Mây trời tan hợp

Truyện Đào Như

Anh Nhất,

Mau quá anh nhỉ, mới đó đã hai mươi chín năm. Không ngờ đi ăn cưới người cháu vợ ở Cali, gặp lại anh ở phố Bolsa sau gần ba mươi năm. Nhớ ngày nào bốn anh em: Ngọc, Nhất, Tâm, Thể, coi như tứ trụ vây quanh người anh đầu đàn, anh Lê Văn. Ngày 30 tháng tư 1975, anh ấy quyết tâm ở lại. Anh Lê Văn chịu đựng quá nhiều, chuyên chính vô sản tước đoạt anh quá thảm thiết. Biết bao mất mát. Năm 1998 tôi về thăm nhà và ghé thăm anh ấy. Sau bao nhiêu năm trăn trở, đầu anh Lê Văn bạc trắng. Lúc đó anh đúng bảy mốt tuổi. Nụ cười vẫn trên môi. Anh cho tôi hay cách đó hơn một năm anh vừa thoát cơn máu nhồi cơ tim. Anh vẫn nhắc đến tụi mình và vẫn còn lo lắng cho chúng ta như thuở nào: “Ngọc và Tâm ở Pháp, còn toi và Nhất ở Mỹ, sống cách nhau xa quá liệu có liên lạc với nhau chặt chẽ thường xuyên không? Đời sống anh em mỗi ngày một khá hơn chứ?.

Anh Nhất, anh biết không, tôi đành nói dối: “Thời đại bây giờ mà anh. Có cách nhau những hành tinh đi nữa, chỉ cần nhấc điện thoại là nghe được tiếng nói của nhau, hay lên mạng điện thư cho nhau là biết nhau ra sao rồi….

Thật ra cuộc sống tị nạn, như anh đã biết, có nhiều ràng buộc, nhầm lẫn. Kẻ đến trước, người tới sau, gặp nhau cũng khó khăn. Đôi khi gặp nhau lại không nhìn ra nhau…

Nhưng khi nghe tôi nói thế, anh ấy rất mừng rồi anh tự nói về mình: “À! Moi quên. Thời đại tin học, thời đại computer. Toi thấy chưa? Moi lạc hậu quá rồi!.

Nói xong anh cười phá lên. Tiếng cười thật là hào sảng. Anh thật sự kiêu hãnh có những đứa em như chúng ta. Ấy thế mà tám tháng sau, anh lại qua đời vì tai biến mạch máu não. Nhớ ơn anh ở lại với tổ quốc, và hơn hai mươi năm làm giám đốc bịnh viện, tất cả dân chúng thị xã đã tiễn đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Nhắc lại chuyện xưa, đôi khi khiến chúng ta ngậm ngùi. Tôi nhớ lại những gì anh Lê Văn đã từng nói riêng với tôi: “Moi đã làm việc với trên Bộ với anh Trần Minh, chức Trưởng Vùng Y tế thì giao cho Ngọc, Trưởng Vùng về Dược thì giao cho Nhất, Trưởng Ty Y tế của Tỉnh thì giao cho Tâm, còn toi còn trẻ, còn nhiều nhiệt huyết thì giao cho làm Giám đốc trường Cán Sự Điều Dưỡng hệ ba năm. Trường chưa đầy hai tuổi, như em bé mới vừa biết đi chập chững, toi chịu khó chăm sóc ngôi trường ấy, hiện tại nó được coi như Trường Y duy nhất tại Vùng 4, đồng bằng sông Cửu Long. Còn moi già rồi thì lui về, tiếp tục làm giám đốc bịnh viện Thủ Khoa Nghĩa.

