Nghệ sĩ

Rabindranath Tagore

Anh Nhi dịch

Cover of: The religion of man. by Rabindranath Tagore

Tiểu luận này nằm trong cuốn Tôn giáo con người, một cuốn sách tập hợp những bài nói chuyện của Tagore (1861-1941) ở Cao Đẳng Manchester, tháng Năm, 1930. Như tên gọi, Tôn giáo con người chính là chủ đề chạy suốt các chương của cuốn sách. Có lẽ thế, tiểu luận không chỉ là những suy nghĩ từ góc nhìn của người sáng tạo, hoặc một triết nhân, mà tựu trung nó được chưng cất từ một trải nghiệm mang tính tôn giáo, tôn giáo mà Tagore gọi là Tôn giáo Con Người.

Khát khao lớn nhất của cuộc sống là khát khao tồn tại. Nó đòi hỏi chúng ta phải được huấn luyện và nếm trải hết sức sự cần thiết của sinh kế. Nhưng nó không khiến tôi phải thú nhận rằng lương thực tôi ăn, quần áo tôi mặc, ngôi nhà tôi có căn phòng của mình, tượng trưng cho một tri thức, một sự rèn luyện và sự tổ chức kỷ luật vô cùng lớn mà tôi thiếu hụt một cách bất lực; vì tôi nhận ra rằng tôi hoàn toàn không bị ghét bỏ vì sự dốt nát và vô dụng này. Những độc giả của tôi dường như khá hài lòng với việc tôi không là gì hơn một thi sĩ hoặc có lẽ một triết gia – mà cái tư cách thứ hai tôi không đòi hỏi danh tiếng và dám kìm giữ nhờ vào sự giúp đỡ bấp bênh của thông tin sai lạc.

Rõ ràng rằng mặc khiếm khuyết của tôi, trong xã hội loài người tôi đại diện một nghề nghiệp, một nghề dù vô dụng nhưng được đánh giá xứng đáng. Thực ra, tôi được khuyến khích, trong sự vô ích thành lệ của mình, bằng cách được trao tặng những động cơ mang tính vật chất và đạo đức vì sự di dưỡng của nó. Nếu một con chim két không biết cách tìm thức ăn, xây tổ cho mình, hay trốn tránh kẻ thù, mà chuyên tâm ca hót, những sinh vật đồng loại của nó, dưới sự thôi thúc của tri thức di truyền học, một cách đầy ý thức trách nhiệm sẽ để nó đói và chết. Việc tôi không bị đối xử theo cách tương tự là bằng chứng về sự khác nhau lớn lao giữa tồn tại của động vật và văn minh của con người. Sự khác biệt lớn của anh ta nằm ở đường biên không giới hạn của cuộc sống trong anh, thứ cung cấp một hậu cảnh không giới hạn cho những giấc mơ và những sáng tạo của anh. Và trong địa hạt này của tự do mà anh nhận ra chân giá trị thiêng liêng của mình, sự thật con người lớn lao của mình, và hài lòng khi tôi với tư cách một thi sĩ hát khúc chiến thắng cho anh, cho Con Người kẻ tự mặc khải, người tiếp tục khám phá những khoảng thời gian dài sáng tạo để tìm thấy chính mình trong sự hoàn hảo.

Hiện thực, trong toàn bộ sự hiển lộ của nó, tự phơi bày mình trong hậu cảnh tưởng tượng và tình cảm của trí óc chúng ta. Chúng ta biết nó, không phải vì chúng ta có thể nghĩ tới nó, mà vì chúng ta trực tiếp cảm thấy nó. Và bởi vậy, ngay cả bị chối từ bởi trí óc logic, nó không bị trục xuất khỏi ý thức của chúng ta. Với tư cách một sự tình cờ nó có thể mang lại lợi lộc hoặc bị thương tổn, nhưng với tư cách sự mặc khải, giá trị của nó nằm trong việc nó trao cho chúng ta cảm xúc hoặc sự tưởng tượng; chúng ta cảm thấy mình trong địa hạt đặc biệt của sự mặc khải. Cảm giác này tự thân là vui sướng khi nó không kèm theo bất cứ hiểm nguy về đạo đức hay thân thể nào; chúng ta thích cảm thấy thậm chí nỗi sợ hãi hoặc nỗi buồn nếu nó tách khỏi tất cả những hậu quả thực tiễn nào. Điều này lý giải cho sự thích thú của chúng ta với những vở bi kịch, nơi cảm giác về nỗi đau khuấy động ý thức của chúng ta sôi sục mãnh liệt.

