Mua Lenin

Miroslav Penkov (Bungari)

Hiếu Tân dịch

Khi ông nội biết tôi sắp sang Mỹ học, ông viết cho tôi mấy dòng tạm biệt: “Mày thằng tư bản thối nát. Thượng lộ bình an. Thân yêu. Ông nội.” Nó được viết trên một lá phiếu bầu màu đỏ đã nhàu, từ những cuộc bầu cử năm 1991, tờ phiếu quan trọng nhất trong bộ sưu tập phiếu bầu cộng sản của ông nội, và nó mang chữ ký của mọi người trong làng Leningrad.

Tôi xúc động khi được nhận một vinh dự như thế, nên ngồi xuống, lấy ra tờ một đô la, và viết cho ông nội mấy dòng trả lời sau đây: “Ông nội – người cộng sản bị bịp. Cám ơn ông về lá thư. Cháu sẽ bay ngày mai, và sang đến đó cháu sẽ cưới một cô vợ người Mỹ ngay khi có thể. Cháu sẽ cố gắng có một đàn con Mỹ. Yêu ông. Cháu của ông.”

Trong năm cuối của tôi ở trường trung học, trong khi những đứa bạn cùng lớp đua nhau uống rượu, hút xách, chơi gái, đánh bạc, làm bạc giả, hoặc chế bom cho những trận bóng đá, tôi chúi đầu vào học tiếng Anh. Tôi học thuộc những từ và những quy tắc ngữ pháp, và thực hành những bài tập uốn lưỡi dành riêng cho người Đông Âu. Remember the money, tôi nhắc đi nhắc lại trên đường phố, dưới vòi tắm hoa sen, thậm chí trong khi ngủ. Remember the money, remember the money, remember the money. Những câu như thế giúp cho lưỡi ta dẻo lại. Và luyện cho tai nghe tốt.

Tôi sống một mình trong căn hộ vì vào thời gian đó hầu như mọi người mà tôi yêu mến đều đã chết cả rồi. Đầu tiên là bà nội. Rồi đến bố mẹ tôi. Ông nội tôi đã chuyển đến một làng mới được đổi tên thành Leningrad, và bướng bỉnh từ chối trở lại thành phố và thăm tôi. Tôi chắc đã nói những điều khá tệ vào những dịp nào đó, đặc biệt khi giữa ông và tôi cãi nhau to, và ông thật sự bị tổn thương.

Bởi vậy tôi quyết định đi tìm vận may ở một nơi nào khác. Đầu năm 1999 tôi được nhận vào trường Đại học Arkansas và được nhận một chuyến du học miễn phí– học bổng toàn phần, phòng ngủ và tiền ăn, lại cả vé máy bay nữa. Tôi gọi cho ông nội.

“Cháu nội của ông: một thằng tư bản!” ông nói. “Ông không thể nào tin cháu lại làm chuyện đó với ông. Nhất là khi cháu biết ông đã phải trải qua những gì.”

Những gì ông nội đã từng trải qua cơ bản là như thế này: Năm đó là năm 1944, ông nội khoảng 24-25. Mặt ông thô tháp khắc nghiệt nhưng ngay thẳng. Mũi ông nhọn. Đôi mắt xẫm của ông lóe lên những tia lửa của một cái gì đó mới lạ, lớn lao, một cái gì đó đang làm thay đổi thế giới một cách sâu sắc. Ông nghèo. Ông thường nói với tôi: “Bữa sáng ông ăn bánh mì với táo dại. Bữa trưa ông ăn bánh mì với táo dại. Bữa tối ông ăn táo dại, vì bánh mì đã hết.”

Đó là lý do vì sao khi cộng sản đến làng ông ở Bungari để cướp lương thực, ông nội đã đi theo họ. Tất cả chạy vào rừng đào hầm trú ẩn và sống ở đó cho đến những tuần cuối cùng – cả ngày lẫn đêm ẩn kín trong hầm. Bên ngoài, bọn phát xít đánh hơi tìm họ, dùng chó săn lùng họ, với súng, bom và tên lửa của chúng, những đồ chó đẻ điên dại ấy. Có lần ông nội bảo tôi: “Nếu cháu thấy một nấm mồ là quá chật hẹp, thì hãy đào một cái hào. Không, không, biến bản thân cháu thành một cái hào và nhét thêm mười lăm người nữa vào đó trong một tuần. Nhét cả vài ba bà chửa vào đó nữa. Và một con dê đói. Rồi đi rêu rao với mọi người rằng một nấm mồ là nơi chật hẹp nhất trên thế gian.”

“Cháu chưa bao giờ nói nấm mồ là nơi chật hẹp nhất, ông ạ.”

“Nhưng cháu đang nghĩ thế.”