Nghĩ lại những gì nhóm chúng ta thực hiện trước 1975, nói là chuyện gì ghê gớm, to tát lắm quả nhiên là không phải. Chuyện của một nhóm người, của một vài người cùng chung lý tưởng như chúng ta, đã cố gắng thực hiện lý tưởng của mình trong mịt mù bom đạn thuở đó đều quá bé nhỏ cả so với cả nước. Chúng ta lớn lên trong chiến tranh, trực tiếp tham dự vào cuộc chiến. Mỗi thời đại có mẫu người riêng của nó. Trong chiến tranh, con người là nạn nhân và cũng là chứng nhân của những cái chết thê lương, trong chiến hào, ngoài mặt trận, trong tù ngục, hay giữa thành phố, dưới gầm cầu…

Con người trong chiến tranh có cả tình yêu lẫn hận thù, sự sống và cái chết. Cái chết thì nghiệt ngã. Tình yêu thì lúc nào cũng ngời sáng trong đáy lòng của mọi người. Ấy thế mà chúng ta vẫn hiên ngang sống, sống nhiệt tình với trách nhiệm, mình vì đồng bào và tương lai dân tộc là trước nhất.

Bây giờ nhớ lại những việc làm của chúng ta vào thời điểm ấy, không hẳn là niềm tự hào to tát lắm, nhưng cũng không phải là những gì dễ xoá mờ qua năm tháng…

Như anh biết, anh Lê Văn và tôi ở lại sau ngày 30 tháng Tư 1975, nhận những tai họa ngay trước mắt. Cộng sản trở tay quá sớm. Họ coi tất cả những người phía Nam vĩ tuyến 17 là kẻ thù cần phải triệt hạ hay cải tạo. Họ làm hoàn toàn trái ngược những gì họ nói trước khi họ chiếm trọn miền Nam. Ngay trong 24 giờ đầu, tất cả anh em bác sĩ ở lại đều được lệnh tập trung đi tù cải tạo. Chỉ có bác sĩ Lương Khai, Nguyễn Quốc và tôi không bị gọi tập trung đi tù cải tạo, vì chúng tôi thuộc thành phần trẻ, không ở trong quân ngũ, không dính dáng đến chính trị.

Nhưng bác sĩ Lương Khai và Nguyễn Quốc thuộc sản phụ khoa. Như vậy khoa ngoại có hơn mười bác sĩ phẫu thuật, bây giờ chỉ còn có mình tôi… Đầu ngành khoa ngoại của bịnh viện Thủ Khoa Nghĩa sau 30 tháng Tư 1975 là một bác sĩ cách mạng: Nguyễn Văn Ngôn, thường gọi là Út Ngôn. Út Ngôn là bác sĩ của R, gốc người Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, nguyên là lính của tiểu đoàn 307, tập kết ra bắc năm 1954, tốt nghiệp y khoa Hà Nội hệ chính qui, chuyên về sọ não.

Đó là những gì Út Ngôn tự giới thiệu trong buổi giao ban đầu tiên của khoa ngoại trong ngày tiếp quản. Trong buổi giao ban này, anh cũng “tố” cha anh là một đại điền chủ khoa cử, có nhiều vợ. Anh ta là con của bà vợ thứ. Mẹ anh là chị ruột của một bác sĩ tiết niệu. Vì hổ thẹn với thành phần giai cấp gia đình, anh tự giác ngộ, đi theo cách mạng lúc mười sáu tuổi.

Lúc đầu chưa có kinh nghiệm với họ, tôi cứ tưởng anh ấy là tên cộng sản nghiệt ngã, ác ôn sớm đầu tối đánh, phản lại cha mẹ, dòng họ, gia đình. Nhưng tôi lầm. Sau này tôi mới hiểu, sở dĩ Út Ngôn nói nhiều như vậy không ngoài mục đích anh cho chúng ta thấy anh cũng thoát thai từ “gêne” khá tốt: trí thức tư sản.

