NGUYÊN KHÍ

 

 

Tiểu thuyết

 

Hoàng Minh Tường

 IMG_0205

                                                                                                             Trước tượng Nghi lễ Học sĩ Nguyễn Thị Lộ (tác giả ngoài cùng bên phải) 

5. LỄ NGHI HỌC SĨ NGUYỄN THỊ LỘ

 

                            Kịp bén hơi xuân tốt lại thêm

                           Đầy buồng lạ màu thâu đêm.

 

                          (Cây chuối – Quốc âm thi tập Nguyễn Trãi)

 

 

 

Bây giờ nói về Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ.

 Sau khi Tiệp dư Ngọc Dao sinh nở mẹ tròn con vuông rồi, bà và cô bé Chi Lan vội từ giã sư thầy Thích Chân Như cùng anh Thổ, người hầu cận trung thành, về tư thất ngay. Ngô Thị Chi Lan vốn là cháu của quan Thái bảo Ngô Từ, gọi Ngô Thị Ngọc Dao là cô. Từ ngày quan Nhập nội Hành khiển và quan Lễ nghi Học sĩ  xin với vua cho Tiệp dư an trí tại chùa Huy Văn, quan hệ giữa hai gia đình ngày càng khăng khít. Cô bé Chi Lan ham học, vô cùng kính phục quan Lễ nghi Học sĩ, bèn nói với ông nội xin được về ở với bà Lộ. Từ đó ông bà Nguyễn Trãi nhận Chi Lan là con nuôi, hằng ngày  yêu chiều dạy dỗ như con đẻ.

Đường từ chùa Huy Văn về tư thất quan Hành khiển, phía hồ Bích Câu  chỉ chừng nhai giập bã trầu, nhưng sao thấy xa vời vợi.

Qua cây cầu nhỏ thì ra đường cái quan. Trăng sáng vằng vặc. Chi Lan thích thú chạy vụt lên trước, rồi quay lại hỏi :

– Mẹ ơi. Có phải ông nội con đặt tên cho hoàng nhi là Lê Hạo phải không?

– Ừ. Con ơi, nói nhỏ thôi kẻo tai vách mạch dừng. Hạo, có nghĩa là rộng rãi bao la, là bậc thần nhân cao cả, người phàm không ai sánh kịp – Bà Lộ giải thích cho con gái – Nhưng đây chưa phải là tên chính thức đâu con ạ. Phải đợi Hoàng thượng đặt tên cho hoàng nhi…

Chi Lan nói:

– Mai mẹ vào tâu với Hoàng thượng xin đặt tên cho hoàng nhi, mẹ nhé. Trời ơi, con thích chơi với hoàng nhi lắm. Mai mẹ cho con vào chùa ở với hoàng nhi cả ngày nhé. Con muốn được ngắm chiếc hoàng bào và vòng ngọc đeo cổ cẩn ngọc lưu ly của Hoàng hậu mới ban tặng cho hoàng nhi…

Câu nói của con gái nuôi khiến bà Lộ chột dạ nhớ lại cái cảnh phù thủy Trần Văn Phương cùng thị nữ trong cấm cung đến cúng bà mụ và trao tặng quà của Hoàng hậu. Khi ấy, ngay cả  Ngọc Dao cũng cảm động ứa nước mắt. Còn bà chị gái của Tiệp dư thì sụp lạy, rồi sốt sắng định mang hoàng bào mặc cho hoàng nhi. Ngay lúc ấy, trong mắt bà Lộ vụt lóe lên mối nghi ngờ. Bà giơ tay ngăn lại. Làm sao có chuyện cọp nhận giữ trâu giúp người? Làm sao một kẻ tử thù bỗng thành bạn hữu? Rõ ràng chiếc hoàng bào và vòng ngọc kia có tẩm độc tố và là vật đánh dấu để dễ truy tìm. Lễ nghi Học sĩ nhận ra ngay dã tâm tàn độc của Hoàng hậu và nói nhỏ với ni cô Tiểu Mai không được mặc cho hoàng nhi. Bà lấy từ tay nải ra bộ hoàng bào bằng nhiễu La Khê và chiếc vòng cổ bằng bạc gắn ngọc mã não do chính bà chuẩn bị, mang mặc cho hoàng nhi. Sư thầy Thích Chân Như hiểu ý, liền cho người dấu kỹ món quà tặng của Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh. Sau này, khi mọi việc yên hàn, sẽ dâng lên vua Lê Thái Tông để vạch trần quỷ kế.

Khi hai mẹ con và anh Thổ về đến tư dinh thì đã sang canh tư, gà gáy eo óc.

 Tư thất bà Lộ đang ở vốn là tư dinh của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Khu Bích Câu này cũng là nơi tập trung nhiều dinh thự các văn thần từ các thời Lý, Trần, các tư dinh, phủ đệ của các quan thuộc Viện hàn lâm, Ngự sử đài và Quốc tử giám. Thời Minh thuộc, đây là khu bị giặc Ngô đốt sách, thu giữ thư tịch, bị đào bới nhiều nhất để săn tìm các tàng thư văn hóa mang về Yên Kinh. Sau hội thề Đông Quan, khi tên giặc Ngô cuối cùng rút về nước, trở về nền đất cũ, trước cảnh hoang phế, cỏ dại mọc đầy, Ức Trai đã phải kêu lên: “Thập niên thân cựu tận tiêu ma”.( Trải mười năm bà con thân thích hao mòn hết)(1). Lại mười mấy năm gây dựng lại, vẻ thâm nghiêm, trầm mặc từng bị tàn phá, hủy diệt, giờ đang được hồi phục dần, nhưng so với những phủ đệ mới dựng của các công thần Lũng Nhai thì còn kém xa về tầm vóc đồ sộ, vẻ hào nhoáng và sự xa hoa quyền quí.

