Người đeo lục lạc (kỳ 8)

Truyện của Võ Bá Cường


Chương 11: Người đeo lục lạc

Cả làng Vũ Công bảo ông là con người kì dị, mặt mũi lúc nào cũng sầu thảm, lại hay ngồi dưới gốc cây bạch đàn gẫy ngọn, quanh đó lác đác vài cây thèn đen, cây sòi còi cọc với đám cỏ xước mọc chen chúc. Ông già ngồi đón gió, và ngắm nước ao cá. Đôi chỗ nước lùa vào dưới gốc cây rễ ăn sà ra mặt hồ nước, đen quạnh, dưới đó là mấy hàng lau sậy mọc chen quanh đám rêu rác, hàng cây rong chó. Trên bờ chỉ có ngôi nhà 2 gian thấp nhỏ, nối thông với bếp nấu ăn của nhà trường. Ngôi nhà đơn độc, chủ nhân là già Đang cũng đơn độc, hưu quạnh như nó. Người làng bảo già Đang sống bằng cóc ngóe, và những con tôm cá bắt được ngoài đồng. Nhiều đứa trẻ muốn chơi với người cô đơn qua sự đổi chác mua bán, có đứa lại tìm cách chọc ghẹo già làm cuộc sống của ông không vui lên được, nhuốm thêm cảnh thê lương.

Có một bà già người thấp nhỏ, lưng gù bán hàng khô đầu ao lối vào ao cá Bác Hồ. Nhiều lúc không ai nhận ra con mắt hấp háy của bà lão không muốn rời già Đang. Bà muốn ông không nên ra đường lang thang vào buổi tối, như tối hôm qua để mấy đứa trẻ trâu đạp xe bạt mạng lao vào ông ngã bổ chửng. Chắc nay còn đau lắm phải không? Bà hỏi bâng quơ như thế. Rồi lại nói như trách móc ông: “Ông cũng hay đi lắm. Quen rồi. Không chịu nổi cảnh tù túng phải không? Còn đây là bơ sữa bò, ông dặn tôi xin cho ông đấy.

Một lũ trẻ vừa chạy vồ cào cào ở bờ đồng về trông thấy bà, có đứa người như con săn sắt la lên:

– Mẹ ơi ! Chúng mày ơi ! Bà già đang nói gì với ông già ăn cóc.

Già Đang cúi mặt xuống, đầu gục vào cây bạch đàn, dấu đi giọt nước mắt. Thực lòng ông muốn yên, mà chẳng được yên. Nó là lỗi của người lớn, trẻ con biết gì? (Bà gù nói vậy). Lúc ấy có hai con ngỗng trắng to dễ đến hàng chục kí lô cất cái cổ như cổ rắn, lạch bach đi vào sân trường ăn cỏ. Kêu quang quác.

Ông nhìn ngỗng một lúc rồi cởi quần áo xuống ao lấy bùn trộn rơm nhét vào chỗ khe tường nứt nhà ở. Cái lỗ nẻ hôm nọ con rắn nước lách hòn gạch đậy trên mặt hũ chui ra, luồn vào khe tường thoát được ra ngoài. Nhìn con rắn, lão tiếc ngẩn ngơ mãi. Nhà không còn rơm, ông vào một gia đình nông dân cùng xã để xin rơm. Vào nhà, thấy cái mũ bện bằng rơm treo trên tường rất đẹp lại “mốt”, ông lại gần chiếc mũ vẻ lạ lẫm. Chủ nhà lấy xuống, giảng giải: “Mũ rơm bện để các cháu đi học, tránh bom Mỹ”. Ông nông dân không quên lôi ông ra góc vườn chỉ cho xem cái hầm chữ A và giải thích hồi chiến tranh phá hoại nhà nào cũng có những chiếc hầm như thế. Rải rác ven đường còn những hố cá nhân nông choẹt.

Nông thôn lúc đó chỉ còn những ông già, phụ nữ và trẻ em. Ngay cả xã Vũ Công ta cũng thấy nhiều cô gái luống tuổi chưa có chồng, gày gò xương xẩu, đôi mắt mở to khát khao cuộc sống. Ông già tiếc những lúc gian lao, mọi người đi đánh giặc, ông lại “nằm chơi trong hang đá”. Rồi đến khi hành hương về làng, tìm đến các ngõ tre nhỏ hẻo lánh ngày xưa lúc còn bé mình chơi với cái dậu duối, bờ tre có nhiều con chim cuốc kêu đêm. Rồi những ngôi nhà mái rạ thâm thấp của ông chú, bà bác, bà dì. Có ai xa lạ đâu? Thế mà bây giờ phải chìa tay ấp úng vào cửa cầu xin gáo nước mưa, nắm rơm về đun niêu cơm. Những cái ngõ nhỏ đầy lá tre rụng bóng già vẫn đơn độc dưới cái nắng.

Đường xá đi lại tối đen như mực. xe đạp dễ lao vào nhau, có khi lao cả vào người lão, cho nên cạp quần ông Đang lúc nào cũng lủng lẳng chùm “lục lạc” làm bằng vỏ hộp dầu cao Sao vàng hoặc bằng miếng sắt cắt từ ống bơ sữa bò mà bà lão bán quán cho lão đem xuyên thủng luồn dây thép. Mỗi khi ra đường, ông Đang đeo nó vào người, đi lại nó kêu leng keng nghe cũng bớt buồn tẻ, cô đơn, và cũng biết phận mình đang còn là kiếp trâu ngựa.