Vậy là cuối cùng ông tôi đã quá đói trong cái hầm ấy, và quyết định vớ lấy một khẩu súng và đi vào làng kiếm thức ăn. Khi vào đến làng ông thấy mọi sự đã thay đổi. Một ngọn cờ đỏ phần phật bay trên tháp chuông nhà thờ. Nhà thờ đã đóng cửa và biến thành phòng họp. Mọi người tự do đi lại, và trong những đôi mắt của họ lóe lên những tia lửa của một cái gì đó mới lạ, lớn lao, một cái gì đó đang làm thay đổi thế giới một cách sâu sắc. Ông nội quỳ phục xuống và khóc và hôn mảnh đất quê hương. Ngay lập tức, ông được đảng đồng hóa. Ngay lập tức, ông được giao một nhiệm vụ trong chính quyền địa phương. Ngay lập tức, ông leo dần lên những nấc thang, lên đến thành phố, nơi ông trở thành cái gì đó của một ban ngành gì đó. Ông nội đứng đầu một ban, rồi ông nội cưới bà nội, và một năm sau hai người có một bé trai.

“Có chuyện gì khủng khiếp mà ông đã trải qua?” Tôi hỏi ông qua điện thoại, trước khi tôi sang Mỹ. “Ông đã có cuộc sống tốt đẹp mà.”

“Tao ghét chủ nghĩa tư bản,” ông tôi nói. “Tao yêu Lenin.”

“Ông có yêu cháu không?”

“Mày là cháu tao.”

“Vậy ông lên thành phố đi. Ông ở với cháu trong căn hộ.”

“Ở đây tao còn có việc phải làm.” Ông tôi nói “Tao có những trách nhiệm.”

“Ông sửa sang quét dọn những ngôi mộ”

“Ông không đi được.” Ông nói “Cháu biết đấy, ông không đi được.”

“Cháu biết. Đó là lý do vì sao cháu ra đi”

Tôi đến Arkansat ngày 11 tháng Tám, 1999. Ở sân bay tôi được ba người đón, hai nam một nữ, tất cả mặc comlê. Họ thuộc một tổ chức nào đó chăm lo cho các sinh viên quốc tế, và đã gửi e-mail cho tôi từ trước, hứa sẽ đón.

“Chào mừng bạn đến Hoa Kỳ.” Họ nói bằng giọng ấm ấp thân tình. Gương mặt họ sáng sủa dễ mến. Chúng tôi bắt tay nhau. Khi đã vào trong xe họ đưa cho tôi quyển Kinh Thánh.

“Bạn có biết cái gì đây không?” Cô gái hỏi giọng rất chậm và rất to.

“Không.” Tôi nói. Cô ấy có vẻ thật sự hài lòng.

“Đây là công tích của Đấng Cứu thế của chúng ta. Lời của Chúa.”

“A, tức là Lenin toàn tập.” Tôi reo lên. “Tập mấy đấy?”

Khi tôi còn là một thằng bé con, nghỉ hè tôi thường về làng với ông bà tôi. Mùa đông thì ông bà lên thành phố, ở cách căn hộ của tôi hai khối nhà, nhưng khi trời ấm lên, ông bà lại khăn gói về quê.

Những hôm trăng sáng, ông tôi thường cho tôi theo đi bắt tôm. Suốt ngày chúng tôi ở trong sân, chuẩn bị những túi lớn, dùng dây chằng giữ chắc đáy của chúng, vá lại những lỗ thủng từ lần trước bắt tôm trên sông. Cuối cùng khi mọi việc đã xong, chúng tôi ngồi trước cổng ngắm nhìn mặt trời đang lặn xuống sau những đỉnh của dãy núi Balcan. Ông nội hút thuốc, rút con dao díp ra và khía những hoa văn trên vỏ chiếc gậy bằng gỗ dẻ mà chúng tôi đã gọt để câu tôm. Chúng tôi đợi trăng lên, và đôi khi bà nội ngồi bên chúng tôi và hát, còn ông nội thì kể những câu chuyện ngày xưa khi ông phải chạy vào rừng, trốn trong hầm trú ẩn với các đồng chí cộng sản của ông.

Cuối cùng khi trăng lên cao và tỏa ánh sáng rực rỡ, ông nội duỗi chân đứng dậy.

“Bọn chúng ở trên bãi cỏ. Chúng ta ra đó bắt”

Bà nội làm bánh kẹp để ăn đường và gói trong những khăn giấy, thường rất khó bóc ra vì rất dính. Bà chúc hai ông cháu gặp may, và hai ông cháu rời khỏi nhà, bước trên đường làng rồi đi trên con đường lầy xuyên qua rừng. Ông nội đeo túi và cầm gậy còn tôi bước theo ông. Trăng soi sáng con đường chúng tôi đi, làn gió nhẹ mơn man trên mặt. Tiếng sông âm vang đâu đó gần đây.

Chúng tôi ra khỏi rừng đi vào đồng cỏ, và với bầu trời đêm rộng mở trên đầu, chúng tôi nhìn thấy cả. Dòng sông và tôm. Sông thì lúc nào cũng tối và gào réo. Tôm thì luôn luôn nhảy trên bãi cỏ, di chuyển chậm chạp, càng của chúng kẹp vào lá cây mao lương.

Hai ông cháu ngồi trên cỏ, lấy bánh kẹp ra ăn. Dưới ánh trăng vằng vặc thân mình những con tôm loáng ướt lấp lánh như than đá sống, và bờ sông trông như được bọc bằng những cục than hồng đang cháy, những đôi mắt nhỏ nhìn chúng tôi qua đêm tối. Sau khi ăn xong, cuộc câu bắt đầu.

