Người bóng

Truyện Trương Đình Phượng

Giữa thời cực thịnh của triều Trần tại Hà Nam có tay buôn lụa họ Nguyễn tên độc một chữ “Quỷ”. Gã mang cái tên kỳ quái ấy nghe đâu vì đêm mẹ gã hạ sinh gã, bà ta nhìn thấy một khuôn mặt quỷ ngoài song cửa sổ, dưới ánh trăng mờ mờ ảo ảo.

Đến khi Quỷ đầy tháng mẹ gã chỉ bước chân ra khỏi nhà một lần vào hôm lên chùa cầu an, từ đó trở đi bà ta trở nên lầm lì ít nói, suốt ngày ngồi bó gối trên giường ôm con nhỏ.

Có một đêm vào tầm canh bốn, trăng sáng quắc như mắt mèo, cha Quỷ đang ngủ bỗng giật mình tỉnh thức vì tiếng than khóc vẳng ra từ buồng vợ. Hớt hải chạy sang châm ngọn đèn dầu lạc, ngay khi ánh lửa vừa lóe sáng cha Quỷ liền thốt lên mấy tiếng kinh hoàng “Thiên địa tổ tiên ơi”, rồi ngã gục xuống nền nhà ngất đi.

Sáng hôm sau lũ gia nhân dậy, vào thấy ông chủ nằm sõng soài dưới nền gạch, hè nhau đỡ dậy hỏi han nguyên nhân cớ sự, ông ta chỉ lắc đầu liên hồi chứ không mở miệng dù chỉ nửa lời. Cho đến sau này, câu chuyện đêm đó cũng chẳng một ai ngoài ông ta biết rõ.

Suốt những năm tháng tuổi thơ Quỷ sống trong tâm trạng nhiều buồn vui ít. Cha Quỷ thường xuyên vắng nhà, cùng các tay lái buôn lăn lộn mọi miền thu mua vải vóc. Ở nhà từ sáng tới tối thằng nhỏ tha thẩn chơi với mấy con gà con chó. Lũ gia nhân thì chẳng dám cư xử ngang hàng với cậu chủ. Mẹ Quỷ suốt ngày giam mình trong buồng, chẳng chịu mở miệng. Lâu dần bà ta như người câm điếc.

Năm Quỷ mười tuổi, bấy giờ cha Quỷ tìm cho Quỷ một thầy dạy học có tiếng từ kinh thành. Hơn hai tháng ròng rã thầy đồ tìm mọi cách vẫn không làm sao truyền thụ kiến thức nổi cho Quỷ, gắng mãi chỉ dạy cho Quỷ biết đọc biết viết, mà ngay cái việc đọc viết cũng khiến thầy đồ cười ra nước mắt.

Mỗi lần Quỷ cất giọng đọc thì nghêu ngao như thằng câm học nói, chữ viết thì như mèo cào gà bới. Đến buổi học, Quỷ luôn bày những trò nghịch dại khiến cho thầy đồ trở tay không kịp. Khi thì bắt nhái bỏ vào ống đựng bút, lúc lại bôi mật ong lên ghế thầy đồ, dụ lũ ong đến châm cho thầy đồ một phen sưng tấy mặt mũi, có lần y còn pha nước tiểu và phân buộc dây treo trên xà nhà, khi thầy đồ vừa ngồi vào bàn dạy học chạm phải sợi dây lập tức xô xú uế đổ luôn xuống, làm áo quần ướt chèm nhẹp…

Hết khả năng chịu đựng, thầy đồ cắp tráp chơi bài tẩu vi thượng sách một lèo, chẳng thèm nhận luôn tiền phí dạy học.

Năm sáu ông thầy được vời đến đều chịu chung cảnh bỏ của chạy lấy người, chán nản cha Quỷ chẳng thèm quan tâm đến nữa, bỏ mặc Quỷ muốn làm gì thì làm. Từ đó mỗi khi cha Quỷ đi làm ăn xa, ở nhà Quỷ thường nhân lúc lũ gia nhân và quản gia không để ý lẻn ra vườn sau vượt tường, tìm đến chợ giao du với bọn du thủ du thực. Vô công rỗi nghề sinh lắm chứng nhiều tật. Tụi du thủ du thực bày cho Quỷ chơi hoa đánh bạc. Ban đầu chưa quen Quỷ còn ngại, dần dà đất ngấm nước, cá say mồi, hôm nào cha ở nhà y rằng hôm đó trong người Quỷ bứt rứt không yên. Đêm nằm buông màn chẳng ngủ, lẩm nhẩm cầu trời khấn phật cho cha sớm rời nhà để mình có cơ hội thỏa sức vui chơi.