 Nơi đây có quá nhiều kỷ niệm với Nguyễn Trãi. Cha mẹ ông, nho sinh Nguyễn Ứng Long và công nương Trần Thị Thái, đã yêu nhau ở đây. Rồi cậu bé Nguyễn Trãi cất tiếng chào đời cũng tại đây. Nơi đây, hai đứa cháu nội là Trần Nguyên Hãn và cháu ngoại là Nguyễn Trãi của quan Tư đồ từng có tuổi thơ ấu bên nhau. Sang thời nhà Hồ, khi Nguyễn Trãi thi đỗ Thái học sinh, rồi cả hai cha con được Hồ Quý Ly mời ra làm quan, được tiếp tục ở trên mảnh đất hương hỏa của quan Tư đồ. Nguyễn Ứng Long đổi tên thành Nguyễn Phi Khanh, làm tới chức Hàn lâm viện học sỹ, Trung thư Thị lang, Tư nghiệp Quốc tử giám. Nguyễn Trãi được giao chức Ngự sử đài chính chưởng. Từ  thời đức vua  Lê Thái Tổ, đây là tư dinh quan Thừa chỉ Hành khiển Nguyễn Trãi. Bên sát bức tường hoa phía đông là tư dinh quan Tả tướng quốc, Bình chương quân quốc trọng sự, Khu mật đại sứ  Trần Nguyên Hãn. Tưởng sẽ mãi là tổ ấm của vợ chồng quan Thừa chỉ, mãi là nơi thanh cao, tháp ngà của thi nhân, nơi trước thuật của kẻ sĩ, chốn mưu lược kinh bang tế thế giúp đời. Vậy mà, chỉ  năm sau, khi Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn cáo quan về trí sỹ ở Sơn Đông, rồi bị bọn quyền thần Lê Sát, Lê Ngân vu cáo, bị triệu hồi về triều, bị chết trên sông Lô, thì vị khai quốc công thần, người tuyên thảo áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo” là Nguyễn Trãi, cũng không thoát khỏi sự gièm pha vu vạ, đến mức bị bãi quan, hạ ngục. Thế rồi, khi được giải oan, cũng là khi vua trẻ Lê Thái Tông kế nghiệp. Quyền thần Lê Sát, Lê Ngân và đám lộng quan bị xử tội. Bao nhiêu khát khao, hoài bão khởi hưng đất nước vừa được nhen nhóm lại bị bọn hoạn quan Lương Đăng ngăn chặn. “Đăng là đứa hoạn quan, quanh quẩn chầu hầu bên cạnh vua, thần lấy làm ngờ lắm”, “Nay sai kẻ hoạn quan Lương Đăng chuyên định ra lễ nhạc, chẳng nhục cho nước lắm sao?” Những lời khẩn tấu chân thành và khảng khái ấy của Nguyễn Trãi và bọn Nguyễn Truyền, Đào Công Soạn, Nguyễn Văn Huyến, Nguyễn Liễu… đều như nước đổ lá khoai, không lọt tai nhà vua trẻ. Nguyễn Trãi thất vọng ghê gớm, quyết xin cáo quan về an trí tại Côn Sơn…

Đã ba năm, nơi đây vắng bóng Người…

Quan Lễ nghi Học sỹ đang ngẩn ngơ nhìn quanh quất như ngóng tìm ai thì anh Thổ thì thào bên tai:

– Bẩm bà, có quan quân triều đình canh chừng nhà ta.

Bà Lộ ra hiệu im lặng, coi như không có chuyện gì. Lảng vảng quanh nhà có bóng những lính do thám của quan vệ úy Lê Nguyên Sơn. Bà Lộ biết vậy, nhưng bà  lại cả mừng vì như vậy là chúng vẫn chưa bắt được mẹ con Ngọc Dao. Giờ này, nếu theo đúng kế hoạch, mẹ con Tiệp dư chắc đã được Nguyễn Khuê và ni cô Tiểu Mai hộ giá ra bến đò sông Cái rồi. Chỉ cần ra đến bến đò, sẽ có thuyền đợi sẵn đưa sang bên kia sông, thoát khỏi móng vuốt của Nguyễn Thị Anh.

Cô bé Chi Lan vừa ngả mình xuống chiếu đã ngủ ngon lành

Riêng Lễ nghi Học sĩ, trằn trọc mãi vẫn không sao nhắm mắt được.

Bà trở dậy, đến bên án văn, khêu to đèn.

Đập vào mắt bà Lộ là bài thơ của Ức Trai mới viết ở Côn Sơn gửi về, từ khi nào vẫn để trên bàn:

 

           “Loàn đan ướm hỏi khách lầu hồng

             Đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng

             Ngoài ấy dầu còn áo lẻ

             Cả lòng mượn đắp lấy hơi cùng”(1)

 

Viết thế này là Tướng công cô đơn lắm, nhớ nhung và hờn dỗi lắm đây. Bỗng như thấy từ bên gốc mai, dưới ánh trăng vằng vặc, bóng hình thân thương ấy bước lại. Cả căn phòng tràn ngập hình bóng Ức Trai. Lễ nghi Học sĩ khép mắt lại, nhìn thấu lòng mình. Mới đó mà đã ba năm.

Ba năm trước Tướng công bước vào tuổi lục tuần, vậy mà đêm đêm Người vẫn ngồi bên án thư này, bên chén trà mai, đọc sách và trước tác. Sau khi dâng lên vua Lê Thái Tông bộ “Dư địa chí” của nước Đại Việt mà tướng công đã khởi thảo trong mấy năm nhàn quan vừa qua, được đức vua khen ngợi, tướng công lại miệt mài soạn bộ “Quốc triều Hình luật” mà người đã tâu trình ý tưởng với vua Lê Thái Tổ ngay từ ngày còn ngồi trên tháp Bồ Đề dõi nhìn qua sông Cái vào thành Đông Quan. Bản sơ thảo “Quốc triều Hình Luật” do Thừa chỉ Hành khiển Nguyễn Trãi trước thuật, có sự đóng góp của các bạn đồng khoa Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn, cùng các đại học sỹ Phan Phu Tiên, Nguyễn Thiên Tích, Phan Thiên Tước, Đào Công Soạn, Trình Thuấn Du…  đã được dâng lên Hoàng thượng ngự lãm. Đây là một công trình tập hợp tinh hoa và trí tuệ kẻ sĩ Thăng Long với hơn bẩy trăm điều, có khảo cứu hơn một trăm điều luật nhà Đường, hơn mười điều luật nhà Minh, còn lại hơn bốn trăm điều hoàn toàn là luật của Đại Việt (2). Bản sơ thảo đầu tiên có dấu bút phê chi chít của đức vua Thái Tổ, giờ đây vẫn xếp tầng tầng trên giá kia. Còn kia nữa là tập san định về Lễ Nhạc, kia nữa là các bản vẽ về chuông, khánh, nghi trượng, xe kiệu dùng trong cung đình, phẩm phục của các văn quan, võ tướng… Theo lời nhắn của tướng công, sắp tới, khi theo hầu đức vua về Côn Sơn, quan Lễ nghi Học sĩ sẽ mang về cho tướng công bản sơ thảo lần đầu bộ “Quốc triều Hình luật” có bút phê của đức Thái tổ để người tham khảo, trước khi hoàn chỉnh bản chính thức dâng lên vua Lê Thái Tông.

