Người bán mèo dạo

Yên San Thụy Miên

Người đàn ông bán mèo dạo đi qua trước mắt tôi lần đầu tiên vào một buổi chiều thứ Sáu. Mùa xuân. Sau tuần nắng to, trời đột ngột trở lạnh. Gió về gợi nhớ một ngày đầu đông, khô lạnh mà không giá buốt. Mùa xuân không phải bao giờ cũng là một cái gì đó nhất định người ta có thể mường tượng trước. Mùa xuân mỗi năm mỗi khác đấy.

Đó là buổi chiều tôi lang thang mãi trên phố. Nếu nhớ không nhầm thì đang vội vã đi lấy vé xem phim miễn phí. Với tôi bấy giờ, những tuần phim miễn phí của các trung tâm văn hóa nước ngoài, hay những tối hòa nhạc phát vé mời là đáng quý lắm. Ấy vậy nhưng hình như cũng bỏ nhiều lần, ngay cả khi đã lấy được vé, lắm lúc chỉ vì tính chây lười cố hữu do cố thủ một mình trong nhà nhiều ngày. Khi ở mãi trong cái sự ấm êm hay yên ả thì rồi thành ra chỉ muốn ở mãi trong đó, mặc cho xúc cảm dần nguội đi, rung động với nhịp sống dần lắng xuống, mà trí óc phân tích dần hao mòn và toàn bộ thân xác lẫn tinh thần thành ra một súc gỗ vô dụng chẳng dùng làm gì được cả.

Chiều hôm ấy, tôi thức dậy lúc 2 giờ chiều sau giấc ngủ trưa ngắn. Ngủ có đâu khoảng 30 phút sau khi buông cuốn sách đang đọc. Tỉnh dậy thì mắt đã ráo hoảnh, nghĩa là đã hết buồn ngủ, nhưng thần trí lại như một ô cửa sổ trắng lóa một thứ ánh sáng nhờ nhờ vào một ngày thời tiết chẳng ra nắng cũng chẳng ra mưa. Cứ bập bùng trong thứ ánh sáng mông muội vậy thôi. Lại kéo chăn, vùi đầu vào những dư ảnh mơ ngắn ngủi, chập chờn, không dạng hình, không đầu không cuối. Song rồi cuối cùng mắt vẫn cứ ráo hoảnh, mà lại dần nhận thức được tình trạng chây lười như súc gỗ kia nên lồm cồm bò dậy, chuẩn bị qua loa và đi lấy vé xem phim. Vì thế mới gặp người bán mèo dạo khi đứng ở một bến xe buýt.

Nhìn thì thấy tuyến mình cần đi đề ở trên biển báo mà chờ mãi không thấy xe đâu. Mới ngỡ ra là cái xe không còn đi qua đó nữa. Nghĩ, thật làm mất công người ta quá. Song vậy thì mới gặp được người bán mèo dạo chứ.

Toàn bộ câu chuyện người bán mèo dạo chẳng có gì thật đặt biệt. Chỉ là thế này.

