Ngày xanh vụt mất

Truyện ngắn Vũ Thị Thanh

1.

Khi người ta bận bịu công việc và nhất là khi người ta hạnh phúc, thì ngày tháng tưởng chừng đi nhanh hơn gió thoảng. Hai vợ chồng như chợt nhận ra tốc độ phi mã của thời gian vào một buổi sáng Chủ Nhật cuối năm, người bắc thang kẻ mang kéo ra tuốt lá tỉa cành mấy cây đào phai trong vườn. Cây lộc vừng trước nhà năm nay lạ quá, cữ này mà sao còn ra thật nhiều hoa, những cánh hoa và nhụy li ti đỏ thẫm lãng đãng rụng đầy xuống khoảng sân và cả lên chiếc ô tô Camry màu đen đang đậu dưới gốc cây.

Trời rét ngọt, không nắng không mưa, chỉ có là nhiều gió. Vườn nhà bên cũng lao xao tiếng cười nói, hình như sáng nay ai cũng đổ ra vườn tuốt lá để chờ thêm cữ rét đậm đào sẽ bật nụ kịp Tết. Trong lúc rướn người với tay để tuốt lá, sợi dây buộc tóc của vợ chợt bung ra và chồng đang đứng sau chợt nhận thấy độ dày của mái tóc mượt mà ngày nào đã không còn như trước, mà những sợi tóc ngả màu trắng đã nhiều không đếm được.

Chồng thảng thốt:

– Em à, tóc bạc hết cả rồi.

Vợ cười vui:

– Thì tóc anh cũng vậy mà.

Chồng năm mươi tuổi, vợ sinh sau chồng chỉ một năm. Hai đứa con đã đi học ở xa, tự dưng nhà thành vắng vẻ. Sau những năm dài bận rộn túi bụi không việc cơ quan cũng việc nhà, con cái hết bé lại lớn, hết mẫu giáo cấp một cấp hai rồi thi vào trung học phổ thông và giờ là đại học, cảm giác như đến giờ hai vợ chồng mới có thời gian dành cho nhau thì tóc đã bạc.

Đồng hồ sinh học của người tuổi năm mươi hình như cũng có đôi chút thay đổi. Họ thường ngủ lúc mười giờ đêm, ở thành phố tỉnh lẻ thì giờ ấy đã là khuya. Nhất là khu dân cư họ ở không phải trục đường chính, nhà nào cũng có vườn nên chỉ ngoài chín giờ đêm đã rất là yên tĩnh. Vậy mà thời gian gần đây, chồng thường khó ngủ. Nhiều khi vợ đã yên giấc một chặp rồi, mở mắt quay sang vẫn thấy chồng đang lướt FB trên điện thoại.

2.

Khó ngủ cũng sinh nghĩ lan man, những mẩu ký ức tưởng đã ngủ vùi tận đẩu tận đâu bỗng hiện về, không đầu không cuối.

Bấy giờ Lâm là sinh viên trường Đại học Tổng hợp ở thành phố Volgograd thuộc miền Nam nước Nga. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, đây là nơi diễn ra những trận đánh khốc liệt nhất giữa phát xít Đức và Hồng quân Liên Xô. Không chỉ là thành phố anh hùng, Volgograd còn là một trong bảy thành phố trên thế giới kết nghĩa với thành phố Hiroshima của Nhật. Vì vậy mà có một con phố khá rộng, vắng vẻ, chạy lên xuống những dãy đồi gần như ngoại vi thành phố được đặt tên Hiroshima để tưởng nhớ những nạn nhân đã mất trong trận bom nguyên tử tháng Tám năm 1945.