Hiện thực cái ngã riêng của tôi là tức thời và rõ ràng với tôi. Bất cứ điều gì khác ảnh hưởng đến tôi trong một cách thức tương tự là có thực với chính bản thân tôi, và nó một cách không tránh được thu hút và choán lấy sự chú ý của tôi vì lợi ích của chính nó, tự trộn lẫn với tính cá nhân của tôi, khiến tính cá nhân của tôi giàu có và lớn lao hơn và mang đến cho nó niềm khoái cảm. Người bạn của tôi có thể không đẹp đẽ, có ích, giàu có hoặc vĩ đại, nhưng anh là thật đối với tôi; trong anh tôi cảm nhận sự triển hạn của riêng mình và niềm vui của mình.

Ý thức về cái có thật bên trong tôi tìm kiếm, vì sự chứng thực của riêng nó, sự tiếp chạm của cái có Thực bên ngoài tôi. Khi nó không làm được việc đấy, cái ngã bên trong tôi sầu muộn. Khi môi trường xung quanh chúng ta đơn điệu và tầm thường, không có tương tác về mặt cảm xúc với trí óc chúng ta, chúng ta trở nên mơ hồ với chính bản thân mình. Vì chúng ta giống như những bức tranh, mà hiện thực của nó được cải thiện bởi hậu cảnh nếu nó có sự đồng cảm. Hình phạt chúng ta phải chịu trong giam hãm đơn độc nằm ở sự tắc nghẽn với mối quan hệ giữa thế giới của hiện thực và sự thực trong bản thân chúng ta, khiến cái sau trở nên mơ hồ trong sương mù của trí tưởng tượng bất động: tính cá nhân của của ta bị mờ đi, chúng ta lỡ mất tình bạn với tồn tại của chính mình do việc thu nhỏ tự ngã của mình. Thế giới tri thức trở nên lớn rộng hơn cho ta nhờ sự triển hạn về thông tin; thế giới của tính cá nhân của chúng ta lớn lên trong phạm vi của nó bằng trải nghiệm rộng lớn và sâu sắc hơn về cái ngã riêng tư của mình trong vũ trụ của riêng ta thông qua sự đồng cảm và trí tưởng tượng.

Như thế giới này, có thể được biết thông qua tri thức, bị giới hạn với chúng ta do sự vô tri của chúng ta, bởi vậy thế giới của tính cá nhân, có thể được nhận ra bằng cái ngã riêng của chúng ta, cũng bị hạn chế bởi giới hạn của sự đồng cảm và trí tưởng tượng của chúng ta. Trong ánh chiều lờ mờ của sự vô cảm một phần lớn thế giới của chúng ta vẫn, với chúng ta, như một cuộc diễu hành của những cái bóng xê dịch. Theo những giai đoạn của ý thức, chúng ta ít nhiều có thể đồng nhất mình với thế giới này, nếu không hoàn toàn, ít nhất trong những phần mảnh; và sự vui thích của chúng ta nằm ở đó nơi chúng ta cảm thấy chính mình đồng nhất đến mức ấy. Trong nghệ thuật chúng ta bộc lộ niềm khoái cảm về sự đồng nhất này, mà nhờ nó thế giới này được nhận ra là có ý nghĩa nhân văn với chúng ta. Tôi có cái ngã sinh học, hóa học, vật lý của mình; tri thức của tôi về nó triển hạn qua sự triển hạn của tri thức của tôi về thế giới sinh học, hóa học, vật lý. Tôi có cái ngã riêng tư, liên lạc với những cảm xúc, tình cảm và trí tưởng tượng của mình, tự điều chỉnh để được tô mầu bởi những khao khát của tôi và được tạo hình bởi những hình ảnh của tôi.