Đến ngày mùng 5 tháng Năm, năm ngày sau ngày tiếp quản, Ủy ban Quân quản quyết định chuyển qua bịnh viện dân y Thủ Khoa Nghĩa tất cả gần ba trăm thương bịnh binh quân đội Việt Nam Cộng Hòa đang điều trị bên quân y viện Phan Thanh Giản. Thế là khoa ngoại phải nhận tất cả thương bịnh binh của ta, quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng khoa ngoại chúng tôi đâu có đủ phòng tiếp nhận anh em. Bác sĩ chỉ có một mình tôi. Bác sĩ Út Ngôn coi về chính trị, tôi coi về chuyên môn. Tôi đốc thúc nhân viên cũ của mình dọn dẹp lại trại xưởng, trại 19, trại 14, trại 21 tạo ra nhiều phòng hơn cho anh em. Chúng tôi chỉ có 24 giờ để sửa soạn tiếp nhận thương bịnh binh của ta.

Anh Nhất, anh có biết gần 300 bịnh binh của ta di chuyển qua tôi như thế nào không? Chỉ có mươi, mươi lăm người chuyển qua bằng vài chuyến ambulances, vì họ suy kiệt nặng quá. Như anh biết, Viện Dân Y và Viện Quân Y có chung một bức tường. Ở bức tường ấy có một cửa thông qua hai bịnh viện. Thường thì cửa này khóa chặt, Viện Quân y giữ chìa khóa.

Biết thế các thương bịnh binh ta yêu cầu cách mạng mở cửa và anh em tự di chuyển. Nhiều người cứ từng cặp dìu nhau đi qua cửa ải. Họ đùm túm dắt díu nhau qua gặp tôi. Có anh em mừng, có người gần như muốn khóc khi tôi đến nâng dìu họ lên giường bịnh. Có anh mừng quá la lớn: “Gặp được phe ta rồi. Mấy ngày rồi thiếu thuốc men quá bác sĩ ơi. Cơm nước toàn do vợ nuôi. Nếu không có gia đình ở đây thì ăn cơm ‘chỉa’ với anh em.

Ủy ban Quân quản và thành đội ra lịnh chúng tôi không được giữ anh em thương bịnh binh ta trong viện quá mười ngày. Tôi thầm kín huy động tất cả nguồn nhân lực và thuốc men còn lại dồn hết vào việc điều trị cho anh em. Cũng may vào thời điểm đó cũng còn quá sớm, cách mạng chưa kịp để mắt kiểm kê hay kế hoạch phân phối kho thuốc của Vùng mà anh để lại. Trong thời gian này, tôi có dịp qua thăm Quân y viện của bộ đội cách mạng. Tôi cũng đi qua cửa ải đó để ký giấy tờ thâu nhận các anh em thương bịnh binh ta. Tôi mục kích cả một sự đau lòng: quân đội cách mạng cũng thiếu hụt thuốc men, sự băng bó và lều trại bê bối. Sau cuộc chiến, chúng ta mới có đủ thì giờ và cơ hội nhìn thấy vết thương đang chảy máu của nhau.

Trong chiến tranh không có kẻ chiến thắng, chỉ có nạn nhân của chiến tranh. Chiến tranh gây ra nghèo đói, đổ nát, lạc hậu, ngộ nhận, hận thù phi lý. Niềm kiêu hãnh lớn của anh em chúng ta và cả nước hôm nay là chúng ta cố gắng đoàn kết với nhau, đứng lên từ đổ nát của chiến tranh, bảo vệ hòa bình, phục hồi kinh tế, cũng cố độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng lại lòng tin yêu, xóa bỏ những nhầm lẫn gây ra do cuộc chiến quá dài.

Nhưng đó không phải là chuyện dễ làm. Có nhiều âm mưu, gọng kềm quốc tế, ngăn cách và bủa vây dân tộc ta trong thời hậu chiến. Tội ác lớn nhất của mọi thời đại là những kẻ xuyên tạc lịch sử chỉ vì lơi ích riêng cho họ, cho bè lũ của họ. Phải không anh?