Mùa đông nước Nga thì rõ rồi, dẫu là miền Nam thì cũng vẫn là lạnh, tuyết bắt đầu rơi từ cuối tháng Mười. Ký túc xá họ ở là một tòa nhà chín tầng gồm bốn block khá hiện đại, có thang máy nhưng chẳng mấy khi anh dùng mà toàn leo thang bộ do họ ở ngay tầng bốn. Một tầng gồm sáu phòng trong đó hai phòng to và bốn phòng nhỏ cho các sinh viên, chung nhau một cái bếp thật lớn, khu dành cho rửa mặt đánh răng, giặt giũ riêng, toa-lét và buồng tắm.

Hai phòng lớn ở hai đầu hồi nhà đối diện nhau, cách nhau khoảng không gian phòng đệm chung và thang máy, Lâm ở phòng nhìn ra hướng nam cùng với hai sinh viên khác, còn phòng nhìn ra hướng bắc là cô Vân – một giảng viên toán học đã lớn tuổi sang Nga làm thực tập sinh ngắn hạn. Lâm và lũ bạn tuổi đôi mươi của anh hầu như không giao tiếp với cô. Chỉ đôi khi gặp nhau ở cầu thang và chào lễ phép. Cả năm trời trôi qua như thế.

Thế rồi khi đang học năm thứ hai, một tối Lâm ở lại đá bóng trên trường nên về muộn, hai thằng bạn cùng phòng về trước hớn hở thông báo tin vui sẽ có thêm một nữ sinh viên Việt Nam mới từ thủ đô Moskva chuyển đến, sẽ ở cùng cô Vân, vậy là sẽ làm hàng xóm với họ.

Trường có tới sáu sinh viên nam, trong đó có một anh năm cuối đã có người yêu rồi, vậy là còn năm. Thế mà nữ hiếm quá, chỉ có hai, mà cả hai cô này đều đã có người yêu ở thành phố khác. Giờ thêm một nữ ở nơi khác chuyển về, sao khỏi háo hức tò mò. Trai thấy gái lạ như quạ thấy gà con, các cụ chẳng đã bảo rồi.

Đến lúc gặp và tiếp xúc thì Lâm hơi thất vọng. Sinh viên năm nhất gì bé xíu, đi cạnh cô Vân cứ như là học sinh theo mẹ sang Nga chơi vậy. Kém Lâm có một tuổi, mà mặt non choẹt, ngơ ngơ ngác ngác. Không chỉ thấp bé nhẹ cân, mà cử chỉ nói năng ăn mặc thì rõ ràng mới ở quê ra tỉnh. Coi như không đưa vào tầm ngắm. Lâm nghĩ bụng.

Hai thằng bạn cùng phòng với Lâm một đi từ trường Quốc học Huế khó tính kiêu kỳ, một vốn là dân trường chuyên Amsterdam Hà Nội hào hoa phong nhã thì tỏ ra còn thất vọng hơn cả Lâm, chúng dài miệng chê bai An – cô gái mới tới – đủ điều. Tưởng chừng An mà nghe được thì ôi thôi có lẽ cô sẽ phát khóc mà xách va ly bỏ về nước.

Vậy là có nữ mới đến cũng bằng không. Số chúng mình sao mà đen đủi quá! Cánh sinh viên trẻ bọn anh thì thầm bảo nhau như vậy.

An học Khoa Tâm lý, khoa này khá đông sinh viên nước ngoài nhưng chỉ có mình cô là đến từ Việt Nam. Giảng đường Khoa Tâm lý nằm tại cơ sở số ba ở tận bên thành phố mới, xa nhất trong ba cơ sở học của trường. Lâm và các bạn của mình thì học Khoa Toán, cơ sở số một ở ngay trung tâm thành phố, cách ký túc xá có hai bến tàu điện. Vì thế mà họ rất ít gặp nhau.

