Mưa

Truyện

Vũ Thành Sơn

một

Mưa suốt từ chiều.

Tám không thể về nhà như đã hứa với cha mình. Mưa như trút, từ chiều cho đến tối không ngưng đuợc một phút. Chỉ vài người, nhất là các phụ nữ có con nhỏ, vẫn đội mưa đi về bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra trên đường, trong lúc phần lớn đều chọn giải pháp an toàn nhất là ở lại chờ cho mưa tạnh.

Công ty cổ phần dinh dưỡng chuyên sản xuất kinh doanh các sản phẩm phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm Trường Minh mọi ngày chưa đến năm giờ đã thấy bày ra quang cảnh của một cữ chợ chiều ế ẩm; ai cũng nhanh nhanh thu dọn đồ đạc để về, nhất là bộ phận văn phòng hành chính. Mặc dù biên chế chính thức chỉ có bốn người gồm thư ký giám đốc, văn thư, kế toán, tài vụ, công việc không phải là ít nhưng ngay cả trong giờ làm việc chẳng mấy khi người ta thấy bộ phận này có mặt đầy đủ. Tình trạng uể oải này bắt đầu từ khi xảy ra dịch cúm gà H5N1 rồi tiếp theo dịch heo lở mồm long móng, nghề chăn nuôi bị tai nạn liên tiếp, sản phẩm làm ra ế ẩm tiêu thụ chậm, nhà máy vì vậy cũng chỉ sản xuất thoi thóp cầm chừng. Thế mà bây giờ mấy cái dịch ấy đã qua đi từ lâu, nhà máy đã trở lại hoạt động bình thường nhưng ở công ty, hình như người ta vẫn chưa bỏ được cái nhịp điệu rề rà dễ bén hơi ấy.

Tuy vậy, ngày hôm đó, công ty Trường Minh tưng bừng như một ngày Tết, cứ như là nhờ có trận mưa thì mọi người mới có dịp cùng nhau mở hội ăn mừng. Tất cả hẹn nhau tập trung lại hết ở hội trường rồi người nào có gì thì mang ra góp với nhau để nhậu nhẹt. Trời mưa lạnh, chẳng về nhà được mà lại gần đến giờ cơm chiều, vì vậy dễ hiểu là lời kêu gọi vừa được phát đi, lập tức ai cũng nhiệt tình hưởng ứng, ai cũng có ít nhất một món ăn chơi đem ra góp phần. Liền sau đó, một góc hội trường nhanh chóng được dọn dẹp để làm nơi nấu nướng mà đồ làm bếp gom chỗ này chỗ kia về chỉ được có mỗi cái bếp ga du lịch với một nồi nhôm. Thực đơn hôm đó có món lẩu và chân gà luộc. Nước lẩu thì đã có các gói gia vị mì ăn liền lẩu Thái, còn thịt bò, tôm khô, đùi gà, cà chua, rau cải các loại đã có mấy cô Hà, cô Thủy, bà Tú Lệ với mấy cô ở bộ phận kiểm định mua ở siêu thị lúc nghỉ ăn trưa dành cho bữa cơm tối ở nhà, giờ mang ra thanh toán hết. Có mì gói, nồi lẩu, bàn nhậu đã ra dáng một bữa ăn tối đúng nghĩa.

Đồ uống cũng phong phú không kém. Hầu như mấy tay bảo vệ bợm nhậu trong công ty bao giờ cũng giắt bên mình hay cất ở đâu đó mấy chai rượu để phòng thân. Vodka Hà Nội, đế, rượu thuốc các kiểu, đủ hết.

Trong lúc mấy bà thái thịt, rửa rau, hai, ba ông lăng xăng dẹp ghế, lấy chỗ kê một cái bàn dài ở giữa hội trường theo sự chỉ huy của ông Tiến kế toán. Tiến kế toán hay Tiến Công đoàn còn có biệt danh nữa là Tiến Li Vơ Phun do đám bạn nhậu đặt tên, không phải vì ông là một fan của câu lạc bộ bóng đá đó mà chỉ vì có lần quá chén đã nôn phun hết thức ăn ra bàn nhậu, thường tỏ ra hết sức mẫn cán vào những lúc tụ tập như thế này. Mỗi người một việc, tất cả dồn hết tâm trí cho bữa ăn, chẳng ai để ý gì đến cơn mưa như thác đổ bên ngoài nữa. Chưa đến nửa tiếng đồng hồ, mọi thứ đâu đó đã sẵn sàng.

Thành, nhân viên bộ phận tiếp thị, đứng ngay cửa nói vọng vào:

-Ăn xong, karaoke nghe mấy bà?

Đó là một gã cao gầy với mớ tóc xoăn bồng bềnh, quần áo khá chải chuốt, trước khi làm việc ở công ty nghe nói đã từng hoạt động văn nghệ trong lực lượng thanh niên xung phong.

Sau câu hỏi của gã, có tiếng cười rúc rích bên trong rồi một giọng đàn bà trả lời:

-Thôi đi cha, mưa gió vầy mà đi đâu?

-Đi đâu mà đi. Karaoke tại chỗ.

Một giọng đàn bà khác:

-Xong hết rồi, ăn đi, ăn đi, đói bụng quá.

Ngoài bàn mấy ông đang ngồi uống rượu với đậu phộng da cá nghe nói, liền nhanh nhẹn hưởng ứng:

-Tụi tui chờ mấy bà nãy giờ.

Một người trong bọn đứng lên, đi tới chỗ nấu bê cái nồi lẩu ra bàn và cuộc nhậu bắt đầu.

Họ chia làm hai phe, nam một bên và nữ một bên. Chuyện trò rôm rả, tuy nhiều lần không người này thì người kia bị ngắt quãng bởi những cuộc trao đổi qua điện thoại di động với người thân trong gia đình hoặc với bạn bè các nơi hỏi han lo lắng khi cơn mưa to kéo dài một cách bất thường. Những cú điện thoại ấy làm cho Tám sực nhớ đến cha mình ở nhà. Anh gọi điện cho cha. Chỉ gần đây ông mới dùng điện thoại di động theo yêu cầu của anh. Anh hứa với cha không đàn đúm nhậu nhẹt gì hết và sẽ về nhà ngay khi dứt cơn mưa.

