Ngẫu hứng Trần Tiến 26

Nouvelle année

Ngày cuối 1975, đêm Sài Gòn mưa dai dẳng. Anh Trịnh Công Sơn nhờ Hoàng Thi Thao đến đón mình đi nhậu “Nu-ven-lăng” ở xóm bà Thái. Chả hiểu anh nói gì, mình cứ gật đại.

“Xóm bà Thái giờ đây vắng em rồi, hừm”. Thao vừa lái xe vừa nghêu ngao trong đêm Sài Gòn thiết quân luật, hắn thấy mình mặc đồ bộ đội nên chẳng ngán dân phòng, cứ rống lên giữa đường, eo éo như kéo nhị. Thần đồng violon trước 75 đấy.

– Bộ đội các cậu mang cả cơn mưa đàn bà vào đây, mưa dai dễ sợ. Trong này, mưa đàn ông ào ào rồi thôi, chứ đâu như mưa Bắc kỳ.

– Giang hồ tứ chiếng về đây sống chung, đừng có mang quê quán ra nói bậy mày. Muốn ăn ghế như thằng hôm qua chửi tao Bắc kỳ không!

Nó cười he he, sướng vì chọc được mình. Nó bảo tối nay, đón năm mới sẽ được nghe một em Phi hát não lòng bài “Some time”. Té ra “nu-ven lăng” là đón năm mới và chẳng có cái “xóm bà Thái” nào cả, chỉ là quán rượu trong hẻm và khúc hát của cô gái Phi buồn.

Nouvelle année

Những thằng lính Hà Nội còn chưa vào đến Sài Gòn, nằm lại dưới cơn mưa lạnh giá, trống trải giữa rừng cao su ngoài cửa ngõ thành phố. Chúng nó lại càng không biết ly rượu Nouvelle année và khúc blue buồn muốn khóc.

Mưa dài, phố bỗng chốc thành sông. Thương bạn nằm trong những ô vuông đen mộ huyệt, những ô vuông cửa sổ con tàu đưa chúng ta, những bàn chân học trò về phương nam, kết thúc cuộc chiến hai mươi năm. Những ô vuông tem phiếu và những viên gạch vuông bẩn thỉu nối đuôi nhau trước cửa hàng thực phẩm, cũng trong đêm Nouvelle année ngoài Hà Nội chờ lĩnh xuất gạo, ngày đông giá này.

“Xóm bà Thái, người xa khuất muôn trùng, hừm…”

…Những hòm đạn vuông tê vai lính trẻ, tự nhiên như… trên những tranh cổ động ngày ấy, người ta vẽ những chàng trai, cô gái khoác súng lên đường, có đôi mắt hình như cũng… hình vuông.

Nouvelle année

Ngoài biển hôm nay, những đàn cá đối tránh cái rét phương Bắc về ngủ bên bờ bãi Trước nhiều lắm. Học mãi mới nhìn được các em ngủ như các nàng tiên dưới nước.

Thoáng cái, một cú lưới quăng. Các em đã nằm trọn, vẫy vùng, ngơ ngác vẩy trắng muốt. Tôi hỏi lão già bán nhiêu. Một trăm. Lão cầm tiền cười khảy rồi trả lại các em về với biển, và nhìn tôi… như thằng cõi trên. Quay đi, chợt nghe dân tập thể dục ồ lên. Lão lại vớ một mẻ nữa, đúng chỗ các em vừa bị tóm. Rõ chán, tôi đạp xe về nhà ngao ngán .

Nouvelle année.

Năm nay bạn bè đi đâu cả, chẳng ai uống rượu nu-ven-lăng với mình. Thằng thân nhất biết nghe mình bốc phét, thì đã nghìn trùng xa cách. Về nhà, mẹ con nhà kiến phủ đầy laptop đòi ăn. Chợt nhớ mấy ngày nay chẳng nấu nướng gì, các em đói là phải. Mấy hàng chữ thối chả giúp được gì ông nhạc sỹ cõi trên và đám kiến bé bỏng.