Một lần giữa mùa đông, ngủ quên để qua mất hai tiết đầu, Lâm đầu tóc bù xù khoác chiếc áo choàng dầy bịch nghênh ngang bước qua phòng đệm để ra vòi nước đánh răng rửa mặt vào lúc chín giờ sáng. Nghênh ngang, bởi anh đinh ninh lúc ấy sinh viên đã đi học hết chỉ còn một mình anh ở nhà. Nhưng Lâm đã nhầm. “Ngoài hiên mưa rơi rơi. Buồn dâng lên đôi môi, buồn đau hoen ướt mi ai rồi… ”. Một giọng con gái, hơi yếu mà rất trong, đang hát. Là An. Cô vừa giặt quần áo bên vòi nước vừa hát, rõ ràng cô cũng như anh, tưởng rằng mình chỉ có một mình nơi đây trong giờ phút này. Từng âm thanh chầm chậm chơi vơi, có lẽ chẳng có bài hát nào hợp với cái giọng hơi run rẩy, yếu ớt mà truyền cảm đến thế của An. Tấm lưng mảnh mai trong chiếc váy màu trắng chấm xanh, áo khoác màu xanh tím than, mái tóc đen dày xõa trên đôi vai nhỏ, và đôi mắt nâu đen đầy ngạc nhiên khi quay lại thấy anh.

3.

Mà tại sao là bài Ướt mi nhỉ?

Sau này nghe lại bao lần Thanh Thúy, rồi Khánh Ly, rồi nhiều ca sĩ chuyên và không chuyên khác hát bài Ướt mi, Lâm vẫn cứ thấy không hay bằng những lần nghe lén cô bé hàng xóm hát, hát bên chậu quần áo, bên đống bát đĩa nồi xoong. Vì thường những lúc ấy An mới có mặt ở vòi nước, và vừa làm vừa hát, hát say sưa, lặng lẽ, dường như không biết có một người cũng say sưa lặng lẽ nghe.

Khi đã yêu nhau, trong vòng tay anh, An líu ríu kể:

– Em tám tuổi đã phải giữ em út cho mẹ đi làm, cho nó ăn, rồi nằm võng quạt cho em, ru nó ngủ, ru hoài, ru mãi, đến lúc nó ngủ rồi mà không để ý, vẫn hát ru tiếp cho tới khi khản cả giọng. Cũng có khi em bé khóc, dỗ mãi nó không chịu nín, chẳng biết làm sao, em cũng òa khóc theo. Tính em vậy, dễ khóc, mà khóc to, lại dễ cười, cười thì thật giòn. Mẹ bảo em là “giòn cười tươi khóc”. Và hát không hay mà rất hay hát. Giữ em thì phải hát ru em ngủ đã đành, ngồi giã cua, hát, cuốc đất trồng rau, hát. Hái chè, hát, ngồi rửa bát cũng hát… Mà liệu hồn đừng có dại hát nhạc vàng lúc bố em có nhà, với một người mới từ cuộc chiến bước ra như bố em, nhạc vàng không có tính chiến đấu.

Còn bố của Lâm thì bước vào cuộc chiến và không trở về. Anh không nhớ rõ mặt bố. Nhà không giữ được một tấm ảnh nào, dù là ảnh chung có bố. Ở cái làng chài nhỏ bé heo hút sau cồn cát ấy, cùng nhập ngũ một đợt với bố có sáu người. Tất cả đều vào Hải quân, được huấn luyện rất lâu ở Hải Phòng để làm nhiệm vụ đặc biệt trên các chuyến tàu không số, chuyển vũ khí đạn dược chi viện cho miền Nam. Và đã chẳng có ai là người may mắn trở về. Những người ở nhà thì vẫn hát cho nhau nghe những Đường cày đảm đang, Em đưa cơm cho mẹ em đi cày, Cháu yêu chú bộ đội, Trường Sơn đông Trường Sơn tây… Những bài hát phơi phới góp phần làm nên chiến thắng.