Rõ ràng là Tám đã nói dối cha mình về chuyện nhậu nhẹt, còn mưa thì quả thật mỗi lúc mỗi lớn dần, chẳng biết đến khi nào mới tạnh. Lúc Tám bước ra ngoài định đi toa lét, cành cây gẫy đổ khắp sân và nước đã lên cao quá mắt cá chân, nghĩ phải lội bì bõm trong nước để ra đến nhà vệ sinh, Tám cảm thấy ngao ngán. Anh bèn đến nhà để xe gần đó. Nhưng không may gió và mưa lớn đã làm cho một mảng tôn nhựa che mặt ngoài bị tốc từ bao giờ, nước tạt vô hết bên trong, nơi dựng mấy chiếc xe gắn máy. Tám đứng đái mà lạnh run, cảm tưởng đang đứng lộ thiên ngoài trời như mỗi lần đi uống bia ở vỉa hè, mình mẩy ướt nhẹp từ trên xuống dưới. Phóng tầm mắt ra xa, đường phố bên ngoài tối mịt như đêm ba mươi. Đèn đường tắt ngóm, tòa nhà ngân hàng trước mặt cũng tối om. Không lẽ ở đây cũng cúp điện như hồi chiều cha Tám nói sao?

Khi Tám trở lại, chương trình văn nghệ chuẩn bị bắt đầu. Sự tươm tất, gọn gàng ban đầu của hội trường đã biến mất và bây giờ thay vào đó là một quang cảnh bừa bộn, ngả ngớn. Bữa ăn còn tiếp tục nhưng phía phụ nữ đã có vẻ kết thúc sớm, họ kéo ghế ngồi hơi lùi xa bàn, túm tụm thành một nhóm chuyện trò to nhỏ với nhau với một vẻ bí mật cố hữu, thỉnh thoảng lại nghe có tiếng cười của ai đó ré lên lạc lõng.

Ở một góc bàn, Thành ôm đàn ghi ta gẩy tưng tưng mấy nốt nhạc để thử dây, mặt đỏ ửng như mới nhúng vô chậu nước sôi. Sau khi đã căng chỉnh dây đàn xong, Thành cất tiếng hát, giọng khàn khàn như bị viêm họng mới khỏi. Ngồi bên cạnh, người thì cầm đũa gõ vào miệng chén, người vỗ lên mặt bàn đánh nhịp, người lép nhép ê a hát theo. Không khí lại nhộn nhịp và sôi động hẳn lên. Vào lúc ấy dường như chẳng có ai để ý đến sự vắng mặt của bà Tú Lệ và Tiến Công đoàn, họ lặng lẽ đi đâu và từ lúc nào có lẽ không một ai biết, cho đến khi cô Hà buột miệng hỏi Ủa, bà Lệ với ông Tiến đâu rồi ta? mấy người ngồi gần đó mới ngớ ra đảo mắt quanh hội trường.

Dư luận vẫn xầm xì về quan hệ của hai người từ lâu nay nhưng chỉ bàn tán thêu dệt sau lưng mà không ai hé lộ ra ngoài mặt, có thể vì bà Tú Lệ đương kim trưởng phòng kế hoạch và ông Tiến kế toán, cả hai đều là những người có vị trí và ảnh hưởng trong công ty khiến họ phải ít nhiều dè dặt. Có người thậm chí còn nghi ngờ trong mối quan hệ này, tình cảm trai gái chỉ là cái vỏ bọc mà mục tiêu chính là để đục khoét kiếm chác nhưng tất cả những thứ đồn đoán ấy có vẻ như cả hai đều biết nhưng họ để ngoài tai. Bà Tú Lệ cũng như ông Tiến đều có một mái ấm gia đình hạnh phúc, con cái đàng hoàng và về mặt xã hội, có thể coi họ là những người thành đạt, họ không còn phải bận tâm với những nhu cầu tối thiểu thường nhật; tất cả những điều đó gộp lại đã trang bị cho họ một sự vững vàng, tự tin cần thiết. Suy cho cùng, họ có đủ điều kiện cho những cuộc phiêu lưu.

Kết thúc bài hát, Thành với tay lấy ly rượu trên bàn mà một người bên cạnh vừa rót cho để tặng thưởng, đưa cao ngang mặt, nói:

-Hết nghe!

Cả hội cùng nâng ly rượu lên hưởng ứng: Dzôôô!

Tiếng hô như luồng điện cao thế làm cho mọi người lập tức trở nên phấn chấn.

Rồi một người cất tiếng đề nghị:

-Tới phiên mấy bà hát đi chứ.

-Hà hát đi em.

-Đúng rồi, hát một bài đi Hà. Bài gì mà… đã khuya rồi vẫn ngồi đếm sao đó.

Trong lúc họ đang còn đùn đẩy nhau, chưa tìm ra được ai sẽ là người hát tiếp, bỗng có tiếng kêu lên thất thanh từ trong nhóm phụ nữ:

-Chết cha, chín giờ rồi.

Hội trường bất chợt im bặt, không ai bảo ai các ánh mắt đồng loạt hướng ra ngoài cửa. Mưa từ chiều vẫn tuôn xối xả. Một người đứng lên, đi ra, ngó nghiêng một lúc ngoài sân rồi quay mặt vào trong nói:

-Nước ngập lên hết bậc tam cấp rồi nè, bà con ơi.

Nước mưa không kịp thoát, đang mấp mé tràn vào hội trường mang theo cả cành cây, rác rến, túi ny lông nổi lềnh bềnh.

Có tiếng than thở:

-Trời ơi, hai cha con nó không biết cơm nước thế nào ở nhà đây?

-Bà lo gì lo dữ vậy, con Thu nó còn nhỏ nhít gì nữa.

Một người nữa chen vô:

-Bà già tôi nè, bả một mình ở nhà đây nè. Mà mưa cái kiểu này, nước ngập hết vô nhà là cái chắc luôn.