Khổ quá! Lòng muốn đổi thay!

Bỗng lòng ông nhớ tới bạn bè, nhớ tới trời cao, muốn bay nhảy đây đó một chút.

Ngồi tính lại cũng có dăm ba bạn tù ở nhà giam Hỏa Lò – Ba Sao (Ninh Bình), Yên Bái, Cổng Trời (Hà Giang). Chục năm nay ai còn ai mất. Thế là ông già “đeo lục lạc” tự tiện đi sang Nam Định đến nhà anh Bình là bạn tù cũ. Anh Bình ngày trước đã cho ông Đang chiếc xe mini Liên Xô (màu đỏ, một gióng). Ông đi mà không có giấy đi đường, không được sự cho phép của nhà chức trách cho phép.

Chen mua được cái vé già lách nhanh qua cửa sắt nhỏ, (khi người soát vé giằng được từ tay già). Xuống phà, già tìm một chỗ đứng bên cạnh mấy bà buôn táo làng Thuận Vi. Vừa quay lại phía bến thấy có một người mặc bộ quần áo quân phục hơi cũ, đầu đội mũ cối, mặt bịt chiếc khăn tay trắng. Rõ là người quen … Anh ta lao xuống. Đúng là anh cán bộ nằm vùng xã Vũ Công.

Già biết vậy, khi lên phà vẫn bình tĩnh phóng cái xe mi ni về nhà anh Bình. Hai ông bạn tù gặp nhau thì mừng tủi, anh nào anh nấy đã thấm đòn chí tử, chỉ muốn yên thân. Biết đâu sau lưng mình vẫn có người lẵng nhẵng theo dõi. Ông Bình liếc nhanh ông Đang khi thấy có người lạ bước vào cổng. Ông Đang mặt mày tỉnh bơ, bình tĩnh muốn ngầm bảo bạn: “Không có tật, không giật mình, cây ngay đâu sợ chết đứng”. Bụng hai ông đều nghĩ: “Bây giờ là thời nào chứ? Có Đảng “sáng suốt” thì người như mình còn sợ gì?” Nhưng rồi anh đội mũ cối lên giọng hăm dọa. Ông già “đeo lục lạc” lại lo cái gông, cái thòng lọng vô hình đang thít dần lấy cổ mình. Người lạ bảo: “Cái tổ chức của các ông ma quái lắm, không có điều lệ cương lĩnh gì hết, nó chỉ là tổ chức ô hợp một rúm người co cụm lấy nhau. Những loại người như các ông là “Trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa”.

Họ phỉ báng hai ông. Ông Đang cãi: “Chúng tôi là người vô tội! Các anh không được nói thế! Nói cứng thế, nhưng bụng đã run lắm rồi. Ông già “đeo lục lạc” biết cãi không nổi, âm thầm theo họ vào nhà giam. Ông già tự hỏi: “Đâu là đất lành, đâu là gió mát?” Ông bước đi ngước vội bầu trời xanh và chút nắng vàng lần nữa, hít thở thật sâu cái không khí “tự do” và khí trời trong lành lần cuối. Vừa quay lại giữa khoảng cách ngắn của “anh cán bộ” và ông, bắt gặp đôi mắt ác cảm nhìn ông như nẩy lửa. Ông linh cảm thấy trong đôi mắt họ coi ông là kẻ đáng khinh bỉ, toàn một lũ ăn hại, mở miệng ra là sách với vở. “Bọn mọt chữ”, “Bọn nhân văn” chống chế độ. Mao Chủ Tịch đã nói: “Tri thức sách vở không bằng cục cứt” Cứt còn bón được ruộng, chứ tri thức sách vở chẳng dùng được việc gì.

Nhưng lạ thay họ cứ tra khảo ông về sách vở, họ bắt khai rõ khi nằm ở chuồng lợn viết những gì? Tài liệu ấy ở đâu?

Sao các anh bảo nó không bằng “cục cứt” mà cứ tra khảo mãi cái “cục cứt” làm gì? Nhưng lần này ông già không hăm hở tranh cãi một cách quyết liệt phải trái như gần 20 năm trước. Ông biết cái giá phải trả sự “tham thắng” mỗi lần cưỡng lại lời bề trên nó tai hại đến nhường nào?

Ông nhìn lên trần nhà giam, gương mặt méo mó, nhăn nhúm, mắt buồn rười rượi…

Hôm bắt ông tại Nam Định, ở Trà Vi Vũ Công người ta đến nơi ông ở, đào lục tài liệu ông viết, đến nhà trường, vào nhà cụ Đoán, để hỏi xét. Chả chỗ nào được yên ổn. Họ muốn cuốc cả đất làng lên để xem , xuống ao tìm dấu vết bàn chân trên mặt nước. Tất cả đều không có gì hết…

Ông bước vào chỗ giam, từ cái sàn xi măng đến chỗ ỉa đái nhà tù ông muốn trò chuyện với nó, những thứ ấy đâu có điều gì bí ẩn. Ông nhanh chóng thích nghi với chỗ giam giữ và nhớ lại hình ảnh vợ anh Bình lúc ấy đang vo gạo thổi cơm, ngoái cổ vào nói với hai ông:

– Trưa nay em đãi anh em ông rau luộc chấm nước đậu phụ kho thịt, và canh dấm sấu.