Khoa học thôi thúc chúng ta chiếm lấy bằng trí óc của mình sự mênh mông của thế giới có thể biết; bậc thầy tinh thần khuyến khích chúng ta thấu hiểu bằng tâm hồn mình Linh hồn bất tận, nằm trong lòng những sự kiện đang thay đổi và chuyển động của thế giới; sự thôi thúc của bản chất nghệ sĩ của chúng ta sẽ thực hiện sự thông báo về tính cá nhân trong thế giới của hiện thể, hiện thực của hiện hữu trong sự hòa hợp với sự thật nằm trong bản thân chúng ta. Nơi nào sự hòa hợp này không được cảm nhận sâu sắc, ở đó chúng ta là những người xa lạ và mãi nhớ nhà. Vì con người về bản chất là một nghệ sĩ; anh ta không bao giờ tiếp nhận một cách bị động và chính xác trong trí óc một sự biểu đạt mang tính vật lý về những sự vật xung quanh mình. Ở đó sự điều chỉnh tiếp tục, thay đổi những sự kiện thành hình ảnh con người, qua sự tiếp chạm liên lục của những tình cảm và trí tưởng tượng của anh. Động vật có địa dư nơi sinh; con người có quê hương của mình, địa dư của cái ngã riêng tư của anh. Hình ảnh của nó không chỉ mang tính vật lý; nó có tính đồng nhất mang tính nghệ thuật của mình, nó là một sáng tạo bất diệt. Trong quê hương của mình, ý thức của anh được thông suốt, con người triển hạn mối quan hệ của cá tính sáng tạo của riêng mình. Để sống có hiệu ích con người phải biết những sự thật và những luật lệ của mình. Để hạnh phúc anh phải thiết lập mối quan hệ hòa thuận với tất mọi thứ mà anh có quan hệ. Sự sáng tạo của chúng ta là sự biến đổi mối quan hệ.

Những con người vĩ đại xuất hiện trong lịch sử của chúng ta vẫn ở trong tâm trí chúng ta không như một sự thật tĩnh tại mà như một hình ảnh lịch sử sống động. Những gợi mở có tính cách cao thượng của cuộc đời họ trộn lẫn thành sự kiên định cao quý trong những huyền thoại được biến thành sống động trong cuộc sống của nhiều thời đại. Những người chúng ta sống cùng này, chúng ta liên tục biến đổi trong tâm trí mình, khiến họ có thật với chúng ta hơn là bị trình diện một cách trần trụi. Lý tưởng của người đàn ông về tính nữ và lý tưởng của phụ nữ về nam tính được tạo nên bởi trí tưởng tượng thông qua sự tập hợp trong tâm trí những phẩm chất và tư cách đạo đức theo hy vọng và khao khát của chúng ta, đàn ông và phụ nữ một cách ý thức và không ý thức cố gắng để đạt được lý tưởng ấy. Thực ra, họ chạm tới mức độ hiện thực cho mỗi người theo thành công của họ trong việc điều chỉnh những lý tưởng riêng theo bản chất riêng của mình. Nói rằng những lý tưởng này là tưởng tượng và bởi vậy không đúng, là sai trong trường hợp của con người. Cuộc sống thực sự của anh nằm trong sự sáng tạo của riêng anh, thứ tượng trưng cho sự vô tận của con người. Anh ta vốn thờ ơ với những sự vật chỉ hiện hữu; chúng lẽ ra phải có giá trị lý tưởng nào đó với anh, và rồi chỉ ý thức của anh, một cách trọn vẹn, nhận ra chúng như là thật. Con người không bao giờ là thật trong cái ngã cô lập của họ, và trí tưởng tượng của họ là cái năng lực mang lại, khá hơn trí óc của họ, viễn tượng về tồn tại lớn lao hơn của riêng họ.

