Người khách lạ trong vườn

Tạp bút Trần Mộng Tú

Sáng nay khi ra vườn sau, tôi khám phá có một người khách lạ, vào ở lại trong vườn mà chẳng hỏi han tôi câu nào. Chị thản nhiên chọn một chỗ sát tường dưới gốc mấy cây Diên Vỹ đang ngập ngừng ra nụ. Chị giang hai tay gạt đám dăm bào (barks) chung quanh tạo cho mình một cái vòng tròn, chị nằm xuống nhẹ nhàng, rồi mang ra từ hai cánh tay áo mình từng cái trứng, đặt vào nơi cư ngụ mới. Chị nằm ôm những cái trứng vừa lăn ra từ thân thể mình, ôm rất gọn và rất kín. Tôi không biết bao nhiêu cái. Tôi không dám đến gần sợ kinh động, chị sẽ bỏ đi thì tội nghiệp những cái trứng. Chị mặc một chiếc áo màu nâu, chỗ nhạt chỗ đậm. Chị trông giản dị, không son phấn. Trông chị đúng là điển hình cho một người mẹ. Hai mắt chị tròn xoe khi thấy tôi, trong ánh mắt có điều lo sợ. Tôi không dám lại gần chị. Tôi rón rén đi thật nhẹ vào nhà, nhờ chồng ra chụp hình chị đang nằm ấp trứng.

Cũng phải đi rất nhẹ, không dám nói to mới chụp được tấm hình Mẹ Vịt đang ấp trứng.

image

Hình Vịt Mẹ ấp trứng sát tường.

Chụp xong hai vợ chồng vào nhà đặt bao nhiêu câu hỏi:

Liệu đêm nay có con mèo rừng nào ngửi thấy mùi vịt vào ăn cả Mẹ Vịt lẫn Trứng Vịt không? (Vườn nhà tôi phía sau là đường dẫn vào một bìa rừng nên thỉnh thoảng hươu, nai, mèo rừng đi vào vườn tìm thức ăn).

Bao nhiêu ngày thì trứng sẽ nở?

Gõ cửa, hỏi ông Google, thì được ông hướng dẫn đầy đủ:

Trước tiên không được cho Vịt Mẹ ăn, thức ăn mình đem ra có thể dụ những con thú khác tới ăn, sẽ nguy hiểm cho mẹ con chị. Trước khi nằm ấp trứng, chị đã tự ăn no dự trữ cho vài ngày rồi. Chị sẽ sanh mỗi lần vài trứng, số trứng có thể từ năm, bảy cho đến mười hai cái. Tuy không sanh cùng một ngày nhưng trứng sẽ nở cùng một ngày. Chị sẽ tự đi tìm thức ăn lấy khi đói và sẽ quay lại với trứng. Trứng sẽ nở trong vòng hai bảy, hai tám ngày (Lâu quá!). Mẹ Vịt sẽ biết cách dắt các con ra hồ ngay cả khi hồ cách nơi ấp trứng xa cả dặm đường. (Sống ở đây lâu, chúng tôi đã từng thấy cảnh sát ngưng các xe lại cho Mẹ Vịt dắt một đàn con qua đường nhiều lần rồi).

Vậy điều quan trọng là tối nào tôi cũng phải cầu nguyện cho Mẹ Con Nhà Vịt an toàn trong thời gian gần ba mươi ngày này.

Các cháu tôi có sang chơi tôi sẽ không cho ra vườn sau, và nhất là không dám cho chúng biết là có Mẹ Con Vịt đang trú ngụ ở đó, sợ chúng kéo nhau ra xem làm kinh hoàng Vịt Mẹ, tội nghiệp.

Gần ba mươi ngày nữa Mẹ Vịt sẽ có một đàn con năm, bảy đứa hoặc đông hơn nữa. Mẹ Vịt có yêu chúng đồng đều như nhau không? Có yêu cái con mũm mĩm hơn cái con còi cọc không?  Rồi các con chỉ loanh quanh bên Mẹ khi còn cần mẹ chăn dắt. Tới khi đủ lông, đủ cánh sẽ bỏ Mẹ, bỏ đàn mà đi giống con người không?

Người bắt chước Vịt hay Vịt bắt chước người nào ai biết được.

Tháng Năm đang tới, tháng mọi người nhớ tới và nghĩ tới tình yêu thương của Mẹ cho mình.

Chắc chắn khi chiến tranh hoạn nạn, Mẹ mình cũng dắt con đi trú ẩn vườn người, trong một vùng đất xa lạ nào đó, Mẹ mình cũng lo kẻ lạ, người dữ làm tổn thương con. Mẹ mình cũng khập khễnh đi trước dắt con qua những chặng đời như Mẹ Vịt dắt con băng qua đường lộ đến hồ nước là nơi sinh sống của bầy đoàn.

Trời sinh Mẹ Vịt có bộ óc và trái tim giản dị nên Mẹ Vịt làm xong việc mang con ra bờ hồ nước là bổn phận chu toàn. Mẹ của con người có trái tim và trí óc rất kỳ diệu nên tình mẫu tử vô bờ. Mẹ mình theo con đến sơn cùng thủy tận từ khi con còn non dại và ngay cả khi con đã trưởng thành, nhất là những lúc con gặp khốn khó trong đời. Mẹ mình sẵn sàng nuôi những đứa con yếu kém, tàn tật, cho tới khi mẹ nhắm mắt. Con dù bao nhiêu đứa, mẹ vẫn không bỏ đứa nào, khổ cực bao nhiêu mẹ vẫn chịu được.

Thượng Đế sinh ra Người Mẹ có sức chịu đựng bền bỉ và một sự hy sinh lạ thường, nên người ta mới có câu:

“Thượng Đế không ở khắp mọi nơi cho mọi người trong cùng một lúc được, nên Ngài đã tạo ra Người Mẹ”.

Tôi đếm từng ngày, cầu xin cho Mẹ con nhà Vịt được bình an dưới mái hiên sau nhà. Những cái trứng sẽ nứt ra, những tiếng kêu ríu rít sẽ tranh nhau cất lên, rồi chúng sẽ tranh nhau rúc vào cánh Mẹ.

Tôi biết khi nhìn hình ảnh đó, thế nào mình cũng khóc.

Tháng 5/2019

Comments are closed.