Vẻ lo âu bắt đầu xuất hiện trên nhiều gương mặt mà phần lớn trong số đó là phụ nữ. Có người tỏ ra ân hận vì đã do dự không về sớm như một vài người trước đó. Mưa to cộng với cúp điện bên ngoài đường phố khiến cho viễn cảnh phải ở lại qua đêm trong công ty đang gần kề. Có ý kiến đề nghị chị em lên ngủ hết trên phòng khách ở tầng một, còn nam giới thì ở tại hội trường để tiện cho việc bảo vệ. Nhưng ngay lập tức, Tư bảo vệ lên tiếng phản đối:

-Không được đâu, trên đó có để tượng bác Hồ mà.

-Tượng thì sao? Tám nói, người ta ngủ chứ làm gì mà mày sợ vậy?

Ngồi bên trong, Thành nói bâng quơ kèm theo vẻ măt tỉnh rụi: Chắc nó sợ bác Hồ về vặn cổ nó đó, nói bảo vệ làm ăn gì mà để cho mấy nàng tiên nữ đêm hôm vô quấy rối.

Nhiều người cười phá lên sau câu nói trêu chọc.

Vào lúc đó chẳng còn lựa chọn nào khác, ý kiến vừa đưa ra có vẻ như là giải pháp tốt nhất nên sau một hồi bàn tán qua lại, mọi người cuối cùng cũng đành chấp nhận.

Khi các chị em đã rút hết lên tầng trên, bàn nhậu của các ông vẫn tiếp tục. Cuộc vui kéo dài cho đến khuya và tiếng đàn, tiếng hò hét ầm ĩ như muốn át cả tiếng mưa ngoài trời.

Khoảng nửa đêm, Tám thức giấc, cổ họng khô ran, đầu nhức như búa bổ. Hội trường tối đen như mực, hình như đã mất điện. Anh nhận ra mình đang nằm ngủ trên mấy chiếc ghế kê liền nhau. Loáng thoáng nhớ cái bình nước lọc ở cuối hội trường, anh chống tay ngồi dậy, mắt nhắm mắt mở thò chân xuống ghế quơ tìm đôi dép nhưng bất ngờ lại thấy mình nhúng chân vào nước lạnh. Tám tỉnh hẳn người, ngó xuống sàn nhà và chung quanh, có cảm giác như hội trường đã ngập nước lênh láng. Bật chiếc điện thoại di động lên, quét một vòng, anh chỉ thấy chung quanh mình nước là nước. Điện thoại chỉ còn hai nấc là hết pin, hai giờ hai mươi sáng. Tiếng ngáy đâu đó ở cuối hội trường.

Nhưng Tám không thể nhắm mắt ngủ lại được, anh nằm một lúc rồi ngồi bật dậy, người vẫn còn bồng bềnh, mệt mỏi. Không tìm thấy dép, có lẽ nước đã cuốn nó trôi đi đâu rồi, Tám lội nước đi ra ngoài.

Qua khỏi hội trường một đoạn, Tám quay mặt vô trong tường, kéo phẹc mơ tuya quần đứng đái, vừa nghĩ không biết mấy người kia bây giờ thế nào, trời tối như vầy lỡ có chuyện gì thì sao. Nhưng chuyện gì là chuyện gì thì anh cũng không biết, chỉ lơ mơ sờ sợ vô cớ vậy thôi.

Nghĩ như vậy, anh bèn lần mò đi ra ngoài phòng bảo vệ. Nước ngập cao đến đầu gối làm cho anh di chuyển khó, thỉnh thoảng lại bị mấy cái túi ny lông quấn vào chân, nhưng anh không muốn bật điện thoại lên soi, mà muốn để dành pin có gì thì còn liên lạc được. Tiếng chân lội nước bì bõm của anh trong đêm đen bị tiếng mưa lớn át đi. Trới tối thui. Mưa vẫn chưa ngớt, tuy không còn dữ dội như hồi ban chiều nữa. Nước mưa lạnh thấm vào người làm cho Tám bất chợt rùng mình. Cái kiểu này chắc phố xá ngập hết, có lẽ từ nhỏ đến giờ Tám mới chứng kiến một trận mưa lớn hãi hùng như thế này trong đời.

Khi còn cách phòng bảo vệ một vài mét, anh nhìn thấy từ trong đó hắt ra cái bóng chập chờn của một đốm sáng nhỏ, yếu ớt nhưng phải đợi đến khi đặt chân hẳn vào trong, anh mới nhận ra đó là một ngọn nến đang cháy sáng lắt lay. Nước mưa, nước cống ngoài sân cũng đã tràn vô trong phòng. Một đám người ngồi bó gối hết lên mấy cái bàn kê lại với nhau, đàn ông lẫn đàn bà đủ mặt, khoảng sáu hay bảy người. Không biết họ ngồi ở đây từ bao giờ. Bóng họ đổ lên vách im lìm. Tim Tám đập mạnh, trong đầu vụt qua ý nghĩ thôi chắc đã xảy ra chuyện gì rồi. Đám đông ấy nghe tiếng động phía sau cũng đồng loạt quay lại. Anh nhìn thấy có Hà, Thủy, mấy người bên kiểm định, chăm sóc khách hàng, Tư bảo vệ, Thành. Vẫn không có cặp Tú Lệ và Tiến kế toán.

Một giọng cất lên hỏi Tám:

-Bộ không ngủ được sao mà ra đây?

-Ủa, mấy bà giờ này ngồi đây làm gì vậy?

Thủy trả lời:

-Có ai mà ngủ được, kéo ra đây ngồi nói chuyện chơi.

Tám định đáp lại bằng một câu bông đùa như mọi lần nhưng khựng lại kịp thời khi cảm thấy bầu không khí ở đây có một vẻ gì đó trầm mặc quá không phù hợp. Ngay cả thằng Thành và Tư bảo vệ cũng vậy, bất động cứ như là hai cái tượng thạch cao ở đâu mang đến, hoàn toàn trái ngược với hình ảnh của hai bợm nhậu hồi ban chiều, sự thay đổi đột ngột mà Tám nhất thời chưa hiểu vì sao.

Tuy vậy Tám vẫn ngồi xuống cùng với họ. Một lúc lâu mà cũng chẳng thấy ai chuyện trò gì với nhau, ai cũng quay mặt ngó ra ngoài đường như đang dõi mắt tìm kiếm một cái gì đó xa xăm trong màn đêm. Trời bên ngoài vẫn tối như mực, cả con phố như bị nhấn chìm xuống tận đáy đại dương sâu thẳm. Chỉ có mỗi tiếng mưa đổ không ngớt là dấu hiệu duy nhất cho biết sự sống vẫn còn hiện hữu.