Chúng ta có thể biến sự thật thành sự thật của chúng ta bằng cách điều chỉnh một cách hăng hái những tương quan của nó. Đây là công việc của nghệ thuật; vì hiện thực không dựa trên thực chất của những sự vật mà trên nguyên tắc của mối quan hệ. Sự thật là cái vô tận được theo đuổi bởi siêu hình học; thực tại là cái vô tận được theo đuổi bởi khoa học, trong khi hiện thực là sự định nghĩa về cái vô tận gắn kết sự thực với con người. Hiện thực là con người; nó là cái chúng ta ý thức về, là cái chúng ta bị hấp dẫn, những điều ấy chính là cái chúng ta biểu hiện ra. Khi chúng ta nhận thức sâu sắc về nó, chúng ta nhận thức về chính mình và nó cho chúng ta niềm khoái cảm. Chúng ta sống trong nó, chúng ta luôn luôn triển hạn những giới hạn của nó. Những nghệ thuật của chúng ta và văn chương tượng trưng cho hành vi sáng tạo này, thứ là nền tảng trong con người.

Nhưng cái thực tế bí ẩn về nó, rằng: là mặc dù những cá nhân riêng lẻ từng người tìm kiếm sự biểu lộ của họ, thành công của họ, một cách hợp bản chất, không bao giờ mang tính cá nhân. Những con người phải tìm thấy và cảm thấy và biểu hiện trong tất cả những tác phẩm sáng tạo của họ Con Người Vĩnh cửu, đấng sáng tạo. Nền văn minh của họ là một khám phá không ngơi nghỉ về nhân loại siêu nghiệm ấy. Ở bất cứ điều gì mà nó thất bại nó thể hiện sự thất bại của người nghệ sĩ, ấy là thất bại về mặt biểu hiện; nền văn minh ấy diệt vong khi cá nhân ngăn trở sự mặc khải về vũ trụ vạn vật. Vì Hiện thực là sự thật của Con Người, người thuộc về mọi thời đại, và bất cứ sự điên rồ cá nhân nào của những con người chống lại Con Người không thể cường thịnh dài lâu.

Con người khao khát rằng cảm xúc của anh với điều là thật với anh phải không bao giờ chết; nó phải tìm thấy một hình thức bất tử. Ý thức về cái ngã này của tôi, hoàn toàn rõ ràng đối với tôi, đến mức nó mang tính bất tử. Tôi không thể hình dung rằng nó từng hoặc có thể không-tồn tại. Theo cách tương tự tất cả những sự vật là thật với tôi là, đối với riêng tôi, bất diệt, và bởi vậy xứng đáng với một ngôn ngữ có ý nghĩa trường tồn. Chúng ta biết những cá nhân có thói quen viết tên họ lên tường của công trình tưởng niệm tráng lệ nào đó. Cách gắn tên tuổi của họ với những tác phẩm nghệ thuật nào đấy, thứ thuộc về mọi thời và mọi người là không thỏa đáng. Ham muốn danh tiếng của chúng ta bắt nguồn từ khao khát biến thành thật một cách khách quan điều là thật trong nội tâm với chúng ta. Anh, kẻ không nói ra một cách rõ ràng được, là vô nghĩa, giống như một ngôi sao tăm tối không thể chứng tỏ mình. Mắt anh đợi chờ nghệ sĩ cho anh giá trị trọn vẹn nhất của mình, không phải vì bất cứ điều gì đặc biệt ưu tú trong anh mà vì cái thực tế diệu kỳ: anh là điều anh dứt khoát là, anh mang trong anh bí ẩn bất diệt của tồn tại.