Thật oái oăm, bữa cơm chưa kịp ăn, tay chưa kịp cầm miếng cháy. Lại bị bắt rồi!

Đến bữa, vợ anh Bình vừa đặt mâm cơm xuống cạnh nồi nước rau dấm sấu màu hồng. Chị lấy cái muôi gẫy múc ra hai bát, một bát để cạnh mâm, một bát để trên mặt chõng. Cái đĩa Bát Tràng màu đất nung cháy in rõ hình vành tròn vành vạnh trong lòng được xếp mấy miếng đậu phụ, ba bốn miếng thịt kho màu sẫm đậm thơm mùi nước mắm, hành tươi. Chị chạy xuống bếp vùi nồi cám, bắc nồi cơm. Thằng con trai đi câu về vứt cái giỏ nằm chỏng chơ đầu hè chạy vào ngồi cạch xuống mâm. Đang đói, nó bốc miếng thịt kho đút vào mồm nhai ngấu nghiến, dốc ngược bát nước rau, nín một mạch. Hai tay còn đang giữ bát cạp chặt ở miệng, nước rau nhỏ xuống chân tong tong. Nó ngửa cổ “hà” một tiếng sảng khoái tựa như con trâu khát nước vớ được vũng phù sa mát rượi. Vợ Bình bê nồi cơm độn, chân trong chân ngoài cửa trông thấy cảnh ấy vội tru tréo. Tiện đôi đũa cả trong tay chị cứ thế vụt bồm bộp vào lưng, vào mông thằng bé. Thằng bé không chạy, ôm lấy chân chị, kêu: “Con xin mẹ. Con xin mẹ! Con tưởng mẹ phần con. Nếu biết mẹ phần khách con đâu dám”. Chị không đánh con nữa, ôm lấy thằng bé khóc hu hu. Mớ tóc rối quấn trên đầu xổ tung ra phủ kín thằng bé trong lòng. Anh Bình từ lúc bác Đang bị lôi đi, người thẫn thờ ra gốc cây khế bờ ao ngồi một mình, rứt lá thả xuống mặt nước ao sâu. Nghe tiếng khóc hai mẹ con lật đật chạy vào:

– Mẹ con làm sao thế? Cuộc sống này chưa đủ khổ hay sao lại còn văng vật tôi mãi thế?

– Anh ơi! Bát nước rau, mấy miếng thịt em giành cho bác Đang, con trót dại ăn mất rồi.

– Con xin bố! – Thằng con ngước hai mắt đẫm lệ vẻ lo lắng sợ sệt nhìn bố mếu máo.

– Thôi nào! Hai mẹ đứng cả dậy đi, rửa mặt mũi chân tay rồi ăn cơm. Tôi không ăn đâu. Nuốt làm sao nổi khi thấy người ta hành hạ bác Đang. Hai mẹ con ăn đi, không phải phần cơm bác Đang. Bác không về nữa đâu mà mong. Đã đi vào nơi đó, khó mà ra được, ít cũng vài tháng, nhiều hàng năm… Có tội hay không là ở họ. Họ muốn sao được vậy, bảo “tội” là “tội”. Nếu cãi lại bị khoác thêm cho hai chữ “ngoan cố” rồi trùm chăn mà đánh. Kêu được với ai…

Vợ Bình đẩy con ra, thở hổn hển hỏi chồng:

– Bác Đang tội gì. Sang nhà ta chơi với bố mày, tôi đã thấy hai người nói với nhau gì đâu. Vừa nói, tay cô vừa cầm cái chổi cùn quét nền nhà lúc nãy ăn trẻ con ăn làm vương vãi mấy hột cơm cái đầu cá khô và mấy cọng rau già, vài mẩu xương cá diếc. Bác Đang bị lôi đi, anh Bình bị người ta bắt mở tủ, mở hòm, lục tung tất cả. Trông cảnh nhà thấy cái chết nhiều hơn sự sống, đôi mắt vợ Bình mở to long lanh và buồn bã, Tiếng chị thở dài se sẽ, cuối cùng chị thốt lên:

– Bây giờ cảnh nhà mình sống trong thoi thóp ngờ vực. Khó chịu lắm. Em là người lao động, cổ cày vai bừa, thấy bác Đang là người tốt. Công lao bác to lớn thế còn chẳng ra sao, anh cũng liệu đấy. Nhà mình nếu như con thuyền, em quyết đẩy sang chỗ khác. Nhưng khốn nỗi nhà mình nó lại không như con thuyền, đẩy đi đâu dễ… – Như chợt nhớ ra chuyện gì, chị Bình hạ giọng bảo chồng: “Tý nữa thì em quên. Quên chuyện này thì rầy rà to. Ông đội trưởng báo chiều nay bố mày phải đi tập trung phá đình làng lấy gỗ lạt gạch ngói xây chuồng lợn, chuồng trâu cho hợp tác xã đấy. Liệu mà đi cho sớm kẻo lại bị “phê bình” thì khổ.

