NGƯỜI ĐÙA GIỠN VỚI NAM TÀO!

Họa sĩ Võ Anh Thơ

(Nhân dịp anh Nguyễn Trọng Huấn 80 tuổi)

Nhìn tấm ảnh KTS Nguyễn Trọng Huấn, ngồi cười thật tươi bên bia mộ của chính mình, nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Trong chuyến về Huế thăm lại cố hương, anh đã ghé thăm khu mộ phần của mình. Người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, nói cười sang sảng. Anh đi vòng quanh khu mộ ngắm 12 cây đại đã nở hoa, cạnh mộ là hai bụi trúc, cách vài đoạn là bốn cây sa kê. Mấy người bạn thân của anh ngồi chơi bên mộ cười nói rôm rả. Anh Huấn bảo đây là nhà của anh, sau này anh sẽ chuyển hộ khẩu chính thức về. Trên mộ có bộ ấm trà để bạn bè ngồi chơi nhâm nhi. Anh trèo lên tường xây xung quanh mộ chụp ảnh toàn cảnh, rồi ngồi bên bia mộ của chính mình làm thêm mấy pô nữa với nụ cười mãn nguyện. Điện thoại mấy người bạn văn nghệ sĩ ở Huế réo gọi: “Ông Huấn ơi nghe nói ông khánh thành mộ của ông, một lát nữa chúng tôi ra mộ chơi với ông nhé”.

– Ô! Bác Huấn vẫn phong độ quá nhỉ, bác không già đi mấy!

– Tớ đã già sẵn từ hồi trẻ rồi.

Nhìn anh vui vẻ, tay vung vít, chân đi phăng phăng ít ai biết anh đã từng trải qua một thời gian bị tai biến mạch máu não. Phải ngồi xe lăn và không nói được.

Lần ấy ở trên đỉnh Bạch Mã, một thắng cảnh rất đẹp của Huế suýt bị công trường xây dựng phá vỡ cảnh quan. Là người con xứ Huế rất yêu thiên nhiên và chuộng cái đẹp, Nguyễn Trọng Huấn là tác giả công trình Quy hoạch công viên hai bờ sông Hương. Từng làm Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc và Đời sống, anh Huấn viết nhiều bài đăng trên báo. Trước sự kiện Bạch Mã có nguy cơ bị xâm hại, anh bức xúc ngồi cả ngày để viết bài. Anh nói với tôi: “Sáng mai anh sẽ gửi đăng bài này cho báo Tuổi trẻ”. Mãi tận khuya anh mới viết xong. Anh xách chai rượu và đột nhiên tôi nghe choang một cái. Tôi nghĩ chuyện uống rượu bị rơi ly là chuyện thường. Nhưng không ngờ, sáng hôm sau thấy anh tỉnh dậy, bước đi loạng choạng, miệng hơi bị méo, lưỡi đớ nói nghe không hiểu gì cả.

Hoảng hồn, tôi vội đưa anh đi cấp cứu. Bác sĩ cho biết anh bị tai biến tắc mạch máu vùng ngôn ngữ, anh không đứng được nữa phải ngồi xe lăn, mất tiếng. Lúc anh Huấn nhập viện cũng chính là lúc anh được vinh danh ở Huế. Thành phố Huế tổ chức lễ vinh danh các văn nghệ sĩ có công đóng góp cho xứ thần kinh kể từ năm 1975, KTS Nguyễn Trọng Huấn là một trong chín người đó. Từ hôm ấy tôi tạm nghỉ việc, dành toàn bộ thời gian để chăm sóc anh.

Tôi kém anh Huấn đến hai mươi lăm tuổi. Thời trai trẻ anh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, anh tốt nghiệp Đại học Kiến trúc ra đi làm việc thì tôi mới chào đời. Hồi chúng tôi đến với nhau, bạn bè đến nhà chơi, anh giới thiệu: “Đây là Võ sĩ họa Anh Thơ, vừa là vợ, vừa là con, vừa là bạn nhậu của tôi. Tóm lại em là thằng con zai nhớn trong nhà, việc gì nặng em thích thì em cứ làm hết đi”.

