Nghe từ cống Rộc

Nguyễn Thông

Sáng nay 31.8.2015, anh em anh hùng Đoàn Văn Vươn đã rời trại giam Hoàng Tiến (ở Hải Dương) trở về quê nhà Tiên Lãng, Hải Phòng. Các anh về với cống Rộc, với vùng đầm bãi thân thiết chứa đầy niềm vui, nỗi buồn, đau thương mất mát của mình. Tôi mừng cho các anh được đoàn tụ gia đình sau những ngày (3 năm 7 tháng) tù tội oan ức trong đề lao chế độ, và chỉ cầu chúc cho các anh chân cứng đá mòn, dựng lại cuộc sống trên cái nền mất mát đau thương đó.

Nhân dịp này, tôi đăng lại trên FB đây bài phóng sự tôi viết chỉ sau khi xảy ra vụ cưỡng chế Tiên Lãng đúng 1 tuần. Từ Sài Gòn, tôi lặn lội ra cống Rộc, những con chữ như được lôi lên từ bùn đất đầm bãi, nhưng đem vào tòa soạn báo TN thì thật không may, thủ tướng vừa có chỉ đạo ngưng toàn bộ thông tin về vụ Tiên Lãng. Và nó sẽ mãi mãi nằm im trong ký ức nếu như không có internet.

Sau bài này, tôi còn viết bài “Ba vị tiên chỉ nói về Tiên Lãng” sau cuộc gặp thú vị với thiếu tướng Phạm Chuyên, đạo diễn – NSND Đào Trọng Khánh và nhà thơ Thi Hoàng. Cũng là những ghi chép tươi ròng về vụ cưỡng chế dã man, tôi sẽ đưa lên sau.

NGUYỄN THÔNG

Lũ sâu dân mọt nước

Mặc cho tivi loan báo thời tiết có nhiều thứ không thuận, nào là nhiệt độ hạ thêm những 5-6 độ, rét đậm trở lại, nào mưa phùn, sương mù nhưng tôi vẫn quyết làm một chuyến về Tiên Lãng. Để tận mắt thấy tai nghe, vậy thôi.

Đêm trước khi lên đường quả thật khó ngủ. Trời rét và lòng cứ nôn nao. Quấn 2 cái chăn dày, mặc một đống quần áo ấm, cửa đóng kín mít mà cứ run lên từng chặp. Gió bấc réo ù ù càng làm tăng thêm cảm giác lạnh. Bồn chồn nghĩ ngợi, thương vợ con anh Vươn anh Quý đang tá túc tạm trong túp lều mỏng mảnh giữa trống trải chơ vơ đồng bãi, chống chọi với thứ thần hàn tai ác để mỏi mòn chờ công lý ra phán quyết số phận vợ chồng con cái mình.

Sáng 8.2, tôi và đứa cháu phi xe máy về cống Rộc. Hình như trời cũng cảm thông. Tuy gió vẫn lạnh buốt, vẫn thèm tí nắng xuyên qua đám âm u dày đặc kia nhưng đường sá đã khô ráo không còn lép nhép như bữa trước. Cậy là dân bản xứ, chúng tôi theo đường tắt, chả cần vòng vèo lối cầu Khuể, qua huyện lỵ Tiên Lãng như người ta mà cứ xông thẳng xuống xã Tân Trào (huyện Kiến Thụy), nơi có địa danh nổi tiếng Kim Sơn kháng Nhật, sau đó vượt đò Dương Áo là chạm ngay bờ Tiên Lãng. Từ bến đò, mất mươi phút qua xã Hùng Thắng đã thấy thấp thoáng vùng bãi bồi sú vẹt xanh ngăn ngắt xã Vinh Quang. Người ta đang đổ về đây bởi xã bỗng dưng nổi tiếng.

Con đường mới làm chạy thẳng ra cống Rộc như sợi chỉ lớn phẳng lì, rộng rãi, chắc nhà nước đổ vào đây không ít tiền của để vực vùng ven biển lên về mọi mặt. Cách đây chừng 40 năm, tôi đã từng ăn ngủ ở xã Vinh Quang suốt 3 ngày, đận học sinh cấp 3 được nhà trường cử đi giúp dân thu hoạch cói. Lúc ấy chưa xây cống Rộc, chưa có vùng đầm bãi ông Vươn bây giờ, chỉ ngút ngàn bãi lầy ven biển, lúp xúp đám bần vẹt sú chắn sóng và giữ đất phù sa. Con đê cống Rộc mà tôi đang đứng đây được đắp về sau, giờ ôm siết một vùng đất thuở nào chỉ đầy chua phèn mặn, nhờ công sức con người khai phá cải tạo mà ngày càng trù phú xanh tốt.