Anh Bình nghe vợ nói, nói lại vợ như khóc: “Phá đình đi, phá đình đi! Còn đình hủ tục còn chi hại nhiều”.

Lúc ấy ở trong nhà giam, cái cánh cửa gióng sắt trông như chuồng nuôi cọp, nặng mùi muỗi và rận rệp. Ai đã vào “bót” này đều sợ vãi đái ra quần. Ông Đang ngồi ủ rũ, bỗng có tiếng ho, có tiếng chửi: “Đ…. mẹ, ho gì nhiều thế, không để bố mày ngủ à”. Ông nhìn vào bóng tối thấy hai người ngồi ôm gối. Một anh đầu tóc bù xù, mặt nom như chiếc bàn là cháy, bên cạnh là cái bị rách. Chân tay người này quều quào như người vượn, da đen nhẻm trông như con chó thui không hết lông, sem sém từng đám. Anh ta ngồi im lặng không hề mở miệng. Mãi sau, ông già “đeo lục lạc” gợi chuyện: “Anh mắc tội gì?”

– Cháu thua bạc!

– Ngoài đời anh làm gì?

– Cháu chẳng có nghề ngỗng gì, ở thị xã Thái Bình cháu mở quán bán thịt chó. Có lúc buồn tình sinh sự đánh bạc!

Ông già khuyên giải anh thanh niên làm vậy là không được, trái với đạo lý. Thời nào cũng vậy, nhân dân oán ghét kẻ hay ăn, biếng làm. Miệng anh ta cứ mấp máy, mấp máy, định nói điều gì, song không mở mồm ra được. Ông già “lục lạc” thò tay vào túi, lần được cái kẹo lúc sang định cho con anh Bình giờ đã chảy nước đưa cho anh ta. Mắt anh ta hiền lại không quàu quạu như trước.

Lại một anh thanh niên nữa ngồi góc phòng tay phải, trông hắn lực lưỡng điềm đạm tự tin… Bỗng cửa mở, cán bộ gọi anh đi, lúc sau trở về, cái gương mặt điềm đạm tự tin đã biến mất. Gói quần áo lúc trước vuông vắn tử tế giờ bị anh lôi ra vò xé, vật vã, vứt lung tung như mớ giẻ rách của thắng ăn mày. Mặt anh ta méo xệch, đau đớn, thống thiết.

Ông già “lục lạc” hỏi: “Vì sao lại vào đây? con người tử tế như anh đâu dễ làm chuyện bậy bạ”

– Có người hại tôi bác ạ! Bỗng nhiên gương mặt anh chan chứa nước mắt.

– Thì “cơn cớ” làm sao anh nói tôi nghe đã.

– Cháu là một Đảng viên, một cán bộ đại đội, hôm cháu nghỉ phép về quê, đạp xe đến thăm bố vợ. Vừa vào đầu ngõ, thấy bố vợ và ông hàng xóm vác gậy choảng nhau. Vất xe, nhảy vào can, vừa kéo được bố vợ ra, thừa cơ ông hàng xóm nhảy với qua bờ ao lao tới. Cháu ngăn lại, lỡ tay ông ngã xuống ao muống. Chẳng may chỗ đó bố cháu mới ngâm cái gốc tre, có chiếc vạc nhọn không may đâm vào đùi ông hàng xóm. Máu chảy. Cháu đã đưa ông ta ra trạm xá thuốc thang nhưng đàn con lão làm đơn tố với Công an huyện tỉnh, “Bộ đội về làng đánh dân”. Thế là họ trói gô cổ dẫn cháu đi “ở hiền thì gặp lành”, bố mẹ cháu dạy thế! Cả đời cháu gắng ở hiền, nhưng khi bước vào đây rồi cảm thấy mình không được “gặp lành”. Niềm tin trong cháu lung lay … Giờ gặp được bác, bác chỉ giúp cho cháu phải sống thế nào?

Ông già “lục lạc” bảo:

– Thôi anh cứ đi ngủ đi! Để tôi nghĩ cách, mai anh trình bày với cấp trên tôi tin rằng trong cái thế giới này, thế nào cũng còn có người tốt.

Ngày hôm sau anh bộ đội dậy thật sớm vẫn thấy ông già quay mặt vào tường nằm ngủ im thin thít. Hai bả vai nhô lên, lục cục những đốt xương sống sau lần vải mỏng.

Một thoáng ý nghĩ xuất hiện trong đầu anh bộ đội: “Trông ông hiền lành thông thái thế, sao lại vào đây? Chuyện với ông như nói với vị thánh…” Rồi trong lòng bỗng thương ông… Đã bước nhầm vào ngôi nhà “chết”, cũng sẽ bị người ta lăng nhục, xúc phạm như mình. Lạ thay qua nay chỉ thấy ông giảng giải cho thằng đánh bạc ăn cướp phải biết “yêu thương” nhau mà sống.

Ngày hôm sau, anh cán bộ đại đội, người Đảng viên đã khai đúng như lời ông già đeo “lục lạc” dặn. Thế là vô tội!

Khi quay lại nhà giam anh ta cảm ơn ông bằng tấm lòng chân thật như con đối với bố, lòng rộn rực như muốn hôn lên mái tóc bạc kia. Anh hỏi ông già cũng như hôm trước ông già hỏi anh.