Ngoài bậu cửa, hoa “Tam giác mạch” nở trắng muốt dưới nắng vàng, đẹp đến ngơ ngẩn. Cám ơn vợ chồng thằng Kỳ tặng mình cái giống hoa thanh tú và kiêu sa này. Nghe nói nó là giống lúa cứu đói, nước ngoài viện trợ. Hoa “đói” đẹp thật.

Đẹp chứ, cái thằng Chu Hoạch họa sỹ, nó làm thơ những ngày đói, những vần thơ sạch và trắng muốt. Thơ dưới cống. Những áng thơ tình, được ra đời khi hắn lúi húi trong lòng đất, nạo cống cho công ty thoát nước Hà Nội để kiếm sống.

Nó bảo: Tiến chưa bao giờ biết cảm giác cuộc đời dưới mặt đất, trong những cống ngầm của Pháp.

“Tao đi rồi, đi cả ngàydưới hệ thống cống ngầm ở Paris”

– Ối giời, hay hơn Jean Valjean bế em Marius chạy trốn dưới cống ông Hugo nhiều. Nó thì thầm mà mình há hốc mồm. Bậy lắm, không thể kể hết những gì chàng trai sung sức nhìn trộm được qua ống cống. Nhưng có chuyện này thì nghe được.

Lần sửa cống trước nhà nàng. Chàng chờ nghe bước chân nàng đi qua đầu mình. Dưới mặt đất, chàng cứ buồn vì chưa cho nàng biết một bí mật. Người họa sỹ vẽ nàng đẹp như thế, đang móc cống dưới chân nàng, để sống.

Nouvelle année.

Ngày cuối năm 72, những trận bom cuối cùng ở Hà Nội đã dứt trước ngày đình chiến. Dân Hà thành đổ ra đường đi xem cảnh tàn phá. Tôi và nó nhặt được cái đầu rồng cổ rơi lăn lóc khu Khâm Thiên. Nó chép miệng:

– Thôi rồi, các nhà văn thời Tự lựcvăn đoàn đã mãi mãi mất đi cái phố cô đầu lãng mạn. Nơi đây bao vần thơ, trang sách ra đời trong những đêm tom chát tiếng trống chầu. Khúc ả đào thâm thú, sang trọng. Mùi chả cá thanh khiết, vầng trăng khỏa thân, rượu làng Vân và khách tao nhân…

Thôi rồi, còn đâu.

Những ngày ấy, tôi chở một em thi sỹ xinh tươi đằng sau chiếc xe đạp cà tàng. Trên những con đường đổ nát của thành phố chiến tranh, không biết hứng thế nào, tôi hát vang câu hát của Yves Montand “ Chiến tranh rồi qua đi, chỉ có tình yêu ở lại”.

Nàng quát ầm lên “hát gì mà to thế, anh hâm à”. (hâm, hấp có nghĩa là bị thần kinh phân liệt, như người phương nam gọi nhẹ nhàng là… người cõi trên). Tôi dừng xe, quát lại “Xuống !”

Nàng đi bộ về, và đi bộ mãi mãi, không có tôi. Tôi cũng đạp xe đi trên những con đường của bốn mươi năm sau. Và… biết rằng mãi mãi, chẳng bao giờ có lại nàng. Ngày ấy chúng tôi còn quá trẻ.

Mùa xuân ấy, chiếc xe cà tàng ấy và em, giữa phố phường đổ nát.

Nouvelle année.

Vào mùa này, mẹ tôi hay phơi cải trắng và ngâm héo, dành cho món cuốn thịt ba dọi tuyệt vời. Cây bàng trước cửa nhà tôi, mùa này chắc không còn lá, khẳng khiu như cụ già. Cô bán nước chè xanh đi lấy chồng tận đâu, sao chẳng bao giờ gặp lại nữa.

