứ?

Từ hôm qua, cánh tay liệt nay đã lan rộng xuống tới chân, bác sĩ bảo không sao, đằng nào bà cũng không cần chống nạng mà chỉ ngồi xe lăn, nhà dưỡng lão lại ưu tiên cho tôi một chiếc xe lăn điện chỉ cần bám nút lướt nhẹ là nó lăn đi. Cái ghế nệm và tấm lót lưng mới êm ái làm sao. Có mấy người bạn gần phòng hay xem tivi cùng với nhau còn bảo, ngồi xe lăn cũng học khiêu vũ được nha, hôm nào bà ghi tên đi học với chúng tôi đi.

Chả biết chúng nói thật hay đùa nhưng thấy họ cười ròn rả, tôi phản xạ cũng cười theo, và cũng vui lây. Buồn cũng hay lây mà vui cũng hay lây, cũng giống như mùa dịch hạch năm ấy, lúc tôi còn ở dưới quê, trận dịch tràn tới, cả nhà tôi ba má, anh chị tôi tất cả 4 người trở thành 4 cái xác, chỉ có tôi duy nhất là đứa sống sót. Tôi vẫn nhớ ngôi mộ chung cả nhà, tất cả chôn chung trong một khoảnh đất hẹp có tường thấp bao quanh. Hồi đó, nghe có người hay đi du lịch về thuật lại, phong tục người Nhật chôn cất gia đình theo kiểu đó, cả nhà chung một nấm mồ xúm xít cùng nhau để gần gũi như lúc đang còn sống.

Lần tới, khi Dick và Shell đến thăm, tôi sẽ nói với chúng nó chuyện này, xem chúng có ưng cả gia đình sẽ chung một nấm mồ hay không.

Shell

Tôi thuộc giống beagle, lớn lên từ Trung tâm cùng với một lũ bạn, có đứa thuộc giống beagle như tôi, là Walter, là Regunial, có đứa thuộc giống poodle như Bella… chúng tôi cùng lớn lên ở Trung tâm, cùng vui đùa, gây gỗ với nhau. Khi có môt ai đó nhận một đứa đem về nuôi dưỡng chúng tôi mừng cho nó, và buồn buồn mong ngóng tới phiên mình. Cũng không hiểu tại sao tên tôi là Shell, không chừng mọi người thấy tôi xinh xắn lấp lánh như cái vỏ sò thì kêu tôi là Shell?

Ỡ lâu với người chúng tôi không nói được nhưng nghe hiểu được tiếng người. Và tình cảm quyến luyến với người nuôi dưỡng mình như một bẩm sinh. Câu chuyện nổi tiếng về Max, một anh chó thuộc giống German shepard, khi người chủ nuôi tử trận ở Irak, Max đã ở ngoài mộ chủ cho đến chết. Câu chuyện được truyền miệng khắp Trung tâm, mặc dù Max không xuất thân từ một trung tâm với chúng tôi.

Khi tôi về ở với má Margaret, anh Dickie thường đến thăm mẹ, và đến khi mẹ bị ốm phải vào nhà dưỡng lão, Dickie đem tôi về ở với anh ấy. Mỗi khi Dick đi thăm mẹ, tôi đều được đi theo. Chúng tôi là người một gia đình.

Lúc Dickie học đại học, tôi chưa gặp anh ấy. Tới khi anh ra trường, kiếm được việc ở tiểu bang xa, Dick đến chào mẹ Margaret, tôi và Dick rất thích nhau. Sau đó, Dick kiếm được việc tốt ở cùng thành phố với mẹ, và cho tới khi Meggy dọn nhà vào viện dưỡng lão, tôi đến ở với Dick tự nhiên như đã ở nhà với Meggy thôi.

Tôi không thể quên được hình ảnh tiều tụy yếu ớt của Meggy khi má lâm bệnh. Tiếng má gọi, Shelly Shelly, nhẹ như tiếng gió làm tôi mủi lòng. Tôi liếm bàn tay cứng đờ của má, như nói với má, dù má có thế nào, con vẫn muốn sống với má.

Đời chó dài chỉ khoảng từ 10 đến 12 năm, nhưng đời người thì đằng đẵng đến cả trăm năm. Nên về lâu về dài, chúng tôi thường từ giã người chủ nuôi mình trước khi họ bỏ chúng tôi ở lại, trừ mấy trường hợp người nuôi đã quá già khi mình bắt đầu về ở với họ. Má Maggy không già, nhưng tôi chỉ sống với má khoảng 2 năm thì má mất khả năng tự chăm sóc, phải vào nhà già. Dickie trẻ, tôi tin chắc mình sẽ sống mãi với Dickie cho đến hết đời.