Tám chợt nghĩ đến cha mình ở nhà, chắc là ông lo lắm đây, không biết ông có ngủ được không. Còn cái nhà nữa, bình thường mưa nhỏ nước cũng đã tràn vô nhà; bây giờ mưa như thế này không chừng nó ngập trôi hết bàn ghế, đồ đạc rồi cũng nên, rồi ổng biết xoay xở làm sao giữa cái biển nước mênh mông này. Càng nghĩ, Tám càng sốt ruột, càng cắn rứt, thấy mình có lỗi với cha quá. Không biết việc mình ở lại như thế này có đúng không nữa, lẽ ra cứ liều đi về từ lúc trời bắt đầu đổ mưa như mấy bà kia thì mới phải.

Anh nhìn mọi người chung quanh như để tìm kiếm một sự chia sẻ cho những dằn vặt của mình nhưng chẳng có ai để ý đến anh, ai cũng giữ một bộ mặt trầm ngâm, tư lự, theo đuổi ý nghĩ của riêng họ. Lẽ ra… Ừ, lẽ ra. Nhưng mà có ai ngờ mưa dai và dữ dội như vậy bao giờ đâu.

Thôi đợi sáng mai rồi hẵng tính. Mà sáng mai liệu có dứt được cơn mưa này không nữa chứ?

hai

Nhưng ngày mai mưa vẫn tiếp tục đổ, mưa cứ như được tích lại từ thượng cổ cho đến ngàn sau để cho một lần mưa cuối cùng này, một lần và vĩnh viễn. Mãi đến gần chín giờ, trời mới bắt đầu he hé sáng, mưa giảm dần rồi mới ngưng hẳn, một cách không vội vã. Đập vào mắt họ đầu tiên trong buổi sáng hôm đó là một biển nước trắng xóa mênh mông không biết đâu là ranh giới. Tất cả những gì quen thuộc, sau một đêm, đột ngột biến mất không một dấu vết và phơi bày ra trước mắt họ bây giờ là một quang cảnh xa lạ, đáng sợ, chưa từng thấy bao giờ trong đời. Điện vẫn bị cúp, internet mất. Họ bỗng nhiên thấy mình như bị ném vào một thế giới khác, bơ vơ, mất phương hướng.

Công việc của công ty hoàn toàn bị tê liệt. Mọi người túm tụm leo lên hết lầu một phòng kế toán, ở đó vừa có điện thoại bàn vừa có thể quan sát được bên dưới đường phố. Cái điện thoại bàn bây giờ nhanh chóng trở thành sợi dây liên lạc duy nhất nối đám người trong công ty với phần còn lại của thế giới. Đến lúc ấy không ai còn giữ vẻ bình thản được nữa. Trừ một số ít mà điện thoại di động còn sử dụng được đứng riêng ra một góc, hầu như mọi người đều vây chung quanh cái điện thoại, ai cũng nôn nóng tranh nhau để gọi, hết gọi cho người nhà rồi gọi cho bạn bè, người yêu, vừa nói chuyện vừa dõi mắt ra ngoài trời dò xét, nghe ngóng. Họ cố gắng để hiểu chuyện gì đã xảy ra, vì vậy một chút thông tin của người này, người kia, thậm chí cũng chẳng buồn quan tâm là của ai, đều cần thiết, đều có ý nghĩa vào những lúc như thế này. Trong lúc người này nói thì những người khác đứng đợi, thấp thỏm, bồn chồn, cau có; điện thoại đã có lúc nóng rực lên vì phải hoạt động liên tục không một giây phút nào được nghỉ.

Tin ban đầu được loan ra từ cái điện thoại ấy là: thành phố bị ngập ở diện rộng, nhiều nơi hầu như bị nhấn chìm trong biển nước, nhiều con đường bị ngập hoàn toàn, phương tiện giao thông liên lạc gián đoạn, tạm thời không thể hoạt động được. Mực nước trong thành phố có nơi cao xấp xỉ một mét. Có tin đã có tổn thất về nhân mạng. Chính quyền đang huy động cả quân đội, dân phòng, lực lượng phòng cháy chữa cháy chống ngập và tham gia giải cứu, sơ tán. Đây là trận mưa lớn nhất, kinh hoàng nhất trong lịch sử hơn ba trăm năm của thành phố.

Quả thật, hiện tượng này từ lâu đã được các nhà khoa học, môi trường, thiết kế đô thị cảnh báo: thành phố trong quá trình đô thị hóa ồ ạt, không kế hoạch, đã hoàn toàn phớt lờ những nguyên tắc căn bản về xây dựng; họ san lấp hết các sông, hồ, kênh rạch vốn là một hệ thống chằng chịt thoát nước tự nhiên của thành phố; họ khai thác nước ngầm vô tội vạ khiến cho đất nền bị sụt lún, cộng thêm với các nhân tố về biến đổi khí hậu, triều cường, dân số… đã đẩy nhanh hiểm họa tưởng chừng như chỉ thuộc về một tương lai xa xôi bỗng chốc xảy ra ngày hôm nay.

Chính xác là như thế rồi, không còn nghi ngờ gì nữa. Vấn đề chỉ là họ không nghĩ nó lại xảy ra quá sớm, quá nhanh và quá bất ngờ như vậy.

Những tin tức đầu tiên đó, dù sao, cũng đã có ít nhiều tác dụng giúp họ xác định được tình trạng hiện thời của mình để suy nghĩ tìm cách đối phó. Tuy vậy, vào lúc đó nó cũng không thể ngăn người ta vẫn cảm thấy bất an. Bị giam chân ở một nơi, họ chỉ còn tưởng tượng, thêu dệt và bàn tán với nhau về những gì đang xảy ra bên ngoài. Sự lo lắng rồi hoảng sợ cứ thế tăng dần và lan ra từng người một, cuối cùng đến tất cả mọi người.