Mấy hôm sau cha Quỷ tiếp tục lên đường. Quỷ phá khóa cạy rương lấy bạc, lẻn vườn sau vượt tường nhằm hướng chợ mà chạy như ma đuổi. Vừa thấy bóng Quỷ lũ du thủ du thực đã hét toáng lên:

– Ấy, tụi tớ ở đằng này!

– Ôi cứu tinh đến rồi, mấy ngày nay chẳng gặp anh bạn làm bọn này bụng eo túi rỗng khổ ơi là khổ.

Rồi đó, cả bọn chân nắm tay kéo đưa Quỷ vào tửu lâu đánh chén. Sau khi cơm no rượu say, lại tay khoác vai bá đến lầu xanh hưởng thú thần tiên.

Mỗi lần về nghe quản gia và gia nhân kể lại những trò đồi bại của con trai, cha Quỷ liền gọi y vào nọc cổ ra trừng phạt, đánh chán tay sai bọn người hầu lôi nhốt vào kho củi, cấm không được cho Quỷ ăn uống. Hôm đầu Quỷ còn ngoác mồm ca hát, ta đây thách thức chẳng sợ. Đến hôm thứ ba miệng khô tay run, Quỷ hò hét cầu xin cha tha thứ, hứa sẽ từ bỏ tất tật thói hư trò xấu. Tuy chưa nguôi giận nhưng vì thương con, thêm phần nhìn cảnh vợ vật vờ như hoa héo lá tàn, cha Quỷ đành thả Quỷ ra. Năm lần bảy lượt như thế Quỷ vẫn chứng nào tật ấy, cáo quen rừng xưa gà quen ổ cũ, cha Quỷ đâm nản, hết muốn dạy dỗ. Được thể Quỷ càng thỏa sức tung hoành.

Thời gian lầm lũi trôi, giặc phương Bắc lăm le đem quân xâm chiếm bờ cõi. Đám thanh niên trai tráng bị triều đình điều đi lính. Quỷ được cha chi hầu bao lo lót nên được ở nhà. Bọn du thủ du thực bạn Quỷ cũng chịu chung số phận tòng quân. Chẳng còn ai bầu bạn tụ tập, Quỷ lại quay về kiếp sống quẩn quanh trong nhà. Ngày ngày tìm sách hoa nguyệt đọc chơi.

Thi thoảng vô tình đi qua liếc thấy con trai hăng say đọc sách, cha Quỷ ban đầu còn nghĩ con mình đã nghĩ thông suốt nên chuyên tâm học hành, rất đỗi vui mừng, sau để ý mới biết con đam mê uế thư. Chán càng thêm chán, đêm ngày chỉ còn biết than thở với trời già.

Ngày tháng âm thầm trôi. Năm Quỷ mười bảy tuổi đã đủ trí khôn, cha y hỏi:

– Ta đã năm lần bảy lượt mời thầy về chỉ muốn cho con có một tương lai tươi sáng, nhưng con cứ ham chơi lười học, âu đó cũng là bản tính trời sinh ta chẳng thể cưỡng cầu, nhưng nay con đã lớn tuy chưa khôn nhưng cũng chẳng còn dại khờ không thể cứ mãi lông bông lang bang được. Con gà muốn có cái ăn thì phải đào đất bới rác, con người muốn duy trì sự sống phải nai lưng lao động, nay con muốn làm công việc gì cứ nói, ta sẽ tận tình hậu thuẫn cho con.

Quỷ ngập ngừng một lát, đáp:

– Con muốn đi buôn.

Cha Quỷ khẽ thở dài nói:

– Nghề buôn bán là một nghề không hề đơn giản, thu nhập khá nhưng vận xui cũng nhiều. Thật tâm ta không muốn con nối nghiệp ta.

Dừng một lát, đưa tay vỗ vai Quỷ tiếp:

– Tuy nhiên con đã muốn thì ta cũng không thể ngăn cản. Chỉ có điều con nên vào hỏi mẹ một tiếng. Nếu mẹ đồng ý thì từ mai ta sẽ đưa con đi học buôn.

Quỷ vào phòng ngồi xuống cạnh giường nắm tay mẹ nhẹ nhàng hỏi:

– Thưa mẹ con muốn theo cha đi buôn ý mẹ thế nào, xin cho con được rõ ạ?