Sau 30 tháng Tư 1975, hòa bình trở lại trên đất nước. Ai cũng chăm lo vun xới lại ruộng vườn, cày sâu cuốc bẩm tăng gia sản xuất. Nói nghe văn chương vậy chứ thật sự lúc đó ai cũng đói. Họ đâu có biết dưới lớp đất chôn sâu dưới chân họ là bãi mìn đủ loại, đủ cỡ, mang nhiều danh tánh khác nhau: mìn nhái, mìn cóc, mìn râu, mìn rùa, mìn kíp…

Một mặt trận mới vừa bung ra sau ngày thống nhất đất nước, mặt trận lao động sản xuất. Đó là cuộc chiến bi thương của thời hậu chiến. Cuộc chiến giữa nông dân đối đầu với những cốt mìn tự động. Từ đồng bằng miền Trung đến đồng bằng sông Hậu và khắp cả núi rừng Trường Sơn đều là những bãi mìn. Có anh nông dân nạn nhân của mìn, vì đau đớn quá anh gào lớn tại phóng cấp cứu khoa ngoại: Tất cả mìn nhỏ này đều từ máy bay Mỹ thả xuống, chun vào đất nằm chờ… Chúng tôi biết hết, nhưng vẫn phải đổi bát máu lấy bát cơm….

Câu nói này như một trong những điệp khúc bi hùng sau chiến tranh. Rất tiếc các anh không ở lại cùng chúng tôi, để cùng nhau san sẻ những năm tháng bi tráng ấy của cả nước trong thời hậu chiến.

Út Ngôn hiểu biết về chuyên môn quá yếu trong ba năm đầu tiếp quản, nên công tác phẫu thuật của anh bị giới hạn. Theo nguyên tắc, tôi là bác sĩ ngụy không được mổ “cán cao”, nhưng khi cấp cứu tôi vẫn phải mổ. Út Ngôn đứng bên cạnh phụ tôi đồng thời để học hỏi, bác sĩ Y vụ đứng sau lưng tôi theo dõi.

Bác sĩ Y vụ lúc ấy là Hoàng Quang Ánh đâu biết gì về chuyên môn, ông ta gốc Nghệ an, bác sĩ bổ túc, đứng sau lưng xem tôi mổ trong phòng vô trùng, vẫn mang dép râu. Họ thủ thế với mình kỹ quá. Không tin mình về chính trị, nhưng họ phải sử dụng mình trong chuyên môn. Làm việc gì mình cũng phải ngó trước ngó sau, phải hỏi ý kiến thủ trưởng. Thủ trưởng của tôi lại là Út Ngôn. Mình cũng khổ mà Cách mạng cũng khổ.

Út Ngôn nhiều lúc bảo tôi: “Em phải thận trọng, phải gặp anh trong mọi quyết định phẫu thuật, và anh nói nhỏ giọng hơn vừa đủ cho tôi nghe: “Chủ yếu là để bảo vệ em.”.

Cộng sản thường rêu rao: “Trước mặt thầy thuốc, tất cả mọi người đều bình đẳng…. Không đâu anh. Cộng sản là chế độ có nhiều giai cấp. Cán bộ thì có: Sơ, Trung, Cao. Ăn uống thì cũng có: Tiểu táo, Trung táo, Đại táo… Khi nằm viện thì chế độ bịnh phòng cũng khác.

Trong cuộc sống hàng ngày cũng vậy, chế độ sinh hoạt rất khác nhau: kẻ thì hưởng thụ theo khả năng (khả năng làm việc), người thì hưởng thụ theo nhu cầu (họ cần tới đâu, nhà nước cung phụng tới đó).

Ngày xưa, những năm 1950, thế hệ của chúng ta đọc Les Nouvelles Classes của Djilas. Lúc đó anh em chúng ta có người còn ngờ ngợ chưa tin. Sau 1975 giáp mặt với thực tế! Nghĩ mà thương Djilas bị Tito vùi dập.