Thường vào buổi sáng tôi cùng uống trà với anh. Mỗi bữa cơm anh vẫn mời tôi vài ly rượu. Anh tới đâu thì em tới đó, có lúc đêm khuya không ngủ được, anh lại lôi rượu ra rót mời tôi uống. Có lần sáng sớm anh vừa hoàn thành một bài viết, trước khi gửi đăng báo, anh rót rượu mời tôi cùng uống và đọc cho tôi nghe.

Một lần, anh Huấn mời tôi uống rượu vào buổi sáng. Tôi thấy trịnh trọng hơi khác thường. Quả nhiên vừa nâng ly, anh liền bảo: “Anh năm nay 79 tuổi, bằng tuổi Cụ Hồ. Em làm trước cho anh một cái mộ ở Huế. Kiểu đơn giản thôi, làm chung trong khu mộ ông, bà, ba, mẹ mà cầu kỳ thì chướng lắm!”.

Anh dặn trên bia đừng để tiểu sử làm gì. Một tấm ảnh chân dung do em chụp, có tên Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn, dưới tên có năm sinh, năm mất là đủ. Anh viết chữ Nguyễn Trọng Huấn uốn lượn rất điệu trên tờ giấy trắng, phía dưới ghi năm sinh và năm mất (1935 – 2013).

Tôi ngạc nhiên: “Ơ… ơ, sao lại 1935 – 2013”. Anh Huấn bảo: phải xếp hàng từ từ chưa đến lượt, bên ấy không cho anh chen ngang đâu.

Tôi lặng buồn và đêm khuya âm thầm vẽ mộ cho chồng, đó là lần đầu tiên cũng là duy nhất tôi làm việc chiều theo ý nguyện của anh. Phần vẽ đã xong gắn ảnh và tên lên bia đá, tôi cảm thấy lạnh rợn người, đưa toàn bộ phối cảnh phần mộ vào không gian ba chiều có cây hoa xung quanh. Chữ Nguyễn Trọng Huấn do chính tay anh viết, tôi phóng lớn đặt nét khắc màu đen lên tấm bia đá trắng có vân xám nhẹ. Sáng sớm hôm sau, tôi mở máy vi tính cho anh Huấn xem, anh gật gù: “Ừ, em vẽ mộ anh được đấy. Duyệt!”. Ngôi mộ được khởi công xây dựng ở Thiên An, Huế và hoàn thành vào tháng 9-2012.

Riêng viết chữ Nguyễn Trọng Huấn tưởng chừng chỉ viết trong vài giây xong. Nhưng chữ ấy một người bị tai biến phải qua chặng thời gian hai năm tập luyện mới viết được, viết rất nhiều chữ ấy, viết đi viết lại để cuối cùng hai vợ chồng trải hết những tờ giấy có viết tên ra sàn nhà, chọn lấy một tờ có chữ đẹp nhất.

Nhớ lại ngày anh bị tai biến, mới đầu tôi tập bẻ tay, chân cho anh, mấy hôm sau anh đòi đi tập vật lý trị liệu. Anh ngồi trên xe lăn, tôi đẩy anh hát, lúc ấy giọng nói của anh bị lạc sang ngôn ngữ khác. Anh hát không thành lời, nhưng miệng cứ ư…ử rất đúng theo điệu nhạc của Trịnh Công Sơn, Văn Cao. Tôi đẩy xe lăn từ vườn hoa, vào thang máy anh vẫn hát. Anh say sưa với Thiên Thai, không gian chật hẹp trong thang máy dường như đỡ ngột ngạt hơn. Mọi người tròn mắt nhìn anh, ai đó buột miệng: “Ông bệnh nhân này vui tính nhỉ!”.