Mẹ Quỷ ngước nhìn Quỷ, ánh mắt mơ mơ hồ hồ, miệng muốn nói gì đó nhưng không sao cất nên lời. Bà ta chỉ tay về phía bàn, ra hiệu cho Quỷ đem giấy bút lại, hiểu ý mẹ Quỷ làm theo. Đặt tờ giấy xuống mặt chiếu cố gắng mãi bà ta mới viết xong hai chữ 餓鬼 (ngạ quỷ), rồi im lặng nằm xuống trở lại, Quỷ hỏi thêm gì cũng không trả lời.

Quỷ giấu tiệt tờ giấy vào túi áo, trở ra gặp cha y nói thác rằng mẹ đã đồng ý cho mình theo cha đi buôn.

Cha y hỏi đi hỏi lại năm lần bảy lượt Quỷ vẫn khăng khăng khẳng định mình không nói dối. Cha Quỷ trầm giọng bảo:

– Thôi được, biết đâu là ý trời muốn con nối nghiệp ta.

Từ hôm đó Quỷ theo cha vào nam ra bắc, thi thoảng hai cha con còn sang tận Trung Nguyên. Với việc học hành thì Quỷ vô cùng tối dạ nhưng trong công việc buôn bán thì y lại cực kỳ thông minh, chỉ sau chưa đến mười chuyến theo cha y đã nắm bắt rõ mảng miếng trong nghề, thậm chí y còn xoay chuyển tình thế giỏi hơn cả cha. Cha Quỷ dần dà cũng an tâm.

Mùa đông năm Quỷ bước sang tuổi mười chín, một đêm trăng tròn, giữa khuya tiếng dế khóc nỉ non, gió đùa cợt lá, trong khi cha con Quỷ đang ngồi ngoài vườn bàn chuyện làm ăn, thì tay người ở hốt hoảng chạy ra vừa thở vừa nói:

– Trình ông chủ bà chủ… bà chủ…

Cha Quỷ giận dữ quát:

– Bà chủ thế nào hả, nói mau, ấp úng cái gì?

Tay người ở cố lấy lại bình tĩnh đáp:

– Dạ bà chủ lên cơn co giật, mồm trào máu tươi ạ!

Cha con Quỷ hộc tốc chạy vào. Mẹ Quỷ nằm dưới nền nhà, chân tay co giật liên hồi, hai mắt trợn ngược, máu trào thất khiếu. Quỷ lao lại ôm mẹ khóc như mưa. Cha Quỷ đứng chôn chân tại chỗ. Độ pha xong ấm trà, ông ta ngồi thụp xuống, cầm lấy tay vợ, lúc này đã lạnh như băng. Bất ngờ toàn thân cha Quỷ chẳng rét mà run lên như cầy sấy. Mặt xanh mét như tàu lá chuối. Trên tay mẹ Quỷ nắm chặt một mảnh lụa nhỏ. Cha Quỷ cạy mãi mới lấy được ra. Trên mảnh giấy là hàng chữ được viết bằng máu 報 讎 (báo thù). Nhân lúc Quỷ chưa để ý ông ta nhanh tay giấu vào ngực áo.

Sau khi làm lễ chôn cất mẹ Quỷ, cha Quỷ giam mình trong phòng không tiếp xúc với ai, đến bữa ăn bọn người ở mang đồ tới để ngoài cửa rồi lui, khi nào cha Quỷ thấy đói sẽ tự mở cửa lấy. Tuần thất nhật (bảy ngày) trôi qua, đêm ngày thứ tám cha Quỷ cho gọi y vào phòng riêng nói chuyện.

– Bây giờ ta không thể che giấu con bí mật được nữa. Ba mươi năm đã trôi qua nhưng những gì ta gây ra vẫn còn khiến ta muôn phần day dứt, đó cũng chính là nguyên nhân gây nên căn bệnh kỳ lạ và cái chết thương tâm của mẹ con. Đã đến lúc ta kể cho con nghe mọi việc.

Nãy giờ Quỷ ngồi im lặng chăm chú nghe cha nói. Dứt lời ông ta đứng dậy cầm ngọn đèn tiến lại chiếc tủ kê sát tường, một tay cầm đèn tay còn lại run run mở cửa lấy ra một chiếc hộp nhỏ. Trở lại đặt ngọn đèn lên bàn, cha Quỷ mở hộp lấy ra mảnh vải lụa có hàng chữ viết bằng máu, đưa lại gần ngọn lửa. Ngay lập tức trên vách hiện lên hình ảnh một cô gái thân hình như mai như trúc, dung mạo tuyệt phàm bất thế. Quỷ mải mê theo dõi những hành động của cha đến khi nhìn thấy hình ảnh cô gái y không kiềm lòng nổi thốt lên:

– Tuyệt diệu quá, sao lại có người xinh đẹp dường ấy. Phải chăng đó là mẹ con khi còn trẻ?