Ông nội đưa cho tôi một cái túi và một cây gậy. Hàng trăm con tôm giật giật dưới chân chúng tôi: đưa đầu gậy xuống chọc chúng thì chúng cố hết sức bám chặt đầu gậy. Tôi học cách nâng chúng lên và lắc cho rơi vào túi. Thế là tóm gọn từng con.

“Bọn này rất dễ bắt.” Ông tôi thường nhận xét. “Cháu bắt một con, nhưng những con khác không chạy. Những con khác thậm chí không biết có cháu ở đó cho đến khi cháu nhấc nó lên, và cho đến lúc ấy nó vẫn không biết gì cả. Nó chẳng dạy cho chúng ta một bài học để áp dụng vào bản chất con người đó sao?” Tôi còn bé quá chẳng hiểu bài học gì, nên cứ nghe và cứ bắt.

Một giờ, hai giờ, ba giờ trôi qua. Mặt trăng mệt quá đã lặn mất dưới chân trời. Đằng đông rực đỏ. Và lúc này lũ tôm đồng loạt xoay tròn và chậm rãi, im lặng trườn xuống sông.

Sông đón chúng về, thân chúng lạnh và thô ráp, sông ru chúng ngủ khi ngày sáng rõ. Chúng tôi ngồi trên cỏ, túi nặng những tôm. Tôi gục trên vai ông ngủ. Ông cõng tôi về làng. Ông thả hết tôm ra.

Trong phòng ngủ ký túc xá tôi gọi ông. Một lúc lâu không nối được, nhưng rồi đường dây nghe tiếng “cạch” và tôi nghe giọng ông nội ở đầu kia.

“Cháu hả?”

“Dạ cháu đây”

“Cháu ở đó.” Giọng ông nhỏ không nghe rõ, và tiếng vọng lại nghe như thể chúng tôi đang đứng đối diện nhau ở hai đầu một đường hầm.

“Cháu thấy thế nào?”

“Cháu thèm ngủ. Ông có nhận được thiếp của cháu không?”

“Tao ném cho lợn nhai rồi. Lợn nó thích tiền Mỹ lắm.”

Đường dây kêu răng rắc như thể bị gió giật.

“Ông ơi, giữa ông và cháu là biển cả mênh mông. Cháu cách xa ông lắm.”

“Xa lắm” Ông tôi nói. “Nhưng ông hy vọng rằng máu mặn hơn nước biển.”

Khi ông ba mươi tuổi và nắm chức vụ gì đó của cái ban ngành gì đó, ông tôi gặp người phụ nữ của lòng ông. Một chuyện tình cộng sản cổ điển: họ gặp nhau ở cuộc họp đảng buổi tối. Bà nội đến muộn, ướt đầm mưa, ngồi vào chiếc ghế trống cuối cùng, bên cạnh ghế ông nội, và gục trên vai ông ngủ vùi. Ngay ở đó và ngay lúc ấy ông ghét sự thờ ơ với công việc Đảng của bà, và ngay ở đó và ngay lúc ấy ông yêu mùi thơm từ bà tỏa ra, nét mặt của bà, hơi thở của bà trên cổ ông. Sau đó hai người nói về lý tưởng cao đẹp về tương lai tươi sáng, về chủ nghĩa tư bản xấu xa của phương Tây, về sự ủng hộ chí tình của Liên Xô, và quan trọng nhất, về Lenin. Ông nội thấy hai người có cùng sự say mê, cùng nhìn sự vật với lòng ngưỡng mộ và biết ơn, và thế là sáng hôm sau ông đưa bà đến tòa Thị chính, để kết hôn.

Bà nội chết vì ung thư vú năm 1989, chỉ một tháng sau khi chủ nghĩa cộng sản bị xóa bỏ ở Bungari. Lúc đó tôi lên tám và tôi nhớ rõ tất cả. Chúng tôi chôn bà trong làng nơi bà sinh ra. Chúng tôi đặt quan tài lên xe ngựa và buộc xe ngựa vào đuôi máy kéo, máy kéo kéo xe ngựa và chiếc quan tài, còn chúng tôi đi bộ đằng sau. Ông nội ngồi trong xe cạnh quan tài, nắm chặt bàn tay đã chết của bà nội. Tôi nghĩ hôm ấy thật ra không mưa, nhưng trong trí nhớ của tôi tôi nhìn thấy mưa và mây và gió. Có lẽ là mưa trong lòng tôi, cơn mưa lặng lẽ, thấm lạnh rơi khi ta mất người thân yêu của mình. Chắc trong lòng ông nội cũng có mưa, nhưng ông không nhỏ nước mắt. Ông chỉ ngồi đó trong xe, những giọt mưa trong trí nhớ của tôi rơi trên người ông, trên cái đầu hói của ông, trên quan tài mở nắp, trên đôi mắt nhắm của bà nội; nhạc nổi xung quanh, tiếng nhạc sâu, buồn của ôboa, của trômpet, của trống đám ma. Không có cha cố trong một đám ma cộng sản, và không có cha cố khi chúng tôi hạ huyệt bà nội. Ông nội đọc một quyển sách, tập mười hai trong Lenin toàn tập, và những lời của ông bay lên trời, và mưa làm chúng rơi xuống đất, giống như những chiếc lông chim ướt, và chúng trôi đi trong những giòng sông bùn, trong những thác nước gầm réo từ những mép huyệt.

