NGƯỜI ĐỘI SỐ PHẬN

 

Tự truyện

 

Nguyễn Thanh Giang

 

Nhà thơ Nguyễn Thanh Giang, thành viên Ban Vận động Văn đoàn Độc lập VN, được nhiều người biết đến như một nhà đấu tranh dân chủ. Có thể chưa nhiều người biết ông còn là một nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực chuyên môn của mình, cũng ít người biết, là Cổ Địa từ. Tự truyện mà ông gửi một số trích đoạn cho Văn Việt thuật lại nhiều hoạt động phong phú của ông. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một chương nói về những chuyến xuất ngoại làm chuyên môn đầy trắc trở do ảnh hưởng của những ý kiến “phản biện chính trị” mà ông công bố… “Chính trị hóa” mọi hoạt động văn hóa, khoa học, xã hội… luôn là thái độ hết sức sai lầm của một số “cơ quan chức năng”,  thêm nặng nề vì bị chi phối bởi những ân oán của một vài cá nhân trong ngành chức năng, rút cuộc chỉ có hại cho sự phát triển của đất nước.

Văn Việt

 

 

 

**********

 

Chương Mười Bốn

 

NHỮNG CHUYẾN XUẤT NGOẠI GIAN NAN

 

Như đã nói trong chương trước, sự xuất hiện môn Cổ Địa Từ đã làm cơ sở bảo lãnh cho Thuyết Trôi dạt Lục địa, mà những ý niệm của Thuyết Trôi dạt Lục địa có tầm quan trọng to lớn đối với các ngành khoa học về Trái Đất chẳng kém gì học Thuyết Tiến hóa của Darwin trong sinh học. Cho nên trong nửa cuối thế kỷ trước, Cổ Địa Từ là một trong những vấn đề khoa học được Liên Hợp Quốc quan tâm. Tháng 3 năm 1982, tổ chức CCOP của Liên Hợp Quốc mở Hội thảo Quốc tế mang tên “Nghiên cứu Cổ Địa Từ vùng Đông Nam Á – Thái Bình Dương”. Tôi được mời tham dự và trình bầy công trình nghiên cứu.

 

Sở dĩ tôi có diễm phúc, được mời đích danh, vì năm 1981 ông Johathan, chủ tịch CCOP sang thăm Việt Nam, Tổng cục đưa ông ấy đến thăm Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Cổ Địa Từ của tôi. Ngay lúc ấy ông ấy đã hẹn sẽ mời tôi dự Hội thảo Cổ Địa Từ Quốc tế vào năm sau đó.

 

Tôi vốn đã bị “ghi sổ đen” vì lý lịch gia đình. Ngay khoảng thời gian đó lại xẩy ra hai sự việc bị xem là “phản bội tổ quốc”. Đoàn cán bộ 3 người của Bộ Nông nghiệp cử đi công tác ở Nhật thì ông trưởng đoàn trốn ở lại không về. Một nhà toán học, bí thư một chi bộ ở Viện Khoa học Việt Nam được cử đi thực tập ở Pháp cũng biệt tăm. Cho nên công an dứt khoát ngăn trở tôi. Họ suy luận rằng, đến những người cốt cán như vậy còn sẵn sàng bỏ cơ quan, bỏ tổ quốc, tôi có gia đình ở Mỹ mà cho ra khỏi biên giới thì khác nào thả hổ về rừng. Cho nên ròng rã nhiều tháng trời không xin được hộ chiếu, tôi đến phàn nàn với giáo sư Tạ Quang Bửu.

Giáo sư Tạ Quang Bửu (19101986) được xem là người đặt nền móng cho lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự Việt Nam.

Năm 1930 ông thi đỗ vào trường Centrale Paris, theo học chương trình cử nhân khoa học ở Đại học Sorbonne, học toán ở các Đại học ParisĐại học Bordeaux (Pháp).

Trở về nước năm 1934, ông không ra làm quan mà đi dạy toán và tiếng Anh tại trường tư, ban đầu là trường Phú Xuân, sau là trường dòng Providence (Thiên Hựu) ở Huế.

Năm 1946 ông tham gia đoàn đại biểu chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị trù bị Đà Lạt, rồi Hội nghị Fontainebleau (Pháp) đàm phán với Pháp và nhân đó sang Zurich dự lễ kỷ niệm 200 năm thành lập Hội các nhà khoa học tự nhiên Thụy Sĩ vào tháng 7 năm đó.

Tháng 7 năm 1947, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông DươngTháng 8, ông làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu đã chỉ đạo và biên soạn cuốn sách “Bắn máy bay bằng súng trường tập trung” phổ biến rộng rãi khắp nơi, khiến máy bay Pháp phải dè chừng trên vùng trời Việt Nam. Kinh nghiệm này cũng được áp dụng cho dân quân du kích Việt Nam dùng súng trường bộ binh trong Chiến tranh chống Mỹ.

Tuy kiêm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng khác nhau, ông vẫn dành thời gian truyền thụ kiến thức của mình cho các thế hệ học trò. Ngay trong những ngày Cách mạng mới thành công, ông vừa tham gia các công việc của chính phủ vừa giảng dạy môn vật lý tại Đại học Hà Nội.

Khi làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, ông vẫn tham gia hoạt động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật quân sự. Mùa hè năm 1972Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh thả thuỷ lôi trên sông biển và phong toả cảng Hải Phòng. Ông đã trực tiếp chỉ đạo một tổ nghiên cứu thiết kế, chế tạo khí tài phá thuỷ lôi (mật danh GK1) để chống lại thủy lôi chiến lược MK 52 của Mỹ, khí tài phá bom từ trường (mật danh GK2) do Tiến sĩ Vũ Đình Cự làm tổ trưởng.

Khi giặc Mỹ dùng bom TN (từ trường) nổ chậm phong toả các tuyến vận tải ở khu IV, đường Trường Sơn, giáo sư Tạ Quang Bửu đã cùng các nhà khoa học Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự tìm ra nhiều cách phá nổ vô hiệu hoá bom TN để thông tuyến cho người, xe ra mặt trận.

Các vị lãnh đạo Nhà nước rất kính nể Giáo sư.

Vốn trân quý tinh thần say mê sáng tạo khoa học kỹ thuật, Giáo sư lặn lội sang tận Như Quỳnh để thăm xét Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Cổ Địa Từ của tôi, rồi trở nên yêu quý tôi.

Giữ nhiều chức vụ cao nhưng vốn có tư chất khoa học thanh sạch, Giáo sư sống rất đạm bạc. Những buổi tôi đến thăm, sau hàng mấy tiếng đồng hồ đàm đạo về nhiều vấn đề thời sự khoa học, có lúc Giáo sư “khoe” mấy con lợn nhà Giáo sư nuôi trong bếp phát triển rất tốt vì có các phó tiến sỹ ở Viện Khoa học Việt Nam thường đến chăm sóc. Hồi ấy nhà nhà nuôi lợn, bất kể nông, công, sỹ ….. Mỗi nhà chỉ một vài con, nuôi bằng nước vo gạo, nước rửa bát, cọng rau … . Nhà tôi cũng nuôi một con lợn. Vì nhà chật, tiêu chuẩn chỉ được 24 mét vuông, bếp liền phòng ngủ nên lợn ngủ ngay dưới gầm giường. Hôm mổ lợn, anh em trong cơ quan đến xúm tay giúp, người chọc tiết cạo lông, người trải nilon ngồi bán thịt ngay trước cổng khu tập thể.

Chị vợ tôi năm 1975 vào tiếp quản Sài Gòn được bố trí ở một đơn nguyên trên tầng 9 của một khách sạn sang trọng, cũng nuôi lợn.  

Bây giờ nhớ lại, tôi vừa mủi lòng, vừa xấu hổ vì đôi lúc đã tặng Giáo sư những món quà quá mọn. Lúc là một chai rượu hổ cốt mua ở một hợp tác xã miền núi, lúc chỉ mấy cân măng khô. Vậy mà Giáo sư vẫn trân quý. Vào những năm giữa thập kỷ 80, sức đã yếu, đi lại khó khăn nhưng hôm nào tôi ra về, Giáo sư cũng tiến tôi ra tận cầu thang.

Xem xong giấy mời của tổ chức CCOP, Giáo sư viết thư tay và bảo con gái (cũng tên là Tuyết Mai) đem đến cho Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng. Tôi cầm bút phê của Chủ tịch HĐBT về  nộp cho Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Điệp. Vậy mà công an vẫn khăng khăng ngăn trở. Vợ tôi và chú ruột tôi phải giúp “chạy” thêm đến ông Tố Hữu ở bên Ban Bí thư Trung Ương Đảng. Chú ruột tôi là anh em cọc chèo với Tố Hữu. Bố vợ tôi là người mà nhà báo Thép Mới đã kể rằng: “Hôm xưa, có một ngày Tố Hữu vượt ngục về đến đầu cầu Thượng Tứ thì gặp chàng thợ điện “quần áo xanh, râu xanh xanh, lông mày rậm”. Chàng thợ điện ấy đã đưa Tố Hữu về nhà ẩn trốn và giúp Tố Hữu bắt liên lạc với Trung ương. Khi tiễn bạn lên đường, Thôi Hữu đã đưa cho Tố Hữu cả nửa tháng lương của mình. Cho nên Tố Hữu đã từng nức nở khóc thương người bạn ân tình: “Nhớ mày, nhớ mãi mày người đồng chí thủy chung, nhớ mãi tiếng cười khanh khách của mày trong buổi chiều xám buồn thảm của thành phố Huế những ngày đen tối nhất” ”.

