Người thầy tôn vinh cái đẹp của nghệ thuật trong văn chương

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Tôi thường gọi ông là “thầy” dù không được học ông một giờ nào, bởi tôi được ảnh hưởng khá nhiều về kiến thức và cách suy nghĩ về Giáo dục của ông. Tôi gọi ông là “thầy”, cũng là gọi thay cho cả con gái tôi – đứa con gái yêu văn mà tôi từng hứa hẹn đưa tới thăm ông, nhưng giờ vĩnh viễn đã không thể thực hiện được lời hứa đó… Và tôi còn mắc nợ con gái mình lâu nay một điều, liên quan đến người thầy đáng kính vừa qua đời…

Món nợ đó là: mấy năm trước, khi con tôi vào phổ thông cơ sở, bảo tôi phụ đạo cho môn ngữ văn, song tôi cứ lần khân. Bận thì đã đành, song chủ yếu là tôi thấy kinh sợ lối dạy và học văn ở phổ thông hiện tại quá chừng (mà chúng cũng là sản phẩm, là kết quả, là sự kế thừa từ mấy thập kỷ trước, khi tôi còn là một giáo viên văn cấp III!). Tôi viện cớ này nọ để cho cô em gái từng là giáo viên văn cấp II hướng dẫn nó, và cắn răng chịu đựng việc con gái đi học thêm môn văn cùng các môn học thêm khác ngoài giờ học chính thống, theo yêu cầu của nhà trường. Tôi đã tìm mua ở hiệu sách bộ sách Văn Cánh Buồm từ lớp 1 tới lớp 9 do thầy Phạm Toàn chủ biên để nó tham khảo. Nhưng với việc học nặng nề ở trường, thời gian chúi mũi vào học thêm nếm, lại với một bộ SGK “ngoài lề” như Văn cánh Buồm, con gái tôi chẳng còn hơi sức đâu để có thể thẩm thấu nổi những giá trị của bộ sách ấy… Trong khi đó, theo tôi, chỉ với một cuốn Công nghệ dạy văn và bộ sách Văn Cánh Buồm ở phổ thông, thầy Phạm Toàn đã mặc nhiên đứng vào hàng ngũ những người thầy dạy văn lớn nhất của nhiều thế hệ – kể từ năm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầu tiên cho tới nay…

clip_image001

Cuốn Công nghệ dạy văn tôi có được là do đạo diễn Tự Huy đưa cho, với lời đề tặng hóm hỉnh của thầy Phạm Toàn: “Tặng Tự Huy để tặng lại người nào Huy yêu”… Lần đầu tiên tôi được gặp ông, khoảng hai chục năm trước, tại khu đền thờ cụ Nguyễn Văn Siêu, cũng là nơi ở của gia đình đạo diễn Tự Huy, nơi thường có các cuộc tụ họp vui vẻ của các bậc đàn anh, các bậc trưởng thượng văn nghệ – như Văn Cao, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, Dương Tường, Nguyễn Xuân Khánh, Châu Diên (Phạm Toàn)… Tôi là kẻ “theo đóm ăn tàn”, “ăn theo nói leo”, từng bám gót đạo diễn Tự Huy để được tiếp xúc với các bậc ấy, có niềm hạnh phúc vô biên được các vị “chiếu cố” cho một điều là hãy cứ há mồm ra mà nghe các vị thuyết giảng, tranh luận với nhau để tự vỡ vạc ra điều gì hay điều ấy. Một trong những điều “vỡ vạc” đó, là tư tưởng về Công nghệ Giáo dục của thầy Phạm Toàn và các đồng chí của ông. Ngấu nghiến cuốn sách Công nghệ dạy văn, tôi thầm tiếc cho tôi và nhiều đồng nghiệp cũ, ngẩn ngơ nghĩ: giá cuốn sách ra đời sớm hơn vài chục năm, việc dạy văn và học văn trong nhà trường biết đâu đã không bị rơi vào cái thảm cảnh “dở cười dở khóc” bấy lâu nay… Thầy Phạm Toàn kể lại, nguồn “động viên” ông viết cuốn sách lớn này là hai “con người lãng mạn”: nhà điện ảnh Mỹ Charlie Chaplin và văn hào Pháp Jean-Jacques Rousseau với những ý tưởng giáo dục sâu sắc mang ý nghĩa thời sự nóng bỏng của họ khiến ông cảm kích tới độ “sao mà khích lệ ta, sao mà rung động lòng ta đến thế!”. Ông mượn lời vua Hề Charlot – người mà “nền giáo dục đã làm tôi hoang mang vì các kiến thức và sự kiện là những thứ tôi thật ít quan tâm” – để nói lên sự thất vọng của nhiều thế hệ học trò và mơ ước của họ:

Giả sử như có một ai đó đã […] cho tôi nhập môn vào mỗi điều phải học theo một cách nào đó để kích thích trí tuệ tôi, để phả vào hồn tôi cái thần kỳ thay vì chỉ có các sự kiện, để làm tôi thú vị và cảm thấy mình nhập cuộc vì vẻ lừa gạt của những con số, để lãng mạn hóa các tấm bản đồ, để đem lại được cho tôi một quan điểm về lịch sử và dạy cho tôi nhạc tính của thơ ca, nếu vậy thì hẳn tôi đã có thể trở thành một nhà bác học rồi đấy.(1)

Và ông như cùng thốt lên cùng nhà giáo dục kỳ lạ J.J. Rousseau về một nền giáo dục lý tưởng:

Thật là cả một khung cảnh huy hoàng và vĩ đại, được thấy con người bằng cách nào đó chỉ dựa vào chính sức mình mà thoát thân ra khỏi chốn hư vô; thấy con người bằng ánh sáng sáng của lý trí mình làm tan biến được bóng đêm tăm tối vốn do thiên nhiên bủa vây lấy nó; thấy con người vươn lên cao chính mình; thấy con người bằng tư duy lao vào được những miền cao siêu thiên giới; thấy con người cũng như mặt trời dùng bước chân khổng lồ sải đi trong vũ trụ bao la; và, đây là điều to tát hơn nữa và khó khăn hơn nữa, thấy con người nhập trở lại nội tâm mình và hiểu bản chất mình, hiểu biết các nghĩa vụ và mục tiêu tối hậu của mình.(2)

clip_image003

Nhưng, cũng chính “nhà giáo dục lãng mạn” Phạm Toàn đã từ những ngổn ngang, đứt gãy, thất bại của một nền giáo dục thiếu triết lý giáo dục tử tế mà âm thầm xây dựng “Một chiến lược giáo dục mới”, rồi sau đó là “Một chiến lược dạy văn mới”, với “Những vấn đề kỹ thuật trong chiến lược dạy văn mới” (đề mục các phần trong sách Công nghệ dạy văn), thông qua một sự khảo sát cực kỳ công phu các nền giáo dục xưa nay – từ phương Đông tới phương Tây – cùng các hệ thống công cụ giáo dục, hành động giáo dục, thao tác giáo dục cụ thể nhằm giải mã các bí ẩn văn học, và biến những kiến thức văn chương thành tư duy xúc cảm, nói cách khác là “đốt cháy kiến thức thành tư tưởng, đốt cháy trí tuệ thành trái tim”… Trong nhiều năm, môn văn bị tách rời khỏi phạm trù thẩm mỹ, thậm chí đánh mất tính chất thẩm mỹ vốn có và cần có, biến thành công cụ tuyên truyền giáo dục tư tưởng một cách thô thiển, mà di chứng lẫn hệ lụy của chúng chưa biết còn kéo dài đến khi nào! Đây cũng chính là lỗ hổng lớn, thất bại lớn nhất trong nền giáo dục phổ thông nói chung và việc dạy văn & học văn nói riêng ở nước ta trong nhiều thập kỷ, khiến môn văn trở thành nỗi sợ hãi của nhiều thế hệ học trò mà thầy Phạm Toàn đã cố gắng đến não lòng mong lấp đầy, và sửa sai… Công việc của thầy thực đơn độc, phải vất vả tự lo kinh phí, lại vấp phải sự thờ ơ, thậm chí chống đối của không ít nhà giáo dục chính thống và nhà quản lý giáo dục có liên quan đến soạn – in sách Giáo khoa độc quyền!