“Đây là một ngôi mộ tốt.” Ông nội nói khi mọi việc đã xong. “Nó không chật hẹp như một căn hầm, như vậy là tốt, đúng không? Nó không quá chật, đúng không? Bà ấy sẽ yên ổn ở đó, đúng không? Bà ấy sẽ yên ổn. Nhất định bà ấy sẽ yên ổn.”

Sau đám ma của bà nội ông nội từ chối rời làng. Trong một năm ông đã mất mọi thứ mà một người đàn ông có thể mất: người đàn bà của trái tim ông, và tình yêu của đời ông – đảng cộng sản.

“Trong thành phố không có cuộc sống của tao.” Tôi nhớ lời ông nói với bố tôi. “Tao không muốn phục vụ bọn phản bội đó. Cứ để cho bọn tư bản hối lộ chúng nó, những thằng chó đẻ ấy, những đứa giết đàn bà vô tội ấy.”

Sâu trong thâm tâm ông tin rằng chính sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản đã giết bà nội.

“Bệnh ung thư của bà ấy là hậu quả của những thất vọng nặng nề của trái tim trong sạch và lý tưởng của bà ấy.” Ông nội giải thích. “Bà ấy không thể nhìn những lý tưởng của bà ấy bị người ta chà đạp lên, và bà ấy đã làm cái việc duy nhất mà một người phụ nữ trung thực như bà ấy có thể làm – bà ấy chết.”

Ông nội mua một ngôi nhà trong làng để có thể ở gần hơn với bà nội, và hằng ngày vào lúc ba giờ chiều, ông ra mộ bà, ngồi bên bia mộ, giở tập mười hai của bộ Lenin toàn tập, và đọc to lên. Mùa đông hay mùa hè, ông đều ra đó, đọc – ông không hề bỏ sót một ngày – và chính ở đó, bên mộ bà, ông nảy ra ý nghĩ này.

“Không có cái gì mất đi” ông nói với tôi và bố mẹ tôi vào một ngày chủ nhật chúng tôi đến thăm ông. “Chủ nghĩa cộng sản có thể mất đi trên toàn đất nước này, nhưng những lý tưởng không bao giờ chết. Ông sẽ mang tất cả nó về đây, về làng này. Ông sẽ xây dựng lại tất cả từ đầu, để cho ý nguyện sâu xa nhất của bà cháu được thực hiện. Bà cháu sẽ tự hào về ông.”

Ngày 24, tháng Mười 1993 cuộc cách mạng của làng diễn ra, lặng lẽ, ngấm ngầm, không rầm rộ lắm. Vào thời gian đó, tất cả những người sáu mươi tuổi hoặc trẻ hơn đã rời làng lên sống trên thành phố, và như vậy những người ở lại là những người có tâm hồn mạnh mẽ và trong sạch, trong đó những tư tưởng vẫn sống, và đôi mắt họ lóe lên những tia lửa của một cái gì đó lớn lao, một cái gì đó sẽ làm thay đổi thế giới một cách sâu sắc. Chính thức thì làng này vẫn thuộc về Bungari, và nó có một ông xã trưởng sẽ trả lời chính phủ quốc gia vân vân và vân vân; nhưng bí mật, ngấm ngầm, có một đảng cộng sản mới của làng quyết định số phận của nó. Làng được đổi tên thành Leningrad. Ông nội được nhất trí bầu làm tổng bí thư. Mỗi buổi tối đều có một cuộc họp được tổ chức tại hội trường cũ của làng, ở đó ghế ngồi bên cạnh ông nội luôn luôn để trống, và nước được phun từ một ống mềm nhỏ bên ngoài cửa sổ để giả làm mưa.

“Chủ nghĩa cộng sản sẽ nở hoa tốt hơn trong không khí ẩm.” Ông nội giải thích khi có đảng viên nào hỏi ông về cái quyết định phun nước, thật ra ông đang nghĩ về bà nội và trận mưa trong ngày đầu tiên hai người gặp nhau. Và quả thật chủ nghĩa cộng sản ở Leningrad đã nở hoa.

Ông nội và dân làng quyết định cứu vãn tất cả những di vật của chủ nghĩa cộng sản còn lại ở Bungari, và mang tất cả chúng về Leningrad, về bảo tàng sống của học thuyết cộng sản. Những đài kỷ niệm, những vết sẹo hằn sâu của lý tưởng đỏ, đã bị dỡ bỏ ở khắp nơi trên đất nước. Những bức tượng được dựng cách đây nhiều thập kỷ, tự hào nhắc nhở, vinh danh, hứa hẹn, bây giờ được hạ xuống để nấu chảy. Các nhà thơ trước kia được ca ngợi nay nằm trong quên lãng. Những thân mình bằng giấy của chúng phủ đầy bụi. Màu mực của chúng bị rửa sạch bằng nước mưa.