 

Vẫn không xong, công an vẫn dùng mọi thủ đoạn ngáng trở. Trước ngày Hội thảo một tuần họ mới cấp hộ chiếu cho tôi và đinh ninh rằng có tài thánh tôi cũng không lên đường được. Ngày ấy, thông thường muốn xin viza vào Malaysia phải đợi hai tuần. Trong tình trạng hết sức khẩn trương, vợ tôi lại phải huy động thêm em vợ tôi xắn tay vào. Nguyễn thị Minh Phương có nhiều học trò ở Bộ Ngoại giao và các sứ quán nên chỉ ba ngày tôi lấy được viza. Bên cạnh đó, nhờ ông Chiêu, thư ký riêng của ông Tố Hữu và ông Năng, thư ký riêng của ông Phạm Văn Đồng thường xuyên động viên, nhắc nhở nên có lúc đã nản lòng, tôi vẫn cậm cạnh chuẩn bị. Khi đã cầm trong tay đầy đủ cả: hộ chiếu, viza, vé máy bay mới biết thiếu đôi giầy. Mười hai giờ đêm, tôi phải đem đôi giầy há mõm ra nhà ông thợ giầy gần Chợ Mơ gõ cửa gọi ông dậy nằn nì nhờ sửa và đánh xi giúp. 

 

Tôi đi trót lọt lên chiếc máy bay Yak40 của Liên Xô xóc như ngồi xe tải vượt Trường Sơn. Hồi ấy để sang được đến Kuala Lumpur phải qua ba chặng. Hà Nội – Viên Chăn, Viên Chăn – BangKok, BangKok – Kuala Lampur.

 

Xuống sân bay BangKok, không tìm thấy chiếc valy ký gửi trong khoang hành lý máy bay. Tôi rũ hẳn người, cho rằng mình không thể nào thoát khỏi bàn tay sắt của công an. Bản báo cáo, các bản đồ, đồ thị và … cuốn tự điển đều bỏ trong valy. Đành rằng đã cố học thuộc bản báo cáo nhưng không có bản đồ, đồ thị thì trình bầy sao được!  

 

Sang đến Đại sứ quán ta ở BangKok, nghe tin có cán bộ được Liên Hợp Quốc mời đi dự Hội thảo Khoa học Quốc tế, đại sứ Hoàng Bảo Sơn hoan hỷ ra đón. Nhìn tôi từ đầu đến chân, Đại sứ thốt lên: “Nhà khoa học ta ra nước ngoài mà trông tội nghiệp nhỉ!”. Hồi ấy, cán bộ ra nước ngoài là phải lên Ban Tài chính Trung Ương mượn giày dép quần áo. Tôi không kịp làm thủ tục ấy.

 

Vốn là người có tư tưởng thoáng (hình như sau này ông hơi bị thất sủng), đại sứ Hoàng Bảo Sơn rất khẩn trương tìm cách đưa ngay chiếc valy từ Vien Chăn về BangKok cho tôi. Tôi đến Hội thảo trễ một ngày.

 

Hồi ấy tôi được xem là nổi tiếng giỏi về ngoại ngũ ở Tổng cục Địa chất. Thực ra tôi “nổi tiếng giỏi ngoại ngữ” chỉ vì chuyên gia Liên Xô I. Kharlamov “tuyên truyền”. Năm 1962, I. Kharlamov và tôi thực hiện tuyến đo đầu tiên thành phần ngang của Từ trường Trái Đất từ Hà Nội lên Sapa. Ngủ ở Nhà khách Tỉnh ủy Lào Kai tôi đã từng đứng giữa làm phiên dịch cho hai chuyên gia Liên Xô và Trung Quốc nói chuyện với nhau. Lên Sapa, một hôm vào phòng tôi, I. Kharlamov tròn mắt thấy tôi đang tra cứu một cuốn sách tiếng Pháp. Thế là ông về Tổng cục khoe khắp nơi: “Trong khi tôi chưa thành thạo tiếng mẹ đẻ thì thằng Giang nó biết đến gần chục ngoại ngữ: tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Tày …”

 

Thực ra I. Kharlamov và nhiều chuyên gia Liên Xô khác đều bị tôi bịp. Trình độ tiếng Nga của tôi chỉ vừa đủ để đọc sách và hội thoại trong lĩnh vực chuyên môn khoa học kỹ thuật Địa Vật lý. Tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp. Tiếng Anh cũng thế. Nói sang các vấn đề xã hội, văn hóa là tôi nghe như vịt nghe sấm và ú ớ không dịch ngược được. Cho nên tôi đành phịa. Khi A nói với B, tôi không dịch nổi câu của A mà chỉ nói với B một câu nào đó mà tôi tự nghĩ ra và có thể dịch được. Khi B nói với A, cũng thế. Kết quả là cả A lẫn B đều chỉ được nói chuyện với tôi nhưng cứ tưởng là đang được nói với nhau. Cái “giỏi” của tôi là phịa làm sao để câu chuyện giữa A và B liền mạch và có lý. Khổ một nối là hồi ấy đi cùng chuyên gia đến địa phương nào cũng được cấp ủy và chính quyền địa phương chiêu đãi. Rượu bia vào, hai bên đếu hỏi chuyện “dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa” và chuyện “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” chứ có nói chuyện Địa Vật lý đâu! 

 

Tôi thi Primaire bằng tiếng Pháp nhưng đến hết Đệ nhị niên, 1949, thì nhà nước bỏ tiếng Pháp, dạy tiếng Anh. Lên Cấp Ba, nhà trường lại bỏ tiếng Anh dạy tiếng Trung Quốc. Vào đại học, học tiếng Nga. Mặc dù sau này rất tích cực tự học và có được học tập trung mấy tháng tiếng Anh cùng với một lớp chuẩn bị đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài nhưng tôi vẫn chỉ sử dung tiếng Anh chủ yếu để đọc sách chuyên môn. Nghe và nói tiếng Anh rất lõm bõm. Giao tiếp tiếng Nga khá hơn vì tôi thường làm việc với chuyên gia Liên Xô. Cho nên, sau khi đọc thuộc lòng bản báo cáo tôi phải rào đón: “Đề nghị quý vị đặt câu hỏi nên nói chậm rãi, rõ ràng. Tốt hơn, xin hỏi bằng tiếng Nga”. Không ai hỏi bằng tiếng Nga. Tôi trả lời bằng tiếng Anh không thấu đáo lắm nhưng thấy mọi người vẫn có vẻ trân quý. Nhiều người đến xin bản copy báo cáo. 

 

            Biết thân biết phận, “lý lịch đen”, xuống sân bay Kuala Lumpur tôi về ngay Đại sứ quán trình diện. Mấy hôm Hội thảo tôi ở ngay trong ký túc xá trường Đại học Tổng hợp Malaysia. Trừ tham gia một lộ trình khảo sát địa chất dài 300km do Hội nghị tổ chức, tôi không dám đi đâu. Họp xong lại về ở trong Đại sứ quán ta. Tôi đã phải xin ông Đại sứ bản xác nhận sự nghiêm túc của mình:

 

Đại sứ quán Việt Nam         Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

   Tại Malaysia                               Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc

                                                          

                           Kinh gửi: Đồng chí Trần Đức Lương

                                Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất

 

Đồng chí Nguyễn Thanh Giang được Tổng cục cử đi dự hội nghị khoa học Cổ Địa Từ Đông Nam Á và Thái Bình Dương tại Kula Lumpur từ 1/3 đến 5/3 năm 1982 . Đồng chí Giang báo cáo cho đại sứ quán biết là đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ do Tổng cục giao cho, góp phần làm cho hội nghị hiểu được thêm về khoa học Cổ Địa Từ của ta.

 

Trong thời gian ở Kula Lumpur, đồng chí Nguyễn Thanh Giang đã quan hệ chặt chẽ với Đại sứ quán.

      

Chúng tôi xin phản ánh để đồng chí rõ và xin chúc đồng chí mạnh khỏe .