-Trời ơi, con tôi còn ở nhà con nhỏ em. Ông chồng tôi ổng nói không đón được nó. Biết có gì không nữa…

-Có gì là có gì, cái bà này cứ rối như canh hẹ. Nó ỏ nhà dì nó mà, chứ có phải ở đâu mà sợ quá vậy.

-Thôi đừng có khóc má, má làm tụi tui sốt ruột quá.

-Ông im đi, ông có con đâu mà ông biết.

-Trời ơi, nước thế này làm sao mà về?

-Em hẹn với bạn em chiều nay, không biết có về kịp không nữa.

-Ai thử coi giùm mạng internet có chưa?

-Chưa.

-Chừng nào mới có không biết nữa?

-Lo mẹ gì internet, lo làm sao về nhà bây giờ nè.

-Làm sao mà về? Lội à?

-Chắc chắn là phải lội thiệt chứ không có giỡn chơi đâu. Bộ mày không thấy người ta lội nước đi ngoài kia à?

-Có ai đi với tôi không?

-Từ từ rồi tính, có gì mà mấy ông mấy bà cứ làm loạn lên hết vậy chứ.

-Má ơi má ơi…

-Sao lại có người chết vậy ta? Bị nước cuốn đi hay sao?

-Chắc mấy ông bà già thôi.

-Có nghe nói bao nhiêu người chết không?

-Có ai biết thêm tin tức gì nữa không?

-Có.

Một cô gái bên phòng giao dịch với khách hàng lên tiếng, Bạn em nói có nhiều bệnh viện bị ngập nước, mất điện; máy rút tiền của các ngân hàng không hoạt động nữa; có một kho chứa hàng ở ngoại thành bị nổ chưa xác định được nguyên nhân; trên đài phát thanh và truyền hình Nhà nước kêu gọi dân chúng bình tĩnh.

Tin tức cho thấy tình hình có vẻ như nghiêm trọng hơn nhiều người tưởng. Cả đám người càng thêm bồn chồn, đứng ngồi không yên. Nhìn xuống phố chỉ thấy mênh mông nước là nước, mấy cây si gần công ty bị ngập hết phần gốc, chỉ còn trơ ra mỗi thân trên. Mấy chiếc xe ô tô đậu gần đó cũng trong tình trạng y hệt, nước ngập gần đến nóc, trên cao nhìn xuống trông chúng giống như những món đồ chơi mà trẻ con vẫn thả chơi trong chậu tắm. Ở mấy căn nhà cao tầng, nhiều người leo lên đứng lố nhố xem xét, chỉ chỏ; một người đàn ông đứng trên sân thượng cầm một một cái ống nhòm chăm chú quan sát trong lúc ở các tầng dưới cửa đóng kín, nước dâng cao đến một phần ba. Rải rác đã thấy có người lội nước đi, nước ngập nửa thân người. Rồi lại có một người kéo theo phía sau một con chó ngồi trong cái chậu nhựa đi qua.

Nhìn thấy cảnh đó ai cũng ngao ngán trong lòng. Không dễ gì đi về nhà lúc này, nhất là với các bà, các cô. Họ sợ nước, nước mênh mông thế kia, chẳng thấy đâu là bến bờ, đường sá quen thuộc, đi trong nước như thế khác nào dấn thân ra biển lớn. Họ sợ hầm hố dưới chân, rắn rết, chuột bọ, cơ man nào những sinh vật lúc nhúc trong nước, nguy hiểm chẳng biết đâu mà nói trước.

Trong lúc nhiều người còn chưa biết tính đi hay ở thế nào, bất thình lình họ nghe Thủy reo lên, cái điện thoại di động của cô vung vẩy trước mặt:

-Rồi, chút nữa ông chồng tôi qua đón.

-Ai?

-Ông xã.

-Sướng nhất là bà đó, có ông xã làm kế bên.

-Bạn em cũng nói qua đón.

-Bạn em làm gần đây hả?

-Không, ảnh làm xa, cũng đang mắc kẹt như mình nhưng ảnh nói ảnh sẽ đến đón em

-Thôi, tôi lội về đây mấy ông ơi. Có ai đi không?

Không thấy ai trả lời, chàng thanh niên liền cúi xuống cởi giày, vắt lên vai, xăn ống quần cao lên tận gối rồi xuống lầu tiến thẳng ra ngoài cổng. Một số người chạy ra ban công ngó xuống xem. Nước cao tới ngang hông. Anh giơ một tay lên cao vẫy vẫy trong không khí mà không quay đầu ra phía sau như gửi lời chào những người còn ở lại. Một cô gái giơ chiếc điện thoại của mình lên chụp lấy cái cảnh ấy trong lúc những người khác không ai bảo ai đều hướng ánh mắt nhìn theo cho đến khi anh ta đi khuất sau tòa nhà ngân hàng ở trước mặt.

Chàng thanh niên ra đi như một sự khích lệ đối với những người còn trong công ty. Không khí bên trong phòng kế toán đã có phần lắng dịu xuống. Mọi người dường như bớt lo âu hơn so với lúc ban đầu khi dần nhận ra việc vượt qua biển nước ngoài kia thật ra cũng không có gì phải quá sợ. Ngoài đường đã có thêm nhiều người lội nước đi. Có một gia đình kéo cái bè bên trên là những đứa bé với một vài đồ dùng. Một người đàn ông cõng trên lưng một bà cụ tóc bạc phơ đi men theo những mái hiên ra gần đến trạm cây xăng đầu ngã ba. Rồi bất thình lình họ nghe trên đầu tiếng một chiếc trực thăng, một số người chạy lao ra ngó lên trời xem. Chiếc trực thăng bay ngang qua với một độ cao vừa phải, đảo qua một vòng trước mặt họ rồi bay đi thẳng.

Cuộc sống rõ ràng không thể vì nước ngập mà bị đình đốn, nó đang từng bước lấy lại nhịp độ hằng ngày, một cách dò dẫm, chậm rãi. Điều đó như càng thúc đẩy những người còn do dự trong công ty mạnh dạn dấn bước ra ngoài. Họ không thể ngồi mãi ở đó chờ cho nước rút hết hoặc hy vọng sẽ có một phương tiện nào đó hay ai đó đến rước đi. Họ cũng dẹp bỏ luôn ý nghĩ làm một cái bè vì Công ty Trường Minh cũng chẳng có một thứ công cụ gì ở đây để cho họ thực hiện. Vào lúc này việc phải rời khỏi đây bằng mọi giá đã là một giải pháp không còn phải đắn đo suy tính gì nữa.