– Bác tội gì?

Ông đưa ống tay áo quệt nước mũi chảy, đầu hơi cúi xuống tiếng nặng chình chịch: “Tôi chẳng có tội tình gì mà “Có một sự nhầm lẫn nào đó trong một phạm trù triết học, trong một khoảng thời gian nào đó”.

– Bác nói thế quả cháu không hiểu.

– Anh đã vào đình làng mình chưa? (Câu hỏi thật đột ngột)

– Đã.

– Trong đình có những gì?

– Tượng, tượng nhiều lắm.

– Vậy thì tôi đã mắc “tội điên” “Ném Tượng Xuống Ao bèo”.

Anh ngước nhìn ông già, bằng con mắt là lạ tưởng đây người độc hành đầy chông gai hiểm trở. Hai người bạn tù sau mãn hạn họ vẫn tìm ông, coi ông như cha chú. tay đánh bạc, nết na thuần lại, tay hắn chặt thịt chó “phầm phập” trên cái thớt nghiến ở cái quán. Miệng la lên:

– Giời ơi! Ngồi uống chén rượu với miếng nầm chó này ngọt tuyệt. Hôm nay cháu mua được mẻ riềng già cay ơi là cay. Thế là tay già Đang bẻ bánh đa đôm đốp. Mùi riềng bay lên thơm nức ở cái quán có chiếc mành treo hờ đầu phố ngang “Nguyễn Công Trứ” Thái Bình, đó là quán thịt chó chú Hòa. Vâng! Đã nhiều buổi chiều đông tiếng chém thịt chó “phầm phập” tiếng bẻ bánh đa như thế, và tiếng ho ông già đeo lục lạc lại vang lên trong quán.

Còn cái anh mắc tội “đánh nông dân” tên là Huệ, người Hải Hậu Nam Định từ ngày đó coi mình là học trò của già Đang. Tết nào cũng sang nhà cụ Đoán tìm tết ông già “đeo lục lạc”…

Với một cái bánh chưng gói thật khéo, một chai rượu Chanh và cái cười hóm hỉnh. Họ đọc vang những câu thơ của Phùng Quán tặng già Đang, để ôn lại cảnh ngày cùng nhau được ở chung trong cái gian nhà tạm giam tối như hũ nút.

Trăng

Trăng du đãng ngủ nhờ thêm lạnh

Muốn mời vào nhà không chiếu không chăn

Tỉnh giấc trăng đi còn để lại

Nước mắt đầy thềm tạ cố nhân

Phùng Quán

Chương 12: Người điên

Sáng ấy, trời quang mây tạnh. Ông già đeo “lục lạc” muốn lau người một chút. Ông nhớ cái nhà trước, mỗi tuần chỉ được tắm một lần không quá hai phút, bất kể thời tiết nóng bức hay rét buốt, quy định đó vẫn không được thay đổi. Khi đã nghe thấy tiếng quát: “Cởi quần áo vào phòng”. Bàn chân ông chưa kịp bước qua cái bậc đá xây như ngôi mộ lạnh toát. Bất thần từ trên cao dội xuống gầu nước, làm ông co rúm lại rồi gầu thứ hai chưa ướt hết người, chưa kịp kỳ cọ thì gầu thứ ba lại đổ. Nước như từ trên ghềnh đá đổ xuống tựa tấm vải trắng. Như nước ở mỏm núi Cù Đường phía đông thành Quỳ Châu nước Thục mà Tô Đông Pha đi lấy nước cho Kinh Công chữa bệnh, cái cảm giác lạnh toát ấy đến nay ông vẫn còn sợ hãi.

Lúc này trời còn tối, nghĩa là chưa qua năm giờ sáng, đang vào dịp đông ken, có lẽ nước đóng băng. Già Đang làm những động tác hít thở, vươn người, xoa bóp, tí tẩng nhảy nhót như chú khỉ đỏ lông. Vậy mà vừa dội một tý nước từ vai xuống, người ông như bị co giật. Những gầu nước lạnh cũng làm ông tỉnh người nhớ lại những gì sảy ra mấy hôm nay. Bất thần anh cán bộ mở cửa lư cổ vào bảo:

– Tất cả tội lỗi của ông chúng tôi đã báo lên cấp trên rồi. Báo cáo đầy đủ từng chi tiết đấy! Ông cần phải chú ý tu dưỡng đạo đức tư tưởng, chứ đừng tìm cách chống đối. Tốt nhất ông viết bản kiểm điểm từ khi ở Hà Giang về nhận được sự khoan hồng của Đảng và Chính phủ. Nhận thức về tội lỗi của mình thế nào? Và lần này ông sang nhà Bình để liên hệ với ai? Tổ chức ấy thế nào? Người đứng đầu tổ chức ấy? Hai ngày nữa tôi xuống lấy bản tự kiểm điểm.

Hôm anh ta quay lại, những tờ giấy trắng vẫn còn nằm im trên sàn xi măng. Anh ta hất đầu:

– Nghĩa là ông không viết.

– Tôi không có gì để viết. Anh cán bộ chẳng e ngại nói như vỗ vào mặt ông: “ở đây không có lệ nộp giấy trắng bao giờ. ít nhất ông cũng viết lấy một câu”. Rồi cán bộ đưa đôi mắt lờ đờ nhìn quát lên: “Tôi sẽ có cách bắt ông phải nói”

– Ông là linh hồn của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Nó là một “tổ quỷ”.