 

                                                                                Kuala Lumpur ngày 8/3/1982

                                                                                                   Đại sứ

                                                                                            Vũ Bạch Mai

 

 Biết tôi trên đường về có ghé đại sứ quán ta ở Thái Lan, Bộ Công nghiệp Thái Lan cho người đến mời tôi đến tư vấn cho Thái Lan triển khai việc nghiên cứu Cổ Địa Từ. Đại sứ Hoàng Bảo Sơn gặp tôi hỏi “Anh định ăn mặc thế này đến làm khách của người ta đấy à”. Rồi ông sai người đi mượn áo, mượn giày cho tôi. Ông không cho tôi đi xe của người Thái đến đón mà xuất một chiếc xe sang nhất của Đại sứ quán ta đồng thời cử một phiên dịch vừa giỏi tiếng Anh, vừa giỏi tiếng Thái đi tháp tùng tôi.

 

Về đến sân bay Nội Bài tôi bị giữ lại khám xét rất kỹ, đến nỗi sân bay chỉ còn mình tôi mà chiều đã ngả tối. (Hồi ấy các chuyến bay quốc tế rất thưa thớt).

 

Thực ra, sự rắc rối có phần do tôi “ôm đồm” gây ra. Nhẽ ra, valy của tôi gần như rỗng, chỉ hai bộ quần áo thường, hai bộ quần áo lót, không complet cravat, mấy cân mỳ chính, mấy gói bánh kẹo mua về làm quà. (radiocaset và một vài thứ đáng mua khác thì vợ tôi đã mua vì cô ấy cũng vừa đi công tác Malaysia về qua Thái Lan cách đấy dăm tháng).

 

Mở valy ra, công an thấy đầy ứ những đùm, những gói, kể cả thư từ, đều là của anh em ở đại sứ quán gửi. Hồi ấy anh em công tác ở đại sứ quán nói chung lương thấp, chỉ trên dưới 60 USD/tháng. Khoản tiền 900USD chi cho 5 ngày Hội thảo của tôi được xem là quá lớn. Tôi chiêu đãi Đại sứ quán ta ở Kuala Lumpur hai bữa: một tiệc mặn, một tiệc ngọt. Thấy tôi dễ tính, ai gửi tôi cũng nhận, quá nửa số anh em trong Đại sứ quán lại nhờ tôi chuyển quà về cho gia đình. Có người gửi cả pin đèn (loại pin giống pin con thỏ bây giờ bán bẩy nghìn một đôi). Ông đại sứ thì “nhờ chuyển về hai kilo đường đề con gái bồi dưỡng những ngày ôn thi đại học” ….

 

Ở Đại sứ quán ta ở BangKok có một bác già làm ở phòng bảo vệ. Bác này thân tình một cách bỗ bã. Từ Viêt Nam sang, tôi diện một sơ mi cộc tay mới may bằng phin trắng có hoa chìm mà vợ tôi vừa mua ở Thái Lan mấy tháng trước. Ở nhà, mặc đến cơ quan ai cũng khen đẹp một cách hiện đại. Thế mà vừa thấy tôi, bác ấy đã phủ đầu: “Anh là nhà khoa học mà sao anh mặc cái áo giống của mấy bà bán rau ngoài chợ thế!”. Chính bác ấy thấy tôi từ Malaysia về xách chiếc valy khệ nệ hơn hẳn lúc đi đã chất vấn tôi và khuyên tôi cân thử kéo bị quá tải phải nộp nhiều cước cho hàng không. Quả nhiên, quá tài đến hơn 30kg. Tôi phải giảm tải bằng cách đưa biếu bác ấy mấy cân đường và mấy thứ rẻ tiền hơn cước phí máy bay, định rồi về Việt Nam sẽ mua đền cho người ta. Bác ấy mắng tôi “Sao anh ngu thế, chỉ biết làm khoa học thôi à! Ai lại gửi đường bao giờ. Mà gửi thì anh phải bắt góp tiền cước phí máy bay chứ”. Quả nhiên, bóc xem thử thì thấy mì chính chứ không phải đường.

 

Về đến cơ quan tôi phải viết bản báo cáo tường tận:     

 

 Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc

 

Báo cáo tình hình tham dự hội nghị Cổ Địa Từ Quốc tế

 

Người tham dự hội nghị và viết báo cáo: Nguyễn Thanh Giang, phó tiến sĩ khoa học, Trưởng phòng Địa vật lý – Liên doàn Bản đồ Địa chất – Tổng cục địa chất.

 

Tên hội nghị: Hội nghị Nghiên cứu Cổ Địa Từ vùng Đông Nam Á và Thái Bình Dương.

Địa điểm hội nghị:  Kuala Lampur, thủ đô Malaysia .

Thời gian hội nghị: Từ ngày 1 đến 5 tháng 3 năm 1982

Cơ quan tổ chức hội nghị: Tổ chức CCOP của Liên Hợp Quốc

Thành phần hội nghị: Các nhà nghiên cứu Cổ Địa Từ, nghiên cứu địa chất, cán bộ giảng dạy đại học gồm: 11 giáo sư tiến sĩ, 21 tiến sĩ và các cán bộ nghiên cứu thuộc các nước Úc, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Inđonesia, Nhật, Malaysia, Hà Lan,Tân Tây Lan, Papua New Ghine, Philippin, Thái Lan, Vương quốc Anh, Mỹ, Việt Nam.

       

Số đại biểu Việt Nam: Một

Tài chính: Ngoài vé máy bay, Liên Hợp Quốc đã cấp cho tôi 900 đola Mỹ. Tôi đã chi tiêu theo sự hướng dẫn của Đại sứ quán Việt Nam tại Kuala Lampur và đã nộp lại cho Đại sứ quán ta tai Kuala Lumpur 300 đola Mã Lai, nộp cho Đại sứ quán ta tại BangKok 180 dola Mỹ .

 

Nội dung hội nghị: Có 26 bản báo cáo khoa học được trình bày tại hội nghị: (đã được liệt kê rõ ràng).

 

Ngoài phần báo cáo, hội nghị còn có phần thảo luận chung và các yêu cầu, mục đích và phương hướng công tác nghiên cứu Cổ Địa Từ vùng Đông Nam Á và Thái Bình Dương. (cũng đã được nêu chi tiết trong báo cáo)

 

Những diễn biến ngoài hội nghị:

Vì chuẩn bị khá cập rập, lẽ ra lên đường ngày thứ 5, nhưng phải hoãn lại ngày thứ 7 (27/2/1982). Thêm vào đó đã gặp một sự không may là chiếc va li của tôi không hiểu vì sao đã bị bốc rỡ xuống Vien Chan. Đến BangKok tôi phải chờ va li chuyển đến sau 2 ngày. Do vậy, tôi đến hội nghị chậm mất một ngày.Tuy vậy tôi vẫn kịp nghe báo cáo chính, dự hội thảo và trình bầy đầy đủ báo cáo của mình .

   

Hội nghị chỉ nhằm công bố các kết quả và thảo luận về vấn đề nghiên cứu Cổ Địa Từ trong vùng Đông Nam Á và Thái Bình Dương nên vắng mặt Liên Xô và các nước XHCN. Hầu hết thành viên đều là các nhà khoa học thực thụ, vả chăng hội nghị chỉ nhằm vào một vấn đề khoa học sâu và hẹp nên nói chung trong hội nghị không đề cập đến vấn đề chính trị.

Trung Quốc chỉ cử một đại biểu (Gia Nia Hong), đại biểu này là nhà địa chất không hiểu biết về Cổ Địa Từ nên không có báo cáo và không phát biểu trong hội nghị.

       

Trong các câu chuyện ngoài hội nghị, có lần P.Untang (đại biểu Indonesia) hỏi tôi:  “Sau chiến tranh có nhiều người bỏ nước ra đi, ngài có nghĩ rằng họ sẽ trở về không?”.    Tôi trả lời: “Như ngài biết chúng tôi đã qua một cuộc chiến tranh lâu dài và nặng nề .Hậu quả của sự tàn phá làm cho chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Dăm năm nữa chắc chắn còn khó hơn nhiều. Nhưng tôi tin rằng mươi năm sau cuộc sống sẽ khá hơn rõ rệt. Khi ấy chắc một số nào đó sẽ về”. Un.tung tiếp lời: “Tôi biết các ngài đang xây dựng lại đất nước và có thể sẽ khá hơn”.

 

Kết quả hội nghị và thu hoạch:

 

Tôi bắt tay xây dựng phòng thí nghiệm và xúc tiến việc nghiên cứu Cổ Địa Từ hoàn toàn bằng cách tự tìm hiểu. Hội nghị đã chỉ cho tôi một số hướng nghiên cứu tốt. Ngoài hội nghị, tôi đã có dịp hỏi một số giáo sư, tiến sĩ nổi tiếng để giải đáp cho mình khá nhiều vấn đề mắc mớ về phương pháp đo đạc và xử lý phân tích số liệu. Tôi cũng đã nhận được trên 10 tài liệu bổ ích do các nhà nghiên cứu Cổ Địa Từ của Nhật, Anh, Úc… tặng.