Cha Quỷ giọng ngậm ngùi:

– Không phải, đây là người tình thuở trước của ta, nàng vốn là kỹ nữ ở kinh thành. Năm đó ta vừa tròn mười tám tuổi, lần đầu tiên bước vào con đường làm thương nhân. Sau mấy tháng lăn lộn khắp các vùng ta và thành viên trong thương đoàn đến kinh thành vào giữa mùa thu. Khi đó chiều sắp tàn, hoàng hôn buông sắc nắng đìu hiu lên những con đường. Chúng ta đang đi bỗng nghe từ xa xôn xao tiếng người.

Tò mò cả bọn nhằm hướng ấy tiến đến. Trên lầu hai Mộng Nguyệt Lâu một nàng thiếu nữ tầm mười sáu mười bảy đang đứng tựa vào lan can, chiếc áo màu thiên thanh khoác hờ hững để lộ những đường nét tuyệt mỹ của một thân hình đầy khêu gợi, môi nàng khẽ nở nụ cười khiến mọi loài hoa kiều diễm trên thế gian này phải lu mờ, miệng oanh khẽ làm rơi lời vàng ý ngọc, đại thể nàng ta đang ra giá cho những ai muốn được cận kề nàng một đêm, mức giá giao kèo là năm trăm quan bạc trắng. Mới nhìn ta đã ngất ngây trước nhan sắc của mỹ nhân, liền hô toáng lên:

– Vì nàng, ta nguyện bỏ ra sáu trăm quan.

Mọi người quay lại nhìn ta, kẻ ngạc nhiên, người ánh mắt đầy oán hận. Ta mặc. Tâm trí ta lúc đó gửi cả nơi mỹ nhân. Mỹ Nhân nghe ta trả giá như không tin vào tai mình, liền cất giọng oanh hỏi lại:

– Vị công tử mặt đẹp kia vừa trả giá sáu trăm quan có đúng không?

Ta nhìn nàng bằng đôi mắt đắm đuối, đáp:

– Đúng vậy, nếu nàng còn chê ít ta có thể trả thêm.

Nàng đưa tay vuốt lại mấy sợi tóc bị gió thu làm rối, bờ môi anh đào khẽ cười:

– Như vậy đã là quá đủ rồi.

Đoạn nàng dịu dàng nói với những kẻ đang hau háu nhìn nàng bằng ánh mắt thèm khát rằng:

– Vị công tử đây đã thắng, tiện thiếp thành thật xin lỗi các vị, giá như thân này có thể tách thành trăm, nguyện hầu hạ tất cả các vị.

Trong khi ta đang hí hửng vì sắp sửa được gần gũi mỹ nhân, thì bọn người đó vô cùng bực tức, người buông lời nuối tiếc, kẻ sửng cồ chửi rủa không ngừng, nhưng những lời của chúng chỉ như một lũ điên tự nói với nhau mà thôi. Ta gạt đám người đó chạy như bay lên lầu, hai tay ôm chầm lấy người đẹp, rồi cùng nhau bước vào trong.

Đêm đó căn phòng của nàng được ta cho người trang trí rèm ngà lụa gấm đèn nến sáng trưng hoa thơm ngào ngạt. Nàng đàn hát, biểu diễn vũ khúc, cùng ta nâng chén tâm đầu. Chẳng mấy chốc ta say khướt chẳng biết vì rượu hay vì men tình. Nàng dìu ta lại giường. Màn buông. Nến tắt. Nàng đưa ta dạo chơi cõi thiên thai. Ta chìm đắm trong cõi thần tiên diệu cảnh chẳng muốn trở về chốn tục phàm bụi bặm. Kể từ đó ta đâm ra lơ là công việc buôn bán, sớm tới tối chỉ khư khư ở cạnh nàng. Một tuần trăng trôi qua hình bóng nàng mỗi lúc mỗi in đậm trong tâm hồn ta, phần nàng dường như cũng đã vì ta mà rung cảm trái tim. Thế nhưng cuộc vui dù có kéo dài bao lâu cũng đến lúc tàn, mối chân ái dẫu có nồng thắm thiết tha bao nhiêu cũng có khi chia biệt. Sáng hôm ấy một gã trong thương đoàn đến báo cho ta biết thương đoàn sẽ sang tận Bắc Kinh buôn bán vải lụa, đó là phi vụ làm ăn rất lớn nếu ai bỏ lỡ sau này sẽ vô cùng hối hận. Ta đành phải bịn rịn chia tay nàng. Nàng cầm tay ta nước mắt ngắn dài. Ta cũng thề thốt với nàng đủ điều rồi hẹn sẽ quay lại vào mùa thu năm sau.

