Người con rể của ông Tư Sâm

Võ Ngàn Sông

Từ giữa những năm 1980 rời bỏ Sài Gòn “đi chỗ khác chơi”, nhà văn Trang Thế Hy (Tư Sâm) lui về sống miết trong căn nhà giữa vườn dừa khá rộng ở quê nhà, xã Hữu Định, trên đường từ Rạch Miễu vào thành phố Bến Tre. Căn nhà nhỏ, tường gạch mái tôn trên bờ con kinh nhỏ, rợp mát dưới tán vườn dừa êm ả. Ông sống với vợ và cô con gái bị bệnh tâm thần nhưng không nặng lắm; còn Lê, con trai lớn của ông thì sống với vợ con tại thị xã, thường xuyên đi về thăm nom nhà cha mẹ.

Con gái ông có chồng trùng tên Hy, một anh trung niên đen đúa, dáng người thấp đậm, gương mặt chơn chất hiền lành. Anh đi làm đâu đó, gần nhà. Đôi lúc thấy anh lui cui làm lụng trong vườn. Cô vợ anh, mỗi khi tâm tánh bất thường lại bỏ nhà đi đâu đó, anh đạp xe đi tìm, có khi hai ba ngày sau mới gặp, chở về. Thường ngày cô vẫn mặc đồ bộ hoa hòe sặc sỡ, gương mặt tô vẽ chút son phấn trông lơ ngơ. Những khi tỉnh táo, cô rất dễ thương. Như lần nọ, cô hào hứng mang ra khoe với tôi cái hộp gỗ khá lớn, trang trí nhiều hình vẽ đẹp; té ra đó là cái hộp đựng cá salmon hun khói Alaska mà tôi tặng cha cô ba bốn năm trước. Vợ chồng cô sống trong căn nhà lá nhỏ, cũng là nhà bếp, sát phía sau căn nhà chính; từ căn bếp này thường vẳng lên tiếng hát không đầu đuôi của cô, và tiếng radio đổi đài liên tục. Họ không có đứa con nhỏ nào. Ngày ngày cô lo chuyện bếp núc, quét dọn, vừa làm vừa ca hát nghêu ngao.

Trong khu vườn có ngôi mộ của vợ ông Tư, qua đời mấy năm sau khi ông về đây; và núm mộ nhỏ của người con nhỏ chết trẻ. Từ lúc lui về sống ở đây tới lúc qua đời, suốt ba muơi năm, ông rất ít khi rời nhà, đi chơi xa. Hằng ngày ông nằm võng, đọc sách, nghe nhạc…, đi loanh quanh trong xóm có nhiều họ hàng của ông. Ông cũng có viết thêm một số truyện ngắn; và một số truyện, thơ ông viết trước đây được thân hữu gom lại, xuất bản được một số đầu sách. Tuy ông sống như một ẩn sĩ, nhưng do mến mộ văn tài và cung cách xử sự ở đời của “người hiền của văn chương Nam Bộ” (chữ của Nguyên Ngọc), rất nhiều người bạn, người quen trong giới văn nghệ, báo chí thuộc nhiều lớp tuổi, từ nhiều nơi trong nước, ngoài nước thường đến thăm hay chỉ trà rượu chuyện trò. Những dịp như vậy, cái căn chái nhỏ bên nhà chính râm ran, oà vỡ tiếng cười nói bên mâm cơm, tiệc rượu đơn sơ nhưng tràn đầy thân mật nghĩa tình. Giữa tiệc, nghe tiếng gọi Thi ơi, Thi à thật dịu dàng của cha thì cô xăng xái tới lui, nấu nướng, bưng bê, không nói chỉ cười cười hoặc hát lơ ngơ. Trông cô thật vui như trẻ thơ với bộ đồ bông hoa đủ màu lói chói. Đôi lúc chồng cô cũng về phụ với cô. Anh cũng chỉ cười cười hiền hậu bên cô vợ. Không có dịp trò chuyện, tôi chỉ nhìn thấy anh cư xử với vợ một cách ân cần và mộc mạc như với một cô em gái tật nguyền đáng thương.

Trong số nhiều người hay nhóm bạn đến thăm, chơi với ông Tư Sâm, có một bộ ba là nhà thơ Chim Trắng (Hồ Văn Ba), Nguyễn Trọng Chức và tôi (cùng làm báo Tuổi Trẻ). Hễ có dịp là bọn tôi gọi nhau cùng đi, năm nào cũng đôi ba lần. Sau đó, mỗi lần tôi ở Mỹ về cũng đều như vậy. Chim Trắng với Tư Sâm là hai người bạn chí thân, cùng quê, cùng từng ở chiến khu trước kia. Còn Chức và tôi thì thân quen sau này, khi ông Tư còn ở Sài Gòn. Khó mà kể hết tình thân mà ông Tư dành cho ba anh em chúng tôi. Nhưng chuyện nhỏ sau đây có lẽ đủ nói lên mối thân tình này.

Hôm đó, trước khi vô nhà ông, cả ba chúng tôi ngồi uống nước ở cái quán nhỏ ngay đầu con đường đất gần nhà. Chẳng biết do ai báo, ông cưỡi xe đạp ra, cười móm mém thật vui, sà ngay vào bàn chúng tôi. Và hớn hở đưa bàn tay gầy guộc chỉ lên người, khoe liền: “Trên người tôi đây có đeo dính cả ba ông. Cái nón nỉ này là của Sáu Điểm đem từ Mỹ về, cái áo sơmi xanh đây là của Chức cho, còn cái bình rượu inox bỏ túi này là của Ba Chim tặng”. Cả bốn người cười rộ, nhưng tôi nghĩ trong lòng ai cũng ngợp ngụa cái tình thương mến nhau.