 

Hôm tôi về BangKok, một đại biểu Thái Lan còn đến đại sứ quán ta mời tôi đến Cục Địa chất Thái Lan tiếp tục trao đổi. Đồng chí Đại sứ Hoàng Bảo Sơn cho đây là trường hợp hiếm có nên khuyến khích và cho phiên dịch đi cùng với tôi. Sau buổi làm việc này, Đại sứ Hoàng Bảo Sơn tỏ ý khen ngợi.

 

Đại sứ Việt Nam tại Kuala lampur đã có công văn gửi Tổng cục Địa chất phản ánh sự đánh giá tốt về chuyến đi họp này của tôi.

 

Ý kiến đề xuất:

 

Cổ Địa Từ tuy là vấn đề mới nhưng đang phát triển mạnh mẽ và thực sự có đóng góp tốt trong việc định tuổi đá, liên kết địa tầng, nghiên cứu kiến tạo nhằm phát hiện các tiền đề khoáng sản và điều tra thiên nhiên. Nước ta là nước đầu tiên trong vùng Đông Nam Á dám đặt vấn đề ứng dụng phương pháp khoa học này và đã tự xây dựng thành công bước đầu Phòng Thí nghiệm Cổ Địa Từ. Cần tiếp tục tạo điều kiện tốt đẩy mạnh công tác này với số vốn đầu tư ban đầu và chi tiêu hàng năm không quá lớn .

 

Cần khẩn trương cho mua một vài loại máy và thiết bị mới của Tiệp Khắc và của Pháp  và cho người đi thực tập tại Tiệp, Anh, Pháp, Đức hoặc Hà Lan, Úc.

Xin nhà nước cho những người làm công tác nghiên cứu Cổ Địa Từ ở Việt Nam có thể trao đổi tài liệu khoa học tương đối dễ dàng với các nước vì những tài liệu này ít liên quan đến bí mật quốc gia.

      –

Cần tạo điều kiện cho một số công trình nghiên cứu Cổ Địa Từ có giá trị được hoàn thành trong vài năm tới để năm 1989 có thể tham gia hội nghị Cổ Địa Từ Quốc tế do Liên Hợp Quốc tổ chức tại Trung Quốc.

 

                                                                                        Ngày 30 tháng 3 năm 1982

                                                                                                Người viết báo cáo

                                                                                               Nguyễn Thanh Giang

 

Để đỡ phức tạp, trong báo cáo tôi đã không kể chuyện giáo sư-tiến sỹ Michael Fuller ở trường đại học Illinoi Chicago rủ tôi sang Hoa Kỳ cùng cộng tác nghiên cứu Cổ Địa Từ, hứa sẽ bố trí cho tôi được sử dụng các thiết bị hiện đại, có độ chính xác cao hơn, miễn là tôi phụ trách phần khai thác các tài liệu bằng tiếng Nga. Ông Gia Nia Hong thì rủ tôi sang Trung Quốc làm việc (Hồi ấy Việt Nam – Trung Quốc đang hận thù nhau). Tôi từ chối khéo, bảo rằng tôi phải trở về vì đồng nghiệp Việt Nam rất trông đợi. Ông ta lại gạ tôi bay vòng qua Hồng Kông chơi….

 

Tôi đã chèo chống cật lực về chuyên môn và ngoại ngữ để giữ thể diện cho Tổ quốc, đặng góp phần nhỏ cho các nước Phương Tây thêm ngưỡng mộ Việt Nam. Tôi đã thể hiện được cái bản lĩnh “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di”, khước từ những lời mời ngọt ngào để trở về với Tổ quốc (khi ấy còn nghèo khổ hơn bây giờ nhiều, đến nỗi mấy nhà khoa học đảng viên cũng bỏ trốn đi).

 

Tưởng rằng từ đây tôi sẽ được nhìn nhận, được xóa bỏ bớt sự kỳ thị. Nhưng không ngờ, tai ương lại ập đến. Những người đã ngăn trở tôi không được, bây giờ trở nên thù ghét tôi. Chẳng thà tôi không trở về để họ được tiếng là nghiệp vụ cao. Việc tôi đi rất nghiêm túc mà lại trở về nghiêm chỉnh làm cho họ mất uy tín với cấp trên. Thế là… Lởn vởn khắp cơ quan tôi, lan cả sang cơ quan vợ tôi, những lời đồn đại rất lơ mơ, rất hiểm ác về chuyến đi của tôi. Nào là tôi đến hội nghị ấm ớ nửa tiếng Anh, nửa tiếng Nga nên bị người ta đuổi xuống. Nào là, vừa thấy xuất hiện bản đồ địa vật lý phóng xạ toàn Miền Bắc (do tôi chỉ đạo thành lập) ở Mỹ, nên công an đang điều tra xem có phải Nguyễn Thanh Giang đem sang bán không? vv… Hồi ấy, đụng đến vấn đề phóng xạ là kinh khủng lắm. Cho nên đâu đó nghĩ rằng tôi là một tội phạm tù mọt gông đang tạm thời được thả lỏng. Tôi bị lao đao điêu đứng, dở sống dở chết. Thấy ở Cục Bản đồ Địa chất không hợp nữa, tôi ngỏ ý xin đi. Bốn cơ quan, trong và ngoài Tổng cục Địa chất, hoặc ngỏ lời, hoặc viết công văn chính thức xin tôi. Công an đánh hơi thấy ở đâu sắp nhận đều dến dọa rằng tôi đang là đối tượng nghi vấn. Tôi bị cho ngồi chơi xơi nước suốt mấy năm trời. Phòng Thí nghiệm của tôi cũng tan nát. Uất ức đến nỗi có lúc tôi đã nghĩ đến cái chết.

 

Rồi, vợ con tôi cũng bị ảnh hưởng. Tôi đành viết bức thư trần tình dưới đây:

 

Hà Nội ngày 9 tháng 3 năm 1991

 

Kính gửi Ban lãnh đạo Bộ Nội vụ

 

Tôi xin khẩn thiết kính báo cáo với các đồng chí như sau:

 

Tôi là Nguyễn Thanh Giang, phó tiến sĩ khoa học, hiện công tác tại Liên đoàn Vật lý Địa chất .Tôi tham gia kháng chiến từ 1953, suốt gần 40 năm công tác, tôi luôn hết lòng vì sự nghiệp của Tổ Quốc, của Cách mạng. Tôi sống rất trung thực, trong sáng, chưa hề mắc sai sót, khuyết điểm dù chỉ đến mức phải đem ra kiểm điểm, phê bình ở nhóm, ở tổ. Trong nhiều phương diện tôi đều có ý chí phấn đấu cao và đã có một số đóng góp không quá nhỏ. Điều đáng phàn nàn là hầu hết việc làm của tôi với mong muốn và có khả năng công hiến xứng đáng hơn cho dất nước đều bị ngáng trở.

 

Năm 1982, tôi được LHQ mời dự hội nghị tại Kuala Lumpur. Người ta đã ra sức kìm giữ tôi nhưng nhờ giáo sư Tạ Quang Bửu trao đổi với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thủ tướng đã can thiệp trực tiếp để tôi được đi họp. Tại đây, tôi là người Đông Nam Á duy nhất trình bày báo cáo khoa học thuộc lĩnh vực hoàn toàn mới: Cổ Địa Từ học. Tôi rất nghiêm túc, tạo ra được một tiếng vang nhỏ cho đất nước, được bạn bè nước ngoài quí nể. Thế mà khi trở về, một số cán bộ ở A78 Bộ Nội vụ lúc bấy giờ, đã tìm mọi cách hãm hại ngầm tôi. Tôi đã phải quằn quại trong nhiều năm trời nhưng vẫn cố giữ mình sống chững chạc, làm việc nghiêm chỉnh.

    

Tháng 9/1989, tôi được mời đọc báo cáo tại Hội nghị Địa chất Quốc tế lần thứ 28. Đây là bản báo cáo khoa học đầu tiên của nước Việt Nam dưới chế độ chúng ta được trình bày tại thủ đô Hoa Kỳ.

    

Do được biết đến từ khá sớm, một số nhà khoa học nước ngoài ngỏ ý muốn sang Việt Nam cộng tác với tôi để nghiên cứu về địa vật lý và dịa chất Đông Dương.

        

Sau mấy năm trời làm mọi thủ tục xin phép nhà nước rất công phu, được Ban Bí thư, Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ đồng ý, tháng 8/1990 hai giáo sư Mỹ sang ta. Đúng ngày hai giáo sư sang, một số cán bộ Cục A25 đột nhiên đến cơ quan tôi, buộc tôi thay đổi toàn bộ nội dung, chương trình làm việc mà trước đó tôi đã báo cáo đầy đủ với các cơ quan cấp trên.

    

Hai giáo sư này là những chuyên gia địa chất, địa vật lý rất nổi tiếng, có nhiều công trình nghiên cứu trên hầu hết lãnh thổ các nước Đông Nam Á. Họ rất vui sướng được trở thành nhân vật lịch sử là những nhà địa chất Mỹ đầu tiên đến Hà Nội. Họ vừa nhận một cán bộ Viện Khoa học Việt Nam và hiện đang đào tạo cho ta một tiến sĩ địa chất Việt Nam đầu tiên tại Mỹ ở trường Đại học Ilinois-Chicago. Họ đang tổ chức một cuộc hội thảo khoa học và đã gửi giấy mời 9 cán bộ khoa học của ta sang dự từ 8 đến 19/5/1991 bằng tài trợ của Uỷ ban Hợp tác Khoa học Mỹ với Việt Nam.