Khi mới về học ở thành phố này, vào những ngày nghỉ cuối tuần Lâm đã lang thang một mình không biết bao lần quanh khu đài tưởng niệm Mẹ Tổ quốc, ngọn lửa vĩnh cửu bên bức tường ghi tên những người đã ngã xuống trong trận đánh… Anh thường dừng lại rất lâu bên tượng đài Bà mẹ đau khổ, phảng phất gợi nhớ bức tượng Đức mẹ sầu bi của Michelangelo mà anh được thấy qua một tấm ảnh nhỏ trong cuốn tiểu sử nhà điêu khắc vĩ đại ngưới Ý. Khuôn mặt người chiến sĩ hy sinh được Lâm nhìn ngắm tới quen thuộc. Anh đã mường tượng tới những giây phút cuối của bố và năm người đồng đội cùng đi một lượt với bố trên con tàu không số, những giây phút mà với anh mãi mãi là huyền bí. Và cũng lạ, đôi khi Lâm tưởng như tìm thấy những nét quen thân mơ hồ của bố trên những bức tượng ở quảng trường Quyết tử, quảng trường Những người anh hùng, rồi bức tường phù điêu Ký ức các thế hệ… đặt dọc con đường dẫn lên chân tượng mẹ Tổ quốc trên đồi cao.

Có phải bởi những nét hào hùng đau thương của người lính dù ở không gian nào và thời gian nào thì cũng hiện ra với một biểu cảm giống nhau như vậy?

Hồi nhỏ Lâm thường nghe mẹ bảo ở cái làng chài rặt nghề biển này, đàn ông cũng như những con chim hải âu, không lưới xa cũng lưới gần, không đi bộ đội xa thì cũng dân quân du kích xã nhà, và bám biển. Sống thì phần lớn là đêm ngày lênh đênh trên biển và chết cũng nhiều khi chẳng được về đất liền. Nhưng mẹ không nói những người đã khuất giữa đại dương bão tố ấy, linh hồn họ đi đâu, đi theo những người thân còn đang sống, hay là hóa thành những con chim hải âu bay hoài bay mãi trên mặt biển xanh thăm thẳm ngoài kia?

Mà An nói cũng phải, những năm sau chiến tranh, thiếu thốn đủ đường, ngăn sông cấm chợ, nông thôn, vùng xa còn chưa có điện, hàng hóa khan hiếm, thời bao cấp khốn khó ấy chỉ còn thiếu những giai điệu ảo não để làm cho người ta càng thêm chán nản mà thôi. Những cậu học trò trường làng như Lâm bấy giờ cũng chỉ biết những bài hát được học ở trường, ở Đội ở Đoàn và được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Bởi vậy, lần đầu Lâm được nghe bài hát Ướt mi của Trịnh Công Sơn chính là lần nghe An hát bên chậu quần áo. Từng âm thanh chầm chậm, yếu ớt. Những giọt buồn ngân khe khẽ tưởng như được rót xuống từ vầng trăng bạc hao khuyết lúc tàn đêm: “… Người em thương mưa ngâu, hay khóc sầu nhân thế. Từ ấy… em thơ ngây… ”. Và đôi mắt nâu đen, cái dáng mảnh mai uyển chuyển như cọng cỏ. Ngoài cửa kính dưới vòm trời xám những bông tuyết đang lặng lẽ bay trong không trung, đậu trắng xóa từng lớp dày trên suốt con phố dài vắng lặng mang tên Hiroshima.

4.

Vật vã mãi không chợp được mắt, chồng nghiêng người choàng tay ôm trọn thân hình ấm nóng quen thuộc của vợ.

– Sao anh còn chưa ngủ đi!

– Tự dưng anh khó ngủ quá!… Em này, hôm trước anh mơ thấy sáu con chim hải âu bay thành hàng ngang trên biển, lạ thế, dường như bố và các chú ở làng mình hóa thành…

– Anh nói vậy em nhắc luôn, Thứ Ba tuần sau là giỗ bố rồi, em đã đăng ký nghỉ phép hai ngày, anh nhớ xem xe cộ thế nào để nhà mình về làng, mọi thứ làm giỗ em mua đủ hết rồi.