 

                                          ***

 

Việc Tiệp dư Ngọc Dao sinh hạ hoàng tử buộc bà Lộ phải thay đổi dự định về Côn Sơn. Ngay sáng hôm sau, bà vội vã vào cung bẩm với đức vua và xin ý chỉ của người.

Bây giờ nói về nhà vua trẻ Lê Thái Tông.

Lê Thái Tông, tên húy là Nguyên Long, tuổi Quí Mão (1423), sinh ngày 20 tháng 11. Bà Phạm Thị Ngọc Trần có mang Nguyên Long trong thời kỳ nghĩa quân Lam Sơn của Bình Định vương Lê Lợi ở vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc.

Khi ấy, “Vua đem quân về đóng ở núi Chí Linh. Quân lính hết lương, hơn hai tháng chỉ ăn rau củ và măng tre mà thôi. Vua giết bốn con voi và cả ngựa của mình cưỡi để nuôi quân sĩ” (3). Đó là thời kỳ “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần. Lúc Khôi Huyện quân không một đội” như “Đại cáo Bình Ngô” đã viết. Vậy mà lạ thay, từ khi hoàng nhi Lê Nguyên Long ra đời, đất trời đã mở vận. Nghĩa quân Lam Sơn xoay chuyển tình thế, phản công giặc Minh. Liên tiếp các trận đánh lớn ở miền núi Nghệ An thắng lợi giòn giã. “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật. Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” (4), chém đầu Đô ty Trần Trung và Thiên hộ Trương Bản và hàng nghìn quân giặc, đuổi bọn Trần Trí chạy mất hồn.

Sau nghĩa cử tự hiến mình dâng cúng thần Phổ hộ Trào Khẩu của phu nhân Phạm Thị Ngọc Trần, khi Bình Định Vương vây thành Nghệ An vào ngày 24 tháng 3 năm Ất tỵ, 1425, Lê Nguyên Long mồ côi mẹ. Khi đó vợ chồng Ức Trai đã ở trong quân, Nguyễn Trãi trở thành mưu thần số một trong việc bang giao và hoạch định kế sách. Có lần Nguyễn Trãi nói với bà Lộ: “Chúa công bảo với ta rằng, trong số các bà vợ của Người, không có ai thay được nàng Ngọc Trần. Chỉ một người duy nhất ta tin cậy có thể dạy dỗ Nguyên Long giúp ta là vợ yêu của Ức Trai tiên sinh. Trời sinh ra bà Lộ để nâng khăn sửa túi và bạn tri âm tri kỷ  với tiên sinh, và trời cũng sinh ra bà Lộ để làm người mẹ thứ hai cho con trai ta, tiên sinh nghĩ sao?” Lời nói đó chính là sự phó thác của đấng quân vương. Suốt từ đó, trên các nẻo đường chiến trận, khi thì ở Nghệ An, lúc ra Thanh Hóa, rồi cuốn theo đại quân tiến ra bao vây Thăng Long, bà Lộ luôn ở trong bầu đoàn thê tử của chủ tướng sau hàng quân. Mặc dù không phải là nhũ mẫu của Nguyên Long, nhưng hầu như ngày nào bà Lộ cũng cùng các vú nuôi chăm bẵm, tắm táp, dạy dỗ hoàng nhi. Hầu như tuổi ấu thơ của Lê Nguyên Long có bàn tay và tấm lòng bà Lộ vun đắp. Chỉ đến khi giang sơn thu về một mối, triều đình nhà hậu Lê được thiết lập, Lê Nguyên Long trở thành Lương quận công Hoàng thái tử, quan hệ quân thần được phân định rạch ròi, bà Lộ mới hầu như ít có cơ hội gặp gỡ với vị vua kế vị tương lai.

Nhưng rồi vận hội xoay chuyển. Ngày 20 tháng 11 năm Thiệu Bình thứ 6 (1439) là ngày Kế Thiên thánh tiết, được đổi là Vạn Thọ thánh tiết, vua đại xá thiên hạ, đổi niên hiệu (tháng giêng năm sau là năm Đại Bảo thứ nhất), ban yến cho các quan, cho trình diễn các trò vui và múa gươm ở thềm điện. Những người từ bẩy mươi tuổi trở lên được thưởng tước một tư và cho ăn tiệc.

Nguyên là, bọn man họ Cầm mấy năm nay nhiễu hại dân biên giới, lại được vua Ai Lao sai tên Nữu Hoa dẫn hơn ba vạn binh tượng sang giúp họ Cầm lấn cướp các châu Phục Lễ. Mùa xuân, tháng giêng năm Thiệu Bình thứ 6 (1439), Lê Thái Tông, nhà vua mười bẩy tuổi, lần đầu tiên thân dẫn quân đi đánh dẹp yên vùng biên giới. Tiếp đến cuối năm, mùa đông, tháng 10, Hoàng hậu Dương Thị Bí sinh hạ Hoàng tử trưởng Nghi Dân. Hai việc đại cát đại hỷ này khiến vua Lê Thái Tông vô cùng mãn nguyện.

  Bấy giờ quan Thừa chỉ Hành khiển Nguyễn Trãi vừa bước vào tuổi lục tuần. Sau một loạt bất đồng với bọn Lương Đăng, Ức Trai buồn chán, dâng biểu xin cáo quan về Côn Sơn. Ngày Vạn Thọ thánh tiết, cũng là dịp quan Thừa chỉ đưa phu nhân Nguyễn Thị Lộ đến dự yến tiệc và chào bái biệt đức vua.