      

Những việc làm của họ có thể do cảm tình với ta, có thể do động cơ riêng là muốn có vai trò lịch sử, muốn có đề tài để xin lập quĩ cho các chương trình nghiên cứu khoa học, đào tạo tiến sĩ của họ từ các công ty thăm dò, khai thác dầu khí, khoáng sản của Mỹ đang muốn vào Việt Nam trong hòa cảnh chính phủ họ còn cấm vận với ta. Dù bất kể động cơ nào, nhưng qua giao tiếp, tôi thấy họ là những nhà khoa học thực thụ và những việc làm của họ rất có lợi cho ta.

      

Thế mà, không hiểu tại sao tôi cứ bị nghi ngờ cứ bị ngược đãi. Gần đây, lại một sự việc hết sức đau lòng xẩy ra:

    

Con trai tôi, Nguyễn Giang Vũ, kỹ sư Địa Vật lý, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp từ năm 1988. Đây là một thanh niên khỏe mạnh, học khá giỏi, được bạn bè, hàng xóm và mọi người yêu mến vì hiền lành, chân thực sống rất nhân ái. Mấy năm nay, do không kiếm được việc làm hợp chuyên môn, tôi đành để cháu ở nhà vừa học vừa dạy tiếng Anh và chờ đợi xin việc làm. Ngày 01/3/1991, do vừa có chuyên môn, vừa khá tiếng Anh, cháu được nhận vào làm hợp đồng tại Trung tâm Địa Vật lý Biển. Cháu đang rất hào hứng chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để sáng 14/3/1991 lên đường công tác tại Thuận Hải thì 13/3/1991 một cán bộ A25 đến báo với thủ trưởng cơ quan là không được cho cháu đi vì “Người làm hợp đồng, không phải biên chế thì không được đi làm việc ở nơi có chuyên gia nước ngoài!?”

      

Thật là vô lý. Tôi nghĩ, đây hẳn có sự mờ ám chứ không thể là chủ trương của Đảng và Nhà nước. Một đôi lần, không kiềm chế nổi, tôi đã to tiếng với một vài cán cán bộ của Bộ Nội vụ (Nay là Bộ Công an). Nóng nẩy là điều không nên, nhưng họ đã gây nên những điều uất ức không thể chịu nổi  ….

     

Tôi luôn tôn trọng các cán bộ Bộ Nội vụ làm việc vì trách nhiệm của Đảng và Nhà nước dẫu những việc làm của họ có thể gây phiền hà cho mình. Song, không thể chấp nhận những kẻ hoặc muốn ra oai, hoặc do quan liêu, tắc trách, hoặc do nhận thức không đúng đắn mà cậy thế để làm những việc sai trái.

        

Tôi vẫn duy trì lòng tin ở tương lai, ở dân tộc tôi, ở sự đổi mới đúng đắn của Đảng. Nhưng, sao lại thế? Sao họ lại muốn ám hại cả đời con tôi? Mấy hôm nay, con trai tôi rất buồn. Tôi đã phải nói dối với con tôi, nhưng nếu nó biết (và có thể là nó đã biết) là nó cũng bị theo dõi, nghi ngờ, bị phân biệt đối xử thì với tuổi trẻ trong sáng liệu nó có chịu nổi không? Tôi đang trông chờ và rất tin rằng nó sẽ có điều kiện kế tục một số dự kiến khoa học của tôi. Song tình hình này sợ làm nó nếu không bị tâm thần thì cũng không còn thiết học hành, phấn đấu làm gì nữa. Cứ tiếp tục không có công ăn việc làm, lại sống trong vô vọng, còn có khả năng nó sẽ bị tha hóa. Nếu vậy, không chỉ họ sẽ giết chết hoài bão còn lại của tôi mà chính là họ giết cả con tôi. Gây buồn khổ quá mức chịu đựng thì có lẽ là họ đang bức tử tôi.

     

Vấn đề không phải chỉ vì con tôi. Dứt khoát không thể tha thứ cho sự lộng hành, cho những nhận thức cố hữu lạc hậu, những cách xem xét, giải quyết quan liêu, vô trách nhiệm. Nó vừa sai đường lối của Đảng, không đúng chính sách, không đúng pháp luật của nhà nước và phi đạo lý. Nó làm hại uy tín của Bộ Nội vụ, phá hoại lòng tin và gây phẫn nộ của quần chúng với nhà nước, trong khi, hơn lúc nào hết, chúng ta đang cần động viên sức đóng góp của mọi tầng lớp trong nhân dân để xây dựng đất nước. Để bảo đảm sự ổn định và phát triển .

    

Tôi tha thiết cầu mong sự quan tâm của các đồng chí. Xin kính chúc sức khỏe của các đồng chí.

                                              

                                                                                                        Trân trọng.

                                                                                               Nguyễn Thanh Giang

 

Ít lâu sau tôi mới biết được rằng những dầy vò đầy ải xẩy ra với tôi sau chuyến đi nước ngoài đầu tiên đó không chỉ gây bởi chính sách kỳ thị về lý lịch của Đảng mà còn do “đòn thù” của một cán bộ công an.

 

ĐVT là một sỹ quan công an của Bộ Nội vụ được phân công theo giõi Cục Bản đồ Địa chất. Vợ hắn công tác ở Cục này. Không biết vợ hắn có tằng tịu với kỹ sư HTD trong cùng cơ quan không nhưng vợ hắn hẹn gặp kỹ sư HTD ở vườn hoa Cột Cờ vào một buổi tối, bảo là để nhờ vả mua bán gì đó, vì sáng hôm sau, nhà địa chất này sẽ bay sang Indonesia dự một Hội thảo Quốc tế về Địa Mạo – Đệ tứ. Hai người vừa ngồi trò chuyện trên ghế đá chưa lâu thì ĐVT xông tới hô toáng lên. “Ôi bà con ơi, thằng này ăn cướp vợ của tôi”. Ba bốn đồng bọn của ĐVT ùa vào đấm đá túi bụi bằng các ngón đòn tra tấn của công an. HTD phải vào bệnh viện cấp cứu, bỏ mất chuyến đi tư bản rất hiếm hoi đối với cán bộ của ta lúc bấy giờ. Cơ quan của chúng tôi rất bất bình, đã gửi công văn lên cấp trên phàn nàn về vụ việc này và nhận được phản hồi từ Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu. ĐVT nghi tôi là người đã giúp đưa đơn tố cáo của HTD lên ông Tố Hữu. Hắn trù diệt tôi tàn bạo đến mức Trời cũng căm phẫn và ra tay trừng trị hắn. Vào dịp hắn bị cơ quan xử lý kỷ luật nên buồn tủi mà phát bệnh, vợ con hắn càng chán hắn, bỏ bê không chăm sóc. ĐVT đã treo cổ tự tử ngay trên đầu giường anh ta.

 

Năm 1989 tôi được mời sang dự Hội nghị Địa chất Quốc tế lần thứ 28 ở Washington D.C. Lần này thủ tục trong nước khá dễ dàng vì có ông Phạm Quốc Tường- Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng làm trưởng đoàn. Cùng đi có ông Nguyễn Khắc Vinh – viện trưởng Viện Địa chất và Khoáng sản và ông Trần Mạnh Quảng. Hồi ấy Hà Nội chưa có Đại sứ quán Hoa Kỳ, phải sang Thái Lan mới lấy được viza vào Mỹ. Người xếp hàng ở Phòng cấp viza vào Mỹ ở Thái Lan khá đông nhưng được lần lượt gọi tên cho vào rất nhanh. Đến lượt tôi, người thường trực vừa dở hộ chiếu ra xem bỗng vẫy tay và hô to: “Eh, ViCi”. Thế là một lính Mỹ đen cao chừng hai mét, to như Hộ pháp, quấn quanh người đủ súng ngắn, dùi cui, bộ đàm …. cứ ắc ê theo sau tôi đúng cự ly ba mét. Tuy vậy viza vào Mỹ của tôi được cấp khá nhanh với thời hạn không chỉ ba tháng mà một năm. 