Dừng xe trên cống Rộc, ngó xuống bãi thấy xa xa thấp thoáng lá cờ đỏ vẫy vẫy trên nóc lều được chị Vươn chị Quý dựng tạm ngay chính nền nhà bị san bằng. Lúc chúng tôi tới, trên đê cơ man là ô tô biển xanh, cả biển số 80 cũng vài chiếc. Thì ra ngay từ sáng sớm đã có nhiều đoàn của cơ quan công quyền Hải Phòng và trung ương về làm việc. Họ phải bỏ xe, lội bộ xuống bãi, theo con đường vòng vèo lát xi măng rộng khoảng 40 phân do bố con anh em ông Vươn bỏ công sức làm năm ngoái. Chúng tôi dò xe máy theo họ. Được một đoạn khá dài thì bất chợt hai anh mặc thường phục phía trước dừng lại chờ, chỉ nhác qua cung cách cũng biết là công an. Họ hỏi chúng tôi đi đâu, làm gì. Tôi nhũn nhặn thưa, báo cáo anh, chúng tôi chỉ muốn xuống giúp vợ ông Vươn ông Quý chút tiền nhỏ trong lúc khó khăn thôi, chả phải thế lực thù địch gì đâu ạ. Anh công an cười vui vẻ, rằng mấy anh thông cảm, cơ quan chức năng đang phục dựng, điều tra lại hiện trường, có cả sự chứng kiến của gia đình ông Vươn và các ban ngành đoàn thể, hãy để cơ quan pháp luật làm việc, xong rồi tha hồ xuống. Họ mềm mỏng nhưng rất kiên quyết. Thôi đành vậy. Lại lần theo lối xi măng lên đê, chờ.

Một chốc nhát, người ở đâu kéo ra đông khiếp. Bữa ni giữa tuần đâu phải ngày nghỉ mà lắm người thế. Chả cần gạn hỏi, nhiều bác, anh chị đã tự giác “khai báo”, từ Hòa Bình, Ninh Bình (còn ngoặc thêm rằng cùng quê ông bí thư Hải Phòng), Hà Nội, Quảng Ninh… Ai nấy chỉ một mục đích muốn tận mắt thấy tai nghe, bỏ chút công sức, thời gian để củng cố lại sự thật giữa bao luồng thông tin nhiễu loạn; sau nữa, cũng như chúng tôi, muốn gặp gia đình ông Vươn để động viên, chia sẻ. Ôi chao, rét mướt thế này, càng thêm hiểu tình người đáng quý biết bao.

Lối đi chính xuống bãi bị chặn thì đã có ngả khác. Mấy người dân xóm Chùa chỉ cho chúng tôi và dặn rằng cẩn thận kẻo ngã xuống kênh. Từ mặt đê đổ xuống, vượt qua con kênh rộng khoảng 30m do thanh niên xung phong đào hồi nảo hồi nào bằng chiếc cầu tre “dân sự” gập gà gập ghềnh, tôi cứ nhích từng tí một tí một rồi cũng sang. Vài bác lớn tuổi, lúc đầu rụt rè, sau hăng lắm, chân yếu không dám lò dò thì bò tựa trẻ con, cả hai tay hai chân. Nói dại, lỡ tuột tay rơi tõm xuống dòng nước băng giá kia, giữa cái rét căm căm, trên người bọc cả đống quần áo lớp trong lớp ngoài ướt sũng thì chưa thể hình dung kết sự sẽ như thế nào. Nhìn họ bò, dò dẫm bước một, tôi băn khoăn điều gì đã làm các ông lão ấy, cả phụ nữ nữa, liều mình đến thế. Như đoán được ý tôi, một bác gầy gò, tóc phơ phơ, xưng tên Bùi Bá Bảng, tận trên Hòa Bình, giọng oang oang giữa đồng bãi “chú ạ, tôi chả họ hàng thân thích gì với ông Vươn. Chỉ nghe đài đọc báo nhà nước mà đã thấy bức xúc lắm. Bà xã tôi bảo, ông ơi hay ông về tận nơi xem sao chứ xã hội ta làm gì có chuyện khốn nạn thế. Hồi nãy tôi đã nói chuyện trực tiếp với bà con địa phương. Giờ xem tận mắt nhà cửa vườn tược, cam đoan rằng chính quyền xã này huyện này tầm bậy lắm, chú ạ. Chỉ mong sao trung ương cũng mục sở thị như tôi, nghe như tôi để mà xử lý cho nó nghiêm minh”. Hai bác cỡ trạc 70, vừa bò dưới cầu TNXP lên, thở hổn hà hổn hển, mặt tái xanh vì gió rét, nghe ông Bảng nói vậy cũng bảo đúng đó, đúng đó, chúng mình hãy đặt niềm tin vào trung ương, các bác ạ. Phen này trung ương chắc chẳng để yên lũ quan sâu dân mọt nước đâu.