Sự xuất hiện của phu nhân Nguyễn Thị Lộ làm xôn xao buổi dạ tiệc. Hết thảy mọi người đều dõi mắt vào người đàn bà tuổi ngoại tứ tuần nhưng lại có dáng đoan trang đài các như thục nữ. Trong tấm áo dài tứ thân màu lục huyền, yếm lụa trắng Vân Lĩnh thêu nổi hoa dây, thắt bao xanh có dây xà tích bạc, đầu chít khăn nhiễu Tam Giang, chân dận hài nhung, Nguyễn Trãi phu nhân hoàn toàn làm các văn võ bá quan sững sờ. Nhiều trọng thần phe Lũng Nhai trước đây từng biết Nguyễn Thị Lộ, nay càng kinh ngạc vì tuổi tác không hề làm nàng khác đi mà trái lại sắc đẹp của nàng càng đằm thắm. Đám mệnh phụ, thiếu nữ con nhà quyền quí bỗng tự nhìn ngắm mình, thấy mình súng sính trong những bộ lễ phục diêm dúa do bọn Lương Đăng thiết kế theo lối triều đình phương bắc, rồi lại nhìn vợ quan Thừa Chỉ nền nã duyên dáng trong bộ xiêm y truyền thống, tự thấy mình như bầy gà cạnh chim phượng hoàng, ánh mắt không che giấu được vẻ ngượng ngùng, ghen tị.

Mọi người chưa hết kinh ngạc, thì liền sau đó, một cặp uyên ương khác, cũng làm cả chúng quan chú ý, đó là vợ chồng quan Nhập nội Tư mã Lê Liệt và Ngọc Kiều phu nhân Lương Minh Nguyệt. Đinh Liệt trong bộ phẩm phục võ quan màu tía, mũ Cao Sơn, đi dày tích. Nàng Ngọc Kiều lộng lẫy trong bộ lễ phục màu thiên thanh, mũ vành dây màu lục thuỷ, dận hài cườm.

Vừa nhìn thấy bà Lộ, Ngọc Kiều phu nhân đã dắt tay chồng đi lại phía vợ chồng quan Thừa chỉ Hành khiển. Nàng ghé tai chồng:

– Thiếp không ngờ Ức Trai phu nhân trẻ đẹp lâu thế. Thiếp luôn luôn ngưỡng vọng người…

Lân Quốc công nói:

– Lần nào gặp ta, Ức Trai tiên sinh cũng nhắc là bà Lộ luôn hỏi thăm nàng. Giọng hát của nàng đến một người đàn bà đoan chính như bà Lộ cũng phải xiêu lòng.

Số là, hồi thành Cổ Lộng còn bị giặc Minh chiếm giữ, có hai người đàn bà mở quán rượu ngay ở ngoài cổng thành. Dân chúng thường gọi là quán rượu Ả Đào. Chủ quán là bà Lương Thị Huệ, người làng Chuế Cầu, phủ Nam Định, có chồng là Đinh Tuấn, bị giặc Minh bắt lính đang làm đầu bếp ở trong thành. Bà Huệ có cô em gái tên là  Lương Minh Nguyệt, sắc đẹp không thua kém gì nàng Điêu Thuyền thời Tam Quốc, lại có giọng hát ả đào mê hồn, khiến lính tráng trong thành Cổ Lộng, cả người Việt và người Ngô không ai là không muốn vào quán rượu của hai chị em. Khi quân Lam Sơn của tướng Lê Thạch  tiến đánh thành, vợ chồng ông Đinh Tuấn  xin làm  nội  ứng. Một tối, hai chị em Lương Thị Huệ, Lương Minh Nguyệt tổ  chức  hát  ả  đào  rồi chuốc rượu cho quan quân giặc Minh say túy lúy, nhân đó, quân Lam Sơn do tướng Lê Thạch chỉ huy, đột nhập, trói hết quân tướng nhà Minh. Thành Cổ Lộng được giải phóng. Bình Định vương biết việc này, cho gọi chị  em Lương Thị  Huệ, Lương Minh Nguyệt đến bản doanh ban thưởng. Gặp Lương Minh Nguyệt, Bình Định Vương cảm phục tài sắc và lòng dũng cảm của nàng, bèn làm mối cho người con thứ hai của chị gái mình là Tư mã Đinh Liệt. Đám cưới được tổ chức ngay ở hành dinh Bồ Đề, giữa những ngày nghĩa quân đang tiến đánh Xương Giang và vây hãm thành Đông Quan.

Hai cặp tài sắc nhất triều đình xuất hiện ở góc vườn Thượng uyển, không lọt khỏi cặp mắt rực sáng của đấng quân vương. Với Ngọc Kiều phu nhân, vừa là một tài nữ, vừa là em dâu họ ngoại, vua Lê Thái Tông vẫn thường gặp những ngày lễ trọng. Riêng với Ức Trai phu nhân, thì lâu lắm rồi, thấy vắng bóng. Bấy  lâu nay luôn bị bao vây bởi các cung tần mỹ  nữ, bị quấy rầy vì những quan đại thần luôn săn đón giới thiệu các ái nữ của mình, hầu được lọt vào mắt xanh thiên tử, vua Lê Thái Tông  quá ngỡ ngàng khi vừa thoáng nhìn thấy vợ quan Thừa Chỉ xuất hiện dưới ánh đèn nến lung linh. Giữa Ức Trai phu nhân và Ngọc Kiều phu nhân, hơn kém nhau chục tuổi, nhưng dưới ánh hồng lạp huyền ảo, tưởng như Nhị Kiều ở đền Đồng Tước thuở nào. Nhà vua nhìn sang Hoàng hậu Dương Thị Bí và các cung tần, chợt nhận ra sự lòe loẹt vô lối và thói vô học của họ, thấy họ chẳng khác nào bầy công, trĩ, chào mào, sáo sậu… trước chim phượng hoàng. Trong bộ não mẫn tiệp của nhà vua chợt hiện về hình ảnh người mẹ đỡ đầu thuở ấu thời, từng bế ẵm, chăm bẵm mình cùng các bà nhũ mẫu trên những nẻo đường chiến trận. Vua nhận ra những nét quá đỗi thân quen gần gũi của “Mệ Lộ” hơn mười năm trước. Bất ngờ, Lê Thái Tông bật khỏi ngai rồng, đi săm săm tới trước vợ chồng Nguyễn Trãi.

Các quan văn võ cùng đứng dậy theo.