Trong một bức thư gửi cho tôi ông nội kể rằng dân làng tin có một nhóm gypsy đã thực hiện công việc cứu ấy cho họ. “Đồng chí Hassan cùng với vợ và mười ba đứa con gypsy của họ, chắc chắn là say sưa với lý tưởng cộng sản tươi sáng, và chỉ bị kích thích đôi chút vì tiền và hai con lợn chúng tôi cho họ, đã hứa với dân làng sẽ giao lại cho dân làng những cái tốt nhất trong những cái tốt nhất của những di tích ‘đỏ’ có thể tìm thấy được trên đất nước tội nghiệp này. Hôm nay các đồng chí gypsy mang đến cho chúng tôi món quà đầu tiên của họ: một đài kỷ niệm Chiến sĩ Vô danh Liên xô, những người giải phóng khỏi ách Thổ Nhĩ Kỳ, hơi bị biến dạng từ bụng giở xuống và mất súng, nhưng phần còn lại thì trong tình trạng tuyệt vời. Tượng đài này bây giờ đứng kiêu hãnh bên cạnh các tượng Alyosha, Serioja và Trinh nữ Vô danh ở Minsk.”

Cuộc sống ở Mỹ diễn ra tốt đẹp. Tôi đến lớp, học, kết nhiều bạn mới. Tôi viết thư cho ông nội và gọi điện thoại cho ông mỗi buổi sáng ở Bungari khi tôi biết ông đã thức dậy, ngồi trong ghế bành, đọc Lenin. Tuy nhiên tôi lại bắt đầu có những cơn ác mộng. Tôi thấy xe tông vào đầu tôi hết lần này đến lần khác và tỉnh dậy thấy mình đang gào khóc, người toát hết mồ hôi lạnh. Rồi khi tôi ngủ lại, thì bà nội đến ngồi xuống giường tôi lấy tay xoa đầu tôi, như bà vẫn thường làm khi tôi bị sốt. “Ông nội cháu sắp chết.” bà cảnh báo tôi. “Chúng ta đang chờ đợi ông ấy. Chẳng bao lâu nữa. Và cháu, cháu yêu của bà, lần sau cháu có nói chuyện với ông ấy, thì bảo ông ấy đừng đọc Lenin bên mồ ta nữa.”

Ông nội muốn biết nhiều hơn về người Mỹ. Tôi khuyên ông nên đọc một cuốn sách.

“Cháu không biết nhận xét người ta đâu,” tôi nói “Cháu đánh giá sai bét.”

“Vậy sao cháu lại học tâm lý học?”

Bởi vậy tôi cố gắng giải thích người Mỹ là như thế nào. “Họ khác lắm.” Tôi viết trong một bức thư. “Họ không bao giờ nghĩ ngày mai họ ăn gì, hoặc mai có thức ăn trên bàn hay không. Những vấn đề đó đối với họ là những vấn đề đã được giải quyết,” Tôi viết. “Như đi bộ vậy. Chúng cháu được học rằng đi bộ là một vấn đề đã được giải quyết. Tiến hóa đã chăm lo cho việc đi bộ và không ai còn thấy cần thiết phải tưởng tượng ra xem phải bước đi như thế nào. Tất cả chỉ cần một năm để bộ não kết nối các đường dây của nó, và bùm! Thế là con người biết đi bằng hai chân. Ở đây con người có những vấn đề khác. Họ lo lắng những chuyện khác.”

“Ý cháu định nói gì?” Ông nội hỏi tôi sau khi ông đọc lá thư của tôi.

“Lấy ví dụ một cô gái mà cháu quen,” tôi nói “Samantha. Cô ấy bị trầm cảm cả tháng nay. Bố cô ấy cho cô ấy một chiếc BMW có tay gài số chứ không phải là số tự động. Cô ấy khóc.” “Tôi không thể lái nó.” Cô ấy bảo. “Kỳ cục quá. Tôi muốn chết.”

“Thật là kỳ cục” Ông nội nói.

Nhưng cũng có những người khác có những vấn đề tương tự như chúng ta. Bố mẹ của một cậu bạn cùng lớp cháu sắp ly dị. Họ đã sống với nhau hai chục năm, rồi một buổi sáng họ quyết định từ nay họ không muốn mỗi sáng thức dậy trên cùng một chiếc giường nữa.”

Ở đầu dây bên kia ông nội ho.

“Bố mẹ cháu chết ngày này đấy. Cách đây bảy năm”

“Cháu biết,” tôi nói “Cháu đã đánh dấu trên lịch rồi.”

Bố mẹ tôi chết một tuần trước khi tôi bước sang tuổi mười hai. Bố mẹ định tặng tôi chiếc xe đạp làm quà sinh nhật – tôi đã thấy nó được giấu dưới tầng hầm. Một chiếc BMX màu trắng với yên bằng da và đèn trước bằng dynamo. Mẹ đã viết thiếp và kẹp cái phong bì vào xe đạp. “Cho con trai yêu quý nhất của bố mẹ.” Tờ thiếp viết. “Lúc nào toạc đầu gối, hãy nghĩ đến bố mẹ.”