– Đấy là các ông nói đấy nhé và đặt điều vu oan cho số nghệ sỹ trí thức. – Giọng ông già vừa khiêm tốn, vừa nhẫn nhịn.

Anh ta đứng trân trân nhìn ông hồi lâu, phân vân định nói điều gì sau lại thôi, tay vò tờ giấy ném xuống trước mặt ông già, hầm hầm bỏ ra ngoài. Bỏ lại câu chửi cục cằn – “Rõ là một thằng điên. Một thằng điên không hơn không kém”.

Con mắt anh ta giờ không lờ đờ, trống rỗng, vô cảm, mà giận dữ. Anh cất giọng:

– Chúng tôi không tha thứ cho một “thằng điên” như ông. Từ lúc già được ném vào mặt những câu chửi tục tĩu như thế, ông muốn đáp lại sự hỗn xược bằng những câu nói được trỗi dậy trong lòng. Nhưng không, ông vẫn ngồi yên, mắt ông mờ trong bóng tối hình như không trông thấy anh ta, tai ông như điếc như không nghe thấy câu chửi. Trong cái yên lặng tột cùng này là sự khinh bỉ … giọng anh ta bỗng ríu ngọng ….. “Nếu mai “pà” không viết “tì” …. Rồi hầm hầm bỏ ra ngoài.

Tự nhiên ông nhớ đến anh bạn tù ở Hà Giang, sau một trận truy bức về tư tưởng, nhiều điều bị vu cáo đến sợ. Anh ta nằm liệt giường mê sảng suốt ngày, kéo dài hàng tuần không ăn uống. Cơn khủng hoảng về tư tưởng đó thật dữ dội, rồi anh ta nằm bất động, chỉ có đôi mắt đưa đi đưa lại đôi phần. Có lần ông già Đang định giúp anh ta ngồi dậy, anh ta hét lên tưởng như sắp bị giết đến nơi. Không có ai hầu phục anh ta. Đầu óc anh bị mụ mị lúc nào không rõ. Suốt ngày anh sống trong câm lặng, đêm đên anh ta hét rống lên làm cả trại giam không ngủ được. Cái gì đã diễn ra trong tâm hồn tuyệt vọng đó. Họ bảo:

– Thằng này không muốn sống nữa. Nó điên rồi. Thế rồi họ gói anh ta vào cái chăn và cho mấy người khênh đi chữa bệnh … Anh ta vẫn nằm yên không động dậy, dửng dưng mọi chuyện. Một anh cán bộ đi theo ôm đồ dùng cá nhân của anh đi về phía núi sâu. Mấy giờ sau đó, họ trở lại, đầu cúi xuống với những bước đi lầm lũi, trong đó không thấy “thằng điên” đâu. Tất cả bạn bè của anh nhìn nhau trong nỗi ám ảnh thằng điên mất tích không ai dám mở miệng. Dù rằng trong đầu mọi người đều nghĩ “Anh ta đi đâu nhỉ” và đúng như thế, mãi mãi không thấy thằng điên trở về.

Già Đang chợt hiểu và đoán ra tất cả. Họ đã ném anh ta vào hang trong những ngày dưới 0o và anh ta đã trung thành nằm lại với khu rừng hoang vu lạnh giá này vào những năm đất nước trải nhiều bi thương nhất và sau đó là việc của thú rừng với cái xác chết … Già Đang nghĩ vậy. Và tự nhủ, phải có phương pháp tư tưởng sao đây để chống lại bệnh hoạn, bắt đàu từ bệnh không nói dẫn đến trầm cảm, nổi khùng rồi điên là chắc. Già quyết định phải biết cách mở mồm …

Ông được chuyển về Công an Thái Bình, chính nơi quản lý giam giữ ông. Cũng vẫn một giọng điệu như bên Nam Định, nghĩa là phải viết kiểm điểm.

Ông nằm phủ phục xuống sàn lạnh, không thể nuốt trôi những lời lẽ của họ. Mỗi lần tiếp xúc với cánh trẻ, ông đã khôn khéo kết thúc sự tranh cãi bằng câu chuyện về Nguyễn Trãi, về vụ án Lệ chi viên, về Lão Trang, về triết học Mác. Và lần nào anh ta cũng phải thốt lên: “Có tài trời tranh cãi với lão”

Lần này thì họ thôi không bắt ông viết nữa, yêu cầu của họ là hỏi gì nói ấy. Nhưng lão già “điên” hỏi một đằng xằng một nẻo, “tư tưởng” người điên như ngọn Hỏa Diệm Sơn bùng cháy nói cho cánh cán bộ trẻ nghe về những cuộc nổi dậy của những người nông dân Tây Sơn thời Nguyễn, họ là người nồng nặc mùi bùn đất, tay cầm gươm giáo chống chúa Trịnh, để được tự do, để được no ấm. Rồi người nông dân Nga như “Gơ ri gô ri” đã chống lại chế độ Sa Hoàng thế nào? Ông kể rất có duyên, giọng nói đầy hấp dẫn về “Đội thanh niên cận vệ”.