Một người bạn Trung Hoa của tôi khi đang đi dạo cùng tôi trên đường phố Bắc Kinh đột ngột la lên cực hứng khởi: “Nhìn xem, kia là con lừa!” Chắc chắn nó là một con lừa hoàn toàn bình thường, giống như một chuyện hiển nhiên không thể tranh cãi, không cần một giới thiệu đặc biêt của anh bạn ấy. Tôi ngạc nhiên; nhưng điều ấy làm tôi nghĩ ngợi. Con vật này nói chung được phân loại như có những phẩm chất cụ thể không đáng giới thiệu rồi bị loại bỏ một cách hấp tấp. Nó mơ hồ với tôi bởi một bao bọc của những liên kết tầm thường; tôi một cách lười nhác chắc chắn rằng tôi đã biết nó và bởi vậy tôi gần như không nhìn thấy nó. Nhưng người bạn tôi, người có đầu óc nghệ sĩ của Trung Hoa, không đối xử với nó bằng một tri thức rẻ mạt mà có thể thấy nó một cách tươi mới và nhận ra nó như là có thực. Khi tôi nói có thực, tôi muốn nói là nó không còn ở vành đai ý thức của anh, bị trói buộc với một định nghĩa nông cạn, mà nó dễ dàng hòa vào trí tưởng tượng của anh, sinh thành một ảnh tượng, một sự hòa điệu đặc biệt của đường nét, màu sắc, và cuộc sống và chuyển động, và trở thành của riêng anh một cách mật thiết. Việc một con lừa bước vào một phòng tranh vấp phải sự phản đối thô bạo; nhưng không ai cấm cản nó tìm được vị trí trong bức tranh có thể được trưng bày trên tường phòng tranh trong sự thán phục.

Bằng chứng duy nhất về sự thật trong nghệ thuật tồn tại khi nó buộc chúng ta nói, “Tôi thấy”. Một con lừa chúng ta có thể đi ngang qua trong Tự nhiên, nhưng một con lừa trong nghệ thuật chúng ta phải thừa nhận ngay cả khi nó là một tạo vật bỏ lơ một cách đáng hổ thẹn tất cả các trách nhiệm lịch sử tự nhiên của nó, ngay cả khi tai nó giống cái nấm và đuôi nó giống lá cọ.

Trong kinh Upanishad một ngụ ngôn kể rằng có hai con chim đang ngồi trên cùng một cành cây, một con ăn và con kia đứng trông. Đây là hình ảnh mối quan hệ qua lại của đại ngã (infinite being) và tiểu ngã (finite self). Sự vui sướng của con chim đứng trông là to lớn, và nó là niềm vui sướng tự do và thuần khiết. Cả hai con chim này nằm con chính bản thân con người, một con chim khách quan có công việc của cuộc sống của nó, một con chủ quan có niềm vui vô tư lợi của trí tưởng tượng.

Một đưa trẻ đến bên tôi và đề nghị tôi kể cho cô bé một câu chuyện. Tôi kể cô bé về một con hổ chán ghét những vằn đen trên mình nó và lại gần người hầu khiếp đảm vì sợ của tôi để đòi một mẩu xà phòng. Câu chuyện khiến khán giả nhỏ bé của tôi vô cùng vui thích, niềm vui thích của trí tưởng tượng, và trí óc cô reo lên, “Nó ở đây, cho mình nhìn thấy!” Cô bé biết một con hổ trong sách lịch sử tự nhiên, nhưng cô có thể nhìn thấy được con hổ trong câu chuyện của tôi.

Tôi chắc rằng ngay cả khi đứa trẻ năm tuổi này biết rằng nó là một con hổ không thể có thật, cái con hổ hiện ra trên hành trình, không ra dáng hổ chút nào, tìm kiếm một cục xà bông kỳ quặc. Niềm vui sướng dành cho con hổ, đối với cô, không nằm trong vẻ đẹp của nó, sự hữu dụng của nó, hay khả thể của nó, mà trong sự thật chắc chắn – cô bé có thể nhìn thấy nó trong trí óc mình rõ ràng hơn cô có thể, những bức tường quanh cô – những bức tường thô bạo gào lên bằng chứng của chúng về sự chắc chắn mà chỉ tùy vào hoàn cảnh mà thôi. Con hổ trong câu chuyện là quen thuộc, nó có đặc điểm của một hình ảnh hoàn chỉnh, thứ đưa ra sự chứng nhận của mình về sự thật trong chính mình. Trí óc của bản thân người nghe là người mục kích, người mà kinh nghiệm trực tiếp của họ không bác bỏ. Một con hổ phải giống mọi con hổ khác trong họ hổ để nó có thể có chỗ trong sách Khoa học; ở đó nó phải là một con hổ thông thường để được dung thứ theo mọi cách. Nhưng trong câu chuyện này nó là khác thường, nó không thể lặp lại. Chúng ta biết một sự vật bởi vì nó thuộc về một loại; chúng ta nhìn thấy một sự vật bởi vì nó thuộc về chính nó. Con hổ của câu chuyện này hoàn toàn tách mình khỏi mọi con hổ khác cùng loài và dễ dàng mang một tính cá nhân riêng biệt trong lòng người nghe. Đứa trẻ có thể nhìn thấy nó một cách sống động, bởi vì với sự giúp đỡ của trí tưởng tượng của mình nó đã trở thành con hổ của riêng cô, một con hổ với bản thân cô, và sự hợp nhất khách thể và chủ thể này mang cho chúng ta niềm hân hoan. Có phải bởi vì thực sự không có sự tách biệt giữa chúng, sự tách biệt là Maya (thế giới vật chất tri giác được), thứ là sự sáng tạo?