Bác sĩ Nguyễn Văn Ty, đầu ngành Ngoại Tim Mạch của bịnh viện Việt Đức tại Hà nội, nguyên Trung tá bác sĩ tham chiến chiến trường Điện Biên. Tháng 10 năm 1976 ông đi tham quan các bịnh viện ở các tỉnh phía Nam. Không hiểu vô tình hay cố ý, vừa ghé thăm ban lãnh đạo bịnh viện Đa Khoa Hậu Giang, bác sĩ Nguyễn Văn Ty liền xuống thăm phòng phẫu thuật.

Bác sĩ Ty tìm gặp tôi trước cửa phòng Cấp Cứu Hồi Sinh của khoa ngoại. Anh gọi tên tôi, giọng thân mật như đã quen thân nhau lâu lắm:

-Anh Thể đó hả! Tôi đến gặp anh đây. Anh vẫn bình thường chứ? Tôi là bác sĩ Ty, bác sĩ đầu ngành ngọai tim mạch ở bịnh viện Việt Đức – Hà Nội. Gớm! Cái anh này trẻ thật! Trẻ quá đi thôi! Quí hóa quá!

Thú thật tôi hoàn toàn bị động trước lời lẽ chân thật và đầy thương yêu của anh ấy. Còn anh ấy đang nhìn chung quanh. Tôi nghĩ là anh đang quan sát phòng cấp cứu của tôi. Tôi ấp úng nói:

– Thưa anh…

Tôi chưa kịp nói tiếp, anh liền phác tay:

– Phòng cấp cứu hồi sinh tổ chức khéo quá, bề thế mà không kềnh càng, trang bị tối tân.

Sau khi trao đổi với tôi vài ý kiến về chuyên môn trong phòng hồi sinh, anh nắm lấy cánh tay tôi, chúng tôi cùng ra ngoài. Anh nói:

– Ở đây mát quá anh nhỉ. Nhờ sông Bassac rộng. Anh ráng làm việc, người ta sẽ tin mình. Năm năm người ta không tin mình thì mười năm; mười năm người ta không tin mình thì hai mươi năm, ba mươi năm người ta cũng phải tin mình. Như tôi bây giờ vậy, anh thấy chưa? Nói xong trán anh đượm mồ hôi, anh xắn tay áo lên tận khuỷu. Tôi thoáng thấy một khoảng tím bầm như xuất huyết dưới da nơi khuỷu tay anh. Tôi nắm khuỷu tay anh tôi hỏi:

– Sao vậy anh?

Anh cười, phủ tay áo lại. Anh nói:

– Cách đây năm hôm, trước khi đi tham quan các bịnh viện các tỉnh phía Nam, tôi bán nửa lít máu để lấy tiền bồi dưỡng cho cậu con trai tôi luyện thi vào trường Y Hà Nội. Nghe nói thế, tôi há hốc nhìn anh. Anh lại phác tay:

– Có gì đâu! Rồi anh sẽ cũng như tôi!

Anh trông có vẻ vội vã. Hình như anh đang phát hiện một điều gì. Anh nói:

– A, tôi đi thôi. Mai sẽ gặp lại anh để thăm các khoa phòng khoa ngoại.

Anh bắt tay tôi. Anh nói ngoái lại:

– Anh còn trẻ chán. Không có gì là muộn đối với anh cả.

Bác sĩ Ty vội bước đi rất nhanh. Hình như anh không biết rằng tôi đang suy nghĩ thật mông lung về câu nói của anh. Thú thật tôi đang bối rối, làm sao tôi có thể tin tưởng câu nói của một người cộng sản như anh? Và tôi cũng không đủ can đảm nghĩ rằng tất cả câu nói vừa rồi của bác sĩ Nguyễn Văn Ty đều là dối trá.