Đến phòng vật lý trị liệu, phòng tập dụng cụ tập tay kéo bánh xe, đạp chân, hai tay bám vào xà gỗ tập đi, dụng cụ chèo thuyền tập tay và chân, bước lên bậc thang, cầm đồ vật đặt trúng vào lỗ… từ các dung cụ đơn giản đến phức tạp, từ tập nhẹ dần dần chuyển sang tập nặng. Mỗi ngày sáng và chiều tôi đẩy xe lăn đưa anh đi tập với tinh thần rất hào hứng. Trong lúc anh vừa tập vừa hát, khiến cho bệnh nhân vui lây hát theo, một người rồi hai người, cả phòng tập dụng cụ bệnh nhân cùng hát quên đi nỗi mệt mỏi., những giọt mồ hôi đổ ướt áo anh vẫn hăng say tập.

Chiều tối anh thường ngồi bên cửa sổ. “Mưa vẫn mưa bay trên tầng thác đổ…”. Đang hát liếc nhìn thấy hộp bánh bằng bìa, trong phút chốc hộp bánh được anh sáng kiến biến thành cái loa, từ hôm có cái loa cứ chiều tối anh úp mặt vào cái hộp bánh, hát say sưa, cứ ư…ử… nhạc Trịnh Công Sơn và Văn Cao, hay phết.

Trước giờ ngủ, tôi đưa anh ra hành lang tập đi từng bước bằng khung sắt có bánh xe dưới chân, tập luyện chân tay và luyện cho anh nói những câu đơn giản: con gà, con vịt… Dần dà anh bỏ khung sắt, tập đi bằng gậy có ba chấu, mỗi ngày bước chân anh tăng nhiều hơn, nhanh hơn.

Khi anh đi ngủ, tôi tranh thủ làm công việc thiết kế của mình, dù bận việc gia đình nhưng trong công việc phải bảo đảm hoàn thành và giữ chữ tín.

Buổi sáng bác sĩ khám bệnh hỏi: “Bác Huấn hôm nay thấy sức khỏe thế nào?” – “Tôi bị câm không nói được”.

Cứ sáng nào cũng vậy, bác sĩ hỏi thăm đều bật cười ông bệnh nhân – “Tôi bị câm không nói được”.

Tôi ra ngoài phòng gặp bác sĩ, anh gọi lại chỉ vào hai bên má tôi, mắt, môi, nhắc: “Em nhớ trang điểm nhé, dù ở bệnh viện chăm sóc anh, bận rộn thế nào cũng nhớ đừng quên chăm sóc bản thân”.

Một lúc sau tôi vào phòng, thấy anh đi được vài bước, tôi mừng cảm động quá, mừng không cười được mà rơi nước mắt. Anh vẫn tiếp tục tập đi, tôi luôn sẵn sàng giang hai tay ra đón nhưng chưa lần nào anh cần. Anh bỏ hẳn gậy ba chấu, tôi mua chiếc gậy khác đẹp hơn để đi chơi, nhưng anh chưa dùng cái gậy ấy ngày nào. Đi được, tay không chống gậy nữa. Từng bước chân nhanh dần, anh đi được ra đến cổng bệnh viện.

Trong vòng một tháng, anh đi được bình thường, hai tay vung mạnh ưỡn ngực hát bài Tiểu đoàn 307. Anh được bác sĩ cho xuất viện trước sự trầm trồ của bệnh nhân cùng phòng và cả khoa, thường những bệnh nhân sau tai biến dáng đi bị thay đổi.

Mọi bệnh nhân đến trước ngạc nhiên nhìn bước chân anh đi không bị chấm phẩy mà rất mạnh mẽ. Về đến nhà anh cầm tờ báo không đọc được, anh bảo là anh không hiểu gì hết, không cầm được cây bút. Làm sao để cầm được cây bút mà viết chữ đây, anh cầm đồ vật là bị rơi. Tôi mua bảng chữ cái về cùng tập đọc với anh, kiên trì từng chút một.