 

Sự kỳ thị của nước ngoài đối với tôi còn xẩy ra hôm tôi xuống sân bay Kuala Lumpur. Như đã nói, sang Malaysia năm 1982 là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tôi. Vì đi lần đầu rất tớ ngớ, không biết mô tê răng rứa ở đâu. Xuống đến sân bay tôi phải tính toán chen chân làm sao để lúc nào cũng đi ở giữa dòng người. Vì sao vậy? để người ta đi đâu thì mình theo đi đấy, người ta làm gì thì mình đủ thì giờ quan sát để biết cách mà làm theo. Không đi đầu được vì không biết đâu mà đi. Không được để mình đi ở sau cùng vì xong việc ở chỗ này, tất cả đã đi sang chỗ khác, mình còn đứng lại thì sau đấy chẳng còn biết theo ai. Thế mà lúc đứng trình hộ chiếu, người ở các nước khác đều được duyệt qua rất nhanh. Riêng hộ chiếu Việt Nam của tôi bị soi rất kỹ. Họ phải điện thoại đi điện thoại lại để hỏi đâu đó. Mọi người đã đi hết, tôi phải chạy tìm mãi mới thấy được người cùng trên chuyến bay với mình để biết rằng phải đứng ở chỗ ấy để chờ lấy hành lý.

 

Năm 1991 tôi cầm đầu một phái đoàn 12 người sang Hoa Kỳ để làm một seminaire về địa chất Đông Dương ở Đại học IIinoi Chicago và Đại học Texas A&M. Đây là phái đoàn  lớn nhất của Việt Nam Cộng sản “đổ bộ” vào Mỹ, tính cho đến năm ấy. Lớn không chỉ tính theo số lượng mà còn ở chất lượng. Hầu hết đều là các Phó giáo sư-tiến sỹ có hàm cục, vụ, viện: PGS.TS Tô Linh, vụ phó một vụ  ở Văn phòng Phủ Thủ tướng; PGS.TS Nguyễn Trọng Yêm, viện trưởng Viện Điạ chất, Viện Khoa học Việt Nam: PGS.TS Trần Văn Trị, cục phó Cục Địa chất và Khoáng sản; TS Nguyễn Giao, viện phó Viện Dầu Khí, kỹ sư Nguyễn Xuân Bao, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ Địa chất, PGS.TS Tăng Mười, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Vật lý – Địa chất… Tôi vừa là người ngoài Đảng duy nhất, vừa có chức vụ chính quyền nhỏ nhất, nhưng là trưởng đoàn vì chính là tôi và bà J. Ladinsky – Chủ tịch Ủy ban hợp tác khoa học với Việt Nam và Lào của Hoa Kỳ đã tác tạo nên chuyến đi này. Tiền tổ chức Seminaire rút từ quỹ của chương trình Hợp tác Nghiên cứu Địa chất Đông Đương giữa tôi với hai giáo sư Mỹ mà tôi gặp ở Hội thảo Quốc tế về Cổ Địa Từ ở Kuala Lumpur. Thành phần đoàn đi gồm những ai đều do tôi chỉ định và bà Ladinsky viết giấy mời. Còn một lý do nữa để tôi phải là trưởng đoàn vì trong cả đoàn đi, chỉ mình tôi khá tiếng Anh hơn cả.

 

Tôi còn phải cầm đầu một đoàn 5 người đi Trung Quốc vào năm 1994. Năm đó tôi đề xuất tổ chức Hội thảo Địa Vật lý Quốc tế ở Hà Nội. Vì chức vụ bé, lại không Đảng nên tôi chỉ là Trưởng Ban Tổ chức. Tuy nhiên khách nước ngoài chủ yếu giao dịch với tôi. Về nước, phía Trung Quốc gửi thư mời tôi tổ chức cho một đoàn khách sang thăm. Chủ yếu là họ muốn giới thiệu sự “vĩ đại” và chào mời mình mua máy Địa Vật lý của họ. Chỉ là một phái đoàn rất nhỏ nhưng chúng tôi được chiều chuộng hết mức. Cho nên tôi nghĩ rằng chuyện sa bẫy của ông Lê Khả Phiêu rất dễ có thực. Chỉ mươi ngày, chúng tôi được nếm hàng trăm món sơn hào hải vị. Có cả mỹ nữ hay ra vào phòng riêng chăm sóc chu đáo, đôi khi có cử chỉ đưa tình.

 

Năm 1996 tôi lại được mời sang Đại học UCLA ở Los Angeles. Giấy mời như sau:

 

Tiến sỹ Giang thân mến

 

Tôi rất vui lòng mời ông đến Trường Đại học Tổng hợp UCLA từ 15 đến 30 tháng 4 năm 1996 nhằm thăm viếng khoa Các Khoa học về Vũ trụ và Trái Đất. Tiến sỹ David Jackson, giám đốc Trung tâm Động đất Nam California sẽ mời ông tham quan các thiết bị nghiên cứu tại Bộ môn của ông ấy và sẽ giới thiệu ông với các bạn đồng nghiệp.

 

Tại đây chúng tôi mong ông có thể thuyết giảng trong Bộ môn và trình bầy về các hoạt động của Hội Địa Vật lý Việt Nam. Chúng tôi cũng hy vọng rằng cuộc thăm viếng của ông sẽ đặt cơ sở cho sự hợp tác nghiên cứu trong tương lai giữa các Khoa học về Trái Đất và Vũ trụ của UCLA và Hội Địa Vật lý Việt Nam.

 

Các chương trình Hải ngoại và Nghiên cứu Quốc tế của UCLA sẽ giúp ông liên hệ với ký túc xá của Khoa. Hội Hữu nghị Việt Nam Hoa Kỳ sẽ chu cấp toàn bộ chi phí về việc đi lại cũng như chi phí ăn ở trong thời gian ông ở Hoa Kỳ.

 

Chúng tôi mong được ông chấp nhận lời mời của chúng tôi và trông chờ chuyến viếng thăm của ông.

 

Trân trọng

John N. Hawkins

Chủ nhiệm Các Chương trình Hải ngoại và Nghiên cứu Quốc tế-Giáo sư về Giáo dục So sánh.

 

Vì mấy năm trước đó tôi đã có một số bài viết kêu gọi Đổi Mới mạnh hơn chủ trương của Đảng nên bị coi là ăn phải bả Phương Tây nên chuyến đi này lại bị ngăn chặn. Đấu tranh căng thẳng mệt mỏi quá rồi, tôi đành buông xuôi. Bỗng nhiên một hôm thủ trưởng cơ quan động viên tôi: “Chuyến đi vừa qua đã nhỡ nhưng nếu ông có giấy mời lại thì có khi ông sẽ được đi đấy”. Tôi không tin lắm, nhưng khi nghe thêm một cán bộ bảo vệ của Tổng cục Địa chất cũng nói như thế thì tôi quyết định viết thư thông báo với UCLA rằng tôi có thể sắp xếp thời gian để sang vào học kỳ Mùa Thu. Nhận được giấy mời lần hai, quả nhiên hầu như có người giúp tôi làm thủ tục xuất cảnh một cách rất xuôn xẻ. Trước khi đi, công an tổ chức bũa tiệc liên hoan khá linh đình tại một nhà hàng sang trọng gồm hai đai tá, một thiếu tá, một đại úy. Vừa ăn tôi vừa sót ruột, nghĩ rằng họ moi quả này nặng quá. Ăn xong tôi rút ví thanh toán nhưng bị ngăn lại: “Hôm nay chúng tôi chiêu đãi anh bằng tiền của cơ quan”. 

 

Sau này tôi mới biết chính thủ tướng Võ Văn Kiệt đã can thiệp trực tiếp cho chuyến đi của tôi. Số là, vào năm 1995 do khác biệt về nhận thức, bị phe Lê Đức Anh và Đỗ Mười  dồn ép, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tung ra bức “Thư gửi Bộ Chính trị”. Bức thư này bị săn lùng ghê gớm mà hậu quả là Lê Hồng Hà và Hà Sỹ Phu bị vào tù. Tôi viết bài “Thế nào là định hướng đúng” (ghi lại ở Phụ chương dưới đây) bênh vực Võ Văn Kiệt. Bài này không chỉ được công chúng trong, ngoài nước đánh giá cao mà còn làm cho giới lãnh đạo cũng phải suy ngẫm nên đã bồi sức được cho Võ Văn Kiệt. 

 

Chỉ ai oán ở chỗ, đúng ngày tôi được lên máy bay để thưởng công cho bài viết bênh vực “Thư gửi Bộ Chính trị” thì hai người, Lê Hồng Hà và Hà Sỹ Phu, có công phổ biến bức thư đó lại phải ra trước vành móng ngựa! 

 

Lộc trời chỉ được hưởng có vậy. Năm 1997 tôi được mời dự Hội nghị Quốc tế về Địa học ở Thụy Sỹ. Mặc dù vé máy bay đã được gửi cho tôi, báo cáo khoa học của tôi đã được ban tổ chức Hội nghị Địa Vật lý Quốc tế lần thứ 59 của Hội các nhà Địa học và Kỹ sư Châu Âu đưa vào chương trình và sắp xếp trình bầy từ 14h50’ đến 15h15’ tại Hội trường 1, Khu hội nghị Palexpo, Geneva, Thụy Sỹ, nhưng người ta đã giở mọi thủ đọan để ngăn trở thành công. Khi họ đưa hộ chiếu cho tôi thì Hội nghị chỉ còn một ngày là bế mạc.