Trong những ngày nán lại kinh thành thi thoảng ta cũng rời lầu xanh đi chơi phố phường và bắt gặp rồi kết thân với một gã du thủ du thực tên là Trần Khúc, một kẻ vừa ma mãnh cáo già lại võ nghệ đầy mình.

Sau chuyến đi Bắc Kinh về, ngày đêm ta vẫn đau đáu nhớ đến người con gái ở lầu xanh ấy. Thế rồi một hôm ta đang ngồi trong thư phòng thì tay người ở xồng xộc chạy vào báo có người gửi thư cho ta. Ta ngạc nhiên mở ra, đó là thư của Trần Khúc.

Thì ra sau những ngày ân ái mặn nồng nàng kỹ nữ kia đã mang trong mình giọt máu của ta. Bấy giờ tuổi trẻ bồng bột, nghe tin vui mà ngỡ bản án của Diêm Vương, ta tìm mọi cách trốn tránh trách nhiệm. Ta biên thư tức tốc sai người đưa đến cho tay Trần Khúc. Đại khái trong thư ta dặn hắn rằng, bằng mọi cách hãy bắt cóc nàng kỹ nữ đem đến một nơi xa lạ thuê cho nàng một căn nhà, mướn cả người ăn kẻ ở nữa để nàng có nơi tá tuc cho đến khi mẹ tròn con vuông, sau đó trao cho nàng một khoản tiền lớn để nàng lấy đó mà nuôi con khôn lớn. Ta còn cẩn thận dặn gã làm xong mọi việc thì hãy trốn đến một nơi chẳng ai hay biết và bỏ cái nghề thất đức kia đi mà sống một cuộc đời trong sạch.

Nói đến đây cha Quỷ dừng lại. Khuôn mặt đượm vẻ trầm tư. Bưng chén trà nhấp một ngụm như lấy lại sự bình tĩnh cho tâm hồn. Bên ngoài từng giọt trăng như máu rỏ lên tàng cây, tiếng chim ru con nghe não nề thê thảm

– Về sau như thế nào hả cha?

Quỷ lên tiếng phá tan sự tĩnh lặng. Cha gã choàng tỉnh. Kể tiếp:

– À…ừ… Mấy hôm sau trong kinh thành nghe tin nàng kỹ nữ bỗng dưng mất tích, những ả đàn bà thì mừng ra mặt vì không còn phải chịu cảnh vò võ đợi chồng hằng đêm, những tay chơi hoa thì đau đớn như đứt từng khúc ruột. Phủ doãn bấy giờ biết tin liền phái người điều tra, sau nửa tháng lùng sục khắp kinh thành không từ gốc cây ngọn cỏ, cuối cùng chẳng tìm thấy manh mối gì, vụ án đành gác lại.

Cha Quỷ nói đến đó lại ngừng lại, chừng như nhớ lại những chuyện xưa khiến ông ta vô cùng xúc động. Toàn thân run lên chén trà bưng trên tay cũng sóng sánh trắc ra cả ngoài. Đoạn ông ta đưa ánh mắt u uất nhìn vào cõi xa xăm nghẹn ngào tiếp:

– Có điều ta không ngờ rằng, gã Trần Khúc kia không hề làm theo chủ ý của ta, với bản chất là một kẻ khốn nạn lòng lang dạ chó, hắn đã chiếm đoạt toàn bộ số ngân lượng mà ta gửi cho người đàn bà của ta. Rồi trong đêm hắn âm thầm lẻn vào phòng nàng ấy dùng chiếc khăn lụa tẩm mê dược khống chế nàng, lúc bấy giờ nàng đang ngủ nên hắn ra tay rất dễ dàng. Lợi dụng canh khuya thanh vắng hắn bế nàng ra khỏi phòng, lúc đó hắn đã thuê người chuẩn bị sẵn xe ngựa phía dưới, với sức vóc vạm vỡ cộng với thân thủ thuộc loại khá, hắn chỉ cần nhón người một phát đã an toàn nhảy xuống xe ngựa. Hắn giục xà ích cho xe chạy nhanh khỏi kinh thành tìm đến một chốn hoang vắng, đầu tiên hắn thủ tiêu gã xà ích, sau đó nhân lúc nàng đang chìm trong hôn mê hắn đã hãm hiếp nàng cho đến chết rồi đào đất vùi xác.