Tôi đến lúc phải tiếp tục làm việc sau hơn một tháng nghỉ. Con gái tôi đang làm việc ổn định công việc thiết kế nội thất đã tự nguyện nghỉ việc 6 tháng ở nhà chăm sóc ba. Anh Huấn quyết định chấp nhận học lại từ chữ A đầu tiên.

Bác sĩ khuyên anh muốn cầm được cây viết thì phải tập cầm những vật nhỏ là nhặt hạt đậu. Tôi để sẵn đậu đỏ, đậu xanh giao cho anh nhặt, còn mình thì vào vai mụ dì ghẻ hiền lành. Anh cởi trần mặc sooc lửng ngồi nhặt từng hạt đậu như cô Tấm thời hiện đại. Anh tự nguyện nhặt hạt đậu vui vẻ, vừa rung đùi hát Thiên Thai: “Kìa đường lên tiên, kìa nguồn lương duyên theo gió tiếng đàn xao xuyến”. Dường như anh đang hái hoa bắt bướm lạc tới Đào nguyên…

Nhặt được một nửa số hạt đậu, anh nhìn ra cửa sổ có hàng me xanh mát, anh khe khẽ cất lên: “Về đây khi gió mùa thơm ngát. Ơi lũ chim giang hồ…”. Những tia nắng cùng đùa vui với anh, làm cho việc nhặt hạt đậu trôi đi thật nhẹ nhàng, không nhàm chán.

Khi anh cầm được cây bút, anh viết: “Sao anh không về chơi thôn Vỹ” mà anh bảo không hiểu tại sao anh viết được, anh không hiểu được câu thơ là gì. Anh tập viết từng chữ chưa ghép vần được. Những nét loằng ngoằng xoắn vào nhau như hàng dây kẽm gai, những chữ cái run rẩy, anh miệt mài viết và đọc. Vì đọc và viết đối với anh hàng ngày như hơi thở không thể thiếu. Anh đã từng có nhiều bài đăng báo rất hay, được bạn bè mến mộ.

Chữ viết của anh đẹp dần đều như nét chữ học trò, đã trở về nét chữ của anh ngày xưa. Thỉnh thoảng nhà thơ Nguyễn Duy ghé chơi, khen: “Ông chăm học quá, xứng danh cháu ngoan Bác Hồ”.

Anh đã đi chơi xa được, tôi cùng anh đi Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng vào những ngày cuối đông. Trở về nhà anh vẫn khỏe, tinh thần hứng khởi hẳn lên. Anh mong hàng năm được về Huế thăm mộ của mình, cùng tụ tập tán gẫu, vui với bạn bè bên mộ. Có lần vợ chồng nhà báo Nguyễn Trọng Chức rủ đi chơi Đà Lạt, anh đi cùng. Đến Đà Lạt bốn người thuê hai xe máy. Tôi chở anh ngồi trên xe máy chạy qua nhiều đường đèo quanh co, lên dốc xuống dốc thật thú vị với những rừng thông xanh mát.

Về Sài Gòn, anh không ngồi yên được thường xuyên theo dõi tình hình căng thẳng hai bênViệt Nam – Trung Quốc, hăng hái đi biểu tình phản đối Trung Quốc được tổ chức ở Nhà hát Thành phố.

Hàng ngày anh đọc báo trên mạng, đọc oang oang để luyện giọng, sáng, trưa, chiều, tối đồng hành với máy vi tính, học tập không ngừng, lên Facebook giao lưu kết bạn, anh đăng các bài viết, hình ảnh hoạt động của mình được nhiều bạn bè chia sẻ.