Tôi nhớ cái đêm bố mẹ tôi chết như thể nó vừa mới xảy ra. Lúc đó là 2:30 sáng thì có tiếng chuông điện thoại reo. Bố cầm máy nói chuyện một lúc. Tôi tỉnh giấc vì nghe tiếng thì thầm lo lắng của bố, rồi thiếp đi, rồi lại thức giấc. Mẹ đang ngồi với bố ở ghế sofa, cầm tay bố. Cả hai người xanh xao mệt mỏi trong bóng tối màu xanh, trông như hai cái bóng.

“Cám ơn bác sĩ. Chúng tôi đến ngay.”

Mẹ đến giường tôi và ngồi xuống. Tôi nhắm nghiền mắt lại, rùng mình vì sợ hãi.

“Mishe, con chuột nhỏ.” Mẹ nói “Dậy đi con.”

‘Có phải ông nội…?” Tôi hỏi. Mẹ tôi ghé xuống hôn lên trán tôi.

“Ông bị đột quỵ. Nhưng ông đã ổn định và người ta đang đưa ông về bệnh xá xã.”

“Ông có chết không?”

Bố đến và hôn tôi. Mắt bố lóe sáng từ ánh sáng ngọn đèn đường. Bố bế tôi dậy, quấn tôi trong tấm chăn, và bế ra cửa. Khi xe chúng tôi lên đến đường cao tốc thì đã bốn giờ sáng. Một giờ sau bố mẹ tôi chết.

Tất cả những gì tôi còn nhớ được là những ánh đèn xe tải sáng chói đâm thẳng vào chúng tôi. Xe chúng tôi lăn xuống vệ đường. Tối đen.

Tôi tỉnh dậy thấy ngực chăng đầy dây.

“Mẹ?” Tôi nói. “Bố?”

Sinko.” Tôi nghe thấy “Cháu tỉnh rồi”

Ông nội từ đâu hiện ra. Ông đứng trước tôi, khóc.

“Cháu tỉnh rồi.” Ông nhắc lại. “Cháu tỉnh rồi.”

“Ông ơi, mẹ cháu đâu?”

Sinko.” Ông vẫn cứ nhắc lại. “Cháu tỉnh rồi.”

Một tuần sau ông đưa tôi đến nghĩa địa, để nhìn những ngôi mộ mới. Đất được đắp lên thành mô, tối và ướt. Bố mẹ tôi được chôn trong cùng một ngôi mộ, cạnh đó là mộ của bà nội.

“Ông nội, ông nói dối.” Tôi nói. Tôi nhìn trừng trừng tên của bố mẹ tôi trên cây thánh giá bằng gỗ. “Ông là kẻ nói dối”

Ông đặt một bàn tay lên vai tôi.

“Ông mừng vì cháu đã không phải dự đám tang.”

“Nói dối.” Tôi thì thầm. Tôi quỳ xuống và lấy tay vốc đất. Tôi quay lại và ném vào mặt ông nội. Rồi tôi ôm chặt ông.

Năm thứ hai của tôi ở trường đại học, trong một cuộc điện thoại đường dài, ông tôi hỏi tôi “Cháu có biết gì về eBay không?”

“Gì cơ?”

“eBay. Cháu có nghe nói về nó không?”

“Có. Cháu có biết. Cháu muốn nói là chắc chắn cháu biết, nhưng tại sao?”

“Đồng chí Hassan đã hoàn thành nghiên cứu.” Ông tôi giải thích “và đã phát hiện ra một điều thú vị. Hình như có ai rao bán thân thể Lenin trên eBay.”

“Lenin trên eBay.” Tôi để cho nó ngấm một lúc. “Ông ơi, ông điên à?”

“Điều ấy không quan hệ.” Ông tôi nói “Bây giờ đảng cần sự giúp đỡ của cháu. Chúng tôi muốn cháu giúp chúng tôi đưa Vladimir Ilich đến Leningrad.”

“Ông đang chọc cháu. Ông không thể…”

“Những người rao bán đòi thẻ tín dụng.” Ông nội nói “Visa. Master Card, hay Discover. Ở làng chúng tôi không có cái nào. Đó là vì sao ông cần cháu. Cháu nghiên cứu đi nhé. Mai gọi lại cho ông.”

Tôi ngồi bên máy tính và mở Internet browser. Rồi tôi đóng lại. Rồi tôi lại mở ra và tìm đến eBay. Tôi gõ “Lenin” và vào tìm kiếm: 430 mục, Bưu thiếp, huy hiệu, áo thun. Hay là ông nội muốn kiếm tượng bán thân? Hay một cái mũ? Hay có thể một bộ râu giả? Và đúng lúc tôi định đóng cửa sổ này lại, thì tôi thấy “CCCP. Đấng Sáng tạo Lenin. Mới toanh. Chỉ làm việc với những người đấu giá nghiêm túc.

Tôi theo đường link và chờ trang được tải xuống. Tôi đọc to nội dung của nó lên: “Bạn đang đấu giá thân thể Vladimir Ilich Lenin. Thân thể ở trong tình trạng tuyệt hảo và được gửi trong quan tài giữ lạnh có thể hoạt động trên cả hai nguồn điện Châu Âu và Mỹ. Chỉ làm việc với những người đấu giá nghiêm túc. Thanh toán ngay sau khi mua.”