Lâm im lặng không nói gì. Rồi anh chợt buột miệng:

– Mà sao ngày ấy em hát bài Ướt mi buồn thế?

– Ngày ấy nào cơ?

– Hồi mình ở ký túc xá phố Hiroshima, em không nhớ sao?

– Phố Hiroshima?… Năm thứ hai ở khoa em có hội thảo về hội chứng tâm lý của các nạn nhân sống sót sau thảm họa Hiroshima… Nhớ rồi! Ướt mi… Bài đó có dạo em thích. Mà em có buồn gì đâu, do bài hát nó vậy thì hát vậy.

Lâm xoay người thẳng chân nằm ngửa, mở mắt thao láo nhìn lên trần. Vợ nói rất thật lòng, anh biết. Ngày ấy An mới mười chín tuổi, tất cả còn ở phía trước. Chẳng có gì mà phải buồn cả.

Chớp mắt đã ba mươi năm trôi qua.

Dường như An không thay đổi nhiều lắm. Kể cả vợ có lên dăm bảy cân so với thời sinh viên năm nhất thì bây giờ vẫn cứ là mảnh mai. Và vẫn cứ “giòn cười tươi khóc”.

Con gái lớn bảo, con đi học xa nhưng luôn yên tâm không sợ ở nhà mẹ tự kỷ đâu, vì biết tính mẹ lúc nào cũng vui tươi. Vợ vẫn giữ thói quen vừa rửa bát vừa hát, làm bếp cũng hát, nghe hàng xóm hát karaoke thì lẩm nhẩm hát theo. Và Lâm biết, những khi cùng nhóm bạn đi làm thiện nguyện ở những trường học miền núi, An không chỉ hát, mà còn dạy trẻ con hát nữa, những bài hát phơi phới của một thời. Hình như chỉ có bài Ướt mi thì chẳng bao giờ nghe thấy An hát lại.

Trong cái đêm khó ngủ này con phố mang tên Hiroshima ngập tuyết rơi ấy tự dưng cứ trở đi trở lại hoài trong tâm trí Lâm. Nhưng đó đã là một thế giới khác xa lắc xa lơ, và người hát bài Ướt mi của Trịnh Công Sơn ngày ấy cũng là một cô gái nào khác chẳng có gì liên quan đến người đang nằm cạnh Lâm…

Mà mình cũng đâu có còn là gã trai hai mươi tuổi tóc tai bù xù mê bóng đá và môn toán đến quên ăn quên ngủ nữa! Đâu rồi những tháng ngày sôi nổi, thiết tha của lũ trai tuổi hai mươi vào ngày hè cùng nhau nhảy ào xuống bơi trong dòng nước xanh thắm mà mát lạnh của sông Volga, những kỳ thi bận rộn, những háo hức khi được làm quen những người bạn mới và những vùng đất mới…

Và những nét thân quen mường tượng về bố trên khuôn mặt những người lính được khắc họa tại quần thể tượng đài Mẹ Tổ quốc. Những năm sau này thấy bảo đã có một nhà thờ Chính thống giáo được xây lên ngay gần khu tưởng niệm đó để người ta đến nguyện cầu cho những người lính đã ngã xuống.

Cảm giác nhớ tiếc đến xót xa cùng một điều gì đó ngọt ngào khó tả nghèn nghẹn dâng lên trong Lâm.

– Khuya rồi anh! Giọng vợ dịu dàng hơi thoáng chút lo âu.

– Ừ, anh ngủ đây.

Trả lời vợ xong, Lâm nằm xoay người và úp mặt vào gối, cắn chặt răng để khỏi òa lên khóc.

Ngoài kia màn đêm thăm thẳm bình yên, mưa không rơi, tuyết không bay, chỉ gió bấc ràn rạt lùa qua những cành đào phai đã trụi hết lá. Lại thêm một mùa xuân nữa đang nhích lại gần.

14/12/2023

Comments are closed.