Chim Trắng mất năm 2010. Nghe báo tin qua điện thoại, Tư Sâm khóc gần như ngất đi. Tết năm 2012, tôi từ Mỹ về quê chịu tang Má tôi. Rồi một mình đi thăm ông. Tới hàng rào nhà, tôi lên tiếng gọi. Ông từ trong nhà bước ào ra suýt va vô rào, đưa hai bàn tay gầy guộc qua rào nắm lấy tay tôi thật chặt, nói nghèn nghẹn: “Ôi, tôi thèm tôi nhớ mấy bạn quá, Sáu Điểm ôi!”.

Năm 2015 về Sài Gòn, tôi lại rủ Chức và vợ chồng Kim Hạnh – Kiến Phước đi thăm ông. Tôi vô nhà trước, thấy vắng, đi ra sau bếp thấy ông ngồi cú rũ bên hè, thân thể ốm còm, quắt queo như cây kiểng già (chữ của chính ông), ông ngước nhìn tôi, đôi mắt đục mờ mà ánh lên nét vui.

Đó là lần cuối cùng tôi được ngồi bên ông. Hơn nửa năm sau, tôi được tin ông từ trần.

Năm 2018, Chức và tôi xuống Bến Tre thăm mộ, thắp hương cho ông. Căn nhà ông nay vắng lặng, gió trong vườn dừa vẫn nhè nhẹ mà sao nghe lạnh lẽo quá chừng. Hy, con rể của ông, nay trông có vẻ già hơn nhiều. Hỏi thăm lan man chuyện nhà sau khi cha vợ anh qua đời; anh cho biết ông mất do cơn đột biến của căn bịnh nghẽn phổi (COPD) mắc từ lâu. Sau tang lễ anh bàn giao hết tất cả giấy tờ tiền bạc của gia đình vợ cho người con trai của cha vợ và xin được suốt đời ở vậy trong căn nhà để lo hương khói giỗ quải, chăm sóc nhà cửa, mộ phần, vườn tược, chỉ xin nhận phần huê lợi đủ sống thôi. Nhìn quanh quất không thấy vợ anh đâu, cũng không nghe tiếng động, tiếng hát nào từ gian bếp, tôi hỏi. “Vợ em chết queo rồi anh, sáu tháng rồi!”. Tôi chợt cảm thấy bị va đập mạnh bởi hai tiếng “chết queo” kỳ cục của anh, nhưng lại lập tức cảm nhận được tình yêu và nỗi tiếc thương vô tận của anh dành cho người vợ bạc phước, đột ngột lìa đời bỏ lại anh một thân một mình. Tôi nhìn anh và bất giác quay đi, mông lung ngó ra vườn dừa tối mù: tôi vừa thoáng thấy trên gương mặt im lìm cam chịu như đá tạc ấy cái ánh mắt u trầm cả đời của Tư Sâm! Hai tiếng “chết queo” này đeo đuổi tôi tới tận giờ.

Nó không còn là hai tiếng rất tầm thường như tôi từng hiểu. Bởi khi nó được nói lên từ một nỗi đau lớn, từ một trái tim chơn chất thương yêu như người chồng này thì ý nghĩa chất chứa trong nó sâu rộng, vỡ bùng hơn bất cứ tiếng nào khác!

Trong góc vườn nhà, phần mộ Võ Trọng Cảnh (Trang Thế Hy) nằm cạnh mộ vợ ông. Kế đó là mộ Võ Phạm Ái Thi, người vợ yêu dấu của người chồng tội nghiệp này!

(San Diego, tháng 12-2021.Nhân ngày giỗ thứ sáu của Trang Thế Hy)

Có thể là hình ảnh về 3 người, mọi người đang ngồi và trong nhà

Từ trái sang: Con rể ông Tư Sâm, Võ Ngàn Sông, Nguyễn Khoa Chiến

Có thể là tác phẩm nghệ thuật về 1 người và trong nhà

Nhà văn Trang Thế Hy với tranh chân dung ông của HS Nguyễn Trung

Có thể là hình ảnh về 1 người và trong nhà

Nhà văn Trang Thế Hy (tháng 3-2009 – ảnh: Nguyễn Trọng Chức)

Có thể là hình ảnh về 2 người và trong nhà

Hai nhà văn Trang Thế Hy và Nguyên Ngọc (tháng 3-2009 – ảnh: Nguyễn Trọng Chức)

Có thể là hình ảnh về 1 người và đang ngồi

Nón nỉ của Võ Ngàn Sông, bình rượu inox của Chim Trắng, áo sơmi xanh của Nguyễn Trọng Chức

Có thể là hình ảnh về 4 người, mọi người đang đứng, ngoài trời và cây

Từ trái sang: Võ Ngàn Sông, Trang Thế Hy, Nguyễn Trọng Chức, Chim Trắng

Có thể là hình ảnh về 3 người và mọi người đang ngồi

Từ trái sang: Võ Ngàn Sông, Trang Thế Hy, Nguyễn Trọng Chức, Trần Hạnh (lúc làm Trưởng ban Việt ngữ BBC, đã qua đời), Chim Trắng

Comments are closed.