Tôi quay lại, vào phòng cấp cứu hồi sinh, tôi thoáng bắt gặp ánh mắt của bác sĩ Nguyễn Văn Xuyền ẩn sau tấm cửa porte battante, anh vừa theo dõi câu chuyện chúng tôi. Bác sĩ Xuyền vào khoảng ba mươi, ba lăm tuổi, bác sĩ bổ túc, chuyên về Nội khoa, người Bắc, cán bộ chi viện cho Miền Nam từ Hà Nội. Anh là lãnh đạo thanh niên bịnh viện. Anh ca bài Hà Nội – niềm tin và hy vọng khá hay!

Bác sĩ Út Ngôn và tôi làm việc mỗi ngày một gần gũi nhau hơn. Thú thật ngoại trừ với thầy tôi, các vị giáo sư trường Y Sài Gòn và các bạn bè nội trú cũ, tôi chưa làm việc với ai mà gần gũi thân thiết và kính trọng lẫn nhau như tôi làm việc với bác sĩ Út Ngôn. Qua mắt tôi, Út Ngôn là một bác sĩ cầu tiến, giàu lòng nhân đạo và yêu nước.

Tình thế càng khó khăn, tôi và bác sĩ Út Ngôn càng làm việc khắng khít với nhau. Có lúc anh em thật gần gũi. Sau gần bốn năm làm việc học tập bên tôi, bác sĩ Út Ngôn có nói những câu nói xa gần, đại khái là tay nghề của anh bây giờ khá vững nhờ những năm làm việc chung với nhau. Anh không bao giờ quên những chặng đường ấy. Nói xong anh vội bước đi, để mặc tôi ngơ ngác với câu nói của anh. Tôi suy nghĩ mãi về anh như lần đầu tôi gặp bác sĩ Nguyễn Văn Ty… Có phải chăng trong còn người cộng sản, con người quốc gia vẫn còn chôn sâu trong tận cùng tâm hồn họ?

Chủ Nhật cuối tháng Hai 1979, lúc hai giờ sáng tôi được điều vào bịnh viện để mổ cấp cứu cho một cán cao, công an biên phòng. Ông ta bị thương trong một cuộc đụng độ với người vượt biên do biệt kích Mỹ tổ chức. Tôi chỉ nghe nói vậy. Ông ta bị thương rất nặng. Dĩ nhiên có bác sĩ giám đốc, bác sĩ Út Ngôn đứng bên cạnh tôi trong phòng phẫu thuật. Sau ba giờ liền can thiệp phẫu thuật, tình trạng bịnh nhân được ổn định.

Lúc đó là năm giờ sáng. Theo đề nghị của bác sĩ Y vụ, tôi ngủ lại phòng bác sĩ trực thay vì về nhà. Vì mệt, vừa đặt lưng xuống tôi ngủ ngay thẳng giấc đến sáng. Khi thức dậy đã tám giờ sáng. Tôi làm giường, tháo mùng lật gối. Khi lật gối, tôi giật mình khi thấy một cây súng ngắn đặt dưới gối nằm của tôi.

Tôi vô cùng sợ hãi và bối rối khi nghĩ lại đêm qua tôi ngủ gối đầu trên cây súng ngắn mà không hay! Tôi không dám sờ tới nó. Tôi bàng hoàng suy nghĩ. Như thế này thì hết tình hết nghĩa rồi. Tôi không ngờ tôi lại rơi vào hoàn cảnh bức bách như bây giờ. Vấn đề tôi phải ra đi trở thành bức xúc với cách mạng đến thế sao? Tôi muốn biết tại sao như vậy? Sau cây súng ngắn này, cách mạng sẽ vẽ chuyện gì nữa đối với tôi, với gia đình tôi?