Có những dịp trong lịch sử của chúng ta khi ý thức về cái đại đa số đột nhiên được soi sáng bằng nhận thức về một hiện thực vượt xa sự hiển nhiên tẻ ngắt của những chuyện xảy ra hàng ngày. Thế giới trở nên sống động; chúng ta nhìn thấy, chúng ta cảm thấy nó bằng toàn bộ tâm hồn mình. Một sự kiện như thế xuất hiện khi tiếng nói của Buddha chạm tới những bến bờ xa xăm vượt qua những trở ngại đạo đức và thể xác. Rồi cuộc sống của chúng ta và thế giới của chúng ta tìm thấy ý nghĩa hiện thực sâu xa của chúng trong tương quan của chúng với yếu nhân người ban tặng chúng ta sự giải phóng tình yêu. Những con người, để biến những kinh nghiệm lớn lao thuộc về con người này đáng nhớ hơn bao giờ hết, đã quyết định thực hiện điều bất khả; họ khiến những tảng đá lên tiếng, những hòn đá ca hát, những hang động hồi nhớ; tiếng reo vui và hy vọng của họ mang lấy những hình thức bất tử trải khắp núi đồi và sa mạc, vượt qua những cô độc cằn cỗi và những thành thị đông đúc. Một nỗ lực sáng tạo vĩ đại đã xây dựng chiến thắng của mình bằng những điêu khắc kỳ diệu, bất chấp những trở ngại choáng ngợp. Những hành động anh hùng như thế khắp phần lớn hơn của những lục địa phương Đông trả lời rõ ràng cho câu hỏi: “Nghệ thuật là gì?” Nó là lời hồi đáp của tâm hồn sáng tạo của con người với tiếng gọi của cái Đích Thực.

Đã từng xuất hiện một thời đại, cách đây hàng thế kỷ ở Bengal, khi kịch tình yêu thần thánh, làm nên sân chơi vĩnh cửu trong tâm hồn con người, đã được phô bày một cách sống động bằng một tính cá nhân, bộc lộ sự hiện thực hóa Chúa trời một cách gần gũi. Tâm trí của những con người bị khuấy đảo bởi hình ảnh thế giới như một công cụ, qua công cụ ấy cất lên lời mời gọi tới cuộc gặp gỡ của phước lành. Bí ẩn không thể nói về tiếng gọi-tình yêu, mang lấy hình hài một bức tranh vô tận của màu sắc và hình thái, đã truyền cảm hứng cho hành động trong âm nhạc, thứ chảy tràn ra ngoài giới hạn của chủ nghĩa quy ước cổ điển. Âm nhạc Kirtan của Bengal ra đời như một ngôi sao tung mình lên bởi một dòng xoáy tình cảm mãnh liệt trong trái tim của mọi người, và ý thức của họ cháy rực bằng cảm giác về hiện thực, cái hiện thực mà phải được chấp nhận một cách tương ứng.