– Trẫm miễn lễ – Vua giang hai tay đỡ bà Lộ đứng dậy, nói to với quần thần – Đây là vị khách đặc biệt của trẫm, người mà thuở ấu thơ trẫm từng gọi là “Mệ Lộ”. Trẫm biết thể nào hôm nay quan Thừa chỉ Hành khiển cũng đưa phu nhân đến với trẫm. Cuộc tái ngộ này trẫm đã chờ đợi hơn chục năm rồi… Có đúng là trẫm và Ức Trai phu nhân đã xa nhau từ sau ngày Tiên đế dời điện tranh Bồ Đề vào thành Đông Kinh không?

Bà Lộ cảm động không cầm được nước mắt. Mới đó mà đã hơn mười năm. Ngày ấy Lương quận công Nguyên Long còn là một cậu bé hiếu động…, bây giờ đã là một đấng quân vương tuấn tú, vừa thân chinh lên miền biên ải đuổi quân man ở châu Phục Lễ, lập võ công đầu tiên trong vương nghiệp của mình.

Buổi dạ tiệc ấy bà Lộ đã được tự tay nhà vua ban ngự tửu.

Không giấu nổi tình cảm của mình, vua Nguyên Long chỉ bà Lộ nói với Nguyễn Trãi, trước mặt văn võ quần thần:

– Quan Thừa chỉ hãy về Côn Sơn một mình. Đấy là nơi yên tĩnh để Ức Trai có thời gian hoàn tất những công việc mà ái khanh đã hứa với đức Tiên đế. Ái khanh vẫn làm quan mà không cần ở triều. Ngày mai, trẫm sẽ sắc phong cho ái khanh chức Vinh Lộc đại phu Nhập nội Hành khiển Môn hạ sảnh Tả ty Hữu gián nghị Đại phu, kiêm Hàn lâm viện Học sỹ Tam tri quán sự Đề cử Côn Sơn tư phúc tự. Quan Thừa chỉ hãy để phu nhân ở lại. Có nhiều việc ở hậu cung phải giáo hóa và sắp đặt lại, rất cần bàn tay của phu nhân giúp trẫm. Cũng ngày mai thiết triều, trẫm sẽ sắc phong cho phu nhân chức Lễ nghi Học sĩ, chuyên dạy dỗ bảo ban bọn cung nữ phi tần. Một nữ lưu tài trí đức độ như phu nhân của quan Thừa Chỉ mà lâu nay ái khanh thì giấu đi, trẫm thì bỏ quên, thật là đắc tội với Tiên đế.

Lời đấng quân vương là mệnh lệnh không thể chối từ. Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ trở thành nữ quan tâm phúc của vua Nguyên Long từ đấy.

 

 

                                           ***

 

 

 Sau phiên thiết triều, Hoàng thượng tiếp quan Lễ nghi Học sĩ ngay tại điện Phụng Thiên. Thái Tông nói:

– Trẫm nghe nói Tiệp dư Ngọc Dao đã sinh con ở chùa Huy Văn đêm qua?

Bà Lộ thưa:

– Dạ kính trình bệ hạ, Hoàng tử sinh ra đúng như giấc mộng của Tiệp dư Ngọc Dao lúc chuẩn bị lâm bồn.

Vua bồn chồn:

– Mộng thế nào?

Bà Lộ nói:

– Việc này chắc Hoàng thượng đã biết. Chính vì giấc mơ của Tiệp dư mà Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh tâu với Hoàng thượng khép tội Tiệp dư giống như tội của Huệ phi Lê Nhật Lệ. May mà Tướng công của thần cùng quan Thái úy Trịnh Khả đã tâu xin Hoàng thượng cho giảm tội.

Vua Thái tông nói:

– Việc này lỗi ở trẫm. Nhưng Hoàng hậu ép trẫm quá. Cũng may mà Tiệp dư đã vào ở chùa Huy Văn an toàn… Khanh kể tiếp đi.

Bà Lộ nói:

– Trước lúc lâm bồn, Tiệp dư Ngọc Dao thấy đau bụng âm ỉ. Lúc thiếp đi, Người mơ thấy mình đến chỗ Thượng đế. Thượng đế sai một tiên đồng xuống làm con Tiệp dư, tiên đồng chần chừ mãi không chịu đi, Thượng đế giận, lấy cái hốt ngọc đánh vào trán tiên đồng, chảy máu ra. Tưởng chỉ là một giấc mơ, nào ngờ khi hoàng nhi được sinh ra, trên trán vẫn còn dấu vết cái hốt ngọc…

Nhà vua tròn mắt:

– Thật vậy sao? Con trẫm là Tiên đồng do Thượng đế sai xuống trần ư?

– Dạ, tâu bệ hạ. Ý Trời đã định. Sau này Hoàng tử nhất định sẽ sáng nghiệp – Quan Lễ nghi Học sĩ khẳng định như một lời tiên tri, rồi kể với đức vua cuộc vượt cạn vô cùng gian nan nguy hiểm của Tiệp dư. Bà cũng không cần giấu giếm dã tâm thâm độc của Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh muốn giết hoàng tử ngay sau khi sinh và cuộc săn lùng mẹ con Tiệp dư vẫn đang ráo riết quanh kinh thành.

Thái Tông bứng bừng giận dữ:

– Ta sẽ nghiêm trị kẻ nào dám đụng đến mẹ con Ngọc Dao, kể cả Hoàng hậu.

Bà Lộ thưa:

– Lượng hải hà của bệ hạ là vô biên, nhưng lòng người cũng hiểm độc đến vô cùng. Thần chỉ thỉnh cầu bệ hạ ban cho hoàng nhi một tên gọi và chính thức loan báo cho muôn dân thiên hạ về tin vui này. Việc bảo vệ Tiệp dư và hoàng nhi, tướng công của thần và Thái úy Trịnh Khả cùng quan Thái bảo Ngô Từ đã lo liệu cả rồi.

Vua Lê Thái Tông chau mày nghĩ ngợi, rồi truyền nội quan mang giấy bút đến.

– Trẫm đặt tên cho Hoàng tử con trẫm là Lê Tư Thành, quan Lễ nghi Học sĩ nghĩ sao?

Bà Lộ thầm khen kiến văn sâu rộng của nhà vua trẻ. Tư Thành là tấm lòng thành kính của đức vua cảm động đến trời đất, nghĩ làm sao được đúng như vậy.