Nhờ sự gợi ý và động lực bên trong của cuốn sách Công nghệ dạy văn mà tôi đã quyết tâm viết được tiểu luận: “Cần làm gì để chấm dứt những giờ học văn trống rỗng, vô vị?” (Vanviet.info). Tác phẩm của thầy Phạm Toàn với nền tảng tâm lý sâu rộng và hệ thống thao tác kỹ thuật phong phú đã nhắm tới cái đích là rèn giũa cho thầy và trò một khả năng cảm thụ, rung động trước Cái Đẹp của nghệ thuật ngôn từ, như một bản lĩnh tâm hồn cực kỳ cần thiết hiện đang rất thiếu trong nhà trường phổ thông cũng như ở cấp đại học. Chính khả năng rung động thẩm mỹ nhạy bén, sâu sắc giúp cho người dạy văn thoát khỏi sự lặp lại một cách nhàm chán, tẻ nhạt những điều đã có sẵn nằm ở vỏ ngôn ngữ tác phẩm, và làm cho sự phân tích các tín hiệu nghệ thuật của tác phẩm không biến thành một sự liệt kê khô khan, hình thức, mà xâu chuỗi chúng trong một thể thống nhất có mối liên hệ vững chắc bên trong để dẫn học sinh thâm nhập một cách trung thực vào các giá trị thẩm mỹ thật sự. Bản lĩnh tâm hồn của người thầy dạy văn có thể giúp học sinh tránh được những thị hiếu lệch lạc, tầm thường đang có nguy cơ thao túng tâm lý xã hội, và đồng thời, điều này đặc biệt quan trọng- giúp nảy nở những nhu cầu thẩm mỹ lành mạnh, làm dấy lên những “cơn lốc tuyệt vời” trong tâm hồn học sinh – theo cách nói của một nhà nghiên cứu sư phạm Nga thế kỷ trước;(3) và thầy Phạm Toàn đã nhấn mạnh tới cái Sứ mệnh lẫn Thông điệp kèm theo của người nghệ sĩ bằng cách dẫn lời Aristote: “Chỉ người nào xúc động mới thực sự làm cho người khác xúc động… Bởi vậy, thơ ca là lĩnh vực của những người có tài và những người đam mê, vì những người có tài mới có khả năng hóa thân, nhập vai, và những người đam mê mới có khả năng phấn hứng cao độ.” (4)

