Nam Đan
Tôi ngồi cà phê với ông bạn già, là một nhà thơ, ông vừa đi ra biển ở miền Trung về, có câu chuyện làm quà cho tôi. Tôi ghi lại câu chuyện ông kể, như sau.
Buổi sáng, đoàn chuyên gia chiến lược quân sự đứng trên bờ biển, cạnh chiếc xe gắn cờ hiệu tướng lãnh, ông tướng cầm đầu chỉ ngón tay ra ngoài xa, thuyết trình:
“Núi vây bọc chung quanh, nếu ngoài khơi bão lớn, thì bên trong cũng chỉ gợn sóng nhẹ, lại không có đá ngầm. Những khe hở giữa những dãy núi kia sẽ là cửa cho chiến hạm ra vào. Khi cần có thể đi ra tấn công, nếu không thắng vẫn có thể lui về cố thủ. Ngoài cửa sẽ thả thủy lôi ngăn chặn chiến hạm địch, trên bờ xây dựng những ổ phòng không, như vậy là hết sức an toàn. Nơi đây phải trở thành một quân cảng hiện đại, chi phí cho dự án này khoảng 20 tỉ USD. Nếu chiến tranh xảy ra, kẻ nào làm chủ quân cảng này sẽ làm chủ Thái Bình Dương…”
Sau một lúc bàn tán, họ mang bia rượu và đồ nguội ra ăn uống, rồi đi.
Vài giờ sau, một đoàn chuyên gia dầu khí trờ đến trên đoàn xe sang trọng. Người dẫn đầu đoàn mở cặp lấy ra một chồng hồ sơ, đọc qua rồi nói:
“Theo báo cáo của công ty thăm dò địa chất, vùng biển này có túi chứa dầu trữ lượng lên tới khoảng tám trăm triệu lít, nếu cắm ba giàn khoan ở đây, mỗi dàn dự chi là hai tỉ USD, khả năng khai thác gần như vô tận. Vấn đề là chủ quyền lãnh hải, điều này có thể châm ngòi chiến tranh. Nhưng không sao, chúng ta bất chấp!”
Bàn tán một hồi, họ cũng bày ra ăn uống, xong lên xe đi.
Buổi chiều, ông nhà thơ đạp chiếc xe cà tàng, chiếc mũ sờn và đôi giày rách, dừng lại ngay nơi mà hồi sáng hai đoàn chuyên gia đã dừng lại. Ông ngả chiếc xe xuống bãi cát, lừ lừ đôi mắt nhìn đám vỏ bia, vỏ đồ hộp, giấy vệ sinh mà hai đoàn chuyên gia bỏ lại, làu bàu:
“Bãi cát trắng phau tinh khiết thế này mà chúng nó đến xả rác. Đúng là một lũ người chẳng ra người, đười ươi chẳng ra đười ươi… Không biết gìn giữ trân trọng cái đẹp của thiên nhiên.”
Rồi ông đi thu gom rác cho nó đỡ chướng mắt.
Lúc dạo gần mép nước, thấy xác một con cá mắc cạn, ông ngồi xuống, dùng tay không đào một cái lỗ, trịnh trọng đặt cái xác con cá xuống ngay ngắn, vùi cát lấp đầy, nét mặt buồn bã như đang chôn cất một người thân. Chôn xong, ông đứng dậy, ngậm ngùi nói với nấm mồ mới đắp:
“Biển rộng vậy mà mày không ở, vào gần bờ làm gì để phải chết cạn thế này…”
Ông lấy từ trong túi áo ngực ra một điếu thuốc nhăn nhúm, vuốt vuốt mấy cái cho thẳng, một tay che, một tay bật hộp quẹt, gió thổi lộng mái tóc bạc và thổi làn khói bay dạt về phía biển xa.
Nhìn mông lung, ông nghĩ, nếu có tiền, mình sẽ trồng một rừng thông trên cái gò cát cao phía kia, đứng ở đây cũng nghe thấy tiếng thông reo vi vu. Mình sẽ mua một chiếc thuyền, buổi sáng chèo về hướng mặt trời đang mọc, vừa chèo vừa hát vang cái ca khúc ngày còn thơ dại: “Ngày ngày ra khơi vươn vai đón ánh dương soi con tim bồi hồi…” Chiều về cắm thuyền, lên bãi nấu ăn, vừa nhóm lửa vừa hát: “Biển sóng, biển sóng đừng xô tôi, đừng xô tôi ngã dưới chân người…”* Rồi một ngày nào đấy, khi biết căn phần đã hết, chèo thuyền ra xa thật xa, khi không nhìn thấy đất liền, thì bẻ gẫy mái chèo ném xuống biển, mặc cho thuyền muốn trôi đi đâu thì trôi, nằm ngửa mặt nhìn bầu trời xanh thẳm, chờ cái chết, xem biển cả như nấm mồ. Nhưng rồi ông nghĩ lại, mình thì không làm gì ra tiền, và nếu có dành dụm cả đời thì cũng chẳng bao giờ đủ tiền để mua thuyền hay trồng rừng thông. Ông bỗng dưng cất tiếng cười vang, ông cười nhạo cái ý nghĩ viển vông của mình. Ông dựng xe lên, lủi thủi ra về.
***
Ông nói tiếp cho hết ý. Ngày nay, hễ có ai được gọi là “nhà thơ” là người ta nghĩ ngay đến một loại người đi mây về gió, xa rời thực tại, không có công việc ổn định hay là thất nghiệp, loại này đông, đông nghìn nghịt. Có lẽ cũng vì thế người ta ám chỉ xách mé rằng Việt Nam là sự tổng hợp của một cường quốc thơ cộng với một đất nước nghèo mạt đầy tệ nạn.
Nhà thơ Hàn Mặc Tử qua đời từ lâu, hẳn là đang ở cõi trên, nếu có thể sống lại, chắc cũng mắc cỡ lắm vì đã có lần dại dột tuyên bố: “Chúa sáng tạo ra muôn loài, nhưng chỉ có ba loài cao quí nhất: Thiên Thần, Thi Sĩ rồi mới tới Con Người.” Lại có ông nhà văn bên Nga Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky nói rằng: “Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới.”
Những lời xưng tụng kia đẹp lắm, nhưng thiếu thực tế. Bây giờ người ta cần đến những nhà quân sự tài ba, những nhà doanh nghiệp nhạy bén, có quan hệ rộng, có vốn liếng lớn, chứ cần gì đến ông nhà thơ mà tài sản chỉ có cái xe đạp cà tàng, thích chèo thuyền, nghe tiếng thông reo, xót thương một con cá chết!
Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới ư?
Sai rồi, sai trầm trọng. Vì đây là thời của những kẻ chuyên nghiệp giết người và những kẻ giỏi nghề mua bán.
Còn ông bạn già của tôi ơi, trong mắt họ thì những kẻ như ông, và tôi, là những kẻ hết thời, là những con cá giãy giụa chờ chết trên bãi cát cạn, mà chẳng ai chôn. Nghĩ vậy, nhưng làm sao tôi dám nói với ông.
Buồn gì đâu!
• Ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Nguồn: FB Thận Nhiên