Nhìn đồng hồ thấy hơn tám giờ sáng, tôi bốc điện thoại gọi Mười Nhân, bác sĩ bịnh viện trưởng và cho ông ta hay là có kẻ xấu lận cây súng ngắn dưới gối nằm của tôi tại bịnh viện trong đêm qua. Ông ta trả lời, giọng rất bình thường:

– À, cây súng ngắn phải không? Chắc Út Ngôn đêm qua, cùng tôi xuống thăm bác sĩ mổ cấp cứu, anh ấy ghé phòng trực, chính anh ấy làm giường và treo mùng cho bác sĩ nghỉ sau khi mổ cấp cứu. Hình như sau đó anh ấy giấu cây súng dưới gối nằm của bác sĩ. Hồi khuya lúc về anh ấy quên ghé lấy. Bác sĩ cứ gọi cho anh Út Ngôn. Anh ấy sẽ đến lấy hay cho các em bảo vệ đến lấy.

Sau đó tôi gọi bác sĩ Út Ngôn, cũng trong giọng bình thường, anh ấy bảo là anh ấy bỏ quên cây súng dưới gối nằm của tôi và anh ấy sẽ bảo các em bảo vệ đến lấy. Cũng như bác sĩ bịnh viện trưởng, bác sĩ Út Ngôn không một lời xin lỗi tôi.

Chuyện cây súng ngắn bỏ quên dưới gối nằm của tôi như một quả bom nổ chậm trong bịnh viện, mặc dầu tôi muốn giữ kín chuyện đó, không muốn gây ra tư tưởng hoang mang cho các nhân viên trong bịnh viện. Thật tình mà nói, lúc nào tôi cũng quí anh Út Ngôn.

Tôi thật sự cảm động khi nghe bác sĩ bịnh viện trưởng cho tôi hay là chính anh Út Ngôn giăng mùng làm giường cho tôi ngủ đêm hôm đó. Có điều lạ là người bung tin cây súng bỏ quên dưới gối nằm của tôi lại là một bác sĩ cách mạng, bác sĩ Xuyền, bác sĩ bổ túc, chuyên về nội thương, chi viện từ Hà Nội. Bác sĩ Xuyền cũng là người lãnh đạo Tổ chức Thanh niên trong bịnh viện từ năm 1975.

Thật sự, từ đầu năm 1978, những lúc rỗi rảnh và hình như chiều nào anh cũng có những lúc rỗi rảnh đó, bác sĩ Xuyền thường lội qua khoa ngoại, tìm gặp anh em bác sĩ chính quyền cũ được lưu dụng, anh cứ nói xa gần khuyến khích chúng tôi bỏ nước ra đi: “Các anh ở lại làm gì? Ai tin các anh mà các anh ở lại! Không lẽ các anh quyết tâm ở lại chờ ăn độn với chúng tôi?.

Khi nói về chuyện cây súng bỏ quên dưới gối nằm của tôi, bác sĩ Xuyền bao giờ cũng thêm: “Tôi như bác sĩ Thể tôi đi thôi! Bạn bè đi hết, hà cớ gì bác sĩ Thể ở lại một mình?.

Tôi đem chuyện cây súng nói cho anh Lê Văn hay, anh ấy rất lo cho tôi. Anh Lê Văn khuyên tôi: “Cũng không có gì là muộn cả, toi còn trẻ hãy lo liệu mà đi thôi. Anh em ai cũng bỏ chạy cả rồi. Và cách mạng đã quyết tâm như vậy. Biết làm sao bây giờ. Thôi thì tổ chức đi đi. Có thiếu hụt thì moi tiếp tay cho”.

Anh Nhất, khi nhắc lại giai đoạn này, tôi cảm nhận sâu sắc tấm lòng hào hiệp của anh Lê Văn. Anh ấy lúc nào cũng cưu mang chúng ta.

Anh Nhất, khi tôi viết đến những dòng này cả nước Mỹ đang bước vào mùa bầu cử tổng thống cho nhiệm kỳ 2004-2008.

Tại đại hội của đảng Dân chủ, ứng cử viên sáng giá của Đảng Dân chủ John Kerry, được giới thiệu đến đại hội và những cử tri hâm mộ, ông ta là một con người được đào tạo từ chiến tranh Việt Nam (a man forged in VietNam)!