Buồn quá, chẳng có bạn rượu đành kêu ông bạn chở xe ôm cạnh nhà đưa đi chơi. Mùa này, hoa anh đào ở Long Hải nở đầy núi. Ông ta bảo hoa của vương gia họ Nguyễn đấy. Ông này đưa thê thiếp, cung tần mỹ nữ chạy trốn quân Tây Sơn về đây ở và trồng loại hoa Phù tang này. Món khô cá đù cũng của vương gia họ Chế làm, mới ngon thế. Dân Chàm thua trận bỏ đi, để lại văn minh nước mắm cho người Việt chứ ai. Trước đó người mình đâu biết mắm là gì, toàn ăn nước tương đậu nành Tàu không à.

– Thảo nào, các em gái đi tập thể dục bên bờ bãi trước, chân dài đến nách, đẹp kinh hãi. Chắc dòng dõi vương gia mấy đời, lão nhỉ.

Lão cười hắc hắc, chắc nghĩ mình không tin. Lão đưa mình thẳng tới đền Ghềnh Rái.

Hóa ra lão nói thật. Ngôi đền này ghi lại câu chuyện cuối cùng khi Nguyễn Ánh chạy tới đây, vào trong đảo sình lầy, lũ rái cá đã nhào ra, xóa hết dấu vết vương gia. Quân Tây sơn tới nơi, không thấy gì nữa, tưởng đắm thuyền rồi, mới tha. Sau này Nguyễn Ánh quay lại, lập đền tạ ơn. Gọi là đền Ghềnh Rái.

Có anh bạn xấp tuổi tôi, chợt vớ được mình lang thang ngoài bãi Dâu, mừng lắm, lôi về nhà bằng được. Cậu có cái nhà trên cây me già cao lắm. Cậu bảo cây của họ Nguyễn đấy, dưới kia, giếng nước cũng của vua, nước ngọt lạ lùng. Em mê bài “ngoài kia có chú bé trèo cành me…” mà lấy phế liệu làm ngôi nhà trên cây me này. Mong một ngày được gặp và đãi anh bữa nhậu trên cây. Tôi còn nhớ mãi cái món thịt heo chần nước đái kiến.

Dân đây có vẻ tự hào vì ở đất Phật, đất vương gia với hàng ngàn ngôi chùa như xứ Xiêm, xứ Miến mình đã đi qua. Mà cũng có thể thế thật. Người ở đây lành và ngoan đạo. Lâu lắm mình không nghe người cãi nhau, riếc móc, đâm chép nhau như Sài Gòn, Hà Nội. Tứ xứ về đây, kiếm sắc cũng cùn trước Biển. Dân miền Trung đổ cả về đây theo nhà nước phân công xây dựng Đặc khu dầu khí, ở lẫn với dân nhà giàu Bắc 54, và triệu phú Sài thành. Họ vui vẻ sống bên nhau như những con sóng nhỏ, trôi và trôi.

Buồn cười, có lần thấy hai ông già, bà già ngồi trên đá hoa cương bao quanh biển. Bà mắng ông:

– Nói ít thôi, dành để nghe tiếng sóng.

Nouvell année.

Ngồi uống với lão xe ôm. Nhớ thành phố đổ nát, em và chiếc xe đạp cà tàng, chấm dứt mối tình thơ mộng thời trẻ dại. Nhớ miếng củ cải cuốn thịt heo của mẹ ngày đầu xuân. Nhớ vuông cửa sổ con tàu chiến tranh, đưa mình về phương Nam. Nhớ bà già mắng ông già bên bờ biển đẹp:

“Nói ít thôi… để còn nghe sóng vỗ”.

Nhớ khúc blue buồn và ly rượu đắng, đêm cùng tháng tận với anh Sơn.

“Xóm bà Thái, người xa mãi muôn trùng…

Nàng đi qua đời ta, đâu biết chàng họa sỹ buồn

… dưới gót chân nàng”.

Comments are closed.