 

Sau đó tôi còn nhận được giấy mời đi Hội nghị Khoa học Quốc tế ở Brazin, ở Úc … nhưng tôi đã “Từ nay khép cửa phòng thu/ Không tu thì cũng như tu mới là”!      

 

PHỤ CHƯƠNG

Thế nào là định hướng đúng?

Trong 5 thành tựu lớn ghi trong dự thảo báo cáo chính trị của ban chấp hành trung ương đảng CSVN khóa VII, thì hai thành tựu nổi bật có thể biểu diễn bằng những số liệu cụ thể.

Một là: “Đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế-xã hội, lần đầu tiên hoàn thành vượt mức nhiều mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm”(1).

Hai là: “Phát triển mạnh mẽ quan hệ đối ngoại, phá thế bị bao vây, cô lập, tham gia tích cực vào đời sống của cộng đồng quốc tế”(1).

Chưa bao giờ trên đất nước ta niềm mơ ước “tứ hải giai huynh đệ” lại được hiện thực hóa tích cực như những ngày gần đây. Trước kia, dưới khẩu lệnh “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại”, vòng tay hữu ái giai cấp của ta dẫu giang rộng đến mấy cũng không vượt nổi kích cỡ của con số 81.

Vậy mà, “Đến nay nước ta có quan hệ ngoại giao với 160 nước, có quan hệ buôn bán với trên 100 nước. Hơn 50 nước và vùng lãnh thổ đã đầu tư trực tiếp vào nước ta. Nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế dành cho ta viện trợ không hoàn lại hoặc cho vay để phát triển…”(1).

Nhờ vậy, vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) tăng khá nhanh. Vốn đăng ký của các dự án được cấp giấy phép đã ở con số 18 tỷ USD.

Cho đến 1986, nếu kim ngạch xuất khẩu mới ở mức 439 triệu rúp + 350 triệu USD, thì năm 1995 đã tăng lên 4,7 tỷ USD, làm cho tổng kim ngạch 5 năm (1991-1995) đạt trên 16 tỷ USD, vượt chừng 20% so với kế hoạch.

Đúng như lời thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Việt Nam đơm hoa kết trái trên mặt trận đối ngoại tích tụ từ sự phát triển kinh tế năng động và sự ổn định của đất nước…”(2).

Được vậy là nhờ đổi mới đường lối đối ngoại của đảng, từ: “tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc…”(3), sang: “đa dạng hóa và đa phương hóa, tranh thủ tối đa mặt đồng, hạn chế mặt bất đồng…. Mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước theo nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi…”(4), và: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”(4).

Thế giới quan của chúng ta đã được cải tạo để không chỉ nhìn thấy đen trắng, mà vươn tới khả năng nhìn được bảy màu của quang phổ chính trị quốc tế.

Khối lượng và mật độ thành tựu trên lĩnh vực ngoại giao của ta trong mấy năm gần đây lớn hơn toàn bộ các thi kỳ trước của đảng CSVN. Chỉ riêng việc liệt kê các thành tựu chính trong lãnh vực này đã thấy ngổn ngang: “khôi phục quan hệ bình thường và phát triển sự hợp tác nhiều mặt với Trung Quốc; tăng cường quan hệ và đoàn kết hữu nghị đặc biệt với Lào; phát triển quan hệ với các nước láng giềng khác, các nước trong khu vực, trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức ASEAN; củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống với nhiều nước, từng bước đổi mới quan hệ với các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và Đông Âu; mở rộng quan hệ với các nước công nghiệp phát triển, các tổ chức quốc tế và khu vực; bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ; thiết lập và mở rộng quan hệ với nhiều nước Nam Á, Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ La Tinh”(1).

Phải chăng vì ngổn ngang như vậy mà cách sắp xếp của phần này trong Dự thảo chưa hợp lý và có chỗ hơi ngược.

Tuy còn phải bàn thêm, nhưng ít ra cách sắp xếp của thủ tướng Võ Văn Kiệt có phần hợp lý hơn khi ông nói: “Các sự kiện mới là Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN, ký kết hiệp định khung với Liên minh châu Âu (EU), bình thường hóa quan hệ với Mỹ…”(2).

Dẫu vậy, ngoại giao trong thời kỳ này có hạn chế rất cơ bản là chúng ta mới chỉ chủ yếu mở ra mối quan hệ về kinh tế, trong khi những đòi hỏi hội nhập với cộng đồng quốc tế lại bao gồm rất nhiều lãnh vực khác rất quan trọng như: thông tin, khoa học-công nghệ, chính trị, tư tưởng, giáo dục và đào tạo….

Để có thể hội nhập tốt hơn vào cộng đồng thế giới đặng “tiếp tục tiến lên trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp và chứa đựng nhiều yếu tố khó lường hết được”(1), ta cần nhìn các vấn đề quốc tế xác thực.

Không được minh bạch lắm khi Dự thảo viết: “Các nước xã hội chủ nghĩa, các đảng cộng sản và công nhân, các lực lượng cách mạng tiến bộ trên thế giới kiên trì đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội”(1).

Các nước gọi là xã hội chủ nghĩa hiện nay đếm không hết mấy ngón tay trên một bàn tay. Lực lượng đã nhỏ nhoi vậy lại không thống nhất được như một lực lượng chính trị-kinh tế. Mấy thập kỷ gần đây, chính các lực lượng này lại thường gây chiến tranh, quấy động hòa bình thế giới: chiến tranh Trung-Xô, chiến tranh Trung-Việt, chiến tranh Việt Nam-Campuchia, chiến tranh Nga-Tsesnưi, nội chiến giữa các cộng đồng trong Liên bang Nam Tư cũ…. Hiện giờ là eo biển Trung Quốc-Đài Loan, biên giới Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (Bắc) Triều Tiên, đảo nhỏ Cuba… đều là những điểm nóng nhức nhối của địa cầu.

(…… lược bớt)

Trong các “Khuyết điểm và yếu kém”, có lẽ khuyết điểm “Trong phát triển kinh tế nhiều thành phần, việc lãnh đạo xây dựng quan hệ sản xuất mới có phần vừa lúng túng vừa buông lỏng” (1) dễ liên hệ hơn cả với sự quy kết về chệch hướng XHCN.

Ở đây, đối với kinh tế tư nhân, dự thảo báo cáo nêu lên hai mặt. Một mặt là chưa giải quyết tốt một số chính sách để khuyến khích kinh tế tư nhân phát huy tiềm năng. Mặt khác, chưa quản lý tốt thành phần kinh tế này.

Đối với quốc doanh, chỉ thấy kiểm điểm “Chậm tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách để tạo động lực và điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân”(1).

Kiểm điểm như vậy rõ ràng thiên lệch và từ đây không định ra được phương thức chỉ đạo nền kinh tế quốc dân phát triển tốt hơn.

Đúng là trong thời gian qua, do luật pháp chưa hình thành đầy đủ và chưa được thực thi nghiêm túc nên kinh tế tư nhân lợi dụng luồn lách buôn lậu, trốn thuế…, làm cho có lúc, có nơi, thị trường bị quấy đảo. Tuy nhiên, vừa mới được vực dậy sau những trận càn quyết liệt của các chiến dịch hợp tác hóa, cải tạo công thương…, lại bị đối xử chưa được bình đẳng lắm mà các doanh nghiệp tư nhân vẫn mọc lên như nấm. Dẫu còn sơ khai, manh mún, nhưng cho đến nay, trong nông nghiệp, kinh tế hộ giữ vai trò chủ yếu, và lực lượng kinh tế các thành phần ngoài quốc doanh đã chiếm tới 60% sản phẩm quốc nội (GDP).

Điều đó chứng tỏ sức sống của kinh tế tư nhân mãnh liệt chừng nào, tiềm năng kinh tế tư nhân lớn lao biết bao nhiêu!

Buôn lậu, trốn thuế… đâu chỉ là khuyết tật của kinh tế tư nhân. Nhiều lúc, nhiều nơi, các thành phần kinh tế nhà nước còn phạm các tội này lớn hơn, nguy hiểm hơn.

(……. lược bớt)

Trong khi lực lượng kinh tế các thành phần ngoài quốc doanh tạo ra tới 60% GDP, thì kinh tế quốc doanh chỉ đóng góp được khoảng hơn một nửa con số đó. Đã vậy, các con số thống kê doanh nghiệp nhà nước lại rất khó xác định là đúng đắn. Tình trạng lãi giả, lỗ thật rất phổ biến. Một công ty thuốc lá địa phương có năm nộp ngân sách được 52 tỷ đồng nhưng chính năm đó lại lỗ 3,5 tỷ và lỗ lũy kế là 7,7 tỷ đồng. Một nhà máy Bia nộp ngân sách 18,8 tỷ đồng nhưng lỗ trong năm là 3,1 tỷ đồng….