Tình cờ người anh ruột anh Huấn là ông Hoàng 90 tuổi ở Đà Nẵng phải ra Bệnh viện Huế lên bàn mổ. Trước ngày đụng dao kéo, ông Hoàng đi thăm mộ ba, mẹ. Và ông Hoàng kinh ngạc khi thấy mộ anh Huấn xuất hiện bên cạnh đấy. Ông cầm điện thoại run rẩy gọi mãi không được, gọi cho bà chị ruột là chị Hương 85 tuổi, chị ấy cũng khóc òa lên bất ngờ khi biết mộ anh Huấn nằm ở Huế. “Sao mà em trai mất khi nào mà không ai biết”. Anh, chị ruột anh Huấn không hề hay biết anh Huấn đã từng bị tai biến, anh Huấn dặn tôi không được tiết lộ. Ông Minh là người làm cỏ, trồng cây trên mộ, nhà cạnh đấy đi ra thấy ông Hoàng liền nói: “Em là người được anh Huấn ở Sài Gòn giao nhiệm vụ thi công mộ, nhanh, gọn, bí mật, trồng cây, trông coi. Anh ấy bảo em cứ làm tốt sau này anh ấy về sẽ phù hộ cho em”.

Sau đó ông Hoàng liên lạc được với anh Huấn. Anh trả lời ông Hoàng: “Ha…ha, em đang xem tivi đá bóng hay quá anh ơi, không nghe tiếng điện thoại”.

“Sao chú làm mộ bí mật bất ngờ quá, làm anh hết hồn” – “Em đi rong chơi nhiều nơi, xuyên Việt khắp đất nước, giờ em chơi cái mộ, vui đấy anh ạ”.

Anh Huấn rất thích tấm ảnh chụp anh ngồi bên mộ tươi cười. Anh bảo tôi phóng to treo lên tường ngay phòng khách, thỉnh thoảng bạn bè đến nhà chơi anh vui cười bảo: “Tôi mời ông đi thăm mộ tôi ở Huế, nhà của tôi đấy”. Anh nhanh nhẹn đi vào phòng mở máy vi tính khoe ảnh mộ cùa chính anh, nhiều kiểu toàn cảnh, cận cảnh, các cây hoa đại đang nở hoa.

Trải qua thời gian bị tai biến phải ngồi xe lăn, có lúc tưởng chừng bệnh tật đã dồn anh vào ngõ cụt, nhưng anh đã quay lưng, xuất phát lại từ đầu từ chữ A, từng bước chân run rẩy đã trở nên rắn rỏi. Bạn bè nói nhờ công tôi chăm sóc anh. Nhưng tôi lại nghĩ khác. Chính anh là người có nghị lực mạnh mẽ, tiếng hát của anh đã tiếp thêm niềm tin cho tôi, cả hai chúng tôi đã cùng vượt khó. Anh Huấn đã bình phục được 80%. Bác sĩ cho biết còn một ít di chứng 20%, trường hợp bình phục nhanh như anh là hiếm.

Sau tai biến, anh Huấn không biết tiêu tiền. Anh không còn biết giá trị của đồng tiền. Bạn bè bảo là anh không biết tiêu tiền nữa, vậy là rất sướng!

Một lần, đi chơi Vĩnh Long về, anh Huấn pha trà mời tôi cùng uống. Lấy gói quà ra tặng tôi, anh khoe mới mua ở Vĩnh Long. Tôi ngạc nhiên: “Anh không biết tiêu tiền thì mua như thế nào?” – “Thì mình cứ đưa ví tiền cho người ta, hết bao nhiêu thì họ lấy”.

Anh nâng chén trà lên uống, hướng mắt nhìn ra cửa sổ có vòm me xanh, bầy chim sẻ ríu rít bay chuyền cành, mấy con đang bay vào cửa sổ. Và anh khe khẽ hát: “Kìa đường lên tiên, kìa nguồn lương duyên, theo gió tiếng đàn xao xuyến”…

clip_image002

clip_image004

clip_image006

 

 

 

 

 

 

Nguồn: FB Võ Anh Thơ

Comments are closed.