Địa chỉ của mặt hàng này được ghi là Moscow. Vận chuyển toàn thế giới. Tôi kiểm tra người rao bán nhưng không thấy có phản hồi nào và cuộc đấu giá nào khác. Rõ ràng đây là một trò lừa. Tôi quay về trang đấu giá và đọc thêm một lúc nữa. Cho đến lúc này chưa có ai trả giá, và giá khởi điểm được đặt là 1,99$ (reverse not met). Tôi đánh vào 5$ và nhấn phím để post nó lên. Trang này biến đi và một trang mới hiện ra: “Reverse met” Trên trang đó viết “Chúc mừng. Người cộng sản bị bịp_1944. Bạn đã mua được Lenin”

Ngày hôm sau tôi gọi điện cho ông nội.

“Cháu mất toi mười đô la vì cái trò ngu ngốc của ông” Tôi nói. “Cháu hy vọng ông sẽ vui mừng.”

“Cháu!”

“Vâng, cháu đã mua ông ấy. Năm đô la thân thể và năm đô la chuyên chở. Cháu ghi địa chỉ làng của ông.”

“Vậy chúng tôi phải xây lăng ngay.” Ông tôi nói “Không còn thời gian nữa. Chúng tôi phải bắt đầu xây dựng ngay bây giờ.”

“Ông ơi, đây là một trò bịp. Đây là một trò đùa. Không ai có quyền bán hay mua thi thể Lenin.”

“Chúng tôi phải mua.”

“Ông có nghe cháu nói gì không?”

“Một cái lăng. Trên quảng trường. Và chúng ta phải sơn nó lại. Phải, sơn quảng trường màu đỏ.”

“Ông ơi, thôi đi!”

Ông ngừng lại, rồi nói “Cháu ơi, nghe đây. Ông đã mệt với việc lau các nấm mồ lắm rồi. Gần đây ông bị nhức đầu khủng khiếp. Cánh tay phải của ông bị liệt và bây giờ nó cứ thõng xuống. Nên, làm ơn, làm ơn, làm ơn, đừng bảo ông thôi. Ông thích được nghĩ rằng ông có thể mua Lenin nếu ông muốn, hay xây một cái lăng hay kim tự tháp hay thậm chí một con nhân sư.”

“Cháu xin lỗi, ông…”

“Cháu ơi,” Ông nói “Cháu còn giận ông à? Cháu vẫn nghĩ rằng vì ông mà bố mẹ cháu chết à ?”

Tôi đã nói đó là lỗi của ông, vào ngày sinh lần thứ mười sáu của tôi khi tôi được ông cho một chiếc xe đạp. Chúng tôi làm kỷ niệm trong căn hộ. Ông mang đến một chiếc bánh và nến và bóng bay, và trong khi tôi mở gói quà thì ông hát và vỗ tay.

“Đó là một chiếc BMX.” ông nói và nháy mắt với tôi. “Ông đã nhờ chỗ quen biết mua hộ đấy.”

Thế là tôi phụt ra: “Đó là lỗi của ông.” Tôi gào lên “Bố quá lo lắng về cơn đột quỵ ngu ngốc của ông nên mới bị đụng xe”

Tôi hất văng chiếc bánh xuống sàn nhà. Tôi đứng dậy và xé tan bức ảnh gia đình hạnh phúc của chúng tôi trước khi xảy ra tai nạn. Tôi đập vỡ các đĩa và các ly.

“Cháu mong cho ông chết đi.” Tôi gào lên “Cháu mong cho ông chết ngay lúc đó khi ông ngủ.”

Sinko” ông nói.

“Đừng gọi cháu là Sinko.” Tôi gào. “Con trai của ông đã chết. Cả hai người chết là vì ông.”

Ngày hôm sau ông nội rời thành phố. Ông trở về Leningrad, một lần nữa gia nhập đảng bí mật, và lại ngày ngày đến thăm nghĩa trang với một tập trước tác của Lenin trong tay. Tôi không bao giờ nghe ông gọi sinko nữa. Trong một năm chúng tôi không nói chuyện với nhau. Rồi tôi gọi điện nói với ông rằng tôi chuẩn bị sang Mỹ.

“Cháu ông, một thằng tư bản.” Ông nói. “Cuối cùng thì tôi cũng bị bỏ rơi”

Năm tháng sau khi chúng tôi mua Lenin, trong một cuộc nói chuyện ông tôi bảo tôi:

“Người đang ở đây.” Ông nói “Lãnh tụ các dân tộc đã đến Leningrad.”

“Ông nhộn quá, ông ạ.”

“Chúng tôi đã nhận được thân thể người hôm qua. Một quan tài đông lạnh và mọi thứ. Chúng tôi cũng sắp hoàn thành lăng, nên trong thời gian chờ đợi, Lenin tạm ở nhà. Chúng tôi đặt ông trong phòng của cháu. Cháu có phiền không?”

“Cháu phiền là ông điên rồi.”

“Ông cũng nghĩ thế.” Ông tôi nói.

“Ông nên đi khám bác sĩ. Sao ông không đến bác sĩ khám?”