Lác đác vài ba người bỏ ra về theo gương của chàng thanh niên nọ.

ba

Không còn ai ngó ngàng gì đến cái điện thoại như lúc đầu.Nhưng chính vào lúc không ai để ý đến cái điện thoại thì nó bất thình lình đổ chuông. Tư bảo vệ chạy vội lại, chồm người qua bàn nhấc ống nghe lên.

– A lô

Đó là cuộc gọi của ông phó giám đốc.

Anh ta quay ra phía mọi người đang dỏng tai nghe, đặt một ngón tay lên miệng mình ra dấu giữ im lặng. Họ chỉ nghe anh ta vâng dạ luôn miệng. Tư bảo vệ vừa gác máy điện thoại xuống thì mọi người đã xúm quanh lại hỏi:

-Ổng nói gì vậy?

Tư làm bộ mặt bí hiểm, nói với vẻ hãnh diện không che đậy của một người được cấp trên tin cậy:

-Ổng hỏi han tình hình rồi dặn dò mấy thứ vậy thôi.

Vào lúc Tư vừa dợm bước đi, điện thoại sau lưng lại reo lên nữa. Anh ta vừa làu bàu Gì nữa đây vừa quay người lại cầm lấy ống nghe. Ở bên ngoài, mọi người thấy nét mặt của Tư thay đổi dần theo câu chuyện, lúc thì tươi cười, lúc thì im lặng kéo dài, lúc thì nhíu mày căng thẳng. Sau cùng chỉ nghe anh ta buông ra mấy câu:

-Thế à? Không, anh. Vậy sao? Rồi… Chắc không có gì đâu anh. Rồi… rồi… Có gì tôi báo cho anh ngay. Dạ, không có gì anh. Chào anh.

Lần này không đợi mọi người hỏi, Tư bảo vệ đã nói ngay khi điện thoại vẫn còn cầm trên tay chưa vội đặt xuống bàn:

-Chồng bà Tú Lệ.

Như có một luồng điện vô hình chạy qua, cái tên Tú Lệ vừa thốt ra đã làm cho tất cả bất thình lình ngơ ngác bất động.

-Ổng hỏi gì vậy?

Một người trong bọn cất tiếng hỏi khiến họ sực tỉnh. Họ chợt nhận ra là từ chiều tối hôm qua đến sáng nay, họ đã hoàn toàn quên bẵng bà Tú Lệ với ông Tiến Công đoàn. Bình thường hai nhân vật này là đề tài không thể thiếu trong tất cả những cuộc xầm xì nhỏ to của đám nhân viên trong công ty. Ngày nào họ cũng có chuyện nóng sốt để đàm tiếu với nhau. Vậy mà không hiểu sao trận mưa khủng khiếp hôm nay đã làm cho mọi người như tê dại hết, chẳng ai còn tâm trí đâu mà nhớ đến mấy chuyện bá vơ như thế nữa. Thế nhưng ngay vào lúc này, khi cơn mưa đã tạnh, hiểm họa đã qua đi và tình cảnh của họ đã trở nên rõ ràng, cú điện thoại của chồng bà Tú Lệ đột ngột khơi gợi lại sự tò mò mọi ngày.

– Ổng nói là từ sáng đến giờ ổng gọi cho bà Tú Lệ nhiều lần mà máy cứ bận. Tối hôm qua thì bả có gọi về nhà một lần rồi thôi luôn cho đến bây giờ, Tư bảo vệ đáp.

Sau một hồi bàn tán, họ quyết định cùng nhau đi tìm bà Tú Lệ và ông Tiến Công đoàn. Phải đi tìm chứ, coi họ ở đâu để còn cho người nhà của họ biết nữa. Tìm ở các phòng lầu một và lầu hai. Tầng trệt có phòng bảo vệ, hội trường, nhà xe và mấy phòng nghiệp vụ, tất cả đều bị ngập nặng, họ bỏ qua, chẳng mất công tìm kiếm ở những nơi này. Vả lại hai ông bà này chả dại gì mà rủ nhau ở dưới đó, khách khứa, người này người kia đi ra đi vào thường xuyên. Lầu một có phòng kế toán, phòng khách, phòng giám đốc và phó giám đốc. Phòng giám đốc và phó giám đốc đã khóa trái, phòng khách thì các bà nằm ngủ đêm qua, không có bóng dáng bà Tú Lệ. Chỉ còn lầu hai, ở đó chỉ có mỗi một phòng dùng làm phòng thờ phong thủy, còn được gọi là phòng tâm linh, của ông giám đốc. Không lẽ…bà Tú Lệ và chắc chắn cả ông Tiến nữa lên đó ngủ sao? Tuy phòng thờ không bao giờ đóng cửa nhưng từ trước đến nay, như một quy định bất thành văn, chẳng có một mống nhân viên nào dám bén mảng lên đó, kể cả ông phó giám đốc cũng rất ít khi thấy lai vãng. Thỉnh thoảng mới có một cô chuyên làm công việc vệ sinh của công ty được ông giám đốc cho gọi lên dọn dẹp lau chùi và vì vậy, cô ta hầu như là người duy nhất trong các nhân viên ở đây biết rành rẽ nhất về cái phòng đó. Họ không tin là bà Tú Lệ và ông Tiến lại có thể bất cẩn, liều lĩnh đến như vậy. Nhưng biết đâu đấy, bởi đó chính là phòng kín đáo nhất trong công ty và có mấy ai ngờ đến. Cuộc tìm kiếm chắc chắn không thể kết thúc ngang ở đây được. Phải tiếp tục, họ quyết định.

Và cả đám kéo nhau lên lầu hai, hăng hái và phấn chấn một cách khác thường.