Nhìn sang bờ kia khu đầm bị cưỡng chế, lúc này tôi thấy mái lều tạm của chị Vươn chị Quý đang bị công an dỡ bỏ. Mấy hôm trước, đó là nơi đón tết đón xuân của gia đình họ. Khung lều chơ vơ. Chỉ còn lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trên đỉnh cột tre. Có lẽ đó là chỗ, là điểm nhạy cảm nhất mà ngay cả những người nhà nước thay mặt công quyền đang làm nhiệm vụ cũng ngại động vào. Thành ra, cả đàn bà trẻ con nhà anh Quý anh Vươn, cả công an cán bộ tất tật đứng ngồi xung quanh lá cờ giữa nơi đồng bãi hoang vu gió lạnh. Tự dưng tôi mường tượng ra cái cảnh chào cờ. Cờ đỏ đang chứng kiến người ta thực thi công lý một cách nghiêm trang. Những sai phạm dù của bất cứ ai, những oan khuất, đau thương sẽ được làm rõ với sự chứng giám của màu đỏ kia. Lại thầm phục các chị, những người đã treo lá cờ ấy, họ vẫn còn niềm tin, dù rất mong manh ngay cả khi đã khốn cùng tuyệt vọng.

Ông Vươn chết, chúng tôi sẽ lập đền thờ

Chờ mãi vẫn không vào được tận nơi, tôi lại cùng các ông các bác bò trở lại qua cầu lên đê. Ối chao ôi, dân xóm chùa đã tụ tập thành từng đám, mỗi đám vài ba chục người. Một bà cụ bỏm bẻm trầu đỏ tươi, sau tôi hỏi biết tên là Vũ Thị Chanh, 82 tuổi, đang oang oang giữa đám đông. Bà Chanh kể bữa ấy bà bỏ cả cơm trưa để lên đê chứng kiến từ đầu đến cuối người ta đã cưỡng chế anh em ông Vươn thế nào, súng bắn ùng oàng ra sao. Ngày hôm sau, khi họ phá nhà ông Quý, bà và nhiều người xóm Chùa này trông tận mắt, chối vào đâu được. “Đừng nói chúng tôi bức xúc, mà chúng tôi phẫn uất lắm rồi”. Biết bà đang giận, tôi lựa nhời, bảo hôm nay nhà nước cử cán bộ về điều tra, dựng lại hiện trường để xác định kẻ nào đích danh thủ phạm phá nhà, cướp tài sản gia đình anh em ông Vươn, bà và bà con cứ yên tâm. Bà Chanh nhìn tôi giễu cợt, vung cánh tay lên nhưng không phải để đánh tôi, mà chém xuống, nói dứt khoát: Này này, tôi bảo cho nhà bác biết nhá, đó là trò hề, trò hề. Làm gì phải mất công đào bới điều tra. Cứ gặp chúng tôi đây này (bà chỉ vào mình và những dân xóm Chùa đứng quanh), chúng tôi sẽ cho biết hết sự thực. Xong, bà nhìn tôi gườm gườm, có lẽ tưởng tôi người của chính quyền khiến những người xung quanh cũng dòm tôi với con mắt không mấy thiện cảm. Tôi đành nhủ thầm biết làm sao được, từ khi xảy ra vụ đầm Vươn đến nay họ đã phải nghe biết bao thông tin sai lạc, bóp méo bẻ queo từ mấy ông quan xã quan huyện, thậm chí quan thành phố còn vu khống, đổ thừa, gieo tiếng ác cho họ.

Một anh thanh niên trạc hai mươi quần xắn móng lợn dính đầy bùn, chắc mới ở bãi lên, dợm lại gần tôi. Tôi chột dạ, khéo anh ta tưởng mình dò la gì cho người nhà nước, hô lên thì có chạy đằng giời. Nhưng không, anh kéo tôi ra khỏi đám đông, nói ngắn gọn: Tôi xem cung cách bác, biết bác không phải người đây, không phải người xấu. Tôi người chính ngay xóm Chùa này, nhà dưới chân đê kia, không tin bác cứ xuống. Hôm qua nghe ông bí thư Thành ủy trả lời trên tivi, dân tôi ức lắm. Ăn nói bố lếu bố láo, dám bảo nhà ông Quý là nhà chòi. Khốn nạn. Chả biết ông ta đã xuống nhìn tận mắt đống gạch, bê tông ngổn ngang kia chưa hay chỉ nghe cấp dưới nó bẩm báo thưa thốt. Nhà chòi mà đổ xi măng hai tầng. Cả nhà người ta cư ngụ, sinh hoạt hằng ngày ở đó, sao lại nhà chòi? Cứ ăn nói tầm bậy, vô trách nhiệm thế thì làm sao dân đen chúng tôi không phẫn uất. Hết đổ vạ cho chúng tôi phá nhà ông Vươn, nay lại quanh co chống chế bóp méo, không sợ phải tội với giời à. Bác ạ, dân xóm chùa và xã Vinh Quang tôi bảo nhau, cái ông phó chủ tịch vu khống bữa trước, và cả đám nhà báo Hải Phòng xuyên tạc sự thật nữa, cứ vác mặt về đây, chỉ trẻ con nhổ nước bọt vào mặt cũng chết, cần gì đánh.