Có lần Dick đưa cô bạn gái tóc ngắn Eugenie về nhà chơi, cô ấy đi rồi thì Dickie bảo tôi, Gina không thích mày hả, mà mày cũng không thích cô ấy hả, vậy tao cũng không thích Gina luôn… Tưởng Dick nói đùa, sau đó, chẳng thấy Gina đến chơi lần nào nữa.

Ba ngày trước khi Dickie đưa tôi đến Trung Tâm, đêm nào tôi cũng ngủ trên giường với Dick. Tôi có linh tính tôi phải xa Dick. Nhưng Dick bỏ tôi đi đâu thì tôi không rõ lắm…Tôi lại về lại Trung Tâm xưa kia tôi đã sống mà từ đây mẹ Meggy đã nhận tôi về. Tôi không lạ lùng gì đời sống ở đây. Và lại bắt đầu kết bạn mới với tụi Zena, Huey, Cooper… Và lại chờ đợi một người mẹ, cha, anh, chị mới nhận về nhà.

Nhưng tôi cảm thấy chán ngán tình đời. Sao loài người cứ thay đổi xoành xoạch thế? Sao họ không ở yên một chỗ, làm một việc, sống trong một căn nhà cho đến hết đời mãn kiếp? Họ không cảm thấy chóng mặt à? Họ không muốn gắn bó với những người, vật, đồ vật chung quanh khung cảnh thân yêu của họ sao? Đến cả việc làm họ cũng không biết trung thành, chung thủy là gì như loài chó chúng tôi. Hay đời sống của họ lâu dài quá, nặng nề quá, họ cần bay nhảy, thay đổi để khỏi ngột ngạt chán đời chăng?

Cho tới khi tình cờ gặp lại Gina, bạn gái năm xưa của Dickie, tôi mới biết, sau khi Dickie đem tôi đến giao trả lại Trung Tâm, Dickie đã tự sát vì không chịu nỗi sự hành hạ của căn bệnh nan y. Tôi đã hoảng hốt, và bần thần suốt buổi, và bỏ ăn, và suýt bị ốm cả hai ngày khi nghe được tin này. Tôi cứ nghĩ kiếp người phải cao sang, phải đáng mơ ước hơn kiếp chó của chúng tôi chứ. Vì cứ nghe ngôn ngữ lũ người suốt ngày miệt thị, thức ăn thừa, ăn không hết ở nhà hàng thì họ gọi là doggy bag, vài công viên và chung cư không cho phép những người có chó đến chơi hay thuê ở, đôi khi họ nói bảo người nào dogged nghĩa là cứng đầu khó dạy như… chó. Thằng Cooper đã có thời gian sống với một người chủ là anh Mỹ gốc Việt, Cooper kể, chủ nó nói, ở đó, họ hay nói, chó má có ý nghĩa không ra gì, và đồ chó hay con đĩ chó là thứ người hạ đẵng… Và tôi nghĩ đến đời của má Meggy, anh Dick, hay người mẹ hiện tại của tôi, họ hiền lành tử tế, họ không lọc lừa gian ác với đồng loại và với chúng tôi, sao đời sống của họ nhiều thảm kịch đến thế?

Tôi hiện đang ở một mình với mẹ, không có bạn thông minh cùng chủng loại như Molly hay Cooper để bàn tán xem chúng nghĩ sao.

Nếu có kiếp sau như loài người đã tin, tôi muốn làm người hay yên tâm tái sinh làm chó cho nó ổn? Nhớ có lần Richard kể tôi nghe, có một truyện ở phương đông kể về hai con người do tình cờ đã lên được cõi tiên, nhưng chỉ ở với tiên được nửa năm, hai người nhớ loài người của họ quá nên đòi về lại trần gian… Nửa năm tiên cảnh một bước trần ai.*

Mẹ Angela đang gọi tôi di dạo buổi chiều. Trời đang trong và ấm.

Những buổi chiều đẹp như hôm nay, Richard cao hứng bất tử sau khi từ sở trở về, thường ôm thốc tôi, và vừa huýt sáo vừa vứt tôi vào ghế sau, và cứ thế Richie cho xe phom phom chạy. Richie còn hứng khởi hạ cửa kính sau xuống cho tôi tha hồ thò cổ ra ngó trước ngó sau chia sẻ ngắm nghía cảnh chiều với Richie.

Mẹ Angela không thường lái xe nên chúng tôi hay đi bộ thể dục và ngắm cảnh. Tôi lon ton đi trước ra vẻ dẫn đường, mẹ tôi thong thả bước những bước chậm và ung dung tin cậy theo sau. Những buổi chiều vàng rực rỡ vì hai bên đường những bụi cúc dại lá xanh bé tí và các bụi cúc trồng cao lớn đan xen lẫn nhau đang tưng bừng nở rộ hoa thu.

Virginia, tháng 10/ 2018

nthb

________

*bài hát nói Nguyễn Công Trứ.

*thơ Tản Đà.

Comments are closed.