Có người không chịu nổi bèn nổi khùng:

– Ông lại nói đến cái bọn “xét lại” ấy làm gì. Bọn chó đã bắt tay với đế quốc. Cái tay Khơ rút xốp đội mũ phớt bay sang Mỹ, ăn đồ Mỹ làm hỏng cả nước Nga. Cơ đồ thành trì cách mạng Đỏ đổ vỡ đến nơi rồi!

Giọng ông từ tốn như nước chảy:

– Cháu chưa hiểu hết nước Nga đâu. Tôi đọc sách bạc tóc mà vẫn chưa hiểu về họ. Họ có thù hận gì với ta, chống Mỹ, hàng hóa của họ chuyển sang chật đường chật bãi**. Máy móc đóng ngoài trời để han rỉ mà chưa được sử dụng, chỗ nào cũng chật ních kiện hàng mang mác nhãn CCCP “các chú cứ phá”, “các cháu cứ phá”, “các chắt cứ phá”. Dân mình hay hài hước nói” “còn cho còn phá” chỉ thương cho ông Lê Thanh Nghị năm nào cũng vác rá đi xin người ta. Bây giờ thắng lợi rồi lại ngồi chửi rủa người ta. Ai mà chịu nổi?

Anh ta biết mình đấu lý không được, cũng như anh cán bộ bên Nam Định vội kết luận “đúng là một thằng điên”.

Trong bốn tháng ở Thái Bình – Nam Định, ông già Đang bị liên tiếp chịu đựng những cú đấm về tư tưởng vào trước mặt kể cả sau lưng. Ông gày đi nhiều so với lúc ở trại lợn.

Rồi ấy cũng được tha vừa bước ra khỏi nơi giam giữ, ở cổng chợ Đậu, ông Nguyễn Tiến Đoàn nắm tay người anh nói qua nước mắt:

– Khốn nạn thân anh! Mà sao đời anh cứ gắn với sách vở báo chí làm gì để khổ đến thân. Cái nghề “làm báo” xem ra cũng bạc. Các bậc đàn anh như Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố… nào có sướng gì. Mà liệu họ đã thả hẳn anh chưa? Hay còn bị theo dõi?

– Đằng sau tôi bao giờ chả có những “bóng ma”. Có lẽ những con ma ấy cũng sẽ theo tôi xuống mồ thì mới yên. Còn anh Đoàn hỏi tại sao tôi thích nghề báo? Bởi báo chí nắm quyền lực thứ 4 Quatrième pouvoir có chức năng hướng dẫn điều hành dư luận xã hội. Napoléon nói: “Nếu có thể giao chiến với dư luận xã hội tôi rất sợ bởi vì không có loại pháo binh nào công phá được nó, nên chỉ có thể chinh phục nó bằng sự công bằng và hàng hóa rẻ”. Cho nên tôi thích làm báo.

Đành rằng tự do ấy vì con người, vì mọi người, có lợi cho dân tộc, chứ không phải tự do cho một nhóm người, mưu lợi ích riêng cho mình.

Có một Giáo sư Thần học Ianaghida người Nhật Bản 20 năm dạy ở Tokio, ông đã tìm hiểu tận cùng và khi hiểu được sâu sắc hai chữ “tự do” cũng mất trọn 20 năm. Tôi già rồi. Đường còn xa mà trời đã xế. Sự sống vĩ đại lắm chứ. Nhưng sống phải được tự do, Bác Hồ nói: “Độc lập mà không có tự do thì cái độc lập ấy cũng trở thành vô nghĩa”.

Hai ông kéo nhau vào cái quán cóc ven đường. Bà lão bán quán mỗi lần gặp được ông già nhặt lá bánh ở các phiên chợ huyện là vui vẻ mời mọc. Lần này bà trách khéo:

– Lâu lắm rồi, dễ đến nửa năm nay mới thấy ông lão qua đây, trốn đâu mà kín tiếng vậy. Tôi cứ tưởng cụ ngã bệnh thì khổ. Cái nắm lá bánh cụ vất ra tôi phơi khô bó lại cho cụ còn dắt ở mái nhà kia kìa.

Ông Đoàn tròn vo con mắt hỏi ông Đang:

– Sao anh lại đi nhặt lá bánh?

Vì việc đi lại nhặt lá bánh cũng đã gây cho tôi bao rắc rối. Ấy là vào buổi tối sau khi tôi tránh cơn mưa ở cái quán chợ ngay lối ra vào (ở đấy chỉ có duy nhất một lối). Trời đã tối. Tôi vừa đi ra thấy cái bóng đứng ngay dưới gốc cây thị ngõ chợ cái bóng động đậy đi lùi lại. Chắc chắn họ đã rình tôi ở cái chợ nghèo này. Tôi không quay vào mà cứ lừng lững đi ra làm anh ta bỏ chạy vào cái ngách ngang. Trông cách chạy trốn của họ, và tiếng bước chân tôi đã quen, tôi biết đúng là nhà chức trách theo bám tôi thường xuyên. Sau này có lần anh ta hỏi tôi. “Còn nhặt lá bánh làm gì?” Tôi chỉ cười, có nói sao anh ta cũng chả tin, thì nói làm gì?