– Bẩm Hoàng thượng. Không có cái tên nào hay hơn.- Quan Lễ nghi Học sĩ cảm động nói – Quả là chữ thánh hiền và phúc lộc của Tiên đế đã thấm nhuần vào bệ hạ. Thần cũng xin kính báo với bệ hạ rằng, ngoài tên chính thức Hoàng tử Lê Tư Thành do Hoàng thượng đặt, quan Thái bảo Ngô Từ, ông ngoại của Hoàng tử cũng đã tạm đặt cho cháu ngoại  tên gọi hàng ngày là Lê Hạo.

Vua Thái Tông cả cười mà rằng:

– Cái tên ấy cũng rất hay. Hạo là rộng rãi bao la. Là bậc thần nhân cao cả, người phàm không ai sánh kịp. Quan Thái bảo không ngờ cũng là bậc túc nho, ý tứ cao siêu lắm.

Nói rồi vua bèn vén tay áo hoàng bào, lấy bút đề vào tờ giấy hoa tiên dòng chữ thảo như rồng bay phượng múa: «Ngày Canh dần, giờ Tý, tháng Nhâm thân, năm Nhâm tuất, Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao sinh Hoàng tử Lê Tư Thành, húy là Lê  Hạo. Khi sinh, trên trán có vết hằn hốt ngọc của Ngọc Hoàng thượng đế ». Rồi trao cho Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ mang ban cho Tiệp dư Ngọc Dao và Hoàng tử.

Cũng trong buổi bệ kiến ấy, theo lời tấu của bà Lộ, vua Lê Thái Tông chuẩn y, phái quan Lễ nghi Học sĩ  ngay ngày hôm sau về Côn Sơn thăm quan Nhập nội Hành khiển Nguyễn Trãi và chuẩn bị đón xa giá vào đầu tháng tám. Bà sẽ trở về kinh cùng đức vua khi người hoàn thành chuyến  kinh lộ miền Đông và duyệt binh ở thành Chí Linh.

 

 

                                                    ***

 

 

Mặc dù rất nóng ruột về Tiệp dư và Hoàng tử, cùng đám hộ tống là Nguyễn Khuê, Tiểu Mai, Nguyên Phong…, nhưng quan Lễ nghi Học sĩ không thể xuống thuyền ở bến Đông, nếu không về qua chốn cũ Cổ Mai Đàm, có tên nôm là Kẻ Mui.

Có hai việc bà Lộ cần làm ở Cổ Mai. Một là đến gặp quan sở tại cho thả sáu mục đồng bị quan quân bắt về tội hát bài đồng dao « Thả đỉa ba ba ». Hai là gửi bé Chi Lan để bà về Côn Sơn thăm Tướng công ít ngày.

Chuyến đi có cả bé Chi Lan, chỉ gói gọn trong một buổi chiều, nhưng có gì thảng thốt, bâng khuâng như về lại chốn xưa, về với thuở ban đầu, lại có gì hối hả như một cuộc giối giăng.

Nguyên là, trong thời gian Ức Trai tiên sinh bị giặc Minh giam lỏng ở thành Đông Quan thì không phải quê nhà Nhị Khê, mà Cổ Mai mới là chốn dung thân tốt nhất của ông. Khắp một vùng phía nam kinh thành, từ Bạch Mai, Mai Động, Hoàng Mai, Hồng Mai ra đến tận bờ sông Cái là thuộc ấp của các quan nhà Trần, trong đó có Thượng tướng quân Trần Khát Chân. Việc Trần Khát Chân giết được vua Chiêm là Chế Bồng Nga trên sông Hải Triều năm Quang Thái thứ 3 (1390) được coi là võ công vô cùng hiển hách, chấm dứt thời kỳ quấy phá triền miên của quân Chiêm Thành. Sau sự biến ở Đốn Sơn, khi Thái bảo Trần Hãng, Thượng tướng Trần Khát Chân cùng bọn Phạm Khả Vĩnh,…định lật đổ Hồ Quý Ly để giành lại vương triều Trần không thành, ba người cùng  ba trăm bẩy mươi liêu thuộc bị Hồ Quý Ly chém bêu đầu. Riêng Trần Nguyên Hãn, một tiểu tướng tâm phúc của Trần Khát Chân đã mưu trí trốn thoát. Khi nhà Hồ bị giặc Minh tiêu diệt, Trần Nguyên Hãn đã rủ Nguyễn Trãi về vùng làng Mai bên sông để chờ thời. Nguyễn Trãi mở trường dạy học, nghiền ngẫm kế sách phục quốc, trả thù cho cha. Trần Nguyên Hãn giả làm người bán dầu, ngầm tập hợp những kẻ đồng tâm, như Phạm Văn Xảo người chốn kinh lộ, Lưu Nhân Chú, Phạm Cuống, người Thái Nguyên, luyện tập võ nghệ, chờ cơ hội dấy binh chống giặc.

Bấy giờ cô thôn nữ Nguyễn Thị Lộ thường từ làng Hới, vùng Hải Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tân Hưng theo thuyền đưa chiếu cói lên bán ở kinh đô. Nàng là cô gái quê xinh đẹp, hay chữ. Cha nàng là người có học và biết nghề bốc thuốc, từng dạy chữ cho nàng và các em. Khi ông bị bệnh mất, gia cảnh túng quẫn, nàng theo người làng mang chiếu gon làng Hới lên kinh đô bán.

Một lần, Ức Trai lên mạn Tây Hồ để đón Trần Nguyên Hãn đi luyện võ trên núi Tam Đảo với Lưu Nhân Chú và Phạm Văn Xảo về, tiên sinh gặp Thị Lộ đang quẩy chiếu gon rao bán. Thấy dáng thiếu nữ khỏe khoắn, mềm mại, chiếc đòn gánh vít cong trĩu trên đôi vai tròn, Nguyễn Trãi thủng thỉnh đi theo, hỏi thăm cảnh ngộ, quê quán, rồi thử ỡm ờ ứng mấy câu thơ :

 

Nàng ở đâu ta bán chiếu gon?

Chẳng hay chiếu sắp hết hay còn?

Xuân xanh mấy độ, bao nhiêu tuổi?

Đã có chồng chưa, có mấy… con?