Trong thời gian trợ giúp Ban Chấp hành Hội Kiều học Việt Nam tìm/ đặt bài tham luận cho một Hội thảo về Giảng dạy và Học tập Truyện Kiều trong nhà trường, tôi sực nhớ đến cuốn Văn Cánh Buồm 9, trong đó thầy Phạm Toàn đã trân trọng nhờ nhà Kiều học, nhà Hán Nôm học Thế Anh tham gia biên soạn phần: TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU(5). Điều cần lưu ý là, cuốn sách GK Văn lớp 9 này còn có tên phụ: Nghiên cứu nghệ thuật. Toàn bộ cuốn sách có ba phần lớn, đó là: 1. TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU – 2. TÁC PHẨM FAUST CỦA GOETHE- 3. TỔNG KẾT CON ĐƯỜNG HỌC VĂN BẬC GIÁO DỤC PHỔ THÔNG. Các nhà Biên tập sách do thầy Phạm Toàn chỉ đạo đã đưa vào hai tác giả lớn của văn học kinh điển Việt Nam và thế giới làm đối tượng khảo sát và học tập trong năm cuối bậc Phổ thông Cơ sở, với tiêu chí: Môn văn – công cụ giáo dục nghệ thuật, được thầy Phạm Toàn cụ thể hóa: “Môn văn trong nhà trường PTCS có mục đích dùng vật liệu văn truyền thống để tổ chức năng lực nghệ thuật – năng lực đến với đời sống trong cái Đẹp nghệ thuật của học sinh.” Trên 200 trang sách khổ lớn của cuốn SÁCH VĂN 9 Nghiên cứu nghệ thuật, thì đã có tới 142 trang dành cho TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU! Lúc đầu, tôi hơi ngỡ ngàng vì sự lựa chọn tác giả – tác phẩm cũng như hướng khai thác của thầy Phạm Toàn, nhưng ngẫm nghĩ rồi mới thấy: sự khác lạ đó có lý thực sâu xa, và đúng là “sản phẩm” riêng biệt, độc đáo của nhà giáo “ưa gây sự” với nền giáo dục lỗi thời đương đại nước nhà! Hiệu quả của Sách Văn Cánh Buồm đến với học sinh, và góp phần nâng cao chất lượng Học Văn, đặc biệt là kiệt tác Truyện Kiều trong nhà trường phổ thông đến đâu, chúng ta cần thời gian để kiểm nghiệm. Song, hướng đi của sách Văn Cánh Buồm, với mục đích mà thầy Phạm Toàn nêu rõ: “Chín năm giáo dục Phổ thông: Biết cách học văn để tạo năng lực nghệ thuật” (6) là một hướng đi thật mới mẻ, hết sức đáng quý, mà thực may mắn thay, nhiều vị giáo sư có trách nhiệm tổ chức Hội thảo (đồng thời cũng là các thành viên của Ban biên soạn SGK Nhà nước) đã đánh giá chính xác, ủng hộ: những trang viết của cụ Thế Anh trong cuốn sách Giáo khoa này đã đàng hoàng có mặt tại Hội thảo Quốc gia “Học tập & giảng dạy Nguyễn Du – Truyện Kiều trong nhà trường phổ thông” tổ chức tại Hải Phòng tháng 7-2018, với tư cách là một bản tham luận quan trọng, bất chấp sự hoài nghi đố kỵ của một vài nhà làm SGK Nhà nước.

Dưới Suối Vàng, thầy Phạm Toàn chắc sẽ vui, và yên tâm, bởi những tư tưởng giáo dục của thầy – đặc biệt là Công nghệ Dạy và Học văn để văn chương đích thực có thể được đánh giá, tôn vinh như một Nghệ thuật của Cái Đẹp – sẽ tiếp tục được các thế hệ nhà giáo Việt Nam nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn ngày một hiệu quả, và chắc chắn sẽ được chứng thực bằng những “bản lĩnh tâm hồn” xuất hiện ngày một nhiều do việc giáo dục môn ngữ văn ngày một đi đúng hướng…

______________________

1. Dẫn theo: Phạm Toàn. Công nghệ dạy văn (Dẫn luận Cơ sở tâm lý học). Nxb ĐHQG HN, 2000, tr. 21.

2. Dẫn theo: Công nghệ dạy văn, sđd. Tr. 22.

3. A. Nhikônxki. Phương pháp giảng dạy văn học ở trường phổ thông. NXB Giáo dục, HN, 1978.

4. Dẫn theo: Công nghệ dạy văn, sđd. Tr. 425.

5. SÁCH VĂN 9 – Nghiên cứu nghệ thuật – NXB Tri thức, HN 2016.

6. SÁCH VĂN 9 – Nghiên cứu nghệ thuật, sđd, tr.198.

Comments are closed.