– Vì thế người ta cho tôi là anh gàn dở. Tôi nhặt lá bánh khắp chợ vùng quê để tìm cái lá non trong cùng khi người ta ăn thế nào cũng còn chút bột sớt lại. Lấy ngón tay miết sạch mặt lá gợt vào miệng cái chén. Có phiên được lưng chén, phiên gạt được trôn chén, đem về cho tí nước vôi quấy kỹ để dán sách.

– Dán sách?

– Vâng! Dán sách. Sách quý hơn tất cả.

Tay bà hàng nước rót chén rượu tràn ra chõng tre, đưa nắm ngô rang nóng ủ trong khăn nâu. Ông Đang nhắm hạt ngô lúc cúc, lúc cúc. Tay đặt chén rượu xuống, khà một tiếng, nói tiếp những ý kiến đang bùng nổ trong đầu mình với ông Đòan.

Bắt người không lệnh. Không có ai chứng kiến. Không công bố, không xử, kiểu “bắt cóc”. Một Nhà nước tôn trọng quyền con người là thế. Ông Thiền sư ấy không kịp mang theo sách vở, đồ dùng cá nhân, họ dùng máy bay chở ra Hà Nội, rồi về đây. Địa điểm này ông ta không hề biết đến bao giờ. Sau hỏi mới biết đây là xã Vũ Đoài, Vũ Thư, Thái Bình. Theo ông còn có vị cán bộ. Ông ta được cài cắm ở đây theo dõi hành động của vị sư, một thời gian sau mới rút về Hà Nội.

Thiền sư không được liên hệ với thế giới bên ngoài, không một tin tức gì lọt đến tai, nhưng các đệ tử, tín đồ của Thiền sư cũng tìm ra nơi ở, và từ đó nhiều bức thư từ nước ngoài gửi về thăm hỏi Thiền sư, cho tiền tiêu vặt.

Già Đang có hỏi thêm “thiền sư” – Ông liên hệ với người nước ngoài như thế tôi e tội nặng thêm. Bởi trước đó ông đã có tiền án, ông có lo gì về chuyện này không?

Ông bình tĩnh trả lời: “Không! Bởi vì tôi nắm vững quy luật, biết rằng người ta không làm gì được tôi. Nếu như thủ tiêu bí mật tôi, thì quá dễ, như đưa một vật xuống sông Hồng rồi buộc đá dìm sâu xuống không để lại tai tiếng gì cho Chính phủ. Nhưng họ không thể làm được vì uy tín của tôi đối với đệ tử trong và ngoài nước và cả trên thế giới.

Tôi ung dung tự tại, tôi tin việc làm của mình, là công minh chính trực. Họ bất đồng chính kiến với tôi, tôi có quyền phản đối nhưng quyền lực nằm trong tay họ… Họ đưa ra cái chết để dọa tôi, họ biết thừa là vô nghĩa. Vì tôi coi cái chết không là gì, nên tôi không sợ.

Có lẽ nắm vững quy luật cuộc đời, tạo cho mình cuộc sống “Lão Trang”. Trang Chu tự mơ thấy mình là bướm thì vui với phận bướm. Khi trở lại là Trang Chu, vẫn là Trang Chu không chịu bò lê vén áo dưới đất để chầu quan. Cho nên tôi đã đọc mòn “Lão Tử, Trang Tử, Khổng Tử”, đọc đi, đọc lại ba lần thì rách gáy, nên mới phải đi rong qua các chợ quê để nhặt lá bánh làm hồ bồi lại bộ sách gọi là bộ Tam Tuyệt Vi Biên.

Do đọc sách cho tôi thêm một sự hiểu biết “Hàng vạn trung thần cũng chết bởi tay vua ngu dốt”.

Ông Nguyễn Tiến Đoàn đỡ ông Đang đứng dậy móc túi đồng bạc lẻ trả tiền rượu. Bà lão nhất định không lấy, hai ông không biết khu xử thế nào cho phải, người lo lắng đã ăn nợ kẻ khác, người bận tâm không làm điều lành việc thiện giúp được nhau trong lúc khốn khó. Già Đang nghĩ mãi bảo:

– Cụ làm thế là rào đường anh em tôi đến đây rồi.

Bà lão với giọng ân cần nói với hai ông:

– Nếu cầm tiền tôi chẳng còn ra người nữa, từ nãy đến giờ nghe chuyện biết cụ mới đi xa về, chịu oan ức tủi nhục mấy tháng chưa đủ hay sao? Rồi bà kêu lên:

Lúc ông Nguyễn Tiến Đoàn cứ nhìn ngược lại con lộ đá lổn nhổn, xem có bóng con ngựa gày lộc cộc chở khách về dốc Bồng Tiên chuyến tối không? Ông ngửa mặt lên trời kêu: “Không biết thằng nào điên nhỉ?” Chuyện giữa hai ông đường xa muôn dặm như ngắn lại, ông Đang bảo: “Tôn Tẫn giả điên làm việc lớn. Ta không muốn học Tôn Tẫn giả điên mà họ cứ bảo ta “điên”. “Điên” được như Tôn Tẫn quả khó. Còn “điên” như họ quá dễ. Bởi họ “điên” nên chẳng phân biệt được rạch ròi sai đúng. Bởi “điên” nên không phân biệt được người hiền, kẻ sĩ…

V.B.C.

(Xem tiếp kỳ sau)

Comments are closed.