Cứ hết người này người khác, chẳng cần ai hỏi ai tra, họ tranh nhau nói như được dịp trút nỗi oán hận tích tụ chất chứa bấy lâu. Họ kể một thôi một hồi đủ thứ chuyện, trước đó lực lượng TNXP ném 40 tỉ đồng vào khu vực này chỉ mua được số 0, rằng anh em ông Vươn ông Quý khai phá vất vả làm sao, công nợ còn bao nhiêu, cả chuyện hôm cưỡng chế người ta đã nhẫn tâm, vô nhân đến mức giật cả ảnh thờ bố ông ấy, con ông ấy treo trên tường ném tọt xuống ao, đánh đập cả đứa trẻ vô tội… Nghe thật xót xa. Họ chẳng chịu ơn huệ gì từ ông Vươn và cũng chả thù hằn gì chính quyền. Họ chỉ nói lên sự thực. Tôi dám cam đoan rằng cả trăm người thì cả trăm đều bộc lộ sự giận dữ bất bình về mấy ông quan sâu mọt làm bậy ở xã Vinh Quang và huyện Tiên Lãng; đều trách cứ trung ương ra tay chậm trễ, giờ thì mong trung ương sớm làm rõ trắng đen, xử lý kiên quyết. Họ dứt khoát, như lời một ông mặc nguyên bộ trang phục công an, mà tôi chắc rằng đã về hưu, ông bảo “chúng tôi không cần Đảng, chính phủ phải xử lý nghiêm minh, chúng tôi chỉ cần xử lý đúng pháp luật”.

Tôi chào mọi người, dắt xe quay lại chỗ cống Rộc chụp thêm vài kiểu ảnh. Chiếc cống vừa lừng danh chỉ còn bộ khung xi măng đen sì, trơ cả cốt sắt, chứng tích của một thời chống chọi chinh phục thiên nhiên, nay bộ nhớ của nó lại phải cõng thêm chuyện đau lòng mới xảy ra ở xứ này. Nhìn cái di tích tiều tụy ấy, nói phỉ phui cái miệng, giống cái giá treo cổ, tôi bất giác liên tưởng đến căn nhà hai tầng bị san bằng của ông Quý ông Vươn, nếu người ta giữ lại nguyên thế vài chục năm sau cho con cháu tới xem. Thứ thì mục nát bởi thời gian, thứ thì tan tành do sự đập phá nhẫn tâm của con người. Cả cống lẫn nhà, đều gây mối hoài cảm xót xa.

Con sông Văn Úc đằng kia vẫn cuồn cuộn ra biển Đông tải phù sa mỡ màu bồi đắp vùng ven biển. Thời gian cũng như dòng nước ấy, chảy mãi chảy mãi không thôi. Rồi chuyện cưỡng chế, chuyện ông Vươn, cống Rộc sẽ trôi qua, nhạt dần; nỗi buồn cũng qua, chỉ còn lại đất nước ngày thêm rộng dài màu mỡ. Tôi đang nghĩ ngợi bần thần, chợt ông cụ mà tôi nhác thấy ngay từ lúc mới tới cứ đứng yên bên cống Rộc nhìn về phía biển xa, lên tiếng. Cụ rằng, các bác ạ, tôi đã gắn bó cả đời với đất này, tôi hiểu tận chân tơ kẽ tóc từng nắm đất và con người nơi đây, tôi có thể nói mà không sợ ai đó bảo ngoa, những người như ông Vươn ấy, nếu chết, chúng tôi sẽ lập đền thờ!

Tiết xuân 2012- cống Rộc

N.T

clip_image002

Cống Rộc, trông như cái giá treo cổ.

clip_image004

Những gì còn lại của hai gia đình Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý sau cuộc cưỡng chế dã man

clip_image006

Thông điệp sống của anh em Vươn – Quý được khắc trên con đường bê tông dẫn vào nhà trong khu đầm

N. T.

Nguồn: FB Nguyễn Thông

Comments are closed.