Như thường lệ, cửa phòng khép hờ, chỉ cần lấy tay đẩy nhẹ một cái. Tuy vậy, ánh sáng của một ngày mưa gió dầm dề lúc đó chỉ đủ giúp cho người ta phân biệt được một số đồ đạc trong phòng và để đi lại không va vấp mà thôi. Ngay chính giữa phòng, có một tượng Phật ngồi bày trên ban thờ, hai bên và bên dưới lủ khủ nhiều tượng lạ khác không rõ mặt. Rải rác vài chậu cây bonsai, đá phong thủy đủ loại. Trên tường treo nhiều cờ, phướn, dường như cả bùa chú gì nữa. Đặc biệt nhất là cạnh những tấm bùa đó lại treo một bộ quần áo bộ đội cùng với cái nón cối đựng trong một cái bao ni lông. Chẳng ai biết bộ quần áo ấy tại sao lại được treo ở đây, trong một nơi thờ tự như thế này. Nếu vào một dịp khác, bộ quần áo này chắc chắn sẽ là đề tài cho một câu chuyện ly kỳ không bao giờ kết thúc. Nhưng bây giờ, họ chẳng bận tâm vào chuyện gì khác ngoài việc tìm kiếm bằng được bà Tú Lệ với ông Tiến Công đoàn. Trong lúc cả đám ra chiều thất vọng vì chưa phát hiện được gì như mong đợi, Tám chỉ tay vào phía tối khuất bên trong.

-Vô đây, còn trong này nữa.

Mọi người hồi hộp ùa theo nhau đi ra đằng sau gian thờ.

-Trời ơi, ông Tiến kìa, phải không? Một cô gái vẫn còn đứng ở ngoài chỉ ngón tay vào bên trong kêu lên, giọng thảng thốt.

Đúng là ông Tiến rồi. Tám và Thành len người bước vào trước.

Ông ta nằm trên một cái bộ ván, ngực áo phanh ra, hai cánh tay buông thõng dài theo người.

Nhưng lúc Thành bước đến bên cạnh ông Tiến, định lay ông ta thì bỗng giật phắt ngay tay lại, bước lùi ra sau, vẻ mặt kinh hoàng, hét to lên:

-Ổng chết rồi.

Tám sờ vào người ông Tiến, thấy đã lạnh ngắt. Nghe tiếng Thành hét lên, những người đứng bên ngoài, không ai bảo ai, người bụm miệng, người che mặt cũng kêu lên theo; những âm thanh buột ra khỏi miệng thảng thốt, vô nghĩa. Nhưng rồi họ chỉ đứng túm tụm ở đó, co rúm lại với nhau, xầm xì chỉ chỏ mà không dám bước chân vào, gương mặt ai cũng thất thần sợ sệt. Không một ai biết vì sao ông Tiến chết mà lại chết ở đây. Ổng tự vẫn hay uống rượu trúng gió chết? Còn bà Tú Lệ ở đâu? Lúc đầu họ chỉ nghĩ đến mỗi việc đi tìm kiếm bà Tú Lệ, háo hức với ý nghĩ sau bao nhiêu lâu kín đáo rình mò dịp này sẽ là một cơ hội hiếm có để bắt gặp quả tang bà ta với ông Tiến đang tằng tịu với nhau, để xem coi hai con người đó sẽ phải ăn nói thế nào trước bằng chứng không thể chối cãi này nhưng mà bây giờ, hoàn toàn bất ngờ, trước mắt họ không phải là bà Tú Lệ, mà chỉ có mỗi cái xác vô hồn của ông Tiến. Họ đâu có ngờ lại rơi vào cảnh ngộ thế này. Tình huống xảy ra trước mắt quả là quá đột ngột, ngoài sự tưởng tượng làm cho họ chết lặng, đứng chôn chân một chỗ, mất hết cả phản ứng, không còn biết phải làm gì nữa.

Chỉ đến khi một người bỗng nhiên nói lớn Thôi tôi xuống đây, sợ quá, trời ơi… thì ngay lập tức cả đám, như những diễn viên vụng về trên sân khấu được một người đứng sau cánh gà nhắc tuồng, chợt rã ra và cùng hè nhau té chạy đi hết.

bốn

Phòng kế toán, lầu một.

Sự bàng hoàng vẫn còn đọng trên gương mặt của mọi người. Họ cố không tin vào những gì vừa chứng kiến là sự thật. Họ ngồi đó, im lặng, như thể mơ ước tất cả những điều họ đã trải qua ngày hôm qua cũng như hôm nay chỉ là một cơn ác mộng, tự nhủ rồi nó sẽ qua đi như tất cả những thứ hiện hữu trên đời này sẽ qua đi, rồi ngày mai, ngày kia, mọi sự sẽ trở lại vòng quay bình thường của nó như chưa từng xảy ra chuyện gì. Nhưng cho dù có cố xua đuổi đi, hình ảnh của ông Tiến vẫn cứ lờn vờn trước mặt họ như một ám ảnh không dứt.

Ngoài trời, mưa lại bắt đầu nhỏ hạt. Tuy vậy trên đường phố đã có nhiều người đi lại bất chấp nước ngập. Chiếc trực thăng ban nãy bây giờ lại quay trở lại, đảo một vòng trên trời như đang tìm kiếm cái gì. Tiếng động cơ của chiếc máy bay phá tan bầu không khí lặng ngắt bên trong. Tư bảo vệ nói Mưa nữa kìa. Nhiều người nghe vậy ngẩng mặt nhìn ra nhưng không ai nói năng gì.

Bất giác Thành lên tiếng trước:

-Vụ này mình có phải báo cáo không ta?

Liền có mấy người lao nhao nói theo.

-Sao không?

-Phải báo cáo là cái chắc rồi.

Thành chỉ tay vào Tư bảo vệ:

-Ông là bảo vệ ở đây, ông báo cáo giám đốc đi.

Tư giẫy nẫy:

-Ủa, tại sao là tôi? Mà không phải là ông?

-Tôi có phải là bảo vệ đâu.

-Báo cáo thì phải là người có trách nhiệm chứ, một người nói chen vô.

Đến đây thì Tư bảo vệ không còn giữ được bình tĩnh nữa, đứng phắt lên, chỉ tay vào người vừa mới nói:

-Trách nhiệm thì lãnh đạo mới có trách nhiệm nha, tôi là cái thá gì ở đây mà nói trách nhiệm với không trách nhiệm.

Câu chuyện đã bắt đầu có vẻ gay cấn, Tám nhảy vào can thiệp bằng một giọng giảng hòa.