“Làm thế ích gì? Bệnh nhức đầu lúc nào cũng bám lấy ông. Tay ông thì đau nhức. Ông lại bị ác mộng nữa. Về những người ở dưới hầm trú ẩn.”

“Họ làm sao?”

“Ờ, cháu có nhớ ông đã sống trong hầm như thế nào không, với hơn mười lăm người và hai bà chửa và một con dê đói, và khi ông đang chết đói và tuyệt vọng cuối cùng ông đã tìm thấy can đảm để đi vào làng?”

“Có, cháu nhớ.”

“Ba năm sau đó ông trở lại đúng chỗ cũ trong rừng. Ông muốn nhìn lại nó lần nữa, với con mắt đã được tự do. Ông rỡ nắp hầm, xuống thang, và trông thấy họ. Mười lăm người đàn ông và hai phụ nữ và một con dê. Tất cả đã chết.”

“Trong hầm trú ẩn?”

“Trong hầm trú ẩn. Không có ai nói với họ rằng chiến tranh đã kết thúc. Không có ai nói với họ rằng họ có thể ra ngoài. Họ không có can đảm để tự mình bước ra, do đó họ đã chết đói.”

Tôi ngồi xuống ghế, giữ chặt ống nghe, và nghĩ về những người đàn ông và đàn bà và con dê, và sao không có ai nói với họ rằng họ đã được tự do. Tôi nghĩ về Lenin, người mà chúng tôi đã mua qua Internet và thi thể bây giờ đang được bảo quản lạnh trong phòng tôi. Và thế là tôi phá ra cười. Và khi tôi bắt đầu cười ông nội cũng cười, hai ông cháu cười rất lâu, rất lâu, cho đến khi giọng chúng tôi lẫn lộn trong dây nói và cuối cùng nghe như một giọng.

Ngày hôm sau tôi gọi lại, nhưng không ai cầm máy. Mấy giờ sau tôi gọi lại lần nữa. Rồi lại mấy giờ sau. Không có tiếng trả lời. Trong hai tuần mỗi ngày tôi gọi một lần. Bàn tay tôi đau nhức vì nắm chặt ống nghe. Tôi ngồi nghe im lặng từ đầu bên kia, lâu lâu bị ngắt quãng bằng tiếng bíp dài đơn điệu. Nó vang lên như mạch đập trong đầu tôi, mạch đập rất chậm và mệt mỏi, nói lời chào tạm biệt tôi. Tôi gào lên. Tôi bước trong phòng, tay nắm ống nghe, và gọi. Tôi không có số của ai khác, ngoài ông nội.

Hôm kia tôi nhận được một bức thư qua bưu điện. Trong một lúc rất lâu tôi không mở nó. Tôi không đủ can đảm. Tôi khóc hai ngày rồi quyết định mở bức thư.

“Cháu yêu của ông,” Bức thư viết “Ông đang chết đây. Ông đã chỉ thị đồng chí Penkov gửi nó đi khi nào tim ông ngừng đập.

Đồng chí ấy là người tốt. Đồng chí ấy sẽ trả tiền cước.”

“Cháu yêu của ông, chúng ta đã có một cuộc sống khắc nghiệt, cháu và ông. Chúng ta già đi, không phải với những tháng năm, mà với những cái chết. Cháu bây giờ lại già thêm bởi một cái chết nữa. Hãy mang theo hành trang này một cách kiêu hãnh và đừng để nó làm gãy lưng cháu. Hãy luôn nhớ rằng cháu đã chịu đau khổ hơn nhiều người, nhưng có những người khác còn chịu những nỗi đau lớn hơn cháu. Hãy biết ơn về những gì cháu có. Về những gì cháu nhìn thấy và những gì cháu được tha thứ.”

“Những con tôm ấy rất dễ bắt.” Ông tiếp tục “Cháu bắt một con, nhưng những con khác không chạy. Những con khác không biết cháu có ở đó cho đến khi cháu lôi nó lên, và thậm chí lúc đó nó cũng không biết gì cả. Tất cả chuyện này dạy chúng ta một bài học về bản chất con người, cháu ạ, một bài học mà cháu nên nhớ: Không phải cái gậy nào rơi vào càng của cháu đều đáng kẹp lấy. Đôi khi kẹp phải cái gậy hư là tiêu đời cháu. Vậy hãy nghĩ cho kỹ, cháu thân yêu, cái gậy nào kẹp được cái nào thì không. Chỉ chiến đấu những cuộc chiến đấu xứng đáng, còn bỏ qua những cuộc khác. Và thậm chí khi cái gậy chọc mạnh, cũng đừng kẹp đẩy nó ra.

“Cháu yêu quý, tha lỗi cho ông.”

Cuối thư ông tôi chỉ viết có bốn chữ.

“Sinko, ông yêu cháu.”

Về tác giả

Miroslav Penkov sinh ra và lớn lên ở Bungari. Năm 2001, khi 18 tuổi, anh đến Hoa Kỳ học tập. Gần đây anh theo học Thạc sĩ về sáng tác văn học ở đại học Arkansas. Năm 2007 anh nhận giải thưởng Eudora Welty về sáng tác.

Comments are closed.