Mãi sau này nàng hiện hồn về báo mộng, ta mới biết nơi nàng bị tay khốn kiếp ấy chôn vùi là núi Câu Lâu[*]. Ta vô cùng ân hận, thuê người tìm đến đào hài cốt nàng đem lên một nơi khô ráo sạch sẽ an táng và xây một ngôi mộ thật tươm tất. Thế nhưng niềm oán hận của nàng đối với ta không hề nguôi ngoai. Cho đến tận khi ta lấy vợ sinh con đêm đêm nàng vẫn tìm về hiện ra trong giấc mơ của ta mà mà nguyền rủa.

Cha Quỷ lại ngồi im lặng, ngọn đèn cầy trên bàn leo lắt, bên ngoài gió rít từng cơn như tiếng than khóc của oan hồn không chốn đi về. Quỷ ngồi nhìn cha lòng dồn lên bao ý nghĩ mâu thuẫn, vừa cảm thấy thương lại vừa cảm thấy ghê tởm, y không ngờ cha mình từng có một quá khứ xấu xa như thế.

Như một kẻ vô thức cha Quỷ lại chậm rãi kể:

– Năm sau vào mùa thu ta nghe thiên hạ đồn tại bến sông Dinh tận miền trong người ta phát hiện ra xác một người đàn ông tầm hơn bốn mươi, hình như là dân Bắc bị giết hại một cách dã man. Khi lôi xác kẻ xấu số lên người ta thấy trên miệng hắn ngậm một đóa hoa hải đường. Tuy không tận mắt chứng kiến nhưng ta dám khẳng định đó chính là tay du thủ du thực Trần Khúc năm nào. Khi còn sống người kỹ nữ ấy rất thích chơi hoa hải đường, tên nàng là Kiều Thúy nhưng thiên hạ thường gọi nàng là Tiên Nữ Hải Đường. Bấy giờ ta nghĩ rằng, mọi việc tàn ác mà con người chúng ta gây ra cho kẻ khác trước sau gì cũng bị quả báo, ta lo sợ oan hồn nàng kỹ nữ ấy sẽ tìm đến làm hại vợ con ta, cho nên ngày đêm ta lập đàn cầu xin trời phật cho oan hồn của nàng kỹ nữ ấy sớm siêu thoát.

Không biết có phải lời khẩn cầu của ta ứng nghiệm hay không mà từ đó oan hồn nàng ấy đã hoàn toàn biến khỏi giấc mơ của ta. Mọi chuyện dần mờ phai theo năm tháng. Trải qua những ngày sống trong cảnh đầm ấm cùng mẹ con, tâm hồn ta đã nguôi ngoai ký ức. Thế nhưng ta đâu ngờ linh hồn chất đầy oán khí của nàng kỹ nữ ấy vẫn không thể nào tiêu tán, đúng cái đêm con sinh ra, mẹ con đã nhìn thấy hồn ma của nàng hiện về ngoài song cửa sổ, dưới ánh trăng khuôn mặt đầy sự căm thù của nàng đã gieo rắc vào tâm trí mẹ con nỗi sợ hãi khôn cùng, trở thành sự ám ảnh dai dẳng khiến bà ấy trở nên thất hồn lạc vía. Thế nhưng có lẽ vì không muốn ta kinh sợ mẹ con đã giấu sự việc ấy.

Cho đến một đêm nọ trong giấc ngủ chập chờn ta bỗng nghe có tiếng than khóc vẳng ra từ buồng mẹ con, khi ta chạy qua thì…

Nói đến đây cha Quỷ lại nghẹn giọng, khuôn mặt ông ta hiện rõ nét sợ hãi tột cùng. Đặt tay lên ngực như dồn nén cơn xúc động ông gắng gượng nói tiếp:

– Ta thấy nàng kỹ nữ ấy đang ngồi trên giường, ôm con vào lòng, mẹ con ngồi sát tận vách buồng, mặt cắt không ra máu, hai tay chắp vào nhau vừa khóc vừa cầu xin nàng ấy buông tha con. Ta hãi quá thốt lên một tiếng kinh hoàng rồi ngất đi. Từ đó mẹ con càng trở nên suy nhược tâm trí. Ta cũng chẳng dám đem câu chuyện đó kể với bất kỳ ai. Mười mấy năm nay trong gia đình chúng ta không có chuyện nghiêm trọng gì xảy ra ngoại trừ chuyện mẹ con trở nên như người câm điếc. Ta những tưởng sau khi khiến mẹ con trở thành người sống dở chết dở như thế nàng kỹ nữ ấy đã bỏ qua cho gia đình chúng ta, vậy mà giờ đây nàng ấy còn trở lại để báo thù. Cái tên của con là do chính mẹ con bảo ta đặt, bà ấy tin rằng đặt tên con là Quỷ thì con sẽ thoát khỏi sự báo oán của nàng kỹ nữ ấy.