-Thôi mấy cha ơi, xin can đi.

Trong lúc đám đàn ông đang to tiếng, mấy cô gái ngồi quấn lấy nhau, có vẻ như những gì chứng kiến vừa rồi vượt quá sự chịu đựng của họ khiến bây giờ họ chẳng còn đầu óc đâu để can dự vào chuyện cãi cọ đó nữa. Phải một lúc lâu mới nghe Thủy lên tiếng hỏi:

-Có điều em vẫn thắc mắc là bà Tú Lệ ở đâu, sao tới giờ mình không thấy?

-Nhưng vấn đề là mình có chắc là bà Tú Lệ với ông Tiến tối qua đi chung với nhau không? Có ai thấy không?

Tám nói:

-Hà nói có thấy mà, phải không Hà?

Vừa nghe nhắc đến mình, Hà cãi lại ngay, sẵng giọng, nói liền một hơi:

-Tôi nói khi nào? Anh đừng nói bậy bạ à nha. Tôi không có thấy gì hết. Tôi không có nói gì hết.

Phản ứng bất ngờ của Hà làm cho Tám có phần chưng hửng. Nhưng chưng hửng và bất ngờ nhất là cách xưng hô, từ anh em thân mật hằng ngày cô ta bỗng chốc chuyển sang xưng tôi với anh như chưa hề quen biết. Chẳng phải trong buổi tối hôm qua chính cô ta là người đầu tiên phát hiện hai ông bà đó vắng mặt hay sao. Hằng ngày cô ta cũng là người bàn luận nhiệt tình nhất những chuyện sốt dẻo của họ kia mà. Anh thấy mình đâu có nói gì sai. Mà nếu giả dụ như có nói sai gì đó, anh nghĩ giả dụ như thế thôi, thì cũng chẳng có gì là quan trọng để cô ta phải phản ứng gay gắt với mình đến vậy.

Mặt Hà đỏ lựng. Cô quay sang người bên cạnh định nói gì đó nữa, song lại thôi. Rồi cô lại nhìn sang Tám vẫn với vẻ mặt bực tức lúc nãy.

Không khí trong phòng trở lại căng thẳng như vừa rồi.

Một lúc sau, bất thình lình Hà đứng lên, nói hậm hực:

-Thôi tôi đi về đây.

Nói xong, cô xuống lầu, đi thẳng một mạch ra ngoài cửa. Những người còn lại nhìn theo cô, rồi quay sang nhìn nhau, có vẻ như họ chưa hết ngỡ ngàng vì thái độ quyết liệt bất ngờ của cô ấy.

Mưa đã nặng hạt.

Thủy nói:

-Thôi, ông xã em đến rồi, em đi về đây. Chào mọi người nha.

Tư bảo vệ nhìn xuống đường thấy chồng của Thủy đã đứng chờ trước cổng, tay cầm dù, người đứng ngập trong nước. Ra đến ngoài, Thủy còn đứng nói chuyện với chồng một lúc mới đi. Họ đi lúp xúp một cách khó khăn bên dưới những hàng cây, về phía bến xe. Thủy một tay giữ lấy tay chồng, một tay ôm chặt cái túi trước ngực. Tư bảo vệ biết quẹo về phía tay trái của bến xe có một xe mì rất ngon, chiều nào anh cũng ra đó ăn một tô, làm một xị rượu thuốc. Người bán quen mặt Tư bảo vệ, lần nào cũng ưu ái làm cho anh một tô thật đầy đặn kèm theo một tô xí quách. Sau trận lụt này, không biết bao giờ mới bán lại đây.

Tư quay người lại khi nghe tiếng của Tám:

-Thôi tôi cũng về đây. Ông già tôi ở nhà một mình, nước ngập, không biết ổng làm sao nữa.

Nói xong Tám giơ cánh tay lên chào Tư bảo vệ rồi đi ra.

Bây giờ trong phòng chỉ còn lại năm người. Họ hết nhìn nhau rồi lại nhìn ra ngoài trời, chẳng biết làm gì. Có lẽ họ cũng chẳng còn chuyện gì để nói nữa. Thời gian lặng lẽ trôi qua và mọi người nghe tiếng mưa rơi bên ngoài càng lúc càng to.

Một lúc Thành, rồi tiếp tục những người khác, lần lượt ra về. Chỉ còn Tư bảo vệ, một mình.

Tư bước ra ban công, nhoài hẳn người ra ngoài, giơ một cánh tay hứng mấy giọt nước mưa, đưa lên lau mặt. Anh hết ngó lên trời, nhìn bầu trời xám xịt, rồi ngó xuống đường, sau cùng thì quay vô phòng. Anh xuống cầu thang, đi qua cái sân ngập nước. Ở nhà để xe, mái đã bị sập, hai chiếc xe nước ngập đến nửa. Rác, mái tôn, cành cây, giấy báo, túi ny lông và xác chuột chết trôi lềnh bềnh. Sực nhớ cửa phòng kế toán chưa khóa, anh bèn quay trở lại. Sau đó Tư trở ra phòng bảo vệ. Sáng sớm hôm nay anh nhớ mình đã khóa cửa cẩn thận, tuy bên trong đó chẳng có thứ thứ tài sản gì đáng giá cả, ngoại trừ cây quạt đứng và cái điện thoại để bàn. Đứng bên ngoài, Tư ngó vào bên trong phòng, vẫn thấy lờ mờ hai thứ đó. Cái quạt thì chìm nghỉm trong nước, mấy tờ giấy và cuốn sổ trên bàn không hiểu sao rơi hết xuống đất, nổi lấp xấp trên mặt nước. Thế này thì phải làm lại hết mấy cái báo cáo rồi đây, anh nghĩ. Tư bảo vệ còn đứng trước cửa phòng làm việc của mình tần ngần một lúc lâu, nghĩ xem mình còn để quên thứ gì nữa không. Khi đã chắc chắn mình không còn quên thứ gì ở công ty nữa, anh mới chậm rãi đi ra cổng.

Anh phân vân không biết đi về hướng nào, rẽ về đâu cũng thấy lênh láng nước với nước. Sau cùng anh quyết định đi ra bến xe, thử coi chỗ bán mì như thế nào.

Comments are closed.