Trong lúc chờ xe mòn mỏi như vậy, chợt thấy một người đàn ông đạp xe đi qua. Sau xe chằng một lồng sắt, trên phủ một tấm bao tải gai trắng. Trong chỉ có duy nhất một chú mèo vàng xuộm đang ngơ ngáo nhìn đường phố. Không rõ chú có cất tiếng kêu hay không vì đủ thứ tiếng nhộn nhạo át đi mất. Ăn mặc của người đàn ông ấy thì rõ ra một con người bình thường đang mưu sinh. Trời lạnh mà chỉ có một chiếc sơ mi ca-rô cũ nhàu khoác ngoài một chiếc áo thun cũng cũ lắm, quần xơ và chùng cả xuống, phủ lên đôi dép lê mòn. Ngoài chuyện đó ra thì khuôn mặt người ấy vẫn còn trẻ lắm, gương mặt trắng trẻo, mịn màng và bầu bĩnh như thể đã có thời, hoặc chỉ vừa mới đây thôi, còn sung túc. Vẻ mặt thản nhiên không nhăn nhúm hay xám xịt lại, hốc mắt không sâu trũng, khóe miệng cũng không xệ xuống buồn thảm hay tỏ vẻ đáng thương gì cả. Cứ tưng tửng mà đi qua trước mắt người ta thế thôi. Cũng không rao to lên rằng: “Ai mua mèo nào!” vì ai cũng nhìn thấy mèo trong lồng đó rồi. Mà bộ dạng thì đúng là người bán mèo dạo chứ chẳng phải đang đi mua mèo về nhà. Trông lại cứ tưởng người thanh niên ấy chỉ ăn mặc như thế và đi bán mèo cho vui chứ chẳng vì nỗi mưu sinh ráo riết nào. Có lẽ hẳn còn chưa tỉnh ngủ, tôi nhìn người đàn ông chở cái lồng duy có một con mèo đi qua trước mắt mà thấy như một cảnh phi thực quá đỗi. Một cảnh tượng không ra kì cục, không ra bình thường. Nửa giống như một cảnh diễn xuất trong hiện trường làm phim, máy quay chắc hẳn đang núp ở đâu đó để tránh cái nhìn tò mò của đám đông qua đường và đang ghi lại từng chuyển động của anh bán mèo kia. Chắc hẳn vì thế mà cứ đi qua đi lại vài lần lên trên đoạn phố ngắn ấy- diễn chưa đạt mà phải diễn lại đấy thôi – gương mặt lúc nào cũng giữ vẻ điềm nhiên như đang đi dạo, có lẽ là vẻ mặt của một anh diễn viên tồi, diễn cách mấy cũng không nhập được vào vai của mình. Và rồi bỗng thấy cái tình cảm mang tính cảm thương đang nhen lên trong mình có phần ngớ ngẩn, tầm thường và nực cười quá đỗi.

Cuối cùng thì người bán mèo dạo cũng đi đâu mất. Tan biến vào phố xá. Hay biến mất khỏi cõi thực cũng không chừng.

Vé thì đến muộn nên chẳng lấy được. Đi vòng mấy con phố tìm một quán ăn đã vào dăm lần, nhưng chẳng thể gọi là quen thuộc. Trong lúc ăn cứ lo nơm nớp rằng không đủ tiền trả vì biết đâu bất ngờ tăng giá – tăng theo giá cả chung hay vì cái vẻ mặt ngơ ngác của mình mà người bán hàng đột ngột thốt ra một con số cao như vậy. Nghĩ rồi tự thấy mình vừa buồn cười vừa đáng thương. Tất nhiên chẳng đời nào lại có chuyện phi lí đó xảy ra.

Trên xe buýt trở về nhà lúc chiều muộn, nhìn mãi những quán hàng sáng đèn bên đường, người xe nườm nượp, thấy mình nhẹ bẫng. Không thể đuổi theo dòng suy tưởng như trước từng vẫn thế. Chúng, những suy tưởng ấy, thường bị đứt đoạn đột ngột ở một chỗ nào đó mà khi chợt nhận ra vào một thời khắc thì không biết đã đứt ở đoạn nào, khoảng nào. Đầu óc thành ra trống rỗng từ bao giờ. Không còn cả những ý nghĩ vơ vẩn, những tiếng nói lầm rầm, không còn những mảnh vụn của hình ảnh hay bất cứ một vương vất có thể gọi là một ý niệm nhỏ nhoi. Chỉ còn lại hành vi nhìn độc lập riêng nó.

Cảm giác của chiều nọ là như thế. Chẳng qua vì xuất hiện người bán mèo dạo nên mới còn nhớ đến giờ, nếu không cũng đã chìm lấp vào chuỗi ngày tháng bàng bạc như nhau một màu, như ô cửa sổ sáng lóa vào một trưa nắng nhạt nào ấy.

Y. S. T. M.

HN- 3. 2012

Comments are closed.