Ngọn đèn càng tàn, hình ảnh nàng mỹ nhân trên vách càng mờ, cuối cùng khi ngọn đèn sắp tắt hẳn thì hình ảnh ấy cũng biến mất. Quỷ vội vàng châm ngọn đèn khác. Hình ảnh nàng mỹ nhân đã hoàn toàn tan biến. Căn phòng chìm trong im lặng.

Thật lâu, Quỷ mới dám lên tiếng hỏi cha:

– Vậy tấm lụa này có lai lịch thế nào ạ?

Cha Quỷ nén tiếng thở dài đáp:

– Dạo ấy khi còn mặn nồng men ân ái, ta đã thuê một gã danh họa nổi danh chốn kinh thành dùng một loại mực đặc biệt vẽ người ta yêu thương lên tấm lụa, lúc chia tay ta đã mang theo để luôn cảm nhận được hơi ấm của nàng bên cạnh.

Cha Quỷ run run gấp mảnh khăn đặt vào chiếc hộp, đoạn trao cho Quỷ, dặn dò:

– Đã rất nhiều lần ta định hỏa thiêu bức chân dung vẽ trên lụa này để mọi thứ về nàng không còn liên quan đến ta, nhưng lòng ta thật sự không nỡ. Từ nay con hãy giữ gìn giùm ta.

Quỷ đưa tay đón nhận. Cha gã tiếp:

– Ta cầu xin con một việc, sau này con hãy tìm đến núi Câu Lâu thay mặt ta bốc mộ nàng kỹ nữ ấy, nếu xương cốt chưa tàn bởi sự phũ phàng của năm tháng thì con hãy đem gửi lên nhà chùa hay am tự nào đó, để tiếng kinh màu nhiệm giải thoát cho oan hồn nàng ấy. Ta cũng cầu xin con thêm điều này, hãy thờ phụng nàng như chính mẹ của con.

– Được, con nghe lời cha.

Quỷ gật đầu dứt khoát. Cha Quỷ cầm tay y nở nụ cười hài lòng:

– Ta cảm ơn con, bây giờ con trở về phòng con đi, ta muốn được yên tĩnh.

Quỷ đứng dậy chào cha, bước ra. Bên ngoài, đêm đã về khuya, sương buông dày, dế đã ngừng ru gió cũng đã ngừng than khóc. Dưới ánh trăng ngàn ngọn cỏ âm thầm trò chuyện cùng những oan hồn.

***

Sau khi thuật lại thiên tình ái thời trẻ cho Quỷ biết, đêm đó cha Quỷ lấy mảnh lụa trắng buộc lên xà nhà treo cổ tự ải. Sáng sớm phát hiện ra, xác đã cứng lạnh. Có một điều khiến toàn thể kẻ ăn người ở cũng như Quỷ rất đỗi kinh sợ là, quả tim của cha y đã bị ai đó móc mất, kỳ quái hơn nữa, ngay chỗ quả tim bị lấy đi vết thương không hề để lại máu, thịt chỗ ấy biến thành màu đen như than.

Hai năm sau kể từ khi Quỷ nối nghiệp buôn bán của cha, với tài năng và sự nhạy bén, Quỷ đã trở thành một thương nhân nổi danh khắp nước, đồng thời y cũng xây dựng nên một cơ ngơi khang trang gấp nhiều lần so với thời cha y còn sống.

Giữ lời hứa với cha Quỷ tìm đến núi Câu Lâu thuê người bốc mộ nàng kỹ nữ ấy.

Hơn ba mươi năm trôi qua, sương dập gió vùi, những tưởng người đẹp năm nào chỉ còn là nhúm xương tàn hóa đất đen khiến cỏ cây phải ngậm ngùi rơi lệ, đâu ngờ khi mở nắp quan tài ra, từ Quỷ cho đến bọn bốc mộ thuê đều đứng ngẩn người, hiện ra trước mặt cả bọn là một người phụ nữ nhan sắc thiên kiều bá mị, dường như nàng ta đang ngủ, khóe môi thoáng nét cười mê hồn. Nhưng chỉ lát sau hình ảnh kia biến mất, thay vào đó là cả một quan tài đầy máu tươi. Đám đào mộ thuê hoảng hồn kinh vía cắm đầu lao xuống núi một mạch, bỏ lại mình Quỷ chân đập tay run giữa bao la màn đêm rùng rợn.