Một câu hỏi có lẽ sẽ được hỏi liên quan đến việc âm nhạc chiếm vị trí nào trong lý thuyết của tôi, rằng: nghệ thuật là để gợi lên trong đầu óc chúng ta cảm giác sâu sắc về hiện thực trong khía cạnh giàu có nhất của nó. Âm nhạc mang tính trừu tượng nhất trong số các loại hình nghệ thuật, giống như toán học trong các ngành khoa học. Thực ra hai lĩnh vực này có mối quan hệ sâu sắc với nhau. Toán học là logic của những con số và các chiều. Nó bởi vậy được dùng như nền tảng của tri thức khoa học. Khi bị lấy khỏi những liên kết cụ thể của nó và giản lược thành những ký hiệu, nó phơi bầy sự uy nghiêm bệ vệ mang tính cấu trúc của mình, sự không thể tránh khỏi của trạng thái hòa hợp hoàn hảo của riêng nó. Nhưng không chỉ có một logic mà còn có một phép thuật của toán học, hoạt động ở thế giới của sự hiển lộ, sản sinh ra sự hòa hợp – nhịp điệu của mối tương liên. Nhịp điệu hòa hợp này bắt nguồn từ bối cảnh cụ thể thông thường của nó, và phô diễn thông qua phương tiện âm thanh. Và bởi vậy bản chất thuần túy của sự truyền cảm, còn tồn tại, được ban tặng trong âm nhạc. Sự truyền cảm nhận ra trong âm thanh một kháng cự yếu ớt nhất, nó có được một tự do không vướng bận do gánh nặng của thực tế và suy tưởng. Điều này mang cho nó một sức mạnh để đánh thức trong chúng ta một cảm giác gần gũi về hiện thực. [Trong] những nghệ thuật văn chương, nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật hình ảnh, đối tượng và những cảm xúc của chúng ta về nó liên kết mật thiết giống như bông hồng và hương thơm của nó. Trong âm nhạc, cảm xúc chưng cất trong âm thanh tự thân trở thành một vật thể độc lập. Nó mang hình thức-giai điệu, thứ xác định, nhưng mang một ý nghĩa thứ không thể xác định, vậy mà thu hút trí óc của chúng ta bằng một cảm giác về sự thật tuyệt đối.

Nó là phép thuật của toán học, là nhịp điệu nằm trong lòng của mọi tạo vật, thứ chuyển động trong nguyên tử và, trong những chừng mực khác nhau của nó, cấu thành vàng và chì, hoa hồng và gai nhọn, mặt trời và các hành tinh. Đây là những bước-khiêu vũ của những con số trong vũ đài của thời gian và không gian, thứ đan kết thành maya, những mẫu hình của hiển lộ, dòng đổi thay bất tận, cái từng là thế và không là thế. Nó là cái nhịp điệu đánh tung lên những hình ảnh từ sự mơ hồ và hữu hình hóa cái khó nắm bắt. Đây là maya, đây là nghệ thuật trong sự sáng tạo, và nghệ thuật trong văn chương, thứ là phép thuật của nhịp điệu.

Và chúng ta phải dừng lại ở đây chăng? Điều chúng ta biết như sự thật trí óc, là thứ không phải một nhịp điệu của mối quan hệ của những thực tại, thứ dệt nên những mẫu hình của lý thuyết, và sản sinh ra cảm giác về sự thuyết phục với người mà bằng cách nào đấy cảm thấy chắc chắn rằng anh ta biết sự thật? Chúng ta tin rằng bất cứ thực tại nào cũng là thật bởi sự hòa hợp, một nhịp điệu hợp lý, quá trình của thứ có thể phân tích bằng logic toán học; chứ không phải kết quả của nó nằm trong tôi, giống như chúng ta có thể đếm được những nốt nhưng không thể giải thích âm nhạc. Bí ẩn ở chỗ là: tôi bị thuyết phục, và điều này cũng thuộc về maya của sáng tạo, mà một nhân tố quan trọng, không thể tranh cãi của nó là tính cá nhân tự-ý thức này mà tôi thể hiện.

Và Tha Nhân? Tôi tin tha nhân cũng là một tính cá nhân tự-ý thức, có sự đồng điệu vĩnh cửu với tính cá nhân của tôi.

Dịch từ chương The Artist trong cuốn The Religion of Man, Rabindranath Tagore, Beacon Press, Boston, 1961.

Comments are closed.