Nghĩ khi chờ ở biên giới Hoa Kỳ hay là sự nguy hiểm của phép tu từ

Nguyễn Đức Tùng

Trong khi chờ băng qua biên giới từ Hoa Kỳ trở lại Canada, tôi cảm thấy rõ ràng sức ép của biến thể Delta, thể hiện trong các biện pháp hải quan và an ninh sân bay siết chặt, tăng cường bất ngờ, so với một tháng trước đó, khi tôi thong thả đi về hướng ngược lại.

Khả năng của một siêu vi trùng gây bệnh lên một cá thể trong cộng đồng được gọi là tần suất gây nhiễm. Tần suất này nếu dưới 1, thì tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng thì sẽ đi xuống, nếu trên 1 thì bệnh sẽ lan nhanh chóng. Độ lây nhiễm tăng theo cấp số nhân, nghĩa là nhanh khủng khiếp.

Biến thể Delta xuất phát từ Ấn Độ, nơi mà hồi đầu năm 2021 thủ tướng Modi đã đọc một diễn văn tuyên bố Ấn Độ đã chinh phục nạn dịch và mang lại hy vọng cho nhân gian. Sự tự tin ấy không có cơ sở khoa học. Sự thiếu hụt các cơ sở điều trị cấp cứu, trình độ vệ sinh công cộng, phương tiện di chuyển đông đúc, tập tục hỏa táng và thủy táng, nhu cầu oxygen tăng đột ngột, thói quen sinh hoạt, đã làm cho Ấn Độ và một số nước chịu lây truyền biến thể Delta nguy hiểm.

Có bốn biến thể chính: Alpha, Beta, Gamma, Delta. Alpha đến từ Anh Quốc, Beta đến từ Nam Phi, Gamma từ Braxin, Delta từ Ấn Độ, đó là bốn biến thể của coronavirus Vũ Hán. Chúng ta có thể chờ đợi các biến thể khác nữa: Omega, Lamda.

Tại Bắc Mỹ, từ giữa tháng Bảy năm nay, 2021, Delta là tác nhân quan trọng nhất.

Tại sao biến thể?

Siêu vi gây ra Covid-19 cũng như các vi sinh vật khác đều tiến hóa theo thời gian để tăng sức kháng cự, làm tăng cường sự sinh sản của chúng. Điều ấy không có gì mới, tác nhân bệnh cúm mà chúng ta chích ngừa hàng năm đều biến đổi như thế. Nhóm RNA lại có khả năng đột biến cao. Đặc tính của siêu vi là sau khi thâm nhập vào cơ thể, giết chết người bệnh, thì chúng ít còn có khả năng lây nhiễm sang người khác. COVID-19 là trường hợp đặc biệt. Hầu hết bệnh nhân bị nhiễm đều… không chết, vì vậy họ nuôi giữ mầm bệnh rất lâu và lây sang người khác dễ dàng.

Biến thể Delta dường như dễ lây nhiễm hơn nhưng không có gì chứng tỏ là chúng độc hại hơn siêu vi Vũ Hán. Chỉ có thể biến thể Beta và Gamma có khả năng chống lại miễn dịch con người cao hơn những biến thể khác, tức độc hại hơn. Delta thì không.

Chích ngừa, chích ngừa và chích ngừa, là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa sự lây nhiễm của Covid và các biến thể, trong đó Delta đáng sợ nhất, không phải vì độc hại hơn mà vì dễ lây hơn. Thế giới đang tập sống chung với thứ sinh vật nhỏ bé này, tăng miễn dịch cộng đồng, chích ngừa toàn bộ dân chúng, cách ly kịp thời, điều trị bằng thuốc hữu hiệu, dự trữ oxygen phong phú.

Các vaccines như Pfizer, Moderna, AstraZeneca… hiện nay đều chống lại được Delta.

Tôi có nhiều bệnh nhân và một người bạn bác sĩ bị viêm phổi do COVID-19, mức độ nặng, phải nằm ICU, thở máy nhiều tuần lễ, trong đó hai người khoảng bốn mươi tuổi, những người khác ngoài sáu mươi, nhưng cuối cùng đều qua khỏi, trừ một người già yếu. Vào lúc chưa có các thuốc hữu hiệu, oxygen và máy thở là trị liệu duy nhất, họ đã vượt qua.

Khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”, “trong dịch có giặc”, sẽ tạo nên các diễn dịch sai lầm. Đó là sự nguy hiểm của phép tu từ. Nhưng hơn thế nữa, tạp chí của Đảng Cộng sản Việt Nam còn viết rõ, đại ý: Giặc có ba loại: siêu vi trùng Covid, những người dân bất tuân lệnh, và các thế lực thù địch nói xấu nhà nước. Cả ba loại giặc này đều cần phải bị tiêu diệt (*). Thái độ ấy là cực đoan, hận thù, biểu hiện sự hoảng loạn bên trong. Sự hoảng loạn ấy trong nội bộ giới lãnh đạo tạo ra hoảng loạn trong các cộng đồng. Biểu hiện bằng hành vi: trốn tránh, không tin, sợ hãi, tháo chạy tán loạn.

Đã đến lúc cần phải tập sống chung với COVID, với những người nhiễm bệnh và những người có thể sẽ nhiễm bệnh. Các dân tộc trước sau cũng phải mở cửa biên giới. Con người trước sau cũng phải ra đường. Chừng nào chúng ta còn thở bằng không khì thi siêu vi trùng còn trở lại, ít nhất là đến khi chúng ta có một loại thuốc hữu hiệu như đối với các căn bệnh nguy hiểm một thời trước đây, hủi, giang mai, bệnh AIDS, bệnh trầm cảm. Việc Hoa Kỳ và phương Tây viện trợ vaccines cho các nước nghèo, trong đó có Việt Nam, thể hiện thiện chí đáng ca ngợi và sự khôn ngoan chiến lược, nhưng chưa đủ. Các cộng đồng còn cần hơn thế nữa từ Hoa kỳ và các nước văn minh: thuốc men, oxygen, máy thở. Phần còn lại là trách nhiệm của các chính phủ: kiện toàn và dân sự hoá bộ máy y tế, tìm kế an dân sinh, tránh khổ đau không cần thiết cho dân chúng, nhất là dân nghèo, trước hết là trấn an chính mình, vì càng hoảng loạn càng tức giận, càng tức giận càng hoảng loạn, hoa cả mắt nhìn đâu cũng thấy kẻ thù.

Nhà văn Nguyễn Xuân Quang, cũng là một bác sĩ ở Mỹ, có tập truyện ngắn “Người căm thù ruồi”. Ruồi thì tôi không biết, nhưng bạn không thể căm thù một con vật nhỏ bé mắt không nhìn thấy, và các biến thể của nó.

 

(*)

“Chống dịch như chống giặc” được hiểu là sự nguy hiểm của dịch bệnh tương đương với sự nguy hiểm của giặc ngoại xâm.

Trước hết, do dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu, có tốc độ lây lan nhanh, không chỉ gây thiệt hại trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, mà còn khiến số người tử vong ngày càng cao; được coi là vấn đề cấp bách nhất hiện nay.

Thứ hai, đối với Việt Nam, “trong dịch có giặc”: Đó là các thế lực thù địch và bọn cơ hội chính trị thường xuyên lợi dụng việc phòng chống dịch COVID-19 để chống phá cách mạng Việt Nam.

Đó là những kẻ “nối giáo cho giặc”, là những người giấu bệnh, khai báo y tế không trung thực, chống và trốn cách ly, không chấp hành lệnh cấm tụ tập, tiếp xúc đông người… làm lây lan dịch bệnh. Đó là những kẻ lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ trục lợi, nâng giá, bắt chẹt người mua, sản xuất hàng giả buôn lậu hàng hóa y tế ra nước ngoài; lợi dụng dịch bệnh để phạm tội. Đó là những kẻ lợi dụng dịch bệnh để phao tin đồn nhảm, làm rối lòng quân, gây hoang mang trong dân gây ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch của Việt Nam…

Các loại giặc trên đều nguy hiểm như nhau và là đối tượng phải tiêu diệt […].”

(https://dangcongsan.vn/tieu-diem/chong-dich-nhu-chong-giac-551842.html )

Comments are closed.