Quỷ lấy hết can đảm cầm đuốc soi xuống mộ huyệt, thì thấy bấy nhiêu máu tươi đã biến đi đâu hết chỉ còn lại một bộ xương đen ngòm như than đá, hẳn vì tích tụ oán khí nên mới có màu như vậy.

Quỷ đốt xương thành tro cốt rồi gửi lên chùa.

Trở về nhà, Quỷ lập bàn thờ nàng kỹ nữ cạnh bàn thờ của mẹ y, từ đó lấy ngày mười lăm tháng tám hằng năm làm ngày giỗ của nàng.

Công việc làm ăn của Quỷ càng ngày càng phát đạt khiến Quỷ tin rằng mọi chuyện đã mờ phai theo cát bụi thời gian và oan hồn nàng kỹ nữ ấy đã có nơi chốn đi về.

Thế nhưng ở nơi trước kia từng an táng nàng kỹ nữ ấy, đêm đêm người dân vẫn thường nghe thấy tiếng than khóc và tiếng hát tái tê vẳng xuống từ đỉnh núi. Dân quanh vùng họp bàn nhau lập miếu thờ, từ đó hễ ai đến thắp nhang cầu xin đều ứng nghiệm. Ngôi đền ấy tồn tại đến thời vua Lê Chiêu Thống thì bị quân Thanh tàn phá, lấy kèo cột làm cầu phao vượt qua sông Hồng trong trận đánh lịch sử năm 1789 vua Quang Trung đại phá 29 vạn quân Thanh.

Hai năm sau, Quỷ đổi tên thành Nguyễn Hữu Tồn. Sau đó bán nhà, đem tiền phân phát cho gia nhân mỗi người một khoản hậu hĩnh rồi bảo họ hãy về quê hoặc đi tìm việc làm nơi khác, sau đó chuyển đến kinh thành tậu đất xây dinh cơ mới. Về sau Hữu Tồn lấy vợ, sinh được hai trai một gái. Hằng tháng vợ chồng y vẫn lên chùa dâng hương làm lễ. Mỗi dịp cuối năm y đều phát gạo và tiền cứu trợ dân chúng. Tiếng đồn về tấm lòng bồ tát của y lan khắp kinh thành.

Một đêm mùa đông, trong lúc ngồi bày cho con viết chữ, Hữu Tồn vô tình nhìn lên vách bỗng thấy có cái bóng gì đó lờ mờ, nhìn kỹ y giật nảy mình. Là bóng một người đàn bà, chính là nàng kỹ nữ ấy. Sau giây phút bàng hoàng, Hữu Tồn sực nhớ ra mình vẫn còn giữ mảnh lụa có hàng chữ máu. Y lục tìm mãi mới thấy mảnh lụa, nó nằm lẫn với các món đồ trong chiếc tủ gỗ gia truyền gã mang theo từ Hà Nam lên kinh.

“Hẳn vì cái này mà linh hồn bà ấy còn đeo đẳng mãi gia đình ta chăng?”.

Nghĩ vậy, Hữu Tồn đem mảnh lụa trắng đến trước bàn thờ nàng kỹ nữ châm lửa đốt, khấn thầm:

– Ta đã nghe theo lời cha ta thờ phụng bà như mẹ, vậy thì xin linh hồn bà hãy siêu thoát và tha thứ cho gia đình chúng ta được sống yên ổn. Nếu còn gì chưa hả dạ, xin hãy giáng xuống đầu ta đừng làm tổn hại đến vợ con ta.

Hữu Tồn vừa khấn dứt lời, ngoài trời bỗng nổi cơn dông tố, gió thốc tung cánh cửa gian thờ, khiến những bức màn trướng run rẩy như lá vàng trong bão. Lát sau gió ngừng, Hữu Tồn hoàn hồn nhìn xuống, mảnh lụa đã cháy hết, chiếc chậu thau đồng ngập đầy một chậu máu.

Hữu Tồn hét lên một tiếng đầy kinh hãi rồi ngã vật ra. Từ đó trở thành người thực vật.

………………………………….

[*] Câu Lâu là núi chùa Tây Phương tên cổ gọi là núi Ngưu Lĩnh. Theo truyền thuyết phong thủy: Thềm núi Ba Vì về phía Nam có dãy núi đất chạy xuống huyện Quốc Oai tựa như đàn trâu, có một quả núi như quay lại đón nước sông Tích phát nguyên từ các dòng suối rừng Ba Vì chảy xuống, quả núi đó được gọi là Ngưu Lĩnh Sơn (núi Con Trâu).

Comments are closed.