Nhiều doanh nghiệp nhà nước đang là các bầu sữa tong teo của của nhân dân bị vắt ra đau đớn để nuôi béo một bọn người vừa bất tài, vừa vô trách nhiệm, vừa phi nhân bản.

Giám đốc một công ty Khách sạn-Du lịch hạng xoàng, doanh thu chỉ 1,8 tỷ đồng/năm, nhưng chỉ riêng tiền chi cho hắn tiếp khách mỗi tháng mất khoảng 17 triệu đồng, trong khi lương bình quân của cán bộ công nhân viên làm việc cho hắn chỉ được 166 ngàn đồng/tháng.

Thu nhập của người lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước nói chung vừa thấp, vừa không công bằng giữa các đơn vị, giữa các lĩnh vực. Ngay trong từng đơn vị, việc phân phối cũng chưa gắn bó với năng suất lao động, nhất là ở các đơn vị gặp khó khăn. Trong khi công nhân phải nghỉ việc không có lương hoặc chỉ nhận được đồng lương chết đói, thì người có chức, có quyền vẫn chi tiêu xa hoa, lãng phí.

Vậy mà, sao vẫn phải “tập trung các nguồn lực để phát triển kinh tế nhà nước” và gán ghép cho nó cái chỉ tiêu chiếm tỷ trọng 60% GDP?

Liệu có làm thế nào trong dăm năm tới đạt được chỉ tiêu đó không? Hay là, nó chỉ đạt được tỷ trọng đó khi GDP phải teo lại?

Liệu có ai thích cái cơ chế đó chỉ vì còn muốn lợi dụng nó để biến một số phần tử trong “giai cấp mình” thành những tên tư bản đỏ – những tên tư bản được đề bạt, được chỉ định, được bao cấp, được bảo vệ bằng chuyên chính vô sản? Chính những tên này không chỉ bóc lột dã man hơn mà còn đục ruỗng nền kinh tế tàn tệ hơn bất cứ loại tư sản nào!

Phải chăng chính vì vậy mà người ta ngụy tạo ra đủ thứ: kinh tế dân sự, kinh tế đoàn thể, kinh tế đảng, kinh tế lực lượng vũ trang… nhằm khuấy đục cả xã hội lên để nuôi béo những con cò?

Không hiểu vì sao chúng ta lại cứ phải luẩn quẩn, tơ vương mãi với cái định đề rất mập mờ chất chứa trong bản thân nó đầy những mâu thuẫn không giải quyết được: “Xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, theo định hướng XHCN”.

Nhiều người khuyên can rằng không nên duy danh định nghĩa làm gì. Các cụ nói “dzậy” mà không phải “dzậy” đâu. Thấy thế nào đúng thì cứ tự ý mà làm, đừng có bàn cãi rồi mang vạ vào thân.

Không thể như vậy được, vì đã danh không chính thì ngôn không thuận, ngôn không thuận thì hành không thể thông được.

Nhỡn tiền đã rõ đấy. Sở dĩ ta cứ phải ép buộc phát triển kinh tế quốc doanh chỉ vì phải định hướng XHCN. Mặc dù để cứu vớt sự sống còn, tình hình quá bức bách buộc phải thay đổi rất nhiều điều cơ bản và phải biến hóa gần như hoàn toàn khác rồi, nhưng ai đó vẫn ngoan cố không dám phủ định chính mình khi hơn một lần đã khẳng định: “Công cuộc Cách mạng XHCN phải là một quá trình cải biến Cách mạng về mọi mặt nhằm đưa nền kinh tế chủ yếu dựa trên sở hữu cá thể về tư liệu sản xuất tiến lên nền kinh tế XHCN dựa trên sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể”(6).

Thế vậy rồi cứ phải quanh quanh co co. Từ chỗ coi đặc trưng cơ bản của nhà nước XHCN là thủ tiêu phát triển kinh tế hàng hóa, đến chỗ phải thừa nhận kinh tế thị trường. (Mà, kinh tế thị trường là kinh tế hàng hóa phát triển ở trình độ cao). Buộc phải thừa nhận sản xuất hàng hóa và lưu thông hàng hóa nhưng lại vẫn cứ rào trước đón sau rằng: đất đai, nhà xưởng, hầm mỏ, cầu cống, sức lao động, chất xám không phải là hàng hóa, chúng không thể được sử dụng làm đối tượng mua bán tự do!

Sự lập lờ không rõ trắng đen, không ra tiến chẳng ra thoái đã trở nên rất nguy hiểm.

Nào phải chỉ trong lãnh vực đấu tranh chính trị, tư tưởng văn hóa, mà ngay trong lãnh vực kinh tế cũng có bao nhiêu bậc tài trí đã chết một cách oan uổng, tức tưởi. Điển hình là bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú: Kim Ngọc!

Đã nói rằng: “kinh tế thị trường có nhiều mặt mâu thuẫn với bản chất của XHCN” (1), mà mâu thuẫn về bản chất tức là mâu thuẫn đối kháng rồi, thì làm sao có thể hợp sức để xây dựng nên một cái gì lành mạnh, tốt đẹp.

Sự lập lờ phải chăng là cần thiết để tạo cơ sở cho thói ngụy biện; cứ hễ những gì xấu, những gì sai thì đổ tội cho kinh tế thị trường; những gì làm đẹp lòng mọi người thì bảo là do định hướng đúng XHCN? Phép bùa này đã từng đi vào dân ca: “mất mùa là tại thiên tai, được mùa bởi có thiên tài đảng ta”!

Ông Đặng Tiểu Bình đã cứu cả xã hội Trung Quốc khổng lồ đang ì ạch suy thoái ra khỏi khủng hoảng với nguy cơ sụp đổ nhờ câu thần chú “mèo trắng, mèo đen miễn bắt được chuột”. Ta vốn “sính” học tập Trung Quốc, nhưng ý chừng lần này lại muốn cải biến thành “bắt được chuột phải gọi là mèo trắng, vô dụng thì trắng, vàng, tam thể đều phải gọi là mèo đen”.

Như vậy thì thật là nguy hiểm. Có thể sau một vài thành quả ban đầu, “kinh tế ngầm” sẽ nổi lên, Ma-fia đủ loại sẽ khống chế nền kinh tế và nguy hiểm hơn, xã hội mắc chứng loạn thị, trắng đen, phải trái bị lộn xòng, nền văn hóa cũng không còn là văn hóa.

Hãy nghe Khổng Tử nói: “Chính giả chính dã, tử suất dĩ chính, thực cảm bất chính?… Kỳ thân chính, bất lệnh như hành; kỳ thân bất chính, tuy lệnh bất tòng” (Chính trị là làm mọi việc cho ngay thẳng, lấy ngay thẳng mà khiến người thì ai dám không ngay thẳng?… Mình ngay thẳng thì không sai khiến người ta cũng làm; mình không ngay thẳng thì có sai khiến cũng không ai làm theo).

*

Nên chăng, chỉ cần xác định đơn giản, rõ ràng, hợp lý hơn: “Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước” với những định hướng cụ thể, thiết thực như sau:

– Dân giàu, nước mạnh, bảo đảm công bằng xã hội, tôn trọng tự do, dân chủ.

– Nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự, bảo đảm chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân.

– Chấp nhận và phát huy những giá trị của thế giới văn minh trên cơ sở bảo vệ độc lập chủ quyền và bản sắc văn hóa của dân tộc….

– Văn minh hiện đại gắn liền với bảo vệ môi trường thiên nhiên và cảnh quan lịch sử của đất nước.

Ngày 1 tháng 5 năm 1996                                                                                                Nguyễn Thanh Giang

Chú thích của tác giả:

(1)     Dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH/TƯĐ khóa VII trình đại hội lần thứ VIII của Đảng CSVN.

(2)     Báo cáo của Chính phủ do thủ tướng Võ Văn Kiệt trình bày tại kỳ họp lần thứ 8 Quốc hội khóa IX.

(3)     Báo cáo chính trị trình bày tại đại hội lần thứ VI đảng CSVN.

(4)     Báo cáo Chính trị trình bày tại hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII Đảng CSVN. (5) Nguyễn Văn Tri, tạp chí Thông Tin Lý Luận, tháng 1-96.

(5)     Nghị quyết của đại hội lần thứ III Đảng CSVN.

*

Trên đây là bài viết cổ súy tức thời bức thư của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Mới đây, học giả Nguyến Trung đã cung kính tưởng niệm bức thư đó qua bài viết “Hai mươi năm bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (09.8.1995 – 09.8.2015)”. Tác giả Nguyễn Trung mở đầu bài viết của mình như sau: “Bước vào tuổi 80, tôi không ít những ký ức vui và buồn. Một trong những ký ức đeo đuổi tôi dai dẳng nhất, đó là bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngày 09-08-1995 gửi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, kiến nghị Đảng phải thay đổi gần như tất cả, để trở thành một đảng khác, ngõ hầu có thể đưa đất nước lên con đường của phát triển”.

 NGUYỄN THANH GIANG

 

 

 

 

 

 

Comments are closed.