 

Câu thơ tinh nghịch, nhiều ẩn ý. Hỏi “đã có chồng chưa?” đã là khiếm nhã rồi. Lại hỏi: “Có mấy con? Hay có mấy chồng, hả con?” thì sàm sỡ quá. Cái ông này là ai? Hay chữ hay cuồng chữ? Thị Lộ nghĩ vậy, liền dừng lại, đặt gánh chiếu bên đường, tủm tỉm cười, đưa cặp mắt huyền đen láy nhìn người vừa ra đối. Bắt gặp đôi mắt Nguyễn Trãi nồng ấm, tinh nghịch, pha chút ân hận. Linh tính cho nàng biết, người đàn ông ngoài ba mươi tuổi đi theo nàng đây là một người khác thường. Chàng chắc đã có vợ con, có sự nghiệp chứ nhất định không phải là kẻ bông phèng. Cuộc hội ngộ này chỉ là cuộc gặp qua đường, hay có mối duyên phận gì đây? Nàng bỗng cao hứng cất giọng đối đáp:

 

“Thiếp ở Hải Triều bán chiếu gon

Hỏi chi chiếu thiếp hết hay còn?

Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ

Chồng còn chưa có, hỏi chi…, con?”

 

Lời thơ thật thông tuệ, đối đáp cứng cỏi, không thể bắt nạt. Huyền diệu nhất là từ “con” ở cuối bài, giống như của Nguyễn Trãi, đa nghĩa, ứng đối tài tình. Phút gặp gỡ chỉ ngần ấy thôi mà nên duyên phận, gắn bó cả kiếp người. Đêm ấy, Nguyễn Trãi thuật lại cho Trần Nguyên Hãn nghe về người con gái bán chiếu gon, về tài thơ mẫn tiệp và  vẻ duyên dáng thông tuệ của nàng. Nguyên Hãn bảo: “Đệ có cảm giác Trời đưa nàng đến tặng cho huynh. Sao huynh không đưa nàng về Cổ Mai?” Nguyễn Trãi trả lời trong tiếc nuối: “Huynh không nghĩ ra. Đến tên nàng là gì ta cũng quên không hỏi, chỉ biết nàng quê ở Hải Triều, nơi có dòng sông đã ghi chiến công của Thượng tướng quân Trần Khát Chân, người đã đại thắng Chế Bồng Nga năm nào”. Nguyên Hãn nói: “Vậy thì đệ với huynh phải tìm nàng bằng được. Chiều mai, đến chỗ cũ, nhất định gặp nàng ở đó”. Quả nhiên, chiều hôm sau, cô bán chiếu cứ ngơ ngẩn như tìm ai ở Tây Hồ. Khi Nguyễn Trãi đến nơi thì nàng hốt hoảng như bị bắt quả tang đang trông ngóng, hò hẹn với người hôm qua…

Bốn năm sống với Nguyễn Trãi ở Cổ Mai mãi mãi khắc sâu trong cuộc đời quan Lễ nghi Học sĩ. Những năm đó, Ức Trai ngoài tuổi tam thập nhi lập, trí lớn muốn bay cao mà thân phận như bị cầm tù. Một tháng lên trình diện viên quan trị nhậm nam thành một lần, hằng ngày bảo ban mấy đứa trò nghèo, thỉnh thoảng về quê Nhị Khê với hai bà vợ và các con, thỉnh thoảng tiếp vài người bạn cùng cảnh ngộ, hoặc bạn luyện võ của Trần Nguyên Hãn, ban đêm bên ngọn đèn dầu soạn thảo “Bình Ngô sách”. Còn nàng, mới ngoài đôi mươi, đẹp rờ rỡ mà phải giấu những con mắt dòm ngó, suốt ngày lầm lũi dệt chiếu, dệt vải, chăm bữa ăn, ấm trà cho Ức Trai tiên sinh. Họ dựng hai căn nhà nhỏ, một căn dùng làm nơi dạy học, tiếp khách cho chàng. Một nơi nàng ở, trồng dâu, dệt vải và bán thêm chiếu gon gửi từ làng Hới lên. Dân chúng trong vùng kéo nhau mang con đến học Ức Trai, rồi khẩn hoang đất ven sông lập xóm trại. Nguyễn Trãi đặt tên chữ cho thôn mới là Khuyến Lương, tức khuyến khích việc nông tang, khuyến khích làm điều lương thiện.

 Đó là những tháng ngày nghèo khó, cám cảnh, mà Nguyễn Trãi đã từng viết:

 

“Góc thành nam lều một căn

No nước uống, thiếu cơm ăn

Con đòi trốn, dường ai quyến

Bà ngựa gầy thiếu kẻ chăn

Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá

Nhà quen xuế xóa ngại nuôi vằn

Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải

Góc thành nam lều một căn” (5)

 

Những năm ở Kẻ Mui ấy, hai người sống trong cảnh già nhân ngãi non vợ chồng. Có một nơi thảng hoặc họ hay lui tới là trang Cổ Hoạch, nơi có ông chú ruột Nguyễn Thư dạy học. Từ ngày quan Tư nghiệp Nguyễn Phi Khanh bị giặc Minh bắt giải về Yên Kinh, Nguyễn Trãi coi cụ đồ Nguyễn Thư như cha. Cụ đồ  mến đường ăn nết ở, mến tài thơ văn của Nguyễn Thị Lộ nên ngầm muốn tác nhân duyên cho hai người. Nhưng điều cốt yếu là phải thuyết phục được hai bà vợ của Nguyễn Trãi ở quê. Trong quê Nhị Khê, có nhà thờ  thân mẫu Nguyễn Trãi, có trường dạy học ở Ao Huê do thân phụ ông gây dựng, có nhà riêng cho hai bà vợ Trần Thị Thanh và Phùng Thị  Nhạn, cùng các con, chỉ cách Kẻ Mui một thôi đường, nhưng Nguyễn Trãi ít đưa Thị Lộ về, khi hai người chưa danh chính ngôn thuận. Hai bà vợ của Ức Trai có ý chê Thị Lộ gia đình không căn bản, nhưng nguyên cớ sâu xa là nàng quá đẹp, lại trẻ và hay chữ hơn người, được Ức Trai yêu chiều hơn tri âm tri kỷ.