Một người bạn của John Kerry cũng là cựu chiến binh tại Việt Nam, đã khẳng định tại đại hội: “Với cựu tổng thống Jimmy Carter, nhờ có cánh đồng đậu phọng tại Georgia; với Bill Clinton nhờ có tư tưởng Người Đến Từ Hy Vọng [man from hope]; với John Kerry ông sẽ thắng cử nhờ ông có Việt Nam! [he does have VietNam]…

Những cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ từ thời tổng thống Lyndon Johnson, 1964, trong suốt bốn mươi năm qua và nhiều thập niên tới nữa của thế kỷ thứ 21 vẫn khét mùi thuốc súng của chiến tranh Việt Nam!

Ngày 4 tháng Tư 1979, tôi mang vợ con rời bỏ tổ quốc!

Sau đúng hai lăm năm sống lưu vong tại Mỹ, bây giờ ngồi viết thư cho anh cũng để hâm nóng lại ký ức của chúng mình.

Nhìn lại những chặng đường dân tộc, tổ quốc và bản thân chúng ta đã đi qua, tôi nghe rạt rào xót thương mừng tủi, thấy lòng mình kiêu hãnh về lịch sử đấu tranh của giống nòi. Tổ quốc vẫn gần gũi với ta như vú mẹ từ thuở sơ sinh!

Anh Lê Văn đã ra đi, nhưng những đóng góp tích cực và cống hiến của chúng ta cho tổ quốc khi anh Lê Văn còn sống vẫn còn đó.

Hẳn nhiên nó không phải là những gì ghê gớm, to tát lắm, nhưng những cống hiến ấy không thể bị xóa mờ qua năm tháng trong tâm hồn của chúng ta.

Tôi tin rằng không ai có thể chối bỏ hoặc tước đoạt lòng yêu nước của chúng ta.

Tôi thật sự xúc động khi nhìn lên màn ảnh truyền hình thấy thượng nghị sĩ John Kerry dõng dạc đọc bài diễn văn chấp nhận sự đề cử của Đảng Dân chủ, ông ta nói: “Chúng ta có mặt hôm nay tại đây, là vì chúng ta là những người yêu nước. Chúng ta tự hào về hiện tại và tương lai của đất nước! Thưa đồng bào, đêm nay chúng ta có mặt nơi đây, chúng ta quyết tâm làm cho xứ sở cường thịnh hơn và được toàn thế giới kính nể!… Tôi đang đứng trên quê hương. Nơi mà máu, lý tưởng và hy vọng đã viết nên lịch sử của tổ quốc ta!”.(*)

Anh Nhất, xa nhau lâu quá! Thời gian có thể làm tàn phai đi những gì đáng nhớ giữa chúng ta. Chiến tranh và cuộc sống đã xô dạt chúng ta đến những bến bờ xa lạ. Dù sao đi nữa, chúng ta cũng không thể nào quên được có một thời chúng ta cùng chung lí tưởng!

Tôi hy vọng anh đồng ý, cũng như John Kerry, chúng ta cũng có quyền lắm chứ!

Phải không anh? Chúng ta có quyền kiêu hãnh về hiện tại và tương lai của tổ quốc của ta.

Việt Nam! Nơi đó có máu xương, lao động, lý tưởng và hy vọng của ông cha chúng ta, của chúng ta và các anh em của mọi thế hệ đã làm nên lịch sử hôm nay…

Dù cho vì hoàn cảnh, trang lịch sử Việt Nam hôm nay tốt hay là xấu, chúng ta cũng phải một lần nữa kề vai chia sẻ gánh vác trách nhiệm với các anh em. Phải không anh?

Vô cùng tha thiết.

—————————————-

(*) Test of Kerry’s Acceptance Speech, Chicago Tribune, July,30th, 2004

Comments are closed.