 Một lần, Trần Nguyên Hãn, sau những ngày cùng Phạm Văn Xảo theo bọn Nguyễn Súy, Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị phò Trùng Quang đế, bị giặc Minh vây bắt, triệt đường sống, liền trở về rủ Nguyễn Trãi vào trấn Thanh Hóa tìm chân chúa mới. Nguyễn Trãi mừng lắm. Bấy giờ, sau gần chục năm nung nấu, chàng đã viết xong “Bình Ngô sách”, đang mong mỏi tìm minh chúa phò tá đánh giặc. Nguyễn Trãi muốn đem cả Thị Lộ theo. Bốn người thuê thuyền vào chỗ bà mẹ kế họ Nhữ và hai người em cùng cha khác mẹ của Nguyễn Trãi là Nguyễn Nhữ Soạn, Nguyễn Nhữ Trạch. Anh em gặp nhau mừng lắm. Họ bàn nhau xin kế mẫu họ Nhữ  đứng ra tổ chức lễ cưới cho Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ tại nhà Nguyễn Nhữ Soạn. Ấy là mùa xuân Mậu tuất (1418).

Bấy giờ, Lê Lợi, phụ đạo lộ Khả Lam, huyện Lương Giang, trấn Thanh Hóa, có khí chất đế vương, hăng hái dấy nghĩa binh đánh dẹp giặc Minh. Năm Bính thân (1416), tháng 2 ngày Kỷ mão, Lê Lợi cùng mười tám người cắt máu ăn thề tại Lũng Nhai đồng tâm đuổi giặc Ngô. Lưu Nhân Chú có mặt trong mười tám người này. Chàng nhắn tin cho Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Nguyễn Nhữ Soạn… Cả bọn háo hức cùng rủ nhau lên Lam Sơn. Khi nhìn thấy Lê Lợi ngồi thái thịt, thỉnh thoảng lại đút một miếng vào mồm, Nguyên Hãn rỉ tai Nguyễn Trãi: “Người cổ dài, miệng quạ thế kia, hệt như tướng mạo Việt vương Câu Tiễn ngày xưa. Loại người này chỉ ưa dùng bọn ta lúc hoạn nạn, chứ đến khi đoạt ngôi đế vương rồi, chắc chắn bọn ta sẽ không có đất dung thân”. Nguyên Hãn định kéo Nguyễn Trãi về. Nhưng Ức Trai bảo: “Mười năm anh em ta ém mình ở Đông Quan chờ thời. Ta xem thiên văn, thấy vùng đất Lam Sơn này có khí thiêng tụ hội, người kia tất ứng với sao Bắc Đẩu, có chân mệnh làm nên đại nghiệp. Anh em ta chẳng đã chờ quá lâu đó sao? Nếu phò tá Giản Định đế, Trùng Quang đế thì số phận anh em ta cũng chẳng khác gì Nguyễn Biểu, hay cha con Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Cảnh Dị? Có ai như Hàn Tín, dám chui qua háng một tên mổ thịt lợn? Có ai như Câu Tiễn chịu nhục nếm phân Phù Sai để chờ cơ hội phục quốc? Chân chúa khó tìm như tìm ngọc lục bảo họ Hòa. Người kia có khí chất làm nên vương nghiệp, có thể phò tá được”.

Sau, lại được Lưu Nhân Chú dỗ dành, bọn Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Nguyễn Nhữ Soạn, Nguyễn Nhữ Trạch cùng Nguyễn Trãi nhất tề xin đứng dưới trướng Lê Lợi. Nguyễn Trãi trở thành mưu sỹ số một. Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lưu Nhân Chú trở thành những đại tướng hàng đầu của nghĩa quân Lam Sơn.

         

 

                                        ***

 

 

Lại nói về đất Kẻ Mui.

Thôn Khuyến Lương của đất Kẻ Mui bây giờ  đã có mười mấy nóc nhà. Ngày Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ vào Thanh Hóa, Nguyễn Trãi thu xếp cho bà Phùng Thị Nhạn và hai con nhỏ Nguyễn Bảng, Nguyễn Thị Trà từ Nhị Khê ra ở trông nom nhà cửa, vườn tược. Sau này, vào cái năm Trần Nguyên Hãn bị chìm thuyền trên sông Lô, Nguyễn Trãi bị bãi quan, bị hạ ngục mấy tháng, rồi được tha, hai ông bà cũng lánh về đây ở cả năm trời. Ức Trai từng nói với bà Lộ: “Ở Côn Sơn ta tưởng cái tâm của mình tĩnh, hóa ra không phải. Chính Cổ Mai mới là nơi ta với nàng dưỡng già và gửi  nắm xương tàn. Đây là nơi ân nghĩa. Ta viết được câu mở đầu “Bình Ngô đại cáo”: “Nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân…” ( Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân), cũng là nhờ những năm sống với dân ở Cổ Mai này.        

Trong khi quan Lễ nghi Học sĩ đi thăm và tặng quà mấy gia đình có trẻ mục đồng bị nhà chức dịch bắt giam, mới được thả, thì cô bé Chi Lan cứ quấn lấy chị Phương, cô gái út của bà hai Nhạn. Nhìn hai chị em chơi với nhau, bà Lộ cảm thấy an tâm. Vậy là bà sẽ gửi Chi Lan ở lại trong những ngày bà về Côn Sơn. Chi Lan sẽ theo lớp học của cậu cử Nguyễn Bảng và chơi với chị Phương.

Bà Lộ không thể ngờ, đây là buổi chia tay Cổ Mai cuối cùng.

 

 

Chú thích

(1) Quốc âm thi tập – Tích thị cảnh -10

(2) Nhiều tài liệu lịch sử khẳng định Bộ “Quốc triều Hình luật”, sau được vua Lê Thánh tông phê duyệt và công bố năm 1469, gọi là bộ Luật Hồng Đức, do Nguyễn Trãi biên soạn từ thời Lê Thái tổ, có 722 điều, trong đó 200 điều phỏng theo luật nhà Đường, 17 điều phỏng theo luật nhà Minh, Trung Quốc,  328 điều là thuần Việt.

(3) Đại Việt sử ký toàn thư.

(4) Bình Ngô đại cáo.

(5) Thủ vĩ ngâm, bài 1,– Quốc âm thi tập – Nguyễn Trãi

